Thi trung hữu họa là gì? Thi trung hữu họa trong Tây Tiến

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 31 Tháng bảy 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Thi trung hữu họa là gì?
    Thi trung hữu họa trong bài thơ "Tây Tiến" - Quang Dũng


    Thơ là lĩnh vực của sự độc đáo. Thơ không chỉ đơn thuần là ngắt nhịp, gieo vần, phối thanh.. theo luật thơ của từng thể loại. Thơ còn là sự tổng hòa của nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác. Người ta hay bàn đến những đặc điểm của thơ như "thi trung hữu họa", "thi trung hữu nhạc", vậy những thuật ngữ này có nghĩa là gì?

    Thi trung hữu họa là gì?

    Theo nghĩa Hán - Việt: "Thi" có nghĩa là thơ, "trung" nghĩa là trong, "hữu" nghĩa là có, "họa" nghĩa là hội họa, tranh vẽ.

    Như vậy, "thi trung hữu họa" nghĩa là trong thơ có yếu tố của hội họa. Thuật ngữ này muốn đề cập đến một khả năng đặc biệt của thơ: Đó là bài thơ, câu thơ có hình ảnh như tranh vẽ về thiên nhiên, con người, cuộc sống.. Thực chất, đó là khả năng ngôn từ của thơ có thể khơi gợi trong trí tưởng tượng người đọc về hình ảnh thiên nhiên, con người, cuộc sống.. Người đọc qua thơ mà như thấy hiện lên trước mắt mình những bức tranh ấy.

    Vì sao thơ có họa?

    Đặc điểm họa trong thơ xuất phát từ đặc trưng của ngôn ngữ văn chương: Ngôn ngữ văn chương là ngôn ngữ nghệ thuật có tính hình tượng. Nghĩa là ngôn ngữ văn chương có khả năng xây dựng lên hình ảnh về thế giới xung quanh qua việc tổ chức, sắp xếp ngôn từ một cách nghệ thuật. Các nhà thơ đã vận dụng đặc trưng này của ngôn ngữ văn chương để làm tăng thêm giá trị nghệ thuật của thi phẩm bằng cách dùng từ ngữ tượng hình, gợi màu sắc, đường nét.. nhằm minh họa cảnh vật hay con người.

    Thi hào Nguyễn Du chỉ với hai câu thơ:

    Cỏ non xanh tận chân trời
    Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

    [​IMG]
    Mà khiến bao người yêu thơ say đắm bởi chất họa rất đậm trong thơ. Đọc hai câu thơ, ta như thấy hiện lên trước mắt bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ với gam màu xanh chủ đạo của đồng cỏ xanh non bất tận. Gam màu ấy trở thành phông nền để làm nổi bật lên cành lê đang bung nở một vài bông hoa trắng. Màu sắc xanh, trắng được phối rất khéo, đường nét thanh sơ, dịu nhẹ như nghệ thuật chấm phá của hội họa. Hai câu thơ khiến người đọc không thể không trầm trồ trước sự tài hoa, tinh tế của đại thi hào Nguyễn Du khi ông hạ bút viết lên những ngôn từ đậm chất họa này.

    Thơ ca hiện đại cũng không thiếu những bài thơ đậm chất hội họa.

    Thi trung hữu họa trong bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng

    "Tây Tiến" của Quang Dũng từ lâu vẫn được coi là minh chứng tiêu biểu cho đặc điểm "thi trung hữu họa" của thơ. Bài thơ có sự dung hòa giữa hai yếu tố thơ và họa. Quang Dũng là nghệ sĩ đa tài: Làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc.. ông đều thông thạo. Nên những am hiểu về lĩnh vực hội họa đã giúp ông viết lên những vần thơ tựa hồ tranh vẽ. Vận dụng tối đa chất họa của ngôn từ, Quang Dũng khiến cho khung cảnh núi rừng miền Tây Bắc của Tổ quốc như hiện ra trước mắt, với những dốc cao, vực thẳm, với mây vờn đỉnh núi, với thung lũng mờ sương.. Bức tranh thiên nhiên ấy có cả độ cao, độ sâu, có những đường nét, màu sắc được phối vô cùng tinh tế. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều họa sĩ sau này đã chuyển thể bài thơ thành các bức tranh nghệ thuật đặc sắc.

    Trong rất nhiều những câu thơ đậm chất hội họa, không thể không kể đến những câu thơ tuyệt bút sau:

    "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
    Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
    Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
    Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi."

    Ai đã từng đi qua miền Tây Bắc, hẳn sẽ không thể nào quên những dốc núi hùng vĩ và vô cùng nguy hiểm nơi này. Những câu thơ đậm chất hội họa của Quang Dũng đã mang vào thơ hình ảnh điệp điệp trùng trùng của dốc núi miền Tây:

    "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm"

    Nhịp thơ 4/ 3 kết hợp với điệp từ "dốc" và các từ láy giàu giá trị tạo hình, biểu cảm: "Khúc khuỷu", "thăm thẳm" đã tạo ấn tượng về những dốc núi miền Tây khúc khuỷu, gập ghềnh, dốc chất chồng lên dốc, dốc này chưa qua, dốc khác đã tới. Thật là một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ!

