Tết Nguyên Đán - Những Trận Đánh Lịch Sử

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Dương Thần, 20 Tháng mười hai 2018.

  1. Dương Thần

    Bài viết:
    76
    Hân hoan trong ngày tết cổ truyền Việt Nam đến gần, chúng ta lại ngồi đây để tưởng nhớ đến những anh hùng trong lịch sử đã làm rạng danh non nước.

    Hãy cùng dõi theo những trận chiến nức danh diễn ra trong những dịp tết nguyên đán.


    [​IMG]
     
    Minh Nguyệtshasha thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 20 Tháng mười hai 2018
  2. Dương Thần

    Bài viết:
    76
    Trận chiến Kỷ Dậu 1789

    "Click nhanh tay lên anh chị em ơi"
    Đã nhắc đến trận chiến vào dịp Tết Nguyên Đán chắc hẳn không thể bỏ qua trận chiến Kỷ dậu cách đây 230 năm - Trận chiến nơi hàng vạn binh sĩ áo vải cờ đào của nghĩa quân Tây Sơn thực hiện cuộc hành binh thần tốc ra kinh thành Thăng Long đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, giải phóng đất nước, thu giang sơn về một mối. Không thể không nhắc đến Quang Trung với lời hịch dụ:

    "Đánh cho để dài tóc,

    Đánh cho để đen răng.

    Đánh cho nó chích luân bất phản,

    Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn,

    Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ."


    Năm ấy, quân Thanh tiến vào Đại Việt, đến tận Thăng Long một cách dễ dàng không bị kháng cự nào, tạo cho chúng thái độ chủ quan rằng quân dân Đại Việt ở Bắc Hà nghênh tiếp chúng một cách hoan hỉ và mục tiêu cuối cùng của chúng là Nguyễn Huệ ở Phú Xuân. Cho nên quân lính của chúng ở lại Thăng Long ăn Tết xả láng. Ở Phú Xuân, Hoàng đế Quang Trung chỉ còn chẵn 40 ngày để đưa quân đến tận Thăng Long đánh úp vào quân xâm lược đang phè phỡn, mất cảnh giác. Cả Tôn Sĩ Nghị cũng không tính được đến mùng 6 Tết quân Quang Trung có thể đến Thăng Long.

    Bốn mươi ngày đường, khoảng cách 1.200 dặm, tổng số quân 10 vạn có 5 vạn từ Huế và 5 vạn tại Thanh Nghệ cùng 300 thớt voi, nếu muốn đến Thăng Long thì 1 ngày phải đi được 30 dặm (tức 15km), và phải đi liên tục không có ngày nghỉ nào cả. Vào thời điểm đó, từ Huế ra Thăng Long chỉ có hai tuyến đường chính: Đó là đường dịch trạm hay đường thiên lý (gần trùng với Quốc lộ 1A hiện nay) và tuyến Thượng đạo, men theo đồi núi trung du phía Tây, giãn cách với Quốc lộ 1A từ 30 – 40km đến 70 – 80km.

    Với cuộc hành quân cấp tốc này của Quang Trung, cho đến nay hoàn toàn bí mật. Đương thời Quang Trung không tiết lộ, các tài liệu đương thời không có ai ghi chép, có lẽ đây là bí mật tuyệt đối không được tiết lộ cho ai kể cả tướng lĩnh tâm phúc nhất của Quang Trung, thậm chí quân lính chỉ chấp hành tiến theo từng chặng theo hướng dẫn, mà chẳng định vị đó là con đường nào. Muốn đi thần tốc, Quang Trung phải chọn một trong hai tuyến đường đó, và tuyến đường nào sẽ là tuyến hành quân chiến lược của đại quân Quang Trung?

