(Bếp lửa - Ảnh sưu tầm) Gió mùa đông bắc mang hơi lạnh từ tận xứ sở vùng cao nơi biên giới phía bắc tràn về. Hơi ẩm cùng làn gió bắt tay lấn chiếm không gian khắp mọi nơi nông thôn cùng với phố thị. Một chút nắng có khi không đến để sưởi ấm mặt đất khô khốc, vệ cỏ bàng bạc ven đường cháy khô. Nếu ai đó vô tình thả tàn thuốc lá xuống thì nàng gió đông mà bắt được sẽ cùng nhau nhảy vũ điệu samba với âm thanh phát ra tí ta tích tách. Khói lan tỏa bay nghi ngút như bà tiên cầm đũa thần múa dải lụa ngoằn ngoèo lên không trung bảng vảng hòa vào bầu trời xốn xang.. xốn xang trông càng buồn tênh thêm. Đó là những ngày mùa đông, mưa phùn mờ mờ giăng giăng cả tháng. Nhưng có thời gian nắng chiếu đẫm suốt ngày. Trời ren rét, buôn buốt lạnh thấu da, thấu thịt khi sáng sớm và mỗi khi đêm buông xuống. Cái lạnh tê tái có thể làm cho trẻ con khó chịu khi được người lớn giữ ấm với bao nhiêu cái áo khoác vào mình cùng với đôi tất bó đôi chân từ ngày này qua ngày khác. Chúng mong người lớn cởi bỏ để chạy nhảy cho thỏa thích. Cái lạnh làm cho da người nào người nấy căng lên như dây đàn rồi rướm máu ran rát, nứt nẻ môi má, tay chân. Rồi người dân quê tôi tìm đủ mọi cách để chống nẻ. Nào là lấy mỡ gà bôi vào cho đừng nẻ, nào là mua thuốc chống nẻ để giữ đôi môi đẹp (dành cho phụ nữ và trẻ con). Nhưng cũng chẳng ăn thua gì cứ để cho nó mộc rồi ngày mai và nhiều ngày khác còn xắn quần lội ruộng cấy lúa, trồng khoai. Thời khắc mùa đông qua đi rồi lại đến. Làn gió đông bấc mang hơi lạnh khẽ hôn nhẹ vào không gian khi trời chưa hửng sáng, giống ai đó bốc nước đá bào xay nhuyễn vẩy nhè nhẹ bắn tung toé vào cơ thể làm ta rùng mình. Chao ôi! Sao tê tái quá! Gió đông lạ kì ơi! Người xa quê lâu ngày thấy là lạ với dáng vẻ này nhưng với người dân bản địa thì biết đó là quy luật mà thiên nhiên ban tặng cho loài cây xoan tím sẫm. Không chỉ xoan trơ cành, trọi lá giữa trời đất mùa đông mà còn những loại cây khác cùng hòa chung với cảnh "cơ hàn" đó là cô mơ, cô mận và đào cũng hòa vào với tiết trời ấy để chờ đón xuân về. Lạ kì thay, cây nào lá cũng lìa cành riêng chỉ có loài tre là lá xanh tốt nhất. Người dân quê tôi truyền lại rằng "Nếu lá tre xanh mãi trên cành mà hoa tre nở thì năm đấy mùa đông kéo dài và rét đậm, rét hại ghê lắm rồi có thể đã sang xuân nhưng cái rét vẫn căm căm". Phùng Văn Định Những ngày gió đông về, tôi cảm thấy cảnh vật như buồn và cô đơn hơn những mùa khác trong năm. Đối với chúng tôi gió đông về không không chỉ là mùa buồn tênh, còn là mùa được khoe áo đẹp dạo phố phường khi có dịp và còn được đắm mình trong sương mù giăng khắp cánh đồng quê. Thì đó cũng là những ngày thật tuyệt. Vì mùa đông lạnh, càng có cơ hội để quây quần.