Hầu như không ai có lí do để thờ ơ về chủ đề ăn mặc. Vì nếu họ không bận tâm về quần áo của bản thân, họ cũng sẽ bận tâm về quần áo của người khác. Vậy nên, phong cách ăn mặc dường như lúc nào cũng được nhắc đến. Nhưng nếu trường hợp có người góp ý cho bộ trang phục của bạn, hay bố mẹ bảo bạn thay bộ khác khi ra ngoài thì bạn sẽ làm gì? "Kệ con, con thích mặc thế nào kệ con", "Thế hả, ok, tao thay liền", "Im mồm đê, nói nhìu, đã không thích nhận xét thì thôi, dô diên. Quần áo tui, con người tui, ông quản được chắc?", "Đấy do chị có kinh nghiệm mặc đẹp, mặt uy tín nên em mới nghe theo đó". Cũng có chút phân vân, khó xử. Nếu lắc đầu nguầy nguậy, cự tuyệt thì lại bị bảo là láo, vênh, kênh, sĩ, bảo cho còn làm điệu làm bộ; nhưng nghe theo thì cũng có thể không hợp ý mình, khó chịu, phụng phịu. Túm cái váy lại là nên làm gì đây? Hãy cùng tui xét đến lợi ích của việc "đồng ý" và "từ chối" nha! Tui vừa bị đánh đít vì cái tội mặc cả bộ vàng lượn lờ trước mặt mẹ kìa, "trông như cục phân di động, thay đê nóng hết cả mắt." Rồi dài dòng quá, đầu tiên là lợi ích của việc "đồng ý" thay đổi cách ăn mặc theo góp ý của người khác. Muốn thành công trước hết cần chăm chút vẻ bề ngoài, muốn ngoại hình đẹp cần có phong cách ăn mặc. Ăn cho mình, mặc cho người. Nên con người thường có xu hướng tiếp nhận, thay đổi cách ăn mặc theo góp ý của những người uy tín, có kinh nghiệm. Điều này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều, tôi tin là vậy. Thứ nhất, thay đổi cách ăn mặc theo góp ý của người khác giúp tiết kiệm thời gian. Hẳn ai trong chúng mình cũng từng bối rối trước hằng hà sa số các loại quần áo mỗi khi đi mua sắm, dự tiệc, và cuối cũng là lựa đồ theo cái ví, hay theo tâm trạng, cảm tính. Nhưng tư vấn thời trang sẽ giúp những người không có thì giờ mua sắm, chọn đồ đưa ra quyết định nhanh lẹ mà đúng đẹp, sang trọng, phù hợp với mọi tình huống và sự kiện. Họ là những người có kĩ năng, ăn mặc dựa theo góp ý của họ là sáng suốt, tiện lợi, bớt lo lắng "Mặc này có quê không ta?", "Giồi ôi cái nào cũng đẹp, Bác Hồ bảo cháu chọn cái này nhưng cháu thích chọn cái này hơn nhưng abc, ừm cái hồng cánh sen đi, cũng đứng đây 3 tiếng rồi".. Thứ hai, người có kinh nghiệm sẽ có lời khuyên hợp lí, phù hợp với thực tế. Khi mình ăn mặc theo sở thích, điều đó có thể không phù hợp với một số tình huống, hoàn cảnh giao tiếp, môi trường làm việc. Ví dụ, có người góp ý bạn không được mặc đồ thiếu vải ở nơi công sở, không mặc quần đùi đi kí hợp đồng hay không mặc quần áo sặc sỡ ở đám tang, đó là góp ý bạn nên nghe theo. Ta sẽ không cần lăn tăn, lo lắng mình có bị người ngoài dị nghị, soi xét hay không nữa. Thứ ba, người có chuyên môn thời trang sẽ giúp bạn xây dựng hình ảnh lịch sự, chỉn chu. Ví dụ những người cần gây sự chú ý hoặc thường xuyên xuất hiện trước công chúng sẽ thuê stylist, chuyên