Thượng Dương Tác giả: Hoàng Yến Thể loại: Dã sử, lãng mạn, cung đấu, hài hước Nhà xuất bản: Phụ nữ Nhà phát hành: Đinh Tị Năm phát hành: 01/2021 Lời nói đầu Thượng Dương là cuốn tiểu thuyết lãng mạn được hư cấu, dựa trên lịch sử. Bởi vậy, không phải tất cả những con người, địa danh và sự kiện trong này đều là thật. Hãy tạm thời gác lại lí trí và quan điểm cá nhân, hãy để tôi dẫn dắt bạn đi xuyên qua màn sương và bước vào câu chuyện mà cá nhân tôi tin là đã từng tồn tại, Những thật giả, thực hư sẽ được bật mí ngay sau khi bạn đã thưởng thức trọn vẹn cuốn sách này. Lấy cảm hứng từ thảm án Thượng Dương cung, tiểu thuyết Thượng Dương sẽ lật mở bức màn bí ẩn che phủ lên cuộc đời vị hoàng hậu bất hạnh nhất trong lịch sử Việt Nam. Theo sử sách, Dương Hoàng hậu không có con cái. Sau khi vua Lý Thánh Tông băng hà, bà trở thành Thái hậu nhiếp chính, giúp vua Nhân Tông trị quốc. Cuối cùng, bà bị Thái hậu Linh Nhân lật đổ và ép phải tuẫn táng cùng tiên đế. Vậy nhưng sự thật liệu có tàn nhẫn như sử sách? "Nàng vừa cầu gì vậy? Ta cầu mong được cùng người mình yêu bên nhau trọn một đời. Còn ta, ta lại chỉ cầu nàng ấy trọn đời bình an!" Thăng Long năm ấy có một mỹ nhân Nhưng lại chẳng muốn khuynh thành
MỞ ĐẦU Bấm để xem Quan nội thị nhẹ nhàng khép lại cánh cửa gỗ, chặn đứng từng hồi gió bấc. Thái hậu hít sâu một hơi, gồng mình để rũ đi cái lạnh ngấm sâu vào từng lớp vải. Cung Thượng Dương so với tiết trời cay nghiệt bên ngoài còn lạnh lẽo gấp bội. Vậy mà người thiếu phụ đang nghiêng mình trên kỷ kia lại chỉ thản nhiên dõi ra một cái nhìn chẳng mặn mà. Quả nhiên mệnh hết thì tâm cũng nhạt. Thái hậu quét mắt một vòng quanh điện, cuối cùng vẫn lựa chọn không đặt lưng xuống ghế. Nửa cuộc đời đều ở dưới mà nhìn lên người đó. Hôm nay đã nắm cả thiên hạ trong tay, chẳng lẽ thói xưa còn giữ? "Họ Dương mưu phản, ngươi cũng khó tránh khỏi liên quan. Thế nhưng.. chàng lại muốn ta tha cho ngươi." Hả hê khi thấy được một thoáng xao động trong đôi mắt kia, Thái hậu tiếp: "Ta đã thắng được giang sơn Đại Việt, vậy nên cũng chẳng so đo với ngươi làm gì." Lời nói như thể thoảng qua tai người thiếu phụ rồi trượt xuống chân kỷ mà không mảy may đọng lại. Thái hậu khẽ nhăn mày: "Đêm mai sẽ có người tới đưa ngươi đi." Đoạn Thái hậu rời bước. Thị uy với một kẻ bại trận hóa ra chẳng khiến Thái hậu sung sướng như hằng tưởng. "Ỷ Lan!" Thanh âm nhẹ mà vang. Thái hậu khựng chân trước bậc cửa, ngạc nhiên quay đầu lại. Người thiếu phụ đã ngồi thẳng dậy trên kỷ. Gương mặt nhợt nhạt cũng trở nên sống động khác thường. Thái hậu thoáng ngây ngẩn. Con gái nhà họ Dương xưa nay đều là mỹ nhân khuynh thành. "Muốn biết cô giống ta điểm nào mà lại khiến chàng si mê không?" Bàn tay Thái hậu đặt trên khung cửa thoáng siết chặt tới nổi gân xanh. Người thiếu phụ cười khẽ: "Là chân mày." Mỹ nhân khuynh thành Nhìn mạn thuyền mỗi lúc một xa bờ, Quân Dao quay lại phía chàng thanh niên đeo mặt nạ hoàng lân, sẵng gọng nói: "Ta là Dương Quân Dao. Cha của ta là Thượng tướng quân Dương Bình. Cô ruột của ta là Nguyên phi Tuyết Anh. Dám động vào ta thì ngươi sẽ không được yên thân đâu." Người thanh niên tà tà khua mái chèo, thong dong đáp: "Ta là Ngô Thường Kiệt. Cha nuôi của ta là Khai Quốc vương Lý Long Bồ. Người anh em thân nhất của ta là đương kim Thái tử Lý Nhật Tôn. Dù ta có động vào nàng thật thì cũng chẳng ai dám làm gì ta đâu." Quân Dao liếc nhìn đám con gái đang ríu rít nhóng cổ bên bờ hồ, nói mát: "Ra là đệ nhất mỹ nam của Đại Cồ Việt." "Cũng bất đắc dĩ ta mới phải nhảy xuống thuyền." Chàng thanh niên bối rối lùa tay vào mái tóc. Nàng mỉm cười, khua nước đẩy vài ngọn đèn hoa đăng dạt mạn: "Ban nãy có xem anh múa Độc chiếm ngao đầu ở tháp Nghinh Phong. Giai nhân rung động bởi khí khái anh hùng cũng là lẽ thường tình." "Lên thuyền mà không xin phép là Thường Kiệt có lỗi! Chờ lát tan hội sẽ đưa nàng vào bờ." Trăng rằm rọi chiếu khắp nhân gian, mặt hồ trong vắt như mặt gương đồng. Giai nhân in bóng hình dưới nước tựa bức tranh thủy mặc khiến cho quân tử đắm nhìn tới say lòng. "Ai dạy nàng vẽ chân mày vậy?" "Có đẹp không?" "Đẹp! Vẽ trên gương mặt mỹ nhân lại càng đẹp!" Quân Dao nhẹ hỉnh cằm: "Không phải tự nhiên mà người ta lại nói con gái nhà họ Dương xưa nay đều là mỹ nhân khuynh thành." "Khuynh thành hay không ta chẳng biết, nhưng hiện giờ thì đã lạc cả tay chèo rồi." Hôm ấy từ biệt, nàng trao hắn nụ cười nhẹ phớt gió xuân. Bước qua nhịp cầu Đông còn quay lại nói lớn một câu, dệt nên giai thoại đẹp nhất chốn kinh kỳ: "Này Ngô Thường Kiệt, con gái lớn nhà Thượng tướng quân Dương Bình vừa tới tuổi cập kê. Nếu thích nàng ấy thì sớm mang sính lễ qua mà hỏi cưới." * Một tháng sau nàng lên kiệu hoa, nhưng không phải gả vào nhà họ Ngô, mà là gả cho Đông cung Thái tử. "Thế lực của cha ở trên triều như mặt trời ban trưa. Giờ còn đem gả con cho Thái tử. Cô không sợ Bệ hạ nghi ngờ nhà họ Dương có dã tâm ư?" "Con chỉ cần sinh cho nhà họ Dương một Hoàng tôn. Những chuyện khác không cần quan tâm." "Nhưng cô ơi.." "Đừng tưởng ta không biết vì sao con nằng nặc không chịu. Chuyện giữa con và Ngô Thường Kiệt ta sẽ tìm cách dẹp yên. Con chuẩn bị sẵn sàng để gả vào Đông cung đi." Mưa phùn giăng kín trời xuân. Tấm áo tân nương vốn đỏ thắm cũng bị nhuộm xám bởi sắc trời ảm đạm. Bước chân qua cửa cung Long Đức, cũng có nghĩa nàng phải bỏ lại sau lưng chàng thanh niên đeo mặt nạ hoàng lân, bỏ lại sau lưng mơ mộng tương tư thời thiếu nữ. "Trước khi gả vào cung cô có từng yêu ai không?" "Quá lâu rồi, Quân Dao à. Ta cũng không nhớ nữa." Những cái hôn vụng về đưa nàng thoát khỏi cơn mê. Nàng hốt hoảng chống tay lên ngực áo thêu chỉ vàng. "Thái tử, chẳng hay ngài đã từng nghe giai thoại về đôi tiên đồng ngọc nữ chốn kinh kỳ chưa?" Bàn tay đặt trên eo nàng thoáng siết nhẹ. "Thái tử phi muốn nhắc tới chuyện giữa nàng và Thường Kiệt sao?" "Thái tử anh minh." Nhật Tôn đặt mình nằm nghiêng xuống nệm, ngón tay hờ hững vuốt dọc sống mũi nàng. "Nếu đã gả vào Đông cung thì những chuyện hoang đường ngày trước nàng nên quên đi mới phải." "Chuyện hoang đường trong mắt Thái tử cả đời này thần thiếp cũng không quên được." Hắn mỉm cười, cúi xuống nói khẽ vào tai nàng: "Thượng tướng quân gả nàng vào Đông cung không phải vì muốn nàng sinh ra một Hoàng thái tôn sao? Ta giúp các người sớm ngày toại nguyện." "Thái tử chấp nhận chung đụng với một người con gái trong lòng luôn hướng về kẻ khác ư?" Rầm. Quân Dao sợ đến lạc cả hồn nhưng vẫn ngoan cố nhìn lại đôi mắt đang bừng bừng lửa giận. Cả khắc trôi qua mà nắm đấm gân guốc vẫn ghì chặt xuống tấm nệm bên hông nàng. Tới khi Nhật Tôn đã bỏ đi một lúc lâu, nàng vẫn không tin được rằng hắn chưa nổi điên mà siết chết mình. Suốt một tháng sau đó Nhật Tôn không hề đặt chân tới các Hòa An nửa bước. Lần đầu tiên gặp nhau sau đêm tân hôn lại là nàng chủ động đi tìm hắn. Chiều hôm ấy nàng nghe đám cung nữ rỉ tai nhau, rằng đệ nhất mỹ nam của Đại Cồ Việt đã trở thành quan nội thị. "Tại sao ngài làm vậy?" Nhật Tôn bình thản đọc hết trang sách rồi mới tà tà buông một câu: "Gần đây ta làm rất nhiều chuyện. Thái tử phi muốn hỏi chuyện nào?" "Tại sao ngài lại khiến Thường Kiệt trở thành nội thị?" Hắn ngẩng đầu nhìn nàng, đáy mắt phẳng lặng nhưng cuốn sách trên tay thì đã hơi nhau nhúm. "Nội thị thì có sao? Nếu làm tốt thì tiền đồ cũng rất xán lạn." "Thái tử, Thường Kiệt là người anh em thân thiết nhất của ngài." "Thái tử phi ngày nhớ đêm mong người anh em thân thiết nhất của ta, vậy nên ta mới đưa hắn vào cung bầu bạn cùng nàng. Nàng còn không vừa lòng?" Thế nhưng đêm ấy hắn lại tới phòng nàng, cả người nồng nặc hơi men. "Thường Kiệt là người anh em thân nhất của ta.. là nam tử hán đầu đội trời chân đạp đất.. là kẻ thân mang chí khí anh hùng.. giờ lại thành ra như vậy. Quân Dao ơi.. cả đời này ta cũng không đền hết tội.. cả đời này cũng không đền hết tội." Nhật Tôn cứ thế quỳ dưới nền đất, gục vào vai nàng mà khóc nấc lên. Nàng cũng không buồn đẩy hắn ra. "Kẻ có tội đâu chỉ mình Thái tử." Nàng nói khẽ, nước mắt không biết đã trào ra từ bao giờ. Chuyện cũ nhạt phai Đông qua, xuân tới, hạ sang rồi lại thu.. Nàng dần dần không nhớ nổi đã ở bên Nhật Tôn bao nhiêu lâu. Mấy năm trước hắn lên ngôi Hoàng đế, nàng cũng trở thành Hoàng hậu. Còn Thường Kiệt, rốt cuộc chút khiếm khuyết ấy cũng chẳng ngăn được chí khí anh hùng. Hắn đánh đông dẹp tây, trấn yên biên giới, phủ dụ chúng dân, người người đều quy phục. Cũng có rất nhiều chuyện nàng không còn nhớ rõ. Ví như năm ấy chàng trai đeo mặt nạ hoàng lân vì sao lại nhảy xuống thuyền. Ví như năm ấy tại sao nàng đã bước qua nhịp cầu Đông còn quay đầu gọi lớn. Lại ví như năm ấy khi thả đèn hoa đăng nàng cầu nguyện điều gì, còn hắn lại cầu nguyện điều gì. Nàng thường xuyên ngẫm lại lời cô nói: "Quá lâu rồi, Quân Dao à. Ta cũng không nhớ nữa." Tình cảm thanh xuân, hóa ra cũng có thể nhạt phai dần theo năm tháng. Những năm này Nhật Tôn thường xuyên đem con gái của hắn đến cho nàng nuôi dưỡng. Nhiều khi nàng tự hỏi không hiểu sao hắn lại có thể kiên nhẫn hàng canh giờ chỉ để ngồi nhìn nàng chơi đùa cùng với mấy đứa nhỏ, rồi đôi khi còn trầm ngâm nói không biết con của nàng và hắn trông sẽ đáng yêu tới mức nào. Nhật Tôn đã bước sang tuổi tứ tuần mà vẫn chưa có con trai nối dõi. Hắn không vội, nhưng quần thần lại chẳng thể bình chân. Cứ hễ thấy tâm trạng hắn vui vẻ thì liền dâng sớ xin hắn lên chùa cầu tự. Hơn một năm trước, khi đi lễ chùa Dâu, hắn đã đưa về một người con gái, phong làm Phu nhân, ban mĩ tự Ỷ Lan. Cuối cùng thì Ỷ Lan cũng sinh hạ cho hắn một Hoàng tử. Càn Đức vừa