Thi cử thời phong kiến – những điều thú vị bạn chưa biết? Các cấp thi: Gồm thi Hương, thi Hội, Thi Đình Thi hương là kỳ thi ở địa phương, gồm một số tỉnh thi chung một trường. Thi hội và thi Đình là kỳ thi ở kinh đô. Riêng thi Đình do vua đích thân ra đề thi. Đối tượng thi Vì điều kiện dự thi không hạn định tuổi tác nên nam nhân trẻ dưới hai mươi, già trên năm mươi đều có thể ứng thí. Đối tượng không được dự thi Phép thi lúc đầu thời Hậu Lê, con cháu những nhà phường chèo, con hát, nghịch đảng, ngụy quan không được thi. Ví dụ cụ Đào Duy Từ là một vi danh thần đời Lê, tài cao học rộng nổi tiếng một thời, thi Hội đã đậu trúng cách. Vì bị phát hiện là con phường chèo liền bị đánh hỏng. Thời gian thi Hương: 1 ngày (từ sáng sớm đến chiều tối) Đêm rạng ngày vào trường thi, tám cửa có 8 ông quan lớn ngồi trực, Lại phòng xướng tên từng người, đến lượt ai thì người ấy nhận quyển thi vào trường, khi vào trường thi, thí sinh phải tự tìm chỗ cắm lều, đặt chõng kèm theo đó là bút giấy, nghiên mực và thức ăn đủ dùng cho cả ngày. Tảng sáng ra đầu bài, sĩ tử làm văn đến trưa phải viết chừng một phần quyển đem xin dấu nhật trung, đến tối, trống thu không ba hồi, phải làm văn xong đem quyển nộp xin đóng dấu vĩ ở dưới cuối quyển rồi ra trường. Quá giờ quy định thì bài làm không được chấm. Quyển thi (tức giấy làm bài thi đóng thành quyển), mặt quyển ghi rõ họ tên, niên canh (năm sinh), quán chỉ (quê quán) và cung khai tam đại (lý lịch 3 đời) người thi, đóng dấu diện (dấu ở trên mặt quyển), dấu giáp phùng (dấu giáp lai) chính giữa tờ thứ nhất và tờ thứ nhì. Chấm thi Giữa hai vi đều có một cái chòi canh. Thường lựa quan triều ngũ phẩm trở lên ngoài ở các chòi canh để giám sát các quan, trông coi các vi khi chấm quyển. Thứ tự chấm: Các quan sơ khảo, Phúc khảo, giám khảo, chủ khảo. Đủ bốn dấu chấm rồi, hợp phách lại xem quyển nào hỏng, làm sổ dán bảng, yết ra cửa trường. Thi đủ mỗi kỳ, quan quyển lại, văn lý hạng vừa lấy đậu Tú tài, hạng tốt cho thi phúc hạch, đậu phúc hạch gọi là Cử nhân. Róc phách: Trang mặt quyển có tên học trò, rọc lấy nửa ấy, làm dấu ở chính giữa, biên số hiệu ở hai bên cạnh rồi rọc đôi trang giấy ra, để riêng phần tên họ một nơi, đưa quyển không cho các quan chấm. Nội dung thi Theo Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, thi hương có khi thi ba vòng (người xưa gọi tam trường) có khi thi bốn vòng (tứ trường). Vòng một thi kinh nghĩa (tức các sách tứ thư, ngũ kinh của Nho giáo), vòng hai thi chiếu biểu (tức soạn thảo các văn bản hành chính như chiếu, biểu, sớ, dụ.), vòng ba thi thơ phú (sáng tác theo chủ đề của đề thi), vòng bốn thi văn sách (tương tự như thi tự luận). Vòng thi kinh nghĩa tương đối dễ với thí sinh, chỉ cần thuộc lòng tứ thư, ngũ kinh và trình bày cho đúng ý của người xưa. Vòng thi chiếu biểu phải thuộc hàng trăm bài loại này rồi chắt lọc tinh hoa để viết thành bài thi. Dễ làm và khó đỗ nhất là kỳ thi thơ phú. Dễ vì suốt cả ngày chỉ cần sáng tác một bài thơ tối đa 16 câu và một bài phú tám câu, nhưng cái khó là phải hay, hay và được công nhận bởi quan chấm thi. Vòng bốn thi văn sách thì sĩ tử được tự do trình bày ý kiến của mình, tương tự như tự luận hiện nay. Muốn qua được vòng bốn, sĩ tử phải làu thông kinh sử và biết vận dụng linh hoạt để đưa ra luận điểm mới lạ. Đề thi hội tụ đủ mọi lĩnh vực: Thiên văn, địa lý, bói toán, y học, toán học, lịch pháp.. đặc biệt là những câu hỏi mang tính thời sự, đòi hỏi sĩ tử phải có những kiến giải độc đáo và đưa ra giải pháp khả thi. Vì vậy khối lượng kiến thức là vô cùng lớn. Phạm quy Mang sách vào trường thi, trong trường thi người nọ chạy lại hỏi người kia bị đuổi, làm văn, nhỡ viết phải chữ húy nhà vua và triều đình, đó là tên của tất cả các đời vua, hoàng hậu, kể cả ông bà tổ tiên vua; rồi thì tên lăng, miếu, cung, điện, làng quê của vua.. nhỡ nói câu gì lăng mạ đến nhà vua bị tội, xóa chữa, móc lên móc xuống quá 10 chữ bị đánh hỏng, nhầm một dấu cũng bị đánh hỏng, nhầm chữa đầu bài bị đánh hỏng, nói việc kim thời, gặp những chữ nhà vua hoặc hoặc kể đức tính nhà vua không viết đài cao lên hàng bị đánh hỏng. Phạm vào lỗi gì đều được niêm yết rõ lên bảng con ở mỗi khu vực cho thí sinh biết lý do. Thi Hội, thi Đình và học vị Tiến sĩ Tân cử nhân về quê tiếp tục học tập đợi sang năm đến kinh đô thi Hội, cùng với những cử nhân của các khoa trước đó, những thí sinh đã vượt qua một kỳ khảo hạch đặc biệt do triều đình, và một số ít quan lại muốn có học vị cao hơn. Thi hội không có xướng danh nhưng có yết bảng (công bố kết quả) rất long trọng. Gồm bảng chính và bảng thứ. Bảng chính ghi tên những người đạt hạng trúng cách, bảng thứ ghi tên người hạng thứ trúng cách. Chỉ những người trúng cách mới được tiếp tục tham gia thi Đình, tổ chức trong cung vua, do đích thân nhà vua ra đề và là người chấm thi cuối cùng. Thông báo kết quả: Sau khi vua chấm bài thì học vị của các sĩ tử được quyết định và bảng vàng ghi danh. Đỗ đầu là Trạng Nguyên, đỗ nhì là Bảng nhãn, thứ ba là Thám Hoa. Các tiến sĩ có tên niêm yết trên bảng vàng sẽ được các đặc ân như ban yến tiệc chiêu đãi ở trong cung, được gặp mặt hoàng thượng, được đi dạo ngắm hoa ở vườn ngự uyển, được cưỡi ngựa dạo khắp kinh thành, rồi vinh quy bái tổ. Phần thưởng cao quý nhất cho tiến sĩ là được khắc tên vào bia đá đặt ở Văn Miếu để lưu danh mãi mãi đến muôn đời sau.