Thủ Pháp Phú Tỉ Hứng Trong Kinh Thi

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ma tà, 29 Tháng bảy 2022.

  1. ma tà

    Bài viết:
    14
    1. Giới thiệu Kinh Thi

    1.1. Nguồn gốc Kinh Thi

    Kinh Thi (詩經) được viết trong khoảng thời gian hơn 500 năm, tập hợp những tập thi ca được sáng tác trong dân gian từ thời Tây Chu (TK XI TCN) đến giữa thời Xuân Thu (TK VI TCN) còn tồn tại đến ngày nay. Ban đầu nó chỉ được coi như là bộ sách khởi đầu cho văn học Trung Quốc, sau này được Nho Giáo nâng lên hàng kinh điển, có giá trị trên nhiều phương diện như lịch sử, văn hóa, chính trị, giáo dục, xã hội.. đặc biệt là văn học. Kinh Thi ban đầu có tên là "Thi", đến năm 206 TCN các nhà Nho đặt nó ngang hàng với Thư, Lễ, Nhạc thời Xuân Thu nên mới gọi là Kinh Thi . Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh vấn đề nguồn gốc của Kinh Thi, có thể kể đến những lập luận đáng tin cậy như sau: Một số học giả thời Hán cho rằng nhà Chu có một nơi chuyên trách trong việc sưu tập thơ ca được sáng tác trong dân gian, để dựa vào đó mà khảo sát, tìm hiểu sự thịnh suy về mặt chính trị, phong tục, tập quán, cuộc sống sinh hoạt trong nhân dân, nhằm đưa ra những phương pháp chính sách cai trị, phát triển kinh tế sao cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Đời nhà Thanh lại có ý kiến khác cho rằng: Nhà Chu tuy đã có việc sưu tập thơ ca được sáng tác trong dân gian nhưng đó là do các nhạc sư thực hiện nhằm cải thiện, làm phong phú thêm vốn từ, lời ca tiếng hát thêm hấp dẫn, sinh động để dâng lên cho Thiên Tử thưởng thức. Các ý kiến tuy khác nhau về hình thức cũng như mục đích thực hiện, nhưng nhìn chung đều tồn tại việc sưu tập thơ ca dân gian trên diện rộng vào thời nhà Chu. Công trình sưu tập này trải qua nhiều thời kì khác nhau, từ nhiều nơi ở Trung Quốc tập hợp vể, trải qua quá trình gia công, chỉnh sửa, chọn lọc công phu đã biên soạn thành Kinh Thi. Kinh Thi hiện nay có hình thức cơ bản là thơ 4 chữ, hệ thống vần và quy luật dụng vần nhìn chung đều thống nhất với nhau. Trong cuốn"Sử ký Tư Mã Thiên", Tư Mã Thiên trong thiên viết về Khổng tử thế gia có cho biết: Kinh Thi ban đầu có trên 3000 bài, được Khổng Tử chọn lọc rút gọn lại thành 305 bài xếp thành một tập gọi là Thi . Khổng Tử rất coi trọng việc biên soạn quyển sách này nên đã bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức, chỉnh lý nội dung sao cho khớp với cổ nhạc, đồng thời phù hợp với mục đích giáo dục. Thời Chiến Quốc, Kinh thi được xem là "sách giáo khoa" của xã hội, bộ phận quan trọng trong các nghi thức điển lễ, dùng để giải trí, hay trình bày những quan niệm của mình đối với những vấn đề chính trị xã hội. Sau này, Kinh Thi phổ biến ở khắp mọi nơi, trở thành tài liệu học tập văn hóa quý giá được nhà nhà người người coi trọng, áp dụng vào việc giáo dục giới quý tộc. Nhưng đến thời Tần Thủy Hoàng (259-210 TCN), không coi trọng Nho giáo, mà thiên về pháp trị (dùng pháp luật để cai trị đất nước), nên ra lệnh thiêu hủy mọi điển tịch của Nho Gia. Tuy nhiên do tính chất dễ nhớ, dễ thuộc mà được giới nhân sĩ đương thời ghi nhớ, đến thời nhà Hán được sưu tập lại và truyền dạy chính thức cho các đệ tử Nho Gia. Ở giai đoạn đầu nhà Hán nổi bật có 4 nhà truyền dạy Kinh Thi với những dị bản bao gồm: Viên Cố (轅固) người nước Tề, Thân Bồi (申培) người nước Lỗ, Hàn Anh (韓嬰) nước Yên, cuối cùng là Mao Trường (毛萇) nước Triệu, với các bản ghi lần lượt là: Tề Thi, Lỗ Thi, Hàn Thi, Mao Thi . Thời Đông Hán bản Mao Thi của Mao Trường được sử dụng phổ biến, được triều đình tin dùng, thừa nhận, do đó được lưu truyền đến ngày nay, 3 bản còn lại đến hiện nay đã bị thất truyền.