tròn một ngày tuổi đã được sách phong làm Thái tử. Ỷ Lan cũng trở thành Thần phi. Những tưởng thời gian này hắn sẽ không rời cung Du Thiềm nửa bước. Vậy mà ngay buổi tối ngày Càn Đức được sách phong, hắn đã tới cung Nghi Hòa. Đây là lần thứ hai hắn tới tìm nàng mà say mèm vì rượu, chẳng nói chẳng rằng, chỉ lặng lẽ ôm nàng lâu thật lâu. Tới nửa đêm, không rõ hơi men đã tan hay chưa, hắn nhỏ giọng hỏi: "Quân Dao ơi.. giả như không gặp Thường Kiệt trước thì liệu nàng có thích ta không?" "Trên đời này mà có chữ giả như, thì thần thiếp chỉ nguyện hai ta không quen không biết." Hắn thở dài, siết chặt vòng tay hơn nữa. "Nàng thật sự không muốn có một đứa con cho riêng mình hay sao?" Đêm ấy, lần đầu tiên nàng ở bên hắn trọn vẹn. Hóa ra đàn bà dù cứng rắn đến mấy thì có đôi khi cũng chẳng vượt qua nổi sự ích kỷ trong lòng. * Cuối xuân, tiết trời nồm ẩm, bệnh tình của Hoàng thái hậu ngày càng đổ nặng. Cung nữ bẩm lại mấy hôm này người hay mê sảng, còn gọi hoài một cái tên, mà cứ hễ tỉnh thì nước mắt lại lưng tròng. Quân Dao túc trực bên giường bệnh đã nửa ngày trời. Thái y nói người khả năng không qua khỏi canh ba. Quá nửa đêm, Thái hậu chợt tỉnh. Không mê sảng, cũng không khóc lóc. Trái tim nàng thắt lại. Người ta nói kẻ sắp ra đi luôn thanh tỉnh khác thường. "Quân Dao à, gần đây cứ hễ nhắm mắt là ta lại trông thấy người ấy." "Cô trông thấy ai ạ?" "Con từng hỏi trước khi gả vào cung ta có từng yêu ai không, ta nói không nhớ.. nhưng Quân Dao à, ta chưa từng quên người đó.. chưa bao giờ ta quên được người đó." Quân Dao lặng lẽ nhìn người đàn bà tóc sương đã điểm trắng cả mái đầu. Nàng vô thức đặt tay lên bụng, bên trong có một sinh linh nhỏ bé đang lớn lên từng ngày. Rồi chợt có gì đó nhen lên giống như là hi vọng, nàng nắm tay Thái hậu, khẩn khoản hỏi: "Cô ơi, liệu đến bây giờ thì cha đã xem con là một quân cờ bỏ đi chưa?" Thái hậu nhìn nàng, trong đôi mắt toàn là thương hại. Lát sau người ngoảnh đi, nhìn chong chong lên nóc điện. "Ta từng nghĩ chỉ cần ngoan ngoãn gả vào Đông cung thì anh sẽ tha cho chàng.. nhưng ta sai rồi.. sai rồi.. hoàn toàn sai rồi.." Nàng tuyệt vọng buông tay. Thái hậu cũng bắt đầu chìm vào cõi vô thần. * Chưa bao giờ nàng thấy Nhật Tôn tức giận tới như vậy. Ngay cả trong cái đêm tân hôn nàng nhắc tới Thường Kiệt, hắn cũng gắng sức mà kiềm chế. Nhưng hôm nay hắn đã điên cuồng đập nát một nửa cung Nghi Hòa. Hai cung nữ hầu nàng cơm nước cũng bị đem ra trượng hình cho tới chết. Máu tươi loang thẫm, ngấm sâu vào từng kẽ gạch trong sân điện. Trời đổ mưa. Nhưng nước dù xối xả trút xuống bao nhiêu cũng không làm sao gột sạch được máu và tội lỗi. Hắn siết nghẹt lấy bả vai nàng, đôi mắt đỏ ngầu van vỉ: "Làm ơn đi Quân Dao! Làm ơn nói với ta không phải là nàng đã tự tay giết nó! Làm ơn đi mà!" Nàng lắc đầu, nước mắt mặn chát lăn dài trên gương mặt tái nhợt. "Thần thiếp không muốn có đứa trẻ này.. thật sự không muốn.." Hắn tuyệt vọng buông tay. Nàng ngã nhoài xuống nệm. Hắn cũng kiệt sức mà đổ gục xuống bên giường. Trong từng lời thốt ra, nàng nghe thấy tiếng trái tim hắn vụn vỡ: "Là thủy ngân đấy, Quân Dao ơi! Giờ thì nàng sẽ không bao giờ mang thai được nữa. Nàng vừa lòng chưa!" Ngày hôm ấy, nhìn hắn thất thểu bỏ đi dưới cơn mưa rào đầu hạ, nàng thực tò mò muốn biết giới hạn của bậc quân vương dành cho một người đàn bà càn quấy như nàng có thể sâu, rộng tới mức nào.
PHẦN 1_TRÚC MÃ, TRÚC MÃ VÀ THANH MAI Chương 1 Tuổi thơ dữ dội 01. Hồi ấy, vừa làm Thái tử được vài tháng mà ta đã cảm giác như trải qua cả một đời. Quy củ, phép tắc không được chệch một li, đi đường cũng cấm được liếc ngang ngó dọc. Nói vậy không phải cuộc đời ta quá dài, cũng chỉ mới năm năm có lẻ. Vú Dung nói quả không sai, làm Thái tử khổ hơn nhiều so với làm Hoàng tôn. Ông nội băng hà, cha lên làm Hoàng thượng, ta lại là con trưởng, thành ra cái chức Thái tử cứ thế mà rơi thẳng xuống đầu. Mỗi khi ta nhăn nhó than vãn, vú Dung thường xoa đầu nói sau này làm Hoàng thượng còn khổ cực hơn bây giờ gấp trăm ngàn lần. Ta sợ vú Dung lại nói đúng lần nữa, nên có một dạo ngày nào trước khi đi ngủ cũng chắp tay cầu khấn cho cha được trường sinh bất lão. Rồi một ngày xấu trời ta chợt nhận ra, chừng nào cha còn làm Hoàng thượng thì chừng ấy ta vẫn phải làm Thái tử. Bởi vậy ta lại chuyển sang khấn vái cho mình được đi theo ông nội trước khi cha chầu trời. Trong những ngày tháng tăm tối nhất cuộc đời ấy, ta đã gặp Thường Kiệt. Khi ấy hắn lên chín, mới mất cha được vài ngày. Mẹ hắn thì cũng chẳng khác gì mẹ ta, con trai chưa tròn tuổi đã vội vã bay về miền tây phương cực lạc. Vú Dung thường khóc nói ta đáng thương, từ nhỏ đã thiếu vắng hơi ấm của mẹ. Nhưng thường cái gì chưa từng được nếm trải thì khi mất đi cũng không khiến người ta thấy tiếc nuối cho lắm. Nhiều khi ta cũng buồn buồn, nhưng chẳng bao giờ buồn nẫu ruột. Mấy ngày đầu vào cung, Thường Kiệt chỉ lặng lẽ ngồi một chỗ, đầu cúi gằm, hai tay vân vê góc áo. Vú Dung nói hắn còn đáng thương hơn ta nhiều, mất cả cha lẫn mẹ. Ta không đồng ý. Bởi ta mới lên năm. Lỡ như chưa lên chín mà cha đã băng hà thì chẳng phải ta còn đáng thương hơn hắn hay sao. Ban đầu ta ấm ức lắm, nhưng sau cũng thông suốt. "Đáng thương" là loại chuyện nên buồn. Bây giờ trông Thường Kiệt buồn hơn ta, nên chắc chắn là tạm thời đáng thương hơn ta. Nghĩ vậy ta không tức nữa, mà lại muốn tới an ủi Thường Kiệt. Nhưng hắn cứ lặng lẽ như vậy nên khiến ta thấy ngại, chỉ dám ngồi một góc mà nhìn hắn. Sau này Thường Kiệt mới thú nhận hồi ấy hắn chỉ giả bộ. Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ quanh năm chinh chiến sa trường. Mặt mũi ông ra sao hắn thậm chí còn không hình dung ra được. Vậy nên ngày nghe tin cha tử trận, hắn cũng giống ta, chỉ buồn buồn chứ không đến nỗi buồn nẫu ruột. Đưa tang cha xong, hắn được Khai Quốc Vương Lý Long Bồ nhận làm con nuôi, rồi lại được cho phép vào cung cùng chơi cùng học với ta. Mừng còn không hết lấy đâu ra mà buồn. Mấy ngày đầu hắn ngồi thu lu một chỗ là bởi vú nuôi của hắn bảo phải làm vậy thì mới được Khai Quốc Vương và đức Bệ hạ thương. Năm ấy vào ngày sinh nhật, cũng tức ngày mẹ mất, ta bắt chước Thường Kiệt ngồi đần một chỗ. Quả nhiên cha tới ôm ta vào lòng, nghẹn ngào rơi lệ. Cha ta là Hoàng thượng, nên thường thì lúc nào cũng bận tối mắt tối mũi. Ấy vậy mà ngày hôm ấy cha lại dẫn ta đi viếng lăng của mẹ, rồi trên đường về còn tiện thể dạo chơi kinh thành. Cả ngày hôm đó ta muốn gì được nấy. Năm năm cuộc đời chưa bao giờ ta vui như vậy. Hoặc có vui như vậy nhưng lỡ quên mất rồi. Chiều tối ta phấn khởi vác con diều cha mua cho tới khoe Thường Kiệt, nhân tiện hỏi xem có thể đem vú Dung đổi lấy vú nuôi của hắn hay không. Lúc ấy ta không biết sau này khi vú Dung mất ta sẽ ngồi ôm gối khóc liền tù tì từ sáng tới trưa, nên cứ hối hả gạ Thường Kiệt cho bằng được. May sao hắn chỉ lặng im không nói gì, chứ nếu hắn đồng ý thì sau này ta sẽ ân hận suốt đời. Khi ấy cũng tại vui quá nên ta không nhận ra Thường Kiệt đang ngồi thu lu một chỗ. Lát sau hắn mới lặng lẽ nói vú nuôi mới qua đời mất rồi. Ngày ấy hình như Thường Kiệt buồn thật, buồn tới nẫu ruột. Nỗi buồn của hắn lây sang cả ta. Tới trưa ngày hôm sau hắn mới bắt đầu bình thường trở lại. Hắn tới bắt chuyện khi ta đang thơ thẩn chơi thả diều trong chính điện. "Sao con gì không mua mà lại đi mua diều con bướm?" Ta ngượng chín, lí nhí đáp: "Sợ diều con ngựa, con trâu với con bò không bay được." Thường Kiệt phì cười chỉ con diều bị kéo lê không ngóc đầu lên nổi: "Diều con bướm cũng có bay được đâu." Ta tự ái, gân cổ cãi: "Thế nên con trâu, con ngựa với con bò lại càng không bay được." Thường Kiệt có một cái dở là không bao giờ thèm cãi cọ hơn thua với ta. Vú Dung nói là bởi hắn lớn hơn ta bốn tuổi nên biết nhường biết nhịn. Ta bèn ấm ức tự nhủ đợi khi nào lớn hơn Thường Kiệt đúng bốn tuổi thì sẽ nhường nhịn lại cho hắn phát tức một phen. Âm mưu này được ấp ủ hơn một năm trời. Tháng ba sinh nhật, ta thêm một tuổi trong khi Thường Kiệt vẫn chín tuổi. Nghĩa là ta chỉ còn kém hắn ba tuổi. Khi ấy ta mừng lắm, nghĩ chẳng mấy mà sẽ hơn Thường Kiệt bốn tuổi. Nhưng tới tháng bảy sinh nhật hắn thì ta vỡ mộng, Thường Kiệt lên mười, lại hơn ta bốn tuổi. Lúc đó ta mới bàng hoàng nhận ra mình chẳng đời nào có thể lớn hơn hắn được. Lần này thấy ta gân cổ lên thì Thường Kiệt lại cười hòa, nói: "Cứ con diều là bay được rồi." Ta gườm gườm Thường Kiệt, cố vắt óc nghĩ câu gì đó để cãi cọ tiếp. Nhưng cuối cùng lại không nhịn được mà hỏi: "Thế ngươi có biết thả diều không?" "Đương nhiên là biết." Nói đoạn, Thường Kiệt đem con diều ra sân rồi chạy đà thật nhanh, nhanh hơn ta rất nhiều. Ta thấy ngực mình thót lại một cái khi con diều rách cất mình lên khỏi mặt đất. Thậm chí thi thoảng ta còn cảm tưởng cánh diều bươm bướm đã chạm tới mặt trời. Mặt trời nóng rẫy mà chẳng thiêu đốt nổi con diều gan lì ấy. Đó cũng là lần đầu tiên ta thấy ngưỡng mộ Thường Kiệt, ngưỡng mộ vô cùng. Gần một năm sau, khi gặp được nội thị Phan Đình thì ta mới biết thả diều không phải chỉ là cầm diều chạy hùng hục quanh sân, mà là phải làm sao cho con diều đón gió bay lên cao tít tầng không. Nhưng đấy là chuyện của một năm sau. Ngày hôm đó khi thấy Thường Kiệt kéo con diều chạy thì ta vô cùng hứng chí, đầu trần đuổi theo tới mức mướt mải mồ hôi, tối về thì lăn ra ốm một trận đã đời. Trận ốm ấy cũng khiến phép màu của ngày sinh nhật tiêu tan. Ốm dậy, ta lại trở về với những tháng ngày khuôn phép, học hành ngủ nghỉ đàng hoàng. Nhưng như vậy không có nghĩa là ta sẽ héo hon vì buồn chán. Chẳng ai buồn chán nổi khi