Truyện ngắn : Tiếng chiêng về sáng Tác giả : NS Trần Văn Lộc Cho mãi đến bây giờ tôi vẫn chưa quên gương mặt tái xám của H’ Mai hôm ấy .Đôi mắt đen láy đã vĩnh viễn nhắm lại, nét hồn nhiên, ngây thơ biến mất nhường chổ cho dấu vết những cơn đau đớn còn sót lại sau cái chết thảm khốc. Hai trạng thái khác biệt ấy chỉ cách nhau trong vòng một ngày.Mới hôm qua em còn tươi cười hẹn sẽ đi rẫy lấy xoài cho tôi, vậy mà hôm nay chưa kịp bước chân ra rẫy em đã vĩnh viễn nằm lại. Tôi sẽ không bao giờ còn nhận được những trái xoài đầu mùa thơm ngát từ bàn tay em học trò dễ thương ấy nữa Tôi chủ nhiệm H’Mai đã ba năm nay, từ ngày mới bước chân về trường và nhận lớp chủ nhiệm. Ngày đầu bước vào lớp tôi đã chú đến cô bé dân tộc J Rai có đôi mắt sáng thông minh và hiền hậu ngồi ở bàn đầu. Em có gương mặt sáng sủa khác hẳn các em khác. Em nói tiếng phổ thông cũng rất chuẩn mặc dù mới là lớp sáu. Càng về sau tôi lại càng ngạc nhiên và thích thú hơn khi thấy em biết chào thầy khi đến khu tập thể giáo viên chơi cùng các bạn, trong khi các em khác cứ tự nhiên đi về,chẳng chào thầy, cô nào. Trong lớp em là một trong số học sinh giỏi văn, điều này rất hiếm đối với học sinh dân tộc ít người, đó cũng là điều mà một giáo viên văn như tôi rất quí.Em và gia đình em cũng rất quí mến tôi, mùa nào có thứ trái cây gì ở rẫy em đều mang về biếu tôi . Chiều chiều đi rẫy về em đều ghé vào khu tập thể giáo viên để cho thầy, khi thì mấy lóng mía, khi thì mấy lon gạo đầu mùa, khi thì mấy trái bắp non, có khi mấy con cá mà ba em đánh được ngoài sông, gia đình em khi có việc cũng hay gọi tôi đến uống rượu rồi giữ lại ăn cơm nhưng phần nhiều tôi hay tìm cách từ chối vì tửu lượng quá yếu vả lại tôi chả thấy có gì ngon ở cái vị chua chua, nồng nồng, đắng đắng của rượu ghè, không như những giáo viên cùng trường, cứ thỉnh thoảng tìm mua về một ghè cùng nhau uống. Người dân tộc Ja Rai ở đây chỉ không thích tôi ở mỗi điểm đó, còn các phong tục khác như nhảy xoan, đánh chiêng, nói tiếng dân tộc tôi đều làm được cả, vậy nên đi đến làng nào dân làng cũng biết tôi. Ngày mới về tôi hay thích theo học sinh đi chơi các làng trong xã vì tính tôi thích khám phá những điều mới lạ, đó cũng là lí do vì sao tôi trụ lại ở xã vùng sâu, vùng xa nghèo khó này lâu đến thế mà không bỏ nghề như một số bạn bè cùng khóa Mùa khô ở đây kéo dài đến sáu tháng, hồi ấy chưa có công trình Ayun Hạ nên ở xứ sở thung lũng này, mang tiếng là Tây Nguyên nhưng nóng và khô khốc, khó chịu hơn đồng bằng. Ai đã đến chắc đều không muốn quay lại . Xuống khỏi đèo Chư Sê người ta cứ tưởng đến đồng bằng vì lại thấy rất nhiều tre, dừa và đồng ruộng nứt nẻ. Ngang qua các làng dân tộc hai bên đường đều trống trơn, chẳng thấy màu xanh cây lá, ngoại trừ cánh đồng cỏ cháy hai bên đường, một vài cây cọ xa xa, đứng chơ vơ giữa cánh đồng. Trong làng thì bụi bặm bốc lên theo từng cơn gió, mấy con heo đen sì bụng ỏng, lang thang bên cạnh mấy đứa trẻ con trần