Thói quen nghĩ nhiều - Overthinking

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Maskman, 13 Tháng ba 2024.

  1. Maskman

    Bài viết:
    4
    Trong xã hội hiện đại, thói quen nghĩ nhiều (overthinking) đã và đang trở thành một vấn đề đáng được sự chú ý của mọi người. Áp lực công việc, nỗi cô đơn hòa cùng nhịp sống hối hả ngày nay đang khiến cho chúng ta suy nghĩ nhiều quá mức cần thiết, làm ta dần mất đi những cơ hội tận hưởng vẻ đẹp tươi giữa cuộc đời này. Thế nên, giờ đây, khi vấn đề chưa vuột khỏi tầm kiểm soát, có lẽ ta nên phân tích rõ về thói quen xấu này và cùng tìm cách để dần rời xa nó.

    Thói quen nghĩ nhiều không chỉ đơn thuần là một trạng thái tâm lý, mà còn là một trạng thái tinh thần, một thói quen vô cùng xấu khiến chúng ta cứ mãi chìm sâu vào dòng chảy suy nghĩ vô tận và vô lường. Chúng ta bị cuốn vào guồng suy nghĩ không lối thoát, không ngừng đặt ra vô vàn câu hỏi để rồi lo lắng, toan tính trong vô vọng. Mỗi ý nghĩ tưởng chừng bé nhỏ ấy thế mà lại tiếp tục mở ra một vòng lặp vô tận, khiến chúng ta mất đi khả năng tận hưởng cuộc sống và dường như chẳng thể dừng lại dễ dàng.


    [​IMG]

    Nguyên nhân của thói quen nghĩ nhiều có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, có thể do áp lực công việc, sự tự ti, nỗi cô đơn kéo dài hay khát khao hoàn thiện bản thân đến cuồng dại. Chúng ta thường cho rằng việc suy nghĩ không ngừng sẽ giúp tìm ra lời giải thỏa đáng cho những nan đề trong cuộc sống. Thế nhưng, thực tế lại thật phũ phàng khi chúng chỉ làm chúng ta ngày càng khó thể nào tập trung và dần đưa ra quyết định kém hiệu quả, sai lầm. Thêm vào đó, một bộ phận giới trẻ ngày nay lại có cả hội chứng "nhạy cảm thái quá" nên tình trạng nghĩ nhiều lại ngày một trầm trọng hơn. Chỉ một tin nhắn bình thường của người mình thương thầm hay chỉ một lời nói vô ý, vô tình cũng có thể đưa những tâm hồn dễ vỡ đến "kỷ nguyên" của những "đêm trắng" vì lo âu bề bộn. Và dĩ nhiên, điều này mang đến nhiều nỗi phiền muộn hơn là giải pháp hợp lý.

    Tác hại của thói quen nghĩ nhiều không chỉ giới hạn trong phạm vi tâm lý, mà còn ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe của chúng ta. Lo lắng không ngừng và áp lực không cần thiết có thể dẫn đến căng thẳng kéo dài, trầm cảm, và nặng hơn là rối loạn tâm thần, những chứng, bệnh càng ngày càng trẻ hóa và phổ biến hơn. Hơn nữa, overthinking cũng có thể làm suy yếu khả năng tập trung và hiệu suất làm việc của chúng ta. Khi dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ về những điều không quan trọng hoặc không thể kiểm soát, ta dễ bị phân tán và mất tập trung vào công việc quan trọng. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ và đạt được mục tiêu của chúng ta. Vì đã dành quá nhiều năng lượng để suy nghĩ, phân tích, nghĩ nhiều có thể khiến ta cảm thấy căng thẳng và dần kiệt quệ về cả tinh thần lẫn thể chất. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và khả năng thích ứng với căng thẳng hàng ngày. Dần dà, cuộc sống lại thêm mờ nhạt và không có ý nghĩa khi chúng ta không thể tận hưởng những khoảnh khắc quan trọng và sống nhưng lại không "thực sự sống".

    Tuy nhiên, không ai có thể sống mãi trong tình trạng như thế. Nếu chúng ta có thể từ bỏ thói quen này, một thế giới mới sẽ được mở ra, nơi chúng ta có thể tận hưởng cuộc sống đầy ắp những ánh sáng hy vọng buổi ban mai, rộn rã với những tiếng chim chuyền vui thỏa trên cao. Bằng cách giải phóng tâm trí khỏi nỗi lo lắng không cần thiết, chúng ta có thể tăng cường sự tập trung, sáng tạo và đưa ra quyết định hiệu quả. Chúng ta sẽ cảm nhận được sự tự do và niềm hạnh phúc hơn bao giờ hết khi không bị ràng buộc bởi những xiềng xích nội tâm.


    [​IMG]

    Để từ bỏ thói quen nghĩ nhiều, chúng ta cần thực hiện một số biện pháp cụ thể. Đầu tiên, hãy chấp nhận rằng không phải mọi vấn đề đều cần được suy nghĩ quá nhiều. Hãy tập trung vào những điều có thể kiểm soát và đưa ra những quyết định dựa trên thông tin hợp lý. Tiếp theo, việc tạo ra một môi trường tĩnh lặng và thư giãn để giảm bớt căng thẳng và lo lắng là vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, như Jim Rohn - một doanh nhân, tác giả và diễn giả truyền cảm hứng người Mỹ - đã từng nói: "Ta gấp gáp, gấp gáp, gấp gáp, và ta luôn lắng nghe âm thanh khắp xung quanh. Trái tim con người cần thời gian yên lặng, để nhìn sâu vào bên trong. Khi ta làm điều này, trái tim ta được tự do để cất cánh và bay lên trên đôi cánh làm từ giấc mơ chính ta!" . Bên cạnh đó, hãy tìm cách chia sẻ và thảo luận với người khác về những suy nghĩ và lo lắng của bạn. Đôi khi, chỉ cần nói ra những suy nghĩ của mình có thể giúp giải tỏa áp lực và tìm ra những giải pháp mới. Chỉ thế thôi, thói quen nghĩ nhiều dường như sẽ bị loại bỏ khỏi đời ta.

    Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi những suy nghĩ và lo lắng vu vơ. Tuy nhiên, chúng ta có thể học cách kiểm soát và từ bỏ thói quen nghĩ nhiều. Bằng cách tập trung vào hiện tại và tận hưởng cuộc sống, chúng ta có thể giải phóng tâm trí khỏi những suy nghĩ vô ích và sống một cuộc sống ý nghĩa hơn. Hãy từ bỏ thói quen nghĩ nhiều và khám phá một chân trời mới, nơi chúng ta có thể thấy rõ rằng cuộc sống đáng sống không ở trong những suy nghĩ tưởng chừng kéo dài đến vô cùng mà nằm ở đôi mắt mà ta nhìn. Khi đó, ta sẽ đạt được những mục tiêu, thành tựu như ý và càng ngày càng nâng cao giá trị bản thân. Cùng nhau, ta hãy từ bỏ những vấn vương quá khứ này để nhìn về một tương lai tươi đẹp hơn, nơi mà:


    "Vườn cười bằng bướm, hót bằng chim;

    Dưới nhánh không còn một chút đêm"

    (Lạc quan, Xuân Diệu)

    [​IMG]
     
    Võ NguyễnLieuDuong thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng ba 2024
Trả lời qua Facebook
Đang tải...