có Thường Kiệt bên cạnh. 02. Ta với Thường Kiệt bắt đầu thân nhau ngay từ tháng đầu hắn vào cung. Bởi hai đứa cùng chung chí hướng, cùng nghịch ngợm như nhau. Thường Kiệt lớn hơn ta bốn tuổi nên cũng hiểu biết hơn. Hầu như mọi trò quậy phá, tất nhiên là quậy phá ngầm, đều là hắn nghĩ ra rồi bày cho ta theo cùng. Ta không thích học gảy đàn nguyệt. Trong đầu vốn luôn nghĩ đàn hát là dành cho nữ nhi, đao kiếm mới dành cho nam tử. Từ khi hiểu chuyện tới giờ cũng thường thấy nữ nhi gảy đàn. Thi thoảng mới thấy đàn ông gảy đàn thì cũng trông kiểu nam không ra nam nữ không ra nữ. Về chuyện này, Thường Kiệt hoàn toàn đồng tình. Hắn cũng phát ngán mấy buổi học đàn. Mất cả tháng trời mà hai đứa vẫn chỉ gảy được có vài âm tạch, tành, tanh. Vậy mà có một hôm Thường Kiệt lại kéo ta tới lớp rất sớm. Hắn ngó trái ngó phải, chắc mẩm không có ai mới chìa ra một bọc giấy, vẻ mặt khoái chí lắm. Rồi hắn cẩn thận lật từng lớp giấy nâu, để lộ ra một nắm quả màu vàng, bóng mẫy như hạt châu. Không phải hai đứa chưa từng ăn vụng, nhưng ăn vụng trong lớp học gảy đàn nguyệt thì lại là lần đầu tiên. Có lẽ Thường Kiệt muốn làm gì đó để giờ học bớt đi vài phần nhàm chán. Thế mà ta vừa thò tay định bốc thì lại bị hắn vụt cho cái đét. "Ấy, không ăn được." Ta rụt tay lại, thộn mặt ra nhìn Thường Kiệt. Hắn gấp tám một tờ giấy, lót tay và cầm lấy một quả, bóp cho bét rồi trét nước đầy ra ghế. Vừa làm vừa nói: "Đây là quả đủng đỉnh. Cái cây mà quả mọc thành chùm dài lòng thòng ở góc vườn ngự ấy." Ta không biết hắn bôi nước quả đủng đỉnh ra ghế để làm gì. Thấy hắn bôi xong bèn phùng mồm trợn mắt thổi cho khô thì ta cũng bắt chước làm theo. Buổi học sau đó vẫn nhàm chán như bao ngày, nhưng được chừng một tuần trà thì bắt đầu đỡ chán. Nhạc sư mọi ngày vẫn đạo mạo khuôn phép thì hôm nay bỗng dưng cứ nhấp nha nhấp nhổm. Ta chợt nhận ra ghế ông ngồi chính là cái ghế bị bôi nước quả đủng đỉnh. Ta quay nhìn Thường Kiệt thì thấy hắn đang làm cái chuyện xưa nay chưa từng có, ấy là tập trung gảy đàn. Thế là ta cũng bắt chước hắn tập trung gảy đàn. Thi thoảng kìm lòng không được mà liếc trộm thì thấy nhạc sư không còn nhấp nhổm nữa mà đã bắt đầu cà mông trên ghế. Lúc ấy ta mới ngờ ngợ ra công dụng tuyệt vời của nước quả đủng đỉnh. Nghĩ lại thấy may, nếu ban nãy kịp bỏ vào mồm thì bây giờ chỉ có nước ngồi gãi lưỡi. Sau hôm ấy, ta không còn phải gặp nhạc sư lần nào nữa. Việc học đàn nguyệt cũng bị gác lại vô thời hạn. Bởi vậy mà ta và Thường Kiệt cho tới tận lúc chết cũng không gảy nổi một điệu cho ra hồn. À không, Thường Kiệt sống lâuhơn ta. Sau khi ta chết hắn có gảy được đàn nguyệt không thì ta chẳng biết. Nhưng đó vẫn là chuyện của mãi sau này. Ta và Thường Kiệt ghét học vẽ chẳng kém gì học gảy đàn. Mùa hè năm ấy, chuyện khiến ta ân hận nhất là không bôi được nước quả đủng đỉnh lên ghế của họa sư. Từ giá, bút, giấy vẽ cho tới ghế ngồi họa sư đều cần mẫn mang đi rồi lại cắp về. Bởi vậy mà sau này những bức tranh do ta và Thường Kiệt vẽ ra đều khó ai bì kịp.
03. Dưới ta còn mấy đứa em, trai gái đủ cả. Nhưng ta lại chẳng chơi được với đứa nào. Hai đứa con gái Trường Ninh với Kim Thành thì õng ẹo như bánh đa nhúng nước. Quần áo lem bẩn xíu xiu cũng phụng phịu nửa ngày trời. Năm ta bốn tuổi, Quý phi sinh hạ Nhật Trung. Ta mừng lắm, cả ngày tha thẩn chơi quanh nôi, dù cho suốt mấy tháng trời nó chỉ toàn nằm ngửa. Vú Dung bảo trẻ con ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng mới lò dò biết đi. Ta chờ, kiên nhẫn chờ tới cái ngày mà Nhật TRung có thể cùng chạy nhảy và nghịch phá. Nhưng ta chỉ chờ được sáu tháng. "Sao ngươi về sớm thế? Mọi ngày vẫn chơi đến tối cơ mà" Thấy ta thất thểu bước vào điện, vú Dung ngạc nhiên hỏi. "Hôm nay nó ị đùn ạ." "Trẻ con ị đùn cũng là chuyện bình thường thôi mà." Ta lắc đầu, nhăn mặt nói: "Nhưng nó còn bốc cứt nữa cơ. Kinh lắm!" Vú Dung phá ra cười: "Thì ngày xưa người cũng thế. Còn suýt cho vào mồm nữa cơ đấy." Vậy nên ta nghỉ chơi với Nhật Trung không phải vì nó chưa chạy nhảy được, cũng không phải vì nó ị đùn, càng không phải vì nó bốc cứt, mà là tại vú Dung nói ngày xưa ta cũng giống y như nó. Sau này có lần Thường Kiệt hỏi sao không chơi với Nhật Trung. Nghe ta kể lại hắn mới trầm ngâm nói: "Ngày đó đáng ra không nên nghỉ chơi với Nhật Trung, mà nên nghủ chơi với vú Dung mới phải. Giờ có mỗi hai đứa thì sao chơi khiêng kiệu?" Ta vẫn còn một đứa em gái nữa, kém hai tuổi, gọi là Trường Yên. Ngày thường hiếm khi nào trong thấy Trường Yên, chỉ có những dịp tiệc tùng nó mới chịu chường mặt ra. Mà cái mặt lúc nào trông cũng buồn buồn, tồi tội. Vú Dung nói bởi vì mẹ nó mất sớm. "Cũng đâu có sớm lắm ạ. Ngày ấy nó được hai tuổi rồi. Con mất mẹ từ khi lọt lòng mà có bao giờ cả ngày rầu rĩ như nó đâu." "Bởi vì người là Thái tử, nhà ngoại lại là một gia tộc hiển hách. Còn mẹ của Công chúa thì xuất thân là cung nữ. Công chúa đáng thương hơn Thái tử nhiều." Vú Dung xoa đầu ta, ánh mắt đầy thương cảm. Nhưng vú không ngờ được câu nói ấy lại khiến ta đâm ra ghét Trường Yên. Ta không thích vú Dung nói ai đáng thương hơn ta, bởi mỗi lần như vậy lại cảm thấy vú ít thương ta đi một chút. Khi ta rủ Thường Kiệt đi bắt nạt Trường Yên, hắn bèn thắc mắc sao năm ngoái không thấy đi bắt nạt hắn. Ta gãi đầu gãi tai, phát ngượng đáp: "Tại bé hơn nên không dám." Nhưng ta với Thường Kiệt chưa kịp bắt nạt Trường Yên thì đã thấy những người khác bắt nạt nó. Trước con chó cắn nhặng xị, Trường Yên chỉ biết sợ hãi nép sát vào chân hòn giả sơn. Kim Thành thì đắc ý đứng nhìn. Tên nội thị theo hầu nó cũng chỉ ghìm dây và hời hợt quát vài tiếng mỗi khi con chó lồng lên hơi quá. Xưa nay ta thích chí, nhưng lại khonng ưa chó cắn càn. Đang nhìn quanh xem có cục đá nào không thì Thường Kiệt đã bước ra. Hắn đưa Kim Thành cái hộp gấm, mỉm cười nói: "Tặng Công chúa." Thường Kiệt trời sinh đã có kỹ năng làm say lòng thiếu nữ. Hắn dạy khóe mắt phải nhẹ cong, ánh nhìn phải dịu dàng, miệng cười phải như có như không. Đơn giản vậy thôi mà ta mất tới mấy năm trời mới luyện thành. Cái hộp gấm Thường Kiệt đưa Kim Thành vốn là ta chuẩn bị cho Trường Yên, trong đó đã bỏ vào mấy con sâu sống nhăn, béo ngậy. Con bé tội nghiệp ngượng ngùng nhận lấy, mở ra xem, ré lên một tiếng toang trời toang đất rồi òa khóc chạy. Tên nội thị cũng vội vàng dắt chó đuổi theo. Ta tất tả chạy ra, nghe Thường Kiệt quắc mắt lẩm bẩm: "Cái đồ chó cậy chủ." Lúc ấy ta vẫn còn ngu dốt, không hiểu Thường Kiệt chửi Kin Thành cậy mẹ nó, vậy nên mới há mồm cãi: "Đâu, rõ ràng nó cậy chó mà." Thường Kiệt không thèm đếm xỉa. Hắn cau có nhìn Trường Yên, con bé vẫn đang ri rỉ khóc. Xưa nay hắn ghét nhất là bọn con gái mít ướt. Ta sợ hắn nổi cáu với Trường Yên, bèn cúi xuống nhẹ nhàng dỗ dành nó: "Nín đi, không anh đem cho vào bao đem bán sang Đại Tống bây giờ." Con bé đang rấm tức, nghe vậy thì òa nên nức nở. Ta với Thường Kiệt chẳng biết dỗ sao, đành đứng đợi nó khóc cho thỏa thích. Khóc mệt rồi thì bụng kêu rồn rột. Hai đứa lại phải dắt nó đi ăn vụng. Nó ăn như chết đói mấy ngày. Ta đây thuộc dạng tham ăn cũng chưa bao giờ ăn nhiều như thế. Hỏi ra mới biết mấy hôm trước nó ốm không ăn uống gì được. Hai hôm nay khỏi rồi mà vú nuôi vẫn quen mỗi ngày chỉ mang lên hai bát cháo loãng. Nó đói quá mới phải mò đi tìm đồ ăn, rồi xui xẻo gặp phải Kim Thành đang dắt chó đi dạo. "Không biết mở mồm ra mà đòi." Thường Kiệt quắc mắt. "Em mà đòi là lại bị cấu." "Ấu á.. ai ấu.." Ta nuốt vội miếng bánh tôm rồi hỏi lại. "Ai cấu?" Trường Yên sợ sệt nhìn quanh, chắc mẩm không có ai mới lí nhí đáp: "Vú Cúc.. cấu đau lắm." Lúc nó vén tay áo lên, ta trố mắt nhìn mấy vết tím xanh tím đỏ tới đánh rơi cả gói bánh. Thường Kiệt kiếm cao bôi cho, nó cũng nhất định không chịu, sợ vú Cúc biết. Ăn xong, mặc cho Trường Yên sợ tới tái xanh mặt mũi, ta vẫn nằng nặc dẫn nó đi mách cha. Khi thấy mấy vết thâm tìm trên tay nó thì người nổi trận lôi đình, hạ lệnh đem vú Cúc ra đánh năm mươi roi rồi đuổi khỏi cung. Tôi nằm trong lòng vú Dung, ta khẽ thủ thi: "Sao bà ấy lại dám cấu Trường Yên hả vú?" "Vì Công chúa ít gặp Bệ hạ, nên bà ấy mới không sợ bị phát hiện." Rồi vú giải thích một thôi một hồi, cuối cùng ta cũng hiểu ra. Như Trường Ninh và Kim Thành thì Thục phi và Đức phi vẫn thường xuyên dẫn chúng nó đến gặp cha. Hoặc khi người nghĩ lại chỗ Thục phi, Đức phi thì kiểu gì cũng ngó thấy hai đứa nó. Nguồn cơn mọi chuyện đều do Trường Yên không có mẹ, vậy nên ta bèn quyết định sẽ làm mẹ của Trường Yên. Ta dặn nó nếu bị đứa nào bắt nạt thì cấm được khóc mà phải xông vào đấm: "Đấm không lại thì cứ chạy về mách mẹ." Khi khoe với Thường Kiệt quyết định trọng đại này, hắn bèn nhìn ta bằng ánh mắt kỳ cục rồi bảo đừng có bắt làm chung. Ta vui vẻ gật đầu. Đương nhiên ta sẽ không cho hắn làm chung, bởi sau này hắn còn phải làm chồng của Trường Yên nữa. Ta thân thiết với Trường Yên rồi thì không còn gọi nó bằng phong hiệu, mà gọi bằng cái tên cúng cơm là Cẩn Mai. Thường Kiệt bèn hỏi thế Trường Ninh với Kim Thành thật ra tên là gì, ta liền ớ người không biết. Giống như khi người khác quen miệng gọi ta là Thái tử thì sẽ dần quên mất tên ta là Nhật Tôn. Ta dành khá nhiều thời gian cho Cân Mai. Không phải bởi ta chán chơi với Thường Kiệt, mà bởi vú Dung bảo nếu Cần Mai thân với ta, hoặc trông có vẻ thân với ta, thì sẽ không có ai dám bắt nạt nó nữa. Nhưng Thường Kiệt không chịu hiểu. Mỗi khi bị ta bắt chơi cùng Cẩn Mai, hắn đều vùng vằng khó chịu. "Nam tử hán đại trượng phu ai lại đi chơi búp bê vải." Mỗi lần như thế ta đều kiên nhẫn hỏi lại: "Thế phải chơi búp bê gì?" Vậy nhưng hắn chẳng bao giờ đáp. Lần duy nhất Thường Kiệt tỏ ra hứng thú với trò này là khi ta bất ngờ phát hiện ra búp bê không có giới tính rõ ràng. "Ủa, sao con Thường Kiệt lại không có ớt?" Ta trỏ con búp bê trong tay Cẩn Mai. Con bé đang thay quần cho nó. "Đâu? Thường Kiệt thò cổ vào, giật phắt con búp bê, xem xét một hồi rồi quay sang Cần Mai." Đổi đi! " " Con nào chả thế. " Ta với Thường Kiệt không tin nên nhặt mấy con khác lên kiểm tra. Tụt quần con Nhật Tôn ra xem thì đúng là cũng không có ớt thật. Con Nhật Trung cũng nhẵn thín. Mấy con Trường Ninh, Kim Thành và Cẩn Mai trông cũng y hệt. " Không được gọi là Thường Kiệt nữa. Đổi tên đi. " Cẩn Mai lắc đầu nguầy nguậy:" Nó quen tên rồi. Em không đổi đâu. " Thường Kiệt bần thần cầm con búp bê nam không ra nam, nữ không ra nữ, vẻ mặt hơi căng thẳng. Ta mặc hắn, quay ra giúp Cẩn Mai mặc lại quần cho mấy con búp bê. Đột nhiên Thường Kiệt đúng phắt dậy, hồ hởi nói:" Này, đừng chơi búp bê nữa. Ra đây anh có trò này hay lắm." Sau này ngẫm lại mới biết ngày đó Thường Kiệt hì hục làm ngựa cho Cân Mai cưỡi, rồi hùng hục chạy diều, rồi cặm cụi đẽo kiếm, cũng chỉ cốt để con bé không chơi búp bê nữa. Dần dà hai đứa còn dẫn theo Cẩn Mai đi quậy phá. Cuộc sống của ta lại quay về quỹ đạo cũ, muôn màu muôn vẻ. Có khác thì cũng bởi thêm một người nữa mà thôi.
