Thập Đại Mưu Sĩ Trong Chính Sử Việt Nam

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Sưu Tầm, 30 Tháng tám 2020.

  1. Sưu Tầm The Very Important Personal

    Bài viết:
    662
    Thập đại mưu sĩ trong chính sử Việt Nam. Theo bạn họ là ai?

    "Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông

    Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng

    Thịnh suy, thành bại theo dòng nước

    Sừng sững cơ đồ bỗng tay không.."


    Nhạc khúc Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông được sử dụng trong phim Tam quốc diễn nghĩa chắc hẳn đã rất quen thuộc với nhiều lứa tuổi người Việt Nam chúng ta. Mỗi khi nhạc khúc này cất lên chúng ta lại có thể hồi tưởng lại thời kỳ Hán mạt Tam Quốc đầy biến động và khốc liệt, hào kiệt xuất hiện lớp lớp.

    "Thời thế tạo anh hùng", không phải chỉ thời Tam Quốc mà rất nhiều các thời kỳ trong lịch sử Trung Hoa đều có nhân kiệt xuất thế và vấn đỉnh thiên hạ. Để đạt được thành tựu thiên thu bá nghiệp, các vị bá chủ đều cần đến những vị nhân kiệt để tranh đoạt thiên hạ, có thể gói gọn trong bốn chức nghiệp cơ bản là thống soái, võ tướng, mưu sĩ và văn thần.

    Và lần này đối tượng tôi muốn nhắc đến là chức nghiệp mưu sĩ. Mưu sĩ là gì? Là loại người " Ngồi trong màn trướng quyết việc thắng bại ngoài ngàn dặm". Họ là mưu chủ, là túi khôn của người hay thế lực họ phò tá. Họ rất thông minh, họ có thể toàn tài cả về mưu lược và nội chính, nhưng họ đôi khi chỉ tập trung phát triển về mặt chiến lược, binh pháp mà không chú trọng khả năng nội chính.

    Lịch sử Trung Hoa đã sản sinh ra một loạt mưu sĩ lưu danh sử sách như: Nhà Thương có Y Doãn; nhà Chu có Khương Tử Nha, Chu Công Đán; thời Xuân Thu có Quản Trọng, Tôn Tẫn; thời Chiến Quốc có Úy Liễu, Ngô Khởi; thời Hán – Sở tranh hùng có Phạm Tăng, Trương Lương, Trần Bình; thời Tam Quốc có Gia Cát Lượng, Quách Gia, Giả Hủ, Lỗ Túc; thời Ngũ Hồ Thập Lục quốc có Vương Mãnh; thời Tùy – Đường có Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối, Trưởng Tôn Vô Kỵ, Trương Công Cẩn, Lý Bí; thời Tống có Triệu Phổ; thời Minh có Lưu Bá Ôn, Diêu Quảng Hiếu; và còn rất nhiều mưu sĩ nữa tôi không thể kể ra hết.

    Việt Nam với chiều dài lịch sử không hề thua kém Trung Hoa, nhưng có thể do đặc thù chính trị nên mưu sĩ kiệt xuất trong chính sử Việt mặc dù có nhưng rất thưa thớt. Sau đây tôi xin đưa ra mười nhân vật mưu sĩ theo tôi là nổi bật trong chính sử Việt Nam, mong mọi người góp ý:



    10. Mưu định Trấn Tây, Trương Đăng Quế

    - Thời đại: Nhà Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức).

    - Chức vụ cao nhất lúc sinh thời: Thái bảo, Phụ chính đại thần, Tuy Thạch Quận Công.

    - Công tích tiêu biểu:

    + Năm 1819, đỗ Cử nhân năm 26 tuổi.


    + năm 1820, được sung làm Hoàng tử trực học để dạy các hoàng tử.

    + Năm 1833 - 1835, trù tính kế hoạch dẹp loạn Lê Văn Khôi thành công khi đảm nhiệm Binh Bộ Thượng thư.

    + Năm 1836, trực tiếp chỉ huy dẹp loạn Lê Duy Hiểnở Bắc Hà, được gia thưởng Kỷ lục quân công.

    + Năm 1840, nhận di chiếu của vua Minh Mạng tôn phò Nguyễn Phúc Miên Tông (tức vua Thiệu Trị) lên ngôi.

    + Năm 1847, có công trong việc trù tính kế hoạch bình định Trấn Tây nên được khắc tên tuổi công nghiệp trong khẩu súng thần công Bảo đại định công an dân hòa chúng thượng tướng quân Đệ Nhất Vị.




    9. Loạn thế thuyết khách, Trần Chánh Kỷ

    - Thời đại: Nhà Tây Sơn (Quang Trung, Cảnh Thịnh).


    - Chức vụ cao nhất lúc sinh thời: Trung thư lệnh Phụ chính, Kỷ Thiện hầu.

    - Công tích tiêu biểu:

    + Năm 1786, đầu quân Tây Sơn, trở thành mưu sĩ của Nguyễn Huệ, chức Nội Tán rồi Trung thư lệnh. Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc Hà, Trần Chánh Kỷ tiến cử hàng loạt nhân sĩ Bắc Hà cho Nguyễn Huệ như Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thiếp..

    + Năm 1787, đứng ra dàn xếp mâu thuẫn nội bộ Tây Sơn, phân chia ranh giới giữa Tây Sơn Nam Hà – Tây Sơn Bắc Hà.

    + Năm 1789, tham mưu cho Quang Trung trong chiến dịch chống Thanh.

    + Năm 1792, được phân công Phụ chính ấu chúa nhưng bị quyền thần chèn ép.


    + Năm 1795, lập kế hoạch cho Vũ Văn Dũng chính biến thành công diệt phe cánh ngoại thích Bùi thị. Ông được phục chức Phụ chính và giữ Viện trung thư.

    + Năm 1801, Phú Xuân thất thủ, ông không hợp tác cùng triều đình Gia Định nên xin về quê bái tổ rồi chịu xử tử. Nguyễn Vương đồng ý. Đến giữa đường, ông nhảy sông tự vẫn.




