Thuyết trình giáo dục công dân 10 - Bài 13

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Won Young, 10 Tháng ba 2021.

  1. Won Young

    Bài viết:
    19
    BÀI 13: CÔNG DÂN VỚI CỘNG ĐỒNG

    Mục II: Trách nhiệm của công dân với cộng đồng

    1. Cộng đồng nhân nghĩa.

    A) Khái niệm:

    - Nhân là lòng thương người

    - Nghĩa là những điều hợp lẽ phải trong cách xử thế của con người ở trong xã hội

    - > Nhân nghĩa là lòng thương người và đối xử với người theo lẽ phải

    - > Nhân nghĩa chính là một giá trị đạo đức cơ bản của con người

    B) Ý nghĩa của lối sống nhân nghĩa:

    - Nhân nghĩa là truyền thống đạo đức cao đẹp của dân tộc Việt Nam ta, được hun đúc qua các thế hệ từ ngàn xưa cho đến nay và ngày càng được duy trì và phát triển

    - Sống nhân nghĩa sẽ khiến con người cảm thấy cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, không những vậy còn giúp xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

    - Sống trong một cộng đồng nhân nghĩa sẽ khiến ta thêm yêu cuộc sống.

    - Tinh thần nhân nghĩa của mọi người xung quanh truyền tới ta và trở thành một loại năng lượng với nguồn sức mạnh vĩ đại, tạo cho ta động lực vượt qua khó khăn, trở ngại.

    - Tuy nhiên, nếu con người không sống nhân nghĩa thì hẳn là một góc nào đó trong xã hội sẽ tràn ngập u buồn, đau thương, mất mát.

    C) Biểu hiện của nhân nghĩa:

    * Trong cuộc sống thường ngày:

    - Là tấm lòng nhân ái, sự yêu thương giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau khi hoạn nạn, khó khăn mà không hề đắn đo; là sự tương trợ lẫn nhau trong lao động, cuộc sống:

    · Ngay từ những hành động nhỏ như quyên góp sách vở, quần áo cho trẻ em ở vùng cao hay đóng góp ủng hộ cho nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam

    · Mua hàng ủng hộ người khuyết tật cũng là một hành động thể hiện tình yêu thương giữa người với người.

    · Ngay trong gia đình, nhân nghĩa được thể hiện qua những hành động chăm sóc, thái độ quan tâm, biết ơn hiếu thảo của con cháu với ông bà, cha mẹ.

    · Trong thời kì đại dịch Covid, có vô vàn hành động ý nghĩa khác nhau nhưng đều có một điểm chung chính là sự nhân nghĩa. Tinh thần tương thân tương ái, tấm lòng nhân nghĩa cao cả được lan tỏa khắp cộng đồng, tất cả già trẻ gái trai. Dù tuổi còn nhỏ nhưng các bạn học sinh ở thị xã Sơn Tây đã hưởng ứng lời kêu gọi mổ lợn tiết kiệm của bản thân để ủng hộ tiền vào Quỹ phòng chống dịch COVID – 19. Đáng khen nhất chính là em Nguyễn Doãn Thy Anh ở trường Tiểu học Trần Phú. Tuy mới học lớp 2 nhưng em lại có một tấm lòng giàu tình yêu thương và trong đợt kêu gọi ủng hộ này em đã dùng 1 triệu đồng trong tiền tiết kiệm của bản thân để ủng hộ Quỹ.

    · Diễn biến dịch bệnh phức tạp khiến nhiều người mất công ăn việc làm, cuộc sống rơi vào khó khăn, nhiều người phải vất vả lo ăn từng bữa. Lúc này đây, với sự sáng tạo và tấm lòng nhân nghĩa, các nhà hảo tâm đã lập ra rất nhiều các ATM gạo, ATM cơm, siêu thị 0 đồng. Cùng với đó hàng ngàn phần ăn miễn phí đã được trao đi để giúp đỡ phần nào khó khăn cho người dân.

    · Các đơn vị, tổ chức, cơ quan doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đã dốc lòng ủng hộ công tác phòng chống dịch, điển hình như Công ty Cổ phần Bitexco ủng hộ 5 tỷ đồng; ông Nguyễn Thăng Long ở Hà Nội ủng hộ 200 mũ chống giọt bắn, Tổ thiện nguyện Hoa Sen ủng hộ 10.000 khẩu trang, 1000 bộ quần áo chống dịch, 1000 mũ và 1000 đôi găng tay y tế; công ty INOAC Living Việt Nam ủng hộ 20 nghìn khẩu trang y tế;..