    1.2. Bố cục của Kinh Thi

    Kinh Thi bao gồm 311 bài thơ, số chữ lên tới 39224 chữ, trong đó, có 6 bài chỉ có tên bài chứ không có nội dung, gọi là "dật thi" (thơ đã mất). 6 bài thơ đó là Nam cai (南陔) thuộc Lộc minh chi thập (鹿鳴之什), Bạch hoa (白華), Hoa thử (華黍), Do canh (由庚), Sùng khâu (崇丘), Do nghi (由儀) thuộc Bạch hoa chi thập (白華之什). Với 305 bài còn lại vừa có tên bài vừa có nội dung còn lưu truyền đến ngày nay, được chia làm 3 bộ phận: Phong (風), Nhã (雅), Tụng (頌). Dựa vào tính chất thi ca, người ta nhận thấy Nhã, Tụng là loại nhạc được sáng tác dùng vào những mục đích nhất định như tế lễ, còn Phong thì phần lớn là dân ca. Tuy nhiên cũng có một số bài thuộc Tiểu Nhã (小雅) lại giống với Phong. Bài thơ trong Kinh Thi chủ yếu đều sưu tầm trong dân gian, hơn nữa thời đó vẫn chưa chú trọng đến vấn đề tác quyền nên hầu hết rất khó xác định được tác giả của các bài thơ trong Kinh Thi là ai, nhưng đa phần người ta đều cho rằng chủ thể sáng tác của Kinh Thi xuất phát từ nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội từ những tầng lớp thấp hèn như người lao động, binh sĩ đến những người thuộc tầng lớp cao quý như sĩ, quân tử (sĩ là tầng lớp thấp nhất trong giới quý tộc, quân tử chỉ chung giới quý tộc), ngoài ra còn một số tác giả khác không xác định được nghề nghiệp cũng như địa vị xã hội của họ. Do đó, có thể khái quát lại nội dung của các tác phẩm trong Kinh Thi phần lớn mang tính xã hội và tính quần chúng.

