Mang thiên chức làm mẹ, chị em nào cũng hi vọng có được một thai kỳ khỏe mạnh và “mẹ tròn con vuông” vào lúc sinh nở. Muốn vậy, bạn không thể phó mặc hoàn toàn cho bác sĩ, mà cần biết rằng chính bản thân mới là người quyết định. Thực ra, chỉ một chút thay đổi trong tinh thần, lối sống của mẹ sẽ tác động ngay đến sức khỏe của bé. Dưới đây là các bài viết để bạn có một thai kì trọn vẹn: 6 lời khuyên từ chuyên gia dành cho phụ nữ trước khi mang thai Khám sức khỏe tổng quát trước khi mang thai cần lưu ý những gì? Sự khởi đầu của thai kỳ, tuổi thai và cách tính ngày dự sinh Quá trình phát triển thai nhi trong bụng mẹ Các xét nghiệm cần làm khi đi khám thai Dinh dưỡng cho bà bầu như thế nào cho tốt? Những việc người chồng cần làm để giúp đỡ vợ khi mang thai Những thay đổi trên da ở phụ nữ mang thai và cách lưu giữ nhan sắc. Ốm nghén - nôn và buồn nôn trong thai kỳ. Tập luyện như thế nào để bé yêu phát triển tốt? 14 lưu ý sản phụ nên biết về bệnh lý đái tháo đường thai kỳ Những điều cần biết về thai ngoài tử cung Một số kiến thức cơ bản về đa thai Thai kỳ của mẹ bị nhiễm viêm gan B, C Thai kỳ mẹ bị nhiễm HIV – cần làm gì để giữ an toàn cho mẹ và thai nhi? Nhận biết dấu hiệu chuyển dạ *** *** *** *** ***Phần I. 6 lời khuyên từ chuyên gia dành cho phụ nữ trước khi mang thai Được làm mẹ là một vinh hạnh mà tạo hóa ban cho người phụ nữ. Tuy nhiên, cuộc sống của người mẹ sẽ thay đổi rất nhiều khi mang thai. Những ai chưa từng mang thai chắc hẳn đều có băn khoăn và lo lắng, làm thế nào để có một thai kỳ khỏe mạnh? Sau đây là 6 lời khuyên của chuyên gia sản khoa về việc cần chuẩn bị những gì khi bạn dự định có em bé. 1. Khám sức khỏe tổng quát trước khi mang thai Mục đích nhằm phát hiện ra những vấn đề có thể ảnh hưởng lên thai kỳ. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi bạn về lối sống, chế độ ăn, những bệnh lý bạn từng mắc trước đó, các loại thuốc đang sử dụng và tình trạng của những lần mang thai trước. Qua đó, bác sĩ sẽ giúp bạn có những bước chăm sóc phù hợp để có một thai kỳ khỏe mạnh. Khám sức khoẻ tổng quát trước khi mang thai để phát hiện các vấn đề có thể ảnh hưởng lên thai kỳ. (Ảnh: PM Procare) 2. Có một chế độ ăn khỏe mạnh Cơ thể của bạn cần phải thường xuyên được cung cấp dưỡng chất để phát triển, thay thế những mô cũ và cung cấp năng lượng cho hoạt động của các cơ quan. Đặc biệt khi mang thai, chế độ ăn cân bằng các dưỡng chất rất quan trọng. Hãy chú ý bổ sung rau xanh, nhất là các loại rau có lá xanh đậm giàu acid folic, hoa quả và uống đủ nước. Chia nhỏ các bữa ăn, có thể ăn 6 bữa nhỏ trong ngày. Tránh các thức ăn khó tiêu như thức ăn có nhiều chất béo, thức ăn chiên, rán v.v. Tránh ăn thịt sống, cá sống như sushi, sashimi… Bổ sung rau xanh, nhất là rau có lá màu xanh đậm giàu acid folic. (Ảnh: Caolonthongminh.vn) 3. Sử dụng acid folic trước khi mang thai Acid folic có tác dụng ngăn ngừa dị tật ống thần kinh trên thai nhi khi được sử dụng trước và trong khi mang thai. Bạn nên bổ sung acid folic mỗi ngày theo liều 400 mcg trong vòng một tháng trước khi có thai. 4. Kiểm soát tốt cân nặng Tình trạng thừa cân khi có thai có thể liên quan tới một số biến chứng trong quá trình mang thai và sinh em bé như: tăng huyết áp, tiền sản giật, sinh non, và đái tháo đường thai kỳ. Tình trạng này cũng có thể dẫn đến thai nặng cân (kích thước và trọng lượng của thai lớn hơn bình thường) và làm tăng nguy cơ sang chấn cho mẹ và bé khi sinh cũng như làm tăng nguy cơ phải mổ lấy thai. Béo phì của mẹ cũng làm tăng nguy cơ bé bị dị tật bẩm sinh đặc biệt là dị tật ống thần kinh. Trong thai kỳ, khi thành bụng của mẹ quá nhiều mỡ cũng có thể làm cho thủ thuật siêu âm, nghe tim thai của em bé trở nên khó khăn hơn. Tình trạng thừa cân hay nhẹ cân đều có ảnh hưởng nhất định lên thai kỳ. (Ảnh: transformacao.psc.br) Ngược lại, tình trạng mẹ nhẹ cân có thể làm tăng một số nguy cơ cho thai kỳ như em bé sinh ra nhẹ cân đồng thời tăng nguy cơ khi chuyển dạ và có thể biểu hiện bất thường về hành vi khi lớn lên. Mẹ nhẹ cân khi mang thai cũng có thể làm tăng nguy cơ sinh non. 5. Thực hiện lối sống lành mạnh Hút thuốc, uống rượu, và sử dụng chất gây nghiện trước và trong khi mang thai có thể gây tác dụng nguy hại cho thai nhi, làm tăng nguy cơ mắc một số dị tật bẩm sinh trên thai nhi, đặc biệt là ba tháng đầu thai kì – là thời điểm thai nhi dễ bị ảnh hưởng bởi những chất này nhất. Hút thuốc lá, uống rượu, dùng chất kích thích là vô cùng nguy hại cho thai nhi. (Ảnh: Healthplus.vn) 6. Loại bỏ những hóa chất độc hại tại nơi ở và làm việc Một số hóa chất ở trong nhà hay nơi làm việc có thể gây khó có thai hoặc gây nguy hại cho thai thi. Nếu bạn có dự định mang thai, hãy kiểm tra nhà và nơi làm việc của bạn, dọn sạch những hóa chất sử dụng trong nhà hoặc ngoài vườn. Không nên làm việc ở nơi có tiếp xúc với hóa chất như chì, thủy ngân, thuốc trừ sâu, những chất phụ gia hay phóng xạ.
Phần II. Khám sức khỏe tổng quát trước khi mang thai cần lưu ý những gì? Khám sức khoẻ tổng quát trước khi mang thai là một trong những việc cần làm để chuẩn bị có em bé. Sức khoẻ ba mẹ có tốt thì thai nhi mới phát triển khoẻ mạnh. Vì thế, khám tiền sản sẽ giúp các bạn biết được những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến thai nhi như sảy thai, thai lưu, sinh non và các bệnh bẩm sinh… Vậy khám tổng quát trước khi mang thai cần yêu cầu những gì và thực hiện như thế nào? Để chuẩn bị tốt nhất cho thai kỳ, bạn hãy đi khám sức khỏe trước khi có thai. Dưới đây là những lưu ý cần thiết và quan trọng. Từ đó, bác sĩ sẽ lập ra kế hoạch chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bạn và khoảng thai kỳ sắp tới. 1. Những bệnh lý nội khoa Một số bệnh lý nội khoa như đái tháo đường, tăng huyết áp, trầm cảm… có thể gây ra một số vấn đề cho thai kỳ. Nếu bạn có bệnh lý nội khoa, hãy nói với bác sĩ của bạn về dự định có thai để họ có thể thay đổi trị liệu kiểm soát tốt bệnh lý hiện tại. 2. Các loại thuốc bạn đang sử dụng có thể ảnh hưởng tới thai nhi Một số thuốc kể cả thực phẩm bổ sung vitamin, những thuốc không kê toa, và những thuốc thảo dược có thể gây tác hại cho thai nhi do đó không nên dùng khi mang thai. Tốt nhất là bạn hãy mang hết những thuốc bạn đang dùng đến trong lần khám sức khỏe tổng quát trước khi mang thai để nhận được lời khuyên từ bác sĩ. Không tự ý ngưng hoặc dùng thêm bất kỳ loại thuốc nào cho đến khi bạn hỏi bác sĩ điều trị của bạn. Không phải tất cả thuốc thảo dược đều an toàn cho thai nhi. (Ảnh: thaoduockhoe.com) 3. Bệnh lý nhiễm trùng Bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng có tác động nguy hại cho thai. Những bệnh này có thể gây khó có thai và có thể lây truyền từ mẹ sang thai nhi. Nếu bạn hoặc bạn đời của bạn bị mắc bệnh, hãy tìm đến chuyên gia y tế để được tư vấn điều trị và phong ngừa bệnh cho thai nhi. Bệnh lý nhiễm trùng có thể gây hại cho cả mẹ và thai nhi. Một số nhiễm trùng trong khi mang thai có thể gây dị tật hoặc bệnh cho thai. Bệnh lý nhiễm trùng có thể gây hoạ cho mẹ và thai nhi. (Ảnh: WisdomTimes) Chích vaccine có thể phòng một số bệnh nhiễm trùng. Nhiễm rubella trong 3 tháng đầu tiên của thai có thể gây dị tật bẩm sinh trên 90% số trường hợp, do đó bạn nên chích ngừa vaccine này. Ngoài ra, bạn cũng nên chích ngừa các bệnh lý truyền nhiễm phổ biến ở