Thi tiên là gì? Tại sao Lý Bạch được mệnh danh là thi tiên

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Mẩu Tũn, 25 Tháng mười một 2022.

  1. Mẩu Tũn

    Bài viết:
    323
    Thi tiên là gì?

    Theo từ điển tiếng Việt: Thi: Thơ, tiên: Giấy.

    =>Thi tiên tức là giấy có vẽ hoa thường dùng để viết thơ hoặc làm thi.

    Nhưng "Thi tiên" ở đây được hiểu đó là bậc tiên trong làng thơ, người làm thơ giỏi như tiên, thánh (tiếng người đời tặng nhà thơ Lý Bạch thời Đường)

    [​IMG]

    Lý Bạch là ai?

    Nhà thơ Lý Bạch là một nhà thơ nổi tiếng thời nhà Đường ở Trung quốc. Ông sinh năm 701, mất năm 762, ông biết làm thơ từ năm lên mười tuổi, là người đọc rất nhiều sách. Năm hai mươi tuổi bắt đầu đi du lịch nhiều vùng ở trong nước, tiếp xúc với nhiều nhà thơ và cả bọn kiếm khách, đạo sĩ. Chính một số đạo sĩ đã giới thiệu Lý Bạch với vua Đường Minh hoàng vào năm 742. Ông được nhà vua trọng đãi, được tể tướng Hạ Tri Chương yêu mến và sung vào Viện Hàn lâm.

    Năm 744 nhà thơ thiên tài trong lúc say rượu đã viết tặng Dương Quý Phi ba bài Thanh bình điệu, nhưng sau đó, một mặt vì chán ghét cảnh "uốn lưng, cúi mày, thờ phụng bọn quyền quý" và mặt khác bị bọn cận thần gièm pha, ông vĩnh viễn dời khỏi Trường An. Sau đấy ông bước vào cuộc đời phiêu lưu. Đến Lạc dương ông gặp nhà thơ Đỗ Phủ. Hai người kết bạn với nhau, gần gũi nhau cho đến ngày Đỗ Phủ đi Trường an. Từ đó hai nhà thơ không gặp nhau nữa, nhưng Đỗ Phủ vẫn giữ suốt đời mối tình bạn thắm thiết. Năm Lý Bạch hai mươi lăm tuổi thì xẩy ra loạn An Lộc Sơn. Đối với cuộc nổi loạn này ông căm giận vô cùng. Năm 756, một hoàng thân tên là Lý Lân nêu cao ngọn cờ chống quân xâm lược, mời Lý Bạch đến giữ chức tham quân. Nhưng giữa Lý Lân và Túc Tông (người kế ngôi Đường Minh hoàng) có mối bất hòa. Năm sau quân nhà vua tiêu diệt quân của Lý Lân. Lý Lân bị giết, nhà thơ bị cầm tù. Nhờ có một số người che chở, ông khỏi bị khép tội tử hình, nhưng bị đi đày biệt xứ cho đến năm 759. Khi được trả tự do, Lý Bạch bấy giờ sức lực đã suy tàn. Mặc dù thế, khi nghe nói dư đảng của An Lộc Sơn đang quấy nhiễu biên cương, ông vẫn xin đi đầu quân dẹp loạn. Giữa đường ông bị bệnh phải trở về, đến sống nhờ một người bà con ở Dương đồ (tỉnh An Huy) và mất tại đó.

    Suốt đời, Lý Bạch ưa thích tự do và nuôi chí lớn, tự ví mình như con chim đại bàng. Tự do và chí lớn thấm nhuần hơn một nghìn bài thơ của ông, rất giầu tình người và tình yêu thiên nhiên. Người đời sau tặng ông danh hiệu thi tiên (ông tiên làm thơ). Ngay Đỗ Phủ cũng rất phục tài sáng tác của ông và nhận xét: "Lý Bạch là vô địch về thơ" (Bạch dã, thi vô địch). Lý Bạch không chịu khép tứ thơ của mình vào bất kỳ khuôn khổ nào, những bài viết theo đúng niêm luật chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ. Là một nhà thơ thiên tài được các nhà thơ cùng thời cảm phục, người đời sau cũng yêu mến thơ ông. Mặc dù ông đã mất cách đây hơn một nghìn hai trăm năm, song cuộc đời và sự nghiệp thi ca của ông để lại cho đời những tác phẩm bất hủ. Vì quá yêu mến ông, có nhiều người cho rằng ông là một nhà thơ rất lãng mạn, muốn làm bạn và làm thơ với cả trăng nên đã truyền tụng một câu chuyện đại loại là: Lý Bạch đi thuyền trên sông, uống rượu và làm thơ, khi say rượu nhảy xuống sông để ôm mặt trăng, chẳng may bị sóng cuốn đi.. Đó là một truyền thuyết không có căn cứ và cơ sở. Và cũng không có một tài liệu nào nêu rõ về việc này, dù sao truyền thuyết cũng chỉ là do người đời hư cấu!

