Tản Văn Thành Phố Sương Mù - Sai Nguyễn

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Sai Nguyen, 9 Tháng mười hai 2020.

  1. Sai Nguyen

    Bài viết:
    177
    Thành phố sương mù

    [​IMG]

    Tác giả: Sai Nguyễn

    Thể loại: Tản văn

    Link Thảo luận - Góp ý: [Thảo Luận - Góp Ý] Các Tác Phẩm Sáng Tác Của Sai Nguyễn

    Lời đề tựa: Hai mươi tuổi tôi bỏ lại tương lai rộng mở và công việc triển vọng để một mình lên máy bay rời khỏi Việt Nam. Ở cái thời điểm ấy, cô gái trẻ trong tôi mang theo hành trang là những vết thương lòng chằng chịt của một ước mơ dang dở cùng vài mối tình chóng vánh. Quyết định đi du học với tôi chính là một giải pháp để trốn chạy khỏi hiện thực tàn nhẫn và những lời dèm pha ở Việt Nam. Trên chuyến bay dài mười tám tiếng đồng hồ, hi vọng duy nhất trong tôi chính là tìm kiếm một cuộc sống mới, nơi không có ai biết về tôi.

    Cũng giống như tất cả những người Việt Nam xa xứ, hành trình mười năm ở xứ người đối với tôi không hề dễ dàng, cũng không mang màu hồng như nhiều người tưởng tượng. Ở cái xứ này, cuộc sống của con người cũng mang cái màu ảm đạm như màn sương mù xám xịt bao phủ mỗi nóc nhà vào tiết đầu thu, mỗi hạt mưa rơi rơi đều có thể thành công khiến lòng tôi trở nên buồn mang mác.
     
    Chỉnh sửa cuối: 30 Tháng mười hai 2020
  2. Đăng ký Binance
  3. Sai Nguyen

    Bài viết:
    177
    Phần 1: Chia tay

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Căn phòng đó vẫn thế, chật chội, ẩm thấp nhưng sạch sẽ và gọn theo một cái trật tự đủ để có thể chấp nhận của một người đàn ông độc thân. Lần đầu tiên tới đây tôi đã thực sự nhăn nhó vì nó còn chẳng có một cái giường cho tử tế, tường nhà loang lổ màu sắc vì bị sơn một cách cẩu thả, chỉ có duy nhất một cái bàn và tất cả vật dụng đều bày trên khung cửa sổ trổ rộng ra ngoài ban công. Nhưng anh thích như vậy và thậm chí còn tự hào về những hình họa méo mó trên tường, không có giường vì nằm dưới đất thật là tiện. Nếu anh thích có thể dọn hết chăn đệm và thế là sẽ có không gian thoải mái để sáng tạo. Theo một logic vô hình nào đó, những người đàn ông đến với tôi đều hồn nhiên vô tư và thỏa mãn với cách sống của mình như vậy, họ thẳng thắn, không giả tạo vì thế họ đào hoa và các mối quan hệ luôn kết thúc trong tình trạng tôi bị cắm sừng. Nhưng ít ra lần này, tôi lại đi cắm sừng người khác và tôi thấy tội nghiệp cho cô người yêu bé nhỏ đang đợi anh ở Nepal.



    Thở dốc trong sự mệt mỏi của cơ bắp, tôi nhìn giọt mồ hôi của anh sáng lên nơi đầu ngón tay. Thật lạ, hình như tất cả những cái gì trong giờ phút cuối cùng đều có vẻ đẹp riêng của nó. Cố hít thật sâu để ngăn mình không khóc. Lần cuối cùng rồi đấy!

    Chúng tôi đến với nhau hoàn toàn là do nhu cầu của hai con người cô đơn ở một thành phố xa lạ, chẳng cần vật chất, chẳng cần xa hoa. Một chai rượu vang rẻ tiền và ghế đá lề đường trong đêm giao thừa là đủ. Lần thứ hai hẹn hò anh thú nhận với tôi anh còn có người yêu ở Nepal, chẳng hiểu sao tôi vẫn chấp nhận điều đó. Ai cần biết anh có ai và ai đợi anh, trong giây phút đó, anh là của tôi thế là đủ. Chúng tôi chỉ ở đây một năm rồi ai lại về nơi chốn của riêng người đấy, đâu cần thiết lâu dài và bản thân tôi cũng không thích các mối quan hệ lâu dài.

