Review Truyện Thư Gửi Bố - Kafka

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Trang Izerghin, 1 Tháng mười 2018.

  1. Trang Izerghin Ngơ ngơ, mãi mới vote được cái ảnh.

    Bài viết:
    83
    Nhà văn người Pháp Stendhal đã từng viết: "Văn học không chỉ phản ánh bầu trời đầy sao mà còn phản ánh cả mặt đất lầy lội". Tôi tin rằng trong mỗi câu chuyện nhà văn sáng tạo nên ít nhiều đều mang bóng dáng cuộc đời họ trong đó; có thể là niềm hân hoan được phô trương kín đáo, cũng có thể đó là những câu chuyện buồn phiền đeo bám họ đến dai dẳng. Đối với đấng sinh thành, thật may mắn khi ta có dịp hiểu cách họ mong muốn ở ta điều gì, và cảm giác của ta khi đó thế nào. Khi đó, tôi muốn nhắc đến câu chuyện của Kafka, nhà văn của những ẩn ức ám ảnh và phi lý đến kỳ quặc. Trong "Bản án", tác phẩm mang tính bước ngoặt mà Kafka viết năm 29 tuổi, ta thấy có một ông bố tuyên án con trai tội tử hình bằng cách trầm mình. Trong tiểu thuyết "Hóa thân", Kafka để nhân vật chính Gregor Samsa làm nghề bán hàng lưu động, chính là cái nghề mà thân phụ của ông đã làm khi lên Praha lập nghiệp. Cũng ở tác phẩm này, ông bố của Gregor Samsa đã giơ nắm đấm về phía con trai khi anh bị biến thành một con bọ. Và trong kiệt tác "Lâu đài", nhân vật ngài Klamm bí hiểm, người không ai nhìn thấy mặt bao giờ nhưng không ai không nói tới với đầy vẻ sợ hãi, người phủ lên toàn bộ ngôi làng một thứ quyền lực vô hình – một thứ quyền lực khủng bố. Phải chăng, những nhân vật như thế là ẩn hiện bóng dáng của ông Hermann Kafka ngoài đời thực? Còn trong tự truyện "Thư gửi bố", Kafka dường như giải mã nguồn cơn của những nhân vật "phản diện" đó.

    [​IMG]

    Trước hết, "TT là một thể loại mà ở đó tác giả viết lại một câu chuyện về chính cuộc đời mình" (từ điển vh Pháp từ A – Z). Thể loại này được quy ước bởi những tính chất riêng biệt: Tác giả phải khẳng định cho người đọc tác phẩm của mình là tự truyện thông qua tên sách; khẳng định cá tính mang dấu ấn cá nhân ngay ở những trang đầu tiên; xuyên suốt câu chuyện chỉ nhắm vào "cái tôi", tức là NVC của cuốn sách này; và những yếu tố khác phải là có mqh trực tiếp đến c/s của nhân vật. Tuy nhiên, sự thật khi vào trong văn chương thường bị pha trộn hư cấu ít nhiều, bởi phẩm chất tiềm tàng của người nghệ sĩ là sáng tạo, tưởng tượng. Họ tự cho mình cái quyền tô vẽ, hư cấu để câu chuyện nửa giống thực, nửa giống khát vọng sống mà họ đang cố gắng tìm đường đi tới. Còn đối với một tác phẩm tự truyện, "một câu chuyện về quá khứ bằng văn xuôi mà một người có thật kể về chính cuộc đời mình, chú trọng đến cuộc sống cá nhân, lịch sử và nhân cách của mình" (Nhà NC Pháp Phillippe Lejeune), chúng ta sẽ giải mã nó theo góc độ khác. Mặc dù, độ "nhòe" trong các văn bản tự truyện là k thể chối cãi bởi khát vọng tìm kiếm sự thật trong quá khứ đôi khi vẫn bị chen lẫn với sự vống lên của cảm xúc, nhưng những con tàu bất hạnh đôi khi vẫn đi chệch đường ray, và có nhiều sự thật được nhà văn phóng đại lên quá trớn.

