Review Truyện Thập Niên 70: Người Đàn Bà Đanh Đá – Truyện Xuyên Sách, Điền Văn, Ngọt Sủng, Cận Đại

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi khangtrang, 12 Tháng bảy 2022.

  1. khangtrang

    Bài viết:
    22
    Thập niên 70: Người đàn bà đanh đá

    Thông tin chung

    Tác giả: Đào Hoa Lộ

    Thể loại: Ngôn tình, xuyên sách, điền văn, ngọt sủng, cận đại, 1x1, HE

    CP: Lâm Lan – Hàn Thanh Tùng

    Tình trạng edit: Hoàn thành 169 chương + 17 phiên ngoại. Đăng đầy đủ tại trang tamvunguyetlau.com

    Designer ảnh: Vi Thuy

    Edit: Minh Nguyệt

    Beta: Tiểu Tuyền

    Reviewer: khangtrang


    [​IMG]

    Nội dung

    Lâm Lan xuyên vào một quyển sách trở thành nhân vật cùng tên. Nguyên chủ vốn xinh đẹp, gả cho Hàn Thanh Tùng vì nghĩ đến trợ cấp của quân nhân có thể giúp mình sống thoải mái. Nào ngờ mẹ chồng cay nghiệt lại thiên vị con út, lấy toàn bộ tiền chồng cô gửi về để chiều chuộng hai đứa con yêu, không chia cho con dâu đồng nào. Chính vì vậy, 10 năm anh đi lính là 10 năm cô ở nhà làm dâu, lần lượt sinh năm đứa con, bất mãn vì chuyện tiền nong, lại nghi chồng mình có người khác bên ngoài nên cô một khóc, hai nháo, ba thắt cổ vì vậy cả thôn gọi cô là người đàn bà đanh đá. Lâm Lan xuyên vào lúc đứa con đầu tiên đã 11 tuổi bước vào thời kì phản nghịch, đứa con út mắt kém, có xu hướng tự bế, con gái duy nhất thì thích hư vinh giống cô út, hai đứa con trai còn lại thì lươn lẹo, nghịch ngợm, mẹ chồng, em chồng, chị dâu trong nhà thì toàn cực phẩm, hàng xóm láng giềng cũng không kém. Tình huống khi cô xuyên vào quả thực nát bét. Vì muốn chỉnh sửa kết cục thê thảm của năm đứa con nên Lâm Lan nhập vai bà mẹ đanh đá đấu cực phẩm, lấy lại những gì thuộc về gia đình mình, nhẫn nại yêu thương dạy dỗ các con, cùng chồng ân ái tình cảm khiến bao người ghen tị. Đến khi con cái trưởng thành, hai vợ chồng Lâm Lan thường xuyên đi du lịch sống thế giới của hai người.

    Nhận xét

    Đào Hoa Lộ là tác giả viết khá nhiều những truyện thuộc đề tài xuyên sách, điền văn, niên đại, có thể kể đến một số bộ tiêu biểu như: Thập niên 70: Xuyên thành chị dâu của nam chủ, Thập niên 70: Bạch phú mỹ vượng giá, Thập niên 70: Nữ thanh niên trí thức bưu hãn, Thập niên 60: Gia đình hạnh phúc.. Bút lực của tác giả khá ổn định, nhưng viết nhiều truyện cùng đề tài, cùng môtip nên sẽ khó tránh khỏi sự lặp lại. Nhìn chung, truyện của Đào Hoa Lộ đọc được, trong đó mình đánh giá cao bộ truyện Thập niên 70: Người đàn bà đanh đá.

    Thông thường những truyện thuộc đề tài niên đại những năm từ 1960 đến 1990 đều có liên quan đến quá trình học tập và làm giàu của nữ chính, vì nữ chính là người hiện đại xuyên vào, biết trước hướng đi của lịch sử, những bước ngoặt quan trọng như khôi phục thi đại học, cải cách kinh tế vì vậy dại gì mà không đón lấy thời cơ làm giàu cho mình và gia đình. Nhưng trong truyện này tác giả lại xoay quanh cuộc sống của gia đình Lâm Lan từ lúc ở trong thôn cho đến lúc chồng thăng chức, con đi học đại học.