    Nhưng lần này, ông trời đã dậy tôi bài học về cái giá của sự hời hợt. Tôi cũng bị rơi vào cái vòng xoáy của bản tính đàn bà. Khi đã quá gần gũi một người đàn ông thì tự thân cô ta sẽ nuôi lớn tình cảm với người đó. Mà tình cảm lần này nó lớn tới mức tôi muốn chiếm hữu tất cả, chả chừa lại cái gì cho ai. Lẽ dĩ nhiên là người như anh sẽ bỏ chạy và cái tôi to đùng của tôi cũng muốn bỏ chạy, nhưng mà chạy ngược chiều với anh.

    – Em lại nghĩ gì đấy. Không ngủ à.

    – Ai có tư cách nói em ngủ muộn chứ anh thì không nhé. Ai đang thức muộn chat chit với bạn gái kia.

    – Chỉ là chào buổi sáng thôi. Và cô ta sẽ chúc anh ngủ ngon.

    – Người như anh rồi sẽ bị quả báo.

    – Nếu em không nói và anh không thú nhận thì cả đời cô ta cũng không biết.

    – Em không có rỗi hơi, bỏ anh rồi em còn bận hẹn hò người khác. Nhưng con gái không ngu như anh tưởng đâu.

    – Anh biết, em đã từng kể em cũng đã trải qua tình huống của cô ta còn gì.

    – Vì thế nên em chẳng ghét cô ta, về căn bản, không có lý do gì để bọn em làm phiền cuộc sống của nhau chỉ vì anh cả. Nên việc giữa hai người thì hai người tự giải quyết ở Nepal, em vô can.

    Từ sau khi anh thú nhận về cô bạn gái, câu chuyện về chủ đề này của chúng tôi luôn diễn ra như vậy. Tôi cố tỏ ra thờ ơ về sự hiện diện của cô ta nhưng thành thực mà nói, chẳng ai chịu nổi khi cứ vào facebook là lại thấy thư tình qua lại của hai người rành rành trên page của anh. Công nghệ thông tin mang lại cho con người rất nhiều tiện ích nhưng nó cũng có cái bất tiện vô cùng nực cười là thế.

    – Em vừa ngáy đấy. – Hơi thở anh kề sát vành tai tôi. - Trời cũng đã tờ mờ sáng mà cũng đến giờ anh phải đi ngủ.

    – Lần nào đến đây em chẳng ngáy, anh vẫn ngạc nhiên thế cơ à. – Tôi nói trong cơn buồn ngủ, vòng tay anh choàng ôm tới, cái lạnh nhè nhẹ khiến tôi rùng mình. – Tay anh lạnh quá thể.

    – Có mỗi một cái chăn thì em đắp mất rồi, anh phải ngồi chịu lạnh mà chat chứ sao. – Anh vừa nói vừa khịt mũi rồi rúc sâu vào trong chăn. Những lúc thế này, dường như chẳng còn khoảng cách nào giữa hai con người. Nó dễ khiến người ta bị ảo tưởng rồi quên hết nghi kỵ, ghen tuông hay giận hờn trách móc. Nhưng mà về căn bản, cũng là lần cuối cùng của chúng tôi rồi. Có thế thôi.

    * * *

    – Chào buổi sáng. – Tôi tỉnh dậy đã thấy anh nhìn mình.

    – Sao em vẫn ngủ ngon thế nhỉ? – Anh nhíu nhíu lông mày.

    – Chăm êm, đệm ấm, lao động mệt mỏi thì ngủ phải ngon chứ sao. Anh lại không ngủ à?

    – Đưa em về xong anh ngủ cũng được, đằng nào hôm nay anh cũng không phải đi làm.

