Review Phim Thủy Hử (2011) - Cúc Giác Lượng - By Lục Huyền Cầm

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi Nam Dã Tú Nhất, 1 Tháng mười hai 2021.

  1. Nam Dã Tú Nhất Đi đâu vô đây? Tôi không hoan nghênh đâu!

    Bài viết:
    121
    Thủy Hử (2011)

    All Men Are Brothers

    Nguyên tác: Thi Nại Am

    Biên kịch: Ôn Thế Hào

    Đạo diễn: Cúc Giác Lượng

    Diễn viên:

    Trương Hàm Dư

    Lý Tông Hàn

    Cảnh Cương Sơn

    Lữ Lương Vỹ

    Hồ Đông

    Tấn Tùng

    Trần Long

    An Dĩ Hiên

    Nghiêm Khoan

    Và một số diễn viên khác

    Số tập: 86

    Phát sóng: tháng 1 năm 2011

    [​IMG]

    Tóm tắt cốt truyện kịch bản:

    Thời Tống, lũ hoạn quan, nịnh thần lộng quyền, hãm hại trung lương. Thánh thượng đêm ngày nghĩ cách tán tỉnh kĩ nữ. Trong bối cảnh xã hội ngạt đó, một đội ngũ bao gồm các thành phần như cướp cạn, cướp biển, thánh bắn cung, trùm ném đá, thầy xem phong thủy, hòa thượng hoàn tục, trùm hiến kế bẩn, chúa bị cắm sừng, tù nhân vượt ngục, quan lại hết thời và một số thành phần khác rủ nhau chiếm núi làm cướp, xưng bá một vùng. Họ suy tôn một người có khả năng sử dụng tốt nghệ thuật Đắc Nhân Tâm lên làm huynh trưởng, nguyện một đời răm rắp nghe theo. Thế nhưng, trưởng ban hòa giải nhất định nhường ghế đầu đàn cho trùm nóng tánh, còn mình thì chọn ghế thứ hai.

    Trong một lần đánh trận, vì nóng nảy lại tin lời lũ trọc giả sư, trùm nóng nảy rơi vào trận địa mai phục, bị trúng tên độc và rơi vào trạng thái hấp hối. Biết mình sống không được bao lâu, thấy không an tâm về tương lai anh em trong hội cướp sau khi mình chết, trùm nóng nảy gọi trưởng ban hòa giải đến hỏi có phải trưởng ban hòa giải định đầu hàng triều đình hay không. Khi nhận được câu trả lời, nếu không chiêu an, các anh em Lương Sơn Bạc không còn lối thoát, trùm nóng nảy tức quá, chết tại chỗ. Từ đó, trưởng ban hòa giải lên làm đầu đàn của hội cướp đa thành phần mà ai ai cũng nể sợ.

    Với chủ trương đầu hàng triều đình, trưởng ban hòa giải cùng các anh chị em trong hội cướp dần dần bị đẩy vào chỗ chết. Một trăm lẻ tám anh chị em ra sa trường, người bị tên bắn, kẻ bị giáo đâm, người may mắn trở về không tàn thì cũng phế. Bọn gian thần vì ghen ăn tức ở, cho những người sống sót ăn đồ bẩn, uống rượu độc, ép họ phải chết. Người bị hãm hại sống khôn chết thiêng, trước lúc ra đi, nhớ tới lần uống rượu đập chén kết nghĩa huynh đệ năm nào, lẳng lặng hiển linh, rủ những người còn sống đi cùng. Số người không chết thì rủ nhau cáo quan về quê, người thì lên núi ở ẩn. Thánh thượng biết chuyện, cho lập đền thờ. Từ đó về sau, những người chết oan được lưu danh muôn thuở.

    (Thật ra đây là bản tóm tắt theo cảm tính của mình. Có một số tình tiết đã được mình sắp xếp để bài viết có bối cảnh lịch sử rõ ràng hơn)

    Cảm nhận chung:

    Thủy Hử (2011) là một bộ phim khá hoàn chỉnh về mặt nội dung. So với nguyên tác của Thi Nại Am, cốt truyện kịch bản đã có sự cân bằng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, qua tám mươi sáu tập phim và sự mệt mỏi của biên kịch, chuyện đầu voi đuôi chuột là điều khó tránh khỏi. Nhưng thật ra thì mình cũng nên thông cảm, bởi tập cuối là nơi để mình thấy được sự mệt mỏi của tác giả, đạo diễn và của cả đoàn làm phim.