truồng đen cháy đứng nhìn chiếc xe khách chạy ngang, vài người đàn bà ở trần, đứng giã gạo trước sàn nhà . Vậy đó, ngày đầu tiên tôi đến nhận nhiệm sở ở một huyện như thế, nhưng bấy nhiêu đó chưa phải là hết, còn khủng khiếp hơn nếu như bạn nghe hai câu thơ về huyện này : “ Thành phố Fulro Thủ đô đu đủ” Thật thế, thuở ây AyunPa nổi tiếng có nhiều Fulrô hoạt động, năm 1983 Fulrô còn chận xe khách từ Gia Lai xuống Ayunpa và cướp sạch tài sản trên xe, nhưng đó chỉ là một số ít phần tử người JRai xấu, còn lại học sinh tôi rất ngoan, dân làng thì rất quí mến giáo viên chúng tôi Mùa khô đến cũng là mùa xoài, ở vùng này xoài rất nhiều, hầu như ở rẫy nào cũng có một,hai cây xoài, cây rất to trồng từ đời nào không biết, người dân tộc trồng nó để lấy bóng mát nghỉ trưa khi đi làm rẫy, họ đi từ sáng đến chiều mát mới về nên hầu như ban ngày trong làng rất vắng vẻ,họ ở hết ngoài rẫy,có lẽ cũng để tránh cái nóng ngột ngạt từ mái tole rất thấp của nhà sàn nữa ! Buổi chiều không dạy, tôi hay đi lang thang theo các lối mòn qua rẫy, các lối mòn ở đây rất giống đồng bằng quê tôi, tôi rất thích các lối đi chui qua các lùm tre dày, có khi lượn qua bờ sông,có khi băng qua rẫy, rất mát và đầy tiếng chim kêu ríu rít, đôi lúc bắt gặp một con chim cút chạy ngang qua lối đi hẹp, lủi nhanh vào bờ dậu rậm rạp, khung cảnh ấy làm tôi nhớ tuổi thơ của mình quá, nhớ quê và gia đình nữa...Buổi chiều mùa khô ở đây hay có những cơn giông, xoài chín rụng đầy gốc, thỉnh thoảng tôi gặp các em học sinh đi rẫy, gặp thầy các em hay mắc cở, nhất là các em nữ,nhưng cũng có em rất bạo dạn chuyện trò với thầy, dạy thầy tiếng Ja Rai ,dạy thầy nhảy xoan, H’Mai là một trong những em học sinh như thế. Thuở ấy, thời bao cấp thiếu thốn nhưng thật vô tư, vui vẻ,tập thể giáo viên chúng tôi đều từ đồng bằng chi viện cho Tây Nguyên nên yêu thương nhau như anh em một nhà. Hơn nữa ngoài tập thể chúng tôi là người Kinh ra chung quanh là làng dân tộc nên mặc dù chúng tôi quê tứ xứ, Bình Định, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Hà nam Ninh ...chúng tôi vẫn hòa hợp với nhau, chăm sóc nhau khi đau ốm, chia vui, xẻ buồn chứ không như thời kinh tế thị trường bây giờ, nhiều trường giáo viên ganh nhau từng tiết tăng giờ, giành nhau từng học trò học kèm... Trường nằm trên quốc lộ 25, cách thị trấn 12km cũng có nghĩa là cách xa chợ 12km, xa bệnh viện 12km, xa ánh sáng văn minh,xa văn hóa tinh thần 12km nên cuộc sống của chúng tôi thật thiếu thốn mọi mặt. Tập thể có hai chiếc xe đạp của hai gia đình giáo viên lớn tuổi, còn lũ mới ra trường như tôi làm gì sắm nổi xe đạp, vậy nên một tháng mới đi chợ một lần, vả lại thời bao cấp mắm, muối, gạo, thịt gì đều ăn tem phiếu, có tiền đâu mà đi chợ, bữa cơm thường là nồi canh trong suốt vì nấu bằng trái giang, thậm chí có khi là mấy miếng xoài xanh bỏ tí muối, tí bột ngọt để chan với cơm cho dễ nuốt, vậy mà bếp tập thể vẫn vang tiếng cười chứ chẳng có ai nhăn nhó, than