Chương 2 Ôm mối tương tư 01. Ta từng nghĩ cả đời này chỉ cần ở bên Thường Kiệt và làm mẹ của Cẩn Mai là đủ, mãi cho tới khi gặp Quân Dao. Đó là đêm Nguyên tiêu năm Thiên Thành thứ hai, cái đêm Nguyên tiêu ảm đạm nhất trong cuộc đời sáu năm có lẻ. Ông nội qua đời chưa tròn một năm, táng vào Thọ lăng cũng mới được gần ba tháng, vậy nên cha quyết định sẽ tổ chức hội đèn Quảng Chiếu một cách thật đơn giản và bình dị. Chuyện này khiến ta và Thường Kiệt buồn mất cả tuần trời. "Sao mà buồn hả anh?" Cẩn Mai hỏi. "Không thả hoa đăng, không thả đèn trời, không cả múa lân, lại chẳng buồn đi." Ta chống cằm, chán nản đáp. Trước đây cứ vào đêm Nguyên tiêu là bầu trời lại rợp tràn trong ánh lửa. Có những năm thiên đăng thả nhiều tới nỗi bảy ngày sau vẫn chưa nhặt hết xác đèn. Đây là ta nghe vú Dung kể thế chứ cũng chưa được tận mắt chứng kiến. Mấy năm gần đây ông nội không khỏe, hội đèn Quảng Chiếu cũng chẳng tổ chức rình rang. Thế nhưng không rình rang thì những tiết mục cơ bản như thả hoa đăng, thiên đăng, múa Độc chiếm ngao đầu vẫn đủ cả. Năm nay để tang ông nội thì dẹp luôn một lượt, chỉ dùng mỗi cái đài quảng chiếu cửa Đại Hưng rồi mở bữa tiệc gia đình nho nhỏ. Ta với Thường Kiệt vốn ghét cay ghét đắng tiệc tùng. Nào là quần là áo lượt, nào là ngồi cứng ngắc cả cán lưng. Cả một bàn đầy sơn hào hải vị cũng không bao giờ khiến hai đứa hào hứng cho nổi. Mẹ nào con nấy, vậy nên Cẩn Mai cũng ghét luôn. Ba đứa vẫn thường vỗ ngực tự hào về lối sống thanh đạm giản dị giữa nhung gấm lụa là, giữa mỹ vị hoàng gia. Mãi sau này mới chịu thừa nhận rằng cả ba chẳng bao giờ tha thiết tiệc tùng là bởi trước khi nhập tiệc đã lẻn vào bếp ăn vụng tới no căng rồi. Tiệc Nguyên tiêu mang tiếng là một bữa tiệc gia đình nho nhỏ, nhưng đến rồi mới biết chẳng phải nhỏ. Vương hầu khanh tướng đủ hết, lại còn tha lỗi cả gia đình lớn gia đình bé. Trẻ con thì đặc biệt nhiều. Mà cứ hễ ai có con gái cũng đều dắt qua bàn ta chào một tiếng. "Trông cũng xinh xắn nhi." Thường Kiệt ra dấu về phía con bé vừa tới chào. Cha nó giới thiệu nó tên gì ta cũng chẳng nhớ. Rồi hắn lắc đầu, chẹp miệng: "Nhưng khuôn phép quá. Cưới nó rồi sẽ chán chết cho mà xem." "Hở?" "Hở cái gì mà hở! Không lo chọn Thái tử phi đi kìa." Ta trố mắt nhìn Thường Kiệt. "Có vợ đến nơi rồi mà cứ như trẻ con." Hắn chậc lưỡi lắc đầu. "Tiếp kìa.. Ối!" Hắn kêu lên một tiếng rồi im bặt. Ta quay nhìn thì thấy Thượng tướng quân Dương Bình vừa dắt một đứa con gái tới. Ông ta cất giọng sang sảng: "Thưa Thái tử, đây là con gái của thần. Hôm nay là lần đầu con bé vào cung, muốn tới chào người một tiếng." Thượng tướng quân Dương Bình vừa dứt lời thì con bé liền cúi chào: "Quân Dao chúc Thái tử mạnh khỏe!" Con bé này khi chào thì cũng mắt cụp lưng khom, trông qua có vẻ rất lễ độ. Nhưng khi để ý kĩ thì lại thấy cái cần cổ cứ cố ngỏng lên, rõ ràng chẳng thành tâm chút nào. Thượng tướng quân Dương Bình vừa dắt con bé đi khỏi, Thường Kiệt liền ghé tai ta nói nhỏ: "Sao nó chẳng giống Nguyên phi gì nhỉ? Vừa béo vừa lùn, vừa sún." Nguyên phi Tuyết Anh là em gái của Thượng tướng quân Dương Bình. Như vậy con bé kia phải gọi Nguyên phi là cô. Nhưng đúng thật nếu đem nó vứt ra đường thì chẳng ai nghĩ là nó có họ hàng với Nguyên phi. Thường Kiệt chép miệng: "Lại cònQuân Dao mới chịu." Hiện cha ta có cả thảy sáu bà vợ. Ta không biết mẹ trông như thế nào, nhưng năm bà vợ còn lại thì không ai sánh được với Nguyên phi Tuyết Anh. Quanh người bà ấy lúc nào cũng như tỏa ra một vầng hào quang rực rỡ. Nguyên phi đẹp tới độ hai thằng bé một lên sáu, một lên mười mỗi lần trông thấy đều phải ngẩn ngơ. Thường Kiệt từng rỉ tai ta, rằng người đời đồn đại con gái nhà họ Dương xưa nay đều là mỹ nhân khuynh quốc khuynh thành. Suốt một thời gian dài sau đó, ta luôn e dè Nguyên phi. Bởi ta cho rằng sau nhan sắc lộng lẫy kia thực ra là một người đàn bà lực điền, nếu không thì làm sao mà đủ sức kéo đổ thành, đổ nước. Sau này khi đọc được bài thơ Giai nhân Ca của Lý Diên Niên thì ta mới hiểu ra. "Bắc phương hữu gia nhân Tuyệt thế nhi độc lập Nhất có khuynh nhân thành Tái có khuynh nhân quốc Ninh bất tri, khuynh thành dữ khuynh quốc Giai nhân nan tái đắc." Tương truyền Hán Vũ Để khi nghe thấy Lý Diên Niên ca bài này thì mới tò mò hỏi trên thế gian lại có người con gái đẹp tới vậy hay sao. Lý Diên Niên bèn tâu đó chính là em gái Lý Nghiên của mình. Vậy là Lý Nghiên được đưa vào cung, phong làm phu nhân, vinh sủng trọn đời. Vú Dung nói rằng cái cầu khuynh thành khuynh quốc cũng chỉ nhằm thu hút sự chú ý của bậc quân vương mà thôi. Vú còn nói đàn bà càng đẹp thì càng dễ khơi lên sóng gió, rồi khuyên ta sau này mà nghe câu khuynh quốc khuynh thành thì tốt nhất nên tránh cho thật xa. Thế nhưng khi thấy "mỹ nhân khuynh thành nhà họ Dương lúi húi làm gì đó bên hồ nước thì ta, Thường Kiệt và Cần Mai bèn tò mò núp lùm rình xem. " Cha nó đâu mà không trông nhỉ! "Thường Kiệt bực bội xua đám muỗi vo ve quanh tai. " Úi, nó dám thả hoa đăng kìa. "Ta kêu lên khe khẽ khi thấy con bé chầm đèn. " Suỵt! "Thường Kiệt bịt miệng ta." Mình cũng đi thả đèn trời còn gì. " Trước Nguyên tiêu một tháng, ta và Thường Kiệt đã kiếm tre và giấy, hì hục làm đèn trời, lại còn nắn nót viết lời cầu nguyện. Ta đương nhiên là cầu cho cha được trường sinh bất tử. Còn Thường Kiệt thì cầu sau này hắn sẽ được múa Độc chiếm ngao đầu. Độc chiếm ngao đầu là một trong những tiết mục quan trọng nhất của hội đèn Quảng Chiếu đêm Nguyên tiêu. Người được giao đảm nhận trọng trách này luôn là thanh niên ưu tú nhất Đại Cồ Việt, văn võ toàn tài, tiền đồ xán lạn. Cẩn Mai thì chưa biết nhiều chữ nên nhờ ta viết hộ. Con bé ao ước ta sẽ mãi làm mẹ nó. Ta gõ đầu Cẩn Mai, bảo đấy là đương nhiên, việc gì mà phải ước. Vậy là con bé liền bẽn lẽn nói nhỏ vào tai ta, bảo thể thì ước được gả cho Thường Kiệt. Đèn đã làm, không thả thì uổng công, nên ba đứa mới tranh thủ lúc mọi người tập trung làm lễ ở đài Quảng Chiếu mà trốn ra đấy. Ai ngờ lại gặp phải Quân Dao. Thường Kiệt bực bội ngó cái đèn trời trong tay." Nó cứ ngồi lì ở đấy thì làm sao thả giờ. " Cái hoa đăng cứ quanh quẩn ven bờ, xua thế nào cũng không chịu bơi đi. Con bé cũng được cái kiên nhẫn, cứ ngồi chờ, đèn dạt vào lại đẩy ra. Ba đứa ta núp trong bụi cây thì càng lúc càng mất kiên nhẫn. Chủ yếu do bị muỗi cắn khắp người. Chợt Thường Kiệt nghĩ ra một ý, bèn khum tay lại hú lên một tràng dài. Con bé kia giật thót một cái. Nhưng sau đó nó không hề có cẳng chạy như dự đoán, mà lại ngã tùm xuống hồ. " Ối! "Cẩn Mai bụm miệng sợ hãi. Ta toan nhổm dậy thì Thường Kiệt kéo lại." Từ từ, xem nó có biết bơi không đã. " Ta bèn ngồi xuống quan sát. Con bé cứ trồi lên rồi lại ngụp xuống, khua nước nhặng xị, nhưng được cái là mãi vẫn không chìm hẳn. " Thế là có biết bơi hay không? "Ta căng thẳng hỏi. Thường Kiệt lắc đầu:" Chả biết nữa. Sang hè ta mới học bơi cơ. " " Anh ơi, gọi người cứu đi! "Cẩn Mai tái mặt níu tay áo ta. Giờ mà lính tới thì coi như hết thả đèn trời. Ta và Thường Kiệt còn đang đắn đo xem có nên gọi hay không thì Cẩn Mai đã chạy ra mép hồ rồi gào lên:" Chết đuối! Chết đuối! " Ta và Thường Kiệt túm nó lại không kịp. Chẳng còn cách nào khác, đành phải chạy ra hô hoán cùng. " Có người chết đuối! Có người chết đuối kìa! " Lúc được vớt lên, cả người Quân Dao rũ ra như bánh đa nhúng nước. Đám lính xúm vào ấn ngực rồi vỗ lưng cho nó. Ta căng thẳng ngó Thường Kiệt, thấy mặt hắn cũng cắt không còn giọt máu. Nếu chẳng may nó chết thật thì hai đứa phen này lớn tội. " Nếu lát bị hỏi đứa nào hú thì cứ bảo ta nhé. " " Không được.. " " Ai là Thái tử ở đây! Cấm được cãi! " Ta chưa bao giờ đem cái chức Thái tử ra lên mặt với Thường Kiệt, nhưng chuyện hôm nay lại vô cùng nghiêm trọng. Thường Kiệt nay mai còn phải phấn đấu trở thành thanh niên ưu tú nhất Đại Cồ Việt. Còn ta, nếu vì chuyện này mà không được làm Thái tử nữa cũng chẳng có gì đáng tiếc. Lúc cha và Thượng tướng quân Dương Bình đến, ta hít sâu một hơi, ngẩng đầu ưỡn ngực sẵn sàng hy sinh anh dũng. Vậy nhưng Thượng tướng quân lại chẳng oán trách gì. Ông ta liếc đứa con gái vẫn đường ngắc ngoải dưới đất một cái, rồi chắp tay cúi tạ:" Đội ơn Thái tử cứu giúp! Nếu hôm nay không có người thì Quân Dao chắc không sống nổi. " Ta trố mắt nhìn