Thu ẩm, và Thu vịnh của Nguyễn Khuyến

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngọc Hạc Phong, 26 Tháng ba 2022.

  1. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    PHẦN 1: TÁC GIẢ NGUYỄN KHUYẾN

    [​IMG]

    I. Cuộc đời

    • Nguyễn Khuyến (1835 – 1909), hiệu là Quế Sơn, quê làng Và (tên chữ là Vị Hạ), xã Yên Đổ (nay thuộc xã Trung Lương), huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa bảng.
    • Nối chí tổ tiên, ông đi thi rất sớm nhưng trải qua ba kì thi Hương (1852, 1855, 1858) đều không đỗ. Kiên trì học tập, đến khoa thi năm 1864, ông đỗ đầu cử nhân. Ông đi thi Hội nhưng lại trượt liền hai khoa thi (1865, 1868).
    • Đến khoa thi 1871, ông mới liên tiếp đỗ đầu thi Hội và thi Đình. Đỗ đầu cả ba khoa thi nên Nguyễn Khuyến được tôn vinh là Tam nguyên Yên Đổ.
    • Ông đã được triều Nguyễn bổ làm quan trên nhiều cương vị khác nhau.
    • Nguyễn Khuyến đi thi và ra làm quan trong một hoàn cảnh lịch sử hết sức phức tạp. Thực dân Pháp đã chiếm đóng Nam Kì năm 1867, đánh chiếm Hà Nội năm 1882, đánh kinh thành Huế năm 1885. Năm 1883, thành Sơn Tây rơi vào tay Pháp, quan đầu tỉnh bỏ chạy, Pháp ép triều Nguyễn tổ chức bộ máy quan lại ở đây.
    • Từ năm 1884 cho đến khi qua đời, Nguyễn Khuyến đều sống ở Yên Đổ trong cảnh thanh bần, không cộng tác với giặc Pháp.

    II. Sự nghiệp văn học

    1. Những tác phẩm chính

    Nguyễn Khuyến có hơn 800 tác phẩm đã được sưu tầm, gồm thơ chữ Nôm, chữ Hán, thơ dịch, câu đối. Nguyễn Khuyến sáng tác cả trong thời gian trước và sau khi về hưu. Các tác phẩm này là tài liệu quý để hiểu biết tâm hồn, tư tưởng, nhân cách và tài năng nhiều mặt của ông.

    2. Những nét lớn về nội dung

    A) Tâm sự trước thời cuộc


    • Là một nhà nho có nhân cách, Nguyễn Khuyến đã từ quan về ở ẩn để bảo toàn nhân cách đạo đức, nhưng ông không thể không nhận ra sự bất lực của tầng lớp trí thức nho sĩ như mình trước thời cuộc.
    • Tâm sự đó cho ta biết vì sao Nguyễn khuyến đã từ quan về ở ẩn, đồng thời cũng cắt nghĩa lí do ông viết những bài thơ tự trào.
    • Trong tiếng cười tự trào ẩn chứa nỗi đau mất nước và cảm giác về sự bất lực của tầng lớp trí thức nho sĩ.

    b) Hòa mình vào cuộc sống nông thôn

    • Nguyễn Khuyến đã hòa mình vào cuộc sống nông thôn như mọi người dân bình thường khác, từ bỏ vị trí của người đứng trên cao nhìn xuống như nhiều nhà nho khác.
    • Nguyễn Khuyến tham gia vào cuộc sống nông thôn ở quê ông dưới nhiều hình thức phong phú.
    • "Hai trục cảm xúc rất rõ trong thơ Nguyễn Khuyến là quê hương làng nước, là đồng bào nhân dân". (Xuân Diệu)

    c) Cảm quan trào phúng

    • Nguyễn Khuyến đã hấp thụ cảm quan trào phúng đầy tinh thần dân chủ của văn hóa dân gian.
    • Đối tượng trào phúng trong thơ văn Nguyễn Khuyến khá đa dạng.
    • Cảm quan trào phúng đã góp phần làm cho sáng tác của ông đậm đà chất hiện thực và phong phú, đa dạng sắc thái thẩm mĩ.

