Trinh Thám Thám Tử Lập Dị - Muội Nương

Thảo luận trong 'Truyện Drop' bắt đầu bởi Muội Nương, 8 Tháng hai 2023.

  1. Muội Nương

    Bài viết:
    355
    Thám Tử Lập Dị

    [​IMG]

    Tác giả: Muội Nương

    Thể loại: Trinh thám

    Tình trạng: Đang ra

    Link góp ý: [Thảo Luận - Góp Ý] Tác Phẩm Sáng Tác Của Muội Nương


    Văn án:

    Truyện Thám tử kì lạ xoay quanh những vụ án kì lạ mà chàng thám tử Hồ Điệp (người có khả năng nhìn thấy người cõi âm) phá án thành công. Hồ Điệp có tính cách rất cổ quái, luôn làm việc đơn độc và lẩm bẩm một mình như đang thì thầm với ai đó vô hình. Anh rất có tài, đã nhiều lần giúp đỡ đội trọng án tìm ra hung thủ giết người, giải oan ức cho nhiều người.

    Trước khi anh trở thành một thám tử nổi danh nhất vùng, được người ta ưu ái đặt cho cái biệt danh "thám tử lập dị", Hồ Điệp đã tham gia một vụ án mạng nổi danh nhất làng – nơi mà anh sinh ra và lớn lên.

    Vụ án mà bạn Hoài Lan đến nhờ anh giúp đỡ.

    Hoài Lan là một người bạn từ thời thơ ấu của Hồ Điệp, nổi tiếng với nhan sắc xinh đẹp và hát hay nhất vùng, người được bà con hàng xóm kỳ vọng rất cao. Trong một đêm trăng rằm nọ, Hoài Lan hớt hải chạy đến nhà Hồ Điệp và cầu cứu anh chàng phá giải vụ án mạng xảy ra trong làng lúc bấy giờ. Với sự hợp tác đầu tiên của Hồ Điệp và Hoài Lan, vụ án nhanh chóng có lời đáp, kẻ có tội cũng bị bắt.

    Tiền truyện của Thám tử lập dị là truyện ngắn Trăng máu mà Muội Nương đã đăng kì trước. Nhưng mình muốn phát triển câu truyện Trăng máu thành tiểu thuyết trinh thám dài kì với nhiều vụ án hơn và nội dung khác hơn truyện ngắn đã đăng trước đó.

    Hy vọng mọi người có thời gian tuyệt vời khi đọc tác phẩm này. Cảm ơn các bạn đọc giả nhiều nhé!
     
    Mirii, LieuDuongchiqudoll thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng hai 2023
  2. Muội Nương

    Bài viết:
    355
    Chương 1: Con Đường Làng

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hoài Lan đang ngồi trên chiếc va-li nặng ịch, liên tục xem giờ trên chiếc điện thoại di động của mình.

    "9 giờ đêm."

    Hoài Lan nghiến răng nghiến lợi, tự thì thầm với chính mình. Cô nhét điện thoại vào túi quần, ngước mắt nhìn ánh trăng sáng tựa ban ngày trên cao. Nó tròn vành vạch và đẹp đẽ làm sao, chẳng trách nhà thơ nhà văn lại luôn dùng chủ đề ánh trăng trong những bài thơ, bài văn của mình. Nếu mà có người chịu nghe cô bây giờ, cô có thể sáng tác và đọc rành mạch ra hàng trăm bài thơ về ánh trăng đêm rằm ấy chớ.

    Hoài Lan đã chán chuyện ngắm trăng, cô chuyển sang đếm sao trên bầu trời cho đỡ chán. Khi cô đếm đến vì sao thứ hai mươi ba thì cô bắt đầu chán nản hơn ban nảy. Chốc chốc Hoài Lan lại đứng lên, đi đi lại lại, gãi đầu gãi tai, coi bộ đang rất gấp gáp. Cô nheo mắt, cố nuốt lấy bóng đêm vô tận phía bên kia con đường, mong mỏi bóng người thân quen xuất hiện.

    Hoài Lan lầm bầm:

    "Tao mà gặp mày rồi, tao sẽ ném mày xuống sông."

    Hoài Lan rất muốn chửi thề, nhưng đâu đó bên trong con người văn minh như cô thì không cho phép những lời tục tĩu ấy phát ra từ đôi môi xinh đẹp này. Vì thế cô ôm cục tức, tiếp tục liếc nhìn đêm đen.

    Chả là thằng bạn tri kỉ từ hồi cởi truồng tắm mưa vẫn chưa đến đón cô. Bình thường nó sẽ lãnh nhiệm vụ ra bến xe chở cô về nhà. Vậy mà dù cô có gọi bao nhiêu cuộc vẫn không thấy nó bắt máy, nhắn hàng chục tin nhắn vẫn không thấy nó trả lời. Nó chưa bao giờ đối xử tệ bạc với cô như thế. Có lẽ sau khi gặp nhau, họ nên ngồi lại, trò chuyện một cách nghiêm túc về cách đối nhân xử thế dạo gần đây của nó mới được.

    Cho dù có kiềm chế bản thân như thế nào đi chăng nữa, Hoài Lan vẫn tức tối hét lên inh ỏi:

    "Bớ thằng Đăng con bà Năm bán bánh xèo đầu ngõ. Bà sẽ cho mày biết vì sao biển xanh lại mặn."

    Rút cuộc, Hoài Lan đành chấp nhận sự thật đã bị thằng bạn thân ngó lơ, phớt lờ. Cô tức giận cành hong, vươn tay chụp lấy va-li kéo đi. Cô cần gì cái "thằng ấy" đâu chớ. Cô đã hai mươi ba tuổi rồi, không lẽ cô còn sợ bãi tha ma như hồi cô còn nhỏ xíu. Nói vậy thôi, chứ trái tim của cô đập nhanh như trống đánh đây nè.

    Hoài Lan cẩn trọng nhích từng bước tiến vào cái lối tối om trước mặt và thầm hy vọng tiếng va-li (đang ma sát với lòng đường) đừng tạo ra âm thanh nào thu hút những kẻ vô hình đang núp quanh đây. Cô vừa đi vừa lảm nhảm một mình:

    "Cái thằng đó, vậy mà còn nói là anh em chí cốt. Nó thừa biết mình sợ ma mà không thèm tới đón mình."

    Hoài Lan bực bội kéo chiếc va-li đi vào làng. Từ bến xe vào nhà cô mất đến hai mươi phút đi bộ. Cô nào ngại chuyện cuốc bộ, cô ngại cái bãi tha ma hai bên con đường kia kìa. Bao nhiêu câu chuyện ma được thêu dệt cũng bắt nguồn từ đây. Mà nghĩ cũng lạ, con đường làng được tu sửa đàng hoàng lại nằm giữa bãi tha ma. Cô ngao ngán lê từng bước chân tiến về phía trước.

    Con đường làng dài hơn thì phải. Hoặc do cô sợ hãi quá độ mà ảo tưởng nó dài hơn bình thường. Hai bên đường đều có đèn, ấy vậy mà cô vẫn thấy mọi thứ chìm vào màn đêm đen u tối. Chưa bao giờ Hoài Lan cảm thấy con đường làng lại dài, lại lạnh lùng và tăm tối như vậy. Chắc có lẽ bởi vì thằng Đăng luôn bên cạnh cô, nên cô mới cảm thấy nó vốn dĩ không đáng sợ chăng.

    Ngày bình thường, Hoài Lan chẳng hơi đâu tin vào mấy chuyện ma quái mà người ta vẫn đồn đại trong xóm. Ấy vậy mà tại khắc này, mấy câu chuyện ma lại liện tục hiện lên trong não bộ của cô, mà có xua đuổi thế nào nó vẫn không ngừng vang vọng.

    Nghe đâu tại bãi tha ma này, cũng có một cô gái trẻ bị người ta giết hại ngay trong đêm. Linh hồn của cô gái nọ vẫn còn vất vưởng đâu đây. Nó luôn rình rập những kẻ yếu bóng vía, hù dọa người ta, lại còn nhập hồn vào những người yếu bóng vía hòng giết hại đàn ông đi ngang qua đây.

    Hoài Lan lại là một cô gái yếu bóng vía. Đó mới là điều khiến cô đâm ra sợ hãi như vậy. Lỡ như cô bị ả ma kia nhập xác, rồi giết chết ai thì sao? Cô sẽ trở thành hung thủ giết người, bị bắt, có lẽ còn bị tử hình và trở thành hồn ma trinh nữ, lưu lạc khắp nơi trên trần gian. Mới nghĩ đến thôi là cô đã sợ rồi.

    Đèn đường đột nhiên chập chờn theo mỗi bước chân của cô. Hoài Lan nghe trong gió có tiếng hát ru của ai đó, nghe như ai oán. Môi cô run run, toàn thân lạnh toát, da gà nổi lên đầy hai cánh tay. Chân của cô không nhích được thêm một bước nào, nó như bị đóng băng.

    Hoài Lan chấp tay, cầu trời khẩn phật cho mình đi qua được nghĩa trang này, bù lại cô nhất định sẽ ăn chay trường kỳ. Phải rồi, cô nhớ ra ma cỏ rất sợ phật. Thế là cô bắt đầu niệm chúa, thầm mong thành công:

    "Nam mô a di đà phật. Nam mô a di đà phật." Cô híp mắt thành một đường dài. Hầu như cô không dám mở mắt nhìn phía trước, chân từ từ di chuyển thật chậm.

    Bỗng dưng một tiếng hét dài vang lên xé tan bầu không khí u ám, tĩnh mịch. Hoài Lan nhảy dựng lên, cô bỏ cái va-li, co giò chạy một mạch. Cô đoán chắc chắn mình bị ma nhát rồi.

    Hoài Lan chạy mãi, chạy mãi vẫn chưa ra khỏi khu nghĩa địa này. Mà kì quái nhất chính là mặc dù đã chạy xa khỏi nơi phát ra tiếng hét, vậy mà cô có cảm giác như người hét lên inh ỏi kia đang đứng bên cạnh mình. Tự dưng tiếng hét vẫn còn vang vọng đâu đây.

    "Ngộ nhỉ?" Hoài Lan lẩm bẩm. Tay cô bất giác thò vào túi quần lôi ra chiếc điện thoại. Tiếng hét ban nảy từ đây mà ra, là nhạc chuông báo thức của cô.

    Hoài Lan tức giận chính mình. Cô giậm chân, dùng tay tự tát mặt mình hai cái rõ đau. Cô nhớ ra rồi: Tuần trước nhóm bạn của cô đã thách thức lòng can đảm của nhau bằng việc thay nhạc chuông điện thoại. Mỗi người phải chọn nhạc chuông ma quái, càng rùng rợn càng tốt. Cô còn nhớ như in cái bản mặt sợ hãi của nhỏ bạn cùng phòng khi nhạc chuông của cô vang lên. Đợt đó suýt nữa thì nhỏ bỏ phòng trọ luôn, nó không thèm ngủ chung với cô nữa.

    Nghĩ cũng lạ, Hoài Lan thay nhạc chuông muốn hù dọa người khác, ai mà ngờ có ngày bị chính nhạc chuông của mình làm cho kinh hồn bạt vía đâu. Dù sao cũng không phải cô bị ma nhát, điều đó đáng ăn mừng hơn. Cô nhảy chân sáu đi tiếp, chỉ còn một đoạn nhỏ nữa thôi đã về đến nhà rồi.

    "Cái va-li." Hoài Lan chết lặng, rồi lại bật cười đau khổ. Vì quá sợ hãi, cô đã bỏ luôn chiếc va-li mà chạy. Bây giờ, cô phải lết cái thân gầy gờm, ốm yếu này trở lại đằng đó lấy nó. Hỡi ôi, cái thân xui xẻo của cô.

    Hoài Lan than thở rõ dài:

    "Người ta nói trong cái rủi có cái may. Sao đời tui trong cái rủi toàn có cái xui, cái rất là xui như vầy."

    Hoài Lan vuốt ngực, nuốt nước miếng, quay đầu, bước đi rất hùng hồn đến lấy lại cái va-li. Nếu không phải nhạc chuông báo thức đột ngột vang lên, cô đâu cần khổ sở như vậy. Cô nhất định phải đổi nhạc chuông sau khi an toàn nằm trên giường của mình.

    Hoài Lan cẩn thận bước đi. Nhưng cô lại dẫm phải thứ gì đó mềm mềm mà té ngã ngửa. Cô ngẩng đầu nhòm vào thứ cản bước chân của cô. Đó không phải là thứ gì, đó là con người. Không hiểu sao lúc này, cô không còn sợ hãi ma cỏ gì nữa, tất cả đều là tò mò. Máu trinh thám dâng trào, cô quyết định một quyết định khiến cô phải hối hận: Cô lật ngược người đàn ông đang nằm dưới đất lên.

    Bởi vì quá tối, Hoài Lan không thấy rõ mặt ông ta. Cô soi đèn trên điện thoại vào mặt người đàn ông và thứ trên mặt ông ta kinh đến mức cô phải hét toáng lên mới giữ được bình tĩnh. Mặt của người đàn ông đầy máu, trên mặt có một vết dài từ thái dương bên trái sang tận mang tai bên phải, trông như vừa bị chém, vết cắt khiến gương mặt như bị chia làm hai.

    Hoài Lan hoảng loạn cắn lấy môi đến chảy máu. Cô chầm chậm đưa tay lên mũi người đàn ông, muốn biết người này còn sống hay đã chết.

    "Chú ấy chết rồi." Hoài Lan kinh hãi lùi ra sau hai bước, rồi ngã ạch xuống đường.

    Khi Hoài Lan đang hoang mang không biết phải làm gì (không phải lúc nào cô cũng nhìn thấy xác chết, trong lòng dĩ nhiên có chút vừa sợ vừa bối rối), xác chết nằm trên đường đột nhiên mở hai mắt nhìn cô. Bàn tay đầy máu của ông ta nắm lấy cổ chân của cô kéo về phía mình.

    Hoài Lan kinh hãi tột độ. Ngoài hò hét người khác cứu mạng mình ra, cô chẳng còn cách nào khác. Sức mạnh của ông ta mạnh đến mức in lại vết hằn trên cổ chân của cô. Cô nghĩ mình phải chết tại đây rồi. Xác chết tự dưng sống lại, hoặc suy đoán ban đầu của cô đã sai, ông ta hoàn toàn chưa chết. Nếu như vậy, chi bằng cô cố thuyết phục ông ta. Cô hít một hơi rồi la làng, hy vọng người đàn ông này mủi lòng:

    "Chú ơi, chú tha cho con đi chú. Con sẽ đưa chú đi bệnh viện xã mình, con sẽ trả tiền thuốc men cho chú mà chú."

    Nhưng người đàn ông không trả lời cô, cũng không thả cô ra. Gã kéo lê cô dưới đường nhựa. Thân thể của cô trầy xước, đầy vết thương, ngay cả áo bên ngoài cũng rách do ma sát với con đường. Cô nghe rõ ràng những lời thì thầm của ông:

    "Tất cả đều tại mày. Tại mày mà tao phải chết. Mày sẽ không thoát khỏi tao đâu."

    Hoài Lan gào lên thảm thiết:

    "Chú ơi chú, con làm gì quen biết chú đâu. Chú hiểu lầm con với ai rồi. Chú tha cho con đi mà chú."

    Hoài Lan cảm thấy tủi thân vô cùng, có được không. Rõ ràng cô không hề quen biết chú ấy, rõ ràng chú ấy đang hiểu lầm cô là kẻ giết người, nên mới đối xử với cô như vậy. Thật không công bằng mà. Chắc cô sẽ chết tại đây thôi.

    Hoài Lan tuyệt vọng òa khóc, trông đáng thương vô cùng. Vậy mà người đàn ông vẫn lạnh lùng kéo chân cô đi. Không một dấu hiệu nào cho thấy ông ta sẽ tha cho cô.
     