    – Thích thế, hôm nay em phải đi làm. – Tôi dụi dụi mắt rồi rúc sâu vào lòng anh. Tôi thích cảm giác được người khác ôm, tôi thấy mình nhỏ bé, có quyền được làm nũng và đỏi hỏi.

    – Thế dậy đi còn gì, em định ngủ tiếp à.

    – Mới có 7 giời, 11 giờ em làm, 9 rưỡi đi là ổn, còn 2 tiếng để ngủ tiếp.

    Anh không nói gì, chỉ cười rồi vuốt vuốt tóc tôi. Không phải kiêu ngạo nhưng tôi biết anh thích mái tóc dài của tôi, anh hay nghịch và làm đủ trò khiến nó rối tung rồi lại tỷ mẩn vuốt lại cho thẳng. Anh bảo, ở nước anh hầu hết phụ nữ đều có mái tóc xoăn hoặc gơn sóng chứ chẳng mấy ai suông thằng. Biết là anh nói dối, nhưng ai được khen mà chẳng thích nên tôi cũng mặc kệ.

    * * *

    Đường từ nhà anh ra bến xe bus phải đi qua một kênh đào, chúng tôi quen nhau từ đợt tuyết đầu mùa đông, lúc con kênh còn lạnh lẽo và ảm đạm. Giờ thì đã giữa xuân, hoa mọc khắp dọc đường, những bông bồ công anh nở sỡm cũng đã bắt đầu gieo hạt. Những cánh ô gió nhỏ xinh bay xung quanh gieo cho khung cảnh vẻ lãng mạn một cách chết tiệt. Cái mùa này, chó, mèo, chim, chuột mà đến cả quạ với thiên nga cũng có đôi có cặp thế mà tôi tay trong tay đi với người ta mà lại phải chia tay. Sao đời éo le đến thế.

    – Em hát lại bài lần đầu mình hẹn hò đi.

    – Bài đấy là cho mùa thu, giờ đang mùa xuân mà.

    – Chẳng sao, anh nghe giai điệu là chính, anh cũng có hiểu chữ tiếng Việt nào đâu.

    – Ầy, em cam đoan đến giờ anh cũng không phát âm nổi tên của em cho tử tế.

    – Nhien Nhooc Doong, đúng không nhỉ.

    – Thôi đừng cố, bố mẹ em mà biết tên các cụ bỏ ra ngày trời nghĩ bị đọc kiểu đấy chắc các cụ đổ bệnh mất.

    Cả đoạn đường còn lại tôi ngân nga hát, còn anh chỉ im lặng sóng vai bước cạnh tôi. Bà hát ấy kể về đôi tình nhân chia tay vào mùa thu, anh không hiểu nhưng vẫn ậm ừ theo giai điệu.

    "Không còn mùa thu, trăng rơi bên thềm. Không còn lời ru, rơi trên môi mềm.."

    Bình yên đến lạ.

    * * *

    Sinh viên du học khổ nhất khoản đi lại, bình thường tôi sẽ hét toáng lên nếu thấy màn hình điện tử ở bến xe chỉ hai mươi phút mới có chuyến xe bus tôi cần. Nhưng hôm nay thì tôi mặc kệ, muộn làm tôi cũng mặc kệ, chỉ muốn những phút chờ đợi này càng dài càng tốt. Anh có ngáp ngắn ngáp dài cũng mặc kệ luôn.

    – Nhìn anh ngáp trông rất khổ sở, hay anh về trước đi ngủ đi.

    – Anh đợi xe với em rồi về. Anh có nguyên ngày để ngủ mà, không phải lo.

    – Nhưng nhìn anh có vẻ mệt.

    – Đêm không ngủ xong sáng vẫn phải lao động như anh thì em sẽ biết thế nào là mệt.

    – Là anh muốn thế chứ ai đòi hỏi đâu.

    Bỗng nhiên anh không nói, chỉ nhìn màn hình đếm giờ trên trần bến xe Bus 83 -- "Due"

    – Xe đến rồi, em đi đây.

    – Tạm biệt.