van gì .Có lúc hết gạo chúng tôi chia nhau vào làng xin bắp ăn qua ngày, chờ đến xuất gạo tháng sau. Nổi khổ của giáo viên chúng tôi chưa hết bởi mùa khô cũng là mùa của bọ chét, những sinh vật nhỏ bé ấy có rất nhiều dưới đất bột, nhất là những nơi gần làng, vì có lẽ sinh ra từ phân bò, cắn rất ngứa và để lại vết thâm đen trên da rất lâu, có người còn bị nhiễm trùng hóa thành ghẻ. Tội nhất là các cô, thịt da con gái hình như ngon ngọt hơn con trai hay sao mà bị bọ chét cắn nhiều hơn, tay chân cô nào cũng loang lổ, các cô thường gọi đùa với nhau là những “ bông hoa nhỏ”. Riêng tôi thì đã được “ làm quen” với bọ chét từ năm trước khi về thực tập ở một trường cách đó 12km, xong đợt thực tập tôi đã thề sẽ không bao giờ quay lại nơi này nữa, nhưng rồi như một định mệnh, ra trường tôi lại quay về đúng nơi ấy. Ngày trở lại Ayunpa tôi không ngờ mình về đúng cái trường mà lúc ngồi trên xe khách lần đi thực tập ngang qua mình đã đeå yù nhìn, trường nằm giữa làng dân tộc đìu hiu, vẻ buồn muôn thuở ngự trị suốt cả ngày, cả không gian quanh đấy. Ban đêm thì càng buồn hơn, bóng tối tàn nhẫn tha hồ bành trướng bởi chỉ có vài ngọn đèn dầu leo lét ở những gian phòng tập thể giáo viên, còn trong làng dân tộc gần đó thì tối mịt, xa xa có vài nhà bập bùng lửa bếp, điệu dân ca J Rai buồn bã của một thanh niên đang nhớ người yêu nào đó văng vẳng từ trong bóng đêm hun hút...Ở đây chỉ có một trò vui duy nhất đó là ngày làng “ ăn nhà mã”, tiếng Ja Rai gọi là “ hỏa Pơ sát” Theo cách hiểu của tôi thì đó giống như ngày giỗ của người Kinh, có khác là người Kinh giỗ ở nhà còn người Ja Rai tổ chức tại mã vì ở nhà không có bàn thờ như người Kinh . Gia đình chủ mã thông báo cho các làng xunh quanh, có khi thanh niên ở các làng rất xa, mười mấy, hai mươi cây số cũng kéo về và dĩ nhiên là họ đi bộ từ buổi trưa hoặc chiều vì ngày ấy làm gì có xe . Trai, gái sắm sửa váy áo đẹp nhất, phấn son rồi kéo nhau đi như đi hội . Các đội chiêng các làng cũng kéo đến thi tài, đội nào đánh hay nhất sẽ được nhà chủ thưởng cho cái đầu bò . Thường thì buổi chiều hôm ấy trong làng đã chuẩn bị rộn rịp, đội chiêng làng đã mang chiêng ra đánh thử, đang học mà các em nghe tiếng chiêng nét mặt tươi hẳn lên, bàn nhau xôn xao và mất tập trung vào tiết học, thậm chí tôi cũng thấy rạo rực chứ đừng nói các em . Nhưng cũng tiếng chiêng ấy lúc nửa đêm về sáng vọng từ làng xa đến làm tôi buồn không thể tả, tiếng chiêng đánh thức tôi và trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh, nằm nghe tiếng chiêng văng vẳng giữa đêm khuya yên lặng tôi cứ tưởng mình lạc đến một thế giới xa lạ nào, đang trôi bềnh bồng về một phương trời hiu hắt nào, xa hẳn người thân yêu, nhớ gia đình và tuổi thơ ở quê nhà, tưởng như không bao giờ còn trở về được nữa, tôi thấy mình như bị lưu đày, bị chôn vùi mãi mãi nơi đây, rồi những giấc mơ buồn kéo đến vây quanh tôi, những kỉ niệm buồn cùng tiếng chiêng cứ ray rứt theo tôi mãi, kỉ niệm vui