THUYẾT MINH TÁC PHẨM "ĐẠI CÁO BÌNH NGÔ" Thời kì trung đại, văn học việt Nam thường gắn liền với sử học. Các tác phẩm văn học tái hiện lịch sử VN một cách chân thực nhưng cũng rất nghệ thuật. Có thể kể đến các tác phẩm như Hịch Tướng Sĩ, tái hiện lại sự chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân mông nguyên lần thứ hai hay Chiếu Dời Đô, gắn liền với sự kiện dời đô của nhà Lý – một sự kiện lịch sử rất quan trọng của dân tộc. Và không thể không kể đến tác phẩm "Đại cáo bình Ngô" của Nguyễn Trãi. Tác phẩm là bản hùng ca bất hủ của văn học Việt Nam đồng thời là dấu ấn mạnh mẽ trong sự nghiệp văn học của Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi (1380 – 1442) là một nhà quân sự lỗi lạc, tài ba, không những thế ông còn là một nhà thơ, nhà văn kiệt xuất. Nguyễn Trãi đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, có giá trị đóng góp to lớn cho nền văn học dân tộc, trong số đó phải kể đến "Đại cáo bình Ngô" – một trong những tác phẩm văn chính luận xuất sắc nhất của văn học Việt Nam. Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử: Đầu 1428, sau khi dẹp xong giặc Minh xâm lược. Lê Lợi lên ngồi hoàng đế, lập ra triều đình Hậu Lê, giao cho Nguyễn Trãi thay lời mình viết "Đại cáo bình Ngô" để công bố với toàn dân về việc đã dẹp yên giặc Ngô xâm lược, kết thúc chiến tranh, non nước trở lại thái bình. "Đại cáo bình Ngô" được Nguyễn Trãi viết bằng thể cáo – một thể loại văn học lớn có nguồn gốc từ Trung Hoa. "Đại cáo" là bài cáo lớn: Lớn về dung lượng, tính chất trọng đại. "Bình" là dẹp yên, bình định, ổn định. "Ngô" là giặc Minh xâm lược. Vậy có thể nỏi tác phẩm là bản cáo lớn gửi đến quốc dân đồng bào về chiến thắng oanh liệt của quân dân ta đánh tan được quân Ngô. Bài cáo được chia làm bốn phần với bố cục mạch lạc, rõ ràng. Phần một là nêu lên tư tưởng nhân nghĩa phát xuất từ trong chính tầng lớp nhân dân. Phần hai là vạch trần, tố cáo tội ác dã man, sự tàn bạo, điên cuồng của bọn giặc Minh khi chúng lấy việc sát hại sinh mệnh của con người như thú vui của mình. Từ đó, làm nổi bật lên sự căm phẫn trong làn sóng đấu tranh của nhân dân, tinh thần yêu nước bất khuất và ý chí chiến đấu sục sôi trong huyết mạch của con cháu Lạc Hồng. Phần ba là tái hiện lại quá trình thành lập, chinh chiến với khởi đầu vất vả, khốn khó của nghĩa quân cũng như nổi bật lên tài trí chiêu mộ quân sĩ, tập hợp lương thảo của lãnh tụ Lê Lợi. Nhờ vậy mà quân ta từng bước từng bước chiếm cứ được tiên cơ, giành được thắng lợi huy hoàng và ép quân Minh phải thừa nhận thua cuộc, rút quân về nước. Và phần cuối là lời tuyên bố trịnh trọng về việc kết thúc chiến tranh, kết thúc những năm tháng tang thương, đau khổ của quân và dân, khẳng định lại nền độc lập, hòa bình của dân tộc cũng như niềm tin vững chắc về tương lai tươi sáng ở phía trước. Đoạn mở đầu của bài cáo đã nêu lên luận đề chính nghĩa để làm cơ sở, nền tảng vững chắc cho bài cáo bằng cách triết lí về tư tưởng nhân nghĩa, một triết lí có giá trị lịch sử và tầm vóc của thời đại. Quan điểm của Nguyễn Trãi: 'Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân' – nhân nghĩa gắn với yêu nước, thương dân, đánh giặc để nhân dân được yên ổn. Như vậy, xuất phát từ thực tiễn lịch sử và đời sống dân tộc, Nguyễn Trãi đã đưa vào tư tưởng nhân nghĩa một nội dung cụ thể, thiết thực nhất, quan trọng nhất của đời sống. Không những triết lí về tư tưởng nhân nghĩa, tác giả còn lập luận về tư cách độc lập, chủ quyền của quốc gia Đại Việt bằng những yếu tố cơ bản của lịch sử: Nền văn hiến lâu đời; phong tục tập quán và lịch sử, chế độ riêng; các triều đại phong kiến anh hùng.. Phần tiếp theo, tác giả đứng trên lập trường dân tộc mà viết nên bản cáo trạng về tội ác của kẻ thù. Ở đây, Nguyễn Trãi đã liệt kê ra một loạt tội ác của giặc Minh. Chúng không chỉ có âm mưu xâm lược nước ta mà còn thực hiện nhiều chính sách thuế má, vơ vét sản vật quý hiếm, tàn sát dã man dân ta, làm