Tết trung thu của các dân tộc thiểu số Việt Nam

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Nhật Thiên Thanh, 24 Tháng chín 2020.

  1. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    179
    Năm nào cũng vậy, cứ hễ đến trung tuần giữa tháng 8 Âm lịch, khi mặt trăng tròn trịa sáng vằng vặc soi rọi khắp nẻo đường Việt Nam, thì cũng là lúc nhà nhà người người, nhất là các em nhỏ, lại háo hức chờ đón thời khắc gọi là Trung Thu.

    Không biết tự bao giờ điều đó đã trở thành thông lệ, là điều không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của mỗi người. Với trẻ em thì Trung Thu chẳng thua gì Tết, vì được mua đồ chơi đèn lồng, được tham gia rước đèn, được xem ca múa nhạc, được ăn bánh ngon, và cũng được mặc quần áo mới (nếu có điều kiện). Còn với người lớn, thì đó là ký ức tuổi thơ trong trẻo, là ngày họp mặt sum vầy, là lúc tạm gác lại những lo lắng trong cuộc sống, tất bật trong công việc để gửi gắm lời yêu thương đến những người thân của mình.

    Mỗi nơi, mỗi nhà, mỗi vùng, mỗi miền, và mỗi dân tộc trên đất nước Việt Nam đều có những cách thức đón Trung Thu khác nhau. Có bao giờ bạn thắc mắc những dân tộc thiểu số anh em của chúng ta sẽ đón Trung Thu như thế nào không? Cùng khám phá chút nhé!


    Dân Tộc Nùng xứ Lạng: Chợ Phiên, Hát Sli và Múa Sư Tử


    Trung Thu trong tiếng Nùng Phàn Slình gọi là Pét Ngột Slíp Hả, dịp tết này không gắn với những nghi lễ thường thấy như cầu cúng tổ tiên – thần thánh mà là dịp để con người thể hiện chữ "Tình" dành cho nhau.

    Chợ phiên mỗi năm mở đến vài chục lần, nhưng đông nhất có lẽ là chợ Pét Ngò Slíp Nhì (12/08), vì dịp này người ta đến chợ để mua bánh Trung Thu tặng nhau. Thanh niên thì đến chợ để tìm bạn tình qua những câu hát dân ca. Nếu chàng trai hay cô gái nào may mắn gặp được người thương trong phiên chợ, thì họ sẽ tặng bánh nhau làm quà cho gia đình. Những bậc trung niên đến chợ phiên, ngoài việc mua bánh, còn mong muốn tìm lại những người bạn tình không bao giờ thuộc về nhau, họ sẽ hỏi thăm nhau về cuộc sống gia đình, về sức khỏe, rồi họ tặng bánh cho nhau mang về làm quà cho con cho cháu. Còn những người già tìm đến chợ để mua bánh về cho con cháu trong gia đình, hoặc đến chợ phiên để thưởng thức thứ rượu mẫu sơn của người Dao mang từ trên núi Mẫu Sơn xuống bán.

    Lúc này, những chiếc bánh Trung Thu vô hình chung trở thành vật để những chàng trai cô gái gửi gắm tâm tư tình cảm, để những đôi yêu nhau không đến được bến bờ hạnh phúc có dịp gặp lại nhau, hỏi thăm nhau mà không bị xã hội phê phán. Và chợ phiên mười hai tháng tám cũng là dịp để các cụ được sống lại ký ức của một thời xuân trẻ ngày xưa.

    [​IMG]


    Tết Trung Thu cũng là dịp để những nam thanh nữ tú Nùng Phàn Slình được thể hiện tài hát Sli của mình. Trước đây cứ đến Pét Ngột Slíp Nhì (12/08), người ta đã đến hội từ chiều tối ngày 11/08 để hát Sli suốt đêm. Cả đêm hôm đấy những câu Sli cứ vang lên đến sáng không dứt khắp nơi xung quanh khu vực chợ Giếng Vuông hiện nay.

    Những đêm Sli trước và sau tết Trung thu cứ dìu dặt khắp các bản làng xứ Lạng, có những canh hát kéo dài 3 ngày 3 đêm. Từ những cuộc hát sli như thế, không ít trai gái đã quen nhau, yêu nhau. Để rồi, mùa cưới chính thức bắt đầu, mùa cưới kéo dài đến hết mùa xuân.