    Anh cũng chẳng cầm tay tôi đến lần cuối, cứ thế quay lưng đi. Chết tiệt thật. Một câu xin lỗi cũng không. Có lẽ anh cũng hiểu tôi ghét nghe câu "I'm sorry" nên anh không nói.

    Và thế là chúng tôi kết thúc, ngồi trên xe tôi đọc lại rồi xóa rồi đọc, rồi xóa cho đến khi hết tất cả những tin nhắn trong máy điện thoại rồi xóa nốt cả số điện thoại. Thế là xong! Từ giờ nếu có gặp nhau ở đâu đó chúng tôi cũng chỉ đi qua như người không quen biết. Nghĩ thì buồn nhưng tình cảm ở cái đất nước này là thế. Chẳng sống với nhau được cả đời thì người ta sẽ hết mình những giây phút hiếm hoi được bên nhau để khi kết thúc rồi thì chỉ còn là kỷ niệm đẹp. Không canh cánh chờ đợi, không nhớ nhung, không hi vọng cũng không căm ghét.

    Kết thúc là kết thúc.

    Thế thôi.​
     
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng một 2021
  4. Sai Nguyen

    Bài viết:
    177
    Phần 2: Lạnh

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi đến London vào sáng sớm một ngày tháng mười một, sương mù trắng lối, khí lạnh buốt da. Tuy tôi vốn là một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cũng đã sống qua nhiều ngày đông buốt giá nhưng thật sự chưa bao giờ từng trải qua các rét đến cắt da như vậy. Anh là một quốc đảo bốn bề là biển vì thế khí hậu nơi này rất ẩm ướt, cái ẩm ướt đó cộng với cái lạnh dưới năm độ C của buổi sáng sơm khiến khi tôi vừa bước xuống máy bay đã có cảm giác như khoang mũi đông đặc thành đá, mấy đứa con gái liền vội vàng đi sát vào nhau, giống như những chú chim cánh cụt, vừa đi vừa hồn nhiên mỉm cười, trong lòng ai cũng có một kỳ vọng riêng.



    Đoàn chúng tôi bay sang đợt ấy có tất cả sáu người, bốn cô gái và hai chàng trai, chúng tôi gặp nhau ở cùng một trung tâm tư vấn du học, cùng ôn luyện tiếng Anh, cùng đỗ visa và cùng lên máy bay. Tôi vẫn nhớ như in thời khắc chia tay ngày hôm ấy, ai cũng bịn rịn, ai cũng khóc chỉ có một mình tôi vân lạnh thịnh đứng đợi cùng gia đình của mình. Khi ấy tôi đã tưởng dù lòng người có lạnh cũng sẽ chẳng thể lạnh bằng cái khoảng cách giữa tôi và bố mẹ mình giờ phút chia tay. Tôi không khóc. Gia đình tôi cũng không ai khóc, bố mẹ chỉ gật đầu khi tới lượt tôi bước qua cửa kiểm tra hành lý. Thế là tôi đi.

    Nhưng tôi đã lầm, lòng người trên đời này không có lạnh nhất, chỉ có lạnh hơn. Chào đón chúng tôi ở sân bay Heathrow là một đoàn dài những người phải đi qua cửa kiểm soát visa, chúng tôi bị chia ra thành hai nhóm, những người có hộ chiếu Châu Âu và những người không có. Lần đầu tiên tôi nhận ra, quốc tịch là một thứ quan trọng đến thế nào. Không cần biết bạn là ai, bạn bao nhiêu tuổi, học thức của bạn thế nào, nếu cuốn hộ chiếu của bạn màu đỏ, màu xanh lam, thủ tục của bạn sẽ rất nhanh, người ta cũng sẽ chào đón bạn với nụ cười nồng hậu.

