(Bìa: Hắc Y Phàm) TÁC PHẨM DỰ THI EVENT 8/3 - EM VÀ NHỮNG MỘNG MƠ: Thuyền neo bến cạn Tác giả: Bách Tuế Miêu Thể loại: Truyện ngắn Ầu ơ.. Chồng chành thuyền đậu bến sông Tưởng sâu nước đục mênh mông khó dò.. Ầu ơ.. Lỡ thì lỡ vận con đò Lỡ neo bến cạn trăng mò chẳng xong.. Thằng bé dịu lại, lim dim và thôi quấy khóc, chị Hà đặt nó xuống võng rồi nhẹ nhàng kéo cọng dây đưa, chị ru nó bằng câu ru con của người Nam Bộ với cái giọng miền Trung nghe là lạ mà chả mấy lọt tai. Ấy vậy mà thằng cu nằm kia lấy làm hay ho lắm, nó chăm chú nhìn mẹ rồi từ từ chìm vào giấc ngủ. Nghe cậu dì tôi nói, quê chị ở Bình Định – nơi mà khi nhắc tới người ta sẽ nghĩ ngay đến những cô gái khỏe mạnh, "võ công cao cường" chẳng kém bậc nam nhi nào. Chị Hà quả thực là con gái Bình Định, nhưng chị mảnh khảnh và ốm yếu, bệnh hen suyễn làm chị chốc chốc lại ho oặt oẹo như mấy cọng cỏ khô bị gió hùa vào xô ngã. Chị lấy đó làm rầu lắm, bởi lẽ lỡ như bệnh di truyền cho thằng nhỏ thì khổ, khổ cả nó và khổ cả chị. Nghĩa là sự khổ của chị bây giờ có thể sẽ nhân lên gấp mấy chục lần. Vậy nên cứ chốc chốc chị lại thất thần nhìn nó, chỉ muốn thở dài nhưng sực nhớ lời mẹ chồng hay cằn nhằn nên lấy tay bụm miệng rồi quay đi. "Thở dài thở ngắn thì đi chỗ khác, đã đau bệnh còn không biết giữ cho con." Rồi cô em chồng, bà chị chồng cũng gật gù chê bai chị đủ điều đủ chuyện, ấy vậy chớ cũng đâu có ai thay chỉ ẵm con phút nào giây nào. Ngày trước chị cũng có người yêu, người yêu của chị là một thầy giáo trẻ, đẹp trai và được lòng nhiều học trò. Hai người họ yêu nhau từ khi học chung Đại học ở Huế. Rồi sáu, bảy năm sau dạy chung một trường, ai cũng nghĩ chắc là viên mãn nhưng cuối cùng lại tan đàn xẻ nghé. Cái nguyên nhân mà mọi người trong họ truyền tai nhau là do: "Thầy Kha ép cô Hà phải về ở nhà chồng, bỏ việc ở đây mà về làm dâu" – có nghĩa là rời bỏ nơi phố thị đất rộng người đông, dễ làm dễ sống này mà trở lại quê nhà, nơi quanh năm chỉ có cát bụi và nắng gió. Nhưng chị Hà phản đối việc đó, một phần chị không muốn phải về ăn bám bố mẹ ở một nơi đói nghèo không có công ăn khó kiếm chuyện làm, phần khác chị không muốn cái nghiệp dạy học mình đeo đuổi mười mấy năm, thậm chí phải bỏ cả quê hương xứ sở để theo nó lại vì chuyện lập gia đình mà bỏ dở. Ai nghe mấy lời tâm sự của chỉ cũng chắc mẩm thể nào chị ấy cũng phải nhượng bộ. Cái tình nghĩa sáu bảy năm trời bên nhau đâu phải nói bỏ là bỏ đi không chút luyến lưu. Rồi chưa đến một năm sau chị lên xe hoa, nhưng là với một anh chàng kỹ sư vừa đi nước ngoài về. Chị về làm dâu một gia đình "chưa hẳn giàu nhất xã nhưng cũng chẳng đến mức phải đứng hàng thứ ba". Quyết định vội vàng chóng