    8. Nhất trụ trấn Đinh triều, Trịnh Tú

    - Thời đại: Nhà Đinh (Đinh Tiên Hoàng).

    - Chức vụ cao nhất lúc sinh thời: Thượng thư, Thái Bảo.

    - Công tích tiêu biểu:

    + Năm 940, Đinh Công Trứ mất, Đinh Bộ Lĩnh kế tập Thứ sử Hoan châu. Ông cùng Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ đều theo phò tá Đinh Bộ Lĩnh.

    + Năm 944, Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha đoạt ngôi, ông theo Đinh Bộ Lĩnh về Hoa Lư hợp nhất với quân đội của Đinh Thúc Dự trở thành thế lực cát cứ địa phương.

    + Năm 951, Ngô Xương Văn – Ngô Xương Ngập tấn công Hoa Lư. Ông hiến kế cho Đinh Bộ Lĩnh dựa vào địa thế phòng thủ làm quân Ngô phải lui binh.

    + Năm 965, Ngô Xương Văn tử trận, loạn 12 sứ quân bộc phát đến đỉnh điểm. Ông cùng các quan tướng kiến nghị Đinh Bộ Lĩnh nương tựa sứ quân Trần Lãm. Từ đây lực lượng Đinh Bộ Lĩnh đánh đông dẹp bắc, đánh bại nhiều sứ quân cát cứ.

    + Năm 967, Trần Lãm mất, Đinh Bộ Lĩnh thừa hưởng toàn bộ lực lượng và thế lực của Trần Lãm. Từ đây tập đoàn chính trị Đinh Bộ Lĩnh liên tục đánh dẹp, chiêu hàng các sứ quân cát cứ.


    + Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh tự xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế, lên ngôi, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Trịnh Tú được phong Thượng thư, Thái Bảo cùng với Nam Việt Vương Đinh Liễn phụ trách việc bang giao với nhà Tống.

    + Từ năm 975 - 979, ông được hai lần phái đi sứ nhà Tống, mở đầu giai đoạn mới của nền ngoại giao Việt Nam với nước lớn phía Bắc.

    + Năm 979, Đinh Tiên Hoàng mất, Lê Hoàn thâu tóm quyền bính. Ông cùng Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ nổi lên chống lại Lê Hoàn, cuối cùng tử trận.




    7. Nam tiến mưu thần, Nguyễn Cư Trinh

    - Thời đại: Chúa Nguyễn Nam Hà (Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, Định Vương Nguyễn Phúc Thuần).


    - Chức vụ cao nhất lúc sinh thời: Tá lý công thần chính trị Thượng Khanh, Nghi Biểu Hầu.

    - Công tích tiêu biểu:

    + Năm 1750, ông phụ trách dẹp loạn Đá Vách của người Hré thành công.


    + Năm 1753, dâng kế sách "tằm ăn dâu" trong cuộc chinh phạt Chân Lạp. Sự thành công của cuộc chinh phạt này đã đóng góp phần to lớn trong công cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn. Ông được triệu làm tham mưu, cùng Thống suất Thiện Chính chinh phạt Chân Lạp.

    + Từ 1753 – 1759, ông dùng kế sách "dĩ man công man" và "tằm ăn dâu" khéo léo thu cả miền đồng bằng sông Cửu Long về cho xứ Nam Hà nói riêng và Đại Việt nói chung.

    + Năm 1765, ông được triệu về Kinh nhận trách nhiệm tại bộ Lại, làm đối trọng với Trương Phúc Loan.


    + Năm 1767, ông mất năm 51 tuổi.



    6. Vạn Xuân quốc mưu chủ, Tinh Thiều

    - Thời đại: Nhà Tiền Lý (Lý Nam Đế).

    - Chức vụ cao nhất lúc sinh thời: Thái sư.

    - Công tích tiêu biểu:


    + Thuở trẻ, ông đến kinh đô Kiến Khang nhà Lương ứng thí vượt quan khảo hạch nhưng bị coi thường. Phẫn nỗ ông hồi hương và kết bạn với Lý Bí cũng vừa từ bỏ chức Giám quân ở châu Cửu Đức. Ông đã đề ra kế sách và giúp sức cho Lý Bí chiêu tập hào kiệt và nhân dân vùng dậy giành quyền tự chủ. Ông đã phụ tá đắc lực cho Lý Bí, lo tuyên truyền, vận động dân chúng cùng chống giặc Lương.

    + Năm 541, Lý Bí khởi nghĩa, ông là quân sư, giúp kế thả Tiêu Tư đoạt thành Long Biên, nghĩa quân kiểm soát được vùng Bắc Bộ Việt Nam hiện nay.

    + Tháng 4 năm 542, Lương Vũ Đế sai Thứ sử Việt châu là Trần Hầu, Thứ sử La châu là Ninh Cự, Thứ sử An châu là Úy Trí, Thứ sử Ái châu là Nguyễn Hán cùng hợp binh đánh nghĩa quân. Ông đã hiến kế cho Lý Bí chủ động ra quân đánh trước, phá tan lực lượng quân Lương ở phía nam, làm chủ toàn bộ Giao Châu.

    + Tháng 12 năm 542, Lương Vũ Đế lại sai thứ sử Giao Châu là Tôn Quýnh, Thứ sử Tân Châu là Lư Tử Hùng sang đàn áp nghĩa quân. Ông đã sử dụng mưu kế tiên phát chế nhân, nghĩa quân chia thành hai đạo thủy bộ chủ động mang quân ra bán đảo Hợp Phố vào thẳng đất địch đánh địch, thọc sâu vào sào huyệt quân Lương. Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng đi đến Hợp Phố, bị nghĩa quânphục binh đánh bại, mười phần chết đến sáu, bảy phần, quân tan rã mà về. Chiến thắng này giúp nghĩa quân kiểm soát toàn bộ Giao Châu, cộng thêm quận Hợp Phố.

    + Năm 543, quân Lâm Ấp xâm chiếm quận Nhật Nam và tiến đến quận Cửu Đức. Ông đã hiến kế cho Lý Bí cử Phạm Tu tiến quân vào Nam đánh tan quân Lâm Ấp ở Cửu Đức khiến vua Lâm Ấp phải bỏ chạy.