    Ngược lại, cuốn hộ chiếu màu xanh lá của tổ quốc Việt Nam chúng ta lại dường như chẳng có một chút giá trị. Rất lâu sau này tôi mới hiểu được, ánh mắt khó chịu của những người cảnh sát nhìn tôi ngày hôm ấy chính là bởi người Việt Nam ở đất nước này làm rất nhiều chuyện phạm pháp, trốn giấy tờ, trốn thuế, trồng và buôn bán cần sa, rửa tiền, đủ cả. Cô gái trẻ là tôi khi ấy đã rất hụt hẫng khi phản ứng của những người đó vô cùng lạnh lùng, dù tôi mỉm cười, dù tôi có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh đối với họ đều không quan trọng, cái quan trọng chính là tôi là người Việt Nam.

    * * *

    Mùa đông đầu tiên ở xứ sương mù của tôi bắt đầu như vậy, cái lạnh của London dần dần giết chết từng kỳ vọng, từng ước mơ của những người trẻ chúng tôi về một cuộc sống mới, một tương lai rộng mở.

    Khác với những thảm cỏ xanh trải dài, những dãy thư viện cổ kính, những chàng trai cô gái mắt xanh, tóc vàng vui cười chào đón như trên những tờ poster mà tôi được quảng cáo khi ở Việt Nam, ngôi trường mà tôi học là một tòa nhà màu xám ở ngay chân cầu London, ở đây không có thảm cỏ, không có ghế đá, ngày nắng nhất trong năm cũng không có tia nắng nào lọt qua khung cửa sổ. Nơi duy nhất mà tôi có thể tụ tập với bạn bè chính là một quán bar nhỏ dưới sân trường, thứ chúng tôi thường uống cũng không phải bia bơ như trong tiểu thuyết, chúng tôi thường gọi bia, bia đen và các loại cocktail rẻ tiền. Đây cũng là cái khác biệt giữa việc bạn là một đứa trẻ khá giả hay bạn chỉ đủ tiền mua một cơ hội tới mảnh đất này.

    Căn nhà trọ của tôi khi ấy rất nhỏ và cũ kỹ, gồm hai phòng ngủ và một phòng khách, sáu đứa chúng tôi chia nhau ra ở trong căn nhà ấy. Không lò sưởi, đêm mùa đông thật sự rất lạnh, có những buổi sáng tôi thức dậy có cảm giác nước mũi đã khô cứng, mỗi lần hít thở lại có cảm giác lục cục trong cổ họng. Rất nhanh tôi đã nhận ra, nếu không đi làm, tôi sẽ không sống qua nổi mùa đông thứ hai.

    Ở London, muốn tìm việc không khó, dù bạn là loại người nào, chỉ cần chịu khó sẽ có thể tìm một công việc phù hợp. Tôi vẫn luôn tin như vậy, cùng với đợt tuyết đầu tiên, tôi đi bộ qua khắp các khu phố trung tâm cùng với tập CV trong tay, gõ cửa từng cửa hàng, phát đơn xin việc như phát tời rơi, ai cầm đơn xin việc cũng mỉm cười nhưng mấy tháng trời, tôi cũng không có nổi một cuộc phỏng vấn.

    Thất vọng, cái giá lạnh tê buốt tận sống lưng, tôi ngày ấy đã từng tuyệt vọng nghĩ, lẽ nào mình thật sự không có tương lai ở mảnh đất này hay sao?

    * * *

    Tháng một qua đi, tháng hai lại tới, ngày tuyết đóng dày nhất của năm 2011, tôi cùng hai cô bạn chuyển sang một nhà trọ mới, cùng một người anh mới. Căn nhà chỉ có một phòng ngủ nhưng mới hơn và sáng sủa hơn, ba đứa con gái ở chung một phòng, anh con trai lại dùng tủ gỗ ngăn một khoảng nhỏ trong phòng khác làm không gian riêng.

    Nhà mới của chúng tôi rất gần với một con đường có nhiều nhà hàng Việt Nam, thật may, cả ba chúng tôi đều tìm được việc làm thêm. Trước khi lên máy bay, công việc của tôi là một người tổ chức sự kiện, những sự kiện tôi tham gia có lớn, có nhỏ, từ họp báo, show thời trang, concert âm nhạc cho tới cả chương trình lớn như hoa hậu Việt Nam. Nực cười ở chỗ, công việc đầu tiên của tôi ở London lại là bồi bàn cho một nhà hàng Việt Nam. Công việc hàng ngày của tôi là dọn dẹp, bưng bê, pha nước, lấy order, cầm tháng lương đầu tiên chỉ vỏn vẹn mấy trăm đồng bảng trong tay, lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự ấm áp. Đúng vậy, dù bạn là ai, có thực mới vực được đạo.

