Phân tích bài thơ Thuật Hoài của Phạm Ngũ Lão

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Xunahan, 24 Tháng năm 2021.

  1. Xunahan

    Bài viết:
    69

    Phan Chu Trinh trong "Đập đá ở Côn Lôn" từng viết:

    "Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn

    Lừng lẫy làm cho lở núi non

    Xách búa đánh tan năm bảy đống

    Ra tay đập bể máy trăm hòn."

    Chí nam nhi có lẽ ngàn đời vẫn vậy: Luôn khao khát vươn lên để khẳng định dấu ấn của mình. Thấm nhuần tư tưởng của Nho giáo, các bậc văn nhân võ sĩ thời xưa càng coi trọng những cống hiến mà mình để lại cho đời: Có thể giúp nước cứu đời thì vẻ vang, chưa thể bằng người thì từ đáy lòng cảm thấy hổ thẹn. Nhưng cái "hổ thẹn" ấy có khi nào chỉ đơn thuần là xấu hổ khi thua kém người khác? Dưới ngòi bút của Phạm Ngũ Lão, nhìn vào những chiến tích mà ông để lại, để ta hiểu rằng nỗi "thẹn" của bậc anh hùng có khi lại chính là cái toát lên cốt cách. Qua bài thơ "Tỏ lòng", tác giả đã giúp người đọc nhận ra lí tưởng cao cả của một thế hệ, đồng thời lưu giữ lại "Hào khí Đông A" một cách đầy tự hào:

    "Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

    Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

    Nam nhi vị liễu công danh trái

    Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu"

    Người xưa nói "Anh hùng tạo thời thế", và những năm tháng sóng gió trước trận chiến chống quân Mông Nguyên đã tạo ra một Phạm Ngũ Lão bất khuất, kiên cường. Bản thân ông không phải tướng Văn, cũng không xuất thân từ dòng dõi quý tộc, nhưng Phạm Ngũ Lão lại là người có tâm hồn thi ca - điều mà không phải võ tướng nào cũng có được. Tâm hồn lộng gió thời đại cùng khí chất của một con người hết lòng vì nước vì dân đã thôi thúc tác giả viết nên "Thuật hoài". "Thuật" là bày tỏ, "hoài' là nỗi lòng, nhan đề đã thâu tóm tư tưởng chính của bài thơ: Người cầm bút đã nhờ những vẫn thơ thể hiện ý chí, tâm tư của mình. Và những dòng tâm tư ấy của Phạm Ngũ Lão không chỉ khắc họa riêng tâm tư của ông mà còn bày tỏ thay cho biết bao con người - những người đã làm nên lịch sử.

    Ra đời trong không khí quyết chiến quyết thắng của quân dân nhà Trần, bài thơ đã khắc họa lại chân thực hình ảnh của người tráng sĩ nơi chiến trường và sĩ khí ba quân:

    " Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

    Tam quân tì hổ khí thôn ngưu "

    (Múa giáo non sông trải mấy thu

    Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)

    Kháng chiến nổ ra, những người con của dân tộc lên đường đi bảo vệ đất nước. Tại nơi chiến tuyến ấy người tráng sĩ" cầm ngang ngọn giáo "oai phong, ngạo nghễ trước kẻ thù. Bản dịch thơ chuyển từ" Hoành sóc giang sơn "thành" Múa giáo non sông "đã vô tình" đánh rơi "mất cái khí thế ở trong nguyên tác. Bởi lẽ phải là một từ" giang sơn "thì mới có thể gợi ra đầy đủ cảm thức về một không gian bao la rộng lớn; in trên nền không gian bao la ấy chính là hình tượng người tráng sĩ hiên ngang đầy bản lĩnh. Câu thơ đã gợi ra hình ảnh con người với tầm vóc kì vĩ, lớn lao sánh ngang với trời đất. Mùa thu trong thơ Đỗ Phủ từng là" Ngàn non hiu hắt, khí thu lòa "; ở đây Phạm Ngũ Lão cũng dùng tới" thu ", nhưng không phải để tái hiện cái ảm đạm của ngày thu, mà để gợi ra cái kiên cường của người tráng sĩ khi vững chãi suốt" mấy thu "dốc làng bảo vệ giang sơn gấm vóc.

    Một người tráng sĩ là hiên ngang lẫm liệt, và" Ba quân "thì chính là sức mạnh ít ai có thể bì kịp." Ba quân "ở đây không chỉ đơn thuần là chỉ quân đội nhà Trần lúc bấy giờ mà nó còn biểu tượng cho tinh thần của toàn dân trong những ngày kháng chiến. Tác giả so sánh sức mạnh của dân tộc như" Hổ ", khí thế có thể" nuốt trôi trâu "; phép so sánh đầy hình ảnh này đã giúp người đọc dễ dàng hình dung tinh thần và sĩ khí dâng cao của quân dân nhà Trần. Đất nước ta đã trải qua biết bao năm tháng trong khói lửa chiến tranh, sĩ khí của những người tráng sĩ nơi chiến trường nói riêng và quân dân nhà Trần nói chung chính là hình ảnh đáng tự hào trong lịch sử đầy thăng trầm của dân tộc. Khí thế của họ đối với triều đại sau là tấm gương, đối với người đời sau là mẫu mực. Chính sĩ khí ngút trời những năm tháng ấy đã tạo nên ba lần đại thắng Mông Nguyên chấn động giang san.