    [​IMG]


    Tết Trung thu còn là dịp người Nùng ngồi với nhau quanh mâm cơm cộng cảm. Fjia cái/gỏi cá là món ăn đặc trưng trong tết Trung thu. Người ta bắt những con cá chép, cá trắm to đem về tách xương, thái nhỏ từng miếng, phá giấm với gia vị trộn cá. Món fjia cái thơm phức được người Nùng thưởng thức với người thân, họ hàng, với bà con hàng xóm. Qua những bữa cơm cộng cảm này, tình bản nghĩa làng, tình họ hàng ruột thịt càng có cơ hội được thắt chặt.

    [​IMG]

    Ngoài ra, nhà ai cũng đều cố gắng làm fjỉnh/bánh nướng, làm fjẻng tể/bánh tẻ, để thờ cúng tổ tiên và để ăn. Những cái bánh vàng ươm thơm phức mới thật cuốn hút lũ trẻ con làm sao. Đêm Trung thu, đứa nào cũng cầm theo chiếc bánh đi khắp bản để chơi trăng.

    [​IMG]

    Trước Trung Thu ít lâu, người ta đã mang phụ - kỳ lằn – sư tử ra tập múa. Những chàng trai khỏe mạnh biểu diễn những đường võ thuật. Con sư tử lúc nhẹ nhàng uyển chuyển, lúc vươn mình mạnh mẽ chồm lên không trung theo tiếng trống, chong nào, chũm chọe, thanh la... Những người múa sư tử giỏi thường được bản làng kiềng nể, những chàng trai múa sư tử giỏi thường được các cô gái ngưỡng mộ.

    Tối Trung thu, người ta múa sư tử khắp bản. Đoàn sư tử đi đến đâu lũ trẻ con chạy theo tới đó. Chúng háo hức vì sư tử đi vào từng nhà để chúc tết, sau khi chúc, đoàn sư tử sẽ được chủ nhà mừng bánh kẹo, hoa quả.

    [​IMG]

    Theo truyền thuyết, sư tử là chúa sơn lâm - Vua của các loài vật. Người Nùng tin rằng sư tử xuất hiện là điềm lành, biểu hiện của thiên hạ thái bình. Do vậy múa sư tử sẽ xua đuổi được ma tà, diệt mọi ôn dịch làm chết gia súc, giúp chǎn nuôi, làm ǎn dễ dàng, đời sống ấm no, hạnh phúc.

    Dụng cụ dùng để múa sư tử là: Trống, thanh la, não bạt, chũm chọe, đầu sư tử. Riêng đầu sư tử có hai cái: một đầu sư tử lớn (tức sư tử mèo) và một đầu sư tử con. Chúng được trang hoàng sặc sỡ, cầu kỳ. Người ta đính những tua chỉ vàng lóng lánh dưới hàm sư tử, những quả bông ngũ sắc lên đỉnh đầu và tai. Sư tử nào đẹp trông "dữ tướng" hơn, là một điểm để uy hiếp đối phương trong thi đấu. Ngoài ra còn có thêm mặt nạ đười ươi, khỉ, vẽ rất ngộ nghĩnh, cùng các thứ võ khí: gậy, tay thước, côn, đinh ba, mã tấu, hai đôi đèn lồng lớn để biểu diễn ban đêm. Các thứ này được gìn giữ cẩn thận, dùng cho nhiều nǎm. Nếu trong hội múa, thấy chiếc đầu sư tử nào có bǎng vải đen đeo ở cổ, chứng tỏ nó đã "lão luyện" trong nghề, được các đầu sư tử khác "kính nể".