    · Không thể không nhắc đến công lao to lớn của những quân nhân ở những đơn vị được dùng làm nơi cách ly. Tuy phải hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ luyện tập, chiến đấu khác nhau nhưng những chiến sĩ vẫn luôn quan tâm tận tình, chu đáo tới người cách ly, mọi hoạt động đều được chú ý cẩn thân từ khám sàng lọc đến xét nghiệm bệnh, ngay cả sinh hoạt thường ngày.

    · Hơn thế nữa, Chính phủ cũng đã đưa ra gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ cho nhân dân, những người mất công ăn việc làm khi dịch bệnh hoành hành nhằm giảm bớt phần nào khó khăn.

    · Tấm lòng nhân ngiã không chỉ lan tỏa tiêng trong lãnh thổ Việt Nam mà còn tỏa khắp năm châu rộng lớn. Việt Nam đã trao tặng Nhật Bản khẩu trang và các vật tư y tế với tổng trị giá 100.000 USD và cũng đã đồng thời gửi đến Mỹ 200.000 khẩu trang vải kháng khuẩn để các nước bạn sớm khống chế được dịch bệnh. Bộ Tư Lệnh Quân khu 5 cũng đã đại diện trao tặng cho hai nước anh em Lào và Campuchia các vật tư, trang thiết bị y tế có tổng trị giá 4, 7 tỷ đồng.

    · Bên cạnh đó, các chương trình nhân đạo như "Cặp lá yêu thương" của đài truyền hình VTV đã hỗ trợ rất nhiều em nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, giúp các em có cơ hội được tới trường.

    · Mùa bão tới với những cơn lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đã gây ra nhiều đau thương với đồng bào ở khúc ruột miền Trung. Bão lũ không chỉ gây ra những thiệt hại về của cải, vật chất mà còn làm cho nhiều người mất đi gia đình, những người thân yêu. Lúc này, lòng nhân ái tỏa sáng khắp cả nước, ai ai cũng chung tay quyên góp giúp đỡ để giảm bớt phần nào khó khăn và xoa dịu nỗi đau mất mát của họ.

    · Tinh thần nhân nghĩa, đoàn kết còn sáng rực lên ở những nơi xứ người. Những Việt Kiều khắp năm châu luôn đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, gắn kết với nhau để xua tan đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương da diết. Thậm chí họ còn giúp nhau trên con đường sự nghiệp như các Việt Kiều ở Úc đã hỗ trợ nhau khởi ngiệp thành công.

    - Thể hiện ở lòng vị tha cao thượng, tấm lòng bao dung, độ lượng, không cố chấp với những người có lỗi lầm nhưng biết hối cải:

    · Những chế độ đối xử khoan hồng với tù binh và hàng binh trong chiến tranh

    · Chế độ đặc xá đối với những người bị kết án tù của Đảng và Nhà nước hiện nay.

    - Sự ghi lòng tạc dạ với công lao của các thế hệ đi trước:

    · Một nét đặc trưng nổi bật thể hiện truyền thống nhân nghĩa của dân tộc Việt nam là tư tưởng "Uống nước nhớ nguồn". Các thế hệ sau luôn ghi lòng tạc dạ công lao cống hiến của các thế hệ đi trước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khai sáng nền văn hóa của dân tộc, cộng đồng và từng dòng họ.

    · Ngày 10/03 âm lịch hằng năm là ngày quốc giỗ của nước ta, đây chính là ngày để tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa. Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 là ngày Lễ kỷ niệm được tổ chức hàng năm nhằm tưởng niệm những người thương binh liệt sĩ đã hy sinh, mất mát qua những cuộc chiến, thể hiện lòng biết ơn đối với những người có công với Cách mạng từ trước đến nay.

    · Các con đường được đặt tên bằng tên của những danh nhân có công với dân tộc. Đây chính là một cách tưởng nhớ và vinh danh vô cùng đặc biệt, cũng là một cách lan tỏa giá trị lịch sử, nét đẹp văn hóa Việt Nam.