    * * *

    Bảy năm qua đi, tôi đã chuyển qua năm, sáu căn nhà, trải nghiệm bao lần lòng người ấm lạnh, từng bị kỳ thị chủng tộc ở nơi công cộng nhưng cũng tìm được một người bạn đời. Tôi tự cảm thấy mình may mắn vì đã không sa ngã. Những người bạn cùng ngồi máy bay và cùng học bên tôi năm ấy, rất nhiều người đã trở về Việt Nam, một số người thì theo gia đình ở lại làm nghề nail hoặc nhà hàng. Còn bản thân tôi thì đã xây dựng được một sự nghiệp nhất định.

    Nhưng London vẫn lạnh, cái lạnh của thời tiết còn có thể chống lại bằng lò sưởi, bằng áo ấm. Cái lạnh trong lòng thì càng ngày càng khiến con người tôi trở nên trầm lặng hơn.

    Ở đất nước mà mỗi năm chỉ có vài chục ngày nắng này, con người ta cũng không quá gần gũi, dù là trên tivi, báo chí hay thậm chí là nơi làm việc, con người luôn đối mặt với nhau bằng tâm lý chúng ta và bọn họ, người Anh và người nhập cư, người da trắng và người da màu, người có việc và không có việc. Tám năm qua đi, tôi có rất nhiều bạn mới, có người Châu Phi, người Ấn Độ, người Trung Quốc, người Châu Âu nhưng tuyệt nhiên lại không có một người bạn gốc Anh nào.

    Nực cười ở chỗ ấy, người Anh muốn làm giàu từ công sức lao động của người nhập cư nhưng họ lại không chào đón người nhập cư. Họ không muốn bị quy chụp các mác phân biệt chủng tộc, nhưng cách họ nhìn chúng tôi lại vô cùng lạnh, đôi mắt lạnh, nụ cười lạnh, cử chỉ lạnh..

    Mà đối diện với tất cả những đối xử đó, đối mặt với những cơn mưa phùn lạnh lẽo không bao giờ dứt đó, những người nhập cư như tôi chỉ có thể thích nghi với cái lạnh của London mà thôi.

    * * *​
     
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng một 2021
  5. Sai Nguyen

    Bài viết:
    177
    Phần 3: Hai mươi hai

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi đến với âm nhạc nước Anh từ ngày còn rất nhỏ qua âm nhạc của những tên tuổi lớn như The Beatle, Queen, Elton Johns, Phill Colins, Robin Williams. Những năm học cấp ba và đại học, tôi bắt đầu học tiếng Anh chính là bằng việc tìm tòi hát theo các bài hát của Charlote Church, Amy Winehouse, Lily Allen, Duffy. Đối với tôi, âm nhạc Anh cũng giống như con người Anh, dù có phá cách đến đâu, điên rồ đến đâu nó vẫn mang một màu xám nhạt, một sự điềm đạm mà không phải âm nhạc nước nào cũng có được.

    Sự điềm đạm ấy nằm trong chất giọng Anh trầm thấp. Nếu ai đã nghe quen các ngữ điệu nói tiếng anh sẽ nhận ra mỗi loại ngữ điệu sẽ mang theo đặc trưng văn hóa của nơi ấy. Ngữ điệu của người Mỹ là loại ngữ điệu thực dụng, dễ nghe, dễ hiểu, có những loại lại rất mâu thuẫn như cách người Mỹ nói về chính trị. Trong khi đó, ngữ điệu của Canada lại mang một sự nền nã, uyển chuyển như một anh chàng đẹp trai, quyến rũ và biết cách che giấu rất kỹ những mâu thuẫn bên trong. Còn người Anh nói là thứ ngôn ngữ đế quốc, ngôn ngữ của con người già cỗi đã trải qua đủ thăng trầm để biết mình mạnh yếu ở đâu. Ngôn ngữ của người Anh tuy uyển chuyển nhưng lại trầm hơn hẳn một tông so với các quốc gia khác, mỗi bài hát đều là câu chuyện rất đời, không màu mè, đôi khi còn có phần đen tối.

