Tháng 6 mưa ngâu

Thảo luận trong 'Nhật Ký' bắt đầu bởi M Writer, 18 Tháng sáu 2018.

  1. M Writer

    Bài viết:
    99
    Tháng 6 mưa ngâu, những cơn mưa mùa hè sao mà buồn hiu hắt. Tôi rong ruổi trên đường phố chật chội người và xe, lách qua những đám đông, ngày mỗi ngày hai lượt, đến công ty rồi về nhà. Như một thói quen bất di bất dịch, buổi sáng nào trước khi đến chỗ làm tôi cũng lướt mắt trên các trang báo mạng, tìm kiếm những tin tức mới nhất. Một dịp xem trang Bbc, hình ảnh những đứa trẻ châu Phi đói khát, hình ảnh những con người gầy guộc, trơ xương với đôi mắt mở to nhìn đời đầy bất lực. Ánh nhìn như ám ảnh lấy tôi trong suốt những ngày mưa ngâu tháng sáu. Thấy người chợt ngẫm về mình, bhững người đồng bào đang tồn tại bên cạnh..

    Rồi những buổi tối, đội áo mưa từ sở làm về, dừng chân trên vạch vôi làn đèn xanh đỏ. Những đứa trẻ xin ăn nghèo khó nằm lăn lóc trên vỉa hè đường, Chúng nhìn tôi, miệng van xin một ít đồng hào lẻ nhưng ánh mắt vô hồn đến lạnh người.. mưa trút nước lên mặt chúng hay những cú tát của cái xã hội đan xen văn hóa Tây Tàu ta này.. mà không biết có còn chút ánh sáng hy vọng nào về tương lai cho chúng hay không?

    [​IMG]

    Tôi hình thành thói quen đi bộ vào mỗi cuối tuần ít tháng trở lại đây. Khi bước chân chậm lại, tôi có dịp nhìn kỹ hơn gương mặt của những đứa trẻ đó, và phát hiện ra đâu đó, trong những góc khuất của một con hẻm nào đấy, một bà già ngồi ủ rũ, làn da đen ngòm, chân trần nứt nẻ, chai sần, thu mình trong chiếc bọc ni lông cũ rích để chống chọi với cái lạnh của buổi chiều mưa, ánh mắt xám xịt, trĩu nặng..

    Một con hẻm, hai con hẻm, rồi ba con hẻm, đâu đó có tiếng chửi thề, cãi vã của những người đánh bài trong xóm chợ.. Đi xa hơn, nhìn dưới chân mình, vương vãi những kim tiêm chích ma túy, dấu tích còn sót lại của các buổi phê nàng tiên nâu.

    Trong cái lạnh lẽo của cơn mưa vừa qua, cô gái trong lớp quần áo mỏng tan, ngắn cũn cỡn đang rao mình, chờ khách thập phương trên chiếc cầu cũ kỹ. Ánh đèn hiu hắt từ chiếc xuồng nhỏ của người vớt rác trên con kênh mà ngày nào sự hôi thối của nó cũng làm nhức nhối người qua kẻ lại, lòng tôi không khỏi ngậm ngùi.

    Bước chân qua phía bên kia là Quận 1, nơi mà sự hiện đại như phô diễn trước mắt người, bề nổi của Việt Nam đương đại. Đâu đó, có tiếng nam thanh nữ tú dừng những chiếc xe phân khối lớn trước một nhà hàng thức ăn nhanh. Họ kháu với nhau về buổi xem phim 3D cuối tuần, những tour du lịch xả stress sau khi kết thúc môn thi, buổi party, shopping nào đấy, những model thời trang hè thu đang được ưa chuộng cũng được bàn tán rôm rả. Những tòa nhà cao tầng, những cao ốc sang trọng, những khách sạn năm sao, những nhà hàng thơm phức mùi thức ăn với các cô phục vụ xinh tươi, duyên dáng, lịch sự xếp hàng chào đón khách sang. Những bản nhạc Trịnh, bản giao hưởng phát ra từ chiếc máy phát đĩa hay do chính nhạc công nghiêng mình chơi những nốt hay nhất để làm hài lòng thực khách. Những chiếc máy lạnh, máy điều hòa, máy lọc khí hoạt động hết công suất. Mùi thức ăn thơm phức hòa quyện cùng mùi cafe capuchino, tiếng dao nĩa cốc cách trên chiếc đĩa to đầy ắp thức ăn, thực khách thưởng được sự ấm áp và rực rỡ, khác xa với thế giới mà cách đó chỉ mấy con đường, tăm tối, lạnh lẽo và cô độc.