vánh này làm nhiều người ngỡ ngàng. Cuộc tình bảy năm của chị với anh thầy giáo nghèo, "bảo thủ, cổ hủ" đã tan vỡ và thay bằng cuộc hôn nhân chỉ sau bảy tháng quen nhau với anh chàng kĩ sư nhà giàu, "hiện đại, phóng khoáng". Chỉ là ngày vui thường ngắn, kết hôn chẳng bao lâu thì cái hiện đại phóng khoáng chị nhìn trúng kia cũng hóa ra lạnh nhạt, vô tình. "Tôi lớn tuổi rồi, cưới ai cũng vậy, cưới đại cho xong, yêu đương lằn nhằn, phiền." Khi chị có mang sáu tháng, vô tình nghe được câu nói thực lòng của chồng, tim gần như vỡ nát.. Trong khi tôi còn đang mải mê hồi tưởng về cái quá khứ của chị thì tiếng ho bên võng làm tôi giật mình. Chị ngước mắt nhìn tôi đầy lúng túng, rồi lo lắng nhìn xuống cái võng – thằng bé vẫn ngủ. Người mẹ trẻ bơ phờ thở ra một hơi đứt quãng rồi lại thẳng lưng ngồi ngay ngắn trên ghế, lần nữa đưa cặp mắt mỏi mệt nhìn tôi. Cất giọng khe khẽ: "Cô Lý chờ một chút nhá!" Tôi gật đầu, buồn chán ngó xung quanh, một đống bát đũa chưa rửa chất cao dưới nhà bếp làm tôi không khỏi chú ý. Bữa cơm trưa đã xong từ lâu, ba mẹ và mấy người chị em chồng đã ngủ hết, chỉ còn mỗi mình chị ngồi tựa lưng đưa võng cho con. Tôi phân vân một lúc, không biết có nên đứng dậy rửa chén bát nhà người khác hay không. Nhưng có lẽ.. Việc đó cũng không được tốt cho lắm. Hình như chị Hà ái ngại với cái không khí im lặng và cái nhìn của tôi nên chị bắt đầu thỏ thẻ than thở sau khi nhìn một lượt về hướng bếp và phòng ngủ, sợ rằng sẽ đánh thức anh dậy. Chồng chị vừa về nhà sau hai ngày "chinh chiến" ngoài đường, anh bỏ đi sau cái hôm đứa con khóc cả đêm còn chị cũng thức trắng. Tiếng khóc của con và tiếng dỗ của mẹ khiến người cha không thể nào tập trung cho trận game được, anh ta cáu gắt gián tiếp bằng những cái tằng hắng và tiếng chửi những đứa chơi game. Chị đành ôm con ra võng nằm. Năm giờ sáng, chị đã soạn xong mớ quần áo cho anh đi làm và chuẩn bị sẵn sàng để tiện đường đưa con đi khám. Dù gì nhà cũng sẵn xe.. Biết chồng ngủ trễ nên chị cũng phân vân rất dữ, chẳng biết có nên đánh thức anh dậy hay không, rồi chị thu hết can đảm chìa tay ra lay anh, và anh đứng dậy, nhìn chị, nhìn con rồi phát tiết chửi.. Mẹ! Anh vùng vằng quơ lấy cái áo rồi ra cửa đi thẳng. Nửa tiếng sau chiếc taxi rẽ vào sân nhà bỗng dưng khiến nước mắt chị rơi lã chã.. Chị lại thở dài, lại nhìn con và nhìn tôi. Tôi chắc rằng chị cũng đang hồi tưởng về quá khứ và ắt hẳn chị đang tiếc nuối – nhưng tiếc cái gì thì tôi không rõ. Qua lời xóm giềng buôn chuyện lúc nông nhàn, tôi biết lúc chị Hà chưa về làm dâu thì bà Tư – mẹ chồng chị đã kì vọng rất nhiều, bà thích con gái miền Trung vì họ chịu thương chịu khó, biết làm lụng, sức