    1.2. 1. Phong

    Phong (風) thường gọi là Quốc Phong được xem là bộ phận quan trọng nhất, có giá trị nhất trong Kinh Thi, bao gồm 160 bài đến từ "Thập ngũ quốc phong" tức là ca dao của 15 nước chư hầu và địa phương thuộc khu vực sông Hoàng Hà nằm ở miền Bắc Trung Quốc. Phong là nhạc điệu của các nước, được chia ra làm hai bộ phận là Chính Phong và Biến Phong. Chính Phong bao gồm Chu Nam (周南) 11 bài, Thiệu Nam (召南) 14 bài. Biến Phong gồm 13 địa phương và nước chư hầu: Bội Phong (邶風) 19 bài, Dung Phong (鄘風) 10 bài, Vệ Phong (衛風) 10 bài, Vương Phong (王風) 10 bài, Trịnh Phong (鄭風) 21 bài, Tề Phong (齊風) 11 bài, Ngụy Phong (魏風) 7 bài, Đường Phong (唐風) 12 bài, Tần Phong (秦風) 10 bài, Trần Phong (陳風) 10 bài, Cối Phong (檜風) 4 bài, Tào Phong (曹風) 4 bài, Bân Phong (豳風) 7 bài. Nội dung trong Phong chủ yếu phản ánh cuộc sống sinh hoạt của nhân dân lao động thời Chu như Thái tần.. về tình yêu và hôn nhân, thể hiện tình cảm trong sáng hồn nhiên giữa nam và nữ phải kể đến Quan thư, Thái cát.. hình ảnh người phụ nữ khát khao hạnh phúc lứa đôi thì có bài Phiếu hữu mai, Bách chu. Nhằm lên án, chống áp bức bóc lột của tầng lớp quý tộc, thái độ của nhân dân dưới sự áp bức bóc lột mà hàng loạt tác phẩm nổi tiếng đã ra đời như Thất nguyệt trong Bân Phong, Phạt đàn thuộc Ngụy Phong. Ngoài ra chủ đề chiến tranh và lao dịch, cảnh ngộ và cách suy nghĩ của người lính trong tình trạng mệt mỏi mong nhớ quê nhà cũng được đề cập đến trong Kinh Thi nổi bật có Phá phủ trong Băng Phong, còn trong Vương Phong lại có bài Quân tử vu dịch .

    1.2. 2. Nhã

    Nhã (雅) chia làm Tiểu Nhã (小雅) và Đại Nhã (大雅), có 105 bài. Vấn đề phân chia số bài trong Nhã có nhiều giả thuyết như sau: Giả thuyết thứ nhất Tiểu Nhã có 75 bài còn Đại Nhã là 30 bài. Thuyết thứ hai, Tiểu Nhã có 80 bài còn Đại Nhã chỉ có 25 bài. Thuyết thứ ba lại cho rằng Tiểu Nhã có 74 bài còn Đại Nhã là 31 bài. Ở bài này chúng tôi thiên về giả thuyết Tiểu Nhã có 75 bài, Đại Nhã là 30 bài. Nội dung trong Tiểu Nhã rất phức tạp, phần lớn là các nhạc khúc do giới quý tộc, sĩ đại phu sáng tác dùng trong những trường hợp quan trọng như yến tiệc. Tiểu Nhã phần lớn đã thể hiện ý thức hệ của tầng lớp thống trị, ca ngợi những "chiến công" trong các cuộc chinh phạt đối với các nước lân bang, mở mang bờ cõi như bài Lục nguyệt, Thái khỉ, hay phản ánh cuộc sống xa hoa, lối sống phung phí của giới quý tộc ngày xưa có bài Xa công . Bộ phận có giá trị nhất trong Tiểu Nhã có nội dung rất gần với Phong nói lên nỗi thống khổ của người lao động do áp bức bóc lột, niềm thương cảm xót thương cho số phận của những con người khốn khổ sống trong một xã hội đầy bất công lúc bấy giờ như Hoàng điểu, hoặc nói về các cuộc chiến tranh phi nghĩa như bài Đại đông, Thái vi.. Đại Nhã là nhạc khúc của triều đình, được giới quý tộc sáng tác để ngợi ca trời đất, vua, chúa, tổ tiên. Nhà Chu dùng trong những trường hợp quan trọng như: Khi Thiên Tử họp các vua chư hầu, tế bái ở miếu đường nổi bật là các bài thơ Đại minh, Miên, Hoàng hĩ, Sinh dân, Công Lưu . Năm bài thơ trên cho thấy sự hình thành của nhà Chu chẳng qua chỉ là sản phẩm của quá trình tiêu diệt và đồng hóa các nước khác, mở rộng đất đai theo bốn hướng từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam. Bên cạnh những bài ngợi ca thì cũng có một số bài phê phán do có 1 số quý tộc vì bất mãn mà viết lên nhằm phơi bày bộ mặt xấu xa của xã hội nhà Chu tiêu biểu như bài Tang nhu.

