Cụm từ "tiến sĩ giấy" được sử dụng trong giao tiếp của người Việt đương đại khá nhiều, vậy thuật ngữ này có nguồn gốc từ đâu, ý nghĩa là gì? Tiến sĩ giấy là gì? Tiến sĩ giấy là gì? Trẻ em thời xưa thường được cha mẹ mua cho những hình nhân tiến sĩ làm bằng giấy để chơi mỗi dịp tết Trung thu với mong muốn con cái học hành giỏi giang, chăm chỉ để sau này thành đạt, làm những việc có ích cho xã hội. Ý nghĩa của ông Tiến sĩ giấy là biểu tượng của sự giỏi giang, công danh thành đạt. Cụm từ tiến sĩ giấy hiểu theo nghĩa đen chính là những đồ chơi cho trẻ em làm bằng giấy phác hình dạng các vị tiến sĩ ngày xưa. Cụm từ "tiến sĩ giấy" dùng theo nghĩa bóng xuất phát từ bài thơ "Tiến sĩ giấy" (hoặc Vịnh tiến sĩ giấy) của nhà thơ Nguyễn Khuyến: Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai. Cũng gọi ông nghè có kém ai. Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng, Nét son điểm rõ mặt văn khôi. Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ? Cái giá khoa danh ấy mới hời! Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ, Nghĩ rằng đồ thật, hóa đồ chơi! Nội dung chính của bài thơ Tiến sĩ giấy: Trong bài thơ trên, Nguyễn Khuyến sử dụng hàng loạt những cụm từ miêu tả tiến sĩ giấy như: cờ, biển, cân đai, mảnh giấy, nét son, mặt văn khôi, xiêm áo, khoa danh, ghế tréo, lọng xanh... để "vịnh" tiến sĩ giấy đồ chơi. Tuy nhiên, Nguyễn Khuyến chỉ mượn món đồ chơi tiến sĩ giấy để nói về thời cuộc. Cứ mỗi ba năm, nhà nước lại mở các khoa thi để tuyển chọn người hiền tài. Có nhiều tiến sĩ thực sự có tài năng, nhân phẩm đã phò vua giúp nước. Nhưng bên cạnh đó, có không ít những tiến sĩ đi học, đi thi, hoặc mua quan bán tước tìm mọi cách đỗ đạt làm quan cốt để hưởng lộc vua chúa, để vơ vét nhân dân, ăn của đút lót... Trong quan niệm của Nguyễn Khuyến, những tiến sĩ ấy chỉ là "đồ giả", là "tiến sĩ giấy" mà thôi. Câu thơ cuối cùng: Nghĩ rằng đồ thật, hóa đồ chơi! với cách nói lấp lửng làm cho thật giả cứ lẫn lộn cả lên, thực chất là lời phê phán thâm thúy, sây cay của Nguyễn Khuyến đối với những tiến sĩ "thật" mà thực chất là "dỏm". Như vậy, cụm từ "tiến sĩ giấy" còn là cách nói để chỉ những tiến sĩ chỉ có hư danh mà không có thực tài, hoặc có tài mà không có đức. Đọc hiểu bài thơ: Tiến sĩ giấy - Nguyễn Khuyến Nguyễn Khuyến (1835 – 1909), quê ở làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Sinh thời, ông thông minh, học giỏi, nên đỗ đầu cả ba kì thi: thi Hương, thi Hội, thi Đình. Vì vậy, Nguyễn Khuyến được mệnh danh là Tam Nguyên Yên Đổ. Làm quan cho nhà Nguyễn được hơn mười năm, Nguyễn Khuyến cáo quan lui về ở ẩn. Nguyễn Khuyến để lại số lượng lớn các tác phẩm: Yên Đổ thi tập, Quế Sơn thi tập, Cẩm Ngữ, Bách Liêu thi văn tập - với khoảng hơn 800 bài thơ. Phong cách thơ Nguyễn Khuyến có những nét độc đáo: ông sáng tác và thành công ở cả hai mảng: thơ trữ tình và thơ trào phúng. Thơ trữ tình thì nhẹ nhàng, sâu lắng; thơ trào phúng thì thâm thúy, sâu cay. Bài thơ "Tiến sĩ giấy" là một trong những bài thơ trào phúng tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Khuyến. Bài thơ có liên quan đến một món đồ chơi của trẻ con trong dịp tết Trung thu: tiến sĩ giấy. Ông