    + Năm 544, Lý Bí tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Đức, lập trăm quan, đặt tên nước là Vạn Xuân. Ông đã tham mưu xây dựng thiết chế triều chính, hệ thống quan lại, phẩm phục hàm cấp, hình thành thiết chế hai ban Văn -Võ với sự đứng đầu của các trọng thần.

    + Năm 545, Lương Vũ Đế lại sai Dương Phiêu làm Thứ sử Giao Châu, Trần Bá Tiên làm Tư mã sang đàn áp. Nhà Tiền Lý bại trận ở cửa sông Tô Lịch. Ông tử trận.




    5. Biến pháp định Nam phương, Bạch Liêu

    - Thời đại: Nhà Trần (Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông).

    - Chức vụ cao nhất lúc sinh thời: Trại Trạng nguyên, Chiêu Minh Đại Vương môn khách.

    - Công tích tiêu biểu:


    + Năm 1266, đỗ trạng nguyên năm 30 tuổi nhưng không ra làm quan mà ở quê phụng dưỡng cha mẹ. Được Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải mời làm môn khách, cương vị như quân sư. Ông đã đề ra kế hoạch gọi là "Biến pháp tam chương" giúp biến Hoan Diễn thành một hậu phương vững chắc, trù phú và giàu có, lương thực dư dả, lại có sẵn 10 vạn quân dự bị được luyện tập thường xuyên và sẵn sàng xung trận.

    + Năm 1271, Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải hồi kinh giao cho ông hỗ trợ quan viên triều đình tiếp tục thực hiện "Biến pháp tam chương".

    + Năm 1285, Toa Đô dẫn thủy quân Nguyên từ phía Nam tấn công Đại Việt. Ông liền viết tấu chương dâng cho vua Trần Nhân Tông phân tích tình hình chiến lược. Sau khi đọc xong tấu chương Trần Nhân Tông lệnh cho Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải tăng viện cho phía Nam. Ông trở thành quân sư cho lực lượng quân sự Đại Việt phía Nam và đã chặn đứng thế tiến công của quân Nguyên thành công, buộc chúng phải sa lầy ở chiến trường phía Nam.


    + Năm 1287, được phân công đi sứ dò xét nhà Nguyên. Sau về nước mở trường dạy học, bóc thuốc giúp dân.



    4. Công tâm thánh thủ, Nguyễn Ức Trai


    - Thời đại: Nhà Lê sơ (Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông).

    - Chức vụ cao nhất lúc sinh thời: Vinh lộc Đại phu Nhập nội Hành khiển tri Tam quán sự, Quan phục hầu.

    - Công tích tiêu biểu:

    + Năm 1400, đỗ Thái học sinh nhà Hồ năm 20 tuổi.


    + Năm 1407 - 1417, nhà Hồ mất, Nguyễn Trãi lênh đênh ở nơi chân trời góc biển, rồi du lịch qua Trung Hoa.

    + Năm 1418, khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ, Nguyễn Trãi về nước theo dõi tình hình.

    + Năm 1420, Ngô Từ dẫn Nguyễn Trãi đến yết kiến Lê Lợi, dâng "Bình Ngô sách", được Lê Lợi tán thưởng khen là hiểu binh pháp và tiếp nhận vào hàng ngũ nghĩa quân, làm Hàn lâm thừa chỉ học sĩ, soạn thảo giấy tờ, trong thì bàn kế hoạch ở nơi màn trướng, ngoài thì thảo văn thư dụ các thành. Nguyễn Trãi sử dụng kế dùng nước cơm trộn mật viết vào lá cây tám chữ Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần với ý đồ khiến kiến ăn mỡ khoét thành chữ trên mặt lá, rồi lá theo dòng nước trôi đi các ngả như tin báo từ trên trời xuống. Tuy vậy, một số tướng lĩnh khác phản đối nên Nguyễn Trãi đổi lại thành Lê Lợi vi quân, bách tính vi thần thế là tin Lam Sơn khởi nghĩa truyền đi khắp nơi.

    + Năm 1423, Lê Vận và Lê Trăn được Lê Lợi cử làm sứ giả, mang lễ vật là năm đôi ngà voi cùng thư do Nguyễn Trãi viết đi cầu hòa. Lời lẽ trong thư rất mềm dẻo, khôn khéo, tổng binh nhà Minh là Trần Trí chấp thuận ngay. Từ đó, mọi thư từ giao thiệp giữa quân Lam Sơn và quân Minh cũng như văn thư hiểu dụ các thành trì đều do một tay Nguyễn Trãi soạn thảo.

    + Năm 1427, Lê Lợi phong Nguyễn Trãi làm Triều liệt Đại phu Nhập nội Hành khiển Lại bộ Thượng thư, kiêm chức Hành Khu mật viện sự chuyên bàn luận quân cơ và thảo thư từ đi lại. Lê Lợi dẫn quân vây Đông Quan, Nguyễn Trãi hiến kế dựng Bách Tầng lâu để theo dõi động tĩnh thành Đông Đô. Quân Minh giả vờ giảng hòa để xin viện binh, Nguyễn Trãi bắt được thư cầu viện dâng lên, Lê Lợi nhận được thư liền cắt đứt hòa đàm, càn quét xung quanh thành Đông Quan, sau đó cho quân công thành. Nguyễn Trãi dâng kế viết thư chiêu hàng quân Minh ở thành Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa, Tam Giang thành công.

    + Cuối năm 1427, viện quân Minh kéo sang, Nguyễn Trãi hiến kế vây thành đánh viện binh. Lê Lợi đại thắng viện quân Minh ở ải Chi Lăng, chém đầu Liễu Thăng. Thừa thắng Lê Lợi đánh tan Mộc Thạch ở Cao Trại, Thủy Vĩ.