    Thơ Lý Bạch thích viển vông, phóng túng, ít đụng chạm đến thế sự mà thường vấn vương hoài cổ, tả cảnh thiên nhiên tươi đẹp, cảm thông cho người chinh phụ, về tình bạn hữu, nhớ quê hương..

    Tại sao Lý Bạch được gọi là thi tiên.

    Suốt cuộc đời của mình, ông được tán dương là một thiên tài về thơ ca, người đã mở ra một giai đoạn hưng thịnh của thơ Đường. Từ trẻ, ông đã xa gia đình để đi du lịch, tìm đường lập công danh sự nghiệp. Dẫu muốn góp phần cứu đời giúp dân song chưa bao giờ ông được toại nguyện. Ông cùng người bạn Đỗ Phủ trở thành hai biểu tượng thi văn lỗi lạc không chỉ trong phạm vi nhà Đường mà còn trong toàn bộ lịch sử Trung Hoa, thậm chí toàn bộ khu vực Đông Á đồng văn. Do sự lỗi lạc của mình, ông được hậu bối tôn làm Thi Tiên (詩仙) hay Thi Hiệp (詩俠). Giới thi nhân bấy giờ thì rất kính nể tài uống rượu làm thơ bẩm sinh, nên gọi Lý Bạch là Tửu Tiên (酒仙) hay Trích Tiên Nhân (謫仙人). Hạ Tri Chương gọi ông là Thiên Thượng Trích Tiên (天上謫仙).

    Ông đã viết cả ngàn bài thơ bất hủ. Hơn ngàn bài thơ của ông được tổng hợp lại trong tập Hà Nhạc Anh Linh tập (河岳英靈集), một tuyển tập thơ rất đồ sộ thời Vãn Đường do Ân Phan (殷璠) chủ biên vào năm 753, và hơn 43 bài của ông được ghi trong Đường Thi Tam Bách Thủ (唐詩三百首) được biên bởi Tôn Thù (孫洙), một học giả thời nhà Thanh. Vào thời đại của ông, thơ của ông đã xuất hiện các bản dịch tại phương Tây, chủ đề của ông nhấn mạnh tán dương mối quan hệ bạn bè, sự thần bí của thiên nhiên, tâm trạng tĩnh mịch và thú vui uống rượu rất đặc trưng của ông.

    Cuộc đời của ông đi vào truyền thuyết, với phong cách yêu rượu hiếm có, những truyện ngụ ngôn và truyền thuyết về tinh thần trượng nghĩa, cũng như điển tích nổi tiếng về việc ông đã chết đuối khi nhảy khỏi thuyền để bắt cái bóng phản chiếu của mặt trăng.

    Đường Văn Tông ngự phong tán dương thi ca của Lý Bạch, kiếm vũ của Bùi Mân, thảo thư của Trương Húc, gọi là Tam Tuyệt (三絕)