Việt Nam như viêm gan B, sởi… Tuy nhiên, hầu hết vaccine đều không nên sử dụng khi mang thai. Thời gian chích mũi cuối cùng nên được tiến hành tối thiểu 1 tháng trước khi thụ thai. 5. Biến chứng thai kỳ lần trước Một số biến chứng ở thai kỳ trước có nguy cơ sẽ xuất hiện trở lại ở lần sau như: sinh non, tăng huyết áp, tiền sản giật và đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên, không có nghĩa rằng những bệnh lý này sẽ chắc chắn xuất hiện, nếu được theo dõi và chăm sóc hợp lý thì chúng có thể sẽ không tái diễn. Đái tháo đường thai kỳ là một trong các biến chứng thai kỳ lần trước cần được kiểm soát. (Ảnh: suckhoenoitiet.vn) 6. Tiền sử sức khoẻ gia đình của hai vợ chồng Có những dị tật và bệnh mắc phải của thai nhi thường xảy ra ở một số dòng tộc hoặc dân tộc nhất định, đó là những bệnh lý di truyền như bệnh Thalassemie, bệnh Hemophilia, bệnh Down… Nếu những người thân có bệnh lý, thì con của bạn cũng có nguy cơ bị mắc. Cần đưa thông tin tiền sử gia đình cho bác sĩ có đinh hướng thăm khám tốt. (Ảnh: southof64.com) Tìm hiểu tiền sử gia đình giúp bác sĩ có hướng quan tâm thích hợp trong việc thăm khám, chú ý đến các khả năng di truyền và gây dị tật cho thai nhi. Nếu có gì bất thường không có nghĩa rằng thế hệ sau chắc chắn sẽ phát triển bệnh lý. Trong khi đó, một người mà tiền sử gia đình khoẻ mạnh, trẻ vẫn có khả năng mắc bệnh. Buổi khám tiền sản là cực kỳ quan trọng. Bạn có thể đưa ra bất kỳ thắc mắc nào để được bác sĩ giải đáp. Từ đó có được các kiến thức về tình trạng sức khoẻ hiện tại, cũng như những tư vấn về việc cần làm, sẽ giúp bạn có được trạng thái tốt nhất khi mang thai. BS. Nguyễn Đức Trường, Khoa Sản Phụ, Bệnh viện FV , Hồ Chí Minh Theo American College of Obstetrics and Gynecology
Phần III. Sự khởi đầu của thai kỳ, tuổi thai và cách tính ngày dự sinh Khi mọi thứ được ba mẹ chuẩn bị kỹ càng từ trước đó để tạo điều kiện cho thai nhi phát triển tốt nhất và sinh ra khoẻ mạnh. Thì đây chính là lúc để xây dựng một thai kỳ. Phần tiếp theo sẽ mang đến cho độc giả thông tin về cách bắt đầu thai kỳ, phương pháp tính tuổi thai cũng như ngày dự sinh. Thai kỳ được tính từ khi ‘sự thụ tinh’ được diễn ra, đó là sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng. Đây là bước đầu của một loạt các sự kiện phức tạp khác để tạo nên một thai kỳ. Sự thụ tinh diễn ra tại ống dẫn trứng tạo thành phôi. Vài ngày sau, phôi từ một tế bào sẽ phân chia để tạo thành nhiều tế bào. Tế bào vừa phân chia tạo thành một chùm, vừa di chuyển theo ống dẫn trứng vào trong lòng tử cung nơi chúng sẽ làm tổ và lớn lên. Từ khi làm tổ cho đến cuối tuần thứ 8 nó được gọi là phôi. Từ tuần thứ 9 đến khi sinh được gọi là thai. 1. Vai trò của bánh nhau Bánh nhau được hình thành từ một vài tế bào phân chia nhanh, nó đóng vai trò là một hệ thống nuôi dưỡng cho thai nhi. Oxy, chất dinh dưỡng và nội tiết tố từ mẹ được vận chuyển qua nhau đến thai nhi và những chất phế thải của thai nhi được vận chuyển tới cơ thể mẹ để đào thải. Bánh nhau đóng vai trò là một hệ thống nuôi dưỡng cho thai nhi. (Ảnh: phunu3x.com) 2. Sự thay đổi của tử cung Khi có thai, lớp nội mạc (lớp trong cùng) của tử cung dày lên và các mạch máu trở nên rộng ra để nuôi dưỡng thai nhi. Những thời điểm tiếp theo của thai kỳ, tử cung của bạn sẽ lớn lên tạo ra một nơi cho thai nhi phát triển. Đến lúc sinh em bé, tử cung của bạn sẽ lớn hơn rất nhiều lần so với lúc chưa mang thai. 3. Thời gian kéo dài một thai kỳ Một thai kỳ bình thường kéo dài khoảng 40 tuần tính từ ngày có kinh đầu tiên của chu kì kinh cuối cùng. Sự thụ tinh thường được bắt đầu 2 tuần sau ngày này. Do đó thường cộng thêm 2 tuần khi chưa thụ tinh. Như vậy, thai kỳ chính thức kéo dài 10 tháng (40 tuần) chứ không phải 9 tháng. Thai kỳ chính thức thực ra kéo dài 10 tháng. (Ảnh: khoexanh.com) 4. Cách tính tuổi thai kỳ Thai kỳ có thể được tính theo tuần hoặc đôi khi là theo ngày. Ví dụ như nói 36 tuần 3 ngày. Thai kỳ 40 tuần được chia thành 3 giai đoạn (tam cá nguyệt), mỗi giai đoạn kéo dài từ 12-13 tuần (khoảng 3 tháng). Tam cá nguyệt 1: từ 0 tuần đến 13 tuần 6 ngày (tháng thứ nhất – tháng thứ 3) Tam cá nguyệt 2: từ 14 tuần đến 27 tuần 6 ngày (từ tháng thứ 4 – tháng thứ 7) Tam cá nguyệt 3: từ 28 tuần đến 40 tuần 6 ngày (tháng thứ 7– hết tháng thứ 9) Thai kỳ 40 tuần được chia làm 3 giai đoạn. (Ảnh: MarryBaby) 5. Ngày sinh dự kiến (ngày dự sinh) Ngày dự sinh là ngày được cho rằng em bé sẽ được ra đời. Chỉ có khoảng 1 trong số 20 phụ nữ sinh em bé đúng ngày dự sinh. Mặc dù vậy, ngày dự sinh vẫn có vai trò quan trọng vì nhiều lý do. Nó giúp xác định tuổi thai, từ đó có thể theo dõi sự phát triển thai nhi. Nó cũng giúp xác định khung thời gian để tiến hành một số xét nghiệm đánh giá sức khỏe mẹ và thai trong thai kỳ. Ngày dự sinh được tính dựa vào ngày đầu tiên có kinh của chu kỳ kinh cuối cùng (theo dương lịch). Cách này chỉ áp dụng chính xác với các mẹ có chu kỳ kinh đều 28 ngày và nhớ đúng ngày kinh. Ảnh: ElaWoman Nếu không nhớ rõ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối hoặc chu kỳ kinh nguyệt không đều thì siêu âm trong 3 tháng đầu được dùng để tính ngày dự sinh. Nếu bạn làm thụ tinh nhân tạo thì ngày dự sinh được tính theo tuổi của phôi và ngày phôi được chuyển vào trong tử cung. BS. Nguyễn Đức Trường, Khoa Sản Phụ, Bệnh viện FV , Hồ Chí Minh Theo American College of Obstetrics and Gynecology
Phần IV. Quá trình phát triển thai nhi trong bụng mẹ Nhiều bà mẹ khi mang thai thường tự hỏi, con mình phát triển như thế nào trong suốt quá trình mang thai, khi nào thì mình có thể cảm nhận được thai nhi đạp. Em bé ở trong bụng có ngủ không? Phần viết dưới đây sẽ giới thiệu một cách sơ lược những sự kiện chính trong quá trình phát triển của bào thai qua các tuần tuổi. 1. Sự phát triển của thai từ tuần thứ nhất đến tuần thứ 8 Bánh nhau được hình thành. Não và cột sống bắt đầu được hình thành. Tim thai bắt đầu đập. Tim thai có thể phát hiện được bằng siêu âm khi thai được 6 tuần. Mầm chân, tay xuất hiện. Mắt, tai, mũi bắt đầu hình thành. Mí mắt được hình thành nhưng vẫn đóng. Cơ quan sinh dục bắt đầu hình thành. Vào cuối tuần thứ 8 tất cả những cơ quan lớn và hệ thống cơ thể đã được tạo thành và bắt đầu phát triển. Trong vòng 8 tuần đầu thai nhi đã hình thành những cơ quan lớn. (Ảnh: drcarlosramirezhernandez.com) 2. Sự phát triển của thai ở tuần thứ 9 – 12 Mầm răng xuất hiện. Ngón tay và ngón chân được hình thành, móng mềm được hình thành. Xương và cơ bắt đầu lớn lên. Ruột non được hình thành. Xương sống của thai lúc này mềm và có thể gập lại. Da thì mỏng và trong suốt. Bàn tay phát triển hơn bàn chân. Tay dài hơn chân. Đến tuần thứ 12 ngón chân và ngón tay của thai nhi được hình thành, da mỏng và trong suốt. (Ảnh: The Daisy Foundation) 3. Sự phát triển của thai từ tuần 13 – 16 Tay và chân lúc này có thể gập lại. Cơ quan sinh dục ngoài được hình thành. Tai ngoài bắt đầu phát triển. Thai nhi có thể nuốt và nghe. Cổ được hình thành. Thận đã hoạt động và bắt đầu tạo nước tiểu. (Ảnh: Babyologist) 4. Sự phát triển của thai từ tuần 17 – 20 Thai nhi biết bú mút. Nếu bàn tay được đưa đến gần miệng thì thai nhi có thể sẽ mút ngón cái của mình. Da trở nên nhăn và cơ thể được phủ bởi một lớp chất gây và lông nhỏ. Thai nhi bắt đầu cử động và bạn có thể cảm nhận được sự chuyển