    Tuyến Lai Kinh (Quốc lộ 1A) có ưu điểm là ngắn hơn (nhưng không bao nhiêu), nhưng đó là đường đất và đặc biệt có từ 5 – 10 km là sông hồ, cầu đò, hai bên bờ sông lầy thụt, hàng vạn quân cùng 300 thớt voi sẽ khó vượt qua cầu đò để đạt tốc độ ngày 10 – 15km. Có thể khẳng định chắc chắn rằng đại quân, voi và phương tiện chiến tranh không thể nào vận hành theo tuyến Lai Kinh. Cũng có người cho rằng con đường nối Huế – Nghệ An, Nghệ An – Tam Điệp, Tam Điệp – Thăng Long theo trục Lai Kinh là đường hành quân của đại quân Quang Trung theo phương thức hành quân chia thành tốp 3 người, ngoài tư trang 3 người phải mang theo một chiếc thuyền thúng vừa thay nhau cáng để một người ngủ, và cả 3 cùng qua sông.

    Thật ra thuyền thúng chỉ là phương tiện đi lại trên ao đầm sông cạn, không thể là phương tiện chở người qua sông, nếu cho thuyền thúng xuống sông Gianh, sông Cả, sông Mã.. thuyền chỉ có thể trôi theo dòng không thể qua bến bờ bên kia được. Vả lại một chiếc thuyền nặng đến 10kg, sẽ là một trọng lượng lớn cho hành quân đường xa. Lại nữa, các bờ sông lầy thụt trên tuyến Lai Kinh của vài ba chục dòng sông, sẽ nhấn chìm hết voi chiến. Nhiều tài liệu đến nay cũng cho rằng, đại quân Quang Trung theo tuyến Lai Kinh, được nghỉ lại ở Nghệ An 10 ngày, ở Tam Điệp 10 ngày. Như thế chỉ còn 20 ngày hành quân, mỗi ngày phải đi được 30 – 40km. Lịch sử hành quân của những đạo quân đương thời với Quang Trung cũng chỉ đạt 10 – 15km là tối đa. Đi bộ 1 ngày 40km có thể đi được (nhưng chỉ 1 ngày) còn liên tục là khó thực hiện đối với đông đảo quân lính.

    Đó là chưa nói nói đến việc, nếu đại quân Quang Trung tiến theo đường Lai Kinh sẽ không lọt qua tai mắt thám thính của bọn xâm lược và tay sai, nhất là các thế lực chống lại Tây Sơn. Trong nghệ thuật chọn con đường tốt nhất tiếp cận mục tiêu, ngoài các yếu tố địa hình, hậu cần, còn phải bảo đảm yếu tố bí mật đến tuyệt mật, trong binh pháp có tổng kết "lai vô ảnh, khứ vô hình" là muốn ám chỉ sự bí mật của đường đi.

    Tuyến Thượng đạo có dài hơn một ít so với tuyến Lai Kinh nhưng địa hình đồi núi trung du, chỉ qua sông đầu nguồn và những con suối cạn. Chỉ có vài ba con sông lớn như sông Lam, sông Mã.. Đây là Thượng đạo có từ xa xưa và các cuộc hành quân của các triều đại trước thường sử dụng. Đại thể có mấy chặng: Từ Huế – Quảng Bình trùng Quốc lộ 1A; Quảng Bình – Nghệ An trùng với đường sắt Đồng Hới – Vinh, nhưng đến Linh Cảm thẳng ra Nam Đàm; từ Nam Đàn thẳng ra Tân Kỳ – Như Xuân – Vĩnh Lộc – Thạch Thành (Thanh Hóa) ; từ đó ra Nho Quan, đến Chương Mỹ rồi vào Thăng Long (bỏ qua Tam Điệp). Như vậy quân sĩ, voi có thể theo Thượng đạo một cách bí mật thần tốc và đi bình thường 15km hàng ngày suốt 40 ngày đêm không mệt mỏi.

    Với tuyến Thượng đạo, vấn đề qua sông suối là dễ dàng, 300 thớt voi đã có chuối rừng và cỏ làm thứ ăn thuận tiện. Và điều quan trọng là quân địch không thể nào phát hiện có sự động binh của Quang Trung ra Bắc. Nếu cứ theo tuyến Lai Kinh, đại quân sẽ đi qua các vùng có nhiều tai mắt của quân Thanh, chắc rằng quân Thanh sẽ động binh sớm hơn kế hoạch dự định.