    · Những đền chùa miếu mạo như đền Hai Bà Trưng, đền Trần, đền thờ Thánh Gióng.. là nơi tưởng nhớ đến công lao trời biển của các vị anh hùng, các vị tiền bối đã có công đánh đuổi quân thù, xây dựng giang sơn, mở mang bờ cõi; dựng làng, lập ấp.

    * Trong văn học:

    - Thể hiện rất rõ tư tưởng nhân nghĩa, ngay ở các câu thành ngữ vô cùng quen thuộc:

    · "Thương người như thể thương thân"

    · "Lá lành đùm lá rách"

    · "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ"

    · "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây"

    · "Nhường cơm sẻ áo"

    · "Vì tình vì nghĩa không ai vì đĩa xôi đầy"

    · "Môi hở răng lạnh"

    · "Máu chảy ruột mềm"

    · "Nhiễu điều phủ lấy giá gương

    Người trong một nước phải thương nhau cùng"

    · "Bầu ơi thương lấy bí cùng

    Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"

    · "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba" -> Một câu ca dao mà người con Việt Nam nào khắc ghi trong lòng

    D) Liên hệ:

    Vậy mỗi học sinh chúng ta có thể phát huy truyền thống nhân nghĩa của dân tộc từ những việc nhỏ nhất như thường xuyên thăm hỏi, quan tâm tới sức khỏe của ông bà; biết giúp đỡ, hỗ trợ bạn bè khi gặp bài tập khó hay sẵn sàng quyên góp ủng hộ khi nhà trường, tổ dân phố kêu gọi. Cần nhiệt tình tham gia các hoạt động uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa do nhà trường, cộng đồng dân cư tổ chức

    2. Cộng đồng hòa nhập

    A) Khái niệm: Sống hòa nhập là

    - Sống gần gũi, chan hòa, không xa lánh mọi người

    - Không gây mâu thuẫn, bất hòa với người khác

    - Luôn có ý thức tham gia các hoạt động chung của cộng đồng

    B) Ý nghĩa của lối sống hòa nhập:

    - Có tầm quan trọng vô cùng lớn lao trong sự phát triển của cộng đồng.

    · Khi sống hòa nhập, bản thân mỗi chúng ta sẽ có thêm niềm vui, sức mạnh vượt qua khó khăn, có niềm tin vào cuộc sống, cảm nhận được ý nghĩa mỗi giây phút trôi qua trong cuộc sống.

    · Lối sống hòa nhập giúp chúng ta học tập được nhiều điều thú vị, ý nghĩa ở xung quanh.

    - Ngược lại, nếu sống cô lập, không hòa nhập với thế giới xung quanh thì sẽ cảm thấy cô đơn, buồn tẻ, cuộc đời mất đi những gam màu sống động và trở nên tẻ nhạt.

    C) Biểu hiện của lối sống hòa nhập:

    * Trong cuộc sống:

    - Xuất hiện ở mọi góc cạnh của cuộc sống.

    - Với trường lớp – một môi trường vô cùng quen thuộc với chúng ta:

    · Mỗi học sinh luôn phải thân thiện, hòa nhã, biết nhường nhịn, chia sẻ, yêu thương nhau, biết giúp đỡ và hỗ trợ bạn bè khi gặp khó khăn như câu chuyện đôi bạn 10 năm cõng nhau đi học của hai anh Ngô Minh Hiếu và Nguyễn Tất Minh ở Thanh Hóa

    · Luôn lịch sự, kính trọng và lễ phép đối với thầy cô. Trong giờ học cần tích cực, hăng hái phát biểu xây dựng bài học.

    · Khi tới trường, ngoài tập trung học tập khi vào giờ thì cần tích cực tham gia các công việc chung, các hoạt động tập thể do trường lớp tổ chức.

    - Trong gia đình:

    · Để mọi người luôn vui vẻ, xây dựng được một tổ ấm hạnh phúc thì mọi người phải biết nhường nhịn lẫn nhau.

    · Con cháu phải luôn kính trọng, yêu thương, lễ phép và hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ.

    · Khi trong gia đình xảy ra bất hòa hay có khúc mắc, nghi vấn thì cần cởi mở, chia sẻ chân tình để mọi người thấu hiểu lẫn nhau từ đó đặt nền móng vững chắc để xây dựng gia đình hạnh phúc.

