Thư tình gửi một người Tập Thư tình gửi một người được ra mắt tháng 4/2011 nhân dịp kỷ niệm mười năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời và liên tục được tái bản từ đó đến nay, gồm những bức thư mà Trịnh Công Sơn gửi cho người tình bé nhỏ Ngô Vũ Dao Ánh. Ở xứ sở này, nhạc Trịnh có một chỗ đứng riêng trong đông đảo những ai đã trót yêu mến, tách biệt hẳn với biết bao bài hát nổi lên rồi lại mất hút giữa thời buổi showbiz rộn ràng hiện nay. Hơn 15 năm kể từ ngày Trịnh mất, vẫn những đêm nhạc kỷ niệm đều đặn, vẫn những dòng người đến tưởng niệm tại số nhà 47C đường Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch – HCM) rồi cùng nhau hát ca nơi mộ ông. Nói vậy để thấy, Trịnh Công Sơn đã nhận được xiết bao sự ái mộ, và để hiểu tại sao tập sách này trở thành một hiện tượng trong cộng đồng người yêu mến Trịnh. Thỏa lòng ái mộ, trí tò mò của công chúng Như những bài ca hư vô mờ ảo của ông, đời sống riêng tư của Trịnh Công Sơn thật cô đơn nhưng cũng nhiều giai thoại – có sự thật và cũng lắm thêu dệt, đặc biệt là về những bóng hồng đã bước qua cuộc đời. Với tập sách này, lần đầu tiên – và có lẽ cũng là duy nhất, người hâm mộ được hé nhìn vào đời tư của người nhạc sĩ tài hoa, được chiêm ngưỡng một chuyện tình lãng mạn hiếm thấy, trên các văn bản có tính xác thực, với sự ủng hộ, đồng thuận từ gia đình họ Trịnh. Qua hơn 300 bức thư cùng nhiều hình ảnh lưu niệm, công chúng đã tìm thấy chân dung nàng thơ lưu lại dấu ấn sâu đậm nhất suốt sự nghiệp của Trịnh Công Sơn, để rồi từ đó, thêm hiểu, thêm yêu và thấy những bản tình ca của ông như gần gũi hơn, đời hơn, ẩn ức hơn.. Giải mã nhiều hình ảnh, ca từ trong nhạc Trịnh Nhạc Trịnh hay nhất mà cũng khó hiểu nhất là ca từ. Ngay cả với Khánh Ly, ca sĩ gắn bó cả cuộc đời và thành danh với nhạc Trịnh, cũng từng tâm sự "Nhiều khi ông hỏi tôi, em nghe nhạc anh có hiểu không. Tôi trả lời, tôi không hiểu nhưng tôi thích." Nói cách khác, nhạc Trịnh dễ cảm một cách lạ lùng, cảm giác buồn – vui- hay đau khổ – đều thể hiện rõ rệt và thấm sâu vào lòng người nghe, nhưng để làm rõ từng lớp ngữ nghĩa thì ngay cả các chuyên gia văn học còn bó tay, chứ nói gì đến khán thính giả phổ thông. Cũng vì vậy mà những người yêu mến Trịnh có cái thú nghe đi nghe lại, tất nhiên trước hết là để cảm thụ ca khúc, nhưng lâu lâu mà "vỡ ra" được một ý mới thì cũng vui lạ lùng. Đọc Thư tình gửi một người, ta mới hiểu tại sao ngôn từ của Trịnh dễ cảm mà khó hiểu như vậy. Dễ cảm là vì đó không phải những dòng chữ suông, mà thực sự xuất phát từ kỷ niệm, tâm trạng thật của tác giả. Khó hiểu vì sức chứa, sức dồn nén một khối lượng hình ảnh lớn được cô đọng trong câu từ ca khúc. Cũng khó hiểu vì những kỷ niệm, liên tưởng hết sức riêng tư. Ví dụ như trong bài "Dấu chân địa đàng", địa đàng gì mà hoang dại và luôn văng vẳng tiếng loài sâu đất? Đọc những bức thư gửi Dao Ánh, độc giả nhận ra thiên đường đó mang dáng vẻ hoang vu cô đơn của mảnh đất B'lao – nơi Trịnh Công Sơn làm việc trong những năm 1964-1966, ở đó chàng thanh niên trẻ thường phiền muộn, nhớ người yêu, mong có người yêu để chia sẻ vẻ đẹp quạnh vắng nơi đây. Đó không phải thiên đàng trong kinh thánh, nhưng chẳng phải chính là địa đàng cho tình yêu và nỗi nhớ của Trịnh Công Sơn? Một quãng đời thiên đường mà Dao Ánh, như một loài chim hồng thần thoại, có lần đã ghé thăm. Hay như, hình ảnh đôi bàn tay của Dao Ánh được Trịnh dành những lời thật ân cần: "Mùa Đông đã về chưa cho bàn tay Ánh lạnh như một đêm mưa nào anh đã giữ bàn tay Ánh và bảo lạnh vô cùng.. Cho anh bàn tay nào lạnh nhất của mùa đông này.. Tay Ánh bây giờ lạnh lắm, rồi mùa Đông ai cầm tay để đong giá rét". Đó cũng chính là "bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm" (trong "Ru em từng ngón xuân nồng") hoặc "Từng ngón tay buồn/ Em mang em mang", và "Từng phiến băng dài/ Trên hai tay xuôi" (trong "Tuổi đá buồn") Rất nhiều đoạn trong Thư tình gửi một người, độc