Truyện Teen Thằng Khờ - Lê Quang Huy

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi dongda, 3 Tháng năm 2021.

  1. dongda

    Bài viết:
    39
    Thể loại: Truyện ngắn

    Tác giả: Lê Quang Huy

    [​IMG]

    * * *​

    1. Tôi hậm hực cầm cái dao phay ra ruộng làm cỏ bờ. Hơn 4 giờ chiều mà cái nắng vẫn còn gay gắt. Tới ruộng, tôi ngồi trên bờ thẳng tay chém đám cỏ chỉ đang lấn dần ra lúa. Càng chặt, tôi càng giận mình vì chuyện mới vừa xảy ra..

    Cơm trưa xong, má tôi bảo:

    - Con lên nhà cô Nga nhận hàng thương nghiệp dùm má!

    Tôi dạ một tiếng rồi đi ngay. Cô Nga dạy cùng trường với má tôi. Hôm nay, nhà trường phân phối các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường sữa, bột ngọt.. cho giáo viên. Cô Nga dạy ở điểm chính nên nhận dùm. Chiếc túi nhựa má tôi đưa đựng không đủ, tôi lấy bịch xà bông hơn 1kg xách bên ngoài cho tiện. Ngang qua nhà ông Chín Bằng, tôi thấy mấy bác, mấy chú trong hợp tác xã đang lúi húi khui mấy thùng bột ngọt, đường, xà bông.. chuẩn bị phân phối cho bà con trong ấp. Tôi biết vậy vì nghe tiếng chú Bảy Đạt vọng ra từ chiếc loa tay: "Kính mời bà con đến nhà chú Chín Bằng nhận hàng thương nghiệp.."

    - Ê! Mày xách cái gì vậy Hiền?

    Tiếng chú Ba Hưng làm tôi giật mình. Tôi thiệt tình:

    - Dạ! Đồ thương nghiệp của má con.

    - Chà! Đợt này nhà mày lãnh nhiều hén – giọng ai đó từ nhà ông Chín cất lên.

    Về đến nhà, ba tôi hỏi ngay:

    - Ngang qua nhà ông Chín có ai thấy con xách như vầy không?

    Tôi thuật lại. Ba tôi nhăn nhó:

    - Trời ơi! Khờ ơi là khờ.

    Ông Ba Lợt – bà con bên nội – đang ở chơi cũng nói:

    - Tao thấy thằng con trai trưởng nào cũng khờ khờ sao đó. Thằng Hai nhà tao y chang vậy!

    Nữa tiếng sau, nhỏ em gái nhận hàng thương nghiệp về. Quả thật, các mặt hàng có ít hơn tháng trước. Tôi thấy mình như có lỗi với gia đình nên lẳng lặng xách dao đi làm cỏ..

    Tôi tự hỏi: Tại sao mình lại thiệt thà quá. Mười tám tuổi đầu rồi mà còn như thế, người lớn la rầy cũng phải. À! Hôm nay lại đúng sinh nhật của mình.

    Mắt tôi như nhòa đi.

    2. Vào giờ chủ nhiệm, ai cũng cảm thấy nặng nề. Ở lớp cuối cấp chuẩn bị thi tốt nghiệp và đại học thành thử cô chủ nhiệm lúc nào cũng "cằn nhằn" về đám học trò lười biếng. Nhưng buổi hôm ấy, cô không nói gì cả chỉ bố trí lại chỗ ngồi theo phương châm "bạn giỏi kèm bạn yếu". Sau khi sắp xếp vị trí các bạn trong lớp, đến lượt tôi, cô "ra lệnh" :

    - Em Hiền học khá Anh văn, trong khi em Liên môn này còn yếu. Cô đề nghị em Liên sang ngồi chung bàn với em Hiền.

    Cả lớp cười ồ lên. Tôi đỏ bừng cả mặt. Liên là hoa khôi của khối, mấy thằng con trai cả trường đều "để mắt" tới.