    MiriiLieuDuong thích bài này.
  3. Muội Nương

    Bài viết:
    355
    Chương 2: Đám Tang

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hoài Lan bắt đầu nghĩ về số phận bi ai của mình. Cô lớn lên trong một gia đình thiếu vắng tình thương của cha lẫn mẹ, gia tài duy nhất cha mẹ để lại cho cô là món nợ lên đến trăm triệu. Người ta đến xiết nợ, lấy luôn ngôi nhà duy nhất của cha mẹ. Số tiền tiết kiệm ít ỏi vốn không đủ cho cô mua một căn nhà mới, mà chỉ đủ cho cô tiếp tục học cấp ba.

    Hoài Lan phải qua nhà dì Năm bán bánh xèo ở nhờ. May mà dì Năm (dì là bạn thân của mẹ, cũng là mẹ của thằng Đăng bạn mình) thương tình giúp đỡ cô, không những cho cô một mái ấm gia đình, mà còn luôn cho thằng Đăng đi theo bảo vệ cho cô, coi cô như đứa con gái của mình. Cô đã tự hứa với lòng sẽ trả ơn nuôi dưỡng, sẽ chăm sóc và phụng dưỡng dì Năm như mẹ ruột của mình. Lần này cô về quê cũng vì nghe được bệnh tình của dì trở nặng. Cô dù bận rộn thế nào cũng muốn về thăm dì bằng được. Cô không muốn bản thân phải hối hận khi chưa tỏ lòng hiếu đạo với dì.

    Người đàn ông đã thôi kéo cô trên đường. Gã cầm trên tay con dao từ lúc nào. Gã giơ cao bàn tay đang cầm dao. Rõ ràng gã muốn giết chết Hoài Lan bằng một nhát chém vào tim. Cô nắm lấy cơ hội bò dậy, đá mạnh vào bụng tên giết người, rồi co giò chạy trối chết. Cô không cần lấy lại va-li nữa. Đợi đến khi gặp thằng Đăng, cô sẽ cho nó một trận nhừ đòn, sau đó ép nó đi lấy va-li thay cô.

    Hoài Lan chạy mãi, chạy mãi, vậy mà vẫn chưa rời khỏi con đường ấy. Còn đường xa thăm thẳm, heo hút, không nhìn thấy điểm cuối đường đâu cả. Cô ôm bụng thở dốc, không biết mình đang lâm vào hoàn cảnh gì đây. Cô quay người nhìn xem người đàn ông kì lạ kia có đang đuổi theo mình hay không, nhưng không có ai cả. Xem ra ông ta bị thương quá nặng nên mới không đuổi kịp cô.

    Hoài Lan tưởng đã thoát khỏi nguy hiểm, ngờ đâu cô nghe được tiếng khóc nỉ non của ai đó hòa vào tiếng rít của gió. Cô lạnh người, không dám thở mạnh, càng đừng nói đến việc chạy tiếp.

    Kia kìa, đứng trước mặt cô là một cô gái mặc đầm trắng, đang đứng vẫy tay như cô là bạn bè thân thiết lâu năm mới gặp của nó. Đêm khuya thanh vắng như thế này, không có ai đi mặc cái đầm trắng dính đầy máu như cô ta. Hoài Lan cố xua ý nghĩ trong đầu đi, rằng người đang đứng trước mặt mình là ma nữ được đồn thổi lâu nay, mà không tài nào xua nó ra khỏi đầu. Người con gái trước mặt đích thị là ma rồi, cô không còn suy đoán nữa.

    Hoài Lan phải làm sao đây? Trước mặt là ma, sau lưng lại là người đàn ông xa lạ muốn giết chết mình. Cô nên quay đầu hay chạy về phía trước. Những lúc như thế này cô phải thật bình tĩnh mới được, phải tỉnh táo mới nghĩ được kế sách hay ho.

    Hoài Lan suýt nữa bật khóc thành tiếng, cô chỉ khóc trong lòng. Dù đã tự nhủ phải thật bình tĩnh, nhưng cô vẫn không cách nào thoát khỏi cái suy nghĩ sẽ chết ở đây. Đây là lần đầu tiên cô nhìn thấy một con ma, sao lại không hoảng sợ được. Nếu cô nói với thằng Đăng rằng cô nhìn thấy ma, không biết nó sẽ nghĩ gì, chắc chắn sẽ nghĩ cô bị điên cho coi.

    Đang chần chừ không biết làm gì, ma nữ trước mặt đột nhiên bay vút lại gần cô. Phải, cô ta bay vút đến cạnh cô. Lúc này Hoài Lan không còn nhấn nhá gì thêm nữa, cô hét lên thất thanh rồi co dò bỏ chạy thụt mạng, bỏ ngoài tai tiếng gọi tan thương của cô gái ấy.

    Hoài Lan cuối cùng cũng ra khỏi con đường làng ma quái. Cô thở phào nhẹ nhõm. Chỉ còn hai bước chân nữa thôi, cô đã về đến đầu ngỏ, cũng là nhà dì Năm. Cô nhất định gọi điện cho chú Nghĩa báo án. Chú Nghĩa là công an xã, rất giỏi điều tra mấy vụ giết người. Người đàn ông kia rất có thể là hung thủ của vụ án nào đấy, ông ta một mực muốn giết chết cô mà.

    Hoài Lan đứng trước cửa nhà dì Năm. Tiếng nhạc tang thương vang lên đều đặn, mùi nhang xộc vào mũi của cô, khiến cô đứng im bất động. Cô thấy thằng Đăng chạy ra chạy vô, lo mời bà con hàng xóm vào nhà. Cô đứng chết lặng một chổ. Nhà dì Năm đang lo đám tang cho ai đó. Cô dáo dác khắp nơi tìm kiếm dì Năm trong biển người, lo sợ dì Năm có mệnh hề gì. Nghĩ tới việc cô về không kịp gặp mặt dì lần cuối, trái tim cô lại đau nhói.

    Cuối cùng, Hoài Lan cũng lấy hết can đảm tiến vào bên trong nhà. Cô thấy dì Năm đang ôm ảnh của ai đó gào khóc thảm thiết. Cô cảm thấy có điều không đúng liền tiến lại gần dì Năm giật lấy tấm ảnh trên tay của dì. Kỳ quái là cô không chạm được vào tấm ảnh, rõ ràng cô đã dùng hết sức rồi.

    "Sao con dại dột quá, Lan ơi." Hoài Lan nghe dì Năm nghẹn ngào. Dì buông di ảnh của Hoài Lan xuống, khóc đến tím tái mặt mày.

    Bé Nguyệt, con gái út của dì Năm, ôm lấy mẹ mình, xoa xoa tấm lưng của bà, rồi đau lòng nói:

    "Má còn đang bệnh mà má. Chị Lan cũng không yên tâm nếu má cứ như vậy hoài."

    Lúc này, Hoài Lan mới bàng hoàng nhận ra người chết là.. mình. Cô dụi dụi mắt, lại tát vào má mình hai cái, thầm nghĩ đây có thể là một cơn ác mộng. Cô đâu thể chết được, rõ ràng cô đã leo lên xe và nhắm mắt ngủ cho đến.. Hoài Lan không nhớ mình có tỉnh dậy lúc nào.

    Là mơ thôi. Tất cả chỉ là mơ. Hoài Lan cố gắng tỉnh trí, lấy hết bình sinh muốn thoát khỏi cơn ác mộng này. Nhưng dù cô có nhắm mắt và mở mắt bao nhiêu lần, cô vẫn thấy mình đứng trước di ảnh và cả quan tài trước mặt. Cô hít một hơi thật sâu, rồi lê bước đến bên cạnh quan tài. Cô cúi người nhìn vào cái xác đang nằm bên trong đó và bật ngửa ra đằng sau.

    Đó là xác chết của một cô gái, khuôn mặt trương phù rách nát đến mức không còn nhìn ra hình dạng gì nữa. Trên tay của thi thể đeo một chiếc lắc tay vàng, rất giống của cô. Cô bàng hoàng, chết điếng trong lòng, nhận ra mọi thứ là thật chứ không phải cơn ác mộng nào cả.

    Nước mắt cô tự dưng trào ra, trong lòng nhói lên từng cơn. Người chết quả thật là Hoài Lan, đây không phải là cơn ác mộng nào cả. Chiếc lắc tay kia là đúng là của cô, nó là của hồi môn mà bà ngoại tặng lại cho mẹ, nó có khắc chữ "Thoại – Quang" trên đó. Cô không phải là người, cô là ma, một linh hồn không biết mình đã chết. Cô nhớ ra vài điều, người vừa chết trong ba ngày đầu họ không biết mình đã chết. Linh hồn cô mang chấp niệm về thăm dì Năm, mới đi về làng.

    Chẳng trách cô gọi bao nhiêu lần, Hải Đăng cũng không bắt máy, chẳng trách mỗi bước đi của cô đều làm cho đèn điện chập chờn, chẳng trách sao cô nghe tiếng khóc của hồn ma trong khu nghĩa đia, rồi gặp phải hồn ma người đàn ông và cả người phụ nữ ngoài kia, bởi vì họ là người chết giống cô.

    Hoài Lan thu hai gối lại, ôm lấy cái đầu đang đau như búa bổ. Một vài ký ức vụn vặt dần dần xuất hiện trong đầu cô. Cô nhớ ra rồi, ngày cô lên xe về quê thăm dì Năm, tại trạm dừng chân, cô đi vào phòng vệ sinh công cộng rửa mặt. Lúc đó, phòng vệ sinh nữ chỉ có mỗi mình cô. Giờ nghĩ lại, cô cũng cảm thấy kỳ lạ. Trên xe có đến bốn người là giới tính nữ, nhưng chỉ mỗi mình cô xuất hiện trong nhà vệ sinh công cộng. Cô tưởng họ không có nhu cầu giải quyết "nỗi buồn" mà thôi.

    Và khi cô đang chỉnh trang lại đầu tóc, có đến ba người đàn ông đeo khẩu trang, lao vào tấn công cô. Chúng không nói không rằng mà lôi cô vào một phòng, một tên trong số chúng đâm cô một nhát vào bụng. Cô nhớ mang máng vài điều mà họ nói với nhau:

    "Làm cho giống vào. Người đó không muốn lộ một chút sơ hở nào cả."

    Một người khác lại nói:

    "Biết rồi, biết rồi. Mày cứ càm ràm suốt từ nảy đến giờ. Giỏi thì mày tự làm đi."

    Người kia lại hằn hộc:

    "Bộ một mình tao có lời hả?"

    Rồi Hoài Lan không đủ sức nghe thấy họ nói gì sau đó nữa. Cô thấy đau lắm, cô nằm trong vũng máu, mắt nhìn lên trần nhà, cơn khó thở kéo dài trong bao lâu cô không nhớ rõ. Cô đoán do cô chết, linh hồn thoát ra khỏi xác.

    Hoài Lan ngước lên nhìn di ảnh của mình. Lòng cô rối như tơ vò, tất cả đều là hoang mang, hoảng sợ, lại có chút xót xa chính mình. Những người đó là ai, tại sao lại nhẫn tâm giết chết cô, dù cô không có thù oán gì với họ. Đến cả khuôn mặt của cô cũng bị rạch tan nát. "Người đó" trong câu nói của họ có phải là kẻ chủ mưu, người muốn cô chết hay không? Cô muốn biết, cô muốn họ phải trá giá, cô muốn họ phải đền mạng.

    Hoài Lan ôm lấy đầu gối khóc như đứa trẻ, nước mắt nước mũi tèm lem. Cô còn quá trẻ, còn bao ước mơ hoài bão chưa thực hiện. Làm sao cô chấp nhận được sự thật này? Cô còn chưa trả ơn dì Năm, còn chưa biết mùi vị của tình yêu là gì, còn chưa được đi du lịch khắp nơi. Những tên đã giết chết cô đều đáng chết, kể cả tên chủ mưu cũng vậy.

    Hoài Lan chợt thấy Hải Đăng đi đâu đó, liền đứng dậy theo sau nó. Cô thấy nó ngồi sau bụi chuối sau nhà, ngồi khóc hu hu. Cô nhẹ nhàng đi đến ngồi bên cạnh nó, nghe tiếng nấc nghẹn của nó. Cô đoán nó không dám khóc trước mặt dì Năm, nó còn phải làm chổ dựa vững chắc cho dì và bé Nguyệt mỗi khi họ buồn phiền. Dù sao nó cũng là người đàn ông duy nhất trong nhà. Nó không thể yếu đuối trước mặt họ.

    Hoài Lan và Hải Đăng đã chơi thân từ thời còn nhỏ xíu. Lan khác với mấy bạn gái cùng trang lứa. Nếu người ta chơi búp bê, nhảy dây, chơi cò cò thì cô lại khoái chơi đấu kiếm, bắn bi, bắn súng, những trò chơi mà mấy bạn trai thích chơi. Vì vậy mà Lan có rất ít bạn là nữ, toàn chơi với mấy bạn nam là chính.

    Càng lớn Lan càng trở nên xinh đẹp, mái tóc dài và bềnh bồng như thác nước đổ, làn da trắng mềm mại, thân hình trở nên thon thả. Đặc biệt nhất vẫn là đôi má lúm đồng tiền mà mỗi khi cười lên lại khiến bao anh chàng si mê. Đó cũng là lúc Đăng không còn cho cô theo cùng nữa. Bởi vì thay vì chơi cùng nhau thì mấy bạn trai cứ thích len lén nhìn cô, không chịu chơi nhiều như lúc còn bé.

    Đăng trở thành vệ sĩ của cô từ thời cô dậy thì, năm đó là năm lớp mười một. Nó còn nhớ như in cái lần cô bị mấy thanh niên xóm trên chọc ghẹo, một mình Đăng đánh cả đám ra bả. Kết quả nó bị thương khắp người, do đánh không lại ba tên bự con hơn nó, còn ba tên đó cũng chẳng khá khẩm gì mấy, họ cũng bị Đăng đánh sưng mặt.

    Cũng từ đó, danh tiếng của Đăng – vệ sĩ của Hoài Lan nổi lên như cồn. Không còn ai dám la cà quanh cô nữa, cũng không còn ai dám có ý định tán tỉnh cô nữa.

    Năm cả hai lên đại học lại không học cùng chuyên ngành. Lan học trường Kinh tế, còn Đăng học trường Bách khoa, mỗi người một nơi. Mặc dù vẫn thường xuyên liên lạc với nhau, nhưng nó không còn cơ hội trở thành vệ sĩ của Lan nữa, cũng chẳng kề kề bảo vệ cô nữa.

    Hoài Lan ngồi xuống gần thằng Đăng. Cô rất muốn an ủi thằng bạn. Lần đầu tiên cô thấy nó khóc nhiều như vậy. Thằng này mạnh mẽ lắm, chẳng bao giờ thấy nó rơi một giọt nước mắt nào. Hôm nay nó khóc nhiều như thế khiến cô cũng chẳng còn lòng dạ mở lời an ủi. Thôi cứ để nó khóc như thế cho nhẹ lòng.

    Từ nay hai người chẳng còn cơ hội gặp nhau nữa, cô cũng chẳng còn đánh đập nó mỗi khi giận dữ, cũng chẳng còn tâm sự chuyện buồn vui trên trời dưới đất với nó nữa. Có lẽ nó cũng nghĩ đến chuyện này nên mới buồn như thế. Cô ngồi bên cạnh, khóc cùng nó.
     
  4. Muội Nương

    Bài viết:
    355
    Chương 3: Hồ Điệp

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hoài Lan khóc không ra hơi nữa, cứ tiếp tục thế này chắc cô khan tiếng vì khóc quá nhiều mất, dù không biết là ma thì còn cảm giác rát cổ họng hay không. Cô quay sang đập mạnh vào vai Đăng, nhưng tay của cô không chạm được vào nó. Cô than thở:

    "Nè, tao chết thì cũng đã chết rồi. Mày phải lo tìm hung thủ giết tao đi chứ. Không thì đừng trách biển xanh lại mặn nhé."

    Hải Đăng đang khóc tự dưng nín khe, nó lau vội nước mắt. Hoài Lan còn tưởng nó nghe được lời mình nói, cô vẫy vẫy tay trước mặt nó mà nó không thấy cô. Rồi cô nghe có tiếng bước chân vội quay đầu nhìn về phía người đang đi tới. Đó là Duyên đang đi về phía này. Cô mỉm cười và vẫy tay chào con bé, nhưng dĩ nhiên cô là ma, chỉ có cô nhìn thấy cô bé mà thôi.

    Duyên là bạn thân của Nguyệt, nhỏ hơn cô ba tuổi, bây giờ đang là sinh viên năm hai ngành quản trị kinh doanh thì phải. Ai cũng nhìn ra Duyên có tình cảm với Đăng. Nhưng thằng ấy quá ngốc để nhận ra tình cảm của em ấy. Cô nhớ cô đã rất nhiều lần mai mối cho hai người mà không thành. Chủ yếu thằng Đăng không chịu hợp tác chút nào. Nó nói nó có người trong lòng rồi, không muốn yêu đương với ai. Mà cô gặng hỏi nó bao nhiêu lần, nó cũng không hé răng nửa lời bật mí cái người mà nó thích là ai.

    Duyên ngồi xuống cạnh Đăng (ra là nguyên nhân thằng ấy lau khô nước mắt, nó nghe được tiếng bước chân của người ta, tai nó thính lắm). Cô bé nói:

    "Nguyệt nói với em là anh ở đây."

    Đăng sụt sịt vài cái, tằng hắng lấy lại giọng cho bình thường nhất, mới trả lời Duyên:

    "Anh ngồi ở đây một chút. Chút nữa anh vô nhà, em cứ tự nhiên đi."

    Duyên trầm giọng:

    "Em nghe nói anh muốn liên lạc với công an tỉnh điều tra vụ án của chị Lan?"

    Đăng gật đầu, không trả lời. Đôi mắt của nó sáng rực với quyết định đó. Ngay cả Hoài Lan cũng cảm động nhìn thằng bạn thân. Nó luôn luôn nghĩ cho cô. Thì ra nó đã có ý định tìm chú Nghĩa điều tra án oan cho cô, nhưng cô lại hiểu lầm nó, đói cho nó thấy "biển xanh lại mặn". Cô có lỗi với nó quá.

    Duyên không vui nói tiếp:

    "Anh muốn người ta cười vào mặt anh hả? Chị Lan tự tử chết, mắc gì anh đi điều tra. Cả xóm cả làng ai mà chẳng biết chuyện chị Lan cặp đại gia ở Bình Dương, bị vợ người ta đánh ghen túi bụi. Kết cục chỉ tự tử mà chết. Chỉ có một mình anh cố chấp tin chị ấy không phải kiểu người đi phá vỡ gia đình người khác thôi. Anh không nhớ sao? Ngoài một tuần trong hè chị ấy về đây chơi, anh và chị Lan có gặp nhau thường xuyên không? Chị ấy đi Bình Dương biệt tích ở đó, không liên lạc với ai cả. Chị ấy đã thay đổi ra thành cái dạng người đó mà anh vẫn còn cố chấp tin tưởng sao?"

    Mặt của Đăng trở nên tái mét vì tức giận. Những lời quá đáng của Duyên khác nào là cái tát vào mặt nó đâu. Nó bắt đầu mất kiên nhẫn. Nó lạnh lùng nói:

    "Em đừng xúc phạm Lan. Lan không phải kiểu người đi tự tử chết đâu. Không phải cô ấy chưa trải qua đau đớn nào trong quá khứ. Chuyện bị người ta hiểu lầm là kẻ thứ ba không khiến cô ấy chọn cách tiêu cực như vậy. Với lại, từ nhỏ nó đã không chịu được đau, nó làm sao có gan tự rạch mặt mình như thế?"

    Duyên cự cãi:

    "Nhưng đó là sự thật. Khi người ta không còn ý định sống tiếp, thì chuyện gì người ta chẳng làm ra được?" Duyên dịu giọng nói tiếp: "Em nói như vậy không phải em ghét chị Lan, em cũng giống như Nguyệt, luôn xem chị ấy như chị ruột của mình. Em muốn anh tỉnh táo lại. Đừng làm những chuyện điên rồ, mất thời gian và tiền bạc nữa. Chị Lan trên trời linh thiêng cũng không muốn anh đau khổ mãi đâu."

    Hoài Lan nghe không lầm. Vụ án của cô bị kết luận là tự tử vì tình với ông đại gia nào đó ở Bình Dương. Cô cười khổ. Lời đồn quả nhiên còn mạnh hơn cả sự thật. Cô những tưởng mình không để tâm mấy lời đồn đại của xóm làng là tốt, chỉ cần bản thân cô trong sạch, không thẹn với lòng, sẽ trải qua những tháng ngày bình yên. Không ngờ, lời đồn theo chân cô cho đến khi cô chết. Và người ta còn thêu dệt ra cả đoạn tình lâm li bi đát của cô.

    Hoài Lan xinh đẹp, hát hay, lại học giỏi. Đám trai làng theo đuổi cô nhiều vô số, nhưng ngại thằng Đăng mới không dám hó hé đến gần cô. Đăng luôn nghe lời mẹ trong khoản bảo bọc Lan, lại còn rất nhiệt huyết trong chuyện ngăn cản mấy thằng muốn đến gần cô.

    Có điều sau khi tốt nghiệp đại học, vì chuyên ngành theo học của Hoài Lan mà cô ra Bình Dương xin việc làm. Tại đây mọi rắc rối cũng vây quanh cuộc sống của cô. Vì xinh đẹp mà cô luôn rước phiền phức, đặc biệt là những lời tán tỉnh của cấp trên luôn khiến cô muốn nghỉ việc cho xong. Đáng tiếc là Đăng ở lại Sài Gòn, không theo cô về Bình Dương, mới không thể bảo vệ cô lần nào nữa.

    Hoài Lan luôn từ chối những lời mời, những lời tán tỉnh có cánh của người mình không thích. Cô chỉ chuyên tâm làm tốt công việc của mình. Nhưng những tin đồn thất thiệt vẫn lan truyền trong công ty khiến cô không chịu nổi mà nộp đơn thôi việc. Cô quyết định về với dì Năm, thăm dì là chính, phụ dì bán bánh xèo là mười.

    Vậy mà số phận của cô vẫn không khá hơn là mấy. Cô vẫn bị giết chết, còn chết trong đàm tiếu và suy diễn của mọi người. Đăng liệu có tin cô nữa, hay là tin những gì Duyên đang nói.

    Hoài Lan thấy thằng Đăng giận dữ bỏ đi một mạch. Duyên chỉ đứng nhìn trời mà nói:

    "Chị Lan à, chị có cần tự tử ngay cái ngày chị về thăm dì Năm không? Nếu chị còn thương dì, thương Nguyệt, thương anh Đăng thì chị làm ơn phù hộ cho ảnh qua cái ải này đi."

    Hoài Lan càng nghĩ càng thấy vô vọng. Cô bị giết, không phải tự tử. Cô làm sao nói được điều này cho Đăng biết. Cô còn không thể giao tiếp với người sống thì làm sao tự chứng minh mình vô tội. Cô chán nản đi ra đi vào nhà Đăng, thả mình xuống chiếc võng ngoài hiên, suy nghĩ cách cứu vãn tình thế.

    "Phải rồi há." Hoài Lan hò reo sung sướng, quên luôn nỗi buồn vừa rồi của mình. Cô nhớ ra có một người có thể nhìn thấy cô. Có điều người này thật sự không ưa gì cô giống như cô không ưa gì nó vậy.

    Thằng ất ơ đó tên Hồ Điệp, học chung cấp hai và cấp ba với cô, nhà cách đây khoảng hai cây số đi về hướng nam khu nghĩa trang trong làng. Con trai lại có cái tên Hồ Điệp, cái thằng này bị người ta ăn hiếp đến nổi không có lấy một người bạn. Một tên kì quái nhất trong những kẻ kì quái mà cô biết.

    Thằng ấy có khả năng giao tiếp với ma quỷ. Ngày trước nó bị mọi người tẩy chay trong thời gian cũng vì cái tật nhìn đâu cũng bảo thấy ma của nó. Dĩ nhiên lúc đó mọi người đều nghĩ nó sinh tật muốn trêu ghẹo đám con nít nhát cáy trong làng thôi, riêng cô nghĩ nó bị điên. Nó lúc nào cũng mồ hôi nhễ nhại, tay không ngừng chỉ vào khoảng trống nào đó rồi hô hào có ma. Ai mà tin trên đời này có ma cơ chứ, không phải điên cũng là khùng khùng.

    Rồi Hoài Lan nhận ra một sự thật đau lòng: Cô là ma. Và thằng ất ơ nhìn thấy ma tên Hồ Điệp kia có khi là hy vọng duy nhất mà cô có được. Nếu nó nhìn thấy ma thật thì nó sẽ nể mặt người quen mà giúp cô không chừng.

    Hoài Lan bắt đầu di chuyển, cô lướt như một con ma trong bộ phim mà cô hay xem. Khi còn sống cô không thể tin rằng bay lại có cảm giác tuyệt cú mèo như vầy, dù đã chết thì không còn gì tuyệt vời nữa. Cô phải đến nhà Hồ Điệp ngay, hy vọng nó có ở nhà cho cô nhờ vả.

    Lý do duy nhất khiến Hoài Lan không thể có cảm tình, dù một chút xíu xìu xiu, dành cho Hồ Điệp rất buồn cười. Đó là khi hai cái tên của hai người ghép lại thành hai nhân vật chính trong vở tuồng cải lương Lan và Điệp. Cả hai bị gán ghép suốt bốn năm cấp hai, và cả ba năm cấp ba vẫn không thoát cái cảnh bị gán ghép với thằng "điên" ấy.

    Dù Hồ Điệp chưa bao giờ làm gì có lỗi với Hoài Lan thì cô vẫn ghét thằng ấy, không cần bất cứ lý do nào cả. Cô thấy nó rất thông minh. Ngày còn học phổ thông, nó đã từng phá rất nhiều vụ án nhỏ trong trường. Người ta đặt biệt danh cho nó là "thám tử tĩnh lặng", do cái khuôn mặt lạnh tanh như tờ của nó mới có thêm hai chữ "tĩnh lặng" đó.

    Hoài Lan nhớ rất rõ, năm đó khi học lớp mười một, cô bị cô giáo sếp cho ngồi gần Hồ Điệp. Dĩ nhiên cái đoạn này, mọi người lập tức hô to: Lan và Điệp.. Lan và Điệp để chọc ghẹo tụi nó. Cô còn nhớ mình đã liếc nó đến mức suýt lòi cả hai tròng mắt ra ngoài vì chán ghét. Còn thằng ấy thì chẳng có biểu hiện gì cả, mặt cứ trơ trơ ra, cũng chẳng giải thích cho người ta biết hai người họ chẳng có gì với nhau. Lúc đó cô đã ước giá mà thằng Đăng đập cho thằng này một trận vì cái tội.. tội gì thì cô cũng không biết.

    Năm lớp mười một, có một vụ án nhỏ xảy ra trong lớp, một vụ mất tiền quỹ lớp ngay giữa giờ ra chơi. Bình thường người luôn ở trong lớp giờ ra chơi chỉ có mỗi Hồ Điệp, thằng ấy không chơi với ai cả. Cho nên khi tiền quỹ lớp bị mất, mọi người đều nghi ngờ nó lấy trộm.

    Cô Thủy chủ nhiệm lớp, kiêm giáo viên dạy văn đã bỏ luôn một tiết văn để tìm ra số tiền bị đánh cắp. Cả lớp, ngay cả nhỏ thủy quỹ cũng đều tố cáo thằng Điệp, nói rằng chỉ có mỗi mình nó không ra khỏi lớp giờ ra chơi.

    Cô Thủy không tin Điệp ăn cắp (Hoài Lan cũng không tin, dù có ghét nó cỡ nào thì với tính cách cương trực của nó, cô không tin nó đã lấy số tiền), nhưng cô lại không ép được cả lớp phải tin cô. Lúc này Điệp đứng lên và nói to:

    "Vì lý do gì mà mọi người nghĩ tui đã lấy số tiền đó?"

    Thủ quỹ lớp – nhỏ Nga nói lớn:

    "Tại ông cần tiền chớ sao. Giờ ra chơi chỉ có mỗi ông ở trong lớp học, không ông lấy thì ma lấy hả? Ông biết nhà tui không khá giả gì mà còn làm như vậy. Thưa cô, cô phải bắt bạn Điệp trả lại số tiền cho em."

    Nhỏ Nga òa khóc nức nở. Số tiền ba trăm sáu mươi ngàn lúc ấy là cả một vấn đề đối với Nga. Nhà nó nghèo, làm sao mà xoay xở số tiền đó đền cho lớp đây. Hoài Lan thấy tội nghiệp nó quá, cũng tò mò không biết Điệp giải quyết vụ này ra sao.

    Điệp rất bình tĩnh, như nó không phải là người bị dồn vào thế bí ấy. Nó vẫn đứng đó, ngạo nghễ đối mặt với bao ánh mắt nghi hoặc đang nhìn mình. Nó dửng dưng đáp:

    "Nếu mà nói tui cần tiền thì mắc mớ gì đụng vào số tiền cỏn con đó? Tiền của thằng Dự để trong cặp của nó còn lớn gấp đôi tiền quỹ lớp. Nếu có lòng tham, tui thà lấy của thằng Dự còn hơn."

    Hoài Lan thấy Dự ép cái cặp của nó vào bụng nó như thể sợ Hồ Điệp nhào vào lấy mất, trông bộ dáng rất buồn cười. Cô liền khúc khích cười khiến ai cũng nhìn mình kì lạ.

    Hoài Lan thấy ai cũng nhìn mình thì nói:

    "Em thấy lý do bạn Điệp ở trong lớp giờ ra chơi nên bạn ấy lấy cắp số tiền đó rất buồn cười. Liệu số tiền đó có còn cho đến khi ra chơi hay không, liệu có thật sự chỉ có mỗi bạn Điệp ở trong lớp khi ấy hay không, em rất tò mò."

    Nga đứng bật dậy, chua chát nói:

    "Tui đã kiểm tra số tiền trước khi ra căng-tin. Nó vẫn còn, tui đã cố nhét vô trong cuốn sổ thu chi rất cẩn thận rồi mới đi."

    Hoài Lan cười nói:

    "Vậy thì người trông thấy bạn Nga nhét sấp tiền vào trong cuốn sổ đó rất đáng nghi. Làm thế nào mà Điệp, một bạn ngồi hàng thứ ba lại có thể thấy được bạn Nga ở hàng ghế cuối giấu số tiền của mình được?"

    Điệp lúc này cũng quay sang nhìn Hoài Lan, người đang đứng lên nói giúp cho mình. Có lẽ ngay cả cậu ta cũng ngạc nhiên khi cô lại đứng ra bênh vực mình. Ngày thường cô vẫn thường hay đối xử hằn hộc với cậu ta lắm.

    Điệp ném cặp sách của mình lên trên bàn. Cậu ta dõng dạc nói trước cả lớp:

    "Nếu số tiền đã mất trong giờ ra chơi, và em luôn ngồi trong lớp học, thế thì em sẽ không có thời gian giấu đi số tiền đó. Như vậy đi, mọi người và cô kiểm tra cặp của em và cả túi quần của em nữa. Xem chừng sẽ thấy số tiền bị mất đó."

    Hồ Điệp rất nghiêm chỉnh chờ đợi mọi người lục soát. Chỉ là ai ai cũng đưa mắt nhìn nhau, mà không ai lại gần nó. Hoài Lan thấy vậy nên với cương vị một người ngồi chung bàn với Điệp, cô đã nhanh nhảu lôi tất cả sách vỡ trong cặp của Điền ra, lại còn úp cặp sách xuống và đưa cho mọi người xem.

    Hoài Lan chán ghét Hồ Điệp, nhưng không muốn thấy thằng ấy bị người ta vu oan. Cô nói:

    "Không có chứng cứ, không có vật chứng, không nên nghi ngờ người khác lung tung."
     
    Mirii, chiqudollLieuDuong thích bài này.
  5. Muội Nương

    Bài viết:
    355
    Chương 4: "Lan Và Điệp"

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cô Thủy và cả lớp đang nhìn chằm chằm Hoài Lan và Hồ Điệp, người tung kẻ hứng vô cùng nhịp nhàng. Có vài tiếng xì xào nổi lên, nào là "thấy hai vợ chồng nó bênh nhau ghê chưa?", hay "Bình thường không thấy tụi nó nhiệt tình với nhau, gặp chuyện cái là thành đôi liền."

    Hoài Lan tức giận ngồi xuống rất mạnh, mạnh đến nổi nó cảm thấy xương hai bên hông phát ra âm thanh của sự nức vỡ, khiến nó khẽ kêu lên "úi da". Nó chống cầm, không thèm quan tâm chuyện của Điệp nữa, cứ mặc cho nó tự giải quyết còn hơn mang danh "bạn gái của Điệp".

    Hồ Điệp bất mãn nhìn cả lớp, nhìn luôn sự vô tình mà họ đang dành cho mình. Chỉ vì giờ ra chơi nó không ra khỏi lớp, liền bị quy chụp cái mũ "ăn trộm" lên đầu. Ngay cả khi lục soát cả cặp sách lẫn túi quần nó thì người ta vẫn chưa tin nó vô tội. Họ còn hạch họe người duy nhất đứng về phía nó là Hoài Lan, khiến cô nàng cũng bỏ mặc nó luôn.

    Hồ Điệp hừ lạnh. Nếu họ đã vô tình với nó như thế thì nó đừng nên suy nghĩ cho kẻ biến nó thành ăn trộm nữa. Dù kẻ này có bao nhiêu lý do biện minh cho hành vi ăn cắp, còn vu oan cho nó là gì, nó cũng không muốn tha thứ đâu. Nó quyết định nói lời cuối cùng:

    "Nếu em nói em biết thủ phạm là ai thì sao cô? Người đó không những ăn cắp mà còn hả hê khi em bị tình nghi, em khai cái tên của bạn đó ra thì bạn đó có bị đuổi học hay không?"

    Cả lớp nghi ngờ nhìn Hồ Điệp, ngay cả Hoài Lan cũng không tin nó có thể tìm ra hung thủ lấy trộm số tiền kia. Cô Thủy hứa với nó nếu bắt được người lấy trộm tiền sẽ đình chỉ một tuần. Lan thấy Điệp chỉ cười cười, rõ là nó không quan tâm kẻ đó có bị đình chỉ hay không, chỉ cần nó khai cái tên người đó ra, những tháng ngày về sau của người đó trên ghế nhà trường không mấy tốt đẹp đâu.

    Rồi đột nhiên, ở cuối lớp truyền lên tiếng kêu của Hoa, người ngồi gần Nga. Cô bạn này lượm được sấp tiền được gói rất gọn gàng của Nga ở dưới chân ghế. Nhỏ Hoa đưa cho cô Thủy và nói:

    "Em thấy nó ở dưới đất nè cô."

    Cô Thủy lấy sấp tiền và công bố Hồ Điệp không phải kẻ trộm và rày la Nga một trận vì tội không cẩn thận để rơi tiền, còn nghĩ oan cho Điệp lấy cắp. Cô Thủy cũng bắt Nga phải nói lời xin lỗi Điệp.

    Điệp thấy số tiền đã được tìm ra, nên lặng lẽ ngồi xuống, không còn muốn truy tìm thủ phạm đến cùng nữa. Mọi người đều biết hung thủ sợ bị phát hiện nên mới ném cục tiền đi. Hoài Lan rất thắc mắc người lấy trộm tiền là ai, rõ ràng thằng Điệp biết, nhưng nó lại câm như hến. Cho đến bây giờ vẫn không ai biết người lấy trộm tiền của Nga là ai.

    Vụ án trộm tiền quỹ vừa khép lại, cặp đôi Lan và Điệp càng bị chọc nhiều hơn trước. Người ta còn nói cái câu: Đồng vợ đồng chồng tát cạn biển Đông nữa cơ. Đúng là đáng ghét không tả nổi. Kể từ hôm đó, Hoài Lan không bao giờ bắt chuyện với Điệp thêm câu nào nữa, cô sợ lời đồn về chuyện tình Lan và Điệp lại càng lan ra. Lâu lâu cô mới quay sang mượn cây viết, rồi lại mượn cuốn tập chép bài thôi.

    Trong năm đó Hồ Điệp còn phá được một vụ án khác: Vụ án con mèo chết trong phòng bác bảo vệ. Con mèo của Nhàn, lớp học kế bên lớp của Hoài Lan. Ngay hôm đó, Nhàn tự dưng đưa con mèo vào trường học, vì sợ bỏ mèo ở nhà thì mèo đói mà chết. Nhưng Nhàn sợ thầy cô biết Nhàn mang theo con mèo, nên đã lén để mèo lại đằng sau phòng bắc bảo vệ và cột nó lại cẩn thận.

    Cuối ngày, Nhàn không thấy con mèo đâu cả và khóc lóc khiến mọi người đang ra về đều đứng lại nhìn. Một số ra về, còn một số tò mò vẫn ở lại coi sao. Mười phút sau, bác bảo vệ phát hiện xác chết của con mèo bên trong phòng bảo vệ, liền đem nó ra bên ngoài.

    Nhàn vừa nhìn thấy con mèo yêu quý của mình bị chết thì khóc càng to hơn. Nó đổ thừa bác bảo vệ đã giết chết con mèo của nó và đòi bắt bác ấy bồi thường thiệt hại tinh thần lẫn tiền bạc.

    Bác bảo vệ oan ức kể khổ, nhưng chẳng ai tin. Ai cũng biết bác ấy ghét chó mèo, con mèo lại còn chết bên trong phòng mình. Bác ấy bị oan, nhưng lại không cách nào kêu oan.

    Thầy phó hiệu trưởng giải tán đám đông đan bàn tán, chỉ chỏ về phía bác bảo vệ. Duy chỉ có Hồ Điệp không chịu đi đâu cả, nó tiến lên một bước, lặt cơ thể con mèo lên và xem xét cái gì chẳng ai biết cả. Rồi đột nhiên nó đứng dậy, chạy đến bàn lấy trái chanh, còn cắt ra làm hai và vắt chanh vào miệng con mèo.

    Chỉ thấy vài phút sau, con mèo nôn mửa. Nhận thấy tín hiệu của sự sống Hồ Điệp nói to:

    "Mèo bị ngộ độc. Mọi người nhìn xem: Da, miệng, cổ họng, móng cũng sưng đỏ, có mụn nước li ti, chảy nhiều nước dãi và đang hôn mê, chưa có chết. Bạn nên đưa em mèo đến bác sĩ thú y gần nhất coi sao đã, tui chỉ mới sơ cứu cho bé mèo chút thôi. Còn nữa, bạn phải xin lỗi bác Thành. Bác ấy không liên quan đến mèo của bạn."

    Hoài Lan chứng kiến tất cả và phục Hồ Điệp sát đất. Cậu ta chỉ quan sát một chút đã phát hiện tình trạng của bé mèo. Thì ra bé mèo không chết mà chỉ đang hôn mê do bị ngộ độc.

    Nhàn nhanh chóng đưa bé mèo đến bệnh viện thú y, đã kịp xin lỗi bác bảo vệ. Bác Thành nắm lấy tay của Điệp và cảm ơn nó rối rít. Hoài Lan nghe nó nói với bác bảo vệ:

    "Mèo bị Nhàn cột lại đằng sau phía kia. Có thể em mèo bị đói nên tìm cách vào trong nhà tìm đồ ăn. Con đoán bé mèo ăn phải thuốc chuột, hoặc thứ gì đó gây ngộ độc."

    Hoài Lan hỏi ngay:

    "Làm sao ông biết mèo bị ngộ độc."

    "Tui quan sát biểu hiện của nó. Hy vọng Nhàn cứu được bé mèo, cũng hy vọng bạn ấy đừng để mèo lung tung như thế."

    Hoài Lan cười và nói:

    "Sau này ông mà không trở thành một thám tử thì thật là uổng phí. Tui thấy tài quan sát, suy luận của ông quá đỉnh."

    Hoài Lan giơ ngón tay cái lên khen ngợi Hồ Điệp và lần đầu tiên cô thấy nó cười. Cô bối rối và bỏ đi một mạch. Nếu cô còn nấn ná thêm, thể nào lời đồn về chuyện tình "Lan và Điệp" càng trở nên chân thật hơn. Tốt nhất là cô nên tránh xa thằng ấy một chút.

    Hoài Lan đi về cùng với Đăng (nó đợi cô ngoài cổng nảy giờ). Cô kể cho nó nghe chuyện Điệp vừa cứu được mèo của Nhàn, cũng càm ràm chuyện mọi người cứ ghép đôi cô với thằng ấy, nên cô mới không muốn tiếp xúc với nó. Chứ thật sự cô thấy Điệp là một người bạn đáng để chơi cùng.

    Hoài Lan nói với Đăng:

    "Sao tao thấy nó lúc nào cũng lủi thủi một mình, tội hén mày?"

    Đăng thể nào cũng nói:

    "Chứ không phải mày ghét nó hả?"

    Hoài Lan không trả lời mà lại nói câu khác:

    "Nghe bảo nó bị vong theo hả mày? Theo mày thì nó có thật sự nhìn thấy ma hay không?"

    Đăng cự nự:

    "Ma quỷ làm gì có thật. Mày cứ nghe người ta nói tào lao không."

    Lúc ấy, Hoài Lan rất tò mò, nên quay đầu nhìn Điệp đang đi một mình, bị mọi người né tránh như né tà, vậy mà mặt nó vẫn không thấy đổi gì cả, vẫn trơ trơ như thể nó không quan tâm mấy chuyện bị người ta tẩy chay.

    Trong ba năm phổ thông, Hồ Điệp còn phá nhiều vụ án nhỏ khác nữa. Nhờ phá được hai vụ án trộm tiền và con mèo bị ngộ độc, nó trở nên nổi tiếng và được nhiều người nhờ vả phá án giùm. Hoài Lan ngạc nhiên là họ vừa mới né tránh nó như né tránh ma quỷ, giờ lại tìm cách lấy lòng nó, nhờ nó đủ thứ chuyện. Cô biết tỏng là tụi này chỉ muốn lợi dụng lòng tốt của nó thôi, chứ sau lưng nó họ vẫn xì xào và nói nó bị điên. Đúng là thói đời, không sao hiểu nổi.

    Và rồi mùa hè năm lớp mười hai, khi lớp mười hai vừa thi tốt nghiệp xong, tại quán bánh xèo nhà dì Năm xảy ra một vụ án ngộ độc thực phẩm. Hôm ấy cũng như mọi buổi sáng chủ nhật, Điệp luôn qua nhà dì Năm ăn bánh xèo, Lan ghét ra mặt, không thèm ra tiếp đón (Lan thường phụ dì Năm bưng bánh xèo ra cho khách), vì thể nào dì Năm cũng chọc hai đứa nó là một cặp trời sinh.

    Mọi người đang ngồi ăn ngon lành, Hoài Lan ngồi trong nhà nhìn ra với vẻ thèm thuồng. Có điều nó ngại thằng Điệp nên không bước ra ngoài. Đột nhiên ba nam thanh niên bị đau bụng quằn quại sau khi ăn bánh xèo tại quán, một người trong số họ bị nặng đến mức nhập viện. Hai người còn lại lập tức đập bàn ghế, đuổi khách của dì Năm, còn đòi dì phải bồi thường tiền thuốc men.

    Dì Năm bán bánh xèo mười mấy năm trời, chưa từng gặp trường hợp nào bị người ta tố cáo kiểu này. Dì luôn chọn thực phẩm tươi, ngon và mới ra lò. Không thể nào có chuyện ăn bánh xèo bị ngộ độc. Ngay cả Lan cũng thấy vô lý, nhưng dì đã cố giải thích cho hai tên kia, mà họ vẫn một mực đòi dì phải bồi thường, nếu không họ sẽ đem chuyện này lên chính quyền.

    Nhưng hai tên kia chưa kịp hành động gì đã bị Điệp ngăn lại. Nó ngồi ăn bánh xèo ngon lành, trong khi những người khác đã sợ hãi bỏ chạy hết, còn chưa có ai thanh toán tiền cho dì Năm. Nó trừng mắt nói với hai tên kia như thể họ đã phạm một tội tày đình:

    "Có giỏi thì báo công an xuống giải quyết đi rồi biết."

    Hoài Lan không biết nó dựa vào cái gì mà dám nói giọng thách thức hai tên đấy như thế, nhưng câu nói đó chỉ khiến hai ông nội kia điên thêm. Hai tên tiếp tục đá bàn, đá ghế, la hét om sòm như hai con heo nái bị chọc tiết.

    Điệp ngồi gần hai vị khách ấy nên quan sát tất cả. Hôm ấy, ngoài bánh xèo ra, hai người còn mang theo một bịch đồ ăn bên ngoài, thứ gì đó đen xì mà nó cũng không nhìn thấy là thứ gì. Rất may khi Hoài Lan dọn dẹp bàn, thứ đó vẫn còn trong sọt rác.

    Hoài Lan nói:

    "Mấy anh không phải là người ở đây nên không biết, bánh xèo tại quán là món ngon nhất xã, không, là nhất huyện cơ. Ở đây bán lâu năm, không có chuyện bị ngộ độc đâu."

    Một anh thanh niên trừng mắt nhìn Hoài Lan, coi bộ muốn ăn tươi nuốt sống cô. Tên này sừng sộ lên:

    "Làm sao mày biết lần này không ngộ độc? Mấy người phải bồi thường tiền cho anh em tụi tao, không là tao phá cái quán này."

    Tên thanh niên định giơ tay lên tát vào mặt Hoài Lan đã bị Điệp nắm lại. Cô hoảng hồn nhìn cơ bắp của tên kia, nếu một đòn ấy giáng xuống khuôn mặt của cô, không biết sẽ ra sao.

    Hồ Điệp rất lạnh lùng. Nó ném tay của nam thanh niên sang một bên, đi đến bàn của hai người nọ đã ngồi, nhặt lên bịch đồ ăn lạ lên và ném vào mặt tên ấy. Nó nói:

    "Muốn biết nguyên nhân bị ngộ độc không? Chúng ta ra bệnh viện đi, xét nghiệm thử bánh xèo có độc hay thứ mấy anh vừa ăn có độc."

    Hai thanh niên sợ hãi, cầm luôn bịch đồ ăn và chạy trốn. Rõ ràng chúng nhận lệnh của ai đó đến đây hãm hại quán bánh xèo của dì Năm. Khi thấy không thể làm gì nữa nên mới bỏ chạy. Dì Năm còn chưa kịp đòi đám người kia bồi thường mình.

    Điệp nói với dì Năm:

    "Dì báo với chú Nghĩa đi. Dì phải làm gắt vụ này mới được. Có như vậy lần sau tụi nó không dám tới phá nữa."

    Dì Năm gật đầu rồi dự định sẽ dọn dẹp mới rời đi, nhưng Điệp hứa sẽ giúp Hoài Lan dọn dẹp, còn dì Năm cứ qua công an xã báo án trước cái đã. Tiếc là Đăng đi đá banh với bạn bè nên không có nhà, nếu không chắc chắn sẽ có đánh nhau cho xem và hai thanh niên kia chưa chắc có thời gian bỏ chạy đâu.

    Điệp chờ dì Năm đi mới quay sang hỏi thăm Hoài Lan:

    "Bà ổn không?"

    Hoài Lan gật đầu. Hành động bảo vệ cô vừa rồi của Điệp khiến cô bối rối. Lâu nay thằng Đăng vẫn là người đứng ra bảo vệ cô đầu tiên, chứ không phải một người mà cô không ưa nổi như Điệp. Cô ngượng ngùng xoay người, ngồi xuống và bắt đầu dọn dẹp. Điệp thấy vậy cũng phụ cô làm cho xong.

    Lan lúc ấy mới hỏi Điệp:

    "Làm sao ông biết mấy người kia do ăn cái kia mới bị ngộ độc?"

    Điệp giải thích:

    "Nếu vì ăn bánh xèo mà ngộ độc thì tui hẳn cũng đi bệnh viện rồi, những người khác cũng thế. Điều gì khiến ba người kia thành ngoại lệ? Chỉ có một khả năng, họ bị ngộ độc do ăn phải thứ khác. Mà tui ngồi cạnh họ nên thấy túi dồi trường mà họ đã ăn, đen xì, còn bốc mùi nữa."

    "Ông giỏi thiệt đó. May mà hôm nay có ông, nếu không tui và dì Năm không biết làm sao. Nhè bửa nay thằng Đăng nó đi đá banh."
     
    Mirii, chiqudollLieuDuong thích bài này.
  6. Muội Nương

    Bài viết:
    355
    Chương 5: Gặp Mặt

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hoài Lan và Hồ Điệp không có dịp trò chuyện thêm, vì Đăng vừa về tới nhà. Nó nghe lại câu chuyện từ Lan và tức giận cành hong, đòi gặp mấy tên gây chuyện, muốn cho tụi nó một trận tơi bời. Nhưng Điệp đã ngăn lại và kêu nó lo mà đi đón mẹ nó, dì Năm chắc đang gặp chú Nghĩa trình báo chuyện đã xảy ra rồi.

    Đăng lại bỏ đi một lần nữa và Lan với Điệp lại tiếp tục rơi vào trạng thái không ai nói chuyện với ai. Một mặt là do họ đang bận cắm cúi dọn dẹp, phần còn lại do họ ngại phải nói chuyện riêng với nhau. Lan và Điệp không thân thiết đến mức rù rì với nhau cả buổi đâu.

    Kể từ hôm Điệp giúp dì Năm, giúp Lan cản lại cái tát của tên côn đồ, dì Năm càng hăng máu hơn trong việc ghép đôi hai đứa. Cảnh tượng Hồ Điệp bảo vệ Hoài Lan trước mặt hai tên cồn đồ đã tiếp lửa cho dì Năm, mặc sức tưởng tượng ra viễn cảnh hôn lễ của hai người. Ngày mà thằng Điệp lên đại học, dì Năm còn ngâm nga một câu trong tuồng cả lương:

    "Lan ơi, mai Điệp ra chốn thành đô, nhà xe rực rỡ..", cô liệu mà chạy xa trước khi dì Năm lại tiếp tục chọc ghẹo cô với Hồ Điệp. Nào là:

    "Lan đừng để Điệp lên thành phố học nha con. Không ý, con theo Điệp lên thành phố học luôn đi con."

    Dù cô và Điệp cũng học chung một thành phố, chỉ khác trường thôi. Năm nhất vào kỳ nghi hè, cô với thằng Đăng về thăm dì Năm, lại thấy dì mở cái tuồng Lan và Điệp. Mỗi chủ nhật, Hồ Điệp đến ăn sáng, dì Năm lại reo lên:

    "Lan ơi, Điệp đến ăn bánh xèo nè Lan."

    Hoài Lan chỉ muốn chạy ra bịt cái miệng của dì lại. Rồi có hôm, cả nhà dì Năm đang ăn cơm, dì Năm lại tiếp tục:

    "Lan, con nhắm lấy Điệp đi con. Thằng Điệp cũng đẹp trai, tương lai rộng mở. Để dì mở lời nói với dì tư Lành một tiếng. Đừng giống trong tuồng, dì Năm buồn lắm."

    Mỗi lần dì Năm chọc ghẹo Hoài Lan với Hồ Điệp, thằng Đăng là người phản ứng kịch liệt nhất. Lúc ấy thể nào Hải Đăng cũng làu bàu:

    "Má mắc gì đi lo chuyện hàng xóm lấy vợ vậy. Con trai má đây mà má không lo." Hoài Lan lại được một trận cười đã đời.

    Những năm sau đó, Lan bận rộn làm thêm nên không thường xuyên về thăm dì Năm dịp hè nữa. Cô phải lo trang trải cuộc sống và học phí đắt đỏ khi học đại học. Cô không thể làm phiền dì Năm mãi được, dì đã nuôi cô bao nhiêu năm rồi.

    Bây giờ, Hoai Lan đã hai mươi ba tuổi, cô và Hồ Điệp không thấy nhau cũng mấy năm. Không biết cậu ta có chịu giúp đỡ cô hay không. Biết có ngày này, cô chơi thân với thằng ấy, đừng liếc ngang liếc dọc nó, chịu luôn cái danh "bạn gái của Điệp" có phải tốt hơn không.

    Hoài Lan đã tới nhà Hồ Điệp. Cô đứng bên ngoài, không dám xông vào bên trong. Vì ngoài cửa nhà dán đầy bùa chú xua đuổi tà ma. Cô không muốn bị thương như lần cố gắng ban nảy. Chả là cô đã ỷ lại mình là hồn ma đã nhào vô nhà người ta mà không cần gõ cửa, cuối cùng bị mấy lá bùa kia hất mạnh ra bên ngoài, lại còn thêm đau đớn nữa. Có khi cô phải đợi thằng ấy ra khỏi nhà mới được.

    Hoài Lan nghe dì tư Lành nói vọng ra từ sau hiên nhà:

    "Con có qua thắp nhang cho Lan chưa? Dù sao cũng là hàng xóm láng giềng, hai đứa còn học chung bảy năm. Con bé chết trẻ, thật tội nghiệp. Cái mệnh của nó khổ như Lan trong tuồng. Má thiệt buồn hết sức."

    Hồ Điệp nói vọng ra:

    "Con đi bây giờ nè."

    Dì tư Lành thầy Hồ Điệp đi ra từ trong nhà mới cất tiếng nói theo:

    "Má không hiểu sao con bé lại dại dột như vậy. Có gì giải quyết không được mà lại tìm cái chết chứ."

    Hoài Lan trông thấy một cậu con trai cao, gầy, nước da ngăm đi ra từ trong nhà. Khuôn mặt cậu lộ rõ nét u buồn hiếm thấy. Cô thầm tặc lưỡi, tấm tắc khen ngợi vẻ ngoài tuấn tú của cậu. Cậu ta cũng coi như dậy thì thành công đi. Cô nhất định phải đợi cậu ta đi ra đây mới lộ mặt.

    Bỗng dưng Hoài Lan nghe Hồ Điệp nói:

    "Dạ Cổ Hoài Lang không phải kiểu người tự tử đâu má à."

    Trái tim Hoài Lan đập loạn vài nhịp, nó nhồn nhột kỳ lạ. Hồ Điệp nói được câu như vậy thật khiến cô bất ngờ. Hai người vốn dĩ chưa từng chơi thân, chưa từng có ký ức đẹp (nếu không tính cái lần nó giúp cô thoát khỏi tên côn đò lúc nhỏ), cũng chưa từng nói vài câu qua lại quá lâu. Vậy mà cậu ta tỏ ra hiểu cô hơn những người khác. Hải Đăng là bạn thân của cô thì không lạ, nhưng câu nói này xuất phát từ miệng của Hồ Điệp nghe thật cảm động làm sao.

    Dì tư Lành thở dài. Dì biết Điệp có lý của nó. Nó trở thành thám tử mà từ chối lời mời của chú Nghĩa, không muốn bì gò bó trong đồn công an. Chắc có lẽ do trực giác của thám tử mà nó tin rằng vụ án của Hoài Lan là một vụ giết người chăng.

    Dì tư Lành chợt nhớ ra chuyện gì đó mà đứng dậy, chạy lại chổ Điệp và nói với nó:

    "À, hồi chiều dì Bạch mẹ của bé Nhàn xóm trên có đến tìm con, muốn nhờ con chuyện gì đó. Má nói là sẽ nói lại với con mà quên mất. Con xem qua nhà dì Bạch thử coi dì cần mình giúp gì thì giúp nha con."

    Hồ Điệp đáp:

    "Con biết rồi."

    Hồ Điệp ăn mặc chỉnh tề, sơ mi màu nâu đóng thùng đàng hoàng, trên tay cầm một chiếc hộp màu nâu, không biết đựng cái gì bên trong. Cậu đang đi thẳng về phía nhà dì Năm.

    Hoài Lan rình rập, tìm đúng thời cơ mới xuất hiện trước mặt Hồ Điệp, tránh cho việc cậu ta sẽ bất ngờ đến lên cơn tim khi gặp mình. Thế nhưng, điều khiến cô kinh hãi là Hồ Điệp dường như biết có người đi theo mình. Bởi vì cậu ta đang đứng im không nhúc nhích, cậu ta còn xoay người nhìn ngó khắp nơi một hồi.

    Hồ Điệp nói:

    "Chú út cứ như vậy đến bao giờ? Bao năm qua hù dọa con, con không sợ mà vẫn cố gắng quá ha."

    Hoài Lan còn tưởng Điệp đang nói chuyện với người quen nào, nghe nó gọi người đó là "chú út" thì mới há hốc mồm nhìn về phía đó. Kia kìa, có người đàn ông trước mặt Điệp, còn trưng bộ mặt tái ngắt, thân hình ướt sũng, đung đưa trước gió như ngọn đèn dầu. Người đó đích thị là.. ma.

    Hoài Lan khiếp vía núp vào thân cây bên đường, thầm hy vọng chú ma kia đừng nhìn thấy cô. Hồi nào giờ cô chưa từng thấy ma nào mà ướt đẫm như vậy, ghê rợn như vậy.

    Hoài Lan nghe tiếng "chú út" hừ lạnh. Rõ ràng chuyện Điệp phát hiện ra "chú út" khiến chú ấy không vui vẻ gì mấy. Có lẽ chú ấy đang cố hù dọa thằng cháu trai của mình mấy lần mà nó cứ dửng dưng. Phải mà chú hù dọa Lan thì cô đã hét lên inh ỏi ồi ngất xỉu rồi không.

    "Chú út" không vui ra mặt, chú nói:

    "Mười hai năm rồi mà lần nào con cũng đoán ra là chú hay vậy?"

    Điệp cười nói:

    "Hồi nào giờ con chưa thấy ma nào mà nhảy cà tưng cà tưng, rồi rên la ú ớ như chú. Những hồn ma khác luôn rủ rượi, vồ lấy con, chứ không phải theo đuôi con như chú đâu. Với lại con nhận ra giọng của chú mà."

    "Chú út" mặt mày bí xị, chú đã trở lại dáng vẻ một hồn ma bình thường, không còn tím tái, không còn ướt sũng. Chú không vui nói:

    "Chú không theo đuôi con nảy giờ đâu nhé. Người theo đuôi con là một ma nữ khác."

    "Chú út" chỉ tay về phía thân cây, nơi mà Hoài Lan đang núp, khiến cô tá hóa té ịch xuống đất. "Chú út" ấy đã phát hiện ra cô theo đuôi Hồ Điệp từ lâu, chỉ chưa vạch mặt cô mà thôi.

    Hoài Lan đâu thể nào trốn tiếp được, cô phải lú mặt ra ngoài đường, nhe răng cười thật tươi, vẫy tay thay màn chào hỏi Hồ Điệp. Cô có cảm tưởng nếu mình gây ấn tượng ban đầu khá dễ thương thì nó sẽ niệm tình "Lan và Điệp" ngày nào mà đưa tay giúp đỡ nó.

    Điệp có vẻ sửng sốt khi nhìn thấy Lan. Nó vội vàng chạy đến cạnh cô. Cô thấy rõ ràng trong ánh mắt của nó có một chút vui mừng, chờ mong. Nó đứng trước mặt cô, nhìn cô thật lâu, rồi run giọng gọi tên cô:

    "Lan.."

    Tiếng "Lan" mà Điệp gọi tha thiết đến mức khiến mắt của cô cay xè. Trong lòng cô đầy ngổn ngang, rất muốn dựa dẫm vào đôi mắt đầy quan tâm đó. Cô chỉ đứng đó cho Điệp ngắm, trong một phút, cả hai không ai nói với ai câu nào cả. Bởi vì Hoài Lan và Hồ Điệp không thân nhau đến cái mức gởi một cái ôm thân tình đâu.

    "Chú út" là người phá vỡ bầu không khí im ắng kia. Chú đằng hắng rồi nói:

    "Đây là Lan mà con hay nhắc ấy hả? Dạ cổ hoài lang đấy ư?"

    Hồ Điệp phớt lờ "chú út" của mình. Nó vẫn chưa rời mắt khỏi Lan, làm như nó sợ Lan sẽ biến mất theo cái chớp mắt của nó. Nó ngậm ngùi nói với Lan:

    "Đã mấy năm không gặp nhau. Tui không ngờ chúng ta lại hội ngộ trong hoàn cảnh này."

    Hoài Lan cười khổ:

    "Tui cũng tự thấy ly kỳ." Cô gãi đầu gãi tai nói tiếp: "Chuyện lúc nhỏ ông nói thấy ma ấy, tui xin lỗi vì đã không tin những chuyện điên rồ mà ông nói."

    Hoài Lan vừa phát hiện ra mình nói hơi sai sai. Cô chỉnh lại ngay, sợ làm phật lòng Hồ Điệp:

    "Dĩ nhiên không phải ông điên." Cô nói dối trắng trợn: "Tui chưa bao giờ nghĩ ông điên luôn á. Thiệt."

    Hoài Lan cười gượng gạo. Hồ Điệp đương nhiên nhận ra cô đang mất tự nhiên. Cậu ta không để tâm, dù sao nó cũng đã quá quen với việc ngươi ta coi nó là một kẻ điên, một kẻ lập dị.

    Hoài Lan thoáng thấy khuôn mặt cái tên Điệp này biến sắc. Cô liền đổi chủ đề:

    "Mà sao ông gọi tui là dạ cổ hoài lang vậy?"

    "Tui nghe thấy mẹ của bà hay gọi như vậy. Nghe dì nói ngày trước dì thích nghe cải lương lắm, cái tuồng dạ cổ hoài lang ấy. Rồi dì mới định đặt tên bà như vậy."

    Cô cũng thật không hiểu người lớn nghĩ gì. Đúng thật là mẹ của cô đã định đặt tên cho cô là "Dạ Cổ Hoài Lang", thế rồi ba cô không đồng ý, dù sao cô cũng là con gái mà có cái tên Lang nghe như kiểu đàn ông quá, mà chữ "Lang" lại gợi cho cha cô nghĩ ngay đến người hay lang thang đâu đó. Mẹ cô nghe vậy thấy cũng hợp lý, đành bỏ đi chữ 'g' đi. Cuối cùng đặt cho cô cái tên Võ Hoài Lan thay vì Võ Dạ Cổ Hoài Lang.

    Hoài Lan bĩu môi hỏi:

    "Ông thân với mẹ tui từ hồi nào vậy?"

    Hồ Điệp cười cười, không trả lời. Mặt nó tỏ vẻ bí hiểm, như đó là bí mật riêng của nó và mẹ cô. Nó đã không muốn nói, cô có gặng hỏi thế nào nó cũng không cho cô biết, chi bằng cho qua. Cô đành chuyển chủ đề thêm một lần nữa:

    "Cái hộp đó là gì vậy?"

    Hồ Điệp vội vàng nhét chiếc hộp vào trong túi quần, hơi bối rối. Nó lắc đầu không nói, chỉ xoay người đi tiếp. Hoài Lan rượt theo sát nút. Không lẽ cô vừa hỏi một câu khá riêng tư khác ư? Cũng đúng, nó với cô có thân đến mức tâm sự chuyện thầm kín cho nhau nghe đâu.

    Hoài Lan lại khơi chuyện:

    "Lúc nảy tui tính vào nhà ông, mà nhà dán nhiều bùa quá, tui vào không được."

    Hồ Điệp ậm ừ, rồi nói:

    "Chút nữa về nhà, tui sẽ bỏ hết mấy thứ đó xuống."

    "Ông không sợ ma sẽ đến làm phiền sao?"

    "Bây giờ không sợ nữa."

    Hoài Lan không hiểu hết hàm ý trong câu nói vừa rồi của Hồ Điệp, nhưng "chú út" thì hiểu. Chú cười khà khà bên cạnh hai người, ra vẻ người lớn nhìn một phát là biết ý tứ của thằng cháu trai nhà mình, khiến Điệp đỏ mặt tía tai.

    Hoài Lan lúc này mới lớ ngớ nhờ ra vẫn còn một hồn ma khác ở đây ngoài cô. "Chú út" thấy cả hai đứa nhỏ phớt lờ mình, nên tức giận cười phá lên đây mà, cô còn lạ gì.

    Hoài Lan hỏi "chú út" :

    "Chú biết cháu nữa ạ? Hồ Điệp kể gì về cháu cho chú nghe vậy ạ?"

    Chú út ưỡn ngực, dõng dạc nói:

    "Nhiều lắm. Chủ yếu chú biết cháu tại vì ngày xưa hai đứa còn học sinh, hai đứa thường bị người ta chọc ghẹo. Chú cũng là một trong số đó. Ha ha. Cháu bây giờ khác xưa nhiều, xinh đẹp hơn, nhìn trưởng thành hơn."

    Hoài Lan buồn bã nói thêm:

    "Và là một hồn ma, một người đã chết."
     
    Mirii, chiqudollLieuDuong thích bài này.
  7. Muội Nương

    Bài viết:
    355
    Chương 6: Khóc

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chú út và Hồ Điệp ngẫn người nhìn Hoài lan, người vừa thừa nhận mình là hồn ma. Giọng nói của cô đầy chua chát và khổ sở. Có thể nhận thấy rõ ràng người con gái đang đứng trước mặt họ buồn khổ thể nào vì cái chết của mình.

    Chú út thông cảm nhìn Hoài Lan. Cô còn quá trẻ, một cô gái ở dộ tuổi như cô dĩ nhiên còn nhiều tâm nguyện chưa hoàn thành. Vì thế cô mới trở thành hồn ma, lưu lạc khắp nơi, giống như chú út – người vẫn còn lưu luyến thế gian, lưu luyến tâm nguyện mà mình ấp ủ từ thuở còn sống. Chú cũng vừa nhận ra mình cũng ra hồn ma. Thế là có đến hai hồn ma buồn rười rượi trước mặt Hồ Điệp.

    Chú út không thể chịu đựng thêm nỗi buồn nữa đành lẳng lặng biến mất giữa màn đêm khiến Hoài Lan nhảy dựng lên, theo phản xạ ôm lấy cánh tay của Hồ Điệp. Suýt chút nữa cô đã la làng la xóm vì hoảng sợ, rồi chợt nhận ra mình cũng là ma, nên xấu hổ cúi đầu, buồn bả tự dưng biến mất. Cô ngước đầu lén nhìn Hồ Điệp, xem thử nó đang cười cô vì bộ dạng lúc nảy của cô hay không, cô chỉ thấy nó đang sửng sốt nhìn cô.

    Hồ Điệp nói:

    "Sao bà có thể chạm vào người tui được? Mặc dù tui thấy chúng, nhưng không hồn ma nào chạm được vào tui."

    Hoài Lan ngơ ngác trả lời:

    "Tui có biết gì đâu? Tui mới chết mà, nhớ không?"

    Hồ Điệp cúi đầu nói xin lỗi với Hoài Lan rồi bối rối bỏ đi trước. Rõ ràng nó cũng biết lời nói vừa rồi của mình đụng chạm lòng tự ái của Hoài Lan. Cách tốt nhất là nó nên im lặng và cùng cô đi đến nhà dì Năm thì hơn. Thế là hai người lặng lẽ đi bên cạnh nhau, không ai nói với ai câu nào cả.

    Đi được năm phút, cả hai bắt đầu chán cái sự im lặng đáng sợ này. Hoài Lan rất muốn mở miệng nói gì đó, lại sợ Hồ Điệp không vừa ý. Nếu nó thích sự tĩnh lặng giống như tính cách của nó, mà cô lại tự dưng mở lời trước thì coi bộ kỳ cục. Vì thế cô đành chờ cho đến khi nào nó chủ động trước.

    Chỉ vài phút sau, Hồ Điệp mở miệng trước:

    "Bà còn nhớ ngày bị sát hại chứ?"

    Hoài Lan khựng lại, đôi mắt trở nên đượm buồn. Câu hỏi của Điệp khiến cô nhớ lại cái chết của mình. Cách đây hai ngày, cô đã nộp đơn thôi việc, cùng ngày hôm đó cô nhận được cuộc gọi của Nguyệt báo rằng dì Năm bệnh nặng, rất muốn gặp cô một lần.

    Hoài Lan vội vã thu dọn hành lý, quyết định về quê sinh sống, cùng dì Năm bán bánh xèo, hoặc xin vào làm công ty trên huyện. Cô không thích cuộc sống quá xô bồ, nó không hợp với cô gì cả. Cô ngồi cả buổi trời trên bến xe, chỉ đợi xe rời bến.

    Hoài Lan ngồi trên xe, vì hơi chán nên cô bắt đầu đếm số người trên xe. Có tất cả bốn người phụ nữ, trong đó có một bác trung niên và cô con dâu, một dì gái ngang bằng tuổi của dì Năm và cô. Mười một người còn lại đều là nam, tính luôn bác tài xế và hai nam thanh niên lơ xe. Cô còn nhớ luôn cả khuôn mặt và màu áo mà họ mặc nữa cơ.

    Hai lơ xe phát cho mọi người một chai nước uống đi đường. Duy chỉ có Hoài Lan không uống vì cô chưa thấy khát. Chỉ hơn mười phút sau, mọi hành khách đã chìm vào giấc ngủ sâu, ngoại trừ cô. Xe đi được năm phút nữa thì ngừng lại.

    Chú tài xé lúc này mới nói:

    "Ai muốn đi vệ sinh gì thì đi nhé. Chút nữa tôi không ngừng xe nữa đâu đấy."

    Hoài Lan nghe vậy thì sợ mình không còn cơ hội đi "giải quyết nỗi buồn" nữa, nên vội vàng đi xuống. Cô đọc lên bảng tên của trạm dừng chân: Thiên Phúc. Rồi cô đi vào phía phòng về sinh bên kia.

    Hoài Lan đang ngồi bên trong phòng vệ sinh thì nghe thấy tiếng bước chân càng lúc càng gần với buồng vệ sinh của mình. Có người gõ cửa lên trên đó và cô cất tiếng nói:

    "Có người rồi." Hy vọng người ta sẽ nghe được mà rời đi.

    Nhưng khi cô đang rửa tay ở bồn nước và soi gương, cô bị hai tên xa lạ còng hai tay ra đằng sau. Chúng lôi cô vào buồng vệ sinh, một tên đâm một nhát dao vào bụng cô khiến cô ngã xuống bồn cầu. Sự việc diễn ra quá nhanh, khiến đầu óc cô lú lẫn, đến tiếng kêu cứu cũng chưa kịp bật ra khỏi miệng.

    Hoài Lan không nhớ chuyện xảy ra sau đó nữa, chỉ nhớ bàn tay của mình chạm vào phần bụng và cảm nhận máu của mình đang chảy ra không ngừng. Tiếng cười man rợ của ba người kia vẫn còn vang vọng trong tai của cô.

    Hoài Lan hoảng loạn, vò lấy đầu của mình, nó đang đau như búa bổ khi cố nhớ ra sự việc tiếp theo đó. Cô hét lên, ánh mắt giận dữ, khuôn mặt trở nên điên dại. Hồ Điệp thấy cái áo của Hoài Lan (tại vùng bụng) trở nên nhuốm máu.

    Đây rõ ràng là biểu hiện của một hồn ma đang phát dại và chuyện này rất nguy hiểm cho Hồ Điệp. Nó từng nhìn thấy một hồn ma biến dạng thành một quỷ dữ và giết hại mạng người vô tội. Nó sợ Hoài Lan cũng như thế. Nó nhanh chóng chụp lấy tay cô, ép cô nhìn vào đôi mắt của nó và gọi tên của cô:

    "Lan.. Bình tĩnh lại. Lan.."

    Hoài Lan bị Hồ Điệp ôm lấy. Nó siết chặt linh hồn cô trong vòng tay mình, lại còn vỗ vỗ nhè nhẹ trên lưng của cô khiến cô từ từ bình tĩnh trở lại lại. Cô đẩy Hồ Điệp ra, rồi hít mạnh một hơi rồi mới hạ giọng trả lời Điệp:

    "Tui bị người ta đâm một nhát vào bụng, nhốt lại trong phòng vệ sinh công cộng. Sau đó, không nhớ gì cả. Linh hồn của tui trở về đây thăm dì Năm. Lúc đầu tui còn tưởng mình còn sống cho đến khi về thấy mọi người đang làm đám tang của mình."

    Hoài Lan chỉ tay vào bụng mình. Linh hồn của cô lúc này trông hơi ghê, vết máu trên áo vẫn còn đậm. Mặt vẫn còn trắng bệch khi nhớ lại cảnh mình bị giết hại. Sau đó, cô khóc. Không hiểu tại sao cô lại khóc trước mặt Điệp, khóc tức tưởi, khóc thảm thiết, cũng chẳng còn để ý đến chuyện cả hai không thân gì nhau. Có lẽ do Điệp nhìn thấy cô, có lẽ cô cảm thấy khóc trước mặt ai đó cũng giúp mình vơi đi một chút buồn phiền, bớt tủi thân.

    Hồ Điệp vươn tay muốn chạm vào người cô lần nữa, muốn tìm cách an ủi người con gái đang đi bên cạnh mình. Đột nhiên biết mình đã chết, đột nhiên nhận ra bản thân chỉ là một hồn ma, chắc cô đã hoảng sợ và hoang mang lắm. Cậu ta ngạc nhiên khi thấy cô đã dần chấp nhận sự thật nhanh như thế. Những hồn ma khác có khi còn phản ứng mạnh hơn cả cô, có khi chúng nổi điên và hại người vô tội. Nếu là cậu, cậu không biết mình chịu đựng nổi cú sốc đó không.

    Đến nước này, Hồ Điệp cũng tự đoán ra lý do Hoài Lan tới tìm mình. Xem ra cô muốn nhờ nó giúp đỡ tìm hung thủ gây án đây mà. Cho dù cô không đến đây gặp mình, Hồ Điệp cũng quyết định điều tra vụ này.

    Hồ Điệp từ khi còn nhỏ, sau lần chết hụt vì trượt chân té xuống mương cạnh nhà, đã nhìn thấy ma. Ban đầu nó đã rất hoảng sợ khi nhìn thấy họ, đã nói cho người nhà biết chuyện này.

    Họ không tin nó đã đành, còn cho rằng nó bị rối loạn thần kinh. Ba mẹ của nó đã đưa nó tìm bác sĩ nhiều lần, nhưng vẫn không ai chữa được cho nó khỏi nhìn thấy ma cả. Cả làng thì đồn đại nó bị ma dưới nước ám đến mức bị điên, một số bạn bè còn không thèm chơi chung với nó nữa, sợ sẽ bị ma ám giống nó. Nó vẫn không thấy phiền gì, dù sao nó vẫn luôn thích một mình hơn.

    Sau này, cho dù thấy ma quỷ, Hồ Điệp không nói cho ai biết nữa, chỉ giữ riêng cho mình. Nó thu hẹp mình lại, ít tiếp xúc với người khác hơn, ngay cả người trong gia đình nó cũng khó mà thân cận như lúc còn bé. Từ đó mọi người luôn luôn nói nó là một kẻ kì lạ, lập dị.

    Hồ Điệp kéo Lan vào lòng lần nữa, lấy đầu của cô tựa lên vai nó, muốn cô xả hết nỗi buồn bã trên vai nó, hy vọng cô sẽ bớt đau khổ. Nó và cô sẽ cùng nhau điều tra vụ án này, tìm ra hung thủ và rồi cô sẽ siêu thoát mãi mãi, không vướng bận gì cả. Nó tự hứa với lòng như thế.

    Hoài Lan khóc một hồi nữa mới ngừng lại. Cô vội vàng lau đi nước mắt, cười hề hề rất giả tạo, coi bộ muốn Hồ Điệp quên đi bộ dạng khóc lóc ban nảy. Cô quyết định hỏi Hồ Điệp câu hỏi lấn cấn trong lòng từ lúc ở nhà cậu đến giờ:

    "Mà sao ông không tin là tui tự tử như người khác?" Hoài Lan xua tay thề thốt: "Không phải tui nghe lén ông với dì tư Lành nói chuyện đâu. Tại hai người nói lớn quá, tui nghe được."

    Hồ Điệp nhẹ nhàng nói:

    "Trực giác của thám tử. Bà cũng không phải hồn ma duy nhất mà tui giúp đỡ tra án đâu. Yên tâm, vụ này tui nhất định theo đến cùng."

    Bây giờ thì Hoài Lan có thể nhận định được một việc: Hồ Điệp không hề biết rõ về tính cách của cô, mà cậu ta chỉ đơn thuần tin vào trực giác của mình. Không biết cô nên buồn hay nên vui khi biết điều đó nữa.

    Cả hai lại rơi vào im lặng kéo dài. Hồ Điệp đi vội hơn. Hai người hầu như không ai nói với ai câu nào nữa, họ chỉ lặng lẽ sánh bước bên cạnh nhau. Lâu lâu Hoài Lan lại lén nhìn khuôn mặt lạnh như tiền của Hồ Điệp thầm cảm thán: "Thằng này lạnh lùng quá."

    Cái ôm ban nảy của nó khiến cô vơi bớt tủi thân nhiều lắm. Nếu trở thành ma, mà không ai có thể nhìn thấy cô, thì chuyện gì xảy ra? Liệu vụ án của cô sẽ chìm vào quên lãng, mọi người cho rằng cô cướp chồng của người khác nên mới tự tử chăng. Cô thấy biết ơn vì Hồ Điệp có thể nhìn thấy mình, lắng nghe mình, lại còn an ủi mình nữa.

    Chẳng mấy chốc hai người đã đến nhà dì Năm. Hoài Lan nhìn bóng lưng cậu ta tiến vào bên trong nhà, còn mình ở bên ngoài, không dám đối diện với đám tang của mình. Cuối cùng đã dùng hết dũng khí còn sót lại trong linh hồn mình, Hoài Lan lầm lũi bước vào bên trong.

    Hồ Điệp và Hải Đăng chào nhau. Thằng Đăng kéo Điệp vào bên trong nhà, Hoài Lan đi bên cạnh họ. Lúc này dì Năm nhìn thấy Hồ Điệp càng khóc to hơn ban nảy. Hoài Lan tạm đoán dì đang buồn vì kết cục của cô và Điệp lại giống trong tuồng. Chỉ là dì không quan tâm đến việc thực tế cô và Điệp lại chẳng hề yêu đương gì nhau.

    Dì Năm vừa khóc vừa nói:

    "Con tới muộn quá, chắc Lan mong gặp con lắm. Hôm bửa dì có tới nói với tư Lành, muốn gả Lan cho con. Dì không còn cơ hội may áo dài cưới cho Lan nữa, không còn cơ hội nhìn Lan và con lấy nhau nữa."

    Dì Năm khóc đến sưng mắt. Hoài Lan cũng đứng bên cạnh khóc theo. Cô biết dì Năm thương cô, lại không ngờ dì còn lo cho chuyện kết hôn của cô như thế. Cô thương dì lắm, cô coi dì như mẹ của mình. Bây giờ cô mới cảm nhận việc thấy người thân của mình khóc vì cái chết của mình đau đớn ra làm sao.

    Hoài Lan muốn an ủi dì Năm, có điều là ma thì đâu làm gì khác ngoài việc đứng đây khóc cùng dì. Hồ Điệp thấy vậy liền lên tiếng an ủi dì Năm:

    "Lan cũng không hy vọng dì đau buồn như vậy đâu."

    Dì Năm nghe Điệp nói vậy liền cầm lấy tay nó, khóc càng to:

    "Lan mệnh khổ, ba mẹ mất sớm, không người thân thích. Dì nuôi nó, thương nó như con ruột. Dì còn không nỡ đánh mắng nó điều gì, chỉ sợ nó tủi thân, sợ nó khóc. Bây giờ dì già rồi, tóc bạc gần cả đầu, vậy mà Lan nó chết trước dì. Sao nó lại dại dột vậy hả Điệp? Sao nó lại đi treo cổ mà chết. Nó còn dì, còn em Nguyệt, còn thằng Đăng yêu thương kia mà."
     
    LieuDuong thích bài này.
  8. Muội Nương

    Bài viết:
    355
    Chương 7: Tình Tiết Bất Ngờ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hoài Lan ngồi xuống bên cạnh dì Năm, vòng tay qua người dì, ôm lấy dì, nhưng cánh tay của cô không thể chạm vào người dì, cô gục ngã sang bên cạnh, tiếp tục òa khóc. Cô nói với dì Năm:

    "Con không tự tử mà dì.. Con muốn được ở bên cạnh dì, muốn chăm sóc dì lắm. Dì đừng khóc nữa.. Con xin dì đừng khóc nữa.."

    Hồ Điệp đau lòng nhìn Hoài Lan. Anh không thể đưa tay an ủi cô như khi chỉ có hai người, chỉ đành thay cô dỗ dành dì Năm, mong sao dì không quá thương tâm nữa, dù sao dì Năm cũng đang bệnh.

    Dì Năm khóc đến sưng mắt, rồi ngất lịm đi trong vòng tay Hồ Điệp. Thằng Đăng nhanh chân nhanh tay bồng dì Năm vào buồng ngủ. Nó nói với điệp rằng dì không sao. Cả ngày hôm nay dì đã ngất cả thẩy bốn lần do quá đau buồn vì cái chết của Lan, còn bệnh thì đã khỏi từ hôm trước. Nó nghĩ nên để dì Năm ngủ một chút tốt hơn.

    Hồ Điệp và Đăng ngồi ngoài hiên cùng nhau nhậu một bửa (dĩ nhiên Hoài Lan cũng ngồi cạnh Điệp). Hai người không nói gì cả, chỉ cạn chén và uống từ chai này qua chai khác. Khuôn mặt họ đỏ lừ, đã ngà ngà say. Nguyệt phải tới giật mạnh chai rượu và không cho họ tiếp tục uống mới ngăn được hai thằng ngưng uống (hai tên này thân với nhau từ hồi nào mà Hoài Lan không biết). Nhưng Điệp hứa chỉ uống thêm một chai nữa thôi, vì tâm trạng cả hai đều buồn, nên Nguyệt mới tránh đi nơi khác. Có lẽ con bé cũng biết hai người họ cũng trải qua đau khổ như mình.

    Đăng khó lắm mới không cho phép mình buồn phiền quá lộ liễu. Nhưng vì rượu vào lời ra mà bắt đầu nói lung tung:

    "Nó đã chết thật rồi. Mà lời đồn đang giết chết nó lần nữa. Dù thường ngày nó không nói đến, nhưng không có nghĩa nó không biết buồn. Đã chết thảm rồi, lại còn quy cho cái lý do trời ơi đất hỡi. Cái gì mà nó cặp kề với đại gia Bình Dương, rồi bị vợ tạt axit, rồi nhục nhã nên treo cổ mình chết cơ chứ."

    Hồ Điệp thở dài. Thằng Đăng đã nằm xuống sàn nhìn lên bóng trăng khuyết mờ trên cao, chỉ chưa bật khóc mà thôi. Nghe trong giọng có chút tức giận cùng thất vọng:

    "Mày cũng cho rằng nó tự tử, đúng không?"

    Bất chợt Hồ Điệp nhớ ra chuyện gì đó sai sai. Hoài Lan rõ ràng bị đâm chết, sao lại có chuyện treo cổ ở đây? Nó vồ lấy vai của Đăng và hỏi:

    "Lan treo cổ mà chết hả?"

    "Mày nghe má tao nói hồi nảy rồi mà. Lan treo cổ chết, nó còn tự rạch nát mặt của mình, dùng máu đó viết huyết thư."

    Hồ Điệp và Hoài Lan nhìn nhau đầy hốt hoảng, câu chuyện hư cấu mà Đăng vừa kể đâu thể nào là sự thật? Cô đâu có tự tử bằng dây thừng. Điệp quên luôn mình đang uống rượu với Đăng, chỉ chăm chăm nhìn Hoài Lan còn nói với cô:

    "Chuyện này là thế nào chứ? Nếu xác định cái chết của bà do treo cổ, thì vết thương bị đâm không lẽ tự động biến mất? Hay hung thủ dàn dừng hiện trường thành một vụ tự tử bằng cách treo cổ? Khá lằng nhằng đúng không? Tụi nó có thể đặt con dao ngay cạnh xác của bà, in hằn dấu vân tay của bà lên trên đó là được. Sao phải treo bà lên cho mất thời gian?"

    Hoài Lan cũng hoài nghi chuyện này. Không lẽ công an không quan tâm đến vết thương do dao đâm, mà chỉ khư khư tin vào chuyện cô treo cổ tự tử ư.

    Hoài Lan nói:

    "Ông hỏi thằng Đăng coi. Nếu mọi người đi nhận xác của tui thì họ sẽ biết chuyện gì xảy ra mà."

    Hồ Điệp gật đầu rồi quay sang hỏi Đăng:

    "Mày kể chi tiết cho tao nghe coi, từ chuyện phát hiện xác của Hoài Lan trước đi."

    Đăng thấy Điệp đang nhìn vào khoảng không nào đó, tự nói chuyện một mình, rồi mới quay sang hỏi mình thì tỉnh rượu hẳn. Hình như nó đang nói chuyện với ai đó nghe như thể đang nói với Hoài Lan. Trái tim của Đăng đập rộn ràng, không hiểu lý do vì sao lại trở nên vừa mơ hồ vừa vui mừng như thế này.

    Đăng biết về lời đồn thằng Điệp có thể nhìn thấy ma. Sau cái lần nó nhảy xuống mương cứu chú út của nó không thành, mà nó còn suýt nữa mất mạng, thì nó rất khác người. Nó có thể trò chuyện với ai đó vô hình, nói một cách khác là hồn ma.

    Trong khi những người khác sợ khi phải tiếp xúc với nó (trong đó có cả Hoài Lan), thì Đăng không mấy quan tâm chuyện đó. Đăng không tin chuyện ma quỷ có tồn tại. Đăng cho rằng Điệp chỉ vì tâm lý mất đi người thân, tâm lý không cứu được chú út của nó nên nó mới trở nên "điên" như thế. Có thể nó bị tâm thần phân liệt, tự tưởng tượng mình nhìn thấy được hồn ma.

    Nhưng một việc khác đã xảy ra khiến cho Đăng tin rằng: Điệp nhìn thấy ma là sự thật, nó còn có thể trò chuyện với họ. Mỗi tuần vào ngày chủ nhật, Đăng luôn cùng nhóm trai làng rũ nhau đá bóng giải trí, dĩ nhiên đã rũ luôn cả Điệp, nhưng nó từ chối. Nó không thích bị người ta chỉ trỏ và nhìn như đang một con vật kì dị được người ta nhốt trong sở thú. Đăng thông cảm cho nó và không rũ nó đi theo nữa.

    Vậy mà có một hôm chủ nhật, Đăng thấy Điệp tự mình đi đến sân bóng đá. Đăng còn tưởng nó muốn chơi cùng, nhưng không, nó lại đi cùng chú Nghĩa, hình như có vụ án xảy ra tại sân bóng. Đăng vẫn còn nhớ như in bộ mặt khiếp đảm của chú Nghĩa khi Điệp chỉ tay vào phòng vệ sinh được đóng cửa kín mít, bên trong có một thi thể của cô gái.

    Chú Nghĩa lập tức vào cuộc điều tra vụ án này. Đăng cũng tò mò ở lại xem như thế nào. Nó chỉ kịp nhìn thấy xác chết là một cô gái trẻ, có nhiều vết thương trên miệng và khắp cơ thể, quần áo xộc xệch, còn chưa thấy gì nữa đã bị chú Nghĩa đuổi ra ngoài. Nó tính làm nư chú cho nó xem tra án ra sao, dù sao Điệp cũng được cho phép, nhưng chú Nghĩa chỉ lạnh nhạt nói:

    "Điệp là nhân chứng nên được phép ở lại."

    Chú Nghĩa gọi thêm rất nhiều người tới, một số người không có phận sự không được tới gần hiện trường vụ án (ngoại trừ Điệp, nó đứng ngang hàng với chú Nghĩa, còn nói gì đó mà Đăng không nghe rõ). Chỉ ba phút sau, chú Nghĩa ra lệnh cho cấp dưới phong tỏa sân bóng đá, không cho phép bất cứ ai di chuyển khỏi nơi này.

    Điệp khi ấy chỉ mới là học sinh cấp ba, nhưng lại được chú Nghĩa giữ lại tra án. Đăng rất hâm mộ nó, đối với những chuyện kì lạ xung quanh nó, Đăng cũng chẳng hơi đâu bận tâm nữa. Thằng này chỉ tò mò thủ phạm giết cô gái ấy là ai thôi.

    Chú Nghĩa cho cấp dưới thẩm vấn từng người, những người tham gia mướn sân bóng trong hôm nay. Hình như chú nghi ngờ trong số những người tham gia đá bóng là hung thủ. Còn Điệp cũng đi theo xem mặt từng tên một, làm như chính nó mới là người biết mặt hung thủ chứ không phải cố gái đã chết.

    Cuối cùng, chú Nghĩa bắt được ba thanh niên (thằng Điệp đã chỉ đúng mặt tụi nó), những tên đã hành hạ cô gái đến chết. Tụi nó ban đầu giãy giụa kêu oan, cho đến khi phát hiện trong túi một tên chiếc kẹp tóc của nạn nhân mà tên này chưa kịp bỏ đi, mới quỳ xuống thú tội.

    Ba người thay phiên kể lại mọi chuyện. Rằng chúng chỉ muốn chọc ghẹo cô gái – tên Tâm, muốn cô chọn một trong ba người hẹn hò vui vẻ. Nhưng cô gái không những không chịu mà còn buông ra nhiều lời xúc phạm chúng khiến chúng tức giận mới đánh đập cô, một trong ba còn giở trò đồi bại với cô gái khiến cô gái chết trong đau đớn và tủi nhục. Chúng đã định giả vờ đá xong trận bóng, rồi chuồn một cách êm thấm, ai mà ngờ chú Nghĩa đến phát hiện cái xác sớm thế.

    Vụ án kết thúc chỉ trong ba mươi phút, mà người có công lớn nhất là Hồ Điệp. Nó chính là người phát hiện ra xác chết, cũng chính nó chỉ điểm đúng cả ba tên kia là hung thủ. Nó làm sao tự mình biết hết mọi chuyện một cách thần kì như thế.

    Đăng quyết định theo chân Hồ Điệp, định bụng sẽ hỏi nó bí quyết tra ra vụ án là gì. Nhưng chuyện mà Đăng nhìn thấy đã thay đổi tất cả. Đăng nhìn thấy Điệp đang nói chuyện với ai đó, mặc dù nó chỉ đi một mình.

    Điệp nói:

    "Em đã nói với chú Nghĩa đưa xác chị về với ba mẹ của chị. Hy vọng ở kiếp sau chị có thể sống tốt hơn. Hung thủ sẽ bị trừng trị, chị cứ an tâm rồi yên nghỉ đi."

    Đăng nhìn vào khoảng không mà Điệp đang nói, chẳng thấy ai cả. Đăng cũng chẳng ngu ngốc đến mức không nhận thấy điều gì ở đây. Điệp có thể nhìn thấy linh hồn người đã chết, nhờ vậy mà nó phát hiện ra xác chết của cô gái, cũng chỉ điểm đúng mặt của hung thủ mà Đăng biết người chỉ điểm là linh hồn của cô gái chết oan kia.

    Đăng từng nghe một vài chuyện tâm linh liên quan đến linh hồn chết oan. Họ sẽ không thể siêu thoát, họ sẽ vất vưởng chốn hồng trần và trở thành quỷ. Điệp đang giúp hồn ma siêu thoát bằng cách giúp họ hoàn thành tâm nguyện của mình.

    Kể từ khí đó, Đăng trở thành bạn thân của Điệp. Bởi vì nó thấy nét đẹp tâm hồn của Điệp, một người xứng đáng có một người bạn chân chính và nó sẽ là người như vậy. Nó sẽ ở bên cạnh Điệp và kề vai sát cánh cùng thằng ấy phá án, dù rằng sau khi lên đại học thì hai người rất ít khi gặp được nhau, mà nó cũng chẳng có cơ hội giúp người ta phá được vụ án nào cả.

    Giờ đây, Đăng lại một lần nữa nhìn thấy Điệp nói chuyện với không khí, mà người này rất có thể là hồn ma của Hoài Lan. Hai người đang nói gì đó liên quan đến cái chết của cô ấy. Nó là bạn thân của Lan, nó cũng có quyền được biết mọi chuyện.

    Thế là Đăng trả lời câu hỏi của Điệp:

    "Hai ngày trước, xác của Lan được tìm thấy trong buồng vệ sinh nữ ở trạm dừng chân Thiên Phúc. Họ tìm thấy vật dụng cá nhân của nó, thấy cả bức thư tuyệt mệnh mà nó viết bằng máu, rằng nó không muốn sống nữa."

    Hồ Điệp lập tức hỏi thêm:

    "Không có vết thương nào khác sao? Cụ thể là ở bụng? Cô ấy viết thư tuyệt mệnh bằng cái gì?"

    Đăng kiên nhẫn trả lời:

    "Trên bụng không có vết thương nào cả. Vết thương duy nhất là trên mặt. Khuôn mặt bị rạch nát, nhớ không? Nó dùng máu trên mặt viết huyết thư."

    Hoài Lan khó hiểu nhìn Hồ Điệp, ngay cả chính cô cũng đang nghi ngờ trí nhớ của mình. Liệu cô có nhớ đúng hay không? Liệu cô bị giết hay là đã tự tử như những gì mọi người nói. Nếu không làm sao xác chết của cô lại không có vết đâm ở bụng?

    Hồ Điệp liếc nhìn Hoài Lan (hành động nay không qua mặt nổi thăng Đăng đang nhìn chằm chằm). Anh chàng Điệp quay sang nói với Đăng, giọng hơi khàn khàn lẫn chút mong chờ:

    "Làm sao mày biết đó là xác của Lan hả? Khuôn mặt rách nát, không nhận ra ai cả thì làm sao chắc chắn đó là cổ?"

    Hoài Lan gật đầu phụ họa câu hỏi của Điệp. Nhưng Đăng lại nói:

    "Vòng tay đó là hồi môn của ba mẹ Lan. Không ai có thể sao chép chiếc vòng ấy được, bên trong còn khắt chữ là tên ba má nó nữa. Với lại, trên xe lúc đó chỉ có nó là người đi vệ sinh thôi. Lơ xe chờ đợi quá lâu không thấy nó trở lại, nên nhờ một cô đi cùng chuyến xe vào trong nhà vệ sinh kêu nó. Ai ngờ người này phát hiện ra nó đã chết. Họ mở ví ra mới thấy chứng minh nhân dân của nó."
     
    chiqudollLieuDuong thích bài này.
  9. Muội Nương

    Bài viết:
    355
    Chương 8: Nghi Ngờ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hoài Lan ngã ạch ra phía sau, khuôn mặt lộ rõ bối rối. Vòng tay đó đích thị là của cô, cô đã nhìn vào trong quan tài và chắc chắn đó là vòng tay mà mình hay đeo. Vậy thì trí nhớ của cô có vấn đề ư? Cô thật sự đã treo cổ tự sát, lại còn tự tưởng tượng mình bị đâm chết. Nhưng vết thương nơi bụng trái vẫn còn âm ỉ kia mà.

    Hoài Lan hoang mang nhìn Hồ Điệp, không biết phải nói gì. Nếu tất những gì Đăng nói đều là sự thật, có phải nó sẽ không giúp cô điều tra vụ án nữa hay không, có phải nó cũng cho rằng cô bị điên, tự giết chết mình lại bày đặt tìm nó tra vụ án.

    Hồ Điệp đi tới đỡ Hoài Lan dậy, nhìn sâu vào đôi mắt rối bời ấy, rồi ghì chặt hai bờ vai của cô, tự hỏi điều gì khiến cô hoảng sợ như vậy. Có điều anh cần làm rõ một việc trước. Anh hỏi Hoài Lan ngay:

    "Chuyện chiếc vòng tay là sao? Có thật bà luôn đeo nó hay không?"

    Hoài Lan gật đầu, run giọng nói:

    "Tui đã tận mắt nhìn vào quan tài và vòng tay đó chính xác là của hồi môn của mẹ tui."

    Hoài Lan nắm lấy cánh tay của Điệp, phân vân không biết có nên nói ra lời tâm sự hay không. Rằng có thể cô bị điên, có thể cô nhớ nhầm mọi chuyện và có thể (nghĩ đến đây Hoài Lan không dám nhìn vào ánh mắt lo lắng của Điệp nữa) cô thật sự tự tử.

    Hoài Lan nghẹn ngào:

    "Có phải trí nhớ của một linh hồn không giống với những gì xảy ra hay không? Có phải tui đã tự tử mà không nhớ chút gì về nó?"

    Hồ Điệp lắc đầu, cố trấn an Hoài Lan:

    "Bà không tự tử, được chứ? Nghe nè, chuyện này vô cùng kỳ quái. Tui sẽ điều tra mọi chuyện, tui muốn xem bí ẩn trong vụ này là gì."

    Đến nước này, Đăng không thèm giả vờ không biết được nữa. Điệp đang nói chuyện với Hoài Lan về cái chết của cô, nó cũng muốn biết, nó cũng muốn tham gia điều tra vụ án này, nó là bạn thân của cô kia mà. Nó đằng hắng rõ to khiến Hồ Điệp giật nảy mình.

    Lần này đến lượt Hồ Điệp phát run. Anh đã quên bén chuyện mình đang nhậu nhẹt với Đăng. Rõ ràng hành động tự nói chuyện một mình của anh đã khiến Đăng sinh nghi, hoặc nó nghĩ anh bị điên cũng nên. Thôi thì thà nó tưởng anh bị điên còn hơn biết được anh đang nói chuyện với Hoài Lan – cô bạn thanh mai trúc mã của nó.

    Hồ Điệp lắp bắp nói:

    "Ờ.. à.. Tao xỉn quá."

    Đăng huỵch toẹt ra:

    "Tao biết mày có thể nói chuyện với linh hồn từ lâu rồi. Khỏi giả vờ say xỉn. Lan đang ở đây, đúng không? Tao không có ngu mà không nghe thấy mày đang nói chuyện với nó đâu."

    Hồ Điệp và cả Hoài Lan há hốc mồm nhìn thằng Đăng. Trước đây không có bất cứ ai tin chuyện Điệp có thể giao tiếp với ma, ngay cả Đăng cũng nói chuyện ma quỷ không tồn tại và giễu cợt Hoài Lan rằng cô toàn tin ba cái lời tào lao của thiên hạ đồn thổi cơ mà. Vậy mà thằng ấy lại nói rằng mình đã biết chuyện của Điệp từ lâu ư?

    Đăng nốc thêm một ly rượu. Nó nhìn về phía Lan khiến cô quên luôn phản ứng, suýt chút nữa đã tưởng nó có thể nhìn thấy cô. Cô vút mồ hôi trên tráng, mặc dù ma thì không còn mồ hôi nữa, nhưng đó là thói quen của cô mỗi lần cô căng thẳng.

    Hồ Điệp biết không thể giấu Đăng thêm được nữa. Thằng ấy rất thông minh, mà cậu lại chẳng biết nên xạo sự ra sao mới thuyết phục thằng này. Nên cậu đành nói ra sự thật cho Đăng biết:

    "Hoài Lan đang ở đây. Cổ đang ngồi cạnh tao."

    Hồ Điệp chỉ tay về phái bên trái chổ mình ngồi và Đăng nhìn theo hướng tay của nó. Đó chỉ là khoảng không vô định, nó chẳng thấy ai đang ngồi ở đó cả. Vậy mà nó có thể tưởng tượng ra bóng dáng Hoài Lan đang ngơ ngác ngồi đó và nhìn nó trân trân.

    Đăng nói với Hoài Lan (nó không ngờ có ngày nó phải nói với bóng đêm vô tận như đang nói với con người lúc này) :

    "Mày ổn chứ?"

    Đăng tự trách mình khi hỏi câu đó. Dĩ nhiên nó biết Hoài Lan không ổn tí nào cả. Trở thành hồn ma vất vưởng thì có gì đâu mà vui vẻ, chắc cô đã buồn phiền, khóc lóc nhiều lắm khi phát hiện mình đã chết.

    Đăng lại hỏi một câu khác:

    "Vậy là mày không tự tử?"

    Hoài Lan gật đầu theo phản xạ, rồi nhớ lại bản thân là ma nên lại lắc đầu, rồi quay sang Hồ Điệp cầu cứu. Hồ Điệp nháy mắt với cô thầm truyền tín hiệu: Cứ xem xem Đăng muốn gì rồi hẳn tính tiếp. Dù không biết Lan có hiểu được ý nghĩ thật sự của cái nháy mắt đó hay không, chỉ thấy cô hoang mang hết đưa mắt nhìn Điệp sang nhìn Đăng.

    Đăng tiếp tục gặng hỏi:

    "Mày bị ai giết? Có thấy mặt người đó không?"

    Lần này Hồ Điệp thay Hoài Lan trả lời:

    "Không thấy. Tụi nó đều bịt mặt và tấn công Lan khi cổ đang soi gương. Chuyện kỳ lạ là Lan nói mình bị đâm vào bụng, nhưng cái xác lại không thấy vết đâm nào hết."

    Hồ Điệp lấy trong cặp ra một cuốn vở đã ghi chi chít chữ. Đó là cuốn sổ ghi chép từng vụ án mà nó gặp. Nó ngồi xuống (Đăng nhanh nhảu ngồi sát sịt, như thể cơ thể của cả hai dính vào làm một), bắt đầu viết tình tiết vụ án.

    Đăng nhìn thấy nó viết rất có trình tự. Đầu tiên, Hoài Lan bị ba tên thanh niên tấn công tại nhà vệ sinh công cộng tại trạm dừng chân Thiên Phúc. Thứ hai, vết đâm ở bụng không được phát hiện trên xác chết. Thứ ba, nạn nhân treo cổ và viết bức thư máu.

    Hồ Điệp nói với Đăng:

    "Chúng ta cùng nhìn lại tất cả mọi chuyện. Tao sẽ nói cho mày biết những gì tao biết."

    Hồ Điệp kể cho Đăng nghe tất cả những gì Hoài Lan nói cho mình. Từ chuyện cô bị giết ra sao đến chuyện Hoài Lan về đến nhà mới phát hiện ra mọi người đang làm đám tang cho mình. Nó cũng kể chuyện cô đã đến nhà nó nhờ nó giúp đỡ mình tra án.

    Đăng đau khổ vò lấy đầu mình. Nó đang tưởng tượng bộ mặt Lan hoang mang ra sao khi biết người nằm trong quan tài là mình. Tiếc là nó không thấy được mặt nhỏ, không thấy cả linh hồn của nhỏ, nếu thấy nó nhất định ôm Lan vào lòng, an ủi nó, vỗ về nó.

    Đăng sụt sịt, ngước lên nhìn ánh trăng sáng trên cao, rồi thở dài. Lan bị giết, chết oan mà nó không biết gì cả, không giúp được gì cả. Nó tự trách mình lắm. Nếu nó không gọi điện cho Lan về quê, nhỏ đã không bị giết chết.

    Đăng ném một ánh nhìn đầy bi thương về phía Hoài Lan, đau lòng nói với cô:

    "Tao xin lỗi. Lần này tao đã không bảo vệ mày được. Biết thế tao đã ghé Bình Dương rước mày về, hoặc đừng gọi cho mày về làm gì."

    Hoài Lan vội vàng phân bua:

    "Không phải lỗi của mày. Nếu đã có ý định giết tao thì tụi nó không cần chờ tao có dịp về quê mới ra tay đâu."

    Hồ Điệp nhìn thấy cả hai đều đang khổ sở như nhau. Cậu liền truyền lời giùm Hoài Lan:

    "Lan nói mày đừng nên tự trách mình nữa. Bây giờ chuyện chúng ta có thể làm cho Lan là tìm ra hung thủ giết cổ, chứ không phải ngồi đây buồn rầu hoài."

    Đăng gật đầu, ánh mắt quyết tâm, bàn tay chụp lấy bàn tay của Hồ Điệp, muốn trao tất cả niềm tin lẫn sự sống của nó cho cậu, chỉ hy vọng cậu có thể giúp nó và Hoài Lan tìm ra hung thủ, bắt hắn phải trả giá. Nó đồng ý cả hai tay hai chân. Nó ngoan ngoãn lắng nghe Điệp nói, không sót một từ nào.

    Hồ Điệp cầm lấy cây bút máy, chuẩn bị liệt kê lại tất cả mọi thứ một lần nữa. Hoài Lan cũng có thói quen liệt kê mọi thứ theo thứ tự. Cô sợ mình bỏ sót nhiều điều quan trọng, nên đã tập làm quen từ nhỏ đến giờ, khó lòng bỏ được. Vì vậy, thay vì viết bằng nhánh cây, cô dùng ngón tay tóm tắt lại mọi chuyện lần nữa.

    Từ cái chết của Hoài Lan, cô nhìn ra được ý đồ của hung thủ. Người này muốn người khác tin rằng cô đã tự tử chết. Nhưng tự tử cũng cần có lý do thuyết phục người khác. Vì vậy, cô bắt đầu tự liệt kê những điều quan trọng về hung thủ.

    Thứ nhất, hung thủ là kẻ tung tin đồn thất thiệt về cô. Kẻ này đã loan tin cô cặp kề với đại gia cho mọi người biết. Sau này khi giết chết cô và dựng thành một vụ án tự tử có động cơ rõ ràng: Cảm thấy nhục nhã vì bị vợ đại gia đánh ghen, không dám trở về nhìn mặt người thân cũng như hàng xóm, nên đã tự kết liễu mình. Người này phải là người lập kế hoạch giết cô từ trước, chỉ chờ cơ hội nữa thôi.

    Hồ Điệp gật gù, rất tán thưởng với suy nghĩ vừa rồi của cô. Anh liệt kê điều thứ hai: Hung thủ là người biết rõ hành tung của cô. Người này nắm rõ lịch trình đi đi về về của cô mới có thể biết khi nào cô về thăm làng mà ra tay. Ngay cả thời gian cô lên xe cũng nắm rõ. Điệp nói đến đây thì Hoài Lan chen ngang:

    "Vé xe ghi thời gian, địa điểm và biển số xe chỉ có mấy người thân thiết của tui biết mà thôi."

    Hồ Điệp gật đầu, ghi thêm điều ấy vào trong cuốn sổ. Rồi cậu nói ra điều thứ ba: Làm sao hung thủ biết rõ chuyến xe của cô dừng tại đâu mà cho người tấn công cô. Hoặc chúng ở trên xe từ trước, hoặc chúng theo đuôi chiếc xe của cô.

    "Không." Hoài Lan lắc đầu, cô tự nói với Hồ Điệp: "Chúng nấp sẵn trong phòng vệ sinh, như vậy chúng biết chắc chiếc xe sẽ dừng ở đó. Bởi vì trên xe lúc đó chỉ có bảy người, tui đếm kỹ lắm."

    Hồ Điệp lắc đầu nói:

    "Chưa chắc. Như bà đã nói trước đó, hung thủ bịt mặt và tấn công đằng sau lưng khi bà đang soi gương. Bà rõ ràng không nhận diện được mặt chúng. Vì thế sáu người còn lại đều có thể trở thành nghi phạm."

    Hoài Lan thấy Hồ Điệp nói rất có lý. Rất có thể hung thủ đã trà trộn lên xe và chỉ chờ cô đi vệ sinh mà ra tay. Hồ Điệp nói tiếp:

    "Chỉ còn một điều nữa thôi. Vết đâm biến mất và nguyên nhân cái chết là treo cổ. Chúng ta chỉ cần lý giải được điểm kỳ lạ này nữa thôi."

    Hồ Điệp rút điện thoại ra và gọi đi đâu đó. Hoài Lan và cả Đăng hồi hộp nhìn nó, không ai dám thở mạnh, cũng không dám hỏi nó đang làm gì. Riêng Đăng chỉ nghe mỗi Điệp đang tự biên tự diễn, không hề nghe được tiếng nói của Lan, nhưng nó cũng lờ lợ đoán ra gầ đúng tình tiết lẫn câu chuyện.

    Hồ Điệp nói với người bên kia điện thoại:

    "Anh Thuật gửi cho em tờ khám nghiệm tử thi của Lan chưa?"

    Đăng biết anh Thuật là ai. Thuật là công an hình sự còn trẻ và rất giỏi. Anh chỉ hơn Đăng và Điệp năm tuổi thôi, nhưng đã được điều vào làm trong sở thành phố. Anh Thuật thành thật nói (lúc này Điệp đã bật loa ngoài cho hai người kia cùng nghe) :

    "Anh không thể đưa cho người ngoài ngành xem thứ đó. Anh chỉ có thể giúp em trả lời mấy câu hỏi mà em biết thôi. Người chết là nữ, hai mươi ba tuổi, do ngạt thở mà chết, trên mặt có đến bảy vết rách từ lớn đến nhỏ, vết máu trên bồn cầu và vết máu của thư tuyệt mệnh trùng khớp với máu của nạn nhân. Còn kết quả giám định AND anh vẫn chưa kịp đọc, người nhà đã nhận xác là của Hoài Lan và đưa về rồi."

    Hồ Điệp phán một câu xanh rờn:

    "Em nghi ngờ xác chết không phải của Hoài Lan. Anh có thể cầm tờ kết quả AND và đến chổ em liền hay không? Anh biết nhà Đăng mà, đến đó giúp em nhé."

    Cả Đăng và Hoài Lan đều trừng mắt ngó Hồ Điệp, cả hai không tin nổi những gì Điệp vừa khẳng định. Xác chết trong quan tài không phải của Hoài Lan thì nó là của ai đây?
     
    chiqudollLieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...