Ở mỗi miền quê trên đất nước Việt Nam luôn chứa đựng những nét đẹp rất riêng không hề trộn lẫn. Thế nhưng sẽ khó tìm được nơi nào trên đất nước này mà người dân lại chân chất, mến khách và yêu đời như miền Tây Nam Bộ. Miền Tây - miền đất không có quá nhiều danh lam thắng cảnh, cũng không có những bãi biển trong xanh hay những ngọn núi hùng vĩ hoang sơ. Thế nhưng với riêng tôi, miền Tây có vẻ đẹp bình dị và nên thơ của vùng làng quê sông nước, với dân cư tập trung đông đúc và những làng xóm hiền hòa, trù phú núp bóng dưới bóng dừa xanh, đặc biệt miền Tây luôn đẹp bởi những tấm lòng chân phương của con người nơi đây. Lần đầu tiên đi qua các tỉnh miền Tây, đi qua những cây cầu dọc theo quốc lộ, nhìn những con sông, dòng kinh, con rạch.. xanh mướt hai bờ, ghe xuồng xuôi ngược, bên tai bỗng văng vẳng bản nhạc quen thuộc "Ngẫu hứng Lý qua cầu", trong lòng trào dâng cảm xúc yêu thương người miền Tây vô cùng. Dạt dào cảm xúc yêu thương. (Ảnh: Internet). Ngồi ô tô đi qua mấy tỉnh miền Tây, được ngắm khung cảnh hai bên đường mới thấy cuộc sống của người dân nơi đây tuy còn nghèo khó nhưng vẫn ấm áp tình người. Trưa vắng văng vẳng tiếng gà gáy lao xao trong vườn, ngọn khói bếp vẩn vơ trên tán xoài, những chiếc cầu dừa chông chênh, những con đường giữa bóng xoài, bóng dừa mát rượi, nhà sàn lô nhô trên kênh rạch, xà lan ghe lớn ghe nhỏ vào mùa gặt tụ họp về đêm ngày trên bến, những con sông, dòng kinh như những mạch máu nuôi sống miền Tây. Về miền Tây, chúng tôi còn được nghe những giọng hò ơ lai láng trên sông, nghe câu vọng cổ thổn thức đêm đêm, sáng sớm được đi chợ nổi Cái Răng, được ngắm cảnh người bán đứng trên ghe giao hàng, thương hồ giao hàng, kẻ chuyển người nhận hàng, được ngồi ăn hủ tiếu, uống cà phê ngay trên các nhà hàng ở chợ nổi, được hòa mình cùng với một thế giới thu nhỏ giữa nước trời mênh mông và những con người hiền hòa, đôn hậu. Chỉ có bấy nhiêu thôi mà miền Tây đã níu giữ bao người ở lại, bao người đã đi rồi còn quay trở lại. Chao ôi, tôi cũng có một chữ "nhớ" đối với miền Tây, không dằn lòng được. Chỉ mỗi câu ca về Cần Thơ thôi mà đã thừa sức đại diện cho một đồng bằng sông Cửu Long quyến luyến chân người: "Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về". Người ta vẫn ví mảnh đất ấy tựa như một cô thôn nữ mộc mạc, chân chất nhưng lại duyên dáng và có sức hút đến lạ kỳ. Rất khó để có thể quên những gì thuộc về nơi này, từ dòng kênh rạch chằng chịt, hoa Điên Điển ruộm vàng trong nắng, những mùa nước nổi đục ngầu đầy ắp cá tôm, đầy ắp những nụ cười.. Miền Tây sông nước hữu tình, thơ mộng khiến lòng người đắm say. (Ảnh: Internet). Trong làn nắng, chúng tôi có thể ngắm nhìn khung cảnh nhà cửa sông nước, cây trái vườn tược, thưởng thức bao sản vật, món ngon từ bàn tay chân chất mộc mạc của những người phụ nữ miền Tây. Chúng tôi còn có thể lắng nghe lao xao biết bao giọng nói và ngôn ngữ của những con người chung sống nơi này, đó là các cộng đồng người Việt, người Hoa, người Khmer, người Chăm. Về miền Tây làm sao quên được nồi canh chua chiều quê, quên những ngày nước lên cả gia đình quây quần bên nhau, cơ cực mà đầm ấm. Làm sao quên khoảnh khắc chạy lũ trên bờ đê cuối đồng, quên giọng hò ai văng vẳng trên dòng sông khi bầu trời quang đãng: "Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ lướt mong manh Nón lá đội nghiêng, tóc dài con nước đổ Hậu Giang ơi, em vẫn đẹp ngàn đời..". Đồng bằng nước nổi xinh đẹp mà tiêu điều, thi vị mà hanh hao, xơ xác. Những đứa trẻ ra đồng nước bì bõm tập bơi, tiếng nói tiếng cười trong vắt lưng trời. Phía xa, đồng sen nở rộ, hương hoa thoang thoảng khắp đồng. Chúng tôi đến miền Tây vào đầu tháng 7 âm lịch, nước sông Cửu Long đã về nhiều khắp vùng báo hiệu mùa nước nổi đã đến. Mùa nước nổi cũng là mùa bông Điên Điển. Cứ vào mùa nước nổi, bông