    "Mẹ ơi! Con đã giết người. Con đã dí họng súng vào đầu hắn rồi bóp cò và hắn đã chết.

    Mẹ ơi! Cuộc sống của con chỉ mới bắt đầu mà thôi nhưng con đã tự phá hủy nó mất rồi.

    Mẹ ơi! Con không muốn khiến mẹ khóc nhưng ngày mai con sẽ lại tiếp tục tội lỗi này cho đến khi cuộc sống của con kết thúc."

    Bohemian Rhapsody _ Queen​

    Về sau, khi đã sống lâu ở mảnh đất này, tôi mới hiểu ra sự điềm đạm trong âm nhạc Anh chính là kết tinh của một đế quốc già cỗi đã trải qua tất cả huy hoàng, có trong mình cả những gì rực rỡ nhất và cả những góc khuất đen tối nhất. Con người nơi này sinh ra đã được học qua lịch sử hào hùng của dân tộc, đã có trong mình cái tự hào của quý tộc Anh. Cuộc sống nơi đây tuy hối hả nhưng không phù phiếm, khi người ta mở mắt dậy vào buổi sáng họ biết chắc hôm nay mình phải làm gì, dù là mục tiêu công việc hay đơn giản chỉ là ôm chai rượu say khướt ở góc đường.

    Màu xám trong âm nhạc Anh cũng giống như màu xám của những bức tường đá lạnh trải dài khắp mỗi con đường, là màu xám của bầu trời nhiều mây, màu xám của cái lạnh buốt xương mỗi buổi sáng sớm, màu xám của mỗi căn nhà nhỏ với ánh đèn vàng heo hắt. Cái ánh đèn vàng ấy với một đứa trẻ có gia đình chính là hiện thân của sự ấm áp, nhưng trong một xã hội mà những người độc thân với chủ nghĩa cá nhân chiếm phần lớn, ánh đèn vàng lại đại diện cho những thế giới riêng tư không giao thoa với nhau. Thế giới riêng ấy là nơi con người trở về sau một ngày mệt mỏi, trút hết gánh nặng, cởi bỏ cái áo lót bó chặt, thở dài một hơi và vỗ về sự cô đơn trong lòng mình.

    "Em nghe nói anh dạo này đã ổn định, anh đã tìm được một người phụ nữ và đã kết hôn. Em nghe nói anh đã đạt được ước mơ của mình. Em mong anh đạt được tất cả những gì mà em đã không thể trao cho anh.

    Đừng lo lắng, em rồi sẽ tìm được một người khác giống anh. Em mong điều tốt nhất cho anh và cô ấy nhưng xin anh hãy đừng quên em. Em vẫn nhớ lời anh nói, có người sẽ tìm được kết thúc trong tình yêu, thay vào đó sẽ có người chịu phần đau đớn."

    Someone like you _ Adele​

    Tôi lên máy bay khoảng hơn một tháng trước ngày sinh nhật tuổi hai mươi hai, để chuẩn bị cho chuyến bay hơn hai mươi tiếng, tôi đã mang theo một chiếc MP4 250MB đựng đầy những bài hát của nước Anh. Tôi nhớ như in trên chuyến bay ấy, trong giây phút hoang mang nhất, bài hát cất lên trong tai nghe chính là chất giọng nhẹ nhàng của Lily Allen

    "Khi cô ấy hai mươi hai tuổi, tương lai thật tươi sáng. Giờ đây cô ấy đã ba mươi và cô ấy có chỉ là một công việc ổn định chứ không phải là một sự nghiệp. Mỗi khi nghĩ về điều đó cô ấy đã òa khóc. Cô ấy chỉ mong muốn có một người bạn trai nhưng lại luôn kết thúc trong những cuộc tình một đêm chóng vánh.