Thượng tướng quân Dương Bình. Ông ta nói sai rồi, nếu hôm nay không có ta thì con bé kia đã chẳng rơi xuống nước. Vớt nó lên cũng không phải là ta. Ta tính trỏ đám lính rồi phân trần rằng họ mới là người cứu, nhưng Thường Kiệt đã chụp tay ngăn lại. Thượng tướng quân Dương Bình đưa con gái đi rồi, cha mới nheo mắt nhìn bọn ta:" Mấy đứa đương làm gì đó? " " Dạ, chúng con.. đi.. đi qua. " Cha nhướng mày. " Dạ, chúng con.. à nhầm, con, mình con thôi.. muốn thả.. thả.. " " Thả hoa đăng à? Hay là đèn trời? " " Dạ, đèn trời ạ. "Ta lí nhí đáp. Cần Mai không hiểu chuyện, thấy cha hỏi thì hớn hở chạy vào lùm cây đem cái đèn ra khoe. " Đây này phụ hoàng ơi. " Ta với Thường Kiệt mặt tái mét nhìn cha cầm cái đèn lên ngắm nghía. Đang chắc mẩm bị mắng một trận rồi thì đột nhiên người lại phá ra cười. " Thủng cả hai đầu thế này thì bay làm sao được. " " Ô, thể ạ! "Cần Mai kêu lên rồi quay nhìn Thường Kiệt. " Anh bảo là bay lên trời được mà. " Cha xoa đầu nó:" Trẫm là con trời đây. Để trẫm cầm đi hộ con, có được không? " " Dạ, được ạ! "Cần Mai gật đầu cái rụp. Thế là cha cầm cái đèn đi mất. Thường Kiệt vì chuyện này mà không thèm nói chuyện với Cẩn Mai suốt mấy ngày liền. Vậy nhưng ông trời vẫn ưu ái Thường Kiệt, ước nguyện ghi trên đèn cuối cùng hắn lại là người duy nhất được toại lòng. Cha không trường sinh bất tử, Cẩn Mai cũng chẳng được gả cho người nó mong. À, còn một người nữa tuy không thả đèn trời nhưng cũng vẫn được vẹn lòng toại ý, ấy là Quân Dao. Lúc cha đi khỏi, ta vì tò mò nên đã khều cái đèn hoa đăng lên xem thử. Mặc cho chủ nhân vừa trải qua một phen sinh tử, cái đèn vẫn bình thản trôi lờ lững gần bờ. Lúc giở mảnh giấy ước nguyện ra, Thường Kiệt bật cười hố hố. Bởi Quân Dao viết: " Ước gì trở nên xinh đẹp. " Vú Dung thường nói ghét của nào trời trao của ấy. Ngẫm cũng thấy đúng, ta không thích làm Thái tử nhưng kiểu gì cũng phải làm. Vậy nên ta chân thành vỗ vai Thường Kiệt:" Coi chừng sau này cưới phải nó. " Hắn sượng mặt đi một khắc rồi nhìn Cẩn Mai cười toét miệng:" Làm gì có chuyện. Sau này anh lấy Cẩn Mai cơ mà." Mặt Cân Mai đỏ lựng, mắt ánh lên vui sướng. Có lẽ lúc ấy nó nghĩ cho thực sự đã đem thiên đăng đưa cho ông trời rồi. Chỉ mình ta biết Thường Kiệt đã hứa lấy cả chục đứa con gái. Vú Dung nói đàn ông mà vương tình khắp nơi thì gọi là có tính trăng hoa. Không phải vú rỗi hơi đem chuyện này ra nói với một đứa con nít như ta. Vú chỉ than vãn với một cung nữ khác về người chồng của mình mà thôi. Bấy giờ ta để lọt tại là bởi đương băn khoăn chuyện Thường Kiệt nội trong một ngày hứa hẹn lấy những hai người. Cái tính trăng hoa lúc nhỏ của Thường Kiệt khi lớn lên thì lại bay biến không còn chút vết tích. Nhìn qua thì là chuyện tốt, nhưng cuối cùng lại chẳng phải tốt. Nhiều khi ta hằng ước giá mà hắn cứ như lúc nhỏ, thích người này người kia, mỗi người một chốc một lát. Vậy nhưng không, hắn lại lựa chọn chung tình. Ta thì khá hơn hẳn một chút, từ năm sáu tuổi cho tới tận lúc lìa đời vẫn luôn dành trọn vẹn trái tim cho một người con gái. Ta thích Quân Dao.
02. Ta chưa thích Quân Dao từ lần đầu tiên nó tới chào hỏi trong đêm tiệc Nguyên tiêu. Ta cũng chưa thấy thích khi nó bị rơi tõm xuống hồ. Ta chỉ bắt đầu thinh thích vào mấy ngày sau, khi con bé tới tạ ơn cứu mạng. "Cha bảo hôm ấy may nhờ có Thái tử nên tôi mới không chết. Cha bảo tôi nên tới cảm ơn người." Nó cứ "cha bảo" hoài khiến ta phát bực. "Thế Thượng tướng quân không bảo thì ngươi không biết ơn à?" Nó bặm môi, trừng mắt nhìn ta một hồi rồi nói: "Cha không biết tại Thái tử nên tôi mới rơi xuống hồ." Ta trố mắt nhìn nó. Cục tức trong lòng dần biến thành nỗi xấu hổ. Xấu hổ quá thì đâm ra chống chế: "Nói bậy! Ai bảo ngươi thế!" "Công chúa Trường Yên vừa bảo. Công chúa còn nói hôm ấy Thái tử lén đi thả đèn trời." Ta toan há miệng hỏi Trường Yên là đứa nào thì chợt nhớ ra đó là phong hiệu của Cẩn Mai. Nhớ rồi thì liền cứng họng. Tối hôm ấy gặng hỏi Cẩn Mai thì nó thú nhận hồi sáng chơi với Quân Dao khá thích, nên mới cảm thấy phải thay ta xin lỗi. "Rõ ràng tại Thường Kiệt mà, có phải anh hú đâu!" "Nhưng anh bảo nếu ai hỏi thì bảo anh hú mà." Thường Kiệt vẫn hay nói không sợ kẻ địch mạnh, chỉ sợ đồng đội ngu như bò. Cẩn Mai phen này còn ngu hơn bò, khiến ta quá sức bẽ mặt. Nhưng bẽ mặt mấy thì cũng phải nhẹ nhàng tìm cách mà lấp liếm. "Thế ngươi.. đã nói với ai chưa?" "Chốc về khoe cha." "Không được." Ta sốt sắng đứng bật dậy. Nó "hứ" một tiếng rõ to rồi hất mặt lên trời. Ta buộc lòng phải xuống nước, tới gần nó nịnh nọt. "Hứa không mách Thượng tướng quân thì ta sẽ dẫn đi thả hoa đăng. Ra giữa hồ luôn, chịu chưa?" Nó suy nghĩ một lát rồi gật đầu. Ta mừng húm sai Phan Đình đi chuẩn bị thuyền. Phan Đình là con nuôi của nội thị Phan Đường Liệt, người thân cận nhất bên cạnh cha. Theo hầu mới gần nửa năm nhưng Phan Đình đã tỏ ra tương đối có ích. Ví dụ như vào một ngày trời cao trong xanh, mây trắng bay bay, hắn đã dạy ta với Thường Kiệt thả diều đúng cách, thả sao cho diều bay lên chín tầng mây. Phan Đình phân tích rằng người ta thích nhau đôi khi còn phụ thuộc vào hoàn cảnh. Hoàn cảnh lãng mạn khiến cho lòng người cũng mềm mại như gió xuân. Giả dụ không chèo thuyền giữa mênh mang sóng nước, hoặc giả dụ chèo thuyền nhưng không thả hoa đăng, thì có khi ta cũng chẳng thích Quân Dao. Nhưng dù cho là nguyên nhân gì đi nữa, thì ngày hôm ấy giữa sóng nước dập dềnh, trái tim ta cũng lần đầu tiên rộn ràng vì nụ cười của một đứa con gái. Không giống như nụ cười đẹp đến tan cả gió đông vào năm mười bảy tuổi, nụ cười sún răng hồi năm tuổi ấy cho ta một cảm giác an tâm vô cùng. "Này, nếu thích người ta thì phải làm sao?" "Thích ai cơ?" Thường Kiệt lơ đễnh hỏi. Ta ghé tại hắn thì thầm, mặt nóng bùng: "Cháu gái của Nguyên phi ấy." Thường Kiệt khựng lại một thoáng, rồi à lên: "Cái con bé vừa béo, vừa lùn, vừa sún ấy hả?" Ta nghe thì ức lắm, muốn cãi lắm. Nhưng đúng là nàng sún răng, nàng béo ú, nàng lùn tịt. Thường Kiệt chả nói sai câu nào. Có điều hắn đâu hiểu lòng ta. Với ta mà nói, đàn bà không đẹp mới đáng để yêu thương, như vú Dung chẳng hạn. Ngày ấy có nằm mơ ta cũng không ngờ được là sau này Quân Dao sẽ đẹp tới khuynh quốc khuynh thành. Nếu sớm biết thì năm sáu tuổi ta đã chẳng đời nào đem lòng si mê Nàng, rồi còn bày đặt ốm tương tư. "Thế phải làm gì giò?" Ta bấm bụng hỏi tiếp. "Biết được. Đã thích ai bao giờ đâu." Ta thất vọng não nề. Ai mà ngờ được kẻ vương tình khắp nơi như Thường Kiệt hóa ra lại chưa thích ai bao giờ. Thế là ta và hắn cùng gác bút rồi nằm vật ra, vắt tay lên trán mà đăm chiêu suy nghĩ. Lát sau Thường Kiệt nhổm dậy, hào hứng nói: "Hay là vẽ tranh tặng nó thử xem." Ta chợt nhớ ra năm ngoái cha cũng từng vẽ một bức Sơn Hà Cẩm Tú đem tặng cho Nguyên phi. Sau đó, Nguyên phi đã đáp lại bằng cách dốc hết tâm tư sáng tác nên khúc đàn Giang Sơn Gấm Vóc. Vậy là ta bèn nhổm dậy, lấy một tờ giấy, miết cho thật phẳng phiu, định bụng sẽ vẽ nên một bức tranh Sơn Hà Cẩm Tú đẹp đến say lòng người. Nhưng khi Đưa Thường Kiệt xem, hắn loay hoay một hồi cũng không nhận xét nổi. "Sao ngươi cứ xoay đi lộn lại mãi thế?" Thường Kiệt gắng nín cười, hỏi: "Rồi giờ xem chiều nào mới đúng?" Ta ngó xuống bức tranh thì nhất thời á khẩu, không biết phải trả lời ra sao. Họa sư dạy ta cũng từng vẽ nên một bức Cửu Long Tranh Châu. Ta với Thường Kiệt xoay ngang ngó dọc kiểu gì cũng thấy oai dũng uyển chuyển, kỳ diệu vô cùng. Ngày ấy ta không ý thức được mình học hành chưa nên thân. Đại khái chỉ cảm thấy bức tranh Sơn Hà Cẩm Tú này của ta cũng kỳ diệu y như Bức Cửu Long Tranh Châu, xem chiều nào cũng được. Có điều tài hoa của ta hình như vẫn còn kém họa sư một chút, vậy nên Thường Kiệt mới không nhận ra đây là tuyệt tác. Ta lo con mắt nghệ thuật của Quân Dao cũng kém cỏi như Thường Kiệt, không công nhận tài năng của ta mà còn chê cười. Vậy nên ta cẩn thận cuộn bức Sơn Hà Cẩm Tú lại rồi trải ra một tờ giấy khác. Lần này ta vẽ luôn chân dung của Quân Dao. Ta thở phào khi Thường Kiệt không xoay ngang xoay dọc bức tranh nữa. Ít ra thì bức này cũng dễ thưởng thức hơn bức Sơn Hà Cẩm Tú rất nhiều. Thế nhưng Thường Kiệt lại cứ đăm chiêu mãi không thôi. "Trông có được không?" Ta sốt ruột hỏi. "Thì cũng được.." Lúc ấy ta nóng lòng quá nên không nhận ra Thường Kiệt hơi băn khoăn. Nghe hắn nói cũng được thì mừng húm cuộn tranh lại rồi đi gọi Phan Đình. Lúc Phan Đình dẫn ta đi tìm Quân Dao, Thường Kiệt còn nhắc với theo: "Cẩn thận khéo nó giận đấy." Thế mà nàng giận thật. Quân Dao vo bức tranh thành một cục, ném vèo xuống đất rồi vừa chạy đi vừa ôm mặt khóc nức nở. Cung nữ đi cùng nàng hốt hoảng quỳ rạp và luôn mồm xin ta thứ tội. Ta ngơ ngác ngoái nhìn Phan Đình đứng chờ xa xa. Hắn cũng như ta, không hiểu do đâu lại nên cơ sự như vậy. Ta buồn bực đem cục giấy về, gỡ ra vuốt cho phẳng rồi treo trong phòng ngủ. Ta cứ buồn thiu ngắm Quân Dao như vậy tới tối thì hiểu ra vấn đề. Cũng nhờ vú Dung cả. Vú bật cười khi nhìn thấy bức tranh. "Sao Thái tử không vẽ răng cho người ta?" Ta bật dậy, cãi: "Nó bị sún mà vú." Vú Dung xoa đầu ta: "Bị sún mà vẫn làm cho Thái tử tương tư cơ đấy!" Ta buồn thiu nằm vật ra giường. "Nhưng mà nó giận con mất rồi." Vú Dung ngồi xuống, xốc nách ta lên rồi ôm vào lòng. "Thái tử đã không vẽ răng, lại còn tròn vo vo thế này nên người ta giận là phải rồi. Con gái ai mà chả thích đẹp." "Thế con phải vẽ sao giờ? Có răng thì đâu giống nó." Vú Dung cười đến hai mắt híp cả lại. "Thái tử vẽ ngậm miệng vào là đẹp." Ta vùi đầu vào lòng vú Dung, không nói gì nữa. Vú cũng giống Thường Kiệt, chẳng hiểu lòng ta.