    Phong cách thơ Lý Bạch

    Lý Bạch yêu tha thiết non sông đất nước, ông có tình cảm dạt dào, những vần thơ phóng khoáng ca ngợi vẻ đẹp của giang sơn gấm vóc. Ông miêu tả con sông Hoàng Hà nước chảy cuồn cuộn, đường vào Thục gập ghềnh hiểm trở, cảnh hùng vĩ của Cửu Thiên, khung cảnh bao la bát ngát chưa từng có, tái hiện hình tượng thiên nhiên hùng vĩ. Ông đã từng dựa vào tưởng tượng, miêu tả Thiên Lão sơn, một thế giới thần tiên hùng vĩ tráng lệ, biểu hiện khát vọng và nhu cầu tự do phóng khoáng. Những sáng tác của Lý Bạch đã thể hiện quá trình học tập vô cùng gian khổ các nhà thơ đời trước. Trong các tác phẩm của ông còn giữ lại rất nhiều những thơ, phú bắt chước người xưa. Ông đề cao Phụng, Nhã, ca ngợi Kiến An, trong thơ ca của ông có thể tìm thấy các tác phẩm nổi tiếng của nhiều đời, đặc biệt nổi bật là việc học tập dân ca Nhạc Phủ. Thơ ca của ông có nhiều nét đặc sắc với giọng điệu hào hùng, phóng khoáng.

    Từ đời viễn cổ, ban đầu nhân dân đã sáng tác ra các thần thoại truyền thuyết, đó là những biểu hiện đầu tiên của chũ nghĩa lãng mạn trong văn học. Đến thời Chiến Quốc, Khuất Nguyên đã đạt được những thành tựu về văn học và văn hóa, trong thực tiễn đấu tranh đã sáng tác những tác phẩm thơ ca sáng chói, nội dung phong phú và cao đẹp, hình thức kỳ diệu, đạt đến đỉnh cao của chủ nghĩa lãng mạn. Ông đã tiếp thu những triết lý và tản văn của Trang Tử sáng tạo nên rất nhiều những ngụ ngôn với ý tưởng kỳ lạ, có những cống hiến đáng kể cho chủ nghĩa lãng mạn. Từ Lưỡng Hán đến Sơ Đường, các sáng tác dân gian và sáng tác của các nhà văn, truyền thống của chủ nghĩa lãng mạn không ngừng phát triển. "Mạch Thượng tang", "Mộc lan từ" trong Hán Nguỵ Lục triều và dân ca Nhạc phủ, một số tác phẩm của Tào Thực, Nguyễn Tịch, Tả Tư, Đào Uyên Minh, Bào Chiếu, những truyền thuyết ưu tú của tiểu thuyết chí quái thời Lục triều đề thể hiện chủ nghĩa lãng mạn một cách phong phú. Đến đời Thịnh Đường đã xuất hiện những đỉnh cao của chủ nghĩa lãng mạn mà Lý Bạch là tiêu biểu.

    Sự cách tân của Lý Bạch trong thơ ca đời Đường cũng có những cống hiến đặc biệt, ông tiếp thu chủ trương cách tân trong thơ ca của Trần Tử Ngang, qua lý luận và thực tiễn đã khiến cho thơ ca cách tân của ông đạt được những thành công, trong bài thứ nhất "Cổ phong" ông hồi tưởng lại toàn bộ lịch sử phát triển của thơ ca, đã chỉ ra "Tự tòng Kiến An lai, kỳ lệ bất túc trân". Với tinh thần tự hào, khẳng định những hạn chế của thơ Đường lúc đó, khôi phục con đường chính xác của Phong, Nhã truyền thống. Trong bài thứ 35 Cổ phong, lại phê phán phong cách thơ ca hình thức chủ nghĩa đương thời bắt chước trau chuốt coi thường nội dung tư tưởng "Nhất khúc phỉ nhiên tử, Điêu trùng tang thiên chân". Trong thực tiễn sáng tác, ông và Trần Tử Ngang có nhiều nét giống nhau: Viết nhiều cổ thể, ít thơ luật, nhưng ông đã học tập dân ca Nhạc phủ ra sức khai thác thơ 7 chữ, thành tựu của ông vượt xa Trần Tử Ngang. Những cố gắng này của ông trong việc cách tân thơ ca đã có những tác dụng vô cùng to lớn. Sau khi ông mất, Lý Dương Băng đã đề trong "Thảo đường tập" của ông: "Đây là những đánh giá chính xác những đóng góp của ông trong việc cách tân thơ ca."