    "Thư gửi bố" được F. Kafka viết vào tháng 11 năm 1919, tại khu nghỉ dưỡng Stüdl, vùng Schelesen (thuộc Bohemia, Vương quốc Áo – Hung, nay là Železná thuộc Cộng hòa Séc), khi ông Hermann Kafka tỏ thái độ phản đối quyết liệt trước dự định hôn nhân của ông với cô hầu phòng khách sạn Julie Wohryzek. Kafka bố cho rằng cô gái đó không đủ nền nã, không xứng đáng với gia đình. Sự cấm đoán, can ngăn đó giống như một phát đại bác phá vỡ thành trì câm nín nhẫn nhục mà Kafka con gìn giữ suốt từ thời thơ ấu. Theo cách nói của dịch giả Đinh Bá Anh: "Người bố có quyền lực tuyệt đối với người con, được khái quát lên thành một mô hình nhà nước xã hội chứ không chỉ là mối quan hệ cá nhân". Viết thư gửi bố, K đã nhìn lại toàn bộ mối quan hệ đau khổ giữa cha và con từ trước đến nay, với hy vọng tìm được hòa giải với cha.

    [​IMG]

    Trong cuốn tự truyện "Thư gửi bố" của F. Kafka, rõ ràng ở ngay cái tên nhan đề đã làm che khuất đi tính chất của tự truyện. Quy ước của tự truyện là tác giả phải khẳng định cho người đọc tác phẩm của mình là tự truyện thông qua tên sách. Thư gửi bố, theo cách nghĩ thông thường, nó đơn thuần chỉ là một bức thư, một thông điệp được gửi đi. Truyện "Làng" gần nhất không có nghĩa là câu chuyện kể về một ngôi làng với những gì đặc biệt, và "Thư gửi bố" cũng làm chệch hướng suy nghĩ của độc giả về những gì ẩn giấu bên trong những con chữ.

    Ở Kafka, điều gây ấn tượng mạnh nhất là đôi mắt. Đó là đôi mắt thông minh, nhưng không lạc quan. Trong những bức ảnh chụp ông khi còn bé và thời niên thiếu, ánh mắt đó đã hiện hữu. Ông không tự phóng họa bức chân dung mình với thân hình, dáng dấp hay tính cách cụ thể mà chỉ thể hiện những ứa trào cảm xúc căng tức trong lồng ngực. Theo thể loại tự truyện, đó là câu ch kể về chính mình, các yếu tố liên quan khác phải có mối quan hệ trực tiếp đến c/s. Nhưng trong "Thư gửi bố", K chủ yếu "luận tội" người bố; qua đó, thể hiện tính cách, tâm lý của bản thân. Đó là tự truyện mang ý nghĩa giá trị về tinh thần lớn hơn cả những yếu tố vật chất dự phóng để làm nên 1 tác phẩm tự truyện theo mô thức thông thường, bởi người bố có sức ảnh hưởng quá lớn đến tính cách, sự nghiệp văn chương của ông. Mọi thứ dường như bị đặt vào tính tương đối khi ranh giới giữa tự truyện và một bức thông điệp không dễ dàng phân định trong tính cách Kafka. Xét theo quy ước của thể loại tự truyện, có thể nói "Thư gửi bố" là cuốn tự truyện đi theo đường vòng, một cuốn tự truyện không "nguyên chất".

    Có thể nói, tinh thần bao trùm trong tự truyện "Thư gửi bố" là những bộc bạch của người con khi nhìn vào "một mối quan hệ không tốt đẹp" với người bố. Người dịch cuốn sách đã rất kỳ công trong việc cung cấp cho người đọc một bản phụ lục phả hệ gia đình Kafka để dễ hình dung nguyên nhân dẫn đến sự "không tốt đẹp" đó.

    Ban đầu, "Thư gửi bố" tồn tại dưới dạng một bức thư viết tay, Kafka đã viết ra nhiều tình tiết riêng tư trong mối quan hệ căng thẳng và phức tạp giữa ông và bố, một mối quan hệ được xem là tiền đề cho nhiều kiệt tác của nhà văn. Và ngay cả việc không đối thoại trực diện với bố mà chỉ viết qua một trang thư cũng khiến cho nhà văn cảm thấy: "nỗi sợ bố cùng những hệ quả của nó vẫn ngăn cản con.."

