Thuyết Minh Về Chiếc Áo Dài

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Mèo Thần Tài, 4 Tháng một 2021.

  1. Mèo Thần Tài

    Bài viết:
    4
    Xuyên suốt bề dày hơn 4000 năm lịch sử, dẫu bao phen bị giặc ngoại xâm đô hộ, kìm kẹp, dân tộc ta vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa đặc trưng. Tiêu biểu cho tinh thần, phong cách người Việt chính là chiếc áo dài – một biểu tượng riêng biệt của phụ nữ Việt. Tà áo dài uyển chuyển tung bay biểu dương cho khiếu thẩm mỹ người Việt Nam.

    Áo dài là "quốc phục" của dân tộc ta. Từ trẻ nhỏ đến người già, không ai không biết đến chiếc áo dài. Nó có nguồn gốc từ chiếc áo giao lãnh xưa. Áo giao lãnh có hai vạt trước xếp chéo, thắt lưng buông thỏng, đung đưa theo nhịp bước chân người mặc. Một thời gian sau, kiểu áo tứ thân gọn gàng ra đời. Áo có hai vạt trước sau, mỗi vạt lại xẻ thành hai tà nhỏ. Người phụ nữ xưa đôi lúc buột hai tà trước lại với nhau để tiện làm việc đồng áng. Khi mặc, áo tứ thân duyên dáng lộ một phần yếm bên trong, đi kèm có váy màu sẫm dài hơn áo ngoài tầm mười phân. Áo ngũ thân khá giống như vậy, chỉ khác ở chỗ có thêm một vạt con ẩn sau vạt trước. Trải qua nhiều thăng trầm, loại áo dài với kiểu cách gần giống với ngày nay được sáng tạo và phổ biến trong đời sống của người dân.

    Sau nhiều lần cách tân, hình dáng của chiếc áo dài được hoàn thiện phát triển không ngừng. Cũng như tên gọi, áo dài dài từ cổ xuống đến chấm gót chân và ôm lấy thân người mặc vừa kín đáo, tế nhị vừa tôn lên đường cong thanh thoát của người phụ nữ. Cổ áo dài thường là loại cổ trụ đứng cao khoảng hai đến ba phân. Tùy theo sở thích người mặc, thợ may có thể thiết kế các dạng cổ tròn, cổ thuyền.. Khuy áo được đính từ cổ lệch qua một bên vai (thường là bên phải) và kéo xuống tận hông. Khuy cũng có nhiều loại: Khuy bấm, khuy vải hoặc móc, và ngày nay còn có loại dây kéo phía sau lưng. Chất liệu may sao dài là các loại vải mềm nhẹ như lụa, phi bóng, gấm.. Ngoài ra, các đường viền tay hoặc cổ có thể đính hạt cườm để tạo điểm nhấn. Trên thân áo dài, các nghệ nhân có thể thêm các họa tiết cách điệu: Bướm, hoa cỏ, mây, hoa văn trên gốm hoặc tái hiện lại những dòng sông, con phố, cảnh vật làng quê giản dị, thân thuộc. Áo dài mặc kèm với quần dài ống rộng giống quần bà ba hoặc chân váy dài, có thể phối hợp với khăn đóng quấn trên đầu. Kể cả các quý bà, quý cô khó tính cũng rất ưa chuộng áo dài vì nó vừa quý phái lại thanh lịch. Áo dài không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà còn có cả kiểu dành cho phái nam với hai vạt áo dài hơn đầu gối một tí.

    Áo dài mang nhiều nét đẹp và bản sắc dân tộc nhưng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, đôi lúc có chút luộm thuộm. Tuy nhiên, vào nhưng dịp lễ hội, Tết, ta rất dễ bắt gặp người người nô nức ra đường trong những bộ áo dài đa dạng về màu sắc, hình dáng. Không những thế, áo dài còn được sử dụng nhiều trong các đám hỏi, đám cưới. Cô dâu chú rể tươi cười hân hoan khoác lên người áo dài đỏ thêu hình rồng phượng bằng chỉ vàng, điểm xuyến những hạt châu lấp lánh trong ngày trọng đại của cuộc đời như một nét văn hóa sáng ngời của dân ta. Du khách nước ngoài đến thăm nước ta cũng rất ấn tượng bởi hình ảnh những cô gái tuổi đôi mươi yêu kiều, thướt tha cùng chiếc áo dài phấp phới nhẹ trong gió và chiếc nón lá xinh xắn đội trên đầu. Nhiều người phương Tây thích áo dài đến độ mua ngay vài bộ tặng cho người thân, bạn bè.

    Ngày nay, các loại áo dài hiện đại được tự do phát huy với nhiều mẫu mã đa dạng: Tay áo lửng có thể ôm sát hoặc loe rộng, tà áo ngắn ngang đầu gối để tăng sự trẻ trung, năng động.. nhưng dù có sáng tạo thế nào thì vẫn phải giữ nguyên vẹn cái nét truyền thống vốn có của nó. Nhằm muốn thanh thiếu niên có cách nhìn nhận thêm về việc bảo tồn và phát huy nét văn hóa mặc áo dài, nhiều trường trung học phổ thông ở nước ta ra quy định nữ sinh mặc áo dài trắng vào ngày đầu tuần và điểu này được nhiều người ủng hộ và hưởng ứng. Đặc biệt là vào năm 2002, chiếc áo dài Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Đó chính là niềm tự hào cho người Việt Nam ta.

    Để có được một chiếc áo dài ưng ý phải vô cùng tỉ mỉ, công phu trong từng công đoạn: Chọn loại vải sao cho đẹp mà mềm mại, chọn kiểu cách sao cho phù hợp với dáng người mặc, vẽ hoặc thêu hoa văn sao cho khéo. Từng đường kim mũi chỉ đều phải trau chuốt, cẩn thận. Chính vì vậy, bản thân người mặc cần phải giữ gìn, bảo quản tốt áo dài, vừa tôn trọng đồng tiền mình bỏ ra vừa tôn trọng công sức lao động của người may. Áo dài dễ lấm bẩn nên khi mặc cần hạn chế đi tới những nơi bùn lầy và không để tà áo dài quẹt đất; chú ý không nên giặt bằng máy vì sẽ dễ bị nhàu, rách, nếu giặt tay cũng nên cẩn thận, dùng lực vừa phải; lúc là ủi cũng cần lưu ý điều chỉnh nhiệt độ phù hợp và nên ủi áo lúc còn độ ẩm để phòng trừ trường hợp bị cháy vải. Sau khi ủi nên treo áo dài thẳng thóm, để nơi khô ráo, thoáng khí.

    Trang phục áo dài đã đi cùng với lịch sử dân tộc ta với bao thăng trầm, biến cố. Áo dài được phụ nữ mặc ngày càng nhiều ở trường học, công sở.. Trong các sự kiện quan trọng tầm cỡ quốc gia, thế giới hay các diễn đàn quốc tế, quốc phục áo dài trang trọng lại lịch sự. Với giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, hình ảnh chiếc áo dài sẽ luôn in đậm trong tâm hồn người Việt và mãi trường tồn theo thời gian.
     
    Mộng Nguyệt Cầm thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...