    1.2. 3. Tụng

    Tụng có nghĩa là Tán Tụng, ca ngợi công lao của các vị vua đời trước, là phần có ít giá trị nhất trong Kinh Thi . Hiện nay chỉ còn có vỏn vẹn 40 bài trong đó Chu Tụng chiếm 31 bài là tác phẩm dưới thời Tây Chu, Lỗ Tụng của nước Lỗ có 4 bài, còn lại 5 bài là Thương Tụng của nước Tống ra đời khoảng thế kỷ thứ VII TCN. Trong số các bài Tụng còn lại, chỉ có vài bài miêu tả đôi nét về cảnh sinh hoạt của xã hội thời Tây Chu như bài Y hi, Lương cử.. Hoặc đơn thuần là ca ngợi công đức tổ tiên, tế cáo thần linh mong thần ban cho vụ mùa bội thu vào hai mùa Xuân Hạ, còn mùa Thu và mùa Đông để đền ơn thần linh đã phù hộ và phản ánh tình hình nông nghiệp thời kỳ đầu nhà Chu như bài Phong niên.

    Nhìn chung nội dung được đề cập đến trong Kinh Thi hết sức đa dạng, phong phú. Kinh Thi đã tái hiện bức tranh hiện thực xã hội sinh động thời Chu từ chính trị, lịch sử đến phong tục tập quán, giáo dục.. Tái hiện lại những niềm vui, nỗi buồn, sự tan hợp trong tình yêu và hôn nhân. Phản ảnh chân thật cuộc sống lao động của nhân dân, vui mỗi khi được mùa, gia đình không còn lo ăn lo mặc; hay tiếng oán thán khi chịu sự áp bức, bóc lột nặng nề từ giai cấp thống trị, nói lên những bất công đang tồn tại trong xã hội đương thời. Lên án cuộc sống giàu sang, hoang phí của giới quý tộc đương thời cũng như nền văn hóa lễ nhạc đời nhà Chu. Nhưng để làm cho những nội dung đó được rõ ràng và đặc sắc, trong Kinh Thi đã sử dụng rất nhiều thủ pháp "phú, tỉ, hứng" tạo nên hiệu quả nghệ thuật tốt đẹp, trở thành một trong những đặc điểm nổi bật của Kinh Thi và có ảnh hưởng sâu sắc đến văn học sau này. Thời xưa người ta cho rằng phú, tỉ, hứng đều thuộc vào lục nghĩa (Phong, phú, tỉ, hứng, Nhã, Tụng). Tuy nhiên, Phong, Nhã, Tụng được chia theo âm nhạc trở thành một bộ phận thuộc Kinh Thi, còn Phú, tỉ, hứng lại là một thủ pháp nghệ thuật thể hiện nội dung của Phong, Nhã, Tụng mà thôi nên lẽ ra không thể nào xếp chúng đồng đẳng với nhau được. Cho nên, để hiểu rõ hơn về nghệ thuật thủ pháp phú, tỉ, hứng chúng tôi xin được trình bày rõ hơn ở phần 2.

    2. Thủ pháp nghệ thuật phú, tỉ, hứng trong Kinh thi

    2.. 1 Phú

    Từ trước đến nay có nhiều người đã định nghĩa về phú, nổi bật phải kể đến Chu Hi và Trịnh Huyền. Chu Hi (1130-1200) học giả uyên bác thời nhà Tống trong cuốn Thi tập truyện đã giải thích phú là phô trần sự việc mà nói thẳng ra. Còn Trịnh Huyền (127-200) là người thừa kế đầu tiên của Kinh thị dịch học cũng từng chú thích phú là phô bày sự việc đó ra. Như vậy, cũng có thể nói phú được sử dụng trong Kinh Thi là thủ pháp nhằm phô bày, nói thẳng sự việc ra, nghĩ cái gì thì nói cái đó, hay kể lại một sự việc theo đúng những gì nó đã diễn ra. Phản ánh chân thực tâm tư, tình cảm, cảm xúc của mình. Nói cách khác, những câu thơ dùng thủ pháp này thường dùng những câu tự sự hoặc miêu tả. Như vậy, trong trường hợp này thủ pháp phú bao quát cả cách kể chuyện thông thường và cách kể chuyện có sự sắp xếp. Chỉ có một số ít bài trong Quốc Phong dùng cách kể chuyện có sắp xếp như bài Thất nguyệt 1 thuộc Bân Phong trong Quốc Phong:

    Nguyên văn

    七月流火,

    九月授衣.