    Ở những tập đầu, đạo diễn dành hẳn bốn tập để nói về Võ Tòng thì ở những tập cuối cùng, sự hiện diện nhân vật này rất ít. Cùng chịu chung số phận với Võ Tòng còn có Ngô Duyên Trước, Lưu viên ngoại, Lý Quỳ và hình như tác giả vô tình bỏ quên trùm ăn trộm Thời Thiên. Đó là điểm khiến nhiều khán giả bất bình khi xem bộ phim này.

    Việc lựa chọn trang phục và những cảnh quay cũng khiến người xem ức chế tinh thần. Trong Tân Thủy Hử, hầu hết các diễn viên đều mặc đồ tối màu, và cũng có kha khá cảnh được quay ở chỗ rừng thiêng nước độc, thiếu thốn ánh sáng tạo cảm giác ngột ngạt, bức bối vô cùng. Ngay cả cảnh quay ở Trung Nghĩa Đường cũng mờ mờ, ảo ảo giống như đem lòng trung nghĩa đặt vào sương mù, mong hoàng thượng soi xét. Có lẽ đó là dụng ý mượn phục trang, họa cảnh đế vẽ lại bầu không khí của xã hội đương thời.

    [​IMG]

    (Trang phục của một vài nhân vật xuất hiện ở hai tập đầu)​

    [​IMG]

    (Cuộc gặp mặt giữa Tống Giang và Công Tôn Thắng. Dù quay ngoại cảnh nhưng vẫn tối thui)​

    Khi xem phim, chữ "tù" in trên trán của Tống Giang là điều khiến mình chú ý nhất. Cái chữ ấy nó hết sức ảo diệu, lúc đậm lúc nhạt. Cho nên, trước khi đại náo kinh thành thì một trăm lẻ tám anh em Lương Sơn Bạc đã rủ nhau làm phẫu thuật thẩm mỹ, xóa luôn cái chữ "tù" đó cho nó đỡ mất công biến hóa.

    Bù lại, bộ phim có sự góp mặt của một dàn mỹ nhân từ già đến trẻ vô cùng ghê gớm. Họ là những nữ tướng xông pha trận mạc như Hổ Tam Nương, Tôn Nhị Nương, Cố Đại Tẩu hoặc đủ sức chiếm núi, cát cứ một vùng như quận chúa Cừu Quỳnh Anh; hay như Lý Sư Sư, là một kĩ nữ có tài sắc vẹn toàn, lời nói có trọng lượng hơn cả các trọng thần và luôn được thánh thượng tin tưởng. Xem Thủy Hử, cái nhìn và tư tưởng về những nữ chính trong phim kiếm hiệp hoàn toàn được họ thay đổi.

    [​IMG]

    (Từ trên xuống: Tôn Nhị Nương, Hổ Tam Nương, Cừu Quỳnh Anh)

    [​IMG]

    (Lý Sư Sư)

    [​IMG]

    (Người bên trên: Diêm Tích Kiều - người đã chấm dứt sự nghiệp áp ty của Tống Giang. Bên dưới là Phan Kim Liên - người đã chấm dứt sự nghiệp đô đầu của Võ Tòng)

    Khác với những bộ phim kiếm hiệp bây giờ chỉ toàn tình cảm nam nữ và tuyển chọn những diễn viên xinh đẹp để hút khách, Thủy Hử không quá kén diễn viên. Không cần để ý kĩ vẫn thấy rõ những nam diễn viên có tạo hình rất hài hước mà không khoa trương (Vương Anh, Thời Thiên, Lý Quỳ), và rất phù hợp với tính cách của từng người. Họ có lối diễn xuất tự nhiên, đủ sức truyền đạt tình cảm, cảm xúc đến khán giả. Chính vì vậy mà Thủy Hử không bị đơn điệu hay bị nhạt, gây nhàm chán như nhiều phim kiếm hiệp hoặc ngôn tình kiếm hiệp đang phát sóng.

    Thêm một điều khiến Thủy Hử khác biệt so với những bộ phim kiếm hiệp cùng thời là tôn vinh tình cảm huynh đệ và lòng trung thành. Ví như quân sư Ngô Dụng sẵn sàng dùng cái chết để đổi lấy lòng tin, thì Tống Giang sẵn sàng chấp nhận vở kịch thử lòng bằng li rượu độc của hoàng thượng; Lý Quỳ dũng cảm uống rượu độc chết cùng Tống Giang.. những tình cảm đó vừa đơn giản vừa thực tế lại vừa bi thương và cũng không quá ảo hay bị thi vị hóa quá mức cho phép.