    Từ nghệ thuật chọn đường hành quân, tạo cho đại quân Quang Trung nhanh chóng – bất ngờ tiếp cận mục tiêu không để chúng kịp thời đối phó. Đại quân Quang Trung đến vùng Ninh Bình, kịp vào Tết Nguyên Đán. Đại quân đóng ở Nho Quan và ở Tam Điệp là căn cứ tập kết cũ. Từ hai địa điểm đó các cánh quân khinh binh từ Tam Điệp tiến theo Quốc lộ 1A và đường sông về Thăng Long và Hải Dương, đánh quân địch tại các đồn từ Thanh Quyết đến Hạ Hồi, Ngọc Hồi; Đại quân theo Thượng đạo vẫn bí mật bám sát tiến trình của khinh binh. Đêm mùng 4 rạng mùng 5 từ Chương Mỹ, đại quân chia làm 2 mũi, một mũi do Đô đốc Long đánh thẳng vào Đống Đa, nhanh chóng tiêu diệt Đống Đa. Thái Thú Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử. Cùng lúc và muộn hơn chút ít, khinh binh tấn công đồn Ngọc Hồi, tiêu diệt một vạn quân Thanh. Hai vạn quân địch vòng lên phía Tây Bắc định về Thăng Long liền bị cánh quân do Đô đốc Bảo từ Chương Mỹ qua Thanh Trì đánh làm hai vạn quân địch bị dìm chết tại Đầm Mực khiến cho quân Thanh kịp động binh vào mùng 6 Tết.

    Tiêu diệt xong hai đồn quân tiền tiêu Đống Đa, Ngọc Hồi mà tại cung Tây Long Tôn Sĩ Nghị không hề hay biết, vì hai đồn này bị đánh bất ngờ, không có thông tin nào được truyền vào ngay trong chiến sự. Đại quân tiến vào Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị chui ống đồng cho quân sĩ dẫn sang bên kia sông Hồng, cùng bại binh tháo chạy về nước. Thăng Long và Đại Việt hoàn toàn sạch bóng quân thù.

    Đại thắng Mậu Thân – Kỷ Dậu ở Thăng Long đã thể hiện vai trò nổi bật của Hoàng đế Quang Trung vừa là một chiến tướng, khoác áo bào đánh từ Ngọc Hồi đến Đống Đa vừa là linh hồn và người chủ xướng cách đánh, chỉ cho các tướng phải đánh ra sao cho thắng để giành thắng lợi hoàn toàn.

    [​IMG]
     
    Minh Nguyệtshasha thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 20 Tháng mười hai 2018
  3. Dương Thần

    Bài viết:
    76
    Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

    "Click nhè nhẹ thôi nghen"
    Có thể đây là trận chiến thất bại của cả hai bên tham chiến. Tuy nhiên điều nó mang lại chính là những bài học sâu sắc cho chúng ta, là lời khẳng định mạnh mẽ cho khát vọng hòa bình của nhân dân ta.

    Năm 1965, với việc đưa quân viễn chinh cùng quân các nước đồng minh vào trực tiếp tham chiến ở chiến trường Việt Nam, đế quốc Mỹ đã đẩy cuộc chiến tranh Việt Nam lên quy mô và cường độ chưa từng có. Chúng ra sức tăng quân, tăng chi phí quân sự và ném vào chiến trường Việt Nam một khối lượng phương tiện chiến tranh khổng lồ và hiện đại nhất. Tính đến đầu năm 1968, quân chiến đấu Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam lên tới 480.000 tên và 68.800 quân của các nước đồng minh. Nếu kể cả khoảng hơn 20 vạn quân đóng ở các căn cứ quân sự trên đất Thái Lan, Nhật Bản, Phi-líp-pin, Hạm đội 7, một bộ phận Hạm đội 6, đã có tới 80 vạn quân Mỹ trực tiếp tham gia chiến tranh Việt Nam, cùng một lực lượng hùng hậu quân đội Việt Nam Cộng hòa.

    Lực lượng quân số đông đảo, cùng phương tiện, vũ khí chiến tranh tối tân nhất thời đại, lính Mỹ liên tục tổ chức các cuộc hành quân "tìm diệt" trên khắp chiến trường miền Nam, mà đỉnh điểm là hai cuộc tiến công quy mô lớn vào mùa khô 1965-1966 và 1966- 1967, nhưng quân xâm lược Mỹ không đạt được mục đích đề ra. Chỉ trong vòng 2 năm (1965 - 1967), lực lượng bị suy yếu rõ rệt, Mỹ từ thế chiến lược phản công và tiến công giữa năm 1965, buộc phải lùi dần vào thế phòng ngự chiến lược bị động vào cuối năm 1967 trên toàn chiến trường.

    Đối với ta, tuy giành được nhiều thắng lợi, thế và lực của cách mạng đã có bước phát triển mới, nhưng chưa làm chuyển biến cục diện chiến tranh có lợi cho cách mạng. Từ thực tế trên chiến trường, kết hợp với tình hình trong nước và quốc tế, cuối năm 1967, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân đội ta đã nắm lấy cơ hội này, quyết định chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới. Sau khi thảo luận kỹ khả năng đánh vào thành phố của lực lượng vũ trang và khả năng nổi dậy của quần chúng, Bộ Chính trị thông qua phương án tổng công kích, tổng khởi nghĩa do Bộ Tổng tham mưu soạn thảo đã được Quân ủy Trung ương nhất trí. Phương án xác định chiến trường trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, Huế, Đà Nẵng, hướng phối hợp chiến lược quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh. Cụ thể là: Cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực ở hướng phối hợp chiến lược đặc biệt quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch, một đòn tiến công chiến lược đánh vào thành phố, thị xã quy mô trên toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng các đô thị và nông thôn, mở đầu cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế, trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, Huế, Đà Nẵng và các thành phố lớn.

    Thực hiện chủ trương này, đêm 20 tháng 1 năm 1968, trước Tổng tiến công và nổi dậy 10 ngày, các sư đoàn chủ lực của ta nổ súng tiến công Khe Sanh. Ngay sau khi phát hiện chủ lực của ta đánh Khe Sanh, Bộ chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam lập tức điều thêm 12 tiểu đoàn thuộc sư đoàn kỵ binh bay, sư đoàn 101 không vận, sư đoàn thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hòa ra khu vực Đường 9 để đối phó.

    Đúng lúc địch đang cố gắng điều động lực lượng cố giữ bằng được Khe Sanh, thì đêm 30 và 31-1-1968 – đêm giao thừa và mồng Một Tết Mậu Thân, lợi dụng địch sơ hở ở đô thị, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn và hơn 40 thành phố, thị xã khác (4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần), làm cho Mỹ - Việt Nam Cộng hòa bị bất ngờ, không kịp trở tay đối phó.

    Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, là trọng điểm lớn nhất của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bởi vì đây là trung tâm đầu não chỉ đạo toàn bộ bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ - Việt Nam Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam. Ta tiến công Tòa đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa, Đài Phát thanh Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát; các sở chỉ huy sư đoàn bộ binh Mỹ số 1, 9, 25, 101. Hàng chục vạn quần chúng đã nổi dậy giành quyền làm chủ dài ngày ở nhiều khu phố. Riêng trận đánh Tòa Đại sứ Mỹ hơn 6 tiếng đồng hồ với 17 chiến sĩ biệt động của ta đương đầu với lực lượng quân cảnh, lính dù của Mỹ đã gây một tiếng vang lớn làm chấn động nước Mỹ.

    Ở mặt trận Trị Thiên, lực lượng ta tiến công Nhà Đèn, Ty Cảnh sát, Tòa tỉnh trưởng, trụ sở cơ quan bình định và trụ sở MACV, Tri Bưu, Thành Cổ, La Vang, điểm cao 49. Nhân dân Triệu Phong, Hải Lăng, Bến Đá rầm rộ nổi dậy cùng bộ đội địa phương bao vây địch ở trong các quận lỵ cầu Nhùng, Bến Đá làm chủ đoạn quốc lộ 1 từ Diên Sanh đến Mỹ Chánh; đánh chiếm quận lỵ Phú Lộc, cắt đứt quốc lộ 1 đoạn từ Đà Nẵng ra Huế, phá sập Cầu Hai, cầu Nước Ngọt, giải phóng khu vực xung yếu ven biển và phía nam Cầu Hai, khu vực Truồi.

    Tại Huế, thành phố lớn thứ 3 miền Nam, hầu hết các cơ quan đầu não của địch bị ta đánh chiếm. Phối hợp với chủ lực, quần chúng nổi dậy lùng bắt ác ôn, phá bỏ bộ máy kìm kẹp, thiết lập chính quyền cách mạng cơ sở, xây dựng trận địa phòng thủ.. Địch sau đó phản kích dữ dội. Ta và địch giành giật nhau từng góc phố, từng căn nhà, từng đoạn đường. Ngày 25-2, quân ta rút khỏi Huế để bảo toàn lực lượng. Như vậy, quân và dân ta đã làm chủ thành phố Huế 25 ngày đêm. Bị tiến công đồng loạt, bất ngờ, địch lúc đầu choáng váng. Chúng dồn về mặt trận đô thị, bỏ ngỏ vùng nông thôn. Nắm thời cơ, lực lượng vũ trang tại chỗ hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy giải phóng nhiều vùng rộng lớn.

    Trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, nhiều người hiểu Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta chỉ có ở Tết Mậu Thân, nhưng trên thực tế đây được xem như đợt 1, còn đợt 2 và đợt 3 diễn ra mùa hè và mùa thu năm 1968, tạo thành tổng thể cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968. Kết quả một năm tổng tiến công và nổi dậy, theo Thông cáo của Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam ngày 20-12-1968, quân và dân ta ở miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 tên Mỹ, Việt Nam Cộng hòa và quân của các nước đồng minh Mỹ; tiêu diệt và đánh thiệt hại 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, chiến đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 18 chi đoàn thiết giáp; phá hỏng, phá hủy 13.000 xe quân sự, 1.000 tàu, xuồng chiến đấu trên sông, 700 kho đạn, 100 khẩu pháo các loại; diệt, bức hàng, bức rút 15.000 đồn bốt, chi khu.

    Cùng với thắng lợi vang dội của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam và thắng lợi trong cuộc chiến tranh chống phá hoại lần thứ nhất ở miền Bắc, quân và dân ta đã đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh bại hoàn toàn chiến lược "chiến tranh cục bộ" ở đỉnh cao. Thắng lợi này tạo ra một bước ngoặt quyết định của chiến tranh, đánh sập ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm cho chúng hiểu rằng không thể thắng được dân tộc Việt Nam trong chiến tranh, buộc phải đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri, bàn về việc rút quân Mỹ khỏi miền Nam, kết thúc chiến tranh; đồng thời góp phần quan trọng cùng với cuộc đấu tranh của loài người tiến bộ, làm phá sản chiến lược quân sự toàn cầu "Phản ứng linh hoạt" thời Kennơđi - Giônxơn, tác động toàn diện đến tình hình quân sự, chính trị, tâm lý, xã hội nước Mỹ.

    Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi khắc sâu vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đồng thời để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong các giai đoạn tiếp theo.

    [​IMG]
     
    Minh Nguyệtshasha thích bài này.
  4. Dương Thần

    Bài viết:
    76
    Trận quyết chiến chiến lược ngày 24 Tết năm Mậu Ngọ



    "Bài viết của GS. Lê Văn Lan"
    Một ngày sau "Tết ông Công ông Táo", ngày 24 Tết năm Mậu Ngọ, chuyển sang dương lịch thì đó đã là ngày cuối tháng đầu năm 1258 (29-1-1258).

    Bấy giờ, trên bàn cờ thế cuộc và bản đồ quân sự phương Đông, ở phía Bắc nước Đại Việt, có một bên là nước Tống đang ở vào những ngày tàn, một bên là quân Mông Cổ đương thời cường thịnh, đang quyết xóa sổ nhà Tống để lập nên đế chế Nguyên Mông.

    Chúa Mông Cổ, trong kế hoạch đánh nước Tống từ 4 ngả, đã phái một đạo quân kỵ bộ thiện chiến, giao cho tướng Ngột Lương Hợp Thai (tên Mông Cổ là Uriyangqatai) chỉ huy, từ Vân Nam, theo hai đường-dọc sông Hồng và sông Chảy-tiến xuống, đánh chiếm nước Đại Việt, để rồi từ đó đưa quân ngược lên, thọc mũi dao hiểm vào sau lưng quân Tống, phối hợp với 3 đạo quân kia tiêu diệt nhà Tống.

    Cuộc xâm lược nước Việt của quân Mông Cổ-được coi là cuộc xâm lăng lần thứ nhất của đế chế Nguyên Mông-đã diễn ra trong hoàn cảnh đó, vào cuối mùa đông năm Đinh Tỵ, giáp Tết năm Mậu Ngọ, nhưng dương lịch thì đều rơi vào những ngày cuối tháng Một năm 1258.

    Được tin hai cánh quân Mông Cổ đã hội sư ở Bạch Hạc-Việt Trì, đang rầm rộ tiến binh về hướng Kinh đô nước Đại Việt, vua Trần Thái Tông đã đem hết lực lượng thủy bộ của quân đội nhà Trần, từ Thăng Long kéo lên cánh đồng Bình Lệ Nguyên (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay) dàn trận, đón đánh.

    Nhà Trần, sau 32 năm thay nhà Lý làm chủ đất nước, đến lúc này là lần đầu tiên đối mặt với ngoại xâm. Vì thế, theo đúng binh pháp cổ điển, đã chọn cách đánh trận địa chiến: Bày trận trên bãi chiến trường đồng bằng, bộ binh-có cả voi chiến hỗ trợ-dàn bày phía trước, thủy quân-với đủ loại thuyền bè-bố trí mé sau, chờ giặc đến thì giao chiến.

    Đánh giặc cách này là đánh theo lối đánh sở trường của giặc.

    Vì thế, vào ngày 12 tháng Chạp năm Đinh Tỵ (17-1-1258), ở trận Bình Lệ Nguyên, mở màn cuộc chiến tranh xâm lược của Mông Cổ-bắt đầu cuộc kháng chiến của Đại Việt, thất lợi là thuộc về quân ta.

    Nhưng hoàng soái Trần Thái Tông-theo lời động viên của tả hữu-vẫn quyết một trận tử chiến- "đánh chết thôi"! Rất may mà đã có được lời can ngăn chí lý vào đúng lúc giữa trận tiền của danh tướng Lê Tần: "Như thế này là bệ hạ đang dốc trí đánh nước cuối cùng đấy! Nên lánh đi! Chớ nên nhẹ dạ tin lời người ta!".

    Thế là tỉnh cơn say đòn, hoàng soái Trần Thái Tông hạ lệnh lui binh.

    Rời Bình Lệ Nguyên ngày 12 tháng Chạp thì hôm sau, tổ chức thêm trận đánh chặn ở cầu Phù Lỗ, cản đường truy kích của giặc vào ngày 13 (dương lịch là ngày 18-1-1258), quân ta về đến Thăng Long ngày 14 tháng cuối năm Đinh Tỵ (19-1-1258), và quyết định luôn một việc trọng đại: Bỏ kinh thành, tiếp tục rút lui theo đường sông Hồng về phía Nam.

    Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong buổi đầu thời đại phong kiến tự chủ-tính từ triều đại nhà Ngô, rồi nhà Đinh, nhà Tiền Lê ở thế kỷ 10, nhà Lý ở các thế kỷ 11, 12-đến lúc này. Kinh đô đất nước-dù là Cổ Loa, Hoa Lư, hay Thăng Long-trong những lần chống ngoại xâm ở các triều đại trước đấy, đều luôn được ưu tiên và cẩn trọng việc bảo vệ, bảo toàn. Bởi vì, vẫn theo binh pháp cổ điển: Mất kinh đô là mất nước!

    Đạo quân Mông Cổ của tướng Ngột Lương Hợp Thai càng tin tưởng vào điều này. Vì thế, đuổi theo quân Trần từ Bình Lệ Nguyên, qua Phù Lỗ, đến Thăng Long, thấy tòa kinh thành nước Việt bị bỏ ngỏ, chúng tràn vào chiếm luôn. Và, sau mấy cuộc tàn sát, đốt phá trong nội đô, chúng kéo đại quân ra đóng ở khu căn cứ thủy bộ Đông Bộ Đầu của nhà Trần ở mạn phía đông trên hữu ngạn sông Hồng của kinh thành (bây giờ là khu vực Dốc Hàng Than-Bến Nứa (chợ Long Biên), mé trên đầu cầu nam Long Biên, Hà Nội) chờ nhà Trần đến "giao nộp nước" -đầu hàng!

    Nhưng chờ mãi vẫn chẳng thấy, đến ngày thứ chín-đúng ngày Tết Táo Quân-tướng Mông Cổ đành phải phái hai viên sứ giả đi tìm triều đình nhà Trần để "chiêu dụ". Tuy nhiên, kết quả lại chỉ là: Sứ giả bị trói, đuổi về! Và rồi, ngay hôm sau-24 tháng Chạp năm Đinh Tỵ (29-1-1258) -thì chính "thiên binh vạn mã" nhà Trần đã tìm đến đại doanh Mông Cổ, đánh một trận đại tập kích, phản công, giải quyết thắng lợi toàn bộ cuộc kháng chiến: Trận quyết chiến chiến lược Đông Bộ Đầu.

    Tiền đề thứ nhất dẫn đến thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược Đông Bộ Đầu chính là: Cuộc "rút lui chiến lược", thậm chí rút bỏ khỏi cả kinh đô đất nước của triều đình và quân đội nhà Trần! Điều không có trong binh pháp cổ truyền này, lại đã mở ra sự sáng tạo-từ thực tế chiến tranh và chiến trường có phần bất ngờ, mới ở bước đầu của nghệ thuật và khoa học quân sự, về sau mang tên "Chiến tranh nhân dân" độc đáo, đặc sắc của lịch sử và dân tộc Việt Nam.

    Còn tiền đề thứ hai, trực tiếp hơn, thì đó là sự thể triều đình và quân đội nhà Trần đã "rút lui chiến lược" về đâu, đã làm gì ở đấy, vào lúc ấy?

    Đã có sự tìm kiếm đúng đắn về vị trí của "Hoàng Giang" là khúc (đoạn) sông Hồng chảy qua vùng huyện Nam Xang (Nam Xương), phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Nhưng địa bàn này, thực ra chỉ là miền đất ở một bên bờ phải (hữu ngạn) của Hoàng Giang thôi. Dừng sự tìm kiếm ở đấy, sẽ không thấy một vết tích (chứng tích) nào về cuộc "rút lui chiến lược" của triều đình và quân đội nhà Trần đầu năm 1258 cả. Do đó mà cũng không thể nhận diện được những cơ sở của các hoạt động khi lánh giặc mà về đây một thời gian của nhà Trần.

    Trong khi thực tế là Hoàng Giang bao giờ cũng có đôi bờ, và bờ sông bên trái (tả ngạn), tức bờ bên kia, đối ngạn với đất huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân ở bờ bên này, thì đó mới chính là địa bàn lánh giặc, đặc biệt là "đứng chân" -củng cố lực lượng, chuẩn bị phản công của triều đình và quân đội nhà Trần. Bởi vì, đây là phủ Long Hưng, huyện Ngự Thiên-đất dấy nghiệp của nhà Trần!

    Miền đất bây giờ là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, được sử cũ chép rõ: Chẳng những-vào đầu thế kỷ 13-là nơi mà nhà Trần đã dựa vào để làm cuộc tiến lên kinh đô, thay nhà Lý làm chủ cơ đồ nước Việt, mà còn chính là quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của những chỉ huy chủ chốt cuộc "rút lui chiến lược" vào những ngày Tết năm Mậu Ngọ (1258) : Hoàng soái Trần Thái Tông, Thái sư Trần Thủ Độ và đặc biệt là Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị (Dung).

    Tiền đề trực tiếp cho trận quyết chiến chiến lược Đông Bộ Đầu, vậy là đã thành và sẵn sàng.

    Nhờ đó, sau 10 ngày về "đứng chân" trên đất Ngự Thiên Long Hưng- "Nơi ở của (con) Trời và Sự hưng Khởi Rồng" -đủ để khôi phục lực lượng, lấy lại tinh thần, đồng thời cũng đủ để gây nguy khốn cho giặc, khi phải chơ vơ giữa thế trận sơ khởi của "chiến tranh nhân dân", vào ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Tỵ (29-1-1258), quân ta đã tiến lên, đánh thẳng vào đại binh địch đang đóng quân ở Đông Bộ Đầu.

    Trận quyết chiến chiến lược ngày giáp Tết năm Mậu Ngọ này chỉ còn được rất ít thông tin về diễn biến chiến sự trong sử sách chính thống cổ truyền. Nhưng hiệu quả và kết quả cụ thể, rõ rệt của nó thì đã rất đầy đủ để chứng minh thực chất của hoạt động chiến đấu và chiến tranh này: Nhanh chóng đánh bại cuộc đề kháng, bị dồn vào đấy, của một đạo quân vốn chỉ quen rầm rộ tấn công! Không những thế, còn kích bật giặc ra khỏi kinh thành, buộc chúng phải cuống cuồng tháo chạy theo đường ven bờ phải sông Hồng, một mạch mà ngược ra khỏi nước Việt!

    Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất đã thành công rực rỡ, để lại những bài học, kinh nghiệm quý báu, được đúc rút và thực hành trong các lần kháng chiến thứ hai, thứ ba, sau đó. Ngay lúc bấy giờ, một tuần sau ngày đánh trận quyết chiến chiến lược Đông Bộ Đầu, thì đã là ngày Mồng Một, Tết năm Mậu Ngọ (5-2-1258). Một buổi thiết đại triều, mừng xuân mới, mừng đại thắng, đã được tổ chức tưng bừng và trọng thể ở tòa chính điện Thiên An, giữa kinh thành Thăng Long vừa được giải phóng.

    Bấy giờ là năm thứ bảy và là năm cuối cùng, niên hiệu Nguyên Phong của hoàng soái Trần Thái Tông. Ngay sau đó, đã là năm thứ nhất, niên hiệu Thiệu Long của vua Trần Thánh Tông-chính là vị tướng trẻ 18 tuổi-hoàng tử trưởng của Trần Thái Tông-được vua cha sớm nhường ngôi cho, do sự xứng đáng đã được thử thách vào lúc vừa theo phụ hoàng đánh trận Đông Bộ Đầu.

    30 năm sau nữa thì đến niên hiệu Trùng Hưng của vua Trần Nhân Tông-Anh hùng dân tộc của hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông các năm 1284-1285 và 1287-1288. Vào một ngày đầu xuân, từ Thăng Long đi viếng tòa Chiêu Lăng của ông nội Trần Thái Tông ở Ngự Thiên-Long Hưng, vua Trần Nhân Tông vẫn thấy còn những người lính già, từng đã dự trận Đông Bộ Đầu năm 1258, bây giờ đi theo hộ giá. Ký ức hào hùng về trận quyết chiến chiến lược ngày giáp Tết năm Mậu Ngọ-năm thứ bảy niên hiệu Nguyên Phong-vẫn rực rỡ ở nơi những "bạch đầu quân" này, vậy là đã khiến Trần Nhân Tông viết ngay được hai câu tuyệt bút trong bài thơ "Xuân nhật yết Chiêu Lăng" (Ngày xuân viếng Chiêu Lăng) của mình:


    Bạch đầu quân sĩ tại

    Vãng vãng thuyết Nguyên Phong


    (Còn có những người lính đầu bạc

    Vẫn luôn kể chuyện thời Nguyên Phong).
     
    Minh Nguyệtshasha thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...