    + Quân Minh trong thành Đông Quan hay tin viện quân bị đánh tan thì hoang mang. Nguyễn Trãi vào tận thành Đông Quan khuyên Vương Thông đầu hàng. Vương Thông xin giảng hòa, Lê Lợi đồng ý. Nguyễn Trãi khuyên Lê Lợi không nên tàn sát hàng binh nhà Minh, Lê Lợi đồng ý và lệnh cho ông lập Hội thề Đông Quan, sau đó quân Minh rút về nước.

    + Năm 1428, Lê Lợi bức tử Trần Cảo, báo tang với nhà Minh. Sau đó Lê Lợi đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đặt quốc hiệu là Đại Việt, lấy Đông Kinh làm thủ đô, xưng là Thuận Thiên Thừa Vận Duệ Văn Anh Vũ Đại Vương, hiệu là Lam Sơn động chủ, sử gọi là Thái Tổ Cao Hoàng đế, dựng lên nhà Lê. Lê Lợi đại xá thiên hạ, giao cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo để bố cáo với cả nước về việc chiến thắng quân Minh.

    + Năm 1429, được phong Vinh lộc Đại phu Nhập nội Hành khiển tri Tam quán sự tước Á hầu. Phụng lệnh viết hai bản lời thề ước trước và lời thề nhớ công của Lê Lai, để trong hòm vàng.

    + Năm 1433, phụng lệnh Lê Thái Tông soạn văn bia Vĩnh Lăng thần đạo bi .

    + Năm 1434, Nguyễn Trãi soạn tờ tâu để sứ thần mang sang đưa lên vua Minh, bị quan viên nhà Lê phản đối, trách cứ và đòi sửa chữa. Nguyễn Trãi kiên quyết giữ chủ kiến của mình, cuối cùng Lê Thái Tông nhượng bộ, vẫn theo như bản tâu của ông, không thay đổi.

    + Năm 1435, ông tranh cãi với Lê Sát và Lê Ngân về việc xử lý bảy tên ăn trộm ít tuổi can tội tái phạm. Ông khuyên Lê Thái Tông nên nhân nghĩa, nhưng khi Lê Sát và Lê Ngân đề nghị ông dùng nhân nghĩa cảm hóa kẻ trộm thì ông từ chối. Cuối cùng xử chém 2 tên, còn lại thì xử đi đày.

    + Năm 1435, Nguyễn Trãi dâng lên Lê Thái Tông sách Dư địa chí, trong đó ông ghi chép khá đầy đủ về bờ cõi hành chính nước Đại Việt. Tháng 6, Nguyễn Trãi và một số viên quan khác được tiến cử vào dạy học cho Lê Thái Tông ở tòa Kinh Diên nhưng vua Lê Thái Tông không chấp thuận.

    + Năm 1437, vua Lê Thái Tông lệnh Nguyễn Trãi cùng với Lương Đăng sửa định nhã nhạc và quy chế lễ nghi trong triều đình. Nguyễn Trãi đã dâng lên bản vẽ khánh đá và biểu tâu, vua Thái Tông khen ngợi và tiếp nhận. Tháng 5, Lương Đăng dâng sớ thư về quy chế có nhiều ý kiến khác với Nguyễn Trãi ở những chỗ bàn về số lượng, trọng lượng các nhạc khí. Vua Thái Tông lựa chọn đề nghị của Lương Đăng, nên Nguyễn Trãi tâu xin trả lại việc đã được giao phó. Tháng 11, vua Lê Thái Tông cho ban bố các nghi thức lễ đại triều do Lương Đăng soạn định với triều đình, Nguyễn Trãi cùng một nhóm văn thần dâng sớ phản đối, nhưng không có kết quả.

    + Năm 1438, Nguyễn Trãi xin về hưu trí ở Côn Sơn.

    + Năm 1439, Lê Thái Tông mời ông ra làm quan, ban cho chức tước là Vinh lộc Đại phu, Nhập nội Hành khiển Môn hạ sảnh Tả ty Hữu Gián nghị Đại phu kiêm Hàn Lâm viện Học sĩ Tri Tam quán sự Đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự. Nguyễn Trãi nhận mệnh vua, dâng biểu tạ ơn với sự hả hê thấy rõ.

    + Năm 1442, Nguyễn Trãi với danh nghĩa là Hàn Lâm viện Học sĩ kiêm Tri Tam quán sự ra làm Giám khảo khoa thi Hội. Tháng 9, xảy ra vụ án Lệ Chi Viên. Triều đình qui tội Nguyễn Thị Lộ giết vua, bèn bắt bà và Nguyễn Trãi, khép hai người vào âm mưu giết vua. Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc.



    3. Nhất thống giang sơn, Đặng Đức Siêu


    - Thời đại: Nhà Nguyễn (Gia Long).

    - Chức vụ cao nhất lúc sinh thời: Phụ đạo hoàng tử, Thượng thư bộ Lễ.

    - Công tích tiêu biểu:

    + Năm 1775, đỗ cử nhân và được bổ làm quan ở Hàn Lâm Viện lúc 16 tuổi. Quân Trịnh chiếm Phú Xuân, Đặng Đức Siêu về ở ẩn, mở lớp dạy học. Quan của chúa Trịnh ở Phú Xuân, khi đọc những áng thơ văn của ông, rất cảm phục và quý trọng đã mời ông, nhưng ông không đến.

    + Năm 1786, Nguyễn Huệ chiếm giữ Phú Xuân, biết ông là danh sĩ liền sai người đến triệu kiến, muốn bổ cho ông làm quan, Đặng Đức Siêu giữ nghĩa với chúa Nguyễn nên không đầu quân, viện cớ bị ốm. Nguyễn Huệ sai người đi bắt, ông trốn về Bình Định. Cha con Nguyễn Nhạc nhiều lần tìm gặp nhưng ông cũng không trình diện. Nghe danh tiếng Đặng Đức Siêu, Nguyễn Phúc Ánh cho người tìm ông, nhưng tình hình lúc đó đi lại khó khăn nên nhất thời khó mời ông vào Gia Định được.