động trong bụng (gọi là thai máy) Móng mọc trên đầu các ngón. Túi mật bắt đầu tiết mật – là chất dùng để tiêu hóa thức ăn. Ở thai nhi nữ thì trứng được hình thành trong buồng trứng, ở thai nhi nam thì tinh hoàn bắt đầu di chuyển xuống. Ở giai đoạn này thì có thể xác định được giới tính em bé qua siêu âm. Thai nhi đã biết bú mút ngón tay của mình trong giai đoạn này. 5. Sự phát triển của thai từ tuần 21 – 24 Thai nhi biết nấc. Bộ não phát triển nhanh. Ống tạo nước mắt được hình thành. Ngón tay và ngón chân hiện giờ có thể rõ nhìn thấy qua siêu âm. Phổi đã được hình thành đầy đủ nhưng chưa hoạt động được khi ra ngoài tử cung. Ở giai đoạn từ tuần 21 – 24 não phát triển nhanh, phổi đã được hình thành nhưng thể hoạt động khi ra ngoài tử cung. (Ảnh: Medicalland) 6. Sự phát triển của thai từ tuần 25 – 28 Mắt thai nhi có thể đóng mở và cảm nhận được sự thay đổi của ánh sáng. Thai có thể đạp chân và duỗi người. Thai nhi có thể nắm tay lại và có đáp ứng với âm thanh. Tế bào phổi bắt đầu tạo ra chất giúp cho sự thở. Mắt thai nhi đã có thể đóng mở và cảm nhận được ánh sáng. (Ảnh: Pinterest) 7. Sự phát triển của thai từ tuần 29 – 32 Những sự hình thành các cơ quan quan trọng cơ bản đã xong, giai đoạn này thai nhi tăng cân rất nhanh. Xương đã cứng, nhưng hộp sọ vẫn mềm và di động để em bé được sinh ra. Những vùng khác nhau của não tiếp tục được hình thành. Tóc bắt đầu mọc và lông tơ bắt đầu biến mất. Tóc bắt đầu mọc và lông tơ bắt đầu biến mất. (Ảnh: emprosnews.wordpress.com) 8. Sự phát triển của thai từ tuần 33 – 36 Đầu thai nhi thường quay xuống dưới, đây là tư thế để thai nghi được sinh ra. Não tiếp tục phát triển. Da bớt nhăn hơn. Phổi đã trưởng thành và có thể hoạt động khi ra khỏi tử cung. Các kiểu ngủ được hình thành. Các kiểu ngủ được hình thành trong giai đoạn này. (Ảnh: bebesencamino.com) 9. Sự phát triển của thai từ tuần 37 – 40 Thai nhi xuống sau phía dưới của khung chậu hơn. Thai nhi bắt đầu xuống sau phía dưới khung chậu. (Ảnh: Timetoast) Mỡ được tích tụ nhiều hơn, đặc biệt ở quanh khuỷu, gối và vai. Giai đoạn này thai nhi tăng khoảng 220 g mỗi tuần. Bác sĩ Nguyễn Đức Trường, Khoa Sản Phụ, Bệnh viện FV, Hồ Chí Minh Theo American College of Obstetrics and Gynecology
Phần V. Các xét nghiệm cần làm khi đi khám thai Trong quá trình khám thai bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm một số xét nghiệm. Những xét nghiệm này có tác dụng phát hiện những vấn đề có thể làm tăng nguy cơ các biến chứng cho mẹ và thai. Tùy theo tình huống cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định hoặc không chỉ định những xét nghiệm được nhắc đến sau đây. Thông thường có hai thời điểm thực hiện xét nghiệm là ở những lần thăm khám đầu tiên và giai đoạn cuối thai kỳ. Thời điểm 1: Những xét nghiệm trong những lần thăm khám đầu tiên: Công thức máu, nhóm máu, tổng phân tích nước tiểu, cấy nước tiểu, Rubella, viêm gan B và C, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV, bệnh lao, virus Zika. 1. Ý nghĩa của xét nghiệm công thức máu Công thức máu là xét nghiệm đếm số lượng các loại tế bào máu và những thông số quan trọng trong máu của bạn. Số lượng hồng cầu và hàm lượng huyết sắc tố có thể cho biết bạn bị mắc một loại thiếu máu nào đó. Số lượng bạch cầu có thể cho biết tình trạng viêm nhiễm, và số lượng tiểu cầu có thể cho thấy bất thường về chức năng đông máu. Ảnh: Verywell Family 2. Ý nghĩa của xét nghiệm nhóm máu Xét nghiệm nhóm máu sẽ cho biết loại nhóm máu Rh của bạn. Rh là một protein trên bề mặt của hồng cầu. Nếu bề mặt hồng cầu của bạn có yếu tố này thì bạn có nhóm máu Rh dương tính. Nếu bề mặt hồng cầu của bạn không có yếu tố này thì bạn mang nhóm máu Rh âm tính. Nếu bạn mang nhóm Rh âm và thai nhi của bạn mang Rh dương thì cơ thể của bạn sẽ sản sinh kháng thể chống lại yếu tố này của thai nhi. Trong lần mang thai tiếp theo, kháng thể này có thể làm vỡ hồng cầu của thai. 3. Ý nghĩa của xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu Nước tiểu sẽ được xét nghiệm để phát hiện: Hồng cầu phản ánh bệnh lý về đường tiết niệu. Bạch cầu để xem có nhiễm trùng không. Glucose – nếu nồng độ cao thì có thể là dấu hiệu của đái tháo đường thai kỳ. Hàm lượng protein trong nước tiểu cũng được đo để so sánh giữa giai đoạn đầu và cuối thai kỳ, nếu cao có thể là dấu hiệu của bệnh lý tiền sản giật, đây là một biến chứng nặng thường xuất hiện ở giai đoạn cuối của thai kỳ, trong và sau khi sinh. Ảnh: Netradicinė medicina) 4. Ý nghĩa của cấy nước tiểu Cấy nước tiểu có tác dụng phát hiện vi khuẩn – là nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiểu. 5. Ý nghĩa của xét nghiệm Rubella Rubella hay còn gọi là sởi Đức, bệnh này có thể gây dị tật bẩm sinh nếu bị mắc khi đang mang thai. Xét nghiệm sẽ cho biết bạn đã từng bị mắc hoặc bạn đã chích ngừa bệnh này chưa. Nếu bạn chưa từng bị mắc Rubella trước đây và cũng chưa chích ngừa thì bạn nên tránh tiếp xúc với những người đang bị bệnh này trong khi có thai vì bệnh này rất dễ lây. Nếu bạn chưa chích ngừa, thì bạn hãy chích ngay sau khi sinh, kể cả khi bạn đang cho con bú. Không nên chích ngừa bệnh này khi đang mang thai. 6. Ý nghĩa của xét nghiệm viêm gan B và C Viêm gan B và C là tình trạng bệnh của gan do virus viêm gan B và C gây nên. Nếu phụ nữ mang thai bị mắc loại virus này thì có thể lây truyền virus cho thai nhi. Do vậy tất cả phụ nữ mang thai đều nên xét nghiệm. Từ đó có biện pháp dự phòng lây nhiễm cho thai nhi trong trường hợp mẹ bị mắc bệnh. Ảnh: MD Anderson Cancer Center) 7. Ý nghĩa của xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục Tất cả phụ nữ mang thai nên xét nghiệm bệnh giang mai và Chlamydia ngay trong những lần khám đầu tiên. Hai loại bệnh này có thể gây những biến chứng nghiêm trọng cho mẹ và thai. Nếu bạn bị mắc một trong hai loại bệnh trên thì bạn sẽ được điều trị trong thai kỳ. Nếu bạn sống trong vùng có tỉ lệ lưu hành lậu cao thì bạn cũng nên xét nghiệm. 8. Ý nghĩa của xét nghiệm HIV Nếu một phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV thì virus có thể được truyền từ mẹ qua thai. Virus HIV sẽ tấn công và làm chết tế bào miễn dịch của cơ thể và gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Nếu bạn có thai và bị nhiễm HIV thì bạn sẽ được uống thuốc trong thai kỳ, ngoài ra còn một số biện pháp nữa được thực hiện để phòng lây nhiễm từ mẹ qua thai trong khi chuyển dạ và lúc sinh. 9. Những trường hợp nên xét nghiệm bệnh lao Phụ nữ có nguy cơ cao bị mắc bệnh lao (như nhiễm HIV, người sống hoặc tiếp xúc với người bị nhiễm lao) thì nên xét nghiệm. 