tiến sĩ giấy còn được gọi là ông Nghè tháng Tám – được gấp, cắt dán bằng giấy màu bắt mắt với đủ lệ bộ: cờ, cân, đai, áo, mặt bôi son, ngồi trên ghế tréo khơi dậy trẻ em lòng ham học và ý thức phấn đấu theo con đường khoa cử. Lớp nghĩa thứ nhất của bài thơ là vịnh ông tiến sĩ giấy "đồ chơi". Trong bài thơ, hình ảnh ông Nghè tháng Tám, thứ đồ chơi của trẻ em được tác giả miêu tả cụ thể, sinh động bằng nhiều chi tiết: "cờ", "biển", "cân đai", "mảnh giấy", "nét son", "xiêm áo", "ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe". Lớp nghĩa thứ hai hướng đến việc châm biếm những tiến sĩ giấy - hư danh, bất tài, vô dụng trong xã hội thực dân nửa phong kiến - xã hội thời Nho học suy vi, các rường mối xã hội trở nên rệu rạ, tệ mua quan bán tước phổ biến, xuất hiện nhiều kẻ có hư danh mà không có thực tài. Những người có thực tài cũng không đóng vai trò quốc gia đại sự. Bài thơ viết trên sự trải nghiệm, thấm thía về cái nhố nhăng thời cuộc cùng sự bất lực của nhà nho trước sự đòi hỏi mới của đất nước. Cách nhà thơ sử dụng điệp từ "cũng", các câu hỏi tu từ "có kém ai", "sao mà nhẹ", cách nói lấp lửng "tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi", giọng điệu giễu nhại mỉa mai... khiến thật giả cứ lẫn lộn: đồ chơi giả mà giống in như thật; còn đồ "thật" là những tiến sĩ bằng xương bằng thịt thì "hóa đồ chơi" – giá trị chỉ tầm thường như thứ đồ chơi bằng giấy, hay nói cách khác là chỉ có hư danh không có giá trị thật. Cái danh giá hão của ông nghè chỉ là "mảnh giấy" dễ rách, chỉ là "nét son" dễ nhòe mà thôi! Thực chất, những ông Nghè ấy tuy "Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai" nhưng chỉ là thứ "đồ chơi" - con rối được giật dây bởi bọn Toàn quyền, Khâm sứ, Công sứ - những ông Tây bụng phệ không hơn không kém. Khi viết bài thơ này, Nguyễn Khuyến cũng là một ông Nghè. Nhưng khác với bọn hữu danh vô thực, Nguyễn Khuyến là một nhà nho thực tài, ba lần đỗ đầu thi Hương, thi Hội, thi Đình. Điều đáng quý là không bao giờ là kẻ hợm mình, mà còn nghiêm khắc với bản thân mình, luôn tự day dứt với bản thân bởi "Ơn vua chưa chút báo đền – Cúi trông hổ đất, ngửa lên thẹn trời." Bài thơ vì vậy còn hàm nghĩa tự trào. Nguyễn Khuyến tự cười mình, thẹn cho mình mang danh tiến sĩ mà lại không giúp được gì cho nước, cho vua: "Sách vở ích gì cho buổi ấy - Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già". Tiếng cười tự trào cái hư danh nhiều khi cất lên tưởng đùa vui mà chua chát: "Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ - Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng". Tiếng cười trong Tiến sĩ giấy vì thế là tiếng cười trong nước mắt. Nghệ thuật bài thơ Tiến sĩ giấy: Bút pháp trào phúng nhẹ nhàng, càng đọc càng thấy "thâm", càng đọc càng thấy "thấm"; ngôn ngữ thơ đa nghĩa, biến hóa linh hoạt; giọng điệu phong phú khi lạnh lùng khi chua chát; cách sử dụng lối thơ song quan, mượn chuyện hư nói chuyện thật... Bài thơ "Tiến sĩ giấy" phản ánh chuyện khoa cử thời Hán học suy tàn, qua đó châm biếm hạng người mang danh khoa bảng mà không có thực tài; đồng thời còn bộc lộ niềm day dứt của nhà thơ về sự bất lực của chính mình trước thời cuộc.