    · Mọi người trong gia đình cần thường xuyên cùng nhau làm việc nhà để tạo lập nếp sống gia đình lành mạnh, tiến bộ.

    - Không chỉ gói gọn trong phạm vi nhỏ, mở ra một không gian rộng lớn đó là cộng đồng xã hội:

    · Chúng ta cũng phải sống hòa nhập để cuộc sống ngày một phát triển, xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ.

    · Chúng ta phải nói không vói lối sống vô cảm, ích kỉ, luôn giữ cho mình một trái tim ấm nóng, tràn đầy tình thương, biết chăm lo, giúp đỡ, quan tâm tới mọi người xung quanh.

    · Cần học tập và noi gương theo những tấm gương tốt biết sống hòa nhập, quan tâm tới mọi người. Tấm gương vĩ đại của lối sống hòa nhập chính là Bác Hồ kính yêu. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã từng bôn ba rất nhiều nơi. Nhưng dù ở đâu Bác cũng luôn gần gũi, chan hòa với mọi người.

    * Trong văn học:

    - Các mẩu truyện nhỏ: Câu chuyện "Quả táo của Bác Hồ" :

    "Tháng 4 năm 1946, với danh nghĩa là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ sang Pháp để đàm phán với Chính phủ Pháp về những vấn đề có liên quan đến vận mệnh của đất nước. Nhân dịp đó, Tòa thị chính Pa-ri mở tiệc lớn đón mừng Bác. Tiệc tan, mọi người mời Bác ra phòng lớn uống nước và nói chuyện. Bác vui vẻ đứng dậy và cầm một quả táo mang theo. Nhiều người ngạc nhiên, nhiều con mắt tò mò chú ý.

    Bác ra đến ngoài thì có một đám thiếu nhi ríu rít chạy tới chào. Bác tươi cười bế một em bé gái nhỏ nhất lên và trao cho em quả táo. Mọi người bấy giờ mới vỡ lẽ và rất cảm động trước cử chỉ thương yêu con trẻ của Người. Ngày hôm sau, câu chuyện" Quả táo của Bác Hồ "đều được các báo đăng lên đầu trang nhất. Các báo còn kể lại rằng em bé gái khi nhận được quả táo đó thì giữ khư khư trên tay, ai xin cũng không cho. Lúc về nhà, em để quả táo trên bàn học. Cha mẹ bảo:

    - Con ăn đi, kẻo để lâu sẽ hỏng không ăn được.

    Thế nhưng, em bé nhất định không ăn và bảo:

    - Đó là quả táo Bác Hồ cho con, con sẽ giữ thật lâu để làm kỷ niệm."

    - > Qua những hành động, cử chỉ, việc làm của Bác, chúng ta thấy toát lên một phẩm chất thật đáng quý và trân trọng. Đó là tấm lòng, tình thương yêu, lối sống hòa nhập, luôn quan tâm và sống chan hòa với mọi người.

    - > Đó là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp của Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại kính yêu của dân tộc Việt Nam.

    - Các câu ca dao thể hiện lối sống hòa nhập:

    · "Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn"

    · "Đồng cam cộng khổ"

    · "Chung lưng đấu cật"

    · "Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau"

    - Các tác phẩm văn thơ:

    · Trong bài thơ "Tiếng ru" của nhà thơ Tố Hữu có viết:

    "Một người – đâu phải nhân gian?

    Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!"

    - > Thật vậy, không ai có thể 1 mình mà sống 1 cuộc đời có ý nghĩa. Bởi thế, để có thể thành công trong cuộc sống thì chúng ta phải biết hòa nhập với mọi người xung quanh.

    D) Liên hệ:

    Bản thân chúng ta là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường cần phải học tập và rèn luyện để xây dựng lối sống hòa nhập ngay từ những điều nhỏ nhất như tham gia các hoạt động tập thể của lớp, của câu lạc bộ, thân thiện, quan tâm, giúp đỡ bạn bè trong lớp, lễ phép với thầy cô giáo trong trường..


    Bài thuyết trình của mình tự làm. Các bạn tham khảo, có chỗ nào chưa hợp lí góp ý cho mình với nhé. Cảm ơn các bạn nhiều *qobe 6*
     
    Admin, Aishaphuong, Tiên Nhi2 người khác thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...