    3. Nghệ thuật thơ Nguyễn Khuyến

    a) Nghệ thuật thơ chữ Hán

    • Ông có một số bài thơ được viết cả bằng chữ Hán và chữ Nôm (hiện tượng song ngữ) rất khó biết là bài chữ Nôm được dịch ra chữ Hán hay ngược lại.
    • Nguyễn Khuyến sáng tạo một số từ Hán theo cách tạo nghĩa tiếng Việt thông tục.
    • Ông đưa cả nghệ thuật chơi chữ của tiếng Việt vào thơ chữ Hán.

    b) Nghệ thuật thơ chữ Nôm

    • Nguyễn Khuyến sử dụng các thể loại thơ văn chữ Nôm là thơ Đường luật, hát nói, song thất lục bát và câu đối.
    • Phong cách Nguyễn Khuyến trong cả thơ trữ tình và trào phúng đều thiên về thâm trầm, kín đáo, tinh tế. Tình ý của ông thường ẩn kín dưới lớp ngôn từ, khi đã chạm tới được tầng nghĩa đó thì dư vị của tình ý sẽ lắng đọng bền lâu trong tâm trí người đọc.
    • Ông đưa nội dung đời sống sinh hoạt hằng ngày vào sáng tác Nôm và sử dụng ngôn từ, thành ngữ, tục ngữ, cách diễn đạt dân gian để chuyển tải nội dung hằng ngày đó. Tiếng Việt trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến đã đạt đến mức điêu luyện mà rất giản dị, trong sáng, dễ hiểu.
     
    Diệp Minh ChâuBim Bim thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tư 2022
  2. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    PHẦN 2: THU ẨM

    1. Hai câu đề: Cảnh làng quê đồng bằng Bắc Bộ

    "Ba gian nhà cỏ thấp le te

    Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe"

    • Nhà tranh mà gọi là "nhà cỏ" thì giá trị đã hạ một bậc nhưng chữ nghĩa khác nhau chưa mấy.
    • Cụm từ "thấp le te" đã rõ là thấp và chẳng còn lành lặn, mái tranh đã rách nát, xác xơ đổi dạng.
    • Từ láy "le te" gợi tả hình ảnh mái nhà bé nhỏ ẩn mình trong đêm khuya.
    • Hình ảnh "Ngõ tối" và "đêm sâu" là cảnh bình thường nhưng lại có ánh lửa đom đóm lập lòe làm cho ngõ tối và đêm sâu lúc tối, lúc sáng thành ra cũng biến dạng.
    • Khung cảnh làng quê đêm khuya xơ xác, tiêu điều.

    2. Hai câu thực: Cảnh đêm thu huyền ảo và tĩnh lặng

    "Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,

    Làm áo lóng lánh bóng trăng loe."

    • Sương thu lớt phớt như khói mỏng phủ bờ giậu khiến cho cây xanh cũng chẳng còn màu đêm.
    • Câu thơ đặc biệt miêu tả tài tình: Mặt ao cũng không còn phẳng lặng mà lăn tăn gợn sóng và ánh trăng chiếu vào nên lóng lánh; bóng trăng chiếu xuống nước gợn sóng cũng chẳng còn nguyên hình mà chao lại loe ra, dồn lại, biến dạng liên tiếp.
    • Từ láy "lóng lánh" tạo cảm giác huyền ảo và mơ hồ.

    • Đối với người đang say như nhà thơ, mọi thứ dường như trở nên huyễn hoặc và biến dạng.

    3. Hai câu luận: Tâm tư sầu muộn của nhà thơ

    "Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?

    Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe."

