Tên gọi phong nha hiểu như thế nào cho đúng?

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi trương văn hà, 4 Tháng tám 2021.

  1. trương văn hà

    Bài viết:
    9
    Kể từ ngày Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quanrng Bình) được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, du khách trong nước và quốc tế ngày càng tìm đến Quảng Bình du lịch nhiều hơn. Có thể nói không quá rằng, chính di sản Phong Nha - Kẻ Bàng đã trở thành cứu cánh cho ngành công nghiệp không khói của tỉnh nhà.

    Đến du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng, được trực tiếp đắm chìm vào kho báu thiên nhiên kỳ thú với nhiều cái nhất, như hang nước dài nhất, cửa hang cao và rộng nhất, bãi cát và đá rộng đẹp nhất, hồ ngầm đẹp nhất, thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất, dòng sông ngầm dài nhất Việt Nam, hang khô rộng và đẹp nhất, nhiều khách du lịch quốc tế, trong nước, kể cả trong tỉnh cũng rất tò mò muốn tìm hiểu về ý nghĩa của tên gọi Phong Nha . Do chưa có cách hiểu khoa học, thống nhất, phần nhiều căn cứ vào suy luận của bản thân cho nên nhiều hướng dẫn viên du lịch ở đây có nhiều phen phải bở hơi tai vì cái tên gọi quá nổi tiếng này.

    Báo Quảng Bình cuối tuần số ra ngày 11/01/2013 có đăng bài viết Trao đổi thêm về hai chữ "Phong Nha" của tác giả Đinh Phú Tư. Trong bài viết, tác giả đã đưa ra 3 cách giải