10. Khi nào cần xét nghiệm Zika Bác sĩ của bạn sẽ hỏi bạn những câu hỏi liên quan đến việc đi đến những vùng có dịch Zika. Sau đó họ sẽ xác định xem bạn có cần xét nghiệm hay không. Ảnh: benhxahoi24h.com) Thời điểm 2: Những xét nghiệm được làm ở giai đoạn cuối của thai kỳ gồm: Công thức máu lặp lại, xét nghiệm kháng thể kháng Rh, xét nghiệm đường huyết, xét nghiệm phát hiện tụ cầu nhóm B 1. Thời điểm xét nghiệm kháng thể kháng Rh Nếu mang nhóm máu Rh (-) thì bạn sẽ được xét nghiệm kháng thể kháng Rh vào giữa tuần 28 và 29. Nếu không có kháng thể Rh, thì bạn sẽ được chích một mũi globulin miễn dịch để ngăn chặn sự hình thành kháng thể trong thời gian sau của thai kỳ. Nếu có kháng thể Rh thì bạn sẽ được theo dõi đặc biệt hơn. 2. Vai trò của xét nghiệm đường huyết Xét nghiệm đường huyết được dùng để phát hiện bệnh đái tháo đường thai kỳ. Xét nghiệm này thường được làm trong khoảng thai được 24 – 28 tuần. Nếu bạn có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ như thừa cân, cha mẹ bị đái tháo đường, hoặc bạn đã từng bị đái tháo đường trong lần mang thai trước thì xét nghiệm có thể được làm ở 3 tháng đầu tiên. Ảnh: finizz.com) 3. Ý nghĩa của xét nghiệm phát hiện tụ cầu nhóm B Tụ cầu nhóm B là loại vi khuẩn sống ở trong âm đạo và trực tràng. Có nhiều phụ nữ có mang loại vi khuẩn này nhưng không có triệu chứng. Chúng có thể truyền qua thai em bé trong khi sinh. Đa số các em bé bị nhiễm loại tụ cầu này không có vấn đề gì. Tuy nhiên, một số bé có thể bị bệnh rất nặng thậm chí dẫn đến tử vong. Xét nghiệm này thường được làm ở tuần thứ 35 – 37 của thai kỳ. Bệnh phẩm sẽ được lấy từ âm đạo và trực tràng. Nếu kết quả cấy tụ cầu nhóm B dương tính thì khi chuyển dạ mẹ sẽ được chích kháng sinh để dự phòng nhiễm trùng cho em bé. Ngoài ra, còn có các xét nghiệm phát hiện dị tật của thai nhi bao gồm siêu âm, kết hợp với các xét nghiệm máu có thể được bác sĩ chỉ định. Chọn làm xét nghiệm phát hiện dị tật thai hoặc không là quyền của mỗi người. Bạn có thể chọn tiến hành hoặc không. Có một số dị tật thai nhi có thể sửa chữa được bằng phẫu thuật cần được phát hiện trước để chuẩn bị các phương pháp và những can thiệp cần thiết hỗ trợ em bé. BS. Nguyễn Đức Trường Khoa Sản phụ – Bệnh viện FV TP Hồ Chí Minh
Phần VI. Dinh dưỡng cho bà bầu như thế nào cho tốt? Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Cung cấp các chất cần thiết bằng việc ăn uống hợp lý sẽ giúp cho mẹ bầu được khỏe mạnh và thai nhi phát triển tốt. Sau đây xin gửi tới quý độc giả những kiến thức cơ bản để bà bầu biết cách lựa chọn thực phẩm hàng ngày đem lại lợi ích cho mẹ và bé. 1. Bốn nhóm thực phẩm chính Thực phẩm hàng ngày được chia thành 4 nhóm chính: Nhóm chất cung cấp đường bột: là ngũ cốc (hạt) và các sản phẩm từ ngũ cốc – bao gồm: bánh mì, mì các loại, cơm các loại… Nhóm chất cung cấp chất đạm: thịt, cá, trứng, sữa… Nhóm cung cấp chất béo: bao gồm dầu ăn, mỡ động vật… Nhóm cung cấp vitamin và khoáng chất bao gồm: rau củ và trái cây theo mùa… Ăn thực phẩm phối hợp cả 4 nhóm chính trong khẩu phần ăn rất có lợi cho bà bầu. (Ảnh: Bosto.be) Phối hợp 4 nhóm thực phẩm trên trong khẩu phần ăn hàng ngày, mẹ bầu sẽ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. 2. Vai trò của chất béo và dầu ăn Mặc dù dầu ăn và chất béo không phải là một nhóm thực phẩm, nhưng chúng là một nhóm chất quan trọng. Khi mang thai, chất béo bạn ăn vào không chỉ có vai trò cung cấp năng lượng cho bản thân mình mà nó còn giúp hình thành cơ quan của thai nhi và bánh nhau. Cần phải phối hợp cân bằng giữa chất béo có nguồn gốc động vật và thực vật, nên hạn chế đồ ăn chứa nhiều chất béo được sản xuất công nghiệp. 3. Tầm quan trọng của vitamin và các khoáng chất Vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong tất cả các hoạt động của cơ thể. Phụ nữ mang thai có nhu cầu sắt và axit folic cao hơn người không mang thai. Một chế độ ăn phù hợp thì cần phải cung cấp đầy đủ những vitamin thiết yếu và khoáng chất cần trong khi mang thai gồm: các vitamin A, D, K, E, sắt, canxi, kẽm… Những chất này đều có sẵn trong các thực phẩm tự nhiên ví dụ như: vitamin A có nhiều trong đu đủ hoặc cà rốt; vitamin C có nhiều trong bưởi, chanh; canxi có nhiều trong tôm, cua… Bổ sung dinh dưỡng từ thực phẩm tự nhiên là tốt nhất cho sức khoẻ của phụ nữ mang thai. Vai trò của sắt và hàm lượng cần bổ sung hằng ngày Sắt được cơ thể sử dụng để tham gia vào quá trình tạo máu cho mẹ và thai. (Ảnh: mom.vn) Sắt được cơ thể sử dụng để tạo hồng cầu. Hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy tới mô và các cơ quan trong cơ thể. Khi có thai nhu cầu sắt của cơ thể bạn tăng gấp đôi so với bình thường. Lượng sắt cần thêm này dùng để tạo thêm máu cần thiết để vận chuyển đủ oxy cho thai nhi. Hàm lượng sắt được khuyên dùng hàng ngày là 27 mg, hầu hết các sản phẩm thực phẩm chức năng bổ sung sắt đều chứa đủ hàm lượng này. Bạn cũng có thể ăn những thực phẩm giàu sắt như thịt bò, thịt gia cầm, cá, đậu… Vitamin C sẽ giúp sắt được hấp thu tốt hơn, do vậy bạn nên ăn kèm với thực phẩm giàu vitamin C như chanh, cam, bưởi, cà chua. Vai trò của axit folic và hàm lượng cần bổ sung hằng ngày Cung cấp đủ axit folic để phòng ngừa dị tật ống thần kinh. (Ảnh: Sohati.com) Axit folic cũng được gọi là folate, và một vitamin nhóm B có vai trò quan trọng cho phụ nữ mang thai. Trước và trong khi mang thai, bạn cần uống 400 microgam axit folic mỗi ngày để phòng ngừa dị tật ở não và cột sống (gọi là “dị tật ống thần kinh”) cho thai nhi. Do đó tất cả phụ nữ mang thai nên uống bổ sung axit folic. Vai trò của canxi và hàm lượng cần bổ sung hàng ngày Canxi tham gia quá trình tạo xương và răng cho thai nhi. (Ảnh: Geração Fit) Canxi dùng để tạo xương và răng cho thai nhi. Tất cả những phụ nữ từ 19 tuổi trở lên, bao gồm cả phụ nữ mang thai nên bổ sung 1000mg canxi mỗi ngày. Canxi có nhiều trong sữa và các sản phẩm của sữa như bơ, sữa chua. Tuy nhiên, người Việt Nam không phải ai cũng dễ dung nạp sữa, và nhiều vùng không có điều kiện mua sữa thì có thể dùng thực vật có chứa nhiều canxi là các loại rau màu xanh đậm, bông cải (súp lơ), hoặc uống viên canxi bổ sung. Vai trò của vitamin D và hàm lượng cần bổ sung hàng ngày Vitamin D có vai trò thiết yếu cho thị lực và da. (Ảnh: Wimpole Clinic) Vitamin D kết hợp với canxi để tạo xương và răng cho thai nhi. Vitamin D cũng đóng vai trò thiết yếu cho thị lực và da. Tất cả phụ nữ bao gồm cả phụ nữ có thai cần khoảng 600UI (đơn vị quốc tế) vitamin D mỗi ngày. Nguồn thực phẩm có chứa vitamin D gồm sữa đóng gói có bổ sung vitamin D, cá hồi… Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời dịu nhẹ buổi sáng giúp tạo vitamin D cho cơ thể một cách tự nhiên. 4. Mức độ tăng cân khi có thai Cân nặng tăng lên khi có thai phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và thể tạng của bạn trước khi có thai. Nếu bạn là người có cân nặng bình thường trước khi mang thai thì khối lượng cơ thể cần tăng thêm là từ 11 – 16kg. Nếu trước khi có thai nhẹ cân thì mức tăng của bạn sẽ nhiều hơn, và ngược lại nếu thừa cân thì mức tăng sẽ ít hơn. 5. Ảnh hưởng của thừa cân và béo phì lên thai kỳ Phụ nữ mang thai bị thừa cân hoặc béo phì thì có nguy cơ bị các biến chứng như: đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp, tiền sản giật, sinh non và mổ sinh. Em bé của những bà mẹ bị thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, thai to do vậy dễ bị chấn thương khi sinh, và nguy cơ béo phì sau này cao hơn so với em bé của những bà mẹ có cân nặng bình thường. 