khi nhớ lại đã thấy buồn, kỉ niệm buồn nhớ lại càng buồn hơn, tôi cứ miên man với những hoài niệm, không ngủ được, ngoài kia vầng trăng hạ tuần khuyết, vàng vọt úp xuống như một con mắt buồn còn lại giữa không gian mênh mang … . Các lễ ăn nhà mã của người Ja Rai thường bắt đầu lúc 20 giờ và kéo dài đến 5 giờ sáng hôm sau, rồi tạm nghỉ đến 16 giờ bắt đầu trở lại, đến khoảng 18 giờ thì kết thúc, mọi người kéo nhau về trong trạng thái say nghiêng ngã, có khi về không dến nhà, nằm ngủ luôn ven đường . Thời ấy vì buồn nên thỉnh thoảng tôi cũng tham gia, tôi được H’ Mai dạy cách nhảy cho đúng nhịp, vì nếu nhảy không đúng nhịp sẽ giẩm váy cô gái bên cạnh và các cô sẽ bỏ chạy đi nơi khác, không nhảy với mình nữa ! Đôi lúc, trong tiếng chiêng vang rền, tiếng hú hoang dại, trong không khí trầm hùng hoang sơ ấy tôi chợt quên mất mình là ai, muốn vứt bỏ ngay cái chức thầy giáo vướng bận, muồn trở thành một chàng trai khỏe mạnh, thanh xuân của núi rừng hùng vĩ trong đêm dạ hội Tây Nguyên này, nhưng rồi chỉ được chốc lát, tôi lại trở về với chính tôi, vì không nói rành tiếng Ja Rai, nhảy chưa được chuẩn nên “ cái đuôi” người Kinh lòi ra và vì vẫn còn sự kì thị của một số người ở các làng khác, không biết tôi là giáo viên , giữa giây phút tôi bị chối bỏ ấy tôi bỗng thấy mình cô đơn kinh khủng, tôi lại có y nghỉ muốn bỏ về đồng bằng ngay sáng mai để trở về thế giới của mình, quê hương mình. Nhưng sáng hôm sau lên lớp, gặp gương mặt ngây thơ của các em tôi lại quên hết buồn phiền, rồi không khí đầm ấm của tập thể giáo viên làm vơi đi nổi nhớ bạn bè, gia đình ở tít dưới đồng bằng xa kia, trừ thời gian gần tết, khồng khí tháng chạp se lạnh, nắng vàng, sương mù lại tiếp tục gợi nhớ những kỉ niệm về tuổi thơ ở quê nhà trong tôi, tôi lại xôn xao chờ đợi ngày nghỉ để về quê ăn tết với gia đình . Đó là điều may mắn của tôi so với các giáo viên quê tận ngoài Bắc, ít ra một năm tôi còn được sum họp với người thân trong dịp tết còn họ thì với thời gian nghỉ tết một tuần, tiền lương ít ỏi, phương tiện tàu xe thiếu thốn thời bao cấp làm sao có thể vượt ngàn cây số về với gia đình, vậy nên họ đành ở lại ăn tết với nhau vì người dân tộc Ja Rai thời ấy chưa biết tết của người Kinh, sáng mùng một họ vẫn vác cuốc đi làm như ngày thường, cũng may là cách trường không xa mấy có một làng kinh tế mới người Hà Nam Ninh, để họ còn được đi chúc tết hoặc đón khách đến nhà chơi Thiếu người Kinh, tết đến thật buồn nhưng khi người dân kinh tế mới kéo đến đông họ cũng là nguyên nhân gây xáo trộn, phá vỡ sự yên bình nơi đây, làm mất đi sự hồn nhiên, tốt bụng của người Ja Rai, họ biết buôn bán, tính toán chứ không còn vô tư cho, tặng nữa, rồi tệ nạn ăn cắp vặt cũng xuất hiện trong học sinh vì có nhiều hàng quán mọc lên . Học sinh bây giờ có mang quà đến biếu thầy cũng vì ở lại lớp hoặc thiếu điểm chứ không vô tư như trước nữa, nhưng điều mà tôi tiếc nhất đó là họ đã làm biến mất những khung cảnh thiên nhiên