    Vào hội múa sư tử, cả bản xôn xao tiếng gọi, rủ nhau đến xem. Trên bãi cỏ xanh, bà con đứng vòng trong, vòng ngoài cười nói râm ran, háo hức đón chờ. Bao giờ, tiết mục múa cũng chia làm hai phần: múa sư tử và múa võ. Trong tết Trung thu, các tiết mục võ được thay bằng điệu "Sư tử giỡn trǎng". Chiếc vòng tròn dán giấy bạc óng ánh, to như chiếc nong (tượng trưng cho chị Hằng Nga) được mang tới. Sư tử múa lượn mềm mại lúc lên cao, lúc xuống thấp bên cạnh những dải lụa màu tung bồng bềnh như làn mây sa xuống. Dưới ánh sáng vằng vặc của đêm trǎng rằm, mọi người hân hoan thưởng thức múa sư tử và phá cỗ trông trǎng.


    Dân Tộc Tày - Hà Giang: Lễ Hội Cầu Trăng


    Lễ hội Cầu Trăng là ngày vui nhất của bà con dân tộc Tày - Hà Giang. Bà con dân bản từ già, trẻ, gái, trai đều đến tham gia đông đủ, họ dâng các sản vật, khấn mời mẹ Trăng xuống hạ giới nghe những tâm tư, tình cảm của người dân sau một năm siêng năng làm lụng...

    Vừa khéo Lễ hội cầu Trăng lại được tổ chức đúng ngày Rằm tháng Tám, gồm hai phần là phần lễ và phần hội.

    [​IMG]

    Mở đầu phần hội là các màn múa vòng quanh bàn lễ đặt ngoài Trời. Tiếp đến, dân bản thi nấu các món ẩm thực truyền thống (cơm lam, xôi ngũ sắc, mắm thịt lợn, mắm cá chép, trám muối, măng muối...); chơi các trò chơi dân gian; quây quần ngồi uống rượu, thưởng thức các món ẩm thực vừa chế biến. Hòa quyện vào men rượu thơm nồng, ngây ngất, họ cùng nhau múa, hát với giai điệu mượt mà, đằm thắm, chan chứa tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi hạnh phúc lứa đôi...

    [​IMG]

    Đêm hôm sau, đúng vào ngày rằm tháng tám, khi mẹ trăng lên khỏi đỉnh núi và bắt đầu tỏa sáng xuống bản làng, tất cả bà con tập trung ở sân. Lúc này, thầy cúng tiến hành cúng thổ công và các thần linh, các nghệ nhân cúng tế múa vòng quanh giàn cúng khi khai hội đón trăng.

    Đặc biệt trong bài ca cúng tế thần mặt trăng có bài "Mổ Lùng Hai" hay còn gọi là (Nàng Hai) với nội dung là mời thần mặt trăng xuống trần gian để bà con được trình bày về những việc đã làm trong năm, những diễn biến của thiên nhiên đối với đời sống lao động sản xuất của họ, đồng thời bày tỏ tâm tư nguyện vọng với "Nàng Hai" cầu xin cho mưa thuận, gió hòa; xua đuổi thú giữ phá phách, nhốt chặt những con sâu, con bọ có hại, xin tiếp những hạt giống tốt để mùa màng trong năm tới tiếp tục được bội thu; người người xin tránh được những tai ương bệnh tật...

    [​IMG]

    Đêm hội cầu trăng kết thúc khi mẹ trăng lên đứng giữa đỉnh đầu, cả bản lưu luyến làm lễ tiễn mẹ trăng về trời, sau đó họ lại tiếp tục ngân nga trong câu hát then, hát cọi có sức lôi cuốn con người đến kỳ lạ. Kết thúc buổi lễ, già làng sẽ phát các hạt giống cho con cháu, cầu cho tất cả bà con một năm mới gieo trồng gặp thuận lợi, mùa màng bội thu, dân bản no ấm. Thông qua việc tổ chức lễ hội cầu trăng, bà con dân tộc Tày còn truyền dạy cho con cháu của mình lòng tự hào, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc của dân tộc.

    Lễ hội Cầu Trăng là phần nghi lễ rất độc đáo, có tính hướng thiện và tính giáo dục rất cao trong cộng đồng người Tày. Khi đến với lễ hội cầu trăng, không chỉ được nghe hát những làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian, chúng ta còn được thưởng thức các món ẩm thực truyền thống của bà con dân tộc Tày như cơm lam, các món rau rừng, mắm thịt lợn, mắm cá chép ruộng, trám muối, xôi ngũ sắc, măng chua, trám đen chấm với muối vừng. Thật là đặc sắc.