    Trước một người cha nghiêm khắc, Kafka luôn cố gắng tìm ra tiếng nói ở bản thân mình. Dù thừa nhận đến cuối đời, nỗ lực vùng thoát khỏi chiếc bóng của cha đã hoàn toàn thất bại, nhưng Kafka làm được một việc là biến chuyển những cảm xúc tiêu cực về cha mình thành những áng văn chương để đời, như ông thừa nhận: "con viết là viết về bố. Con than vãn ở đó vì con không thể than vãn trên ngực bố". Các nhà nghiên cứu, dịch giả cho rằng, "Thư gửi bố" có ý nghĩa như một văn bản chìa khóa, giúp giải mã nhiều tác phẩm quan trọng của Kafka. Những sáng tác của ông: Từ "Bản án" đến những kiệt tác như "Hóa thân", "Người đốt lò", "Vụ án", hay trong tác phẩm nổi tiếng cuối đời của ông là "Lâu đài", tác phẩm nào cũng đều có hình ảnh về một người cha với những ẩn dụ về sự trừng phạt, sức mạnh, tội ác, thiết chế xã hội..

    Đọc "Thư gửi bố", những điều vô lý đến kỳ quặc mà người bố Kafka áp đặt lên ông đôi khi khiến chúng ta "phì cười" nhưng sau đó lại thấy đau xót, thương cảm. Liệu rằng đó có phải là sự thật? Điều chúng ta quan tâm vẫn là vì sao ông bố ấy lại đối xử với con mình quá nghiêm khắc như vậy?

    Tìm hiểu về Hermann Kafka, chúng ta thấy ông hiện lên là một người đàn ông đã vất vả làm việc suốt đời để nuôi sống cả gia đình, rất mạnh mẽ, giàu nghị lực. Mười tuổi, ông Hermann Kafka đã phải dậy từ tờ mờ sáng đẩy xe đi bán thịt suốt làng trên xóm dưới. Mùa đông, ông không có đủ quần áo ấm để mặc nên hai chân thường bị sưng tấy vì lạnh. Hai mươi ba tuổi, ông một thân một mình lập nghiệp ở Praha, làm người bán hàng lưu động, một nghề rất vất vả. Chỉ đến khi kết hôn với bà Julie Lowy thì sự nghiệp của ông mới bắt đầu sáng sủa hơn. Nhưng đó cũng là một con người độc đoán, đầy tính gia trưởng. Ông thường tự cho phép mình vượt qua những hàng rào luật lệ mà ông vẫn đặt ra cho các con và bắt chúng tuân thủ. Franz Kafka viết trong bức thư, không che giấu thái độ trì trích: "Xương không được nhai, bố nhai. Dấm không được húp, bố húp. Điều quan trọng khi cắt bánh là phải cắt thẳng, nhưng bố cưa bánh bằng con dao ăn dính đầy nước xốt thì chẳng sao. Ăn uống thì phải cẩn thận, không được để vụn bánh rơi xuống đất, nhưng chỗ bố ngồi luôn có nhiều vụn bánh nhất". Ông giễu cợt, mỉa mai, hoặc quát tháo ầm ĩ rồi gạt phăng mọi hành vi, thậm chí có khi chỉ là mầm mống suy nghĩ có vẻ "độc lập" của đám con mình.

    Trong bức thư, hơn một lần tác giả dùng từ "sự cai trị" để nói về người bố. Ông Hermann Kafka, qua ký ức của Franz Kafka, quả thực là một nhà cai trị thô bạo trong cái lãnh địa nhỏ bé của ông, gia đình và cửa hàng mà ông làm chủ: "Bố liên tục càu nhàu về một nhân viên bị bệnh phổi: Sao không chết mẹ nó đi, đồ dặt dẹo! Bố gọi nhân viên của mình là những kẻ thù được trả lương" (tr 43). Điều khủng khiếp nhất là ông, như một đại diện xuất sắc của chủ nghĩa công thần, đã luôn mang quá khứ lao động vất vả ra để biện minh cho quyền lực của mình. Ông luôn dùng tấm huân chương đẹp đẽ ấy áp đặt các con, nhân danh điều tốt đẹp cho chúng mà không một chút quan tâm xem chúng nghĩ về điều tốt đẹp ấy như thế nào, có thực là tốt đẹp với chúng hay không? Franz Kafka gọi tên điều đó bằng một từ chất chứa niềm uất ức cay đắng: Sự hạ nhục.