    + Năm 1798, Đặng Đức Siêu mới vào Nam yết kiến Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh. Ông đã dâng lên Nguyễn Vương kế sách Bình Tây phương lược . Nguyễn Vương khen ngợi nghe theo và nói rằng: "Ta mong ngươi từ lâu, ngươi đến sao muộn thế". Nguyễn Vương giao cho Đặng Đức Siêu chức Giám quân, ông không dám nhận và xin giữ chức Hàn Lâm như từng giữ dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thuần. Vua cho rằng chức Hàn Lâm phẩm trật thấp kém, không thể làm việc được, rồi giao cho ông chức Tham mưu ở Trung doanh để bàn tính việc quân.

    + Năm 1799, Đặng Đức Siêu giúp Nguyễn Vương vạch kế hoạch mở chiến dịch Bắc phạt lần 4, đánh chiếm thành công thành Quy Nhơn đổi tên thành Bình Định thành. Nguyễn Vương muốn thu thuế ở Bình Định, Đặng Đức Siêu không tán thành và khôn khéo đưa ra nhiều chính sách, chủ trương cùng với Nguyễn Vương bồi dưỡng, khoan dung sức dân, để lôi kéo dân chúng về phía Nguyễn Vương. Nguyễn Vương nghe theo và bãi bỏ việc đánh thuế thân ở Bình Định.

    + Năm 1800, Đặng Đức Siêu vạch kế hoạch giúp Nguyễn Vương giải vây cho thành Bình Định.

    + Năm 1801, thủy quân Tây Sơn trấn giữ cửa biển Thị Nại hỗ trợ cho bộ binh vây thành Bình Định. Thủy quân Nguyễn số lượng kém hơn rất nhiều, Nguyễn Vương lưỡng lự không quyết, Đặng Đức Siêu sau khi xem xét tình thế đã hiến kế hỏa công nhằm đánh bại, tiêu diệt toàn bộ thủy quân Tây Sơn ở Thị Nại. Kết quả thủy quân Nguyễn chiến thắng và nắm giữ thế chủ động tuyệt đối trên biển.

    + Tuy thủy quân Tây Sơn bị bại trận nhưng bộ binh Tây Sơn vẫn rất mạnh và tăng cường bao vây thành Bình Định. Đặng Đức Siêu sau khi xem xét tình hình đã hiến kế cho Nguyễn Vương dẫn quân Bắc tiến mở chiến dịch chiếm Thuận – Quảng. Nguyễn Vương sau khi có được hồi âm của Võ Tánh đã quyết định thực hiện chiến dịch Thuận – Quảng, đánh chiếm thành công Phú Xuân.

    + Năm 1802, sau khi đã khôi phục quyền làm chủ gần như toàn bộ lãnh thổ xứ Nam Hà, Nguyễn Vương lưỡng lự Bắc tiến do lo ngại vấn đề chính thống của nhà Lê và sự phản kháng các sĩ phu Bắc Hà cựu thần nhà Lê. Đặng Đức Siêu đã phân tích tình hình, nêu rõ nhà Lê đã bị chấm dứt bởi nhà Tây Sơn và đề nghị Nguyễn Vương lên ngôi vua vừa tránh mang tiếng phù Lê vừa có được tính chính thống. Nguyễn Vương nghe theo, liền đăng cơ lấy hiệu là Gia Long, bố cáo thiên hạ, sau đó Bắc tiến quét sạch nhà Tây Sơn.

    + Năm 1803, Đặng Đức Siêu được phụ trách lễ tấn phong Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu.

    + Năm 1805, Đặng Đức Siêu được giao nhiệm vụ dạy dỗ Hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (vua Minh Mạng sau này).

    + Năm 1807, được giao nhiệm vụ soạn sách về gia phả, gốc tích của hoàng tộc Nguyễn Phúc.

    + Năm 1809, được phong Thượng thư bộ Lễ.


    + Năm 1810, ông qua đời.



    2. Rạch đôi sơn hà, Đào Duy Từ


    - Thời đại: Chúa Nguyễn Nam Hà (Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên).

    - Chức vụ cao nhất lúc sinh thời: Nha úy Nội Tán, Lộc Khuê Hầu.

    - Công tích tiêu biểu:

    + Năm 1593, đỗ á nguyên khoa thi Hương năm 21 tuổi. Đến kỳ thi Hội ông bị đánh rớt vì dùng tên giả, lý do vì xuất thân là con cái kép hát, không được phép dự thi, không được làm quan. Bộ Lễ đã đưa chứng cứ và truyền lệnh xóa tên, đánh tuột á nguyên, lột mũ áo vì tội đổi họ, man khai lý lịch, bị gạch tên và đuổi về quê. Mẹ ông hay tin tự vẫn, ông hay tin đau buồn lâm bệnh nặng, nằm lại tại nhà.

    + Nguyễn Hoàng từ Thuận Hóa về Đông Đô bàn việc, đến nhà đồng liêu nghe sự việc của Đào Duy Từ liền hiếu kỳ tìm đọc bài thi của Đào Duy Từ. Sau khi đọc bài thi của Duy Từ, Nguyễn Hoàng biết đây là nhân tài có thể thu dụng nên âm thầm giúp đỡ tài chính chạy chữa cho Đào Duy Từ. Đào Duy Từ khỏi bệnh, Nguyễn Hoàng đến thăm, Đào Duy Từ ngầm chấp nhận Nguyễn Hoàng là người mình phò tá và đưa ra sách lược quân sự tương lai cho Nguyễn Hoàng. Nguyễn Hoàng hiểu ý và muốn Đào Duy Từ tìm cơ hội vào Nam, đồng thời dặn dò nếu mình mất thì mong Đào Duy Từ phò tá con mình.

    + Năm 1625, Đào Duy Từ đến Nam Hà năm 53 tuổi. Ông đến nương náu và làm thư đồng cho một bá hộ trong vùng. Nhân dịp thích hợp ông bại lộ tài năng của mình, bá hộ liền tiến cử với Hoài Nhơn Khám lý Trần Đức Hòa là người có mưu trí được chúa Nguyễn tin dùng. Trần Đức Hòa thấy Duy Từ có tài học rộng, ông mời về dạy học rồi gả con gái Trần Kim Nương cho. Sau khi được đọc tập Ngọa Long Cương Vãn của Đào Duy Từ, thấy được tầm nhìn và ý chí của ông, Trần Đức Hòa đã tiến cử Đào Duy Từ với chúa Sãi. Chúa Sãi nhận ra đây là người có chí lớn liền cho gọi ông đến. Trong lần gặp gỡ này, Đào Duy Từ cao đàm hùng luận, tỏ ra rất am hiểu việc đời, thời thế. Chúa mừng lắm, phong cho ông làm Nha úy Nội tán, trông coi việc quân cơ, tham lý quốc chính.