    • Câu hỏi tu từ cho thấy nhà thơ đã rất say, không còn phân biệt được gì.
    • Cảnh trời và cảnh mình. Trời cũng như mình đều do ai đó làm cho biến đổi: Trời thì ai nhuộm mà xanh ngắt, mắt mình không vầy mà cũng đỏ hoe? Người nghiên cứu bảo cụ Tam nguyên đau mắt, có lần mắt đỏ như máu, hay là do rượu say? Say rượu cũng thường đỏ mắt.
    • Chữ "ai" lấp lửng một mối hoài nghi, nghe lửng lơ nhưng chắc không phải vô ý. Bỗng dưng lại lấy một thế lực nào đó bên ngoài tác động vào trời, nhuộm cả da trời, rồi bỗng dưng mắt mình "đỏ hoe nước mắt". Đây cũng là nét tâm tư của nhà thơ? Nó cùng một mạch cảm thương như hoa năm nay mà nhìn ra hoa năm ngoái, và tiếng ngỗng bay qua trời mình mà nghĩ mà ngỡ là ngỗng nước nào.

    • Tâm tư nhà thơ không ngoài nét buồn đau trước cánh nước mất, lũ giặc lũ gian giày xéo mà mình thì bất lực, bứt rứt không nguôi.

    4. Hai câu kết: Nhà thơ một mình đối diện với bầu rượu trong đêm khuya

    "Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy

    Độ năm ba chén đã say nhè"

    • Cuối cùng là tửu tượng cũng chẳng còn bình thường: Rượu tiếng rằng hay chả mấy nên chỉ dăm ba chén đã say nhè. Nhìn chung tại sao lại có sự biến hình đổi dạng này? Do rượu chăng? Sao nhìn vật một hóa thành hai, ba, hoặc nhòa nhạt tất cả. Dáng hình biến đổi, màu sắc, đường nét nổi lên nhòe ra chập lại, lảo đảo như say.
    • Âm thanh cũng theo điệu ấy, có vẻ say. Rõ nhất và cũng bất ngờ nhất, thú vị nhất là ở tất cả các từ: Le te, lập lòe, đỏ hoe, say nhè.
    • Cả câu: Làn ao lóng lánh bóng trăng loe có đến bốn tiếng có phụ âm l, càng tăng gấp bội cái cảm giác ngửa nghiêng, chao đảo không chỉ ở bóng trăng dưới nước mà ở cả mặt ao, làn ao.
    • Từ đó mà cảm giác ngả nghiêng chao đảo ấy lan tỏa ra toàn bài để rồi kết thúc bằng hai chữ "say nhè" ở chót câu cuối nhưng rồi âm thanh và ý nghĩa lại dội ngược lên toàn bài.

    • Thế là nhà thơ một mình đối diện với bầu rượu trong đêm thu này. Sau dăm ba chén, tâm tư đã nhòa ra, thẩm thấu vào cảnh vật, khiến cho dáng thu, hồn thu đều cùng biến dạng, lảo đảo, say nhè. Cái hay, cái tài của bài thơ Thu Ẩm này là ở đó. Nhà thơ say vì nỗi buồn trước vận nước và bứt rứt khôn nguôi trong lòng. Mượn vài chén rượu cho khuây nhưng uống vào lại thấy nỗi niềm ấy hiện ra rõ rệt hơn, làm lảo đảo cả cảnh vật đêm thu. Có lúc không rượu mà tâm trạng chừng vui hơn, cụ Tam nguyên đã tự cười mình và cũng thấy người mình như say: Khấp khểnh ba chân dở tỉnh say kia mà!
     
    Diệp Minh Châu thích bài này.
  3. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    PHẦN 3: THU VỊNH

    1. Hai câu đề: Giới thiệu tổng quát cảnh mùa thu

    "Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,

    Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu."

    • Hình ảnh "Trời thu xanh ngắt.." : Màu xanh quen thuộc của Nguyễn Khuyến khi tả mùa thu.
    • Cụm từ "mấy tầng cao" : Vẽ được cái cao vút, thăm thẳm của khung trời mùa thu.
    • Hình ảnh "cần trúc lơ phơ" tạo nét động cho bức tranh thu.
    • Từ láy "Hắt hiu" : Diễn tả được cái se lạnh của gió mùa thu.