    Với đời sau, thơ ca của Lý Bạch cũng có ảnh hưởng vô cùng to lớn. Những bài thơ nổi tiếng đương thời đã được phổ biến, đến thời Trinh Nguyên, thơ ông chưa được in thành quyển nhưng "nhà nhà đều có". Thời Trung Đường, Hàn Dũ, Mạnh Giao đã ra sức ca ngợi thơ ông, lại từ việc tiếp thụ những kinh nghiệm của ông, sáng tạo nên những bài thơ có phong cách độc đáo. Những đặc điểm của phong cách lãng mạn chủ nghĩa trong thơ ông càng thể hiện và phát triển. Các nhà thơ đời Tống như Tô Thuấn Khâm, Vương Lệnh, Tô Thức, Lục Du, các nhà thơ Minh Thanh như Cao Khải, Dương Thận, Hoàng Cảnh Nhân, Cung Tự Trân cũng cũng được nuôi dưỡng bằng thơ ca của ông. Ngoài ra, Tô Thức, Tân Khí Tật với những bài từ hào phóng cũng chịu ảnh hưởng của ông. Một số câu chuyện truyền thuyết được viết thành tiểu thuyết, lan truyền trong dân gian cũng biểu hiện nhiệt tình của nhân dân đối với ông.

    Nét đặc sắc của chủ nghĩa lãng mạn mãnh liệt đã tạo nên đặc điểm nghệ thuật trong tác phẩm của Lý Bạch. Sau Khuất Nguyên, ông là nhà thơ lãng mạn vĩ đại nhất của nước Trung Hoa. Ông có trí tưởng tượng vô tận, vận dụng những câu chuyện ly kỳ của thần thoại, dùng tình cảm mãnh liệt của mình để miêu tả đối tượng với ngòi bút khiến mọi người phải kinh ngạc, ý tứ phóng túng đã miêu tả thế giới sắc sảo lạ kỳ. Thơ ca của ông chứa đựng nội dung mãnh liệt và hình thức hấp dẫn là viên ngọc chói sáng trong tài sản tinh thần của nhân dân

    * * *

    Những bài thơ nổi tiếng của Lý Bạch .

    Thơ lý Bạch về trăng

    CỬU NHẬT LONG SƠN ẨM

    (Ngày Tết Trùng Cửu uống rượu trên núi Long Sơn)

    Tác giả: Lý Bạch

    Cửu nhật long sơn ẩm

    Hoàng hoa tiếu trục thần

    Tuý khán phong lạc mạo

    Vũ ái nguyệt lưu nhân

    Dịch thơ:

    Trùng Cửu rượu Long Sơn

    Hoa cười giễu tội thần

    Say nhìn gió bay mũ

    Mê múa trăng giữ chân

    TĨNH DẠ TỨ.

    Sàng tiền minh nguyệt quang

    Nghi thị địa thượng sương

    Cử đầu vọng minh nguyệt

    Đê đầu tư cố hương

    Dịch thơ:

    Ánh trăng sáng trước giường

    Ngỡ mặt đất mờ sương

    Ngẩng đầu trông trăng sáng

    Cúi đầu nhớ cố hương.

    NGA MY SƠN NGUYỆT

    Nga My sơn nguyệt bán luân thu,

    Ảnh nhập Bình Khương giang thuỷ lưu.

    Dạ phát Thanh Khê hướng Tam Giáp,

    Tư quân bất kiến há Du Châu.

    Dịch nghĩa

    Trăng lên đầu núi Nga My nửa vầng thu

    Chiếu xuống sông Bình Khương lấp lánh dòng nước trôi

    Ði từ Thanh Khê ra hướng Tam Giáp

    Nhớ anh, không thấy xuống Du Châu.

    QUAN SAN NGUYỆT HÀNH

    Minh nguyệt xuất Thiên San,

    Thương mang vân hải gian.

    Trường phong kỷ vạn lý,

    Xuy độ Ngọc Môn quan.

    Hán há Bạch Đăng đạo,

    Hồ khuy Thanh Hải loan.

    Do lai chinh chiến địa,

    Bất kiến hữu nhân hoàn.

    Thú khách vọng biên sắc,

    Tư quy đa khổ nhan.