khỏe dẻo dai, như vậy mới thay bà quán xuyến cả trại bò thịt gần ngàn con được. Chị Hà là người bà chọn, bà cũng muốn anh Kha nhanh chóng kết hôn khi anh vừa về nước có vài tháng vì không muốn anh lén phén qua lại gì với cái cô người yêu cũ "xăm rồng xăm rắn đầy mình", bởi cái lẽ chỉ có hạng gái "không ra gì" mới xăm trổ như vậy. Mà cũng nhiều nhặn cho cam, chẳng qua là một đám cỏ lá hoa cây ở eo to bằng bàn tay. Và thêm một thứ bà tư ghét ở cô con dâu hụt là bởi "nó là con gái miền Tây, chỉ giỏi ăn chơi xài phá, mê trai bỏ chồng chứ tốt lành gì". Ngày anh ra nước ngoài thì cô ấy cũng ra tiễn, trước mặt anh bà vẫn vui vẻ đối đãi tử tế nhưng ngay lập tức cắt đứt chuyện tình cảm của con trai khi anh vừa bước lên máy bay, cô người yêu "miền Tây" bị dì dằn mặt ngay tại sân bay và cấm không được liên lạc với anh Kha nữa. Phải nói, khi đó internet chưa phát triển như bây giờ, nếu không có địa chỉ nhà hay số điện thoại ở nước ngoài thì không thể liên lạc được. Chủ yếu là bà Tư muốn cô ta thôi mơ mộng việc đào mỏ gia đình mình. Khi anh đi được hai năm thì nhà bà báo tin cô gái ấy đi lấy chồng kèm theo đủ mọi lời chê bai, khinh bỉ con người phụ nghĩa, mà bà Tư cũng không quên khẳng định quan điểm của mình: "Mày thấy chưa, tao nói có sai đâu!" Tôi thật quá nể sự cẩn thận của bà Tư, người đó đã lấy chồng có con mà bà vẫn một mực lo sợ con mình sẽ tìm tới người ta, vì "gái miền Tây nó vậy, chồng con nó bỏ mấy hồi". Rồi chị Hà về làm dâu, cô con dâu quý hóa mà bà ngày ngóng đêm trông hóa ra lại quá mỏng manh yếu đuối, "bệnh lên bệnh xuống" suốt ngày, những việc chị Hà có thể làm chỉ là nấu cơm, rửa chén, quét nhà, giặc đồ, dọn dẹp.. vì chị còn bận đi dạy. Thật trái với mong muốn của bà, bởi cái lẽ là bà Tư muốn cho bà Năm nuôi bò thuê cho mình mấy chục năm nay nghỉ quách đi để đỡ một miệng ăn, đỡ một tháng mấy triệu tiền công. Bà đã nghĩ kĩ, đã tính kĩ đâu đó cả trước khi rước con dâu về, mà chị Hà làm bà vỡ mộng. Nhưng "tận dụng" được đến đâu thì hay đến đấy, ít ra bà chẳng còn phải làm những chuyện nhà chuyện cửa đó nữa mà có thời gian đi đây đi đó, giao lưu kết bạn để học hỏi kinh nghiệm "giữ chồng" của mấy bà mấy mợ sồn sồn đang li thân hoặc đã li dị. Ngay sau đám cưới một ngày, bà họp gia đình gồm ông, anh Kha, hai đứa con gái đã có chồng, gọi là "lễ ra mắt" để phổ biến "gia quy" của nhà mình như sau: Một. Ghế cha chồng ngồi con dâu không được ngồi. Hai. Đồ cha chồng giặc riêng, phơi riêng hoặc phơi chung với đồ mẹ, tuyệt đối không phơi chung sào với đồ con dâu. Ba. Đi đâu về nhà chào cha chồng trước rồi mới chào mẹ, trước khi đi cũng vậy. Bốn. Đi dạy về thì chuẩn bị cơm trưa, về sớm hay về