đẹp hoang sơ của tôi . Bờ sông lau sậy đìu hiu, những bờ hồ với lùm tre mát rượi tôi ngồi câu cá, con đường mòn quanh co, nhỏ bé họ đã rào ngang, cuốc đi, làm nhà hoặc làm ruộng mất rồi…Họ còn phá rừng ghê gớm, đi kinh tế mới để khai khẩn đất hoang nhưng vì thấy khai thác gỗ mang lại nhiều lợi nhuận hơn nên họ đều lao vào nghề rừng . Trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động ảnh hưởng xấu đến đạo đức học sinh như thế, H’Mai vẫn không có dấu hiệu nào suy giảm lòng tin yêu đối với tôi, em vẫn giữ tình cảm quí mến tôi như năm nào mặc dù cuộc sống có khó khăn hơn, em phải đi làm rẫy nhiều hơn, em vẫn dành thời gian hái cho tôi những trái cây đầu mùa vừa chín tới mà tôi thích . Năm học thứ ba tôi chủ nhiệm em sắp kết thúc, sang năm có lẽ tôi không còn dạy em nữa nhưng điều ấy chưa xẩy ra thì em đã vĩnh viễn dừng lại, dường như muốn mãi mãi là học trò chủ nhiệm của thầy hay sao không biết… Chiều hôm ấy, một buổi chiều tháng ba, chiều mùa khô chậm tối lắm, ráng đỏ, ráng vàng tận chân trời thảo nguyên xa thẳm, lửa đốt rẫy cháy trên sườn núi xa như những vết thương đỏ máu trên thân mình con khủng long thuở hồng hoang còn sót lại, buổi chiều nóng bức trong thung lũng thiếu gió có những đàn bò đi ăn trong rừng về muộn. Người đi rẫy về từng hàng dài, cỏng con trên lưng, mệt mỏi bước đi trong đám bụi mù do đàn bò giẩm tung lên, cảnh sắc mùa khô Tây Nguyên đơn điệu quá ! Tôi đứng nhìn khung cảnh quen thuộc ấy vì dù sao cũng đở ngán hơn là mùa mưa nhầy nhụa, buồn bả thì chợt nghe thấy có tiếng trống báo hiệu người chết nổi lên phía làng, tôi hỏi một người dân làng đi qua, ông ta nói H’Mai chết vì tự tử, tôi hỏi vì sao, ông ấy nói qua loa rằng do em bị cha mẹ la vì lỡ tay đánh bể cái ché quí của dòng họ, ông ta còn nói gì đó nữa nhưng tôi không còn đủ bình tỉnh để nghe hết câu chuyện. Khi tôi bước chân lên cầu thang nhà H’ Mai thì dân làng cũng đã tập trung đông đủ . Ở một góc sân tôi nhìn thấy hàng chục ghè rượu, một đống lửa được đốt cháy từ bao giờ ở giữa sân, một số thanh niên đang khiêng nước về để chuẩn bị đổ vào ghè . Trong nhà, gần cửa là một nhóm đàn ông ngồi quanh một ghè rượu đã được cột dây và mở nắp, họ vừa hút thuốc vừa uống rượu và nói chuyện như là họp mặt bình thường, thấy tôi vào họ chào và đưa vòi rượu về phía tôi mời uống, tôi lắc đầu, lách qua đám uồng rượu tôi vào phía bên trong . Bên trong toàn là đàn bà, tôi nhận ra mẹ, bà H’Mai và những bà già khác ngồi chung quanh giường em, họ khóc nhưng không có nước mắt, xen lẫn những câu kể bằng tiếng Ja Rai là những tiếng hú, tiếng kêu đau thương . Em nằm trên giường bất động, cứng đờ, tôi không tìm thấy sự thân quen nữa mà như xa lạ lắm, mà không xa lạ sao được vì em đâu còn biết có tôi hiện diện nơi đây, chứng kiến sự ra đi một mình, cô đơn về phương trời xa xôi nào chỉ còn thấy trong giấc mơ thôi…. Mẹ em níu lấy tay tôi và nói một tràng tiếng J Rai xen lẫn tiếng nấc, tôi không nghe được