03. Ta ôm mối tương tư với Quân Dao suốt hơn một tháng trời mới tạm buông bỏ được. Cũng nhờ vào chuyện chiếu hôm ấy, họa sư lôi cổ ta và Thường Kiệt tới mách tội với cha. Nói là lôi cổ, nhưng thực ra họa sư chỉ túm có Thường Kiệt, còn ta thì lẽo đẽo theo sau. Cha không mắng mỏ gì hai đứa. Người chỉ nhẹ nhàng sai nội thị Phan Đường Liệt đi gọi ngõ Khai Quốc Vương, tức cha nuôi của Thường Kiệt. Lúc nhìn thấy cái đầu đen sì mục chỉ thò ra hai con mắt của họa sư, Khai Quốc Vương giận tới tím mặt. Thường Kiệt bị ông cương quyết xin được đem về dạy dỗ lại, dạy tới khi nào không dám làm hư Thái tử nữa mới thôi. Họa sư ấm ức giải bày thêm một hồi rồi cũng xin lui. Chỉ còn một mình đứng giữa điện, ta len lén liếc nhìn cha, bấm bụng chờ người nổi trận lôi đình. Vậy nhưng câu đầu tiên người hỏi lại là: "Thế Nhật Tôn không thích học vẽ tranh à?" "Có chứ ạ." Ta đáp láu. Cha nhướng một chân mày, ta đành xụ mặt, lí nhí sửa lời: "Dạ, không.. con không thích." Cha ngồi xuống bàn, giở một cuốn tấu chương ra rồi thở dài nẫu ruột: "Đàn không biết gảy, tranh không biết vẽ. Lại còn tối ngày ăn vụng cho béo nứt ra thế kia. Rồi mai này Nhật Tôn sẽ bị cô nương nhà người ta bỏ rơi mất thôi." Ta tròn mắt kinh ngạc. Hóa ra bao trò nghịch phá cùng Thường Kiệt, thậm chí là cả mối tương tư thầm kín với Quân Dao, bằng cách thần kỳ nào đó đều lọt cả vào đôi mắt tinh anh của cha. Ta mon men tới gần người, tay mân mê cạnh bàn mãi mới thốt được nên lời: "Nhưng mà phụ hoàng ơi.. nó cũng béo mà." Cha nựng má ta, mỉm cười nói: "Cô nương nhà người ta lớn lên rồi thì sẽ không còn béo nữa. Cầm kỳ thi họa cũng sẽ tinh thông. Tới lúc đó Nhật Tôn mới thèm lo thì đã muộn mất rồi." Vậy là ta bèn hạ quyết tâm chừng nào chưa trở thành một trang nam nhi tuấn tú, văn võ toàn tài thì sẽ nhất quyết không gặp Quân Dao. Bức tranh của nàng ta cất vào cái hộp nhét trong hộc tủ, thi thoảng lại mở ra xem. Ta đếm từng ngày kể từ khi Thường Kiệt lầm lũi đi theo Khai Quốc Vương rời khỏi điện Trường Xuân, háo hức mong được khoe với hắn về quyết định trọng đại của mình. Ngày thứ mười ba, Thường Kiệt mới quay trở lại, mặt mũi tươi rói, trông không có vẻ gì là bị cho roi cho vọt. Vừa nhác thấy ta, hắn đã hớn hở khoe được Khai Quốc Vương dẫn theo khi ông đi luyện quân. "Lớn lên ta sẽ trở thành Đại tướng quân giống cha." Thường Kiệt ưỡn ngực tự hào. "Cha nào cơ? Cha nuôi hay cha đẻ?" Hắn gãi gãi đầu: "Nào cũng được." Câu chuyện về nghề nghiệp tương lai của Thường Kiệt khiến ta quên hẳn quyết định trọng đại kia. Sau đó, những chủ đề về chí hướng nam nhi khiến hai đứa không còn hào hứng chia sẻ với nhau dăm ba cái chuyện nữ nhi thường tình nữa. Để rồi trong suốt những năm tháng sau này, ta hằng ước giá như ngày đó mình đã không quên, giá như ngày đó ta vẫn tiếp tục tâm sự với Thường Kiệt về Quân Dao. Nhưng cuộc đời ấy mà, chăng bao giờ có chuyện giá như. "Thế sau này Nhật Tôn thích làm gì?" Ta buồn buồn vẫn về góc áo. "Làm Hoàng thượng chứ còn làm gì nữa." "Không." Thường Kiệt lắc đầu thật mạnh. "Thích cơ. Giả như không phải làm Hoàng thượng ấy, thì Nhật Tôn thích làm gi?" Bấy giờ ta mới nhận ra mình chưa từng suy nghĩ về nghề nghiệp tương lai. Bởi căn bản có bao nhiều lựa chọn đâu mà suy nghĩ. Nửa năm trước, khi hai đứa bắt đầu học võ, Thường Kiệt còn nói chắc như đinh đóng cột rằng mai này sẽ trở thành võ sư. Giờ được Khai Quốc Vương dẫn đi xem luyện quân thì lại muốn đổi nghề. Ta thầm ghen tị. Hắn có bao nhiêu là lựa chọn, thích gì làm nấy. Còn làm Hoàng thượng thì sẽ phải làm tới chết mới thôi. Càng nghĩ lại càng cảm thấy Hoàng thượng là công việc kém hấp dẫn vô cùng. "Thế có những nghề gi?" Thường Kiệt xòe tay nhầm đếm: "Nghề tướng quân này, nghề thừa tướng này, nghề vú nuôi, nghề đầu bếp, nghề cung nữ, nhiều lắm." Ta trỏ Phan Đình đang gà gật ngoài của. "Nội thị cũng là một nghề nhỉ?" "Ừ. Cả nghề nội thị nữa." Ta chợt nảy ra một ý: "Hay là sau này ngươi làm nội thị đi. Lớn tướng rồi vẫn được ở trong cung" "Không đời nào." Thường Kiệt giãy nảy lên khiến ta giật bắn. Phan Đình cũng tỉnh giấc mà ngơ ngác ngó vào. Đợi hắn lại thiu thiu rồi Thường Kiệt mới chỉ vào đũng quần rồi ghé tại ta nói nhỏ, giọng hơi nghiêm trọng. "Làm nội thị là bị cắt đấy." Đó là lần đầu tiên ta cảm thấy có một nghề còn khổ hơn cả nghề Hoàng thượng. Ấy vậy mà Phan Đình lại kể về cơ duyên đến với cái nghề này bằng một lòng biết ơn vô bờ bến. Phan Đình rưng rưng nói hắn mồ côi cha mẹ từ năm mười tuổi, nhà lại nghèo rớt. Lúc trước có nằm mơ hắn cũng không dám mong sẽ có một ngày được ăn đủ no, mặc đủ ấm. Hắn coi việc được Phan Đường Liệt nhận làm con nuôi rồi đưa vào cung là may mắn cả đời của mình. "Rồi làm sao người đi tiểu?" Phan Đình nuốt ngược cái nấc cụt vào bụng, rồi trố mắt nhìn ta. Dường như không tin nổi sau khi nghe câu chuyện cảm động hắn kể thì ta lại đi quan tâm vấn đề này. Hắn trợn mắt ngó trần nhà, hình như đang cân nhắc xem phải mô tả sao cho dễ hiểu. "Lúc cắt xong thì đao tử tượng' cắm một cái nút đồng vào.. của nô tài. Nên, bẩm Thái tử, đại khái là vẫn còn lỗ." 'Đạo tử tượng: Những người hành nghề hoạn. "Cắm vào đâu cơ?" Phan Đình lại trợn mắt ngó trần nhà. Lần này trông hắn còn căng thẳng hơn. Cuối cùng, hắn kéo ta vào tẩm điện, đóng kín cửa rồi xin ta cho phép hắn được hé quần ra. Dĩ nhiên ta đồng ý, thậm chí còn háo hức ngóng cổ, ghé mắt nhòm vào. Nhưng điều trông thấy sau đó lại ám ảnh ta suốt nửa tháng trời. Tới độ mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên ta làm là thò tay xuống đũng quần nắn xem còn hay mất. Khi nỗi ám ảnh dần vơi đi, ta mới dám đem chuyện này kể với Thường Kiệt. "Sợ thật!" Hắn rùng mình. "Rồi có tiểu đứng được không hay phải ngồi?" "Quên mất không hỏi." "Chốc hỏi đi." Cảm giác giật thột một cái gần cuống rốn, ta lắc đầu nguầy nguậy: "Không. Không hỏi nữa đâu." Vậy nhưng tới tối ta vẫn không nhịn được mà đi hỏi Phan Đình. Hắn nhìn ta, gượng gạo nói: "Nô tài vô cùng biết ơn vì cha nuôi đã đưa mình vào cung. Nhưng mà làm nội thị cũng chẳng phải là chuyện vinh quang gì. Thái tử đùng chọc nô tài nữa." Thấy thái độ khổ sở của Phan Đình thì ta không dám hỏi thêm bất kỳ câu nào nữa. Thường Kiệt nói đám nội thị thường hay mặc cảm vì khiếm khuyết cơ thể. Cắt bỏ đi rồi, nam chẳng ra nam, nữ chẳng ra nữ. Lúc đó ta còn nhỏ nên cũng kém hiểu biết, trong đầu luôn đinh ninh rằng khí khái nam nhi chung quy đều tụ lại ở đũng quần. Sau này mới ngẫm ra chí khí của một người đàn ông chẳng liên quan gì tới đũng quần của họ. Thậm chí nhiều kẻ đũng quần đầy đủ nhưng vẫn không đáng mặt nam nhi đại trượng phu. Dù không tâm sự với Thường Kiệt chuyện về Quân Dao nhưng ta vẫn luôn canh cánh trong lòng quyết tâm theo đuổi nàng. Bắt đầu từ việc thôi xuống bếp ăn vụng và cần mẫn rèn luyện thêm những môn mà cha vẫn thường vui mồm gọi là tài lẻ. Có một dạo ta cho rằng cùng ăn vụng như nhau nhưng Thường Kiệt chẳng bao giờ béo còn ta thì cứ ngày một phì ra là bởi hắn may mắn cầm tinh con dê, còn ta lại đen đủi cầm tinh con lợn. Sau này nhớ lại mới nhận ra lần nào ta cũng vục mồm ăn lấy ăn để, còn hắn thì chỉ ăn lấy hương lấy hoa. Nỗ lực bóp mồm bóp miệng suốt hai tháng, cuối cùng cũng có một ngày Thường Kiệt chợt ngắm ta rồi thốt lên kinh ngạc: "Sao dạo này gầy thế?" "Thật hả?" Ta mừng rỡ hỏi lại. "Ừ. Thật. Trông teo tóp còn mỗi cục mỡ." Hắn cười phá lên. Vì chuyện này mà ta dỗi Thường Kiệt mất hai ngày. Khi ta vật lộn xong với chuyện ăn uống thì cũng là lúc Thường Kiệt phải đương đầu với vấn đề mà vú Dung gọi là biến động tuổi dậy thì. Ban đầu ta còn tưởng hắn bị ốm kinh niên nên giọng nói mới ồm ồm như vịt đực. Hắn cũng không còn thường xuyên cùng ta bày trò nghịch phá, thay vào đó hắn thích bắt chước người lớn, thích ra vẻ đạo mạo khuôn phép. Vú Dung nói tuổi thơ của Thường Kiệt như vậy là chấm dứt rồi. Tuổi thơ của ta cũng chấm dứt sau đó ba năm.