trễ cũng vậy, tuyệt đối không để cha mẹ chồng và chồng nhịn đói. Năm. Khi ăn cơm thì dọn cho cha mẹ chồng ăn trước rồi mới được ăn. Sáu. Con dâu không ăn cùng mâm với cha mẹ chồng. Bảy. Trước khi đi dạy nhà cửa phải sạch sẽ gọn gàng. Tám. Tuyệt đối nghe lời gia đình chồng. Cô chị chồng cũng là giáo viên, cũng đã có chồng con nên phần nào cũng thông cảm. Nhưng khổ một nỗi chị ở xa quá. Còn cô em chồng đi làm ở Sài Gòn, có chồng ở quê nhưng cuối tuần về chỉ ghé qua chào cha mẹ chồng rồi dông thẳng về nhà mẹ đẻ, cô cũng "nhiệt tình" như mẹ, tích cực "ca" cho chị dâu nghe về đạo làm vợ làm con. Sở dĩ cô nhiệt tình như vậy là vì cô tự thấy – và mẹ cô bảo rằng cô như vậy đã là hoàn mĩ lắm – lương mỗi tháng mười triệu đồng, sống ở thành phố, hồi xưa đi học đã biết làm thêm kiếm tiền xài, cô lại đẹp như mẹ, gia đình chồng cô ắt hẳn hạnh phúc lắm vì rước được cô con dâu giỏi giang quý hóa đến thế. Mỗi lần cô mang tặng ai cái gì thì người đó phải lấy làm dinh dự và vui vẻ nhận lấy vì trên đời ít có ai có con mắt thẩm mỹ tuyệt hảo như cô. Ấy vậy mà chị Hà không biết hưởng phúc, lại đi khước từ bộ sa-rê gần triệu đồng đẹp lộng lẫy mà cô em chồng mua tặng, rồi cũng chính tay cô đơm lại mấy cái hạt châu bị rơi và vá đôi ba chỗ bung chỉ. Vậy mà chị Hà nhẫn tâm từ chối, chỉ vì "chị gầy quá mặc cúp ngực không hợp". Cô em thấy mẹ nói, cũng tranh thủ chỉ bảo chị dâu về cách ứng xử với cha mẹ chị em chồng. Còn mẹ chồng chị, nghe người khác hỏi về con dâu chỉ cười trừ rồi.. Thở dài tám thước. Chị Hà thức từ năm giờ sáng mỗi ngày, ủi áo chồng cho thẳng thớm rồi ủi áo dài, hôm nào cha mẹ chồng đi đám tiệc thì ủi nốt. Nếu gặp bữa có chị em chồng ghé chơi thì chị phải dậy sớm hơn một tí, nấu bữa sáng để tám giờ họ dậy ăn, rồi mới đi dạy. Nay có thêm đứa con nhỏ mới có tám tháng tuổi thì chị cho nó bú no rồi mới khẽ khàng mang qua gửi mẹ chồng, may mà cha chồng ngủ nơi khác, chứ nếu không chị Hà lại phải vướn víu thêm cái tội "làm phiền" giấc ngủ của "người chủ gia đình". Nhà chồng chị tôn sùng người cha như thánh sống, chị không hiểu căn do nhưng chị không tiện hỏi, mẹ chồng thường xuyên ca ngợi về sự đức độ của chồng bà, sự tuyệt hảo của ông ấy làm người ta lóa mắt và chói tai. Đôi lúc có mấy bà cô qua xin cọng giá cọng hành hỏi qua loa về cha chồng chị rồi quay đi mỉm cười đầy ngụ ý.. Có mấy hôm thằng bé quấy, chị thức dậy giữa đêm thì nghe tiếng chồng với mẹ cha bàn việc phân chia tài sản cho con cái, ảnh lên giọng rất cao "con không đồng ý chia bốn phần, không chấp nhận được" rồi bỗng dưng tiếng cha chồng thều thào "nó cũng là em trai con.." tiếp theo đó là tiếng mẹ the thé gì mà chị không nghe rõ, cơn buồn ngủ với sự mệt mỏi nhanh chóng xô ngã chị. Rồi từ đó đôi lúc chị cũng nghĩ vẩn vơ về sự tuyệt hảo của cha chồng. Từ lúc chị Hà lập gia đình với anh Kha thì người ta thấy chị tươi hẳn ra, người ta bàn ra tán vào rồi đồng nghiệp thì ghen tị còn học trò thì ao ước. Đâu phải ai cũng lấy được người chồng đẹp trai, có bằng kĩ sư, ở nước ngoài về, gia đình chồng thì giàu có, sung túc. Lại thêm cái vẻ ngoài phơi phới của chị thì người ta càng trầm trồ. Lễ lộc, ngày kỉ niệm người ta luôn thấy chị tươi cười ôm mấy bó hoa, món quà, chụp ảnh cùng chồng rồi đăng lên mạng xã hội, người ta trầm trồ, khen ngợi, người ta ước ao. Ai cũng nghĩ những món quà và những bó hoa đương nhiên là anh Kha tặng chị, nhưng sự thật chắc chỉ có người bán hàng mới biết được. Giờ chị mới thấu cái câu "trong héo ngoài tươi", chị không thể "vạch áo cho người xem lưng" vì sợ làm mất mặt gia đình rồi lại phật ý cha mẹ chồng. Đồng nghiệp hỏi, học trò hỏi, ngay cả cha mẹ chị ngoài quê hỏi thì chị cũng tươi cười mà nói: "Cha mẹ chồng rất là tốt, chị em chồng thì dễ chịu, giúp đỡ con/em/cô rất nhiều, nói chung là ổn." Nói thật thì xấu hổ với đồng nghiệp, ngại với học sinh và nhất là ba mẹ chị sẽ buồn. Họ quá khổ với cái nắng cháy da cháy thịt miền Trung và mấy đứa em nheo nhóc rồi, chị không muốn họ phải khổ thêm cái tâm vì chị nữa. Ít nhất thì cha mẹ chị em chồng của chị đã diễn tốt cái vai của mình trước người khác rồi, chị không muốn họ bị bẽ mặt và cái đích trút giận cuối cùng vẫn là bản thân mình. Vì là một người khôn ngoan nên chị biết điều gì nên nói và điều gì không. Dù rằng đôi lúc chị ức dồn lên não vì đống chén dĩa, hoa lá cành, thức ăn thừa bừa bộn và hôi hám mà cô em chồng bỏ lại sau những lúc tiệc tùng. Dù rằng đôi lúc đi đám giỗ bên đằng ngoại nhà chồng, chị cảm động muốn rơi nước mắt khi mấy cô em họ ngoại của chồng xoắn xít bưng bê, phụ giúp, nấu nướng, tranh rửa chén bát dùm chị kể từ lúc chị có bầu. Ừ thì.. Người miền Nam rộng rãi lắm, người miền Nam chan hòa lắm, nhưng chỉ đúng.. Một chút thôi. Nhiều đêm chị ngửa cổ lên nhìn trần nhà, giữa tiếng ngáy đều của chồng và tiếng ọ ẹ của con thơ.. Chị lại lẩm nhẩm một bài thơ không biết đã thuộc tự lúc nào. "Tôi có mơ gì nhiều lắm đâu Những khi mưa gió phải dãi dầu Có vợ có chồng chia hoạn nạn Cuối đất cùng trời vẫn bên nhau. Mơ ước chỉ là mơ ước thôi Lên đèo xuống ải một mình tôi Đêm đêm ấm ức, nằm thao thức Kề bên" thiên hạ "đã ngáy rồi. * * * Chồng hỡi chồng ơi, chồng hỡi chồng. Khổ không chịu nổi, tựa đeo gông Ai hay con sáo ngày xưa ấy Gãy cánh từ hồi mới sang sông." (Nguyên Lê) Tôi lần lần mở cuốn album cưới ra coi, chị cười đẹp thiệt, mà cười như mếu