    Cao lâu đương thử dạ,

    Thán tức vị ưng nhàn

    Dịch nghĩa:

    Trăng sáng mọc trên núi Thiên San

    Trong cảnh mênh mông giữa mây và biển

    Gió bay mấy ngàn dặm về

    Thổi đến cửa ải Ngọc Môn

    Nhà Hán đồn binh ở lộ Bạch Đăng

    Rợ Hồ ngấp nghé ở vũng Thanh Hải

    Xưa nay vẫn là bãi chiến trường

    Không thấy có ai được trở về

    Người lính thú nhìn đăm đăm cảnh sắc xa xa

    Lòng nhớ nhà gương mặt lộ vẻ buồn khổ

    Đêm nay có ai đang ngồi trên lầu cao

    Hẳn phải than thở mà không dám nhàn nhã

    CỔ LÃNG NGUYỆT HÀNH

    Cổ lãng nguyệt hành

    Tiểu thì bất thức nguyệt,

    Hô tác bạch ngọc bàn.

    Hựu nghi Dao Đài kính,

    Phi tại bạch vân đoan.

    Tiên nhân thuỳ lưỡng túc,

    Quế thụ tác đoàn đoàn.

    Bạch thố đảo dược thành,

    Vấn ngôn dữ thuỳ xan.

    Thiềm thừ thực viên ảnh,

    Đại minh dạ dĩ tàn.

    Nghệ tích lạc cửu ô,

    Thiên nhân thanh thả an.

    Âm tinh thử luân hoặc,

    Khứ khứ bất túc quan.

    Ưu lai kỳ như hà,

    Thê sảng tồi tâm can.

    Dịch nghĩa

    Thuở nhỏ không biết trăng,

    Gọi là mâm ngọc sáng.

    Lại ngờ là gương ở Dao Đài,

    Bay tít tầng mây trắng.

    Người tiên buông đôi chân,

    Cây quế tròn xum xuê.

    Thỏ trắng giã thuốc đã xong,

    Hỏi biết cùng ai mà nếm.

    Con cóc gặm ảnh tròn,

    Ánh sáng về đêm đã tàn lụi.

    Hậu Nghệ xưa bắn rơi chín mặt trời,

    Người trời trong sạch và yên ổn.

    Vầng trăng của đêm chìm trong thương cảm,

    Trôi trôi không nhìn thấy nữa.

    Buồn lo đến thế sao,

    Xót xa bời bời gan ruột.

    Thơ Lý Bạch về rượu

    NGUYỆT HẠ ĐỘC CHƯỚC

    Hoa gian nhất hồ tửu

    Độc chước vô tương thân

    Cử bôi du minh nguyệt

    Đối ảnh thành tam thân

    Nguyệt tức bất giải ẩm

    Ảnh tùng tùy ngã thân

    Tạm bạn nguyệt tương ảnh

    Hành lạc tu cập xuân

    Ngã ca nguyệt bồi hồi

    Ngã vũ ảnh linh loạn

    Tỉnh thời đồng giao hoan

    Túy hậu các phân tán

    Vịnh kết vô tình du

    Tương kỳ mạc vân hán

    Một mình uống rượu dưới trăng

    (Người dịch: Tương Như)


    Có rượu không có bạn,

    Một mình chuốc dưới hoa.

    Cất chén mời Trăng sáng,

    Mình với Bóng là ba.

    Trăng đã không biết uống,

    Bóng chỉ quấn theo ta.

    Tạm cùng Trăng với Bóng,

    Chơi xuân cho kịp mà!

    Ta hát, Trăng bồi hồi,

    Ta múa, Bóng rối loạn.

    Lúc tỉnh cùng nhau vui,

    Say rồi đều phân tán.

    Gắn bó cuộc vong tình,

    Hẹn nhau tít Vân Hán

    Lô quất vi Tần thụ,

    Bồ đào xuất Hán cung.

    Yên hoa nghi lạc nhật,

    Ty quản tuý xuân phong.

    Địch tấu long ngâm thuỷ,

    Tiêu minh phụng hạ không.

    Quân vương đa lạc sự,

    Hoàn dữ vạn phương đồng.

    Lô quất kết quả trên cây điện Tần,

    Rượu bồ đào bày tiệc cung nhà Hán.

    Khói hoa trong buổi chiều tà,

    Đàn ca say ngọn gió xuân.

    Tiếng sáo thổi như rồng ngâm nga trong nước,

    Tiếng tiêu ngân như phượng hót trên tầng không.

