Nhật kí đêm Giao Thừa Tác giả: Vô Âm Vị Vãn. Đêm nay 30 Tết, tôi vui vẻ ngồi cắn hạt dưa xem Táo Quân cùng bố mẹ và ông bà. Họ gom lại để phản ánh những vấn đề cần khắc phục của năm cũ bằng những lời lẽ hài hước vui nhộn. Sau đó, là các chương trình giao lưu Tết bằng những tiết mục vô cùng đặc sắc. Tôi ngồi đến là mệt mỏi, cắn hạt dưa đến là suýt rớt quai hàm, bèn lết lên giường trong buồng nghỉ. Tôi sẽ không ngủ đâu, tôi sẽ thức, sẽ thức để đón chào đêm Giao Thừa, thức để chứng kiến khoảnh khắc giao điểm giữa hai năm mới cũ. Đây là lần đầu tiên tôi không ngủ để chào đón một năm mới bắt đầu nên đương nhiên sẽ có chút hồi hộp. Nhưng cơn buồn ngủ quen thuộc lại ùa về, cơ thể đã bắt đầu muốn dính lấy chăn gối êm ái, mắt đã bắt đầu muốn gặp bờ mi, tôi không kìm được mà đương theo giấc ngủ từ bao giờ.. Trong cơn mê, bà nội cười hỏi nhỏ tôi: "Buồn ngủ à? 12h đêm rồi đấy, cháu có dậy không?". Tôi mơ màng, hai mắt cứ díp lại, tôi nhẹ trả lời: "Cháu buồn ngủ lắm". Tôi nghe mang máng bà bảo ngủ đi, chỉ chờ có vậy, tôi liền dần lịm đi.. "Ơ, thế Bi không dậy à, xem pháo hoa kìa con" – Giọng nói trầm ấm của bố đột ngột văng vẳng bên tai đánh thức tôi. Tôi mệt mỏi từ chối, nhưng bố lại bảo: "Hâm, năm mới, bỏ qua thì phí lắm con". Nghe thế, tôi bừng tỉnh, liền chậm rãi một lần nữa lết thân ra ngoài nhà. Ừm, bố nói đúng, tôi đã thật mong chờ khoảnh khắc này.. Trong những năm trước đây, thứ tôi mong chờ nhất luôn là thời gian đi chúc Tết, cho đi và nhận lại những lời chúc và bao lì xì đỏ thắm. Thế nhưng, năm nay lại khác hoàn toàn, dịch covid cùng những lệnh giãn cách đã làm mọi người có chút e sợ, sẽ chẳng như mọi lần, sẽ chẳng ai đi chúc Tết đâu, đó là dự đoán mười phân chắc chắn kéo theo chín phần buồn tủi. Và sau tất cả, tôi sẽ tìm mọi cách để có thể thưởng thức cái Tết này một cách thật trọn vẹn, dù chỉ là chút niềm vui nho nhỏ mà thôi.. Tôi dề dà theo bố ra sân xem pháo hoa bắn ở các nhà khác. Tiếng pháo hoa "Đùng đùng" vẫn cứ vang lên, mà tôi lại không thấy được nó bởi mái ngói đã che mất tất cả. Tôi khoác tạm áo bố đưa cho, ỉu xìu vào lại nhà. Hình ảnh chủ tịch nước kiêm bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện lên trên màn hình ti vi. Ông ôn tồn gửi lời chào thân ái đến toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài: "Chúc toàn thể đồng bào, đồng chí, mỗi gia đình, mỗi người dân Việt Nam sang năm mới có nhiều sức khoẻ, niềm vui, hạnh phúc và thành công! Mừng Xuân mới khí thế mới, thắng lợi mới! Nhà nhà vui tươi, người người hạnh phúc! Chào thân ái và quyết thắng!". Tiếp đó là tràng pháo hoa hoành tráng đã được chuẩn bị từ lâu. Tôi khó chịu: – Bố ơi, xem thế này không thực tế chút nào. Bây giờ bố cứ thử search trên mạng thôi là cả đống video quay pháo hoa rực rỡ hiện ra trước mắt bố liền hà. – Con thì hiểu gì? Mình phải tưởng tượng bản thân đang đứng ngắm nó hiểu không? Tôi từ chối làm, lặng nhìn ti vi. Pháo hoa bắn lên nở rộ như một bông hoa thực thụ, vươn lên giữa trời đêm thành phố hiện đại như những nét vẽ được các họa sĩ thảo lên nổi trội.. Bông hoa đó như cũng nở rộ trong lòng mỗi người dân, để trong tình cảnh "tối đèn", nhân dân ta sẽ luôn đồng lòng, tương thân tương ái để rồi rực sáng, chiến thắng con quái vật Corona hung hãn kia. Bố tôi muốn ra nghè cầu nguyện, tôi cũng xin đi theo. Tôi đi đôi giày thể thao mới tinh cất gót theo chân bố.. Trời đen tuyền, một vẻ tĩnh lặng trầm luân bao lấy tôi, bầu không khí tôi hít thở