    + Đào Duy Từ soạn ra "Hổ trướng khu cơ" để dạy các tướng sĩ của xứ Nam Hà. Khác hẳn với nhiều cuốn binh pháp, hổ trướng khu cơ được biên soạn thiên về mặt thực hành hơn là mặt lý luận quân sự và được viết theo quan điểm cổ truyền của thuyết Tam Tài "Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa" gồm Tập thiên, Tập địa, Tập nhân. Chủ yếu trình bày về phương pháp, kỹ chiến thuật đánh trận và kỹ thuật chế tạo binh khí, phản ánh nhiều vấn đề cơ bản của truyền thống quân sự Việt Nam.

    + Năm 1627, Đào Duy Từ khuyên chúa Sãi che giấu lực lượng và tạm nhận phong để hòa hoãn với chúa Trịnh, đồng thời hiến kế cho chúa Sãi không thực hiện cho con ra Bắc chầu, nộp cống 30 voi đực và 30 chiến thuyền để đi cống nhà Minh, rồi bày kế cho chúa Nguyễn đắp hệ thống lũy Trường Dục để phòng thủ.

    + Năm 1630, Đào Duy Từ thấy thời cơ thuận lợi, bấy giờ mới dâng kế với Chúa Sãi trả lại sắc phong cho nhà Lê – Trịnh, rồi cử sứ giả mang ra Thăng Long, để tạ ơn vua Lê, chúa Trịnh. Sau khi dò la biết được Đào Duy Từ bày mưu cho chúa Nguyễn, chúa Trịnh tiếc người tài, tìm cách lôi kéo ông theo về với triều đình Lê - Trịnh, nhưng Đào Duy Từ đã từ chối. Khi Đào Duy Từ đang cho quân đắp lũy Trường Dục thì quân Lê - Trịnh tiến đánh. Quân Nguyễn chiến đấu anh dũng, đánh bại binh lính Trịnh.

    + Năm 1631, Đào Duy Từ đề nghị Chúa Sãi tiếp tục đắp thêm lũy Thầy. Tháng 9, ông hiến kế đưa quân tiến công vào châu Nam Bố Chánh và giành được thắng lợi. Đào Duy Từ tiến cử các danh tướng Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật cho Chúa Sãi.

    + Năm 1634, ông mất.



    1. Tam phân thiên hạ, Trình Quốc Công


    - Thời đại: Nhà Mạc (Mạc Thái Tông, Mạc Hiến Tông).

    - Chức vụ cao nhất lúc sinh thời: Thái phó, Trình Quốc Công.

    - Công tích tiêu biểu:

    + Năm 1509, lúc 18 tuổi ông theo học Lại Bộ Thượng thư Lương Đắc Bằng đã về hưu, chẳng bao lâu đã trở thành học trò xuất sắc nhất của người thầy họ Lương.

    + Năm 1522, trước khi qua đời, Lương Đắc Bằng đã trao lại cho Nguyễn Bỉnh Khiêm bộ sách quý về Dịch học là Thái Ất thần kinh đồng thời ủy thác người con trai Lương Hữu Khánh của mình cho Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy dỗ. Nhờ "Thái ất thần kinh" nên Nguyễn Bỉnh Khiêm tinh thông về lý học, tướng số, có thể tiên đoán được biến cố trước và sau 500 năm. Ông tiếp tục việc truyền dạy học trò, chứ nhất định không chịu ra thi làm quan.

    + Năm 1530 - 1535, sau khi đã theo dõi một thời gian dài cùng với sử dụng Thái Ất thần kinh để tiên đoán, cuối cùng ông đã lựa chọn nhà Mạc để phò tá, ông đi thi và đỗ trạng nguyên thời Mạc Thái Tông, lúc này ông đã 45 tuổi.

    + Năm 1541, Mạc Thái Tông mất, kết thúc giai đoạn được coi là thịnh trị nhất dưới triều Mạc. Mạc Hiến Tông còn ít tuổi lên thay vua cha nhưng chưa đủ năng lực điều hành chính sự, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dâng sớ trị tội 18 lộng thần nhưng không được chấp thuận.

    + Năm 1542, ông từ quan. Đến khi lui về quê, ông đã dựng am Bạch Vân hay Bạch Vân thư viện, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ, lập quán Trung Tân, làm cầu Nghinh Phong, Trường Xuân cho dân qua lại thuận tiện và mở trường dạy học bên cạnh sông Tuyết (hay sông Hàn) ở quê nhà. Vì vậy, sau này, các môn sinh tôn ông là "Tuyết Giang phu tử". Học trò được ông đào tạo thời kỳ này có rất nhiều người nổi tiếng như Lương Hữu Khánh, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ, Trương Thời Cử, Đinh Thời Trung, Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Quyện, Lê Khắc Thận.. Triều đình nhà Mạc vẫn thường xuyên cho người về thăm viếng và tham vấn kế sách của ông trên nhiều lĩnh vực quốc gia. Ông tuy ở nhà, nhưng vua Mạc tôn như bậc Thầy, khi trong nước có việc quan trọng vẫn sai sứ đến hỏi ông. Có lúc triệu ông về Kinh hỏi mưu kế lớn. Ông chủ yếu làm quan tại gia, đóng vai trò cố vấn từ xa cho vua và chỉ về triều khi cần bàn việc chính sự hay theo xa giá nhà vua đi dẹp loạn.

    + Năm 1544, Mạc Hiến Tông cho người về quê phong tước Trình Tuyền Hầu cho ông, rồi sau lại thăng ông lên chức Thượng thư bộ Lại, Thái phó, tước Trình Quốc Công.