6. Ảnh hưởng của cà phê (caffeine) lên phụ nữ có thai Khuyến cáo bà bầu chỉ nên dùng 200mg caffine mỗi ngày. (Ảnh: fmasystem.com) Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa caffeine và sảy thai, nhưng vẫn chưa có kết luận rõ ràng. Hầu hết các chuyên gia khuyên rằng uống ít hơn 200 mg caffeine (1 cốc 350ml cà phê) một ngày thì an toàn cho phụ nữ mang thai. 7. Lợi ích của việc ăn cá và thủy hải sản Omega-3 là nhóm axit béo có nhiều trong cá. Đây là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển của não bộ thai nhi trước và sau sinh. Để thu được lợi ích từ omega-3 thì bạn nên ăn ít nhất hai bữa cá hoặc hải sản trong 1 tuần, khi mang thai hoặc đang cho con bú. Hải sản cung cấp nhiều omega – 3 cho bà bầu. (Ảnh: toinayangi.vn) Những điều lưu ý khi sử dụng hải sản Chọn những thực phẩm như tôm, cá hồi, các loại cá nước ngọt thông thường. Một số loại cá có hàm lượng thủy ngân cao hơn bình thường. Hàm lượng thủy ngân cao có thể gây dị tật bẩm sinh. Để tránh tiếp xúc nhiều với thủy ngân bạn nên làm theo những hướng dẫn sau: Không ăn cá mập, cá kiếm, cá thu hoàng đế, cá marin, cá orange roughy hoặc cá tilefish (vì có thể có các sản phẩm nhập khẩu những loại cá nước ngoài, tiếng Việt không có tên tương ứng nên chúng tôi giữ nguyên tên tiếng anh), và hạn chế ăn cá ngừ trắng. 8. Ảnh hưởng của ngộ độc thức ăn Sushi chưa được nấu chín sẽ không an toàn cho bà bầu. (Ảnh: BritEvents) Nếu bạn bị ngộ độc thức ăn trong khi có thai thì có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho cả bạn và thai. Vì tiêu chảy sẽ làm cho cơ thể bạn mất nước từ đó làm mất cân bằng các chất trong cơ thể. Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm hãy làm theo lời khuyên sau: Rửa sạch đồ sống dưới vòi nước trước khi ăn, hoặc chế biến. Giữ nhà bếp sạch sẽ. Rửa sạch tay, dao, khu làm bếp và thớt sau khi chạm và chế biến đồ ăn chưa nấu chín. Không ăn thịt, cá, trứng sống hoặc nấu chưa chín. Không ăn sushi cá sống (nhưng sushi được nấu chín thì an toàn). Những thực phẩm như thịt bò, thịt lợn (heo), thịt gia cầm cần phải nấu chín kỹ. 9. Ảnh hưởng của bệnh Listeria lên thai kỳ Bệnh Listeria là bệnh do vi khuẩn gây ra và lây truyền qua thức ăn. Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc gấp 13 lần so với người bình thường. Triệu chứng của bệnh tương tự như bị cảm cúm nhẹ như: sốt, đau cơ và tiêu chảy và có thể kèm theo những triệu chứng khác nữa tuỳ diễn biến của bệnh. Bệnh Listeria có thể gây sảy thai, thai chết lưu và sinh non. Để điều trị bệnh thì cần phải dùng kháng sinh. Phòng ngừa vẫn là cách tốt nhất để tránh các biến chứng, do đó bạn không nên ăn các thức ăn như sau: Sữa và các sản phẩm làm từ sữa chưa qua thanh trùng. Xúc xích, thịt hộp và thịt nguội trừ khi chúng đã được đun nóng tới khi bốc hơi trước khi ăn. Pate và thịt miếng đông lạnh. Hải sản hun khói đông lạnh Thịt, hải sản, trứng sống hoặc đun chưa chín.
Phần VII. Những việc người chồng cần làm để giúp đỡ vợ khi mang thai Có thai không chỉ là hạnh phúc riêng của người làm mẹ mà còn là niềm vui chung của cả gia đình. Để có một sức khỏe toàn diện cho mẹ và thai nhi thì sự hỗ trợ từ các ông bố cũng rất quan trọng. Khi có thai, người phụ nữ sẽ nhạy cảm và dễ bị suy nghĩ tiêu cực từ những tác động bên ngoài. Hơn nữa, những thói quen không tốt của các ông chồng như hút thuốc cũng có thể có ảnh hưởng xấu cho thai nhi. Bài viết kỳ này sẽ cung cấp những kiến thức cần thiết cho ông bố để hỗ trợ tốt hơn cho vợ và đứa con sắp chào đời. Tầm quan trọng của người chồng đối với vợ đang mang thai Phụ nữ nhận được sự hỗ trợ từ chồng khi có thai dễ bỏ được những thói quen xấu và có sức khỏe tốt hơn. Em bé sinh ra từ những bà mẹ này cũng khỏe mạnh hơn, ít các biến chứng như sinh non và những vấn đề về phát triển hơn. Những phụ nữ này cũng ít bị căng thẳng và lo lắng hơn sau sinh. Người chồng có thể chủ động tự tìm hiểu kiến thức về mang thai, cùng vợ đi thăm khám với bác sĩ và xây dựng lối sống lành mạnh. Thời gian kéo dài của một thai kỳ, ngày dự sinh và những biến đổi của phụ nữ Người chồng nên biết thời gian kéo dài một thai kỳ và những biến đổi của người vợ trong giai đoạn này. (Ảnh: votinteresno.ru) Một thai kỳ bình thường kéo dài 40 tuần kể từ ngày có kinh đầu tiên của chu kỳ kinh cuối cùng. Thai kỳ được chia làm 3 giai đoạn: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Ngày em bé ước tính sẽ được sinh ra gọi là ngày dự sinh, dựa vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối cùng hoặc theo siêu âm. Cả hai phương pháp này sẽ được dùng để tính ra ngày chính xác nhất. Nhưng bạn hãy nhớ rằng, chỉ có khoảng 1 trong 20 phụ nữ sẽ sinh đúng vào ngày đã được dự đoán. Những biến đổi của phụ nữ trong 3 tháng đầu thai kỳ Một số thai phụ sẽ có biểu hiện ốm nghén tỏng giai đoạn này. (Ảnh: nld.com.vn) Trong khoảng 3 tháng đầu tiên (13 tuần đầu) hầu hết phụ nữ cần nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường. Một số người sẽ có triệu chứng buồn nôn và nôn, được gọi là “ốm nghén” hoặc “thai hành”. Trong giai đoạn này phụ nữ dễ có thay đổi cảm xúc, tính khí lên xuống thất thường. Người chồng hãy lắng nghe và hỗ trợ người vợ của mình. Những biến đổi của phụ nữ trong 3 tháng giữa thai kỳ Ba tháng giữa thai kỳ (từ tuần 14 – 27) là thời gian thấy dễ chịu nhất đối với hầu hết các phụ nữ có thai. Lúc này bụng của bà mẹ đã to lên, nhìn rõ hơn. Họ cũng cảm thấy khỏe hơn, có nhiều năng lượng hơn, ốm nghén (thai hành) không còn nữa. Bà mẹ bắt đầu cảm thấy em bé chuyển động trong bụng, sự kiện này thường xuất hiện ở tuần thứ 20, đôi khi có thể sớm hoặc muộn hơn. Hai vợ chồng nên cùng tham gia lớp học chăm sóc trước sinh. (Ảnh: BirthDreams.co.uk) Cả hai vợ chồng nên tham gia lớp học chăm sóc trước sinh ở bệnh viện mà bạn dự định sinh em bé. Các bạn sẽ được học những sự kiện sẽ diễn ra khi sinh, từ đó người chồng sẽ biết cách hỗ trợ vợ của mình. Hơn nữa, còn có thể gặp gỡ, chia sẻ cùng với những cặp vợ chồng khác. Những biến đổi của phụ nữ trong 3 tháng cuối thai kỳ Ba tháng cuối là khoảng thời gian không thoải mái nhất đối với phụ nữ mang thai. (Ảnh: yeutre.vn) Ba tháng cuối (từ tuần 28 – 40) là khoảng thời gian không thoải mái nhất đối với phụ nữ có thai. Họ thường cảm thấy khó chịu khi thai lớn lên và khi cơ thể biến đổi để chuẩn bị sinh. Họ có thể bị khó ngủ, đi lại khó khăn, vất vả hơn khi làm công việc hàng ngày. Thời điểm này, hầu hết các cặp vợ chồng đều có thể cảm thấy mong chờ và một chút lo lắng. Lối sống cần thay đổi tích cực Người chồng có thể giúp vợ mình tạo một lối sống lành mạnh bằng một số cách sau đây: Cùng nhau chuẩn bị và ăn những bữa ăn lành mạnh. Giúp đỡ vợ có thời gian nghỉ ngơi. Cùng nhau luyện tập và từ bỏ thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu và sử dụng các chất gây nghiện. Hút thuốc và uống rượu là thói quen xấu mà cả hai vợ chồng nên bỏ. (Ảnh: giaoduc.net.vn) Những thuốc gây nghiện như heroin, cocaine, methamphetamine có thể gây hại cho sự phát triển của thai. Mặc dù marijuana là một loại thuốc ít gây nghiện nhưng cũng ko nên sử dụng. Những phụ nữ sử dụng những hóa chất này thường có những lối sống không lành mạnh như không chú trọng ăn uống do đó sẽ gây hại cho thai nhi. Không hút thuốc khi vợ có thai: Cả hai vợ chồng nên bỏ thuốc, bởi vì thuốc lá làm tăng nguy cơ có vấn đề về phát triển của thai nhi và sinh non. Hút thuốc lá thụ động (hít khói thuốc lá do người khác hút) cũng có hại. Phụ nữ mang thai hút thuốc lá thụ động thì tăng nguy cơ sinh ra em bé bị nhẹ cân. Trẻ sơ sinh bị hút thuốc lá thụ động có nguy cơ bị hen, nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng tai và đột tử sơ sinh cao hơn so với trẻ bình thường. Giúp đỡ và hỗ trợ vợ trước, trong chuyển dạ và khi sinh Trước khi chuyển dạ Có nhiều việc người chồng có thể giúp đỡ vợ mình chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ và sinh. Ví dụ như thăm bệnh viện nơi vợ sẽ sinh. Khi thăm bệnh viện bạn hãy hỏi thông tin về các chính sách của bệnh viện về những người được phép có mặt khi vợ của bạn sinh, bạn có thể được ở lại qua đêm không? Bạn có thể chụp hình hay quay phim khi vợ sinh không? CÙng vợ đi thăm khám thai và thăm bệnh viện mà vợ dự định sẽ sinh em bé. (Ảnh: myphambabau.com) Hỗ trợ vợ trong chuyển dạ và khi sinh Giúp vợ mình bớt lo lắng bằng cách chơi trò chơi hoặc xem tivi. Cùng vợ đi lại, trừ khi vợ của bạn được yêu cầu phải nằm tại giường. Đếm cơn co tử cung. Xoa bóp lưng và vai cho vợ khi mỗi cơn co tử cung xuất hiện. Nói lời động viên vợ. Động viên, cổ vũ vợ khi rặn sinh. Thời gian nằm viện: Nếu sinh thường thì sau khoảng 1 – 2 ngày mẹ và bé có thể xuất viện. Nếu sinh mổ thì mẹ và bé cần nằm lâu hơn (khoảng 4 ngày). Trầm cảm sau sinh Nhiều bà mẹ cảm thấy buồn, tức giận và lo lắng sau sinh. Có những trường hợp cảm thấy hơi buồn chán gọi là “buồn sau sinh”. Khi triệu chứng này nặng hơn và kéo dài hơn 1-2 tuần, thì đó có thể là dấu hiệu của tình trạng nặng hơn: “trầm cảm sau sinh”. Thông thường phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không tự ý thức được là mình đang bị bệnh. Chồng thường là người đầu tiên phát hiện. Trầm cảm sau sinh là một dấu hiệu nguy hiểm với mẹ và bé. (Ảnh: Namud Insider) Những biểu hiện của trầm cảm sau sinh Cảm giác buồn sau sinh không mất đi sau một tuần, thậm chí còn nặng hơn. Ban đầu bà mẹ cảm thấy buồn, hoài nghi, tội lỗi hay vô dụng, những cảm giác này tăng lên hàng tuần và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Không có khả năng chăm sóc bản thân và em bé. Cảm thấy khó khăn khi làm việc nhà hay công việc trước đây. Chán ăn Những điều hứng thú trước đây giờ cảm thấy không thấy hứng nữa. Cảm thấy quá lo lắng cho em bé hoặc không thích chăm sóc bé. Cảm thấy lo lắng và sợ hãi đến mức bế (ẵm) em bé bỏ đi. Ngừoi mẹ sẽ cảm thấy sợ hãi và lo lắng thái quá. (Ảnh: hellobacsi.com) Cảm thấy sợ làm hại đến em bé. Cảm giác này làm cảm giác thấy tội lỗi tăng lên từ đó làm trầm cảm nặng hơn. Có ý nghĩ tự làm hại bản thân hoặc tự tử. Nếu vợ của bạn có những biểu hiện như trên hãy nói với cô ấy về lo lắng của bạn. Hãy lắng nghe, giúp đỡ và đưa cô ấy đi khám bác sĩ. Bạn cũng cần phải biết rằng tất cả những ông bố, bà mẹ mới có con đều có thể bị trầm cảm sau sinh. Hãy đi gặp bác sĩ nếu bạn hoặc vợ bạn có một trong các biểu hiện trên. Giúp đỡ vợ cho bé bú Người chồng giúp đỡ vợ việc chăm con nên được hoan nghênh. (Ảnh: Dichvuhay.vn) Các chuyên gia y tế đều đồng ý rằng bú mẹ hoàn toàn mang lại những lợi ích tốt nhất cho mẹ và bé. Do vậy bạn cần hỗ trợ tối đa bà xã cho con bú bằng cách: Ẵm em bé đến đưa cho cô ấy cho bú. Vỗ về và thay tã cho bé sau khi bú. Ôm và ru em bé ngủ. Cho em bé bú, nếu bà xã đang bận vắt sữa.
Phần VIII. Những thay đổi trên da ở phụ nữ mang thai và cách lưu giữ nhan sắc. Trong quá trình thai kỳ, người phụ nữ không chỉ có biến đổi về vóc dáng mà còn có những thay đổi rõ rệt về làn da. Đa số các biểu hiện này sẽ mất dần sau sinh nhưng nếu không chú trọng bảo dưỡng, chăm sóc ngay từ khi còn mang thai thì có thể để lại hậu quả xấu cho da của bạn, nhan sắc vì thế mà tài phai. Dưới đây là một số thay đổi ở làn da hay gặp, nguyên nhân và một số cách khắc phục. 1. Những thay đổi thường gặp trên da khi mang thai Khi mang thai, phụ nữ thường có những thay đổi ở da, móng và tóc. Những thay đổi thường gặp bao gồm: Xuất hiện những chấm sẫm màu trên da ở vú, hai đầu vú, hoặc mặt trong đùi. Mảng sậm màu trên da – Những mảng nâu trên mặt, quanh vùng cổ, mũi và trán. Đường dọc nâu trên bụng – Là một đường sẫm màu từ rốn xuống dưới xương mu. Vết rạn da Mụn trứng cá Tĩnh mạch mạng nhện Giãn tĩnh mạch Những thay đổi ở móng và tóc Đường dọc nâu trên bụng. (Ảnh: Conlatatca.vn) 2. Nguyên nhân của những thay đổi của da trong thai kỳ Nguyên nhân chính xác của tất cả những thay đổi của da khi có thai chưa được biết rõ, nhưng có một số thay đổi được cho là do thay đổi nồng độ nội tiết tố (hormone) trong khi mang thai. Nguyên nhân xuất hiện những chấm và mảng sậm màu trên da khi có thai Những chấm và mảng da sậm màu trên da gây ra là do sự tăng sản xuất melanin của cơ thể. Melanin là một chất tạo màu tự nhiên giúp tạo màu cho da và tóc. Những chấm và mảng da sậm màu này thường tự mờ đi sau sinh, tuy nhiên ở một số người chúng có thể tồn tại kéo dài nhiều năm. Để tránh chúng xuất hiện nhiều hơn, nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng gắt. 3. Vết rạn da Một số người xuất hiện vết rạn khi bụng to dần lên. (Ảnh: momtalk.kr) Khi bụng của bà mẹ ngày càng to thì trên da có thể xuất hiện những vết lằn đây gọi là “vết rạn da”. Những vết rạn da này thường xuất hiện ở bụng, mông, vú, hay đùi. Hầu hết những vết rạn này sẽ mờ đi sau sinh nhưng không bao giờ mất hẳn. 4. Mụn trứng cá Nhiều phụ nữ xuất hiện mụn trứng cá khi mang thai, những người đã có sẵn từ trước thì tình trạng trở nên nặng hơn khi có thai. Chăm sóc da mặt bị mụn trứng cá khi có thai Nếu bạn có mụn trứng cá ở mặt trong thời gian mang thai thì hãy thực hiện những bước chăm sóc sau: Rửa mặt ngày hai lần với sữa rửa mặt có tính năng tẩy dịu nhẹ Nếu tóc của bạn hay tiết nhờn thì hãy gội đầu hàng ngày bằng dầu gội và không để tóc xõa xuống mặt. Không dùng tay sờ (không lẩy mụn) hoặc nặn mụn trứng cá để tránh gây sẹo. Sử dụng những sản phẩm trang điểm không có dầu. Rửa mặt với sữa rửa mặt có tính năng tẩy dịu nhẹ 2 lần/ngày để giúp làn da sạch sẽ. (Ảnh: adajerawat.com) Trị mụn mụn trứng cá bằng các thuốc không kê đơn Các thuốc không kê toa có thể sử dụng để trị mụn mụn trứng cá trong khi có thai bao gồm: Benzoyl peroxide dạng bôi ngoài da Axit Azelaic Axit salicylic dạng bôi ngoài da Axit Glycolic Nếu bạn muốn sử dụng những sản phẩm khác ngoài danh sách trên, hãy hỏi ý kiến bác sĩ. Các thuốc kê toa không nên sử dụng Những thuốc không nên sử dụng để điều trị mụn trứng cá bao gồm: Nội tiết tố (hormone): Có một số loại thuốc cũng là nội tiết tố có tác dụng đối kháng với một số nội tiết tố khác, có thể được sử dụng để điều trị mụn trứng cá, nhưng không nên sử dụng khi có thai vì nguy cơ gây dị tật bẩm sinh. Isotretinoin – dạng tiền chất của vitamin A: Thuốc này có thể gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng cho thai bao gồm: giảm trí thông minh, dị tật tim và não nặng đe dọa đến tính mạng em bé và những dị tật ở cơ thể khác. Isotretinoin dùng trị mụn có thể gây dị tật nghiêm trọng cho thai nhi. (Ảnh: gettheetoablowdryer.com) Tetracyclines dạng uống: Thuốc này gây vàng răng cho em bé nếu sử dụng ở thời điểm sau tháng thứ 4 của thai kỳ, thuốc cũng gây hại đến xương của em bé. Retinoids bôi ngoài da: Những thuốc này cũng là các dạng khác của vitamin A, cùng nhóm với Isotretinoin. Retinoid được sử dụng bằng cách bôi ngoài da, mặc dù ít được hấp thu vào cơ thể. Tuy nhiên tốt nhất là không nên sử dụng khi có thai. Một số thuốc có chứa retinoids phải kê toa, một số thì không. Do đó bạn phải xem kĩ thành phần trên bao bì sản phẩm. 5. Tĩnh mạch mạng nhện Tĩnh mạch mạng nhện xuất hiện do sự thay đổi nội tiết tố. (Ảnh: Ceteco Tri-Giatimac) Do sự thay đổi nội tiết tố (hormone) và tăng lượng máu trong cơ thể khi có thai đã tạo ra những tĩnh