gì, tôi an ủi bà mấy câu rồi bỏ đi ra, mầy người đàn ông gần cửa chặn tôi lại uống rượu, tôi cầm bát rượu hững hờ đưa lên môi, lần đầu tiên tôi nhận ra rượu không đắng nữa, vị đắng của rượu không lấn át được vị đắng tôi đã mất em Tôi lơ mơ nghe ba em kể. Trưa hôm ấy đi học về H’Mai đi ra sông lấy nước, khi về lấy quả bầu ra khỏi gùi em lỡ tay làm rơi bể quả bầu, nước chảy tung toé, mẹ em tiếc của nên hơi nặng lời với em, chiều hôm ấy H’Mai bảo mệt không đi rẫy, chờ mọi người đi hết em đã chuẩn bị cho chuyến đi xa của mình. Em đã hái một loại trái cây có hoa màu vàng được trồng làm hàng rào ở vùng này, giã ra hoà với nước uống ( người Ja rai ở đây hay tự tử bằng loại trái này) Tôi biết loài cây ấy, trong sân trường cũng có vài cây, tôi cũng thích những đoá hoa vàng ấy nhưng không ngờ bó lại có thể làm chết người, “đoá hoa vàng mỏng manh cuối trời”(1) ấy như lời chia tay mãi mãi của em với tôi Có một người hỏi tôi có biết cây ấy người Kinh gọi là cây gì không? Tôi bảo không biết, mà biết để làm gì nhỉ ? Chỉ biết là em đã chết rồi ! Ngoài kia tiếng chiêng bắt đầu nổi lên, đó là đội chiêng trẻ, thường trong làng có hai đội chiêng, môt đội chiêng thanh niên, một đội chiêng của người lớn, chiêng người lớn thường đánh với nhịp chậm, buồn còn chiêng thanh niên đánh rộn rã hơn để cho thanh niên nhảy xoan . Tôi ra đầu sàn nhà ngồi nhìn xuống, vòng xoan đã hình thành từ bao giờ rồi, tôi nhìn thấy những gương mặt quen thuộc của học sinh lớp tôi, bạn cùng lớp với H’ Mai, đang nắm tay nhau vui cười nhảy theo nhịp chiêng quanh nhà H’ Mai như chẳng hề biết rằng bạn mình đang nằm trên kia ( khi mới về đây tôi rất lạ lùng về việc này, tôi tưởng người Ja rai không biết buồn khi tử biệt, tôi hỏi các giáo viên người J Rai, họ giải thích người dân tộc làm như vậy để vơi đi nổi buồn của gia đình có tang và để cho người chết ra đi vui vẻ, chẳng biết H’Mai có vui khi thấy đông đủ bạn bè trong lớp đang nhảy dưới kia hay không, riêng tôi, tôi không thể nào làm như thế được . Tôi lặng lẽ bước xuống cầu thang, chen ngang vòng xoan đi về, mấy bàn tay học sinh níu lấy tôi “ thầy nhảy đi thầy”, tôi lắc đầu, bước ra đường nhựa, đường vắng tanh, trăng đã lên cao, bầu trời đêm trong xanh, bóng những mái nhà sàn nằm im lìm, những chiếc cầu thang lật sấp như lời từ chối tiếp đón những vị khách muộn màng, một mình trên đường vắng, bỏ lại tiếng chiêng rộn rã sau lưng tôi thấy đầu óc trống rỗng , trống như chổ ngồi của H’ Mai trong lớp sáng mai đây tôi phải đối diện . Tiếng chiêng vẫn đuổi theo sau lưng tôi, xa dần, xa dần, buồn bã, tiếng chiêng sẽ còn đi vào giấc ngủ của tôi tới rạng sáng . Tiếng chiêng lúc về sáng sao mà buồn thế, nó ám ảnh tôi, nó như đưa ta đến tận cùng nổi nhớ, quá khứ lần lượt hiện về với khuôn mặt xa xăm, buồn bã . Lúc này mọi người đã ra về hết, bạn bè cũng ra về hết để còn chuẩn bị đi học, chỉ riêng H’ Mai là không đi học nữa, H’ Mai có buồn không ? Truyện ngắn của Trần văn Lộc