Thực hành tiếng Việt trang 51- Ngữ văn 10, Cánh diều Trật tự từ Câu 1. Trật tự từ trong mỗi cặp câu dưới đây thể hiện những khác biệt về nghĩa như thế nào? a1. Mồng 8 tháng Ba là ngày phụ nữ Quốc tế. a2. Mồng 8 tháng Ba là ngày Quốc tế phụ nữ. b1. Đỗ Phủ là nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng. b2. Đỗ Phủ là nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc. c1. Bài thơ đã nói lên sự cảm thông sâu sắc với những người lính của ông. c2. Bài thơ đã nói lên sự cảm thông sâu sắc của ông với những người lính. Gợi ý: - a1: Trật tự từ trong câu a1 khiến ta hiểu ngày này chỉ dành cho những người phụ nữ nước ngoài (không có phụ nữ Việt Nam) - a2: Nhấn mạnh ngày mồng 8 tháng 3 là ngày dành cho mọi phụ nữ trên toàn cầu, bao gồm cả phụ nữ Việt Nam. - b1: Nhấn mạnh nơi nhà thơ Đỗ Phủ sinh ra - "nổi tiếng" bổ sung nghĩa cho Trung Quốc. - b2: Nhấn mạnh sự nổi tiếng của nhà thơ Đỗ Phủ - "nổi tiếng" bổ sung nghĩa cho Đỗ Phủ. - c1: Thể hiện "sự cảm thông sâu sắc" mà "bài thơ" dành cho "những người lính của ông". - c2: Thể hiện "sự cảm thông sâu sắc" mà "ông" dành cho "những người lính". Câu 2. Phân tích và sửa lỗi về trật tự từ trong các trường hợp sau: a. Tự tình (bài 2) là một trong những bài thơ cất tiếng nói quyết liệt đấu tranh cho nữ quyền của Hồ Xuân Hương. b. Câu cá mùa thu, Vịnh mùa thu, Uống rượu mùa thu là chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến nổi tiếng. c. Đến năm 2000, phải thanh toán hết các trang thiết bị cũ kĩ, lạc hậu, phải đầu tư một số dụng cụ chuyên khoa cần thiết cho các trạm y tế xã như răng, mắt. d. Họ úp cái nón lên mặt, nằm xuống ngủ một giấc cho đến chiều. Gợi ý: a. Cụm từ "của Hồ Xuân Hương" đặt không đúng quan hệ ngữ pháp. "Nữ quyền" phải là chung cho mọi phụ nữ chứ không cho riêng Hồ Xuân Hương. → Sửa lại: Tự tình (bài 2) là một trong những bài thơ của Hồ Xuân Hương cất tiếng nói quyết liệt đấu tranh cho nữ quyền . b. Từ "nổi tiếng" đặt sai vị trí, làm cho câu trở nên mơ hồ. → Sửa lại: Câu cá mùa thu, Vịnh mùa thu, Uống rượu mùa thu là chùm thơ thu nổi tiếng của Nguyễn Khuyến. c. Từ "răng, mắt" đặt không đúng trật tự ngữ pháp trong câu, thiếu từ "về" gây mơ hồ cho nghĩa của câu. → Sửa lại: Đến năm 2000, phải thanh toán hết các trang thiết bị cũ kĩ, lạc hậu, phải đầu tư một số dụng cụ chuyên khoa về răng, mắt cần thiết cho các trạm y tế xã. d. Trật tự tự trong câu đặt không đúng trật tự của hành động trong thực tế: hành động nằm xuống phải diễn ra trước hành động úp nón lên mặt. → Sửa lại: Họ nằm xuống, úp cái nón lên mặt ngủ một giấc cho đến chiều. Câu 3. Trật tự từ trong các câu thơ Đường luật sau có gì khác trật tự từ thông thường? Phân tích tác dụng tu từ của hiện tượng đảo trật tự từ mà tác giả đã lựa chọn. a. Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn, Trơ cái hồng nhan với nước non. (Hồ Xuân Hương) b. Lom khom dưới núi tiều vài chú Lác đác bên sông chợ mấy nhà ( Bà Huyện Thanh Quan) c. Lao xao chợ cá làng ngư phủ, Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương (Nguyễn Trãi) d. Lặn lội thân cò khi quãng vắng, Eo sèo mặt nước buổi đò đông (Trần Tế Xương) Gợi ý: a. Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn, Trơ cái hồng nhan với nước non. (Hồ Xuân Hương) Trật tự từ được đảo vị trí trong câu 1: "Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn", trật tự thông thường là" "Đêm khuya trống canh dồn văng vẳng" hoặc "Trống canh dồn văng vẳng đêm khuya". Tác dụng: Đảo "đêm khuya văng vẳng" đứng trước "trống canh dồn" nhấn mạnh âm thanh đang vang vọng lên giữa không gian đêm khuya tĩnh mịch. Trật tự từ được đảo vị trí trong câu 2: từ "Trơ" được đặt lên đầu câu, trật tự thông thường là "Cái hồng nhan trơ với nước non". Tác dụng: Đảo từ "Trơ" lên đầu câu nhấn mạnh tình cảnh cô đơn, lẻ loi của nữ sĩ - "trơ trọi" cùng tâm trạng bẽ bàng, tủi hổ khi "trơ ra" không ai đoái hoài. b. Lom khom dưới núi tiều vài chú Lác đác bên sông chợ mấy nhà (Bà Huyện Thanh Quan) Các từ "lom khom", "lác đác" được đảo vị trí trong cả hai câu thơ. Trật tự thông thường là: "Vài chú tiều lom khom dưới núi - chợ mấy nhà lác đác bên sông" Tác dụng: khi đảo trật tự từ, đưa các từ láy "lom khom", "lác đác" lên đầu câu nhấn mạnh không gian heo hút, thưa thớt, vắng lặng, tịch liêu của sông núi nơi Đèo Ngang cùng nỗi cô đơn trong lòng người. c. Lao xao chợ cá làng ngư phủ, Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương (Nguyễn Trãi) Trật tự từ được đảo: "lao xao", "dắng dỏi" được đưa lên đầu câu. Tác dụng: nhấn mạnh những âm thanh sinh hoạt náo nhiệt, nhộn nhịp của làng chài đang vang vọng lên... cũng chính là tiếng lòng của tâm hồn Nguyễn Trãi trước cuộc sống no ấm, thịnh vượng của dân chúng. d. Lặn lội thân cò khi quãng vắng, Eo sèo mặt nước buổi đò đông (Trần Tế Xương) Trật tự từ được đảo: "lặn lội", "eo sèo" được đưa lên đầu câu. Tác dụng: Nhấn mạnh sự nhọc nhằn, vất vả, bươn chải và cuộc sống bấp bênh của bà Tú trong cuộc mưu sinh. Câu 4. Viết đoạn văn (8-10 dòng) với câu chủ đề: Mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến luôn mang một nỗi buồn man mác như chính nỗi niềm của tác giả về đất nước, về thời cuộc. Mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến luôn mang một nỗi buồn man mác như chính nỗi niềm của tác giả về đất nước, về thời cuộc. Nỗi buồn ấy trước hết có thể nhận thấy qua cảm giác "lạnh lẽo" của nước ao thu. Cái lạnh của thiên nhiên hay cái lạnh của lòng người, có lẽ là cả hai. Không những thế không gian tĩnh lặng, vắng người, vắng tiếng (Ngõ trúc quanh co khách vắng teo) cùng những chuyển động rất nhẹ, rất khẽ không đủ tạo âm thanh: Sóng hơi gợn, mây lơ lửng, lá khẽ đưa.. cũng góp phần tạo nên nét buồn cho cảnh. Ngay đến âm thanh duy nhất - tiếng cá đớp mồi cũng không làm cho cảnh xáo động thêm, ngược lại, thủ pháp lấy động tả tĩnh quen thuộc của thơ Đường càng làm tăng sự yên ắng, tĩnh mịch của cảnh vật. Cái tĩnh bao trùm được gợi lên từ một cái động rất nhỏ của tiếng cá đớp mồi. Cảnh thực ra đâu tự nó biết buồn, chỉ người buồn mà trao cho cảnh tâm trạng của chính mình. Nguyễn khuyến buồn trước thời cuộc, buồn vì sự bất lực của chính mình.. khiến cảnh cũng buồn theo.