    • Cách giới thiệu rất khéo và rất đạt.

    2. Hai câu thực: Cảnh trăng nước của mùa thu

    "Nước biếc trông như tầng khói phủ

    Song thưa để mặc ánh trăng vào."

    • Màu sắc "nước biếc" hòa hợp trong tranh của Nguyễn Khuyến.
    • Cách so sánh "trông như tầng khói phủ" làm cho cảnh dịu nhẹ, mờ nhạt. Ta hình dung được mùa thu trong màu biếc lẫn với màu khói.
    • Hình ảnh "Song thưa để mặc ánh trăng vào" quen thuộc mà vẫn nên thơ.
    • Cách nói của Nguyễn Khuyến "để mặc" cho thấy cảnh của ông phóng khoáng, tâm hồn ông rộng mở.

    • Cảnh đẹp, màu sắc dịu nhẹ. Cảnh cho thấy sự hòa nhập của con người với thiên nhiên. Ta có cảm tưởng Nguyễn Khuyển đang thả mình trong thiên nhiên với làn nước, với ánh trăng.

    3. Hai câu luận: Cảnh hoa và tiếng chim (ngỗng) của mùa thu

    "Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,

    Một tiếng trên không ngỗng nước nào?"

    • Nghệ thuật đảo ngữ làm nổi bật hình ảnh "mấy chùm" hoa và "một tiếng" ngỗng.
    • Hình ảnh "hoa năm ngoái" có sức gợi tả mạnh; "hoa năm ngoái" có nghĩa là hoa vẫn là hoa y như năm ngoái (gợi lên cho ta hiểu) mà nước hôm nay thì đã trở thành "nước nào". Hình ảnh "hoa năm ngoái" làm ta nhớ cách dùng chữ của Nguyễn Du: "Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông".
    • Tiếng ngỗng ở đây, về nghệ thuật, là lấy cái động để diễn tả cái tĩnh.

    • Nói tóm lại, hai câu luận cũng là tả về mùa thu, nhưng qua cảnh, ta thấy được tâm trạng của nhà thơ, thấy được sự thầm kín của một con người không thể dửng dưng trước cảnh mất nước.

    4. Hai câu kết: Cảm hứng và nỗi thẹn của nhà thơ

    "Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,

    Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào."

    • "Nhân hứng" tức là cái hứng thú trước cảnh đẹp của mùa thu.
    • "Toan cất bút" nghĩa là định làm thơ, cảnh thu đẹp và gợi hứng cho nhà thơ.
    • "Nghĩ ra" tức là ý thức, là lý trí, là tỉnh. Nguyễn Khuyến rất say mà rất tỉnh. Ông say trước cảnh đẹp của mùa thu, nhưng ông vẫn tỉnh trước lương tâm của mình. Cho nên, ông nói được là thẹn. Nhưng thẹn với ai?
    • Ông Đào tức là Đào Tiềm, một danh sĩ đồng thời là một nhà thơ nổi từ đời Tấn, đã "dũng thoái" treo ấn từ quan, về sống với ruộng vườn, với hoa cũ, giữ cho được cái khí tiết của mình. Bằng điển tích này, Nguyễn Khuyến đã bộc lộ "cái tôi" của mình trong cảnh sắc mùa thu một cách khá đậm nét.
    • "Thẹn với" ông Đào "là một cách nói bộc lộ được tấm lòng thanh cao của nhà thơ, thể hiện được cái tự hào khiêm tốn của ông trước lương tâm của mình" Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu ".

    • Bài" Thu Vịnh "tả tổng quát về mùa thu, chứ không nói một đặc cảnh" uống rượu "hay" câu cá ", nhưng ta vẫn thấy nét thu đặc biệt của Nguyễn Khuyến. Hơn nữa, trong cảnh sắc mùa thu này, ta thấy khá rõ được tâm hồn thanh cao và khí tiết của một người:" Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết ". Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ (trích bài" Mẹ Mốc"của Nguyễn Khuyến).
     
    Diệp Minh Châu thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...