    一之日觱發,

    二之日栗烈;

    無衣無褐,

    何以卒歲?

    三之日于耜,

    四之日舉趾.

    同我婦子,

    馌彼南畝,

    田畯至喜.

    Phiên âm:

    Thất nguyệt lưu Hỏa,

    Cửu nguyệt thụ ý.

    Nhất chi nhật tất phát,

    Nhị chi nhật lật liệt;

    Vô y vô hạt,

    Hà dĩ tuất tuế?

    Tam chi nhật vu tỉ,

    Tứ chi nhật cử chỉ.

    Đồng ngã phụ tử,

    Diệp bỉ nam mẫu,

    Điền tuấn chí hỉ.

    (Tháng 7 sao Đại Hỏa xuống thấp

    Tháng 9 trao áo ấm cho mặc.

    Những ngày trong tháng 11 có gió lạnh nổi lên.

    Những ngày trong tháng 12 khí lạnh rét căm căm.

    Nếu không có áo vải lụa, (cũng) không có áo vải thô

    Biết lấy cái gì để sống đến cuối năm đây?

    Những ngày trong tháng giêng đi (chuẩn bị) nông cụ (để làm ruộng)

    Những ngày trong tháng 2 nhắc chân (cất bước đi cày),

    Vợ, con trẻ cùng với ta.

    Đem cơm ra đồng cho những người cày cấy ở khu ruộng phía nam ăn.

    Quan coi việc khuyến nông đến, (thấy thế thì) vui mừng)

    Bài Thất nguyệt 1 ở trên tác giả kể chuyện theo trình tự thời gian cụ thể, rõ ràng như tháng 7 thì tiết trời bắt đầu lạnh, tháng 9 phải đưa thêm áo ấm để chống lạnh, tháng 11 gió và khí trời đều lạnh buốt, tháng 1 chuẩn bị nông cụ, tháng 2 đi ra đồng làm việc, mọi người ai cũng có công việc riêng của mình, trai trẻ đi cày bừa, đàn bà con nhỏ thì đưa cơm. Đồng thời miêu tả một cách tỉ mỉ cuộc sống khó nhọc của nhân dân, đặc biệt là người nông dân, công việc đồng áng khó nhọc, phải làm quanh năm suốt tháng trong điều kiện rét buốt, nhưng vẫn phải lo ăn, lo mặc, như thế đã lên án sự tàn nhẫn độc ác, bóc lột đến cùng cực của bọn cai trị đối với nhân dân lao động nghèo khổ. Tuy nhiên thủ pháp phú này được sử dụng rất nhiều trong Nhã, Tụng, nhất là những bài thơ có tính sử thi thì kể chuyện có sắp xếp được sử dụng nhiều hơn. Phú ở đây không được coi như là một thể văn mà chỉ là một thủ pháp nghệ thuật, nhưng nó lại có ảnh hưởng nhất định đến việc ra đời của thể phú sau này.

    Phú là thủ pháp nói thẳng theo lối tự sự hay miêu tả một sự vật, sự việc xảy ra trong xã hội một cách chân thật nhất mà không thêm thắt hay tạo thêm bất kì tình huống giả định nào với mục đích làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, nhằm tái hiện lại bộ mặt xã hội lúc bấy giờ với mục đích phê phán hay khen ngợi tùy vào tình hình mà tác giả nói đến trong bài.

