Trong quá trình phát triển của nhân loại, việc sáng tạo ra chữ viết đã góp phần quan trọng đưa con người vươn lên những tầm cao mới. Song song đó, các dụng cụ dùng để viết cũng được phát minh và cải tiến thành những cây bút bi nhỏ gọn tiện lợi như hiện nay. Thời xa xưa, con người dùng tay để vẽ, viết lên mặt cát những tâm tư, suy nghĩ của mình. Sau này, loại bút lông dùng mực pha ra đời nhưng nét mực to lại dễ bị nhòa, lem luốt. Cho đến năm 1888, bằng sáng chế đầu tiên cho một cây bút bi được công nhận với tác giả là John J. Loud. Tuy nhiên vì nó quá thô nên không được thương mại hóa. Vào thế kỉ XIX, một nhà báo tên Lazo Biro người Hungary đã lên ý tưởng dùng loại mực in báo vào cây bút bi. Biro nhờ sự giúp đỡ của anh trai để phát triển công thức mực nhớt cho các thiết kế bút bi mới. Ông đã nộp bằng sáng chế vào năm 1938. Ngay sau đó, loại bút được cải tiến này nhanh chóng được ưa chuộng và phổ biến khắp toàn cầu. Có rất nhiều cách phân loại bút bi. Về màu sắc có tới hàng chục màu khác nhau: Đỏ, đen, xanh.. vô cùng đa dạng. Về cấu tạo, hình dáng, bút có vô số mẫu mã đến từ các nhà sản xuất: Thiên Long, Bến Nghé.. Còn nếu xếp theo công dụng, ta có thể chia bút bi thành hai loại chính: Loại dùng một lần và nạp lại mực. Bút bi dùng một lần có giá cả dao động từ 3000-5000 đồng, loại còn lại thì đắt hơn nhiều, có thể lên đến vài trăm nghìn hoặc vài triệu. Bút bi có cấu tạo khá đơn giản, gồm ba bộ phận chính là: Vỏ, ruột và bộ phận điều chỉnh. Vỏ bút bi là một ống hình trụ dài từ 14 – 15cm, làm từ nhựa cứng. Trên thân vỏ có thể in độ rộng của ngòi bút hoặc tên thương hiệu. Vỏ bút đóng vai trò quan trọng trong việc giữ an toàn cho ngòi bút bên trong. Ruột bút bi được chia ra làm hai phần: Ngòi bút và ruột. Ngòi bút cấu tạo từ kim loại không gỉ, ở đầu ngòi có viên bi lăn với đường kính 0, 5-1, 2mm. Khi ta viết, đầu bút tiếp xúc với mặt giấy, viên bi lăn nhẹ làm mực ra đều. Phần ruột bút là một ống nhựa dẻo thuôn dài, bình thường luôn nằm gọn trong vỏ. Trong ruột rỗng để chứa mực. Loại mực bút bi là mực đặc có chứa 25-40% thuốc nhuộm. Cuối cùng là bộ phận điều chỉnh: Nắp, bấm, lò xo.. giúp cho hoạt động của bút êm ái và còn góp phần bảo quản bút. Một cây bút bi thông thường có công dụng chính là ghi chép. Dù cho não bộ con người là vô hạn tuy nhiên nhiều lúc học tập, ta cũng cần ghi ra ngoài giấy để ghi nhớ sâu hơn, lâu hơn. Hoặc khi làm việc, con người ta cũng cần ghi lại thông tin hàng hóa, khách hàng. Ngoài ra, bút bi còn được dùng như một món quà tặng ý nghĩa gắn kết mọi người lại gần nhau hơn. Bút bi có nhiều ưu điểm như nhỏ gọn, xinh xắn, hữu ích lại dễ vận chuyển. Trong cặp của người học sinh nào ắt hẳn cũng có ít nhất hai cây bút bi để học tập. Song, bên cạnh đó nó cũng tồn tại một khuyết điểm nho nhỏ: Mực bút để lâu ngày sẽ bị phai màu, nhưng đừng quá lo ngại về chuyện ấy bởi thời gian mực phai khá là lâu. Để sử dụng bút bi hiệu quả, khâu bảo quản bút không kém phần quan trọng. Ta không cần thiết phải lau chùi quá kỹ lưỡng như những vật dụng khác mà chỉ cần chú ý cẩn thận một chút. Tốt nhất không nên làm rơi bút xuống đất vì sẽ dễ bị hư phần vỏ làm mất thẩm mỹ cây bút, nghiêm trọng hơn là bút viết không ra mực hoặc ra mực không đều. Để bảo quản viên bi ở ngòi bút, ta cần tránh va chạm ngòi với các vật cứng. Đời sống con người ngày càng phụ thuộc vào công nghệ kỹ thuật, thông tin hiện giờ có thể lưu trữ trên các thiết bị như: Máy tính, điện thoại.. Tuy nhiên, giá trị của cây bút bi vẫn còn đó và nó luôn là người bạn đồng hành đáng tin cậy trong con đường học tập của chúng ta.