    Xuất phát từ truyền thống dạy con trong gia đình Do Thái, người cha Kafka hẳn không ý thức rõ sự gia trưởng của mình có tác động sâu sắc đến thế lên đời sống tinh thần, tương lai của đứa con mình. Franz Kafka nhìn thấy: "Khi các em trai con mất sớm, còn các em gái lại ra đời muộn quá, và con trở thành đứa đầu lòng đơn độc chịu đựng" (trang 18).

    [​IMG]

    Sự cực đoan, bảo thủ của người cha được đẩy cao khi ông vươn dài cánh tay quyền năng can thiệp vào các mối quan hệ giữa cậu con trai với người ngoài, dạy con sự nghi hoặc tha nhân. Điều đó tạo cho đứa con tâm lý nghi ngờ chính mình và sợ hãi tất cả những người khác. Cha của Kafka muốn nhào nặn con trai thành người thành đạt trong công việc kinh doanh, mạnh mẽ, quyết đoán, quảng giao.. Trước một người con trai mang những phẩm chất lệch hẳn con đường mình vạch ra, người cha đã thể hiện vai trò thống trị, đàn áp lên con mình. Ông Hermann Kafka đã khước từ những phát triển tự nhiên trong cá tính, phẩm chất của con. Ông mang lối sống, quan niệm về cuộc đời của mình làm chuẩn mực bất di bất dịch, bắt con cái phải chịu sự lệ thuộc vào sự bao bọc, dìu dắt của mình. Mang tâm hồn nhạy cảm, yếu đuối, Kafka ngày càng tự ti, khép mình vào thế giới riêng, đầy nội cảm của một kẻ mê đọc sách, viết lách phù du, đơn độc và rụt rè trước thế giới. Bên cạnh bố, ông không thấy sự khích lệ, động viên, một tình cảm yêu thương trìu mến như lẽ thường mà chỉ có những đàn áp và miệt thị.

    Ông gieo vào đứa con một tâm lý mặc cảm tội lỗi khi có ý nghĩ bất tuân. "Giữa bố và con thật ra không có cuộc chiến nào thực sự. Con luôn sớm bị hạ gục. Sau đó chỉ là trốn chạy, cay đắng, buồn khổ, đấu tranh nội tâm. Nhưng hai người thì luôn sẵn sàng ở vị trí chiến đấu, luôn hào hứng, tràn trề sức lực. Một cảnh trí hoành tráng và bi thảm".

    Trước thứ quyền uy toàn trị ấy của người bố, người con đầy nhạy cảm như Franz Kafka bị chấn động tâm lý thật nặng nề. Những dòng viết về chính mình trong bức thư của Franz Kafka là sự lôi tuột bản ngã ra trước ánh sáng của tư duy phân tích lạnh lùng. Chúng quả thực là những lời bộc bạch đầy huyết lệ: "Con đã luôn sống trong nhục nhã. Hoặc con tuân theo những mệnh lệnh của bố, đó là nhục nhã, bởi những mệnh lệnh đó chỉ áp dụng cho con. Hoặc con dằn dỗi, đó cũng là nhục nhã, bởi sao con được phép dằn dỗi bố cơ chứ?" (tr 28). "Con đánh mất khả năng nói.. Bố – luôn là một diễn giả xuất sắc mỗi khi gặp chuyện bố thích – đã biến con thành một đứa lắp bắp, một đứa ngọng nghịu, và như thế với bố vẫn còn là quá nhiều, đến nỗi rốt cuộc con im luôn, thoạt tiên chỉ vì dằn dỗi, nhưng rồi con im hẳn vì đứng trước bố con không thể nghĩ hay nói được gì" (tr 30). "Mỗi khi đứng trước bố, con lại hiện nguyên hình là đứa dị ứng ánh sáng, đứa dối trá, đứa mặc cảm tội lỗi, đứa luôn thấy mình là con số không, đến nỗi ngay cả khi nó muốn có thứ mà cho rằng mình đương nhiên có quyền được hưởng thì cũng phải tìm cách lén lút" (tr 37, 38).