    Thật buồn nhưng sự thật là người ta nói cuộc sống của cô ấy đã kết thúc. Cô ấy sẽ không thể làm gì thêm cho tới khi một người đàn ông tới và chu cấp cho cô. Nhưng điều ấy vô cùng khó trong xã hội và thời đại ngày nay."

    22 _ Lily Allen​

    Bây giờ đây tôi đã ba mươi hai tuổi, đã mười năm sau chuyến bay đáng nhớ ấy. Đôi lúc trong những giây phút mệt mỏi nhất, tôi vẫn nghe lại bài hát này. Người ta vẫn nói nghệ thuật vận vào cuộc sống, những người nghệ sĩ dành cả tâm huyết để viết về sự thật trần trụi lại luôn kết thúc cuộc đời mình đúng như những câu hát mà họ đã viết ra. Ngày Amy qua đời, người yêu nhạc nước Anh đều rơi vào bàng hoàng tột độ. Cô ấy mới chỉ hai mươi bảy tuổi mà thôi.

    Tuy sinh ra cùng một năm với Adele hay Amy Winehouse nhưng tôi là một người đã từ bỏ ước mơ nghệ thuật để chạy theo tìm kiếm những giá trị vật chất ảo và phù phiếm. Tuy tôi đã đạt được thành công nhất định, một sự nghiệp ổn định, nhưng tôi cũng chịu hậu quả của một quãng thời gian gần mười năm tự ức chế tâm lý của mình. Giờ đây tôi có rất nhiều vấn đề về tâm lý và bị chứng bài xích xã hội (antisocial).

    Tôi đã nghe rất nhiều bài hát nhưng thường lại chỉ bị ám ảnh bởi một hai câu hát nhất định. Mười năm cuộc sống ở xứ người, lời bài hát trên vẫn thường trở đi trở lại trong tôi khiến tôi không cho phép mình lùi bước. Có những buổi tối muộn, sau khi kết thúc công việc thứ tư cũng là công việc cuối cùng trong ngày, tôi lê hai bàn chân đau đến chết lặng ngồi phịch trên chuyến xe buýt lúc mười một giờ đêm, giai điệu vang lên trong tai nghe vẫn là những câu hát ấy.

    "Thật buồn nhưng sự thật là người ta nói cuộc sống của cô ấy đã kết thúc. Cô ấy sẽ không thể làm gì thêm cho tới khi một người đàn ông tới và chu cấp cho cô. Nhưng điều ấy vô cùng khó trong xã hội và thời đại ngày nay."

    Đúng vậy, ngày tôi đặt bút ký vào bản đăng ký du học chính là ngày tôi từ bỏ ước mơ nghệ thuật. Tôi vẫn luôn sợ rằng mình cứ như thế mà chết đi ở tuổi hai mươi hai. Tôi sợ rằng rồi mình sẽ trở thành một cái máy vận hành theo một guồng quay nhất định, dù sống hay chết cũng không có gì khác nhau.

    Nhưng cuộc sống rất công bằng, chỉ cần bạn cố gắng, bạn sẽ tìm được giá trị của cuộc đời mình. Một ngày nọ, tuyết rời đầy trời, rét lạnh căm căm, tôi kết thúc công việc vào lúc mười một giờ rưỡi. Khi bước ra khỏi cửa văn phòng tôi nhìn thấy anh đang đứng ở đó, anh mặc chiếc áo măng tô xám, quàng cái khăn len màu xám tôi đan cho anh. Anh cầm lấy bàn tay tôi nhét vào trong túi áo của mình và chúng tôi cùng ra về.

    Đúng vậy, hạnh phúc ở cái mảnh đất này cũng điềm đạm và mang màu xám nhạt như vậy. Không cần những món quà xa xỉ, không cần những ngọn nến lung linh, không cần bó hoa màu hồng, chỉ hai bàn tay đan chặt vào nhau sau một ngày dài mệt mỏi là đủ.

     
    Chỉnh sửa cuối: 5 Tháng ba 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...