CHƯƠNG 3 Những Kẻ Si Tình 01. Năm Thông Thụy thứ tư', cha đích thân dẫn quân đi dẹp loạn Lâm Tây'. Địa hình hiểm trở, bắc giáp Đại Tống, Lâm Tây từ lâu đã trở thành điểm nóng chính trị của Đại Cồ Việt, là nơi mà đám tàn dư tiền triều khép đôi cánh lại để chờ cơ hội trở mình. Từ Lâm Tây, những tin đồn bất lợi về triều đình cứ nương theo gió mà bay khắp đại ngàn, dụ hoặc lòng tin của không biết bao nhiêu đồng bào dân tộc thiểu số. 1. Năm Thông Thụy thứ tư: Năm 1037. 2. Lâm Tây: Tức Lai Châu ngày nay. Ông nội không động tới Lâm Tây là bởi lòng người khi đó còn hướng về nhà Lê. Nhưng năm tháng qua đi, những kẻ thực sự tận trung với tiền triều đều đã chết hoặc già yếu. Nòng cốt phản quân giờ chỉ còn lại những kẻ lợi dụng lòng người để bòn rút tiền tài. Thậm chí chúng còn cấu kết với quan tham để trơ trẽn ăn cướp giữa ban ngày ban mặt. Lòng dân rối loạn, không muốn theo triều đình nhưng cũng chẳng còn tin tưởng phản quân. Lúc bấy giờ chính là thời cơ thích hợp nhất để giội một gáo nước lạnh, làm nguội đi điểm nóng Lâm Tây. Năm ấy ta vừa tròn mười bốn tuổi, được phong làm Đại nguyên soái, được trao gần như toàn bộ quyền chỉ huy. Thường Kiệt cũng theo quân. Ta muốn hắn hộ giá bên cạnh, nhưng hắn lại tha thiết mong được đâm đầu vào hàng ngũ tiên phong. Đó là nơi dễ lập quân công, nhưng cũng là nơi mà mạng sống treo đầu mũi giáo. "Lỡ chết thì làm sao?" Thường Kiệt không thèm để ý tới sự lo lắng của ta, hắn bình thản giương cung. "Được chết trên sa trường là vinh quang của người lính." Mũi tên rời cung, xé gió rồi cắm phập vào hồng tâm. Ta ngao ngán nhìn đuôi tên vẫn rung lên nhè nhẹ. Không rõ từ khi nào Thường Kiệt lại bắt đầu ngưỡng mộ cha đẻ của hắn tới vậy. Năm xưa Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ đã đen đủi nằm lại chiến trường. Cứ đà này thì Thường Kiệt nối gót ông cũng chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi. Khi ta đang vắt óc nghĩ xem có cách nào khiến hắn nghĩ khác đi được không thì Thường Kiệt lại cười nói: "Nếu thần tử trận thì Thái tử cứ để thần nằm lại Lâm Tây, làm mồi nuôi diều núi." Ta quăng phịch cây cung lên bàn, gắt: "Không thích chôn thì để bổn Thái tử đem bón ruộng cho đỡ phí." May mắn năm đó Thường Kiệt không có dịp noi gương tướng quân Ngô An Ngữ. Đám diều núi rạp cánh khắp dãy Hoàng Liên chẳng xơ múi được miếng thịt nào của hắn. Thường Kiệt lập công đầu, chém chết thủ lĩnh quân phản loạn. Làm Đại nguyên soái, lại còn là Thái tử, ba quân lo ta bị sứt mẻ còn hơn cả lo bại trận, vậy nên từ đầu tới cuối ta chỉ việc động não và trỏ tay năm ngón. Nhưng Thường Kiệt thì khác, khi ấy hắn giống như đem cả sinh mạng ra mà đặt cược. Một vài kẻ ở nhà lại chẳng hiểu điều này, hoặc cố tình không hiểu. Sự khốc liệt của chiến tranh, đầu rơi máu chảy, cái chết sát sườn, tất cả dường như chỉ giống câu chuyện trên trang giấy. Trước mặt, bọn họ vẫn ngon ngọt chúc mừng Thường Kiệt lập được đại công, nhưng sau lưng thì lại khơi lên những tin đồn ác ý. "Ngươi chán cung Long Đức rồi à?" Ta khó chịu ngó Thường Kiệt. Hắn quỳ thẳng lưng giữa điện, từ tốn đáp: "Phủ nhà họ Ngô bao năm nay bỏ trống, giờ đã tới lúc thần phải quay về rồi." "Không muốn bỏ trống thì ta sai người đến ở hộ ngươi." "Tạ ơn Thái tử! Nhưng thần muốn tự mình lo hương hỏa cho cha mẹ." Thường Kiệt dập đầu sát đất. Ta liếc Phan Đình. Hắn đáp lại bằng nét cười ái ngại. Hôm hắn rỉ tai ta là gần đây xuất hiện vài tin đồn vớ vẩn, rằng Thường Kiệt ăn nằm với Thái tử nên mới được ưu ái, rằng con đường công danh của hắn trải sẵn hoa vàng. Ta nhìn Thường Kiệt vẫn cắm đầu xuống đất, rầu rĩ buông một câu: "Từ nay ta không bắt ngươi ngủ cùng nữa là được chứ gì." Nhưng Thường Kiệt không chịu. Hắn kiên quyết dọn ra khỏi cung Long Đức. Nhiều khi ta mong hắn cứ láu cá như ngày còn bé. Ngoài kia có biết bao nhiêu người còn phải đi móc nối quan hệ để tiến thân. Ta đây lại chẳng ngán gì miệng lưỡi người đời, sẵn sàng chìa vai ra cho hắn làm bàn đạp. Nhưng vai ta đấy Thường Kiệt chẳng thèm giẫm, hắn cứ thích tự đi lên trên đôi chân của chính mình. Nhiều khi điên tiết lắm mà chẳng biết phải làm sao mới được. Thường Kiệt về nhà độ hai năm thì Thăng Long bắt đầu nổi đầy sóng gió. Một buổi sáng mát trời, Phan Đình châm trà cho ta, miệng cười dúm dím: "Ở Thăng Long đang có một chuyện rất ly kỳ. Thái tử đã biết chưa ạ?" Ta không thèm đáp lời Phan Đình. Cái kiểu hỏi khiến người ta tò mò ấy hắn cứ dùng đi dùng lại hoài. Chỉ lúc sau hắn đã không nhịn được mà tiếp: "Thái tử, gần đây cứ hễ khi nào con trai nhà họ Ngô xuống phố thì đám con gái lại xếp hàng dài cả dặm." "Con trai nhà họ Ngô? Thường Kiệt á?" Không chỉ riêng chuyện con gái bám đuôi, mà cả cái danh hiệu đệ nhất mỹ nam Đại Cồ Việt chẳng biết từ khi nào cũng đã quàng vào cổ hắn. Không giống ta béo lăn béo lóc, Thường Kiệt ngay từ nhỏ đã rất ưa nhìn. Nhan sắc của ta phải nỗ lực mới có được, còn hắn thì là trời sinh. Năm mười bốn tuổi bắt đầu trổ mã lại càng đẹp tới kinh thiên động địa. Nhưng Phan Đình lại nói nếu sinh vào thời loạn thì cái danh hiệu đệ nhất mỹ nam chắc chắn sẽ về tay ta. Đáng tiếc giờ lại là thời bình nên quan niệm về cái đẹp của đám đàn bà con gái cũng khác, không còn chuộng vẻ nam tính góc cạnh. Chỉ có quan niệm của đám đàn ông thì ngàn năm vẫn vậy. Ta nghe tới đây liền bắt đầu cảm thấy thực ra Phan Đình vẫn còn là một người đàn ông chân chính. Ngay tới Thường Kiệt cũng chẳng bao giờ hài lòng với vẻ ngoài của mình. Theo như hắn tự nhận xét thì đường nét khuôn mặt hắn có thiên hướng mềm mại, nữ tính. Đó giống như một rào cản vô cùng lớn cho sự nghiệp binh đao. Không phải tự dưng mà hắn trở nên trầm tĩnh, lạnh lùng. Bởi chỉ như vậy thì mới vơi đi được vẻ phong tình. "Giá mà thần được một phần như Thái tử." Thường Kiệt săm soi gương mặt mình trên cái ấm đồng. "Một phần gì cơ? Cái bản mặt ngươi đẹp như vậy còn muốn gì nữa?" Lúc đó ta chưa hiểu nỗi khổ của Thường Kiệt, cũng không biết hắn đang cố gắng rèn luyện cho ra cái thần thái của con nhà võ, nên mới vô tình đem muối xát vào lòng hắn. Sau này hiểu ra thì ta xem đó là trò vui, rồi tối ngày cố tình chọc ghẹo. "Khi xưa nước Vệ có Vệ Linh Công say đắm nho sĩ Di Tử Hà. Nước Trần cũng có Trần Văn Đế si mê tướng quân Hàn Tử Cao." Ta chậm rãi ngâm nga. "Thường Kiệt đẹp tới rung động lòng người như vậy, hay là bằng lòng gả vào Đông cung đi?" Dứt lời, ta phá ra cười ngặt nghẽo trong khi Thường Kiệt thì đen sì mặt mũi. Cứ trêu riết nên có người lại tưởng thật, ấy là Phan Đình. Cũng bởi vậy mà sau này khi người con gái của lòng ta quay lại, hắn cứ bàng hoàng mãi không thôi.