    Bản Mường cổ - Ba Vì: Lễ Hội Thánh Mẫu


    Theo tục lệ, hàng năm, ngày rằm tháng 8, bà con vùng Mường cổ lại nô nức cùng nhau góp công góp của, đồng tâm nhất trí cùng nhau tổ chức lễ tế phụng Thánh Tản Viên Sơn và Đức Mẫu sinh ra Ngài.

    Việc tổ chức phục dựng Lễ hội độc đáo này nhằm khơi lại truyền thống văn hóa cổ, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa tâm linh truyền thống của nhân dân dân tộc Mường thôn Yên Cư (nay là Yên Hồng), xã Tản Lĩnh. Đây cũng là việc làm nhằm tôn vinh Đức Thánh Mẫu - người đã sinh thành Tản Viên Sơn Thánh, một trong tứ bất tử của xứ Văn Lang.

    Lễ hội còn là dịp để người dân xứ Mường tỏ lòng tôn kính với các vị thần linh; là nơi để con người cầu mong cho xóm làng yên vui, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển; là nơi gặp gỡ, giao lưu, gạt bỏ những lo toan, vất vả trong cuộc sống thường nhật, để thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng.

    [​IMG]

    Lễ hội được bắt đầu bằng Lễ rước nước, sau đó đến phần đội tế nam làm lễ trình Đức Thánh Mẫu (gồm các nghi thức Dâng lễ xôi oản, Dâng đèn hương, Dâng rượu, Dâng trầu cau và Dâng Trúc thư) trước khi rước kiệu Mẫu và hai Cô (hai con gái của Đức Thánh Mẫu) xuống sân đền để chuẩn bị làm lễ rước kiệu.

    Đúng giờ đã định, Lễ rước kiệu Mẫu và hai Cô được tiến hành rất mực nghiêm cẩn. Bách gia trăm họ tháp tùng Đoàn rước đi vòng quanh khuôn viên đền, qua hồ Giải bệnh, hồ Tích thủy (Tứ Long), sân chùa Hoàng Long Báo Ân rồi trở về sân đền Đức Thánh Mẫu.

    [​IMG]

    Lễ hội Thánh Mẫu của đồng bào xứ Mường diễn ra đúng nhằm ngày Rằm Trung thu, chính vì thế, cũng trong buổi phục dựng Lễ hội phụng Thánh và Đức Mẫu sinh ra Ngài, những người đứng ra tổ chức đã kết hợp với Đêm hội Trung thu với chủ đề "Thánh Mẫu Hội đăng - Thu đồng con cháu". Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, thể hiện tình yêu thương của những bậc sinh thành, động viên con cháu tích cực học tập, phấn đấu, cùng nhau xây dựng vùng Mường cổ mỗi ngày phồn thịnh, đậm đà bản sắc văn hóa xứ Tản Viên Sơn.


    Kết:

    Bên trên chỉ là cách thức đón Trung Thu của một vài dân tộc thiểu số tiêu biểu ở nước ta. Độc đáo có, thú vị có, tươi vui có, nhưng đấy chỉ là một phần nhỏ bởi vì bên cạnh những dân tộc này còn có rất nhiều các dân tộc anh em khác thậm chí vẫn chưa biết đến Trung Thu là gì. Trẻ con thuộc những bản làng dân tộc ấy còn chưa biết đến chiếc bánh Trung Thu hình thù ra sao, màu sắc như thế nào nữa. Thế nên hàng năm, các nhà hảo tâm, có mạnh thường quân vẫn thường xuyên đi khắp mọi nẻo đường đất nước, để mang đến những phần quà, những chiếc bánh dẻo cho các trẻ em. Dù nhỏ, dù không nhiều, nhưng đó là tất cả hương vị Trung Thu ấm áp tình người, trọn vẹn yêu thương mà mỗi người chúng ta có thể chia sẻ cho nhau. Không phải tự nhiên mà Trung Thu lại được gọi là "Tết Đoàn Viên" các bạn nhỉ!
     
    Admin, chiqudoll, Mạnh Thăng2 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 27 Tháng tám 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...