    Đây là một truyện điền văn đúng nghĩa nhưng không hề nhạt nhẽo, nhẹ nhàng mà rất kịch tính vì nhân vật chính phải đấu trí đấu dũng với hàng tá cực phẩm từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Truyện ngọt mà không ngấy vì cuộc sống của gia đình Lâm Lan quả thực phong phú, rộn ràng, có nụ cười, có nước mắt. Phải nói rằng tác giả đã miêu tả cuộc sống của một nhà bảy người rất sinh động và hấp dẫn. Truyện có ngược nhưng mà là ngược cực phẩm khiến người đọc sảng khoái nhân tâm.

    Nữ chính Lâm Lan là người không thích trẻ con, thậm chí là vừa ghét vừa sợ vì những đứa trẻ cô gặp ngoài đời đứa nào cũng phá phách và không ngoan, vậy mà cô lại xuyên thành mẹ của năm đứa trẻ mà đứa nào cũng có vấn đề, cô không khỏi ngửa cổ nhìn trời cảm thấy gánh thì nặng mà đường thì xa. Chính vì vậy ban đầu tiếp xúc với mấy đứa con cô cảm thấy không thoải mái về mặt tâm lí, phải cố gắng lắm mới khiến bản thân chạm vào chúng, bắt chước giọng điệu của nguyên chủ để không bị nghi ngờ.

    Nương theo cái danh đanh đá của nguyên chủ, Lâm Lan khiến cho mọi người trong nhà, hàng xóm trong thôn không dám dây vào cô. Trước kia nguyên chủ chỉ biết đanh đá theo kiểu khóc lóc om sòm, gây ồn áo náo động để người khác chê cười thì nay Lâm Lan dựa theo lí mà làm việc, anh không đúng lí là không xong với tôi. Cô sẵn sàng chống nạnh chửi đổng những kẻ phiền phức, đánh nhau với những người đàn bà nông thôn tóc dài não ngắn, những kẻ đánh chủ ý lên cô đều bị cô thẳng mồm chửi, thẳng tay đánh không hề e dè.

    Đối với chồng con, Lâm Lan dành hết tâm huyết để gắn kết cái gia đình vốn dĩ rời rạc, cho các con cảm nhận được tình thương của cha mẹ, dạy các con làm người biết tự tôn tự ái, chính vì vậy mà những đứa trẻ trưởng thành tránh được vận mệnh bi thảm như cốt truyện. Con cả thì nối nghiệp cha, cặp song sinh thì thông minh học giỏi sớm được lãnh đạo để ý bồi dưỡng, con thứ tư là vận động viên bơi lội nổi tiếng, con út là nghệ sĩ thiên tài. Cả năm đứa trẻ may mắn được trưởng thành trong một gia đình có bố mẹ biết yêu thương và làm tròn trách nhiệm nuôi dạy con cái.

    Nữ chính dù biết trước tương lai nhưng cô không muốn thi đại học vì cô nghĩ rằng kiếp trước mình đã trải qua đời sống sinh viên nên không còn hứng thú với việc học đại học, hơn nữa cô có 5 đứa con phải chăm lo, chồng cô là cán bộ tiền lương đủ sức nuôi vợ con. Lâm Lan đầu tư vào việc tuyên truyền cho người dân những kiến thức cần thiết trong đời sống từ việc giữ vệ sinh sạch sẽ đến việc hướng dẫn người phụ nữ biết bảo vệ bản thân. Cô giúp đại đội mở xưởng xà phòng làm nghề phụ tăng thu nhập. Lâm Lan tìm thấy giá trị của chính mình trong những công việc này chứ không cần phải trở thành vạn nguyên hộ hay thủ khoa kì thi đại học.

    Nữ chính được tác giả xây dựng là linh hồn của gia đình, cô chính là người thay đổi cách nghĩ của con cái để chúng thấy được cái gì nên, không nên; cô biến mình thành cầu nối giữa người cha ít nói, nghiêm khắc và những đứa con nghịch ngợm, hiếu động. Cuối truyện phát sinh tình huống cô bị bắt làm con tin, dao cứa vào cổ chảy máu, cả Hàn Thanh Tùng và con trai đều đặt sự an toàn của cô lên hàng đầu nên đáp ứng tất cả yêu cầu của kẻ bắt cóc. Sau khi phối hợp với cha cứu mẹ, con trai cả sợ hãi ôm mẹ vào lòng và nghĩ nếu mẹ xảy ra chuyện gì thì cái gia đình đang êm đẹp này sẽ tan thành từng mảnh, bị bao phủ bởi bi thương và thống khổ.