vậy, tôi chả hiểu vì cái gì mà chị chấp nhận lấy anh Kha một cách vội vàng như thế. Tiếng võng đưa đều đều rồi ngưng, chắc chị có nhìn tôi, nhưng thấy tôi mải mê xem hình nên chị lại thôi không nói. Tôi ngước lên thấy chị đã đi tuốt xuống bếp từ hồi nào. Tôi thuận chân kẹp cái dây võng rồi kéo nhẹ. Chỉ ba mươi giây sau cửa phòng ngủ đánh sập sau lưng tôi, giọng bà Tư lại nheo nhéo: "Hà! Làm cái gì để khách tới nhà phải làm thay việc mình vậy? Được có ngày chủ nhật ở nhà cũng không biết chăm chồng lo con, đi cả tuần rồi chưa đủ hay sao?" Tiếng bát đũa lạch cạch làm tôi sựt nhớ, lúc nãy chị không có mặt trong bàn ăn. Tôi vội chống chế: "Thôi bà Tư, có gì.." Tôi chưa dứt câu thì chị đã lạch bạch chạy lên, miệng còn nhai nhồm nhoàm, bà Tư thấy vậy càng bực dữ, hai mắt trợn như trùng. Chị ấp úng: "Dạ, mẹ.." "Mày nuốt đi rồi nói, gái đứa gì vầy?" Bà liếc một cái thật dài rồi đi xuống bếp, lát sau tiếng leo léo quen thuộc lại vọng lên "Chén bát sao chưa rửa?". Chị cắn môi, liếc nhìn tôi, mắt ngấn nước. Ừ rồi. Tôi hiểu ý thở dài quay đi, tự hỏi liệu sau này chị có hạnh phúc được không? Khi trước thì thuốc an thai, thuốc tẩm bổ chị phải nhờ tôi ghé Từ Dũ lấy. Bây giờ bé bệnh thì nhờ họ nhờ hàng chở đi Nhi Đồng. Vì chồng còn bận làm việc lớn. Tôi ngồi đưa võng còn nghe loáng thoáng giọng một người đàn ông.. "Anh bận" công thành ". Bà Năm vừa nghỉ, ra ôm cỏ cho bò ăn đi." ______________HẾT_____________
Cốc cốc.. Chào bạn, mình là đại diện BTC even 8/3. Tối nay mình ghé đây để gửi lại những lời nhận xét chân thành của BGK đến tác phẩm của bạn. Gk1: Truyện khiến người đọc day dứt về bi kịch của người con gái lấy nhầm chồng. Tuy nhiên, còn thiếu một chút về hướng giải quyết bi kịch. Nên chất "mộng mơ" của chủ đề chưa có. Gk2: "- Câu chuyện rất hay, rất có ý nghĩa. - Cách hành văn tốt. - Cách xây dựng nhân vật rất tốt. Tâm lí nhân vật diễn tả trọn vẹn. - Câu chuyện vô cùng sáng tạo. Biết cách đem thơ ca vào. Tác giả rất hiểu câu chuyện, khả năng nắm bắt và phân bổ các tình tiết vô cùng hợp lí. - Biết chọn lọc tình tiết, tạo các liên kết phân mảnh vô cùng hay. Điều quan trọng trong lối viết phân mảnh này là nó không nói về nhau nhưng lại liên quan nhau chặt chẽ. Và đó thật sự mới gọi là viết truyện ngắn. Tác giả đã thành công với lối viết này." Gk3: "Bài viết có sự đầu tư, lời văn chân thật và cảm xúc, phác họa tâm lí nhân vật rõ ràng, sáng tạo trong việc trích dẫn thơ ca. Cá nhân mình rất mong chờ các tác phẩm tiếp theo của bạn. Còn mắc một số lỗi về trình bày nhưng không đáng kể." Thân gửi.
Cám ơn BGK đã góp ý cho em, thật sự thì lần này đoạt giải em cũng bất ngờ lắm, cám ơn mọi người nhiều ạ *thả tym*