    2.2. Tỉ

    Theo Chu Hi thì tỉ là lấy một vật này đem đi so sánh với vật kia, cũng giống như tỉ dụ, nói theo cách khác tỉ là ví von so sánh, mượn vật, người này để ví với người hoặc việc mà mình muốn nói, diễn tả chứ không nói thẳng ra như phú. Như trong bài Thạc thử (con chuột to) trong Ngụy Phong đã dùng hình ảnh con chuột xù dơ dáy, bẩn thỉu, chỉ biết đục khoét, ăn thóc gạo của nhà nông ví với tầng lớp giai cấp thống trị tham lam, tàn nhẫn chỉ biết vơ vét của cải của nhân dân. Ở đây dùng hình ảnh ẩn dụ để ví von, so sánh liên tưởng đến chủ thể mà tác giả hướng đến.

    Trong bài Manh 3 và Manh 4 (gã ấy) thuộc Vệ Phong, tác giả đã dùng sự thay đổi của cây dâu từ lúc còn xanh tươi mơn mởn, xum xuê tươi tốt (Tang chi vị lạc, kỳ diệp ốc nhược–Cây dâu chưa rụng, lá của nó tươi tốt xanh um) đến khi cây dâu đã cằn cỗi úa vàng, rơi rụng (Tang chi lạc hĩ, kỳ hoàng nhi vẫn–Cây dâu đã rụng, lá vàng của nó liền rơi xuống rồi) để so sánh với sự thịnh suy trong tình yêu, lúc nàng còn trẻ và đẹp ta yêu nàng say đắm, nhưng đến khi nàng già xuân sắc phai tàn thì ta cũng đã phai lòng, bỏ nàng đi theo người khác. Dùng sự thay đổi của vật theo thời gian để tỉ dụ với những sự việc, sự vật, con người có tính biến đổi.

    Hoặc trong bài Thạc nhân 2 trong Vệ Phong đã ca ngợi vẻ đẹp của nàng Trang Khương (phu nhân của Vệ Trang Công) như sau:

    Nguyên văn:

    手如柔荑,

    膚如凝脂.

    領如蝤蠐,

    齒如瓠犀.

    螓首蛾眉,

    巧笑倩兮,

    美目盼兮.

    Phiên âm:

    Thủ như nhu đề,

    Phu như ngưng chi,

    Lĩnh như tù tề,

    Xỉ như hồ tê,

    Tần thủ nga mi.

    Xảo tiếu thiến hề!

    Mĩ mục phán hề!

    (Tay của nàng mềm mại như mầm non lá hương nhu,

    Da của nàng trắng mịn như mỡ đông.

    Cổ của nàng cao mà trắng nõn như nhộng non,

    Răng của nàng trắng đều như hạt bầu.

    Trán của nàng vuông và rộng như con cồ cộ, mày nhỏ và dài như râu con ngài,

    Cười khéo khóe miệng xinh xắn, duyên dáng,

    Mắt đẹp tròng đen, tròng trắng phân biệt long lanh)

    Bài thơ đã sử những hình ảnh đẹp nhất để tôn lên vẻ đẹp của nàng Trang Khương. Dùng vẻ đẹp chớm nở mềm mại trắng nõn của nhu đề (mầm non lá hương nhu) ví với bàn tay đẹp mịn màng của mỹ nhân, hay sự trắng trẻo của ngưng chi (mỡ đông) sánh với làn da trắng trẻo mịn màng. Nhộng non có sắc trắng nõn nên người xưa thường ví với cổ của người phụ nữ, hồ tê (hạt bầu) có hình dạng vuông vắn, đều tăm tấp, trắng tinh như sáp ví von với hàm răng trắng đều đặn của mỹ nhân. Vì trán của con tần (cồ cộ) rộng mà vuông dùng để hình dung ra trán của người đẹp nên ở đây được dùng để tỉ dụ với vầng trán của người phụ nữ đẹp. Ngoài ra còn so sánh râu con ngài với vẻ đẹp nhỏ, dài và cong của lông mày người đẹp. Ở đây, bài thơ sử dụng hàng loạt hình ảnh tượng trưng cho vẻ đẹp như: Nhu đề, ngưng chi, con tần, hồ tê, con ngài để tôn lên vẻ đẹp tuyệt sắc của người mỹ nhân. Như vậy, tỉ là dùng hình ảnh tượng trưng cho để so sánh, khắc họa nên vẻ đẹp của chủ thể được nhắc đến.