    Đối với người bố, F. Kafka vừa kính trọng, yêu thương, vừa căm ghét, sợ hãi; vừa muốn lại gần, lại vừa muốn tránh xa. Có những lúc tác giả thực sự xúc động: "Hay như lần con bị ốm vừa rồi, bố lặng lẽ đến với con trong phòng em Ottla và dừng lại ngoài chiếu nghỉ, chỉ ghé đầu nhìn vào và khẽ giơ tay làm hiệu vì muốn giữ yên tĩnh cho con. Những lần ấy ta đã gục đầu xuống giường mà khóc vì hạnh phúc, và giờ đây khi viết, hai mắt ta lại nhòe lệ" (tr 35). Khoảnh khắc "trời cho" ấy như kéo lại tình cảm yêu thương bật ra từ ký ức tác giả. Tuy nhiên, hình ảnh kẻ cai trị của ông Hermann Kafka vẫn là âm vọng có sức ám ảnh: "Con xin nhắc lại lần thứ mười: Ngay cả khi không chịu ảnh hưởng gì của bố, có thể con vẫn sẽ trở thành người nhút nhát sợ sệt, nhưng từ con người đó tới con người con thực sự trở thành bây giờ là cả một quãng đường dài tăm tối" (tr 53). Nói đến truyền thống đạo đức Do Thái giáo của gia đình Kafka, chúng ta thấy rằng bức thư "luận tội bố" này là cả một sự nổi loạn – dẫu chỉ là sự nổi loạn bằng một bức thư. Nổi loạn để được sòng phẳng với quá khứ, như câu kết bức thư viết: "Có thể đưa chúng ta đến rất gần sự thật, giúp bố và con có thể được an ủi phần nào, để chúng ta có thể sống và chết nhẹ nhàng hơn" (tr 85).

    Không hoàn toàn vô căn cứ vì ngay ở những dòng đầu tiên của "Thư gửi bố", Kafka đã thú nhận: "Gần đây bố có hỏi con, tại sao con quả quyết rằng con sợ bố. Như thường lệ con không biết phải trả lời bố như thế nào, phần cũng chính vì nỗi sợ đó, phần để lý giải nó sẽ cần phải đi vào quá nhiều chi tiết mà con không thể bao quát hết được dù chỉ một phần khi nói.. Và ngay cả bây giờ, khi con đang cố gắng trả lời bố qua thư, thì chắc chắn sẽ vẫn còn thiếu sót nhiều lắm, bởi ngay cả khi viết, nỗi sợ bố cùng những hệ quả của nó vẫn ngăn cản con.." (tr 15). Xét ở góc độ đời sống thường nhật, sự trấn áp tinh thần này là điều khủng khiếp vô cùng. Nhưng, may mắn thay cho văn chương thế giới, Franz Kafka lại là một nhà văn thiên tài. Ông, dù không chủ định, đã biết cách không để cho bi kịch của cuộc đời mình chỉ là một thứ bi kịch suông.

    Hai cửa ngõ trong cuộc đời mà nhà văn tìm cách để "nỗ lực thoát khỏi người bố" đó là sự nghiệp văn chương và hôn nhân. Hai dự định hôn nhân đầu đời đấu tranh trong thất bại. Còn việc viết: "Sở dĩ con nói đến việc viết, là bởi vì việc viết đã làm tổ trong người con, ở đâu đó nó sẽ chẳng có ý nghĩa gì hết, và còn bởi vì, nó đã chế ngự đời sống của con, như một dự cảm khi bé, như một hy vọng khi lớn, và rồi sau đó, như một niềm tuyệt vọng. Và – nói thế nào nhỉ, có lẽ cũng như bố – nó ra lệnh cho con trong một số quyết định nhỏ bé của mình" (trang 61).

    F. Kafka luôn sống trong cảm giác mặc cảm tội lỗi, suy tư về sự vượt thoát và độc lập, cả trong nỗi xót xa vô phương hòa giải với những thứ quyền lực cực trị, phi lý đè nặng lên cuộc sống, mà ở đây, người cha chỉ là một "thế lực" mang tính biểu tượng.