    Tôi viết những dòng này, không phải xuất phát từ suy nghĩ về công bằng xã hội. Vì con người vất vả kiếm đồng tiền thì họ có quyền sử dụng tùy ý những gì mình làm ra. Cũng không phải tôi muốn bày tỏ sự thương hại đối với những người lao khổ. Tôi viết lên đây là cả một sự xót xa, chua xót và phẫn uất cho một kiếp người. Phẫn uất cho sự hiện đại hóa nhưng không triệt để của đất nước. Để rồi một bên thì giàu lên, còn bên kia lại là những người phải gánh chịu cuộc sống bần cùng.

    Người bán hàng rong không siêng năng ư? Không phải, mỗi sáng khi tôi còn nằm trên giường, đã nghe văng vẳng đâu đấy tiếng rao hàng của chị hàng xôi. Họ không kiên nhẫn và chịu khó ư? Không phải, có những đêm thức khuya xem một bộ phim Hàn Quốc, tôi vẫn nghe đâu đó tiếng chén đĩa khua của anh bán hủ tíu gõ. Cũng siêng năng, cũng chịu khó đấy, nhưng họ không khá hơn được. Cái chính là họ không có trình độ văn hóa, không bằng cấp, xã hội ngày nay, không tạo nhiều điều kiện cho những con người đấy.

    Rồi với cái đắt đỏ của chốn thị thành, nơi mà giá cả hàng hóa đôi khi vượt mức chi tiêu, họ không thể cho con mình tiếp tục con đường học vấn. Rồi những đứa trẻ đó lại tiếp tục bán xôi, bán hủ tíu gõ như cha mẹ chúng, hoặc sa vào những tệ nạn xã hội do nhận thức kém cỏi không thể bảo vệ bản thân trước những cám dỗ của cuộc sống.

    Giáo dục là cái nôi của sự phát triển đất nước, không phải sao? Không nhiều người có đủ bản lĩnh để vượt khó vươn lên, không nhiều người có thể vượt qua những cạm bẫy xã hội để thoát nghèo nếu thiếu một nền giáo dục vững chắc.

    Lại thêm nhiều điều trăn trở. Tôi nhớ lại, bài học về chủ tịch Hồ Chí Minh mà chúng ta đã được dạy từ lúc nhỏ, Bác mong muốn rằng "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.". Nhưng mong muốn ấy của Bác đến giờ này được lớp hậu bối chúng ta thực hiện được bao nhiêu? Hết ông chủ nhiệm này lên lon đến ông trưởng ban nọ thăng chức. Nhưng cái chính là không có nhiều sự thay đổi, mà thay vào đó người nghèo ngày càng nghèo hơn, sự chênh lệch giữa tỷ lệ nghèo và giàu ngày càng nhiều. Điều cơ bản là nhiều ông trong số đó khi tại vị đã không làm tốt trách nhiệm của mình thì làm sao sang nơi khác có thể thu dọn tốt tàn cuộc của một người vừa ra đi? Ruốt cuộc rồi ai giàu cứ giàu, ai nghèo cứ nghèo. Lạm phát, thất nghiệp, tham nhũng mỗi ngày đều thấy rôm rả trên các mặt báo.

    Mưa, trời lại mưa những hạt nặng trĩu trên mái nhà, nhưng chắc không thể nặng bằng lòng tôi lúc này. Tôi muốn trút sự phẫn nộ của lòng mình, muốn xé toạc cái hào nhoáng mà rỗng tuếch của xã hội đương đại, muốn cắt đứt cái ánh nhìn đau đáu, vô vọng của những đứa trẻ ăn xin bên đường. Trong tim tôi lúc này, bỗng hiện ra nụ cười của bọn chúng, nụ cười như xua tan màn đêm u tối, sưởi ấm cái giá lạnh của những cơn mưa ngâu tháng sáu.. Văng vẳng trong đêm mưa, tiếng ê a đọc thơ của bé trai lớp tám cạnh nhà:

    "Tôi đã là con của vạn nhà

    Là em của vạn kiếp phôi pha

    Là anh của vạn đầu em nhỏ

    Không áo cơm, cù bất cù bơ.."​

    (Trích thơ: Từ ấy - Tố Hữu)​
     
    imTerfecK thích bài này.
    Last edited by a moderator: 11 Tháng mười 2018
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...