gia tư vấn thời trang như ngôi sao điện ảnh, thần tượng âm nhạc, người mẫu, vận động viên thể thao chuyên nghiệp, thậm chí các chính trị gia, doanh nhân tìm đến tư vấn viên để xây dựng phong cách chuyên nghiệp hơn, duy trì trạng thái tự tin tích cực, tạo điều kiện thuận lợi thăng tiến sự nghiệp. Thứ tư, người có gu ăn mặc sẽ cung cấp kiến thức thời trang để bạn có cái nhìn tổng thể và tự hoàn thiện trang phục của mình, thay đổi nhận định về ngoại hình. Ví dụ, phụ nữ thường mặc cảm, lo lắng, loay hoay trước hàng loạt quảng cáo, nhãn hiệu thời trang trong ngoài nước. Những người cố vấn đáng tin sẽ giúp phụ nữ đó lột bỏ tự ti khuyết điểm, phong cách cũ kĩ, quê mùa và thay đổi theo những xu hướng ăn mặc thịnh hành. Thứ năm, óc sáng tạo và gu thẩm mỹ sẽ tỉ lệ thuận với những lần gặp gỡ những con người mới (nhưng thời Covid này thì thà mặc xấu, lôi thôi hơn tí còn hơn ra ngoài bắt chuyện với mọi người, không cẩn thận mắc bệnh thì cả ngày mặc áo bệnh nhân ngay) Ta có thể tiếp nhận sự mới lạ, phong phú, độc đáo của người khác, bồi đắp vào sự đơn điệu của mình. Thứ sáu, thay đổi theo góp ý của người khác giúp các mối quan hệ cởi mở, thân thiết, hòa đồng, hơn và nhận được lời khen của mọi người rằng à, bạn có học hỏi, có tiếp thu, lắng nghe ý kiến người khác, chứ không bảo thủ "không không tôi không làm theo đâu, không thích". Bạn có thể kết bạn, giao lưu, trao đổi, tạo sự đồng cảm xóa những trầm lặng, bất đồng, khác biệt. Thứ bảy, góp ý của một người có thể không đúng, nhưng ý kiến của nhiều người thì nên xem xét. Bởi đó có thể là chuẩn mực xã hội. Không mặc theo góp ý của người khác là một sự đột phá nhưng nó có thể không đem lại cho bạn sự khác biệt, mà là ngược đời thì sao? Con người có tâm lí đám đông là vì vậy, luôn hành động theo số đông để tránh cảm giác bị cô lập, ghẻ lạnh. Thứ tám, góp ý của người khác là góc nhìn khách quan, giúp bạn biết được khuyết điểm của bản thân, có kinh nghiệm sửa chữa lỗi lầm. Từ đó, bạn sẽ trông dễ nhìn, bắt mắt, hoàn thiện hơn. Con người có tâm lí trước khi ra khỏi nhà phải soi gương, hỏi ý kiến người đáng tin, không muốn bị ác cảm chỉ vì một bộ quần áo là vì thế. Thứ chín, thay đổi ăn mặc theo người khác một cách hợp lí, bạn sẽ giảm ham muốn mua sắm, suy tính kĩ càng, hữu dụng. Ví dụ, người lớn sẽ nhắc nhở những bạn trẻ giảm những khao khát thái quá vào cái đẹp, không chi tiêu vượt mức đối với quần áo hot trend. Hay những người phụ nữ - nữ hoàng shopping (ờm bố tui cũng thích shopping lắm á, mỹ nam sọp pi) – hầu như chưa bao giờ sử dụng hết quần áo trong tủ đồ. Đối với nhiều người thì tủ quần áo chính là một bảo tàng kỉ niệm, chứa hàng loạt sai lầm của phái nữ. Việc chúng cứ nằm yên trong tủ đồ xuất phát từ một núi lí do: Mua chúng trong lúc cao hứng, béo lên sợ mặc lòi mỡ đứt chỉ (tui nè vừa rách áo ở phần nách xong, khâu khâu vá vá cả