    + Năm 1548, Lê Trang Tông mất. Đại thần nhà Lê bàn định xem nên lập ai, nhưng chưa quyết được, Trịnh Kiểm mới sai Phùng Khắc Khoan đến hỏi (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Ông không đáp và bảo người nhà rằng: Năm nay đã mất mùa, thóc giống xấu, sao không mau tìm thóc giống cũ mà đem gieo trồng cho kịp thời vụ . Bề tôi nhà Lê suy ý lời nói ấy, bèn quyết kế rước lập vua Lê Trung Tông. Để rồi lịch sử Việt Nam đã phát triển theo một chiều hướng chưa từng thấy trong lịch sử phong kiến: Thời kỳ "nhị thống" mà về sau sử thường gọi là "vua Lê chúa Trịnh", "Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong".

    + Năm 1550, xảy ra binh biến ở trại Hồng Mai, tình thế diễn ra quá nhanh, khó lường làm cho Nguyễn Thiến – Lê Bá Lý không kịp hỏi kế Nguyễn Bỉnh Khiêm mà đã dẫn văn quan võ tướng cùng 1 vạn 4000 quân bản bộ vào hàng nhà Lê – Trịnh, gây tổn hại cực lớn cho nhà Mạc. Nguyễn Bỉnh Khiêm biết tin đã muộn, chỉ còn cách viết thư khuyên giải Nguyễn Thiến, làm Nguyễn Thiến bức rứt, hối hận.

    + Năm 1551, Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng các bạn trí thức đồng liêu triều Mạc như Vũ Cán, Nguyễn Mậu đi tòng chinh cùng Mạc Kính Điển dẹp loạn Phạm Tử Nghi ở vùng núi Tây Bắc.

    + Năm 1555, Đoan quận công Nguyễn Hoàng nghĩ đến anh mình là Tả tướng Lãng quận công Nguyễn Uông nổi loạn đòi quyền bính bị Thái sư Lượng quốc công Trịnh Kiểm xử tử năm 1549. Sau khi bàn mưu với cậu là Nguyễn Ư Dĩ, Nguyễn Hoàng ngầm sai sứ giả tới hỏi Trạng Trình. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn cái núi non bộ ở trước sân mà ngâm lớn rằng: Hoành sơn nhất đái, khả dĩ dung thân, nghĩa là: Một dải núi ngang có thể dung thân được. Khi sứ giả về thuật lại câu ấy, Nguyễn Hoàng hiểu ý và chuẩn bị kế hoạch để thi hành.

    + Năm 1556, Lê Trung Tông mất. Trịnh Kiểm muốn làm vua nhưng còn sợ dư luận, nên sai Phùng Khắc Khoan đến Hải Dương dò hỏi ý khiến Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông không đáp và nói với chú tiểu, nhưng thực ra là nói với Phùng Khắc Khoan: "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản". Hiểu ý, sau đó Trịnh Kiểm tìm con cháu họ Lê, đưa lên làm vua, tức là Lê Anh Tông.

    + Năm 1557, Nguyễn Thiến – Lê Bá Lý mất. Con Nguyễn Thiến là Nguyễn Quyện và Nguyễn Miễn làm đại tướng trấn thủ giao giới hai quân Lê – Trịnh và Mạc. Vua Mạc Tuyên Tông biết Nguyễn Quyện là tướng tài, luôn lập được chiến công nên lấy làm lo ngại phải hỏi kế của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã xin vua Mạc mang theo một trăm tráng sĩ sai đi phục sẵn ở bờ bắc và gửi thư mời anh em Nguyễn Quyện vốn là học trò cũ sang bên thuyền để cùng uống rượu, nói chuyện tâm tình. Tháng 8, Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn nghe theo lời Nguyễn Bỉnh Khiêm, trốn về với nhà Mạc. Mạc Kính Điển gả con gái Ngọc Tỷ cho Nguyễn Quyện và Ngọc Điểm cho Nguyễn Miễn; Mạc Tuyên Tông phong cho Nguyễn Quyện tước Văn Phái hầu, Nguyễn Miễn làm Phù Hưng hầu. Nguyễn Quyện trở thành danh tướng của nhà Mạc.

    + Năm 1558, Nguyễn Hoàng thành công được cử vào trấn giữ Thuận Hóa, tạo tiền đề cho thế chân vạc Tam triều sau này. Nguyễn Hoàng còn đem theo những đàn dê, việc này do chính Nguyễn Bỉnh Khiêm đề nghị. Dê là con vật độc đáo, không những có giá trị y thực phục vụ sức khỏe cho dân chúng, mà còn rất tiện ích cho hậu cần quân sự. Dê dễ nuôi, có thể dẫn các đàn dê theo quân, khi có chiến sự chúng ở đâu nằm im ở đó không chạy nhặng xị như trâu bò gà vịt, lại dễ phân phối trong quân, một con dê có thể phục vụ gọn bữa ăn cho một "tiểu đội".

    + Năm 1559 – 1561, Trịnh Kiểm nhân danh vua Lê mở chiến dịch Bắc phạt tấn công nhà Mạc liên tiếp thắng lợi, Thăng Long bị bao vây từ các hướng Tuyên Quang – Lạng Sơn – Thái Nguyên, tình thế nhà Mạc vô cùng nguy cấp. Tháng 7, Nguyễn Bỉnh Khiêm hiến kế "Vây Ngụy cứu Triệu" cho vua Mạc: Dùng cách cầm cự với quân Nam triều chờ cho họ hết lương là sai lầm, vì đường vận tải của họ thuận tiện, đã đóng quân hai năm nay. Chi bằng xuất kỳ bất ý đánh vào Thanh Hoa, thì họ sẽ tự rút quân về . Vua Mạc nghe theo liền cho thủy binh đánh vào cửa biển, hòng cướp Thanh Hóa. Các tướng Nam triều hoảng hốt, vội rút quân về giữ sách Vạn Lại; Trịnh Kiểm điều quân về trấn thủ Thanh Hóa. Tháng 9, quân Mạc đánh vào cửa An Trường, sắp tới sách Vạn Lại, quân Nam triều dùng phục binh đánh bại quân tiên phong, quân Mạc lại nghe tin viện quân Lê – Trịnh sắp về, liền rút quân về Bắc. Trịnh Kiểm cũng rút hết quân, lui về Thanh Hóa. Chiến lược này vẫn được nhà Mạc vận dụng khi đối đầu với quân Lê – Trịnh vào năm 1565, khiến cho quân Lê – Trịnh vừa đánh xong thì phải rút về hậu phương không dám chiếm đóng vào các năm 1566, 1568.