    Xem Thủy Hử, người xem dễ bị cuốn vào những cung bậc cảm xúc khác nhau. Có thể là cười phì, cười đến chảy nước mắt vì cái logic kết nghĩa huynh đệ của các nhân vật trong phim: Đánh không thắng thì kết nghĩa anh em; đang rượt người ta chạy cắm đầu, hay tin nạn nhân là người nổi tiếng thì hớn hở làm hòa và xin kết nghĩa huynh đệ.. Cũng có lúc người xem sẽ bật khóc trước những cuộc chia tay sinh li tử biệt xảy đến quá đường đột trong phim, thậm chí là đập bàn vì tức bởi cái kết cụt lủn, vội vàng do ông đạo diễn biên soạn.

    Thành công của Thủy Hử không thể không kể đến những bản nhạc phim. Khoảnh khắc xem cảnh quân Lương Sơn Bạc thất thế, bị binh mã giẫm đạp, người này ngã xuống thì có người kia vượt lên, tiếp tục cầm lá cờ "Thay trời hành đạo" để chiến đấu đã đủ buồn, thế mà phim lại chèn thêm bản nhạc "Túy hồng nhan" vào đúng thước phim đó làm người xem buồn nát lòng, buồn tới nỗi hết muốn coi tiếp vì bận khóc. Hay như cảnh quân Lương Sơn Bạc thắng thế, thừa thắng xông lên thì bài hát "Huynh đệ vô số" lên sóng đúng lúc cũng làm tim người xem vui rộn ràng, hừng hực khí thế hơn cả khi đi cà khịa mới về.

    Xem xong cái kết của Thủy Hử, cảm giác buồn thì ít nhưng tức thì rất nhiều. Khi bọn gian thần rủ nhau xu nịnh, chia bè kéo cánh, sẵn sàng làm loạn thì ở đâu lại có một Tống Giang trung thành mù quáng, sống đúng giáo lí "quân xử thần tử, thần bất tử bất trung" đủ làm người xem bực mình. Nếu Tống Giang ít trung thành với thánh thượng và không chủ trương chiêu an, hoặc ít nhất là thức thời đúng lúc hơn, thì chắc chắn cái kết của huynh đệ Lương Sơn Bạc sẽ khác.

    Thủy Hử là một bộ phim đáng xem dù phần đầu có hơi rườm rà vì dành quá nhiều thời lượng để giới thiệu các nhân vật nổi bật, tuy nhiên, khi anh em tề tựu đủ mặt và gom về một hội thì việc hiểu và ghi nhớ chuyện phim khá dễ dàng. Nếu e ngại trước tiểu thuyết nguyên tác đầy chữ thì chọn xem phim là một lựa chọn sáng suốt.

    Chúc những bạn chuẩn bị xem Thủy Hử (2011) có những phút giây thư giãn vui vẻ và không đập bàn khi xem phim.

    Lục Huyền Cầm
     
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng mười hai 2021
  2. Đăng ký Binance
  3. Táo ula Táo có màu cam ?

    Bài viết:
    298
    Ây da, ba tui hồi mấy năm tui còn nhỏ thích lắm phim Thủy Hử xong lúc nào cũng rủ tui coi với cái tivi hình hộp. Nay bài review của Tú mà nhớ tới lúc đó ghê!
     
  4. Nam Dã Tú Nhất Đi đâu vô đây? Tôi không hoan nghênh đâu!

    Bài viết:
    121
    Phiên bản này xem vui lắm Táo à. Tú thấy nó khá sát với nguyên tắc nên mới lôi lên review đó. ^^
     
  5. Táo ula Táo có màu cam ?

    Bài viết:
    298
    Ầy để khi nào rảnh tui rủ cả nhà xem. Hồi trước nhà tui có mỗi 1 cái tivi, tối tối là mở phim gì đó xem. Giờ thì hơi hết rùi: ' (
     
  6. Nam Dã Tú Nhất Đi đâu vô đây? Tôi không hoan nghênh đâu!

    Bài viết:
    121
    Hồi đó thiếu thốn, nhà có mỗi cái tivi đít lồi nên mỗi lần có chương trình gì vui là cả nhà xúm lại xem. Giờ khá hơn nhưng mọi người cũng bận rộn hơn, rồi mình còn có điện thoại, máy tính các kiểu nên gia đình cũng ít có khi xúm xít xem phim như hồi đó :(
     
    MinhhLamm, Linh babe, Big Bear14 người khác thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...