Nhắc đến con gái Việt Nam, mọi người lại không nhịn được liên tưởng đến chiếc nón lá duyên dáng cùng tà áo dài bay bay. Quả thế, chiếc nón lá đúng là một phần không thể thiếu trong giá trị văn hóa người Việt, dù là đội trên mái đầu mềm mại của người con gái yêu kiều, hay trên những sợi tóc hoa râm của người nông dân ngày ngày làm việc chịu một nắng hai sương, thì nón lá cũng đều thể hiện được hết vẽ chân chất thật thà của người Việt, còn là một vật dụng tiện lợi với lịch sử lâu đời. Chiếc nón lá thường được làm bằng lá cọ hoặc lá dừa. Thường thì lá cọ sẽ được chọn nhiều hơn, vì nó mềm mại, chắc chắn hơn lá dừa. Trước khi làm nón, lá sẽ được phơi từ 2 đến 4 tiếng để mềm, rồi rẽ ra rộng bản. Nguyên liệu tiếp theo không thể thiếu là nan tre. Nan tre có độ mềm dẻo dễ uốn nắn, dễ tìm thấy ở Việt Nam, vì nó được lấy từ tre, một loại cây mọc thành bụi, có tốc độ sinh trưởng nhanh, còn là một trong những hình ảnh thân thuộc với người Việt. Nan tre thường được vót tròn đường kính khoảng từ 1 đến 2 cm. Nguyên liệu cuối cùng là kim chỉ dầu và hình ảnh trang trí, sơn dầu. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu, người làm nón sẽ bắt đầu tạo sản phẩm- chiếc nón lá. Trước tiên là khâu làm vành nón. Đây là một khâu vô cùng quan trọng để đảm bảo độ bền và chắc của nón lá. Vành nón đucợlàm nan tre đã qua chọn lọc kĩ lưỡng, người làm nón sẽ uốn nan tre thành những vòng tròn từ nhỏ đến lớn sao cho tạo thành một hình chóp vừa vặn. Khung nón thế là đã xong, tiếp theo là giai đoạn chằm nón. Giai đoạn này, người làm nón sẽ sử dụng một loại dây có chất liệu đặc biệt, có độ dai và trong suốt làm từ nilon để gắn kết khung nón và lá nón lại với nhau. Người làm nón sẽ lấy từng lớp từng lớp lá xếp lên nhau và dùng sự tỉ mỉ của mình để khâu một cách chắc chắn mà vẫn đầy tính thẩm mĩ. Làm xong gian đoạn chằm nón này thì đã có thể coi là làm xong một sản phẩm hoàn chỉnh. Bước cuối cùng là trang trí và hoàn tất sản phẩm. Trang trí nón lá có rất nhiều cách, thường thì mọi người sẽ thêu những câu thơ đậm chất trữ tình, hình ảnh tiêu biểu của Việt Nam, những thần tượng, nghệ sĩ nổi tiếng, hay có những làng làm nón thêu theo yêu cầu của khách hàng. Sau khi hoàn thiện bước trang trí, người làm nón sẽ phết một lớp sơn dầu để tạo độ bóng cho bề mặt ngoài của nón và để bảo quản độ bền màu cũng như độ mềm của nón lá khi sử dụng. Bây giờ, người dùng chỉ cần chọn quai nón là có thể cùng được. Quai nón có chiều dài từ 70 đến 80 cm, được làm từ một dải lụa hoặc vải tổng hợp, có tác dụng giữ chắc nón khi sử dụng hoặc dễ dàng treo nón lên cao khi không sử dụng để dễ bảo quản hơn. Nón lá xuất hiện trên mọi miền lãnh thổ Việt Nam, nhưng có một số địa điểm là nón với những kĩ thuật và nét độc đáo riêng như: Huế, Quảng BÌnh, Hà Tây (làng Chuông).. Trong cuộc sống hằng ngày, ở những đồng quê có cánh đồng tùy mùa mà đổi bộ cánh cho hợp, nón là đâu chỉ là thân quen, đâu chỉ là cần thiết, mà còn là một phần, một khoảng kí ức mà sau này những người con khi đi xa nhớ lại đều cảm thấy lâng lâng, vui vẻ. Mỗi lần ra ruộng để làm việc, trên mái đầu đầy nắng gió sương mai của người nông dân đều là chiếc nón lá không lớn nhưng đủ to, đủ rộng để che mưa, chắn gió, xóa đi vài lần oi bức mùa hè, mang đến vài dịu nhẹ của mùa xuân. Nón lá còn được dùng để các cô gái thể hiện sự duyên dáng yêu kiều của chính mình, để che đằng sau chiếc nón ấy là nụ cười ngại ngùng không tỏ vẻ, là sự ngây thơ đẹp đẽ còn vương trên hàng mi dài, là sự khôn khéo của người Việt Nam. Không chỉ vậy, nón lá còn là một điểm nổi bật để thu hút khách du lịch của Việt Nam, đã bao giờ các bạn năm châu đến Việt Nam chơi mà không cầm về vài chiếc nón lá có hình cầu Huế hay thơ chữ? Đã bao giờ không cảm khái trước những câu thơ thô mà thâm của người Việt? Nón lá còn là một đạo cụ trong biểu diễn, múa nón trở thành điêu múa tiêu biểu trên sân khấu dân gian. Nón lá, vật dụng đầy bản sắc dân tộc, đậm chất quê hương. Ngày nay, mặc dù nón lá đang thu hẹp lại vị trí và khả năng ứng dụng, song chưa từng mất đi giá trị trong văn hóa người Việt. Là một biểu tượng cho nét đẹp truyền thống, cho một Việt Nam đầy khéo léo, nón lá là một vật cần được lưu giữ và bảo tồn.