Nguyên Đán là Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Những ngày Tết, đâu đâu trên mảnh đất hình chữ S, phong cảnh và cuộc sống đều có sự thay đổi. Khi hoa đào nở khắp miền Bắc cũng là lúc mai vàng bung sắc đất phương Nam. Miền Tây, Đồng Bằng Sông Cửu Long nô nức bước vào năm mới. Tết đến cũng là dịp các sinh hoạt văn hóa của người dân trở nên đậm đà và đặc sắc nhất. Không thể bỏ lỡ chuyến về miền Tây vào dịp này. Tây Nam Bộ đã đi vào lịch sử. Vùng đất tận cùng phía Nam của tổ quốc gồm một thành phố trực thuộc trung ương là Cần Thơ và mười hai tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Nhắc miền Tây là nhắc chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), dừa Bến Tre, U Minh (Kiên Giang), sen Đồng Tháp, vựa lúa vàng của cả nước.. Đến miền Tây trong không khí Tết, du khách thập phương sẽ có những trải nghiệm sâu sắc về đất và con người nơi đây. Mùa xuân Tây Nam Bộ, địa điểm mà khách du lịch không thể bỏ qua được là chợ nổi. Chợ nổi là hình thức họp chợ bằng ghe, thuyền của người dân trên sông nước. Người buôn bán sẽ treo các mặt hàng được bày bán trên thuyền của mình lên đầu các cây sào. Đó có thể là túm hành khô, trái chuối, trái thơm.. Đồng bằng Nam Bộ là mảnh đất của những miệt vườn trái cây, mùa nào thức đấy, quanh năm các loại hoa quả cho trái ngọt mát lành. Tết Nguyên Đán, nhiều loại trái cây vào mùa là bưởi, vú sữa, táo, xoài, quýt, dừa. Trên các con thuyền lênh đênh trôi trên sông, hoa quả, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của miền Tây sông nước được chất đầy các khoang thuyền. Tiếng mời chào, tiếng người mùa hàng xôn xao cả quãng sông. Không chỉ mua nông sản, bạn có thể gọi một cốc cà phê, một tô hủ tiếu giữa cái nhộn nhịp và huyên náo của buổi chợ. Hoa cũng là mặt hàng phổ biến trên các con thuyền mỗi dịp Tết ở miền Tây. Chợ hoa trên sông ngập tràn sắc vàng, sắc đỏ. Cúc vạn thọ, một loài hoa Tết, đặc biệt trở thành hình ảnh thấm đẫm hương vị Tết của người dân. Miền Tây gắn liền với các món ăn, đặc sản mang hơi thở của đất phương Nam. Ngoài hủ tiếu, các món ăn điển hình phải kể tới là lẩu mắm, bánh xèo, bún mắm, lẩu cá linh bông điên điển, đuông dừa, canh chua cá bông lau, cá lóc nướng cuốn lá sen non. Du lịch đất đồng bằng Sông Cửu Long giáp Tết, du khách thưởng thức bánh tét, món bánh truyền thống của người miền Nam nói chung và người Tây Nam Bộ nói riêng. Bánh tét, trong đó bánh tét lá cẩm thường được nhắc nhiều và là phong vị riêng của Tết cổ truyền miền đất sông nước. Mâm cỗ ngày Tết miền Tây có nhiều món nhưng không thể thiếu món thịt kho, khổ qua nhồi thịt. Thị kho trứng là món ăn không xa lạ với nhiều người kể cả khi bạn không phải là người trong này. Tuy nhiên, nấu đúng và chuẩn vị miền Tây thì bạn phải có mặt ở đây. Nguyên liệu làm món thịt kho là thịt lợn, nước dừa, trứng, gia vị.. và người đầu bếp sẽ hướng dẫn bạn. Món khổ qua nhồi thịt thay đổi ít nhiều tại các vùng miền khác nhau. Khổ qua nhồi thịt là món ăn dịp Tết của Tây Nam Bộ. Khổ qua đắng lẫn vị bùi của thịt và độ ngọt của nước làm nên tên gọi món ăn, bản sắc địa phương cũng được bộc lộ qua món ăn đó. Cần Thơ trong câu "Cần Thơ gạo trắng nước trong, Ai đi đến đó lòng không muốn về" được xem là Tây Đô. Bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng là điểm đến nổi bật. Sông nước Tây Nam Bộ còn là giọng ca, tiếng đờn. Đờn ca tài tử phát triển mạnh ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Màu, Sóc Trăng. Loại hình âm nhạc này xuất phát từ Nhã nhạc cung đình Huế và ảnh hưởng của âm nhạc Nam Trung Bộ. Trong ca tài tử, có ban nhạc, người ca và mang nặng tính giải trí. Những người tham gia chủ yếu là tầng lớp bình dân, người lao động. Đờn ca tài tử đã vượt qua hình thức sinh hoạt âm nhạc bó hẹp phạm vi xóm làng để đến với công nhận di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Theo giọng ca, du khách trở về miệt vườn trĩu trịt quả, kênh rạch mùa nước nổi, cánh đồng lúa nặng hạt, vạt rừng mênh mang, rặng dừa xanh mát.. Tết đến xuân về càng không thể thiếu câu ca. Văn hóa Đồng Bằng sông Cửu Long đa dạng và đặc sắc, hội tụ các dân tộc như Kinh, Chăm, Khơ me, Hoa. Du lịch miền Tây Tết Nguyên Đán không thể bỏ lỡ cơ hội thăm viếng và du ngoạn những địa chỉ tâm linh. Do đặc điểm vùng miền và dân cư, chùa Tây Nam Bộ mỗi địa phương, tỉnh thành mang sắc thái riêng. Sau đây là tên một số ngôi chùa ở Tây Nam Bộ. - Chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang) - Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (Cần Thơ) - Chùa Dơi (Sóc Trăng) - Chùa Đất Sét (Sóc Trăng) - Chùa Chén Kiểu (Sóc Trăng) - Chùa Phật Lớn Núi Cấm - Tịnh Biên - An Giang Miền Tây Tết về, hoa như nhiều màu sắc hơn, con người trở nên sôi nổi và cởi mở hơn, trái cây chín rộ hơn, lời ca tiếng đàn ngọt ngào hơn. Thăm, khám phá miền Tây tức bạn trở về với những giá trị cội nguồn của người Việt.