buổi đêm, mặc lại như bó giò), gầy quá mặc như đồ ngủ, môi trường làm việc thay đổi, hoặc quần áo đã không hợp thời.. Dù bất cứ nguyên do gì thì việc bỏ xó đống quần áo cũng là một sự lãng phí, mà dọn tủ đồ thì chết mệt, lại chán và buồn ngắt. Nên nếu thay đổi cách ăn mặc, mua đồ theo tư vấn của người khác, bạn sẽ tiết kiệm thêm tiền cho chiếc áo đẹp hơn, mua đồ ít mà chất, còn hơn mua lung tung mà nhẫn tâm nhét quần áo vào hậu cung. Đó là 9 lợi ích của việc thay đổi cách ăn mặc theo góp ý của người khác. Thế từ chối thay đổi thì sao, đem lại cho bạn những "tốt đẹp" gì? Rồi, thế giới vốn đa dạng, phong phú. Mỗi người với một quan điểm sống, một mỹ cảm riêng sẽ điểm xuyết thêm nhiều sắc màu cho cuộc sống. Ăn mặc cũng vậy, nên có một phong cách riêng. Thứ nhất, khó có thể thay đổi giống người khác về sở thích, thói quen ăn mặc; vì những phong cách ấy đã tự hình thành trong nội tâm, bản năng con người, trong vùng đất quê hương, gắn bó dài lâu. Như những người dân tộc có những quần áo thổ cầm hay vòng bạc, khăn sặc sỡ sắc màu của riêng họ, không lẫn đi đâu được, nhìn rất đáng yêu. Rồi các loại quần áo truyền thống của những nước khác nhau nên được giữ gìn, duy trì bản sắc dân tộc. Thứ hai, đi theo những lối ăn mặc từ sự góp ý của người khác luôn có áp lực nhất định. Bạn sẽ gặp phải ánh mắt nghi hoặc, soi xét, dị nghị của những người đã quen với hình ảnh của bạn hàng ngày. Có thể cách ăn mặc này đẹp lắm nhưng với bạn thì lại ngoại lệ hoặc bạn bị nói là bản sao bắt chước người khác thì có khó chịu không? (Tui máu nóng có khi đấm cho đứa nói tui như vậy một phát luôn ấy) Hoặc bạn có thể thấy đẹp hơn, nhưng nếu ngượng, lạ lẫm, không thoải mái thì sẽ kém hiệu quả. Biểu cảm mang trên khuôn mặt quan trọng hơn nhiều quần áo mặc trên người. Thứ ba, thay đổi cách ăn mặc theo góp ý của người khác sẽ âm thầm bào mòn, phá hủy đi những vẻ đẹp bí mật tiềm năng về óc thẩm mĩ của mỗi người, đặc biệt là về ngành thời trang thì càng ỷ lại vào góp ý của người khác, sáng tạo và đột phá sẽ bị chôn vùi, không phát triển sự đa dạng, đổi mới vì bạn chỉ cần thay đổi theo người khác, đơn giản, cơ bản và an toàn. Sẽ còn đâu những fashionista, những nhà thiết kế thời trang, nếu ai cũng thụ động, lệ thuộc vào cách ăn mặc của người khác và rập khuôn như vậy? Họ không ngần ngại thể hiện sự sáng tạo của mình và luôn tìm kiếm những phong cách mà chưa ai nghĩ đến, và họ đã thành công, chí ít là thành công hơn những người hết ngày này ngày khác chạy theo xu hướng ăn mặc của người khác. Phong cách khác biệt sẽ tạo khoảng cách nhất định giữa một người với xã hội, giúp người đó có xu hướng suy nghĩ về những điều xa vời và tìm ra những giải pháp sáng tạo hơn, tăng khả năng tư duy trừu tượng. Thứ tư, nghe theo ý kiến của người khác tuy khách quan đấy, thịnh hành đấy nhưng không bền vững và không có chiều sâu vì