thật lạ kì, mới mẻ và trong trẻo. Có lẽ, đây chính là không gian của đầu năm mới mà tôi luôn mong chờ. Trên đường, bố con tôi bắt gặp một cặp đôi đang tình tứ với nhau. Ngăn cách hai người là chiếc cửa nhà, người con gái ở trong, người con trai đứng ngoài. Hai bố con tôi cười đểu nhìn nhau, bố trêu tôi: – Khi nào đó con gái cũng như thế thôi. – Xì, còn lâu, con còn ăn bám bố cả đời – Tôi bĩu môi đáp lại. Đến nghè rồi, một nơi linh thiêng, là nơi thờ cụ bà. Đứng chờ bên ngoài, bố tôi hoài niệm kể với tôi về những ngày xưa. Ngày xưa, ở hai bên nghè thực ra có hai cây đa, rồi vào những buổi chiều tà, bố lại chèo lên cây đó bắt chéo chân say giấc nồng. Một cây vẫn còn đó, còn một cây, đã vì cỗi mà từ giã cõi đời này. Cây đa đứng uy nghiêm ở đó như muốn bảo hộ cho nơi đây. Cuộc đời của nó dành trọn cho nơi này, sinh ra tại vùng đất này, chết cũng gieo mình tại đây, nó như lặng ngắm nhìn dòng người luân phiên qua lại.. Cây đa già nua, những vết chân chim minh chứng cho năm tháng hằn lên thân gỗ ghồ ghề của nó, thanh gỗ dài như chiếc gậy của các cụ đỡ lấy thân sạm, nó, đã rất già rồi.. Bước vào nghè, tôi chỉ dám đứng một bên thôi, sợ bản thân làm điều gì không phải. Nơi đây mang một cỗ hương rất cổ xưa và yên bình, khiến mọi người đến đây có một loại cảm giác muốn trân trọng giữ gìn và phải tôn thờ bằng cả tấm lòng. Bố tôi thắp nhang cắm lên ban thờ, góp tiền vào két sắt quỹ làng. Song, bố quay đầu gọi: "Bi, lại đây chắp tay lại đi con". Tôi làm theo, lại nhìn bố, mắt bố nhắm chặt, thỉnh thoảng tôi lại nghe thấy tiếng hít thở sâu và tiếng lẩm nhẩm cầu nguyện của bố. Tôi ngước mắt lên ban thờ, suy nghĩ về những tháng năm vừa qua, có ngậm ngùi, có buồn tủi, có xót xa, có hạnh phúc mĩ mãn, mọi xúc cảm đều đủ đầy và đa dạng.. Giờ tôi lại cảm thấy, những xui xẻo, những buồn tủi của năm cũ chỉ là gió thoảng mây bay mà thôi. Bởi lẽ, nếu thiếu đi những xúc cảm đó, cuộc đời của một con người sẽ thật tẻ nhạt và vô nghĩa.. Tôi thì thầm cầu nguyện, mong sao những lời này sẽ đến tai cụ nơi hoàng tuyền bích lạc. Tôi chỉ mong gia đình luôn mạnh khỏe, luôn vui vẻ hạnh phúc, chỉ có như vậy, tôi chẳng biết cầu thêm điều gì khác.. Cất bước về nhà, bố con tôi lại bắt gặp cảnh đôi trai gái kia tình cảm nồng đượm. Nãy giờ cậu trai vẫn đứng đó, tôi ghé tai bố đùa thầm: – Trời thì lạnh, đêm thì cần phải đi ngủ, không có ghế mà ngồi, thế mà vẫn đứng đây được, bội phục bội phục. – Cái con bé này, nếu người ta không say đắm nhau thì người ta cũng chẳng cần làm thế đúng không? – Vâng, nhưng chỉ là một quãng thời gian mà thôi bố nhỉ? – Ừ, cái này người ta hay gọi là "tình yêu bọ sít" đấy con. Phải, nếu không thích thì chẳng cần khổ như vậy. Sẽ chẳng có ai vì một người ngoài mà chịu khổ cả. Một tình yêu không đáng tin, một thứ tình cảm chợt nở rồi sớm tàn phai, thậm chí còn làm bản thân phải đau khổ. Vậy thì, tôi cũng chẳng cần lắm.. Sẽ mãi là nhà, nhà mãi luôn là bến đỗ của những người con đi xa. Chừng nào ta chưa muốn bước ra thế giới bên ngoài, thì chừng đó, nhà vẫn sẽ luôn bao bọc vỗ về ta vô điều kiện, dù là 2 năm, 5 năm, hay 10 năm, thậm chí là cả đời.. Tết – quãng thời gian ngơi nghỉ đủ để ta chữa lành những vết thương khi vấp ngã, đủ để ta chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho một hành trình gian nan sắp tới. Hãy gột rửa tất cả những chất đen dơ bẩn của năm cũ, thật sạch sẽ và tươi tắn để đón chào một năm mới.. Hết Bài viết này được đăng tại Vnking và VNO.