    Quân vương có nhiều thú vui,

    Mà vẫn cùng với nhân dân vui hòa.

    Xuân Nhật Túy Khởi Ngôn Chí (Lý Bạch)

    Xử thế nhược đại mộng

    Hồ vi lao kỳ sinh?

    Sở dĩ chung nhật túy

    Đồi nhiên ngọa tiền doanh

    Giác lai miện đình tiền

    Nhất điểu hoa gian minh

    Tá vấn thử hà nhật?

    Xuân phong ngữ lưu oanh

    Cảm chi dục thán tức

    Đối chi hoàn tự khuynh

    Hạo ca đãi minh nguyệt

    Khúc tận dĩ vong tình

    Ngô Tất Tố dịch:

    Ở đời như giấc chiêm bao

    Làm chi mà phải lao đao cho đời?

    Vậy nên say suốt hôm mai

    Bên cây cột trước, nằm dài khểnh chân

    Tỉnh rồi, chợt ngó trước sân

    Tiếng chim đâu đã nghe gần trong hoa

    Ngày chi? Thử hỏi cho ra

    Gió xuân đang giục oanh già véo von

    Cảm thương, lòng những bồn chồn

    Đoái trông cảnh vật dốc luôn chén quỳnh

    Hát ngao chờ bóng trăng thanh

    Lời ca vừa hết, mối tình đã quên.

    TƯƠNG TIẾN TỬU.

    Quân bất kiến:

    Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai,

    Bôn lưu đáo hải bất phục hồi!

    Hựu bất kiến:

    Cao đường minh kính bi bạch phát,

    Triêu như thanh ty mộ thành tuyết.

    Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,

    Mạc sử kim tôn không đối nguyệt!

    Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng,

    Thiên kim tán tận hoàn phục lai.

    Phanh dương tể ngưu thả vi lạc,

    Hội tu nhất ẩm tam bách bôi.

    Sầm phu tử,

    Đan Khâu sinh.

    Thương tiến tửu,

    Bôi mạc đình!

    Dữ quân ca nhất khúc,

    Thỉnh quân vị ngã khuynh nhĩ thính:

    "Chung cổ soạn ngọc bất túc quý,

    Đãn nguyện trường tuý bất nguyện tỉnh!

    Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch,

    Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh.

    Trần vương tích thời yến Bình Lạc,

    Đẩu tửu thập thiên tứ hoan hước".

    Chủ nhân hà vi ngôn thiểu tiền,

    Kính tu cô thủ đối quân chước.

    Ngũ hoa mã,

    Thiên kim cừu,

    Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu,

    Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu.

    Dịch thơ (Ngô Tất Tố)

    Con sông Hoàng lưng trời tuôn nước,

    Xuống biển rồi, có ngược lên đâu!

    Nhà cao, gương xót mái đầu,

    Sớm còn tơ biếc, tối hầu tuyết pha.

    Vui cho đẫy, khi ta đắc ý

    Dưới vầng trăng, đừng để chén không.

    Sinh ra, trời có chỗ dùng,

    Nghìn vàng tiêu hết, lại trông thấy về.

    Chén đi đã, trâu dê cứ giết,

    Ba trăm ly, phải hết một lần.

    Khâu, Sầm hai bác bạn thân,

    Rượu kèo xin chớ ngại ngùng ngừng thôi!

    Ta vì bác, hát chơi một khúc!

    Bác vì ta, hãy chúc bên tai:

    "Ngọc, tiền, chuông, trống mặc ai,

    Tỉnh chi? Chỉ muốn cho dài cuộc say.

    Bao hiền thánh đến nay đã rõ?

    Phường rượu ta tên họ rành rành:

    Trần Vương bữa tiệc quán Bình,

    Mười nghìn đấu rượu thỏa tình đùa vui".

    Chủ nhân chớ ngậm ngùi tiền ít,

    Mua rượu ta chén tít cùng nhau.

    Áo cừu, ngựa gấm, để đâu?

    Gọi con đem đổi vài bầu rượu ngon.

    Uống cho muôn thuở tan buồn

    Thơ Lý Bạch về tình yêu.

    OÁN TÌNH

    Mỹ nhân quyển châu liêm.

    Thâm tọa tần nga mi.

