Vì sao lại gọi tháng chạp là tháng củ mật? Những điều nên tránh trong tháng này * * * Mỗi chúng ta vẫn thường nghe thấy người khác nhắc đến hai từ "tháng chạp" hay tháng "củ mật". Vậy có bao giờ bạn tự hỏi, nguồn gốc và ý nghĩa của hai từ ấy là như thế nào chưa? Tại sao tháng 12 âm lịch lại được gọi là tháng chạp? Vâng! Đây thực chất là cái tên bắt nguồn từ tiếng hán. Việt Nam chúng ta từng có giai đoạn chịu ách đô hộ của người Trung Hoa đến cả nghìn năm lịch sử. Đầu tiên chúng ta sẽ đi phân tích về cái tên tháng chạp nhé. Người Trung hoa xưa gọi tháng 12 âm lịch là tháng Quý Đông, hay tháng cuối đông. Nhưng vẫn còn một cái tên tiếng hán khác nữa là "Lạp Nguyệt". - Chữ Lạp có xuất xứ từ thịt, vì từ xa xưa người Trung Hoa đã có sở thích ướp thịt khô vào dịp đông để dành ăn quanh năm, việc làm này rộ nhất vào tháng 12 âm lịch. - Rồi chữ lạp cũng là lễ tế cuối năm của người Trung Hoa cổ. Từ thời nhà chu, tháng 12 chính là dịp nhà vua nghỉ ngơi săn bắn, còn đặt lệ lễ tết tất niên gọi là đại lạp. Trong giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt biên soạn, hai từ "lạp nguyệt" người Việt chúng ta đã đọc lệch từ Lạp thành chạp. Tương tự với tháng giêng được bắt nguồn từ hai chữ tiếng hán "chinh nguyệt". Thế còn một tên khác mà chúng ta vẫn thường được nghe về tháng chạp, tháng 12 âm lịch, đó là hai từ "Củ mật". Thực sự trong dân gian chẳng có củ nào có cái tên là mật cả, mà nguồn gốc này cũng lại bắt nguồn từ chữ hán việt luôn. Trong đó từ "củ" có nghĩa là đốc trách xem xét, người xưa thường nói là củ sát, tức kiểm soát. Còn từ mật được dùng trong từ cẩn mật, ý chỉ sự kín đáo, bảo mật. Vậy thì củ mật ở đây mang ý nghĩa củ sát cẩn mật, kiểm soát cẩn thận. Tháng cuối năm thường là giai đoạn thời điểm giáp tết, vì ai ai cũng đều đang bận bịu túi bụi, thường mệt mỏi lơ đễnh mất cảnh giác, dễ trở thành mục tiêu cho đám đạo chích dễ bề hành động trộm cắp. Vậy nên vào thời xưa, quan quân thường sẽ đốc thúc nhắc nhở người dân phải cẩn trọng đề phòng, cũng như tăng cường củ mật để ngăn ngừa trộm cắp. Ngoài ra người xưa còn quan niệm rằng, tháng chạp này là tháng hay gặp xui xẻo dễ mất mát tiền của, tai bay vạ gió. Mặt khác thời tiết thời điểm này cũng rất hanh khô rất hay hỏa hoạn gây nguy hiểm. Cũng vì lý do đó mà các cụ vẫn thường gọi tháng chạp là tháng củ mật. Những điều dăn dạy kiêng kỵ của người xưa về tháng củ mật mọi người cần hết sức lưu ý. - Thứ nhất: Khi đi lại di chuyển bên ngoài bằng phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy hay xe đạp có giá trị. Khi ấy bạn nên tập thói quen cẩn thận mà gửi xe của mình ở những nơi có người trông coi nhé. - Thứ hai: Tuyệt đối không nhặt tiền hay vật dụng của cải đánh rơi trên đường. Vì tháng này người ta thường cúng bái muốn cắt bỏ đi vận xui đen đủi, mà bạn lại nhặt vào thì cũng như tự rước họa vào thân. - Thứ ba: Nên hạn chế hết mức tham gia vào những bữa tiệc tùng vô bổ. Vì như vậy thường khiến bạn thiếu tỉnh táo, dễ bị trộm cắp, lừa đảo, đi lại mất an toàn. - Thứ tư: Khi đi công tác xa, đến những nơi lạ, trước khi vào phòng lạ nhà lạ bạn nên gõ lên cửa 3 tiếng, sau nửa phút lại gõ thêm 3 tiếng nữa. Khi vào phòng nên bật hết đèn lên để tránh lạnh lẽo. - Thứ năm: Không nên gây gổ, tạo sự mâu thuẫn, tránh thị phi không đáng có. Vì đây là thời điểm tháng cuối của năm nên người nào cũng mang trong mình sự bực dọc mệt mỏi, bạn cần hạn chế việc gây mâu thuẫn để không bị ảnh hưởng đến bản thân mình. Vâng, đó chính là những gì cổ nhân xưa kia vẫn luôn căn dặn con cháu nên học theo, tuân thủ để tránh những rắc rối không đáng có ở tháng củ mật cuối năm này các bạn nhé. Chúc bà con luôn vui vẻ!