cho dân ta lâm vào cảnh "khốn cùng". "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ" Chúng giết người tàn bạo, không nương tay khiến nhân dân phải chịu nỗi đau tinh thần lần nỗi đau thể xác. Tội ác của chúng không sao kể hết: "Độc ác thay trúc Lam Sơn không ghi hết tội Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa hết mùi" Bằng giọng điệu gay gắt, ngôn ngữ đanh thép, tội ác giặc Minh được phơi bày như một bản kết tội sự tàn nhẫn dành cho chúng. Tiếp đó, trong đoạn thứ ba của tác phẩm, tác giả đã tái hiện lại một cách chân thực và rõ nét quá trình chiến đấu, chinh phạt với thật nhiều những khó khăn, vất vả và sự tất thắng của quân và dân ta. Giai đoạn đầu, tác giả tập trung khắc họa hình tượng người anh hùng áo vải Lê Lợi xuất thân từ "chốn hoan dã nương mình" nhưng có lòng yêu nước thương dân và căm thù giặc sâu sắc, có lí tưởng cao cả: "Ngẫm thù lớn há đội trời chung Căm giặc nước thề không cùng sống" Giai đoạn sau kể về quá trình nghĩa quân Lam Sơn chiến đấu chống lại giặc Minh bạo tàn. Ban đầu, cuộc chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn gặp phải thật nhiều những khó khăn, thiếu thốn trăm bề – thiếu lương thực, thực phẩm, thiếu nhân lực và có những nghĩa quân của ta ở vào thế yếu: "Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần Khi Khôi Huyện quân không một đội" Nhưng rồi, với sự lãnh đạo tài tình của vị lãnh tụ Lê Lợi và ý chí quyết tâm, sự cố gắng của mình, nghĩa quân và toàn thể nhân dân đã chiến đấu hết sức mình và giành được thắng lợi vẻ vang: 'Đánh một trận sạch không kình ngạc Đánh hai trận tan tác chim muông " Và buộc quân Minh từng bước, từng bước một đầu hàng, chấp nhận thua cuộc và rút quân về nước " Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế Ngày hai mươi, Trận Mã An, Liễu Thăng cụt đầu Ngày hăm lăm, bá tước Lương Minh bại trận tử vong Ngày hăm tám, thượng thư Lí Khánh cùng kế tự vẫn. " Trên cơ sở nêu lên luận đề chính nghĩa, vạch rõ tội ác của kẻ thù cùng quá trình chiến đấu của quân và dân ta, đoạn văn khép lại bài cáo chính là lời tuyên bố độc lập, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa. Có thể nói, đoạn cuối cùng của bài cáo đã cất lên lời tuyên bố trịnh trọng về việc kết thúc chiến tranh, khẳng định hòa bình của dân và chủ quyền đất nước đã được lập lại, niềm tin vào tương lai tươi sáng, tốt đẹp cho nhân dân, cho đất nước. Bản cáo trạng về tội ác của giặc Minh cũng là bản anh hùng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, bản tuyên ngôn độc lập lần thứ 2 của dân tộc." Đại cáo bình Ngô "không chỉ vẹn toàn về mặt nội dung mà còn đặc sắc về mặt nghệ thuật. Khúc tráng ca ấy có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố chính luận và yếu tố văn chương, được xem là áng" thiên cổ hùng văn "của dân tộc ta. Có ngôn ngữ trang trọng, khắc họa hình tượng tráng lệ, hào hùng. Các thủ pháp nghệ thuật như so sánh, phóng đại, tương phản, liệt kê.. được Nguyễn Trãi sử dụng triệt để, rất khéo léo, gợi cảm kì lạ. Thêm vào đó, bài cáo còn có giọng văn hết sức đa dạng, biến hóa linh hoạt với từng nội dung: Khi đanh thép mạnh mẽ, tự hào về truyền thống văn hóa; khi tha thiết, đau thương với cảnh những người dân vô tội bị áp bức dã man; khi ngùn ngụt lửa sôi quyết tâm khởi nghĩa, khi hào hùng, uy nghiêm tuyên bố chiến quả. Có một nhà triết học đã từng nhận định rằng:" Điều duy nhất có giá trị trong cuộc đời chính là những dấu ấn của tình yêu mà chúng ta đã để lại phía sau khi ra đi ". Một tác phẩm dù đã rất xa rất lâu nhưng khi nhắc đến vẫn văng vẳng đâu đó tiếng nói của tình yêu và" Đại cáo bình Ngô "là một tác phẩm như thế. Không những là áng" thiên cổ hùng văn "thấm đẫm nước mắt của Nguyễn Trãi mà" Đại cáo bình Ngô"còn mang ý nghĩa như một bản tuyên ngôn độc lập hùng hồn của dân tốc, bản cáo trạng đã nêu cao tinh thần độc lập dân tộc, tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm được khắc tạp đến muôn đời.