    + Năm 1561, ông theo quân đội nhà Mạc làm Tham tán quân cơ đi dẹp loạn ở miền Tây (Hưng Hóa, Tuyên Quang) lúc 70 tuổi. Sau đó ông từ quan nhưng cuối cùng vẫn quay lại giải quyết công việc cho nhà Mạc.

    + Năm 1562, ông thực sự treo ấn từ quan, tiếc nuối về nghỉ và tiếp tục mở trường học ở quê nhà khi đã ngoài 73 tuổi. Triều đình nhà Mạc vẫn thường xuyên đến tham vấn ý kiến của ông về việc quốc sự.

    + Năm 1564, nhận thấy nguy cơ diệt vong của nhà Mạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm dẫn mối cho cuộc hôn nhân của Mạc Cảnh Huống - con út của Mạc Thái Tông và Nguyễn Thị Ngọc Dương - em gái của phu nhân Đoan quốc công Nguyễn Hoàng. Và như vậy, Mạc Cảnh Huống và Nguyễn Hoàng là anh em đồng hao với nhau, tạo dựng mối liên hệ giữa nhà Mạc và chúa Nguyễn Nam Hà, dựng cơ đồ lâu dài cho họ Mạc trên dải đất phương Nam trong thế đối chọi với nhà Lê-Trịnh ở phía Bắc.

    + Năm 1568, Nguyễn Bỉnh Khiêm hiến kế cho Mạc Cảnh Huống cùng gia quyến vào Thuận Hóa phò tá Nguyễn Hoàng. Sau này Mạc Cảnh Huống trở thành chỉ huy tối cao của quân đội Nam Hà, là người vạch ra chiến lược quân sự để chống quân Trịnh ở phía Bắc và bình định Chiêm Thành ở phương Nam.

    + Năm 1585, ông mất. Trước khi qua đời, ông còn dâng sớ gởi lên vua Mạc: ".. Thần tính độ số thấy vận nước nhà đã suy, vận nhà Lê đến hồi tái tạo, ý trời đã định, sức người khó theo. Song nhân giả có thể hồi thiên ý, xin nhà vua hết lòng tu nhân phát chính, lấy dân làm gốc, lấy nước làm trọng, trong sửa sang văn trị, ngoài chuyên cần võ công, may ra giữ được cơ nghiệp tổ tiên, thì thần chết cũng được thỏa lòng". Lúc ông sắp mất, vua Mạc sai người đến hỏi ông kế sách cho tương lai, ông khuyên vua tôi nhà Mạc "Cao Bằng tuy thiển, khả diên số thể" (tức Cao Bằng tuy nhỏ, nhưng có thể giữ được). Đích thân vua đề chữ lên biển gắn trước đền thờ là "Mạc Triều Trạng nguyên Tể Tướng Từ".

    Trên đây là mười vị mưu sĩ theo cảm nhận của tôi là có công tích ấn tượng nhất. Ngoài ra còn có một số vị mưu sĩ khá thú vị nhưng tôi đắn đo không đưa vào như: Ngạo khí sinh họa Đặng Trần Thường, Ngoại giao trí sĩ Ngô Thì Nhậm, Đinh triều Minh Tự khanh Trình Minh, Si tình mưu sĩ Phùng Tá Chu, Kiêu tướng tất tử Đoàn Nhữ Hài, Oan khuất nghìn thu Nguyễn Cảnh Chân, Mạc triều mưu sĩ Lê Bá Ly, Lĩnh Nam nữ quân sư Xuân Nương..

    Tôi đang có một số dự án có liên quan đến danh nhân lịch sử. Kính mong các bạn gần xa cho ý kiến đóng góp. Nếu có nhân tuyển thích hợp hơn, đề nghị các bạn cùng nêu ra để chúng ta cùng trao đổi, dĩ nhiên là đặt nặng chữ "mưu" lên trước nhé các bạn.

    Theo: Phat Nguyen
     
  2. Serena Azure

    Bài viết:
    339
    Tác giả viết bài này hẳn là yêu thích lịch sử Việt Nam lắm nè.

    Nhưng mình không hiểu lắm dụng ý của tác giả khi chọn kiểu chữ nghiêng ở một vài chỗ. Ví dụ câu: "Thuở trẻ, ông đến kinh đô Kiến Khang nhà Lương ứng thí vượt quan khảo hạch nhưng bị coi thường. Phẫn nỗ ông hồi hương và kết bạn với Lý Bí cũng vừa từ bỏ chức Giám quân ở châu Cửu Đức."

    Có người thì các mốc thời gian trong đời được in nghiêng, nhưng cũng có người không.

    Đọc qua thì thấy đại ý là tác giả muốn nhấn mạnh những ý quan trọng trong cuộc đời của thập đại mưu sĩ, nhưng những chỗ này hơi rối mắt: >

    Trong danh sách này, 9 danh nhân ở trên được liệt kê theo "số thứ tự, điểm nổi bật, tên" nhưng Trạng Trình lại ghi theo chức vụ cao nhất mà không phải ghi tên, lạ nhỉ.
     
    Đinh Văn Cầu thích bài này.
  3. Banned

    Bài viết:
    16
    Bài viết này mình đọc được trong một nhóm trên facebook, vì mình thấy rất hay nên chia sẻ lên đây cho mọi người cùng đọc. Mình giữ nguyên các chỗ in nghiêng với chỗ Trình Quốc Công để thể hiện sự tôn trọng nguyên tác, có thể đó là dụng ý của tác giả chăng. ^^
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...