    Một tháng, hai tháng trôi qua, chúng tôi quen rồi.. thân. Liên nể tôi về trình độ Anh ngữ, còn tôi lại phục những bài văn nghị luận của Liên. Theo "đề nghị" của Liên, một tuần hai buổi tôi đến nơi Liên ở trọ hướng dẫn làm bài tập Anh văn, luyện phát âm. Ngược lại, Liên cũng chỉ cho tôi cách phân tích bài thơ, khuyến khích tôi đọc thêm nhiều sách văn học. Đứa nào cũng có điểm yếu riêng nên không ngại. Qua những buổi như thế, tôi được biết gia đình Liên sống bằng nghề làm vườn, khá giàu ở đất cù lao. Nhiều lần, Liên chủ động mời tôi đến nhà tham quan vườn sầu riêng của gia đình. Tôi vốn mặc cảm với thân phận mình nên viện lý do nhà xa và luôn bận rộn với công việc đồng áng nên không đi chơi được. Những lần như thế, tôi thấy Liên thoáng buồn. Ngày ra trường, tôi và Liên chia tay nhau dưới gốc phượng ở sân trường. Ấp a ấp úng mãi tôi mới nói được một câu:

    - Mình mãi là bạn tốt với nhau..

    Liên nhìn tôi thật lâu rồi gật đầu bước đi. Được một đoạn, Liên quay lại cười với tôi – nụ cười ấy không bao giờ tôi quên được. Chị Hà – người chị họ, chơi thân với Liên – sau này trách tôi:

    - Liên nó để ý mày. Vậy mà mày dững dưng. Thiệt là khờ!

    Tôi chỉ biết cười trừ. Không phải tôi không biết, nhưng tôi sợ vướng vào chuyện tình cảm thì chuyện học hành sẽ dở dang. Mọi người sẽ lôi chuyện khờ khạo ra chế giễu. Tôi tự an ủi: Có lẽ trời sinh mình có bản tính như vậy. Thôi đành chịu!

    3. Rớt đại học. Tôi buồn. Theo nguyện vọng 2, tôi học tại trường cao đẳng sư phạm tỉnh nhà với môn Giáo dục công dân. Ba tôi an ủi:

    - Dạy một buổi, buổi còn lại phụ làm ruộng. Cũng đỡ.

    Còn ông Ba Lợt nói khác:

    - Sao không học cái môn gì sau này có thể dạy thêm được? Thiệt cái thằng khờ quá!

    Tôi tức mà không dám cãi, bởi vì trường đã đưa ra lời giải trình:

    - Em thông cảm. Trường vừa chuyển qua hệ cao đẳng, môn Anh văn chưa mở kịp.

    Thời gian học ở ngôi trường mới này, tôi chơi chung với những người bạn có cùng cảnh ngộ nên rất dễ thông cảm với nhau. Các bạn ấy đã động viên, giúp đỡ tôi rất nhiều trong học tập, sinh hoạt. Suốt mấy năm học, cuối tuần tôi đều đạp xe về nhà để giúp chuyện đồng áng. Chiều hôm đó, sau khi xịt thuốc xong về gần tới nhà, tôi sửng người khi thấy thầy Nguyên từ trong nhà bước ra. Vào nhà tôi hỏi ngay:

    - Thầy Nguyên ghé có nói gì con không má?

    - Đâu có gì. Thầy Nguyên có bà con với mình, sẵn đi đám giỗ gần đây nên ghé chơi. – Má tôi vừa nói vừa mĩm cười.

    Tôi thở phào.

    Thi tốt nghiệp ra trường, tôi đỗ thủ khoa. Chính thầy Nguyên đến tận nhà báo cho ba má tôi hay sớm nhất. Ba má tôi mừng đến rưng rưng nước mắt. Thầy Nguyên nói:

    - Nó không khờ như anh chị tưởng đâu. Không chỉ là thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp, nó còn đạt giải nhất trong cuộc thi ứng xử "thanh niên trước vận hội mới" do Đoàn trường tổ chức..

    Mấy ngày sau, ông Ba Lợt cầm tờ báo Tuổi Trẻ sang gặp tôi:

    - Hiền ơi, mày cắt nghĩa dùm cho tao mấy cái thuật ngữ này. Tao hỏi hết xóm người ta nói chỉ có mình mày rành. Cái thằng coi vậy mà giỏi!

    Tôi mừng rơn trong bụng không phải vì lời khen của ông Ba. Đây là lần đầu tiên trong câu nói của ông không còn hai chữ "thằng khờ" nữa.

    ---HẾT---​
     
    Nhi cute thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...