giả có thể bắt gặp sự xuất hiện hoặc giải nghĩa về các hình ảnh, ngôn từ trong nhạc Trịnh, một cách trực tiếp hay gián tiếp như thế. Áng văn chương lãng mạn, giàu cảm xúc Thư tình gửi một người không chỉ thu hút những người hâm mộ nhạc Trịnh. Ở tập sách này, độc giả dễ dàng tìm thấy những áng văn đẹp, những cảm xúc chân thật về một thời kỳ mà khi đó đôi trai gái yêu nhau đầy vị nể, lễ nghĩa, rất nồng nàn mà cũng "kính nhi viễn chi", những suy ngẫm trong sáng, cao thượng về tình yêu và cuộc đời. Đó là, cái chất từ bi, "sống trong đời sống phải có một tấm lòng", đã được Trịnh Công Sơn nuôi dưỡng từ những năm tháng tuổi trẻ.. Đó là, thái độ duy mỹ, nâng niu mọi vẻ đẹp trong cuộc đời.. "Anh rất sợ những tranh luận về một vẻ đẹp, về một mầm cây non, về những gì vừa được khai sinh còn mang trọn vẻ thuần khiến của nó. Cố gắng tránh cho anh. Hãy sống thật tự nhiên và những sự kiện tự nó đã có một định mệnh, một vẻ đẹp riêng của nó" Và nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc.. Đây là một tập thư tình do vậy hơn hết, mọi cung bậc tình yêu được vẽ ra hết sức sắc nét và sống động. Từ những trao đổi ban đầu để rồi tâm đầu ý hợp, bao nhớ nhung hờn giận khi chia xa, những lo âu, băn khoăn và vị kỷ.. Hơn 300 bức thư chỉ từ chiều đi của Trịnh Công Sơn, nhân vật Dao Ánh tuy không lộ diện trực tiếp nhưng qua những mô tả của kẻ si tình, cũng hiện lên rõ nét và thơ mộng, về cả hình ảnh lẫn tâm hồn. Vẻ đẹp đó đâu chỉ là xúc động riêng anh chàng nhạc sĩ họ Trịnh, mà độc giả cũng thấy là xứng đáng lắm! Người con gái ấy có dáng vẻ thướt tha, cùng "tâm hồn giấy mới", hàng đêm lén đốt bạch lạp lên viết thư cho người yêu phương xa, vừa dịu dàng lãng mạn, mà cũng biết uống rượu Tây và hút thuốc – vô cùng cá tính! Hình ảnh Dao Ánh gợi lên cả một không gian Huế, Sài Gòn xưa đầy hoài niệm. Đọc thư tình Trịnh Công Sơn, bỗng chợt người đọc nhớ lại, hoặc trở nên tha thiết muốn sống trong thời kỳ mà những tâm tình được nâng niu gửi trao qua từng nét chữ, sự lãng mạn lên ngôi, tình yêu đôi lứa trở thành thần thoại của mỗi cuộc đời. Hơn 300 bức thư tập trung chủ yếu vào giai đoạn 1964-1966, là thời kỳ yêu đương nồng thắm và đầy cảm hứng sáng tác của nhạc sĩ họ Trịnh. Vậy mà, những lá thư cuối, tuy thưa thớt, rải rác từ những năm 1980 cho đến khi nhạc sĩ mất năm 2001, lại gây xúc động mạnh mẽ nhất. Tình yêu tuổi trẻ đã đẹp và đã dang dở.. Âu đó cũng là chuyện thường. Nếu khép lại ở đó thì Thư tình gửi một người cũng chẳng khác nào một cuốn ngôn tình của thế hệ cũ. Sự day dứt, vấn vương và những nâng niu trân trọng mà Trịnh Công Sơn và Dao Ánh vẫn dành cho nhau đến cuối cuộc đời đã nâng tình yêu lên một tầm cao mới. Phải chăng, thời gian chính là tiêu chuẩn đánh giá quan trọng nhất và chung thủy – hiểu theo nghĩa sự lâu bền của cảm xúc- mới là mức độ lãng mạn cao nhất trong tình yêu? Hai mươi năm sau, họ vẫn dịu dàng tâm sự với nhau một cách trân trọng, đúng mực. Dao Ánh vẫn là nàng thơ tiếp tục khơi mào cho các tác phẩm âm nhạc và hội họa của ông. "Hai mươi năm em trả lại rồi/Trả nợ một đời xa vắng vòng tay /Hai mươi năm vơi cạn lại đầy/ Trả nợ một thời môi vắng vòng môi". Dịu dàng khi yêu, khi ở đoạn cuối cuộc tình và ngay cả nhiều năm sau chia tay, bao nhiêu người đàn ông, bất kể thời xưa hay thời nay, làm được như vậy với tình nhân. Dễ hiểu rằng vì lẽ đó, người yêu đi qua cuộc đời Trịnh Công Sơn cũng nhiều, "từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ", nhưng ai ai đều nâng niu trân trọng khi nhắc về ông. Khép lại tập sách, người đọc dễ rơi vào cảm giác bồi hồi vì vừa được chứng kiến một câu chuyện tình đẹp tựa tiểu thuyết mà hoàn toàn xảy ra trong đời thật. Và những người đang yêu sẽ muốn nồng nàn giữ chặt nhau hơn, để không nuối tiếc một đời mất nhau như Dao Ánh và Trịnh Công Sơn. "Lúc còn trẻ, chúng ta từ bỏ, cho rằng đó chỉ là một cuộc tình, nhưng cuối cùng mới biết, đó thực ra là cả cuộc đời" – Trịnh Công Sơn