không ai hiểu tính cách, con người thật của bạn và bạn cũng không thể đi theo người khác để nghe góp ý mãi được (trừ những người yêu nhau ngày ngày em ơi mặc cái này đi, anh à đeo cái kia vào, phát cẩu lương cho không khí). Con người không phải ma-nơ-canh, mặc gì cũng đẹp, mỗi ngày thay một bộ như tắc kè hoa theo ý kiến của người khác. Lắng nghe không chọn lọc, ép mình thay đổi theo người khác, tự đẩy mình vào chuẩn mực thời trang hà khắc, con người sẽ quên mất bản thân hoàn toàn có thể tỏa sáng từ vẻ đẹp riêng. Thứ năm, bạn có thể xây dựng danh hiệu riêng cho mình, cá tính, tự do, thoải mái, quan tâm bản thân hơn, đi đâu chọn gì mặc ra sao không cần phải chăm chăm đi hỏi ý kiến của người khác hay phân vân nọ kia. Óc thẩm mĩ nâng cao dần, kĩ năng chọn lọc cũng theo đó phát triển. Thứ sáu, cách ăn mặc phải có tính ứng dụng cao. Vì vậy, thay đổi cách ăn mặc theo góp ý của người khác phải xem xét mức độ phù hợp giữa hoàn cảnh giao tiếp, sở thích, môi trường, tài chính, điều kiện gia đình, lứa tuổi, thể chất, thế hệ. Những vấn đề ấy không ai giống ai nên cũng xem là một rào cản trong việc thay đổi cách ăn mặc theo góp ý của người khác. Ví dụ: Công nhân xây dựng không thể mặc váy theo một người đang định đi ăn đám cưới. Hoặc người già có cách ăn mặc, loại quần áo riêng, không thể "cưa sừng làm nghé" nghe theo những góp ý khác từ phong cách của những bạn trẻ (cũng có một số người lớn tuổi ăn mặc trẻ trung, chất như nước cất, nhưng vẫn là cần quần áo mềm mại thấm mồ hôi, hơn là áo lưới phủ ngoài rồi quần bò giày cao gót bóng lộn) Rồi những học sinh chưa tự lực tài chính, nhiều khoản chi tiêu, không thể vòi vĩnh bố mẹ, đua đòi quần áo hàng hiệu giống bạn giống bè. Thứ bảy, không phải góp ý nào cũng mang tính xây dựng. Nhiều người bán quần áo chỉ quan tâm tới lợi nhuận, sản phẩm bán được mà không nghĩ khách mặc có đẹp, phù hợp, thoải mái không. Trong một số trường hợp tiêu cực, những lời góp ý của cá nhân thường mang tính phô bày bản ngã và thể hiện sự hiểu biết của mình hơn người nghe, góp ý người khác mà như chê bai, đả kích, tự cho phép mình áp đặt góc nhìn suy nghĩ của mình vào người khác. Lúc này, họ không phải đang góp ý nữa, mà là thể hiện cái tôi của mình. Thứ tám, một người sáng suốt là biết xây dựng hình tượng của chính mình, biết chú ý đổi mới. Với những phong cách đã được định hình vững bền từ chính bản thân, con người biết chọn lựa trang phục để tôn lên phẩm chất của mình, chứ không hề bị phụ thuộc vào trang phục. Thứ chín, khi nhiều người góp ý, nhưng mỗi người một kiểu hay tốt khác nhau thì bạn sẽ càng bối rối, phân vân, tốn thời gian. Vậy nên mỗi người hãy tự tạo cho mình một phong cách ăn mặc, rồi từ từ thấy chỗ nào cũ kĩ, không thích hợp nữa thì thay đổi dần sẽ hình thành phong cách riêng, độc đáo, bền vững. Họ cười tôi vì tôi không giống họ - Tôi cười họ vì họ quá giống nhau. Cách ăn mặc thể hiện cá tính riêng biệt cho mỗi cá nhân, việc nghe theo ý kiến người khác để thay đổi cách ăn mặc mình sẽ làm mất đi phong cách cá nhân, đặc biệt những lời khuyên không chân thành của người khác sẽ làm bạn trở nên mất đi nét riêng đáng yêu khi chúng ta thay đổi trang phục theo ý họ. Một người góp ý là tốt, nhiều người thì khách quan. Nhưng nếu nhiều người nhiệt tình góp ý cho bạn mà mỗi người một ý, nghe ra cái nào cũng tốt cũng hay, thì bạn sẽ bị loay hoay, bối rối, phân vân, kém hiệu quả. Rồi lại tốn thời gian suy nghĩ, phân tích xem ý nào ưu việt hơn. Phong cách của bạn là lớp tường gạch bên trong, nghe theo người khác mỗi lần là trét lên tường một lớp sơn. Bỗng một ngày sơn tróc ra thì sao, bỗng một ngày bạn quen lệ thuộc, thụ động vào những thứ sơn ấy, hay đòi hỏi sơn này mới quá, đẹp quá, sơn lên, không cần quan tâm. Hay nếu bạn không có chọn lọc mà nhầm lẫn sơn với vôi, vôi với bùn? Chưa nói đến lớp gạch bên trong, nhưng vẻ ngoài hiện tại sẽ khá khó coi. Ừm, đến bây giờ thì tui nghĩ "đồng ý" hay "từ chối" thì đều có những tốt xấu riêng. Hai bên ngang nhau về tỉ số 9 - 9. Nhưng không sao, bạn là trọng tài, cũng là thời gian, và là cái chân, tiếp nhận mới lạ nằm ở sự lựa chọn của bạn. Có gì sai khi tôi chủ động hỏi ý kiến của người khác rằng à bạn ơi mình mặc như này được không. Có gì sai khi có những con người chủ động chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm, kĩ năng của mình về ngành thời trang, về cách phối đồ sao cho đẹp. Và có gì sai khi mỗi một bộ đồ đẹp mà bạn mặc là do người khác góp ý. Nó sẽ luôn là một phần trong bộ sưu tập những bộ đẹp nhất của bạn, chẳng ảnh hưởng đến ai cả. Và chẳng có gì là không đúng khi bạn xây dựng cho mình một phong cách riêng độc đáo, sáng tạo, phù hợp; rồi được mọi người học tập hưởng ứng. Vậy là câu trả lời là không có gì sai. Thay đổi cách ăn mặc theo góp ý của người khác là không sai vì dẫu có xấu hơn hay đẹp lên, nâng tầm hay giảm sút phong cách, lăn vào vết xe đổ của người khác thì sự lựa chọn luôn nằm trong tay bạn, nó nằm ở quyền bạn có muốn tiếp nhận hay bác bỏ hay không. Người thành công là người biết học hỏi, lắng nghe. Nhưng còn một điều nữa, là nếu quần áo đẹp mà trí tuệ trống rỗng, tâm hồn khô khan thì chắc chắn sẽ không nhận được sự đánh giá xứng đáng từ người khác đâu. Nên những bạn trong sáng, đáng yêu, lanh lợi, tốt bụng, mạnh mẽ thì mặc gì cũng đẹp. Bạn đẹp nhất khi bạn sống vì người khác trong hình hài, tâm trạng và tâm hồn của chính con người bạn. Chúc các bạn ngày càng mặc đẹp. Cũng cảm ơn bạn rất nhiều vì đã đọc đến đây. Có góp ý gì thì cứ nhắn cho tui nha, tui sẽ sửa lại. Yêu các bạn!
Bạn nói đúng đó sở thích mình có thể mình thích mặc ở nhà cũng được nếu không đúng không đẹp nhưng khi ra ngoài đường hãy làm mình đẹp hơn nghe thêm ý kiến để mình đẹp