    Bức tranh ấy không chỉ có những nét vẽ về dốc núi lởm chởm đá tai mèo mà còn được tô điểm bởi những cồn mây trắng xóa, đặc biệt là hình ảnh của một bản làng chìm trong mưa núi mịt mùng: "Heo hút cồn mây", "mưa xa khơi".. khiến cho bức tranh thiên nhiên không chỉ hùng vĩ với núi cao, vực sâu mà còn vô cùng mĩ lệ với những nét vẽ mềm mại về mây trắng, mưa rừng.

    Chất họa của bài thơ còn được thể hiện qua sự thơ mộng, trữ tình của bức tranh thiên nhiên chiều sương Châu Mộc:

    "Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
    Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
    Có nhớ dáng người trên độc mộc
    Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"

    [​IMG]
    Vẫn phát huy tối đa hiệu quả của lớp ngôn từ hội họa, bốn câu thơ giống như một bức tranh đẹp về thiên nhiên miền Tây. Ngòi bút của Quang Dũng thực sự có thần khi chấm phá một vài nét mà gợi ra cả một bức tranh sông nước hữu tình đẹp như trong cổ tích. Trong làn sương chiều bảng lảng, tất cả trở nên mơ màng, huyền ảo. Cảnh sắc nhòa mờ như những nét vẽ đậm chất cổ trang trên phiến lụa. Bức tranh thiên nhiên qua một vài nét phác thảo có dáng người thấp thoáng, có hồn lau nẻo bến bờ, có cánh hoa đong đưa bên dòng nước lũ.. đã mang đến ấn tượng về cái hồn rất riêng của chiều sương Châu Mộc.

    Ngôn từ của bài thơ "Tây Tiến" không chỉ có khả năng họa lên những bức tranh thiên nhiên đẹp, mà còn có khả năng vẽ lên bức tranh về binh đoàn Tây Tiến với những nét vẽ gân guốc, rắn rỏi, nhưng cũng không kém phần mơ mộng, hào hoa.


    [​IMG]

    Những nét vẽ về họ trong bài thơ liên tục chuyển động: Khi ta thấy họ vượt dốc băng rừng, khi lại thấy họ đang nắm tay nhau vui say trong tiếng nhạc tiếng khèn đêm liên hoan lửa trại, khi thấy họ mơ màng dõi ánh mắt về phía quê nhà yêu dấu, khi lại hào hùng trong tư thế tiến công..

    Như vậy, bài thơ "Tây Tiến" có thể coi là minh chứng tiêu biểu cho bút pháp "thi trung hữu họa" rất đặc biệt của thơ. Ngòi bút tài hoa đậm chất lãng mạn của Quang Dũng đã tạo nên một thi phẩm đậm chất hội họa, cả khi ông viết về thiên nhiên, hay khi ông viết về con người. Để làm nên chất hội họa đậm nét ấy, phải kể đến trước hết là hệ thống từ ngữ giàu giá trị tạo hình, tiếp đến là bút pháp tương phản, đối lập đặc trưng của thơ lãng mạn, ngòi bút chấm phá, chỉ phác họa chứ không đậm tả, điểm nhìn xa, gần đan xen tạo nên chiều sâu, chiều rộng, chiều cao cho bức tranh Tây Tiến.

    [​IMG]

    Ngoài thuật ngữ "Thi trung hữu họa", thơ ca còn gắn với một vài thuật ngữ khác như "Thi trung hữu nhạc", "Thi dĩ ngôn chí"...

    Đây đều là những thuật ngữ mang nghĩa Hán- Việt:

    "Thi trung hữu nhạc" là gì?

    Thi trung hữu nhạc là trong thơ có nhạc. Thuật ngữ này đề cập đến sự giao thoa giữa thơ và nhạc. Nghĩa là lời thơ đọc lên nghe như có âm hưởng, nhịp điệu của âm nhạc. Vì đặc điểm này mà rất nhiều những bài thơ đã được phổ thành bài hát.

    " Thi dĩ ngôn chí" là gì?

    Thi dĩ ngôn chí nghĩa là thơ nói lên chí hướng của con người. Nhà thơ qua thơ mà bày tỏ ý chí, lí tưởng, sự nghiệp lớn lao mà bản thân theo đuổi. Đặc điểm này thường thấy trong thơ trung đại, trở thành tư duy nghệ thuật của hầu hết các nhà thơ xưa.

    Ví dụ, thơ Nguyễn Công Trứ có rất nhiều bài viết về chí nam nhi:
    "Đã mang tiếng ở trong trời đất
    Phải có danh gì với núi sông"
    (Đi thi tự vịnh)

    "Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc,
    Nợ tang bồng vay giả, giả vay.
    Chí làm trai nam bắc đông tây,
    Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể".
    (Chí làm trai)

    "Vũ trụ giai ngô phận sự
    Chẳng công danh chi đứng giữa trần hoàn?"
    (Nợ tang bồng)
    ...

     
    Chỉnh sửa cuối: 17 Tháng bảy 2021
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...