    Cuốn tự truyện mang dấu ấn về cuộc sống ngột thở của chính mính, với sự trải qua nỗi khiếp sợ sự áp chế của người bố. Mặc dù, trong câu chuyện ấy, sự cách điệu tự truyện biến đổi thành truyện kể về ông Hermann Kafka nhưng qua đó, tính cách, tâm lý của nhà văn được bộc lộ một cách chân thực, "đáng tin" hơn.

    Một bức thư mà Kafka sẽ chẳng bao giờ đủ mạnh mẽ, quyết liệt gửi đi. Bởi sức đè nén của áp lực tâm lý nặng nề trở thành ác mộng. Mặt khác, theo ý kiến của các nhà phê bình trong đó có không ít cảm xúc được cho là có phần cường điệu. Kafka đã nâng tầm câu chuyện gia đình của ông thành một tác phẩm chất chứa suy ngẫm, triết lý về vai trò của giáo dục nhân cách và những va chạm bên trong – bên ngoài nội tâm một con người. Sau này K đã chuyển bức thư cho Milena Jesenská, người tình của ông, đồng thời cũng là dịch giả Séc các tác phẩm của ông. Trong di cảo của K, Max Brod (bạn thân của K) tìm thấy một bản thảo đánh máy chưa hoàn thiện bức thư với những chỉnh sửa bằng tay của tác giả. Đây là một chỉ dấu quan trọng cho thấy, K đương thời có ý coi Thư gửi bố là một "tác phẩm văn học" chứ không phải thư riêng.

    Năm 1959, khi xuất bản tuyển tập của K, Max Brod cũng như hầu hết các nhà nghiên cứu sau này đều thống nhất xếp tp này vao mục "tác phẩm". TGB có thể coi như một tp tự truyện của nhà văn, một "thử nghiệm viết tự truyện công phu nhất của tôi", như K viết trong một bức thư gửi Milena Jesenská.

    Kafka sử dụng một số thủ pháp văn chương, trong đó phóng đại mà Max Brod đã dễ dàng nhận ra khi so sánh một số chi tiết được miêu tả trong thư vs những sự kiện có thật trong c/s của K. Đây cũng là lý do khiến bức thư đã không được đến tay người nhận, bởi nó đã đi quá xa các vấn đề thực tế, vốn đòi hỏi sự rõ ràng và cụ thể, để nhập vào địa hạt văn chg, vốn có tính ẩn dụ và đa nghĩa.

    Có những lá thư người ta chỉ viết ra cho thỏa cơn ấm ức. Kafka rơi vào tình huống đó. Cảm hứng là những cơn điên, nó kéo con ng vào sự mê loạn của chữ nghĩa, vô tình kéo ta ghì sát, bám diết vào ngôn ngữ cao vút, trầm tư của cảm xúc, đôi khi bị chệch ra khỏi lý trí sự thật mà ban đầu người viết trung thành với nó. Và chúng ta chẳng cảm thấy có khi khó hiểu với một cá tính như K và phong cách tự truyện "không nguyên chất" của ông.

    [​IMG]

    Như vậy, tự truyện "Thư gửi bố" là góc khuất trong thế giới tinh thần của một trong những nhà văn vĩ đại nhất lịch sử văn chương thế giới, người đã cùng với James Joyce và Marcel Proust hợp thành cái tam vị nhất thể đầy vinh quang của tiểu thuyết châu Âu hiện đại. Nhờ tự truyện "Thư gửi bố", người đọc soi rọi và hiểu thêm về những kiệt tác như "Hóa thân", "Vụ án", "Lâu đài", "Nước Mỹ" Và nếu chỉ xét trên phương diện đời sống gia đình – xã hội, "Thư gửi bố" của Kafka còn có giá trị như một thông điệp, một lời cảnh báo ngầm mà từ gần một trăm năm trước (1919) ông đã gửi đến các ông bố: Để làm điều tốt đẹp cho con cái, để có thể hy sinh hết mình "vì tương lai con em chúng ta", trước hết phải nhớ rằng con cái, tuyệt đối không phải là vật để chúng ta sở hữu!
     

    Đính kèm:

    Đặng Châu thích bài này.
    Last edited by a moderator: 2 Tháng mười 2018
Trả lời qua Facebook
Đang tải...