    Có thể coi là một trong những vị tướng lĩnh cốt cán và quan trọng nhất, Phạm Ngũ Lão chính là biểu tượng cho bậc hào kiệt lúc bấy giờ. Bản thân ông không phải kẻ võ biền, ông có lí tưởng, có hoài bão và đã cống hiến hết mình cho đất nước; ông làm thế vì tình yêu với dân tộc, cũng có lẽ để" trả nợ công danh "

    " Nam nhi vị liễu công danh trái "

    (Công danh nam tử còn vương nợ)

    " Nợ công danh "có lẽ là món nợ lớn nhất của mọi bậc trượng phu; đó có thể là chí làm trai muốn lập công danh để lại tiếng thơm muôn đời, cũng có thể là" món nợ "khi chưa hoàn thành nghĩa vụ với dân với nước; món nợ này là thứ mà họ phải dành cả cuộc đời để trả. Giống như Nguyễn Khuyến sau này" Ngẫu hứng cũng vừa toan cất bút/ Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào "(Muốn cất bút viết nhưng lại thẹn không bằng người xưa – người Nguyễn Khuyến nhắc tới ở đây chính là Đào Tiềm), Phạm Ngũ Lão cảm thấy hổ thẹn với bậc tiền nhân khi trọng trách trên vai còn chưa được làm tròn:

    " Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu "

    (Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu)

    Người mà tác giả nhắc tới ở đây là Khổng Minh Gia Cát Lượng – người mà Lưu Bị (trong" Tam Quốc diễn nghĩa "- La Quán Trung) phải mất công" Ba lần tới lều cỏ "mới có thể mời về làm quân sư cho mình. Vũ hầu nhờ vào sự mưu lược tài trí của mình đã giúp cho Hán Chiêu Liệt Đế (tức Lưu Bị) dựng lên nhà Thục. Tài trí của Khổng Minh chính là niềm mơ ước của văn sĩ muôn đời, thế nhưng người như ông trên đời liệu có mấy người? Đứng trước nhân tài kiệt xuất như thế không khỏi khiến người đối diện cảm thấy hổ thẹn. Phạm Ngũ Lão cũng" hổ thẹn ", ông hổ thẹn vì những gì mình làm được chẳng thẻ sánh với người xưa. Thế nhưng chính" nỗi thẹn "ấy lại tô đậm lên khí chất thanh cao của tác giả. Ông khao khát có được sự nghiệp lớn có thể sánh ngang với Vũ hầu, cũng nguyện suốt đời trung thành với Trần Hưng Đạo, tận tâm với triều đình, hết lòng vì nhân dân trăm họ. Phạm Ngũ Lão ý thức rất rõ về trách nhiệm của mình, cũng biết những gì bản thân có thể cống hiến, mọi lí tưởng đều đáng được trân trọng, lí tưởng hướng tới dân tộc càng đáng được tôn vinh." Thẹn "chính là biết người biết mình, biết tìm ra động lực để phấn đấu. Nếu mọi nam tử trên đời đều có thể ý thức như tác giả, thì không phải chỉ có triều Trần mà mọi thời đại đều có thể hưng thịnh.

    Nhắc tới triều Trần là nhắc tới" Hào khí Đông A ", sở dĩ có khái niệm này là bởi chữ" Trần "trong" triều Trần "được ghép từ chữ Đông và chữ A, và quan trọng hơn," Hào khí Đông A "là cái gợi nhắc tới Sức mạnh vô hình của nước Việt thời nhà Trần. Những vần thơ trong" Tỏ lòng "được cho là đã" thâu tóm "được hào khí này bởi nó đã khéo léo giúp người đọc nhận ra sĩ khí ngút trời và tinh thần đoàn kết của quân dân nhà Trần: Đó là tư thế oai vệ của các tráng sĩ nơi chiến trường; là niềm tin, sự đồng lòng tạo ra nguồn sức mạnh vô bờ bến của toàn thể nhân dân; là chí hướng và tấm lòng cao cả vì nước quên mình của những bậc trượng phu. Trải qua gần một ngàn năm sức lay động của bài thơ vẫn còn như nguyên vẹn. Tác phẩm với Phạm Ngũ Lão có lẽ chỉ đơn thuần là bày tỏ nỗi lòng, nhưng đó còn là tấm lòng của biết bao nhiêu bậc anh hùng và truyền lại biết bao nhiệt huyết cho thế hệ hôm nay.

    Hào khí Đông A là khái niệm để gợi nhắc về sức mạnh vô hình mà lớn lao của triều Trần, nguồn sức mạnh ấy một cách khéo léo đã được Phạm Ngũ Lão thu vào trong tác phẩm bày tỏ nỗi lòng của mình. Bài thơ tuy ngắn gọn súc tích nhưng lại gợi ra được ý nghĩa sâu sắc: Khắc họa được vẻ đẹp của con người có sức mạnh, có lí tưởng, nhân cách cao cả cùng khí thế hào hùng của thời đại. Dù không phải một nhà thơ, tác phẩm" Thuật hoài"cũng sẽ khiến người ta nhớ mãi về một tướng võ nhưng lại có tình yêu đặc biệt cho văn chương, và yếu tố quyết định sự thành công cho của tác phẩm của ông chính là nằm ở tấm lòng và nhân cách cao khiết.
     
    Last edited by a moderator: 24 Tháng năm 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...