02 . Có một thời gian ta gần như đã quên bằng Quân Dao. Nàng từng là động lực để ta cố gắng bóp mồm bóp miệng và phấn đấu trở thành thanh niên ưu tú. Nhưng mối tình thơ dại năm bảy tuổi ấy vẫn chẳng đủ khắc sâu trong lòng. Từ năm mười tuổi thì ta đã không còn đem bức tranh của nàng ra ngắm nghía. Một là vì khi đó ta được phong tước Khai Hoàng Vương, tối ngày bù đầu học cách chăm lo việc nước, hai là vì ta đã giảm béo thành công, ba là vì bức tranh ấy xấu kinh khủng khiếp. Nếu có người đem bức tranh như vậy tới tỏ tình với ta thì chắc chắn ta sẽ không ngần ngại mà đấm thẳng vào mặt hắn. Bảy năm sau ta mới lại giở bức tranh đó ra. Cũng bởi nghe được một tin đồn từ miệng Phan Đình. Hắn nói Thăng Long đệ nhất mỹ nam có Ngô Thường Kiệt, Thăng Long đệ nhất mỹ nữ có Dương Quân Dao. Dân tình đang ngày ngóng đêm hai người đó gặp nhau để cùng dệt nên thiên tình sử. Ta ngắm bức chân dung xấu đau xấu đớn được vẽ từ ngày nàng năm tuổi, tự hỏi không biết khi mười sáu tuổi trông nàng như thế nào. Liệu có còn lại chút gì của hình bóng năm xưa hay không? Sóng lòng bảy năm mới dậy lại, nhưng vẫn chẳng đủ dạt dào. Ta lại quên bẵng Quân Dao chỉ vài ngày sau đó. Bởi vì ta phát hiện ra hình như Thường Kiệt đã động tình. Mười hai năm ở cạnh nhau, đó là lần đầu tiên ta thấy Thường Kiệt cười một mình. Hắn không biết ta đang nhổm dậy ngó, nên mặt càng lúc càng đần độn, có vẻ như đã chìm sâu vào cõi mộng với cô nương nhà người ta mất rồi. Ta vừa tò mò, lại vừa khó chịu. Vất vả lắm mới gạ được Thường Kiệt ngủ lại Đông cung, vậy mà hắn cứ ngẩn ngơ thả hồn theo gió. "Này, đẹp lắm hả?" Thường Kiệt mơ màng đáp, không nhận ra ý giễu nhại trong giọng nói của ta: "Nàng đẹp tựa thiên tiên ấy." "Thấy tiên bao giờ chưa mà ví?" "Cũng chỉ được như nàng là cùng." "Thế ngươi đã hỏi cưới chưa?" Thường Kiệt ấp úng: "Vẫn.. chưa." "Sao chưa? Chờ người ta lấy chồng rồi mới hỏi à?" Hắn trịnh trọng bày tỏ: "Thần đợi khi nào công thành danh toại mới ngỏ lời." Ta phì cười: "Coi chừng tới lúc ấy thì người ta con cháu đề huề mất rồi. " Vậy còn Thái tử thì sao, có thích ai không? "Thường Kiệt lảng chuyện. Ta chống tay thái dương, ngó lên nóc điện mà thở dài thườn thượt:" Bổn Thái tử trót si mê con trai nhà họ Ngô cung mất rồi. Vẫn ngày ngày chờ hắn bằng lòng gả vào Đông cung đây. " Thình lình, Thường Kiệt vùng dậy kẹp cổ, vật ta ngã dúi xuống nệm. Sau một thoáng bất ngờ, ta bắt đầu hào hứng vật lại hắn. Từ ngày dọn khỏi cung Long Đức, đây là lần đầu tiên Thường Kiệt chịu dẹp bỏ tôn ti. Trong một thoáng, ta lại được trở về làm đứa em trai nhỏ của hắn giống như ngày thơ bé. Tình yêu quả nhiên ẩn chứa sức mạnh diệu kỳ, có thể khiến cho tâm hồn con người ta bớt đi vài phần cằn cỗi. Hai thằng quần nhau nát giường, rồi quần lăn cả xuống đất. Ta nhanh nhẹn hơn Thường Kiệt, nhưng lại không khỏe bằng hắn, thành ra cuối cùng bị đè nghiến trên sàn. " Cấm được trêu nữa nghe chưa! "Hắn nghiến răng đe." Ta mà ế vợ thì sẽ cưới Thái tử thật đấy. " Thường Kiệt ế vợ không phải là chuyện vô căn cứ, dù căn cứ ấy chỉ bập bềnh như lục bình trôi sông. Chuyện là vào những ngày cuối cùng ở lại Lâm Tây để an định lòng dân, ta đã gặp được một cao nhân . Thực ra trong mắt ta thì cao nhân này chỉ là một lão thầy bùa chuyên giả thần giả quỷ. Nhưng chúng dân lại cứ tin lão là thánh thần giáng thế. Ta muốn lấy lòng dân, nên cũng buộc phải giả bộ coi trọng lão. Cao nhân lại cứ tưởng ta chân thành đối đãi, nên cũng chân thành gieo cho ta một quẻ. Quẻ bói nói rằng số mệnh ta được nhật nguyệt chiếu soi, về cơ bản là viên mãn tròn đầy. " Nghĩa là vẫn có những chuyện không được như ý? "Ta giả bộ quan tâm. Cao nhân lại chau mày bấm độn, lát sau thì thở dài:" Lão nói Thái tử đừng trách tội. Số mệnh của người đã định là cả đời phải muộn phiền vì một chữ tình. " Ai đời thanh niên mười bốn tuổi đầu, lòng xuân phơi phới còn chưa kịp nở hoa đã vội phán người ta cả đời phải khổ vì tình. Ta nhấp ngụm trà cho hạ hỏa, rồi cười cười chỉ Thường Kiệt:" Phiền thầy xem giúp hắn một quẻ. " Cao nhân xin ngày tháng năm sinh của Thường Kiệt, rồi chau mày bấm độn rất lâu. Lát sau, lão mới ôn tồn hỏi:" Không biết công tử có vết sẹo nào sau tại không? " Ta giật thột. Hồi mới luyện võ ta từng sơ ý làm Thường Kiệt bị thương, thiếu chút nữa thôi là xẻo luôn tại hắn. Ngày ấy hắn chảy máu đầm đìa. Ta sợ hắn chết nên nước mắt cứ tuôn như sông như suối. Qua nhiều năm, vết sẹo đã phẳng lì trắng bợt, nhưng thỉnh thoảng trái gió trở trời vẫn thấy hơi ngưa ngứa. Mỗi lần như vậy Thường Kiệt lại trách sao năm đó ta không tặng hắn một nhát ngay giữa mặt. Được vậy thì có phải đỡ đi vài phần đẹp trai rồi không. " Ta không có. "Thường Kiệt nói láo." Không có thì sao, mà có thì sao? Phiền thầy chỉ điểm. "Không có thì tốt. Không có thì tốt rồi." Lão cao nhân gật gù vuốt chòm râu điểm bạc."Công tử vốn mang bản mệnh chí âm. Những người mang bản mệnh này nếu là nữ thì cả đời phú quý nhưng lại chẳng được toại lòng, còn nếu là nam thì cuộc đời lại vô cùng viên mãn. Có điều công tử phải cẩn thận không được để bị sẹo sau tai. Vết sẹo đó sẽ giúp công tử trở thành bậc anh hùng cái thế, sử sách vang danh. Nhưng đổi lại nó cũng khiến cho công tử cả đời đau khổ, giường không gối chiếc, tuyệt tử tuyệt tôn. Ta chống cằm nghe lão cao nhân phán một thôi một hồi. Nghe xong thì cũng không có cảm xúc gì đặc biệt, ngoại trừ việc muốn cầm ấm trà mà úp thẳng lên đầu lão. Hình như Thường Kiệt cũng có cảm xúc tương tự. Ngón tay hắn cứ gõ đều đều vào thanh kiếm đặt trên bàn. Cái số hắn so ra còn bi đát hơn cả ta. Ai đời thanh niên mười tám tuổi đầu, tới yêu còn chưa kịp đã vội phán người ta cả đời không chạm được vào đàn bà. Lần đầu xem bói đã rước bực vào người. Sau khi rời khỏi Lâm Tây thì ta cũng quên hoàn toàn lời của lão cao nhân. Thường Kiệt nhắc chuyện ế vợ mới khiến ta tự nhiên nhớ lại. Hắn nói chờ công thành danh toại sẽ ngỏ lời, không biết phải chờ hết bao lâu? Có khi nào thực sự đen đủi tới mức giường không gối chiếc, tuyệt tử tuyệt tôn? Đêm đó là lần đầu tiên Thường Kiệt thổ lộ với ta về người con gái mà hắn thầm thương trộm nhớ. Rất, rất nhiều năm sau này, ta luôn tự hỏi nếu như ngày ấy hắn nói với ta rằng đó là Quân Dao, thì liệu ta có chịu buông bỏ nàng hay không? Bởi dẫu sao thì khi ấy ta mới chỉ thích chứ đâu đã yêu nàng tới dốc cạn ruột gan. Nhưng câu trả lời mãi mãi vẫn là không. Bởi khi bắt đầu tự hỏi điều đó thì ta đã trót yêu nàng mất rồi.
CHƯƠNG 4 Con Gái Nhà Họ Dương 01. Trên triều hiện giờ, Đô thống' Đàm Toái Trạng đang hô mưa gọi gió, lại có ý ủng hộ ra mặt cháu ngoại ông ta là Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung. Đứa em trai cùng cha khác ông ngoại này của ta càng lớn càng tài hoa xuất chúng. Những năm gần đây, cứ hễ ta cùng cha xuất chinh thì nó lại ở nhà giám quốc. Có một đứa em trai như vậy đáng ra là chuyện tốt, nhưng ông ngoại của nó lòng đầy dã tâm, cuối cùng thành ra chuyện chẳng lành. Giờ mới thấy Thường Kiệt nói đúng, hồi còn nhỏ đáng ra ta không nên nghỉ chơi với Nhật Trung. Anh em nhiều năm khách sáo, có khi từ lâu đã thành người ngoài, giờ lại thêm gian thần đưa đẩy. 1. Đô thống: Một chức quan võ cấp cao của triều Lý. Ta không muốn cuối cùng sẽ đi tới kết cục thủ túc tương tàn, nhưng cũng không thể vô lo không phòng bị. Người đứng đầu hàng ngũ võ quan là Thái úy Nguyễn Quang Lợi xưa nay đều giữ thái độ trung dung, lại còn sắp tới tuổi cáo lão hồi hương. Kẻ có thể lôi kéo mà lại đủ sức đối trọng với Đô thống Đàm Toái Trạng hiện tại chỉ có mình Thượng tướng quân Dương Bình. Người đời nói chẳng sai, thương ai thương cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ty họ hàng. Ta thương Quân Dao từ nhỏ, vậy cũng nên bắt đầu thương cả họ nhà nàng đi thôi. Vậy mà ta còn chưa kịp tính xem phải làm gì thì Thượng tướng quân Dương Bình đã tính hộ. Khi lời đồn Quân Dao đẹp tới khuynh quốc khuynh thành bắt đầu lọt vào tai ta mà không phải là từ cái miệng bép xép của Phan Đình, thì ta đã biết Thượng tướng quân Dương Bình đang bắt đầu tìm cách gả con gái vào Đông cung. Ta tự tính thì là một đằng, nhưng để người khác tính toán với ta thì lại đi một nhẽ. Chuyện cưới Quân Dao trong lòng vốn có chút chờ mong, giờ lại đâm ra hơi lấn cấn. Đáng thất vọng hơn là trong bao nhiêu phương thức hay họ để nhét được mỹ nhân vào lòng ta, thì Thượng tướng quân Dương Bình lại đi chọn cách thông qua Tư thiên giám'. Mười bốn tuổi đầu bị phán cả đời đau khổ vì tình đã khiến ta đây ghét cay ghét đắng đám người chuyên thò tay bấm độn. Tư thiên giám sinh ra vốn là để giúp thiên tử trị quốc, an định lòng dân. Từ khi nào thì lại trở thành công cụ để người ta tác oai tác quái? 2. Tư thiên giám: Cơ quan quan sát và chiêm nghiệm âm dương bói toán, các vấn đề địa lý và phong thủy, các hiện tượng thiên văn thời tiết, làm lịch, coi ngày. Mùng Một tháng Giêng năm Càn Phù Hữu Đạo thứ ba', ngay chính ngọ, vàng dương chói lòa bị bóng đêm nuốt trọn. Lần cuối cùng xảy ra hiện tượng nhật thực là vào năm Thuận Thiên thứ mười chín'. Tròn một tháng sau đó thì ông nội qua đời. Lần này Tư thiên lệnh' vội vã dâng sớ nói: "Trời sinh dị tượng, Đông cung tất biến". Ta thực nóng lòng chờ xem màn kịch Thượng tướng quân Dương Bình dốc công bày ra sẽ đặc sắc tới mức nào. 3. Năm Càn Phù Hữu Đạo thứ ba: Năm 1041. 4. Năm Thuận Thiên thứ mười chín: Năm 1028. 5. Tư thiên lệnh: Chức quan đứng đầu Tư thiên giám. Năm ngoái mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu, vậy nên Nguyễn tiêu năm nay lễ hội đèn Quảng Chiếu được tổ chức vô cùng hoành tráng. Đài quảng chiếu cao gần ba mươi trượng được dựng lên sừng sững trước cửa Đại Hưng. Trên đỉnh ngự một đài sen khổng lồ, vòng ngoài tạo mình rồng uốn bảy tầng quanh lồng nhiễu, bên trong bày xếp vô số đèn nến đủ dạng đủ màu, dưới chân đài lại bố trí hệ thống cơ quan tự động quay. Từ xa nhìn lại, đài cao Quảng Chiếu trông chẳng khác nào thiên long bay lên chín tầng mây mà đỡ lấy sen vàng. Kế đài Quảng Chiếu là hai gác chuông cao mười lăm thước. Mỗi gác treo một quả chuông vàng. Bên cạnh đặt tượng nhà sư cầm vồ, trong gắn cơ quan, cứ cách một canh giờ là lại tự động đánh lên bảy tiếng. Đó là chưa kể đến mấy tòa thất bảo, núi vàng núi bạc, rồi mấy tòa Bạch Ngân, Điểu Vân, Tượng Xí.. Những năm trước, mỗi lần diễn ra hội đèn Quảng Chiếu ta đều điều động phân nửa số quân cấm vệ của Đông cung tới trực luân phiên ở cửa Đại Hưng. Năm nay cũng vậy. Nếu ta là Thượng tướng quân Dương Bình thì chắc chắn sẽ lựa chọn dịp này để ra tay. Trò hay phải thưởng thức từ xa, ta dắt theo Phan Đình đi dạo phường dạo phố. Cấm quân rút đi phân nửa, Đông cung trống không, rộng cửa đón kẻ gian lộng hành. Năm nay cũng vậy. Nếu ta là Thượng tướng quân Dương Bình thì chắc chắn sẽ lựa chọn dịp này để ra tay. Trò hay phải thưởng thức từ xa, ta dắt theo Phan Đình đi dạo phường dạo phố. Cấm quân rút đi phân nửa, Đông cung trống không, rộng cửa đón kẻ gian lộng hành.