    Qua đó, ta thấy dù dùng hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng hay có sự biến đổi thì nhìn chung thủ pháp nghệ thuật này đều dựa trên sự so sánh giữa sự vật này với sự vật khác nhằm làm nổi bật vấn đề muốn đề cập tới với nội dung đa dạng từ châm biếm, phê phán, ca ngợi..

    2.3. Hứng

    Theo Chu Hi, hứng là "trước nói đến vật gì sau mới dẫn đến điều muốn ca vịnh". Hứng là khởi tức là dùng những hiện tượng xung quanh để khêu gợi ra cảm hứng trước khi diễn tả tâm tình, có thể mượn sự vật khác làm phương tiện để nói đến nội dung muốn bày tỏ. Các tác giả trong Kinh Thi thường sử dụng thủ pháp hứng cho phần mở đầu chương thứ nhất của bài thơ, vốn dĩ không có quan hệ gì nhiều đến ý nghĩa của đoạn thơ phía sau. Thậm chí, nhiều khi rất khó để phát hiện ra mối quan hệ về ý nghĩa giữa các câu sử dụng thủ pháp hứng và những câu mang nội dung chính của bài. Ví dụ như bài Thần phong 1 (chim cắt) trong Tần phong có câu đầu sử dụng thủ pháp hứng như sau:

    鴥彼晨風,

    郁彼北林.

    Duật bỉ thần phong,

    Uất bỉ bắc lâm.

    (Chim cắt bay nhanh kia,

    Bay về rừng phương bắc rậm rạp)

    Câu đầu nói về loài chim cắt có bay nhanh thì hãy bay về rừng rậm phương bắc. Với nội dung câu đầu như vậy thật khó để tưởng tượng ra được nó có mối liên hệ gì với câu tiếp theo nói về người vợ đợi đã lâu mà không thấy người chồng về nên trong lòng buồn rầu không thể nào quên đi được.

    未見君子,

    憂心欽欽.

    Vị kiến quân tử,

    Ưu tâm khâm khâm.

    (Chưa gặp được người quân tử

    Lòng buồn biết bao)

    Tuy nhiên, hứng lại là một thủ pháp rất linh hoạt cho phép người đọc có thể mở rộng phạm vi liên tưởng, tư duy, sử dụng cách nói bóng gió đầy tế nhị như bài Quan thư 1 trong Chu Nam có câu sau:

    關關雎鳩、

    在河之洲.

    Quan quan thư cưu,

    Tại hà chi châu.

    (Chim thư cưu hót họa nhau kêu oang oang,

    Ở cồn sông)

    Đôi chim thư cưu trống mái đang hót họa nhau kêu oang oang trên cồn sông, gợi lên lòng rạo rực, nồng cháy về tình yêu lứa đôi tốt đẹp. Vốn là câu hứng nhưng nó lại là tỉ của hai câu sau:

    窈窕淑女、

    君子好逑.

    Yểu điệu thục nữ,

    Quân tử hảo cầu.

    (Người phụ nữ dịu dàng xinh đẹp,

    Cùng sánh (đẹp) đôi với người quân tử)

    Cũng vì thế, có người cho rằng tỉ là hình thức ví von trực tiếp, hứng là ví von gián tiếp, có ngụ ý so sánh nhưng hứng thường khó xác định hơn tỉ. Trong bài Đào yêu 1 Chu Nam có câu:

    桃之夭夭、

    灼灼其華.

    Đào chi yêu yêu,

    Chước chước kì hoa .