mạch nhỏ màu đỏ chằng chịt được gọi là “tĩnh mạch mạng nhện”, chúng thường xuất hiện ở trên mặt, cổ và hai cánh tay và thường mờ đi sau sinh. 6. Giãn tĩnh mạch Do tử cung ngày càng nặng và chèn ép vào các mạch máu làm dòng máu từ phía dưới chân đi lên giảm, do đó làm các tĩnh mạch ở chân trở nên sưng, đau và nổi màu xanh, hiện tượng này gọi là “giãn tĩnh mạch”. Giãn tĩnh mạch cũng có thể xuất hiện ở âm hộ, âm đạo và hậu môn (gọi là trĩ). Hầu hết trường hợp, tình trạng này sẽ hết sau sinh. Giãn tĩnh mạch dưới da xuất hiện do thai to lên chen vào mạch máu ở khung chậu làm cản trở sự lưu thông máu từ dưới chân lên. (Ảnh: Simptomi bolesti) Dự phòng giãn tĩnh mạch Không có biện pháp ngăn chặn được giãn tĩnh mạch, tuy nhiên bạn có thể tác động làm giảm triệu chứng bằng cách: Nếu công việc của bạn phải ngồi hoặc đứng trong một thời gian dài, thì nên di chuyển qua lại thường xuyên hơn. Không ngồi vắt chéo chân trong một khoảng thời gian dài. Khi ngồi thì nên gác chân cao lên salon hoặc ghế đẩu. Luyện tập thường xuyên như đi bộ, bơi lội… Mặc quần tất. Tránh táo bón bằng cách ăn nhiều đồ ăn chứa nhiều chất xơ và uống nhiều nước. 8. Những thay đổi của lông Khi nội tiết tố mang thai tăng sẽ làm cho tóc và lông trên cơ thể mọc dày hơn. Một số phụ nữ còn có hiện tượng mọc lông ở những vùng bình thường không có như: mặt, ngực, bụng và hai cánh tay. Tình trạng này sẽ hết trong vòng 6 tháng sau sinh. 9. Những thay đổi của móng khi mang thai Một số phụ nữ mang thai sẽ thấy móng tay, móng chân nhanh mọc dài, một số khác thì thấy móng bị chẻ và dễ gãy. Cũng giống như những thay đổi của lông và tóc, sự thay đổi của móng sẽ trở lại trạng thái bình thường sau sinh. 10. Những thay đổi của tóc sau sinh Khoảng 3 tháng sau sinh, phụ nữ có thể có hiện tượng rụng tóc. (Ảnh: LifeDaily) Khoảng 3 tháng sau sinh phụ nữ sẽ có hiện tượng rụng tóc. Điều này xảy ra do các nội tiết tố đã trở về mức bình thường, do đó chu kỳ phát triển của tóc cũng sẽ trở lại như trước khi mang thai. Tóc sẽ mọc trở lại trong khoảng từ 3 đến 6 tháng. 11. Những bất thường hiếm gặp trên da Có một số bất thường hiếm gặp trên da thường gây ngứa, khó chịu cũng có thể xuất hiện khi mang thai. Ví dụ như những nốt và mảng mề đay gây ngứa có thể xuất hiện ở bụng, đùi, mông và vú. Tuy nhiên, những tình trạng này sẽ tự mất sau sinh.
Phần IX. Ốm nghén - nôn và buồn nôn trong thai kỳ. Buồn nôn và nôn là một tình trạng rất phổ biến khi có thai, triệu chứng này thường xuất hiện vào buổi sáng nhưng cũng có thể xuất hiện ở bất kì thời gian nào trong ngày. Buồn nôn và nôn không dễ gây hại cho sự phát triển của em bé nhưng có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, công việc và các hoạt động hàng ngày khác của bà mẹ. 1. Thời điểm xuất hiện Buồn nôn và nôn thường bắt đầu xuất hiện từ tuần thứ 9 của thai kỳ, đa số trường hợp sẽ hết khi đến 3 tháng giữa thai kỳ (sau 14 tuần). Một số trường hợp có thể kéo dài vài tuần sau đó; một số hiếm gặp khác có thể kéo dài trong toàn bộ thai kỳ. 2. Các mức độ của nghén Buồn nôn và nôn nhẹ và nặng Trong thời gian ốm nghén, thai phụ đi khám phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng đến sinh hoạt và tình trạng lo lắng của mình. (Ảnh: rooziato.com) Tình trạng nhẹ khi thai phụ có cảm giác buồn nôn trong một khoảng thời gian ngắn trong ngày và có thể nôn một hoặc hai lần. Trường hợp nặng hơn, buồn nôn có thể kéo dài vài giờ trong ngày và nôn diễn ra thường xuyên hơn. Quyết định đi khám phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng đến sinh hoạt và tình trạng lo lắng của thai phụ. Nghén rất nặng Nghén rất nặng là một dạng nặng của nôn và buồn nôn, xảy ra ở khoảng 3% số thai phụ. Tình trạng này được chẩn đoán khi thai phụ sụt khoảng 5% cân nặng so với trước khi có thai và kèm theo triệu chứng mất nước. Tình trạng này cần phải dùng thuốc chống nôn và bù dịch. Đôi khi cần phải điều trị nội trú. 3. Nguy cơ bị buồn nôn, nôn khi mang thai Các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ bị buồn nôn và nôn khi có thai: Mang đa thai Lần mang thai trước bị buồn nôn, nôn Người có mẹ hoặc chị, em gái bị buồn nôn và nôn khi mang thai Có tiền sử bị say tàu xe hoặc đau nửa đầu Thai nhi là gái 4. Biến chứng của buồn nôn và nôn Một số bệnh lý nội khoa thường gặp có thể gây nghén. (Ảnh: Pinterest) Một số bệnh lý nội khoa thường gặp có thể gặp gây nghén như: loét dạ dày, dị ứng thức ăn, bệnh tuyến giáp hay bệnh lý túi mật. Các triệu chứng gợi ý có bệnh lý nội khoa gây nghén bao gồm: Buồn nôn và nôn xuất hiện sau tuần thứ 9 của tuổi thai. Đau bụng Sốt Đau đầu Tuyến giáp phì đại (sưng vùng trước cổ) 5. Ảnh hưởng của nôn và buồn nôn lên thai Thông thường mẹ bị nôn và buồn nôn sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai. Tình trạng này chỉ gây hại khi mẹ không thể ăn uống được nhiều và bắt đầu giảm cân. Từ đó cũng ảnh hưởng đến sự tăng cân của thai. 6. Thời điểm điều trị nôn và buồn nôn Vì buồn nôn và nôn khó điều trị và có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe, do vậy nhiều chuyên gia khuyên nên điều trị sớm để ngăn ngừa bệnh trở nặng. 7. Các biện pháp làm giúp làm giảm buồn nôn và nôn Thay đổi chế độ ăn và lối sống có thể cải thiện được tình trạng ốm nghén. (Ảnh: Pinterest) Một số thay đổi trong chế độ ăn và lối sống có thể giúp giảm triệu chứng như: Ăn đồ khô ví dụ như bánh quy vào buổi sáng trước khi ra khỏi giường để tránh phải đi lại với một cái dạ dày trống. Uống nước thường xuyên hơn Tránh những mùi gây khó chịu Chia nhỏ bữa ăn trong ngày thay vì ăn ba bữa lớn Ăn thức ăn dễ tiêu, ít dầu như: chuối, gạo, nước táo, bánh mì nướng và trà Uống trà gừng làm từ gừng tươi, hoặc kẹo gừng. Tình trạng nôn nhiều có thể làm mất men răng của bạn, vì dịch dạ dày của cơ thể chứa nhiều axit. Do đó hãy súc miệng bằng dung dịch soda để trung hòa bớt axit giúp bảo vệ răng của bạn. 8. Điều trị Điều trị buồn nôn, nôn nhẹ và nặng Có thể dùng vitamin B6 và một số thuốc kế đơn khác để điều trị chứng ốm nghén. (Ảnh: vov.vn) Nếu sau khi đã sử dụng biện pháp thay đổi chế độ ăn và lối sống, mà nôn vẫn không giảm thì cần phải dùng thuốc. Sau khi loại trừ các nguyên nhân bệnh lý nội khoa gây ra tình trạng nôn thì có thể điều trị bằng các loại thuốc sau: Vitamin B6 và doxylamine: Vitamin B6 là thuốc an toàn và không cần kê đơn, nên được dùng trước tiên. Có thể dùng thêm Doxylamine nếu dùng vitamin B6 một mình không có hiệu quả. Hai loại thuốc này khi dùng một mình hoặc kết hợp đều an toàn cho thai. Các thuốc chống nôn ói khác: Khi cả vitamin B6 và doxylamine không có hiệu quả thì cần phải dùng thêm loại thuốc chống nôn khác. Đây là những thuốc cần kê đơn, một số thì có bằng chứng chứng minh an toàn với thai nhưng số khác thì không. Do đó hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn trước khi dùng loại thuốc này. Điều trị tình trạng nôn rất nặng Với tình trạng này thì bạn phải nhập viện cho đến khi tình trạng nôn được kiểm soát, có thể phải tiến hành một số xét nghiệm như kiểm tra chức năng gan, điện giải… Nếu bạn có dấu hiệu bị mất nước và điện giải thì cần phải truyền dịch. Nếu tình trạng nôn ói vẫn không ngớt thì cần phải dùng thêm nhiều loại thuốc khác, và có thể phải cho ăn qua ống thông đưa vào dạ dày để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và thai.
