Bài thơ: Tiếng cuốc nửa đêm Tác giả: Nguyễn Văn Song Nguyễn Văn Song sinh năm 1974, tại Vân Điềm, Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội, là tác giả của hai tập thơ: Đi từ phía cổng làng, Mẹ và sen. Thơ Nguyễn Văn Song dễ đọc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người bởi ngôn ngữ thơ anh chân thành, mộc mạc nhưng lại có những câu từ đắt giá và hình tượng. Nhất là những bài thơ về cha mẹ, về làng quê. Những bờ ao, gốc rạ, cơi trầu, giỏ tre, gọng vó, cổng làng, sân đình.. được anh xem như là những kỷ vật để anh thực sự ký thác hồn mình để nhả ra ngôn ngữ thi ca đầy hình tượng. "Tiếng cuốc nửa đêm" được hình thành và hoàn thiện dựa trên những ấn tượng, sự ám ảnh ban đầu của tác giả về âm thanh của tiếng cuốc kêu da diết lúc nửa đêm. Tiếng cuốc dồn nén trong tâm tưởng, thôi thúc nhà thơ trăn trở để rồi từ đó chớp lấy một khoảnh khắc của cảm giác giữa miền thực và miền chiêm bao, giữa hiện tại và quá khứ. Bài thơ thể hiện nỗi niềm nhớ quê hương da diết của nhà thơ. Đó là sự gắn bó với những kỉ niệm của một thời kí ức: Những ngày gặt lúa trên đồng mùa hạ, là hình bóng mẹ chân chất, tảo tần, là những người quê dung dị. Qua đó, tác giả bộc lộ tình yêu quê hương tha thiết, thái độ trân trong với những kỉ niệm đã qua. Văn bản: Giật mình tiếng cuốc nửa đêm Hỏi lòng là thực hay miền chiêm bao Bước lần trở dậy ra vào Tiếng chim đã ở nơi nào cuốc ơi Đồng xưa tiếng cuốc đầy vơi Hè sang nắng lửa ngập trời như nung Người đi gặt lúa cháy lưng Cuốc kêu mất ổ nghẹn từng đêm sâu Mẹ ta quần mảnh, áo nâu Đêm khuya cặm cụi ngồi khâu dưới đèn Rơi tiếng cuốc cuốc ưu phiền Ngón gầy khâu mãi chẳng liền năm canh Tre làng nên lũy, nên thành Thấy con chim cuốc hiền lành mà thương Người làng quanh quẩn cà tương Lòng như chim cuốc một phương quê nhà Tháng năm bằn bặt nơi xa Dấu xưa đã ngỡ như là khói mây May còn tiếng cuốc đêm nay Chợt nghe lòng đã đong đầy tiếng quê.