    Đãn kiến lệ ngân thấp,

    Bất tri tâm hận thùy

    Dịch nghĩa:

    Người đẹp cuốn bức rèm châu,

    Lặng ngồi chau cặp mày ngài.

    Chợt thấy mắt ướt lệ,

    Chẳng biết lòng này đang giận ai?

    Dịch thơ:

    MỐI TÌNH AI OÁN

    Người đẹp cuốn bức rèm châu

    Mày ngài lặng lẽ khẽ chau mơ màng.

    Bỗng nhìn lệ ướt hai hàng

    Làm sao biết được là nàng giận ai!

    KÍ VIỄN

    Mỹ nhân tại thì hoa mãn đường,

    Mỹ nhân khứ hậu dư không sàng.

    Sàng trung tú bị quyển bất tẩm,

    Chí kim tam tải văn dư hương.

    Hương diệc cánh bất diệt,

    Nhân diệc cánh bất lai.

    Tương tư hoàng diệp lạc,

    Bạch lộ thấp thanh đài.

    Dịch nghĩa:

    GỬI PHƯƠNG XA

    Lúc người đẹp ở đây, hoa đầy nhà

    Lúc người đẹp đi rồi, giường vắng không

    Trong giường chăn thêu cuộn không đắp

    Ba năm đã qua, hương còn thơm

    Hương cũng không bao giờ mất

    Người cũng không bao giờ về

    Nhớ nhau, lá vàng rụng

    Sương trắng ướt đầm rêu xanh.

    Dịch thơ:

    GỬI PHƯƠNG XA

    Người đẹp ở đây, hoa đầy nhà

    Người đẹp đi rồi, giường trống trơ

    Chăn thêu cuốn lại không người đắp

    Nay đã ba năm hương còn đưa.

    Hương cũng không bay mất

    Người cũng không trở về

    Nhớ nhau lá vàng rụng

    Rêu xanh sương trắng nhòe.

    Thơ Lý Bạch về thiên nhiên

    Vọng Lư Sơn Bộc Bố

    Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên Dao khan bộc bố quải tiền xuyên Phi lưu trực há tam thiên xích

    Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên

    Dịch thơ:

    Xa ngắm thác núi Lư

    Nắng rọi Hương Lô khói tía bay Xa trông dòng thác trước sông này Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước

    Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây

    Bài "Vọng Lư Sơn Bộc Bố" của Lý Bạch đã lưu lại muôn đời trong thi ca cái đẹp hùng vĩ của một dòng thác, trí tưởng tượng phóng khoáng, khả năng quan sát rộng lớn, ý thơ vượt ra khoảng không bao la, ngôn từ hoa lệ, khí khái cao siêu.

    Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng

    Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,

    Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.

    Cô phàm viễn ảnh bích không tận,

    Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.

    Dịch nghĩa

    Bạn cũ từ biệt tại lầu Hoàng Hạc đi về phía tây,

    Tháng ba hoa khói, xuống Dương Châu.

    Bóng chiếc buồm lẻ phía xa dần khuất vào trong nền trời xanh,

    Chỉ còn thấy dòng Trường Giang vẫn chảy bên trời.

    Thơ Lý Bạch về mỹ nhân

    Mạch thượng tặng mỹ nhân

    Tuấn mã kiêu hành đạp lạc hoa,

    Thuỳ tiên trực phất ngũ vân xa.

    Mỹ nhân nhất tiếu niêm châu bạc,

    Dao chỉ hồng lâu thị thiếp gia.

    Dịch nghĩa

    Tuấn mã kiêu hùng đi giẫm trên những đóa hoa rụng

    Buông roi xuống đánh một cái vào chiếc xe ngũ vân

    Người đẹp mỉm cười, vén rèm châu lên

    Chỉ tay về phía xa, nói lầu hồng đấy là nhà thiế

    => Thơ Lý Bạch được viết theo lối cổ phong gần gũi, giản dị nên được thu hút được sự quan tâm của nhiều tâm hồn yêu thơ văn. Kho tàng thơ văn đồ sộ của ông thực sự khiến người đời kinh ngạc, không hết lời ca ngợi. Mặc dù không trọn vẹn nhưng hầu hết các thi phẩm hay của ông đều được gìn giữ cho đến bây giờ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng mười một 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...