    (Cây đào mơn mởn

    Hoa của nó tốt tươi)

    Hai câu thơ trên là dùng hứng đã họa ra cảnh vật tự nhiên sinh động, xinh đẹp, tươi tốt. Ở đây, tác giả đã dùng bút pháp tả thực, miêu tả cảnh hoa đào tươi mơn mởn nở rộ vào mùa xuân rực rỡ tươi đẹp, tuy nhiên cũng có thể ví với hình ảnh cô dâu xinh đẹp đi về nhà chồng trong không khí vui nhộn ngày vu quy, được thể hiện ở hai câu thơ sau:

    之子于歸、

    宜其室家.

    Chi tử vu quy,

    Nghi kì thất gia.

    (Cô gái (xinh đẹp) kia đi lấy chồng,

    Ăn ở hòa thuận với gia đình mình)

    Do đó các thủ pháp phú, tỉ, hứng có thể được sử dụng riêng biệt cho từng bài thơ cụ thể nhưng cũng có thể sử dụng kết hợp các thủ pháp với nhau trong cùng một bài thơ, hoặc cũng có thể là được thay đổi ở từng chương, cũng như khi đứng một mình nó có thể là hứng nhưng nếu ứng với chương sau hoặc câu sau nó lại là tỉ hoặc phú. Thậm chí là trong cùng một chương hoặc một hình tượng cũng có thể sử dụng đồng thời cả phú, tỉ, hứng. Ví dụ, hai câu đầu trong bài Quan thư 1 trong Chu Nam (Quan quan thư cưu, tại hà tri châu. -Chim thư cưu hót họa nhau kêu oang oang, ở cồn sông) . Hai câu thơ này vừa là phú, miêu tả cảnh vật hai con chim thư cưu đó đang đứng hót họa nhau ở cồn đất bên sông, song nó cũng có thể là tỉ, so sánh với tình cảm của người quân tử và nàng thục nữ cũng thắm thiết, gắn bó nhưng không lả lơi, không làm mất đi lễ nghi. Nhưng cũng vừa là hứng mượn cảnh vật xung quanh để gợi lên tình yêu lứa đôi tốt đẹp, rất rạo rực, nồng cháy nhưng cũng quy cách, chuẩn mực đúng với lễ giáo.

    Như vậy, hứng là gợi lên cảm hứng từ mọi vật xung quanh hay dùng hình ảnh có tính ví von, so sánh gián tiếp sau đó mới bộc lộ những nội dung tâm tư mình muốn thể hiện ở trong bài.

    3. Kết Luận

    Kinh Thi là bộ sách kinh điển không những đặc sắc về nội dung mà còn nổi bật về nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật thủ pháp phú–tỉ-hứng. Phú là miêu tả, tự sự vật một cách bộc trực, đúng đắn nhất; tỉ là so sánh sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác nhằm truyền tải nội dung quan trọng của đề tài; còn hứng là mượn cảnh vật, ví von gián tiếp để bày tỏ nội dung muốn nói. Tuy ba thủ pháp nhìn sơ chẳng có gì nổi bật nhưng chính những thủ pháp này đã làm nên những áng thơ văn kinh điển, nhờ vào sự mộc mạc, tình cảm chân thành, và sự thẳng thắn, chân thật mà nó truyền đạt đã động đến tâm thức của người đọc, làm họ xem những câu thơ này như là một phần của cuộc sống, là một việc rất bình thường mà ai ai cũng từng trải qua, làm cho bài thơ trở nên thân thuộc, dễ nghe, dễ đọc, dễ thuộc và dễ nhớ.

    Danh mục tài liệu tham khảo:

    1. Kinh Thi – Wikipedia, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

    2. Phạm Đức Duật, bài giảng môn Kinh Thi tại lớp đại học Hán học khóa I của viện văn học, đăng ngày 16/11/2011.

    3. Chu Hi – Wikipedia, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

    4. Trịnh Huyền – Wikipedia, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

    5. Thi viện, Thất nguyệt 1 .

    6. Thi viện, Manh 3 .

    7. Thi viện, Manh 4 .

    8. Thi viện, Thạc nhân 2 .

    9. Thi viện, Thần phong 1 .

    10. Thi viện, Quan thư 1 .

    11. Thi viện, Đào yêu 1 .
     
    AdminAquafina thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...