    Nam chính là quân nhân chuyển nghề. Anh này rất thú vị. Trước hết, môi trường quân đội đã tôi luyện cho anh những phẩm chất của một người đàn ông biết sống trung thành với Tổ quốc, với gia đình, có trách nhiệm, có nguyên tắc, giữ mình trong sạch. Làm việc ở một môi trường đầy rẫy những kẻ hối lộ, kéo bè kết cánh, Hàn Thanh Tùng chưa bao giờ cảm thấy phải khó xử vì tất cả đều chiếu theo luật mà làm. Anh thân chính không sợ bóng tà, không suy nghĩ cong quẹo mà cứ thẳng đuồn đuột nên đôi lúc khiến những kẻ muốn nịnh bợ, hối lộ, bị anh làm cho bẽ mặt cảm thấy nghẹn khuất, mắng anh không hiểu cách đối nhân xử thế.

    Nam chính điển hình là một thẳng nam, miệng như hũ nút nhưng khi ngượng tai sẽ đỏ, thích nhất ngắm vợ trêu vợ. Cứ đụng đến vợ anh dù là nói xấu thôi cũng không được. Dám đánh vợ anh anh sẽ đòi lại gấp mấy lần, dám kề dao lên cổ bắt vợ anh làm con tin thì anh cũng sẽ rạch một đường trả lại vào đúng vị trí. Anh là cây tùng cây bách che chở cho vợ con, đối với vợ thì yêu chiều, đối với con thì nghiêm khắc nhưng có trách nhiệm, dĩ nhiên con vẫn xếp sau vợ; không bao che cho người nhà khi phạm sai lầm dù đó là ruột thịt. Khi con phạm sai lầm lớn anh đánh con để con nhớ lấy bài học, đồng thời cũng tự phạt mình chừng đó roi vì nuôi con mà không dạy là lỗi của cha, anh thay con nhận phạt. Từ đó, hình tượng của anh trở nên thay đổi trong mắt con cái, đặc biệt là con cả.

    Đời sống nông thôn trong truyện được khắc họa rõ nét. Người đọc không khỏi đồng cảm với tác giả khi tác giả nhắc đến những lề thói của nông thôn như nói năng thô tục, chửi đổng, đánh nhau, ăn tuyệt hậu, mèo mả gà đồng, trọng nam khinh nữ.. Đây đều là những hành vi kiềm hãm sự văn minh của xã hội cần phải thay đổi triệt để. Một Lâm Lan có hiểu biết kết hợp với một Hàn Thanh Tùng chí công vô tư đã phần nào làm trong sạch cho bầu không khí xã hội nơi đây. Họ không chỉ xây dựng một gia đình gắn kết yêu thương nhau mà còn giúp đỡ rất nhiều người xung quanh đặc biệt là những người yếu thế.


    Kết luận:

    Truyện hay, hệ thống nhân vật khá nhiều từ chính đến phụ. Các chi tiết đan cài vào nhau hợp lí, có những chuyện lông gà vỏ tỏi của nông thôn như chuyện các bà tám, cũng có chuyện quốc gia đại sự như tổ chức nội gián, phần ngoại truyện có nhắc đến một nhân vật xuyên sách, có quen biết với Lâm Lan nhưng đi theo con đường lệch lạc, cuối cùng bị bắt giam rồi đột tử.

    Truyện truyền tải nhiều thông điệp sâu sắc về gia đình. Cha mẹ là tấm gương của con cái, "tình thương của cha như núi, tình thương của mẹ như nước"; "cha mẹ chính là căn cơ, con cái chính là cành cây, phân nhánh ra, lớn lên thành tài, đi cao đi xa bao nhiêu cũng không sợ"; gia đình là tổ ấm, chỉ có cảm nhận được tình thương của gia đình thì những đứa con mới vững vàng bước vào đời.

    Tác giả giữ được nhịp truyện ổn định, không bị đầu voi đuôi chuột. Phần eidt rất mượt, bạn đọc yên tâm nhảy hố.
     
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng bảy 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...