Điên Điển nở vàng trên khắp những cánh đồng ngập nước. Bông Điên Điển khi xưa được người ta hái về làm dưa, lại còn trộn thêm một ít rau muống đồng ăn rất ngon. Dưa bông Điên Điển chấm với nước cá Linh kho thì có thể ăn cơm quên thôi. Tình người miền Tây Nam Bộ chân chất, mộc mạc, đáng yêu. (Ảnh: Internet). Nhắc đến Miền Tây không thể không nhắc đến rừng Tràm, rừng Đước xanh bạt ngàn. Đêm Năm Căn câu vọng cổ nghe buồn da diết: "Chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp.. tôi gối đầu mỗi đêm..". Từ Cà Mau, đoàn chúng tôi mất một giờ xe chạy về bến tàu Năm Căn, sau đó mất thêm hơn một giờ đi tàu cao tốc theo đường thủy mới đến được Ngọc Hiển. Ngồi trên tàu, cảm giác mỗi người một khác. Người thì hồi hộp, lo sợ vì lần đầu ngồi tàu đi trên sông nước mà bị say sóng. Người thì phấn khích, thích thú với cảm giác bồng bềnh, nghiêng ngả, mới lạ và mạo hiểm này. Nhưng tất cả đều có chung một tâm trạng tận hưởng sự trong lành, mát mẻ của thiên nhiên mà vùng cuối đất mang lại. Tàu cập bến Đất Mũi, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy Mũi Cà Mau, nơi duy nhất trên đất liền mà buổi sáng người ta có thể được ngắm mặt trời mọc lên từ biển Đông và buổi chiều có thể nhìn thấy mặt trời lặn dần về phía biển Tây. Đứng ở Đất Mũi, chúng tôi nhìn thấy điệp trùng màu xanh của cây Đước. Cây Đước vốn rất mềm, nhưng chúng mọc ken dày. Rừng Đước ngăn nước biển xâm thực đất đai, giữ gìn môi trường sinh thái. Âm thanh đặc trưng của miền đất này chính là tiếng rì rào bất tận của những khu rừng Đước bạt ngàn, cùng tiếng sóng ì ầm từ biển Đông ngày đêm không ngớt vọng về trong hơi gió muối.. Những rừng tràm, rừng đước bạt ngàn màu xanh. (Ảnh: Internet). Hình ảnh gây ấn tượng rất mạnh cho chúng tôi là hình ảnh của dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi. Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng Đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận. Cây Đước mọc dài theo bãi, theo từng lứa trái rụng, ngọn bằng tăm tắp, lớp này chồng lên lớp kia ôm lấy dòng sông, đắp từng bậc màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ.. lòa nhòa ẩn hiện trong sương mù và khói sóng ban mai. Chợ Năm Căn nằm sát bên bờ sông, ồn ào, đông vui, tấp nập – nơi tập trung đặc điểm của những chợ nổi họp trên mặt sông của vùng đồng bằng miền Tây Nam Bộ. Vẫn là cái quang cảnh quen thuộc của một xóm chợ vùng rừng cận biển thuộc tỉnh Bạc Liêu, với những túp lều lá thô sơ kiểu cổ xưa nằm bên cạnh những ngôi nhà gạch văn minh hai tầng, những đống gỗ cao như núi chất dựa bờ, những cột đáy, thuyền chài, thuyền lưới, thuyền buôn dập dềnh trên sóng.. Tạm biệt Đất Mũi, trong chúng tôi vẫn in đậm cờ Tổ quốc tung bay trên nóc biểu tượng con tàu, in đậm cột mốc tọa độ đánh dấu chủ quyền quốc gia. Vẫn con tàu thủy đưa chúng tôi đến Đất Mũi, sau lại đón chúng tôi từ Đất Mũi trở về, vẫn lướt trên dòng sông Cửa Lớn. Đồng nghiệp của tôi, bỗng cất lên lời hát "Tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình". Mọi người bỗng im lặng. Tiếng hát cất lên đúng lúc chúng tôi đang thì thầm với nhau về Đất Mũi, về lần đầu tiên về với Đất Mũi, nên khi nghe đồng nghiệp hát, chúng tôi đều xúc động rưng rưng. Rồi ngày mai, khi bước chân trở về với Hà Nội tấp nập cộ xe, được nhìn thấy biết bao hình ảnh rực rỡ, tráng lệ, được ngửi thấy biết bao mùi hương nồng nàn, thơm ngát. Nhưng trong lòng vẫn thương và nhớ mãi những ngày đã đặt chân đến miền Tây – miền đất của hương đồng cỏ nội, vẫn day dứt và âm ỉ bản tình ca của chốn quê nghèo, nhiều khi, giữa phố xá tấp nập, nghe một âm thanh lao xao cũng nhớ tiếng xuồng khua nước. Và đôi lúc, giữa bộn bề cuộc sống bỗng dưng muốn trở lại thăm miền Tây – nơi đong đầy ký ức ngọt ngào yêu thương trong tôi. Ký ức ngọt ngào về miền Tây Nam Bộ. (Ảnh: Internet).