Thánh Dực Dũng Nghĩa - Đôi cánh của vua Trần

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi HTV19, 29 Tháng ba 2022.

  1. HTV19

    Bài viết:
    5
    Nếu là một người yêu thích lịch sử, đặc biệt là lịch sử phong kiến Việt Nam, chắc hẳn bạn đã ít nhất một lần nghe qua cái tên Thánh Dực quân. Thánh Dực quân là một trong bốn vệ quân thuộc Tứ Thánh Vệ (vệ là đơn vị quân đội thời xưa, biên chế khoảng 2400 quân) trong Cấm quân. Về nghĩa của cái tên "Thánh Dực", "Dực" có nghĩa là đôi cánh, "Thánh" vừa chỉ thần thánh vừa chỉ nhà vua. Cái tên "Thánh Dực" do đó có thể hiểu là đôi cánh của thần hoặc đôi cánh của vua. Thánh Dực, cũng giống như các vệ cấm quân khác, là đội quân đặc biệt tinh nhuệ và trung thành với Thiên tử. Tuy nhiên, điểm đặc biệt ở vệ quân Thánh Dực là nó có 2 đội quân, Thánh Dực Quân và Thánh Dực Dũng Nghĩa. Thánh Dực Quân là đội quân chuyên bảo vệ nhà vua và Thượng hoàng, do đó được tuyển chọn từ quê gốc của nhà Trần.

    Còn Thánh Dực Dũng Nghĩa lại có xuất thân hoàn toàn khác biệt. Họ được tuyển chọn từ những thành phần có thể được coi là "bất hảo" trong xã hội: Trộm cướp, buôn lậu.. và cả những người nghèo khổ, tứ cố vô thân được triều đình thu nhận và nuôi dưỡng. Những người được tuyển chọn vào Thánh Dực Dũng Nghĩa phải trải qua sự huấn luyện vô cùng hà khắc, bài bản và kỉ luật tuyệt đối. Đồng thời với đó, họ cũng được ưu tiên trang bị mạnh như các đội Cấm quân khác. Điều này đã tạo nên một đội quân thiện chiến, kỉ luật, trung thành tuyệt đối với triều đình. Họ chiến đấu với tinh thần cảm tử và không biết đến đầu hàng. Thánh Dực Dũng Nghĩa luôn là mũi tiên phong đầu tiên và lá chắn sau cùng bảo vệ nhà vua. Đội quân với xuất thân đặc biệt này đã góp công lớn trong 3 lần kháng chiến chống Mông - Nguyên dưới thời Trần.

    Trong cuộc kháng chiến chống Mông Cổ lần thứ nhất, trận Bình Lệ Nguyên năm 1258, Thánh Dực Dũng Nghĩa vừa là đội quân tiên phong đối đầu với lực lượng quân Mông Cổ đông đảo và là lực lượng chặn hậu cho vua và các tướng rút lui. Do chênh lệch quá lớn, quân Đại Việt phải rút lui. Biết được vua Trần trực tiếp chỉ huy quân Đại Việt, Ngột Lương Hợp Thai cho quân vòng hậu, âm mưu bắt sống vua Trần Thái Tông cùng bộ chỉ huy quân ta để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến. Thánh Dực Dũng Nghĩa đã chiến đấu anh dũng, làm thất bại âm mưu của Ngột Lương Hợp Thai, góp công lớn vào chiến thắng cuối cùng của dân tộc.

    Trong cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần 2, trước thế giặc mạnh, nhà Trần thực hiện chiến thuật "vườn không nhà trống". Vua và thượng hoàng rút khỏi Thăng Long về Thiên Mạc. Thoát Hoan biết tin, cho Lý Hằng dẫn quân đuổi theo truy bắt. Hưng Đạo Vương biết tin, cử Bảo Nghĩa Hầu Trần Bình Trọng chỉ huy 600 trăm quân Thánh Dực Dũng Nghĩa ở lại chặn địch rồi đưa vua Trần Nhân Tông cùng Thượng hoàng Trần Thánh Tông tiếp tục rút lui. Trần Bình Trọng đã chỉ huy 600 quân, dựa vào địa thế hiểm trở chặn đứng mũi truy bắt của địch ở Đà Mạc. Đội quân chặn hậu đã chiến đấu quyết tử, cầm chân Lý Hằng hơn 3 ngày, tạo điều kiện cho đại quân cùng bộ chỉ huy rút lui an toàn. Cuối cùng, Trần Bình Trọng và số ít quân sĩ còn lại bị bắt sống. Tương truyền, trước khi bị bắt, các binh sĩ Thánh Dực Dũng Nghĩa đã anh dũng chiến đấu tới khi trong tay chỉ còn những mẩu giáo gãy. Lý Hằng bị ấn tượng với sức mạnh của đội quân và tìm cách chiêu hàng họ. Trước những lời dụ dỗ về bổng lộc, tước vị, cuộc sống xa hoa giàu sang, không một người lính Thánh Dực nào mảy may lay chuyển. Trần Bình Trọng đã khảng khái mà nói rằng: "Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc". Tức giận, Lý Hằng đã cho xử tử Trần Bình Trọng cùng những người lính còn lại. Vua Trần biết tin vô cùng thương tiếc, truy phong ông lên Bảo Nghĩa Vương.

    Trong cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần 3, quân Nguyên bị ta phá đoàn thuyền lương, khiến chúng rơi vào hoàn cảnh đói khát do thiếu thốn lương thực. Chúng buộc phải chia làm 2 đạo thủy bộ rút quân về nước. Đạo thủy quân do Ô Mã Nhi chỉ huy rút theo đường sông Bạch Đằng ra biển. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cho đóng cọc trên sông, đồng thời cử tướng quân Nguyễn Khoái chỉ huy đội quân Thánh Dực Dũng Nghĩa. Thánh Dực Dũng Nghĩa dưới sự chỉ huy của Nguyễn Khoái đã tiêu diệt hoàn toàn đạo thủy quân địch, bắt sống Ô Mã Nhi. Chiến thắng Bạch Đằng 1288 với sự góp công lớn của Thánh Dực Dũng Nghĩa đã đánh dấu thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần thứ 3. Trận thủy chiến này đã trở thành một trong những trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.

    Thánh Dực Dũng Nghĩa, đội quân tập hợp những con người có xuất thân thấp trong xã hội, đã nhiều lần chiến đấu quyết tử, góp xương máu của mình đưa triều Trần đạt đến đỉnh cao.

    NGUỒN: Tổng hợp: Tạp chí QPAN

    Cổng thông tin điện tử BQP

    Báo điện tử Dân Việt

    Trang web trithucvn.org

    Trang web Quân sử Việt Nam

    Wikipedia

    Kênh youtube Đại khái là thế
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...