Phần X: Luyện tập như thế nào trong thai kì để bé yêu phát triển tốt? Tập luyện thường xuyên có nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là với phụ nữ mang thai. Nhưng tập luyện như thế nào cho đúng và những bài tập nào nên tránh khi có thai, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho các chị em qua bài viết này. 1. Tập luyện khi mang thai có an toàn không? Nếu thai kỳ của bạn khỏe mạnh, không có biến chứng thì bạn vẫn có thể tập hầu hết các bài tập thể dục nhưng cần phải có chút lưu ý. Tập luyện không làm tăng nguy cơ sảy thai, bé sinh ra thiếu cân, hay sinh sớm. Tuy nhiên bạn cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ qua các lần thăm khám. Nếu bác sĩ khuyên bạn có thể tập thể dục thì bạn nên tìm một bài tập an toàn, phù hợp và tập một cách đều đặn. Để thai kỳ khoẻ mạnh bạn nên luyện tập thể dục mỗi ngày dưới sự tư vấn của nhân viên y tế. (Ảnh: Hello Bacsi) 2. Những trường hợp không nên tập luyện Nếu bạn có những tình trạng sau hoặc có những biến chứng thai kỳ thì bạn không nên tập luyện. Bệnh tim mạch, bệnh phổi Cổ tử cung ngắn hoặc có may vòng cổ tử cung Mang hai thai trở lên Nhau tiền đạo sau 26 tuần Chuyển dạ sinh non hoặc vỡ ối Tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật, thiếu máu nặng 3. Những lợi ích của tập luyện khi mang thai Tập thể dục thường xuyên khi mang thai có lợi ích cho bạn và thai như sau: Giảm đau lưng Tránh bị táo bón Có thể làm giảm nguy cơ các bệnh: đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, và mổ sinh Giúp tăng cân hợp lý Cải thiện vóc dáng, tăng cường hệ tim mạch Giúp bạn giảm cân sau sinh 4. Cường độ vận động khi có thai Theo khuyến cáo của các chuyên gia sản khoa, phụ nữ mang thai nên tập ít nhất 150 phút bài tập thể dục nhịp điệu cường độ trung bình mỗi tuần. Những bài tập giúp cử động nhịp nhàng các nhóm cơ lớn ở chân và tay. Cường độ trung bình là những bài di chuyển làm tăng nhẹ nhịp tim, ra chút mồ hôi và bạn vẫn có thể nói chuyện bình thường, nhưng không thể hát được trong khi tập. Ví dụ như đi bộ bước nhanh, làm vườn… Đi bộ nhanh là một trong những bài thể dục phù hợp với phụ nữ có thai. (Ảnh: YAN News) Nếu trước đây bạn ít vận động thì có thể tăng dần thời lượng, chẳng hạn tăng thêm 5 phút mỗi tuần. Nếu bạn tập luyện thường xuyên thì bạn vẫn tiếp tục các bài tâp hiện tại sau khi đã tham khảo ý kiến của bác sĩ. Khi bạn vẫn tập đều đặn mà bị giảm cân, thì có thể cần phải ăn nhiều hơn. 5. Những thay đổi của cơ thể khi mang thai có thể tác động đến việc tập luyện Cơ thể của bạn sẽ có khá nhiều thay đổi khi mang thai, do đó bạn nên chọn lựa những bài tập phù hợp. Các khớp: Nội tiết tố được sản sinh khi có thai sẽ làm cho dây chằng quanh khớp trở nên mềm hơn, do đó khớp sẽ lỏng lẻo hơn và nguy cơ chấn thương tăng lên. Cần tránh những động tác giật mạnh và những bài tập vận động mạnh. Thăng bằng: Khi có thai, trọng lượng em bé ở phía trước của bạn làm trọng tâm của bạn bị thay đổi. Trọng lượng sẽ dồn lên các cơ và khớp đặc biệt là vùng xương chậu và lưng dưới. Do sự thay đổi trọng tâm này mà cơ thể bạn dễ mất thăng bằng hơn, do đó dễ bị ngã. Thở: Khi bạn vận động, oxy và máu sẽ đổ dồn về cơ. Vì bạn đang có thai nên nhu cầu oxy của bạn tăng lên. Lúc mà bụng to dần lên, bạn sẽ có thể thấy thở khó hơn do tử cung đẩy vào cơ hoành (cơ hoành co bóp giúp phổi co giãn để thở). Sự thay đổi này sẽ làm cho bạn khó tập những bài tập cần vận động nhiều, đặc biệt nếu bạn thừa cân hay béo phì. 6. Những điều cần lưu ý khi luyện tập Có một số điều bạn phải luôn nhớ trong đầu khi luyện tập. Uống nhiều nước trước, trong và sau khi luyện tập. Triệu chứng thiếu nước bao gồm chóng mặt, tim đập nhanh, tiểu ít, nước tiểu vàng sậm. Uống nhiều nước trước, trong và sau khi luyện tập. (Ảnh: svastamik.mk) Mặc áo ngực có trợ giúp tốt để bảo vệ vú. Khi thai nhi lớn hơn, bạn có thể cần phải đeo nẹp bụng để trợ giúp trong khi đi bộ hoặc chạy bộ. Tránh bị quá nóng, đặc biệt là trong 3 tháng đầu. Bạn nên uống nhiều nước, mặc quần áo thoải mái, và tập ở nơi có nhiệt độ thích hợp. Không tập ở ngoài trời khi thời tiết quá nóng hoặc quá ẩm. Tránh nằm ngửa khi thai của bạn đã lớn, vì tử cung sẽ đè lên một tĩnh mạch lớn giúp dẫn máu về tim, điều này có thể làm cho bạn bị tụt huyết áp. 7. Những bài tập an toàn Bất kể bạn đã quen tập luyện hay chưa thì hãy chọn những bài tập an toàn được bác sĩ khuyến cáo. Đi bộ: Đi bộ nhanh chân giúp toàn cơ thể vận động và ít đè nặng lên cơ và khớp. Bơi lội: Động tác bơi sử nhiều nhiều nhóm cơ trên cơ thể. Nước cũng trợ giúp cơ thể bạn do đó bạn tránh được chấn thương và trật khớp. Nếu bạn thấy đau lưng khi đi bộ, thì bạn có thể chọn đi bơi. Đạp xe bằng dụng cụ trong phòng tập: Khi bụng của bạn to lên nó sẽ làm bạn dễ bị ngã, do đó bạn nên chọn đạp xe bằng dụng cụ trong phòng tập, không nên đi xe đạp ngoài đường. Các bài Yoga cải biên: Yoga giúp làm giảm căng thẳng, tăng sự linh hoạt, và tập trung vào hơi thở. Tuy nhiên, bạn nên chọn những bài tập phù hợp cho phụ nữ mang thai. Thiền định: Thiền đã được chứng minh có nhiều lợi ích cho phụ nữ mang thai và cho cả thai nhi. Có nhiều nghiên cứu cho thấy thiền định giúp giảm lo lắng cho bà mẹ và giúp em bé được bảo vệ tốt hơn. Thiền định có nhiều lợi ích cho sức khoẻ của mẹ và bé. (Ảnh: fwiblog.com) Nếu bạn thường hay chạy bộ, hoặc chơi các môn thể thao khác, thì bạn vẫn có thể tiếp tục chơi ở một thời điểm nhất định trong thai kỳ. Tuy nhiên, hãy tham khảo lời khuyên từ bác sĩ của bạn. 8. Những bài tập nên tránh Bạn nên tránh những bài tập có thể gây chấn thương như sau: Những môn đối kháng cọ sát Nhảy dù Những môn dễ gây ngã như: trượt tuyết, trượt băng, lướt sóng, thể dục dụng cụ, cưỡi ngựa… Tâp yoga trong phòng nóng Lặn Những hoạt động ở độ cao trên 1800 mét, nếu bạn không sống ở những nơi đó 9. Những dấu hiệu cảnh báo bạn nên dừng tập luyện Bạn nên lập tức ngưng tập và liên hệ với bác sĩ ngay khi có bất kì một trong các dấu hiệu sau. Ra máu âm đạo Chóng mặt hoặc yếu nhợt Khó thở khi mới bắt đầu tập Đau ngực, đau đầu Ngưng tập ngay lập tức khi có hiện tượng chóng mặt, đau đầu… (Ảnh: DoktorTV) Yếu chân, yếu tay Đau hoặc sưng bắp chân Cơn co đều đặn và gây đau ở tử cung Chảy dịch từ âm đạo 10. Duy trì luyện tập sau khi sinh em bé Luyện tập sau khi sinh có thể giúp tính khí của bạn tốt hơn, và làm giảm nguy cơ bị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu (là một tình trạng hay gặp ở phụ nữ sau sinh). Luyện tập còn giúp giảm cân nhanh lấy lại vóc dáng.