Tên sách: Thời thơ ấu Tác giả: Maxim Gorky Dịch giả: Trần Khuyến, Cẩm Tiêu Tình trạng: Đã xuất bản Thời thơ ấu có thể nói là cuốn tự truyện của nhà văn Maxim Gorky, mượn lời kể của cậu bé Alexei non nớt để kể về chính tuổi thơ của mình – chân thật, mộc mạc nhưng cũng giàu cảm xúc nhất. Đó là một quá khứ, một quãng thời gian sống đầy đau buồn, khắc nghiệt, trần trụi nhưng cũng pha trộn trong đó cả sự bình lặng, đơn sơ mà một đứa trẻ như Aleixei, cho dù tuổi vẫn còn rất nhỏ song đã có thể cảm nhận được. Thật vậy, câu chuyện mở đầu cho chúng ta thấy những cảm xúc, cách hành xử của Alexei khi nhìn thấy cha của mình – người cha mà cậu hết mực yêu quý chết một cách thảm khốc. "Gần cửa sổ, trong một gian phòng chật hẹp tranh tối tranh sáng, bố tôi mặc quần áo trắng toát nằm trên sàn. Thân hình bố tôi dài lạ thường, ngón chân xòe ra nom rất kỳ quái; hai bàn tay dịu dàng đặt yên trên ngực, nhưng ngón tay thì co quắp. Hai đồng xu đen tròn bằng đồng che kín cặp mắt tươi vui của bố tôi: Khuôn mặt vẫn hiền từ nay tối sầm lại. Hai hàm răng nhe ra làm tôi sợ hãi.." Tuy rất sợ hãi, ngơ ngác không hiểu có chuyện gì đã xảy ra với người cha nhưng Alexei vẫn can đảm tiến tới nấp sau lưng bà để quan sát, bởi giống như bao đứa trẻ khác cậu cũng có bản tính tò mò. Mà cậu bé ngây thơ của chúng ta nào có biết rằng cha mình đã qua đời, đã mãi mãi không thể trở lại được nữa. Sau cái chết của cha, Alexei cùng mẹ dọn tới ở với ông bà ngoại. Và cũng bắt đầu tại nơi ở mới này, cậu mới dần làm quen được với những con người xa lạ mà cậu gặp, lần đầu biết đến những trận đòn roi, hay những tiếng chửi rủa mà mọi người nói về cậu. Nhưng về nhà ông bà ngoại chưa được bao lâu thì mẹ của Alexei đột nhiên biến mất, tuy không hiểu lý do mà mẹ lại bỏ đi nhưng cậu bé phần nào đã đoán được hay có lẽ biết rằng mẹ cậu đã đi lấy chồng khác. Việc người mẹ bỏ đi không khiến cho Alexei buồn bã nhiều vì bên cạnh cậu vẫn còn có bà ngoại – một người phụ nữ hiền hậu, ấm áp, luôn kể cho đứa cháu của mình nghe những câu chuyện cổ tích tràn đầy ý nghĩa để rồi sau này khi bị đuổi ra khỏi nhà, cậu bé vẫn mang theo những câu chuyện mình thường được nghe kể vào đời. Trái lại với bà ngoại dịu dàng, luôn đem đến cho Alexei tình thương trìu mến thì ông ngoại của cậu thì có vẻ lại là một con người bảo thủ, keo kiệt, cực kỳ nghiêm khắc và không ngần ngại cho cậu bé những trận đòn roi khi cậu phạm lỗi hay ương bướng. Ông ngoại của cậu bé trong cuốn sách mình thấy đáng ghét thì đáng ghét thật nhưng cũng không thể không phủ nhận tầm quan trọng của ông trong việc giúp đỡ và dạy bảo cho Alexei rất nhiều điều khi cậu bé bị mẹ bỏ lại với hai ông bà. "Ông tôi vừa răn dạy vừa gő ngón tay xương xẩu lên mặt bàn. Tôi khó lòng tin được Chúa là người tàn ác. Tôi nghi rằng ông tôi cố tình bịa ra những chuyện ấy để gây cho tôi lòng sợ hãi không phải đối với Chúa, mà là đối với ông tôi. Tôi liền hỏi thẳng: " Có phải ông nói thế để cháu phải vâng lời ông không? " Ông tôi cũng đáp thẳng: " Phải đấy! Nếu không, dễ cháu chịu vâng lời ông đấy hẳn? " Tuy mình đã từng học lịch sử, đã từng được nghe cô giảng bài trên lớp hồi trước nhưng không ngờ sau khi đọc cuốn sách này, mới nhận ra nó chân thật và khắc nghiệt hơn nhiều. Đến nỗi:" .. do cuộc sống nghèo khổ và buồn tẻ, nói chung họ ưa giải trí bằng sự đau khổ, họ đùa với nó như con nít và ít khi cảm thấy xấu hổ vì bất hạnh. Giữa những chuỗi ngày vô tận thì sự đau khổ là một ngày hội và cháy nhà là một trò giải trí. Trên bộ mặt nhẵn thín thì vết sây xát cũng thành một thứ trang sức." Và cũng chính một cuộc sống như thế đã khiến cho những con người trong truyện cuối cùng vẫn phải chấp nhận cách sống độc ác, khốn khổ đến nỗi sự đói nghèo đã dần làm họ mất đi cái tốt, để rồi cái cuối cùng còn đọng lại chỉ là những phần xấu xa bên trong mỗi người để có thể sinh tồn trong cái xã hội ở Nga xưa kia.. Câu chuyên kết thúc khi Alexei, cậu bé trong tuổi thơ bất hạnh đầy những đau thương mất mát ấy, có đủ dũng khi cũng như sự tự tin để bước vào đời trở thành một người luôn kiên cường, mạnh mẽ. Chính điều đấy đã làm mình có ấn tượng sâu sắc với cậu bé này. Dù cho phải chứng kiến cái chết thảm khốc của người cha, mẹ thì đi lấy chống khác, ông bà – người thân duy nhất còn lại của cậu cuối cùng lại vẫn nhẫn tâm đuổi cậu ra khỏi nhà, nhưng cậu bé vẫn không hề cảm thấy hận hay ghét họ. Vẫn lạc quan, hồn nhiên mà tiến bước về phía trước. Nói sơ qua về nội dung cuốn sách thì ta chuyển sang phần sách một tí nhé: Thời thơ ấu thuộc dạng sách bìa mềm, tổng cộng có 320 trang tất cả, hình vẽ minh họa bìa truyện làm mình khá ấn tượng, cho ta thấy được cảnh cậu bé Alexei – nhân vật chính trong truyện đang đi giữa trời tuyết, đáng thương và cũng cô đơn không kém, khi cậu chẳng còn có người thân nào bên cạnh cả, chất liệu giấy được in ấn khá tốt, chữ to, rõ ràng. Tóm lại, thì đây là một cuốn sách hay và đáng đọc lắm đấy, độc giả mọi lứa tuổi đều có thể đọc được, nếu có thời gian rảnh các bạn có thể dành một chút thời gian để lên mạng đọc cuốn này cũng được, mình đảm bảo là không hề nhàm chán hay khô khan chút nào đâu, vả lại truyện cũng không quá dài nên các bạn cứ yên tâm đọc nhé!
Mình vừa đọc xong Tội ác và trừng phạt của Fyodor Dostoevsky, và thấy háo hức với các tác gia Nga lắm. Bạn review hay quá, chắc mình phải thử cuốn này mới được