Tiếng Nói Việt Nam Tác giả: Giang Nam Gửi đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam * Lời Tổ quốc êm êm như tiếng má Bên vành nôi ru giấc ngủ con thơ Tôi nghe giọng miền Nam thương mến lạ Tha thiết như quen thuộc tự bao giờ! * "Đây tiếng nói Việt Nam! Đây Hà Nội." Xa muôn trùng vẫn thầm thĩ bên tai! Rút lại cách ngăn, đẩy lùi bóng tối Thắp niềm tin cháy sáng giữa tim người * Như vú mẹ không cạn nguồn sữa quý Như dòng sông vô tận chẳng ngừng trôi Gói trọn tâm tình trên đôi cánh nhẹ Làn sóng đi mang nắng khắp phương trời! * Từng đoạn, từng lời, từng câu, từng chữ Từng tiếng đọc sai, từng lỗi nhỏ thông thường Sao vẫn ấm, ngọt ngào như hơi thở Đẹp như lòng chung thủy của người thương! * Tiếng chị phát thanh viên dịu dàng, trong sáng Báo tin mừng: Một nhà máy lắp xong Tôi tưởng thấy ngày mai vui chiến thắng Ống khói hòa bình vươn trên nước Cửu Long! * Ôi! Những buổi quân thù về càn quét Quê hương ta - Chị đang nói bỗng dừng Chị đã đọc bản tin nhòa trong nước mắt Hàng triệu người nghe chị cũng rưng rưng.. * Xe tăng Mỹ nghiến trên đường phố Và những lời ca cuồng loạn dâm ô Không ngăn được - bàn tay nào ngăn nổi Tiếng nói Đảng ta, tiếng nói của Bác Hồ! * Khúc hát Điện Biên vẫn ấm từng khe cửa Phá vành đai, xuyên giới tuyến, tháp canh! Sài Gòn thức đêm đêm theo Hà Nội Nghe tin thủ đô đập giữa tim mình! Tập thơ: Tháng Tám ngày mai (1962) Tiểu sử nhà thơ Giang Nam: Tên thật là Nguyễn Sung. Quê quán xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ông sinh trong một gia đình nho học. Tham gia Việt Minh từ tháng 8 năm 1945, làm công tác thông tin tuyên truyền ở xã rồi lên tỉnh làm Phó trưởng công ty Thông tin Khánh Hòa. Sau 1954 ông hoạt động ở miền Nam, làm Phó ban Tuyên huấn Khánh Hòa, Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, ủy viên tiểu ban văn nghệ Trung ương cục, trưởng ngành văn. Có thời gian làm Trưởng tiểu ban văn nghệ, ủy viên Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định. Từ 1975, từng làm đại biểu Quốc hội khóa VI, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa II, III. Tổng biên tập báo Văn nghệ, Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú khánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Hiện ông nghỉ hưu và sống ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ngoài thơ Giang Nam còn sáng tác văn xuôi chủ yếu là truyện, truyện ngắn. Các bút danh: Giang Nam, Châu Giang, Hà Trung, Lê Minh (sử dụng trên báo chí công khai xuất bản ở miền Nam từ 1955đến 1960). Các giải thưởng: Giải nhì về thơ tạp chí Văn nghệ năm 1961; bài Quê hương. Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965) của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam về thơ: Tập thơ Quê hương . Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2001) Bài thơ Tiếng nói Việt Nam là lời tâm sự của người dân Nam Bộ. Ngày ấy, ở miền Nam, nghe radio thu chương trình phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam thường phải nghe lén, mọi thông tin liên lạc với miền Bắc đều bị kiểm soát rất gắt gao. Mặc dù vậy, nhu cầu nghe Đài Tiếng nói Việt Nam của nhân dân miền Nam vẫn rất lớn. Bởi Tiếng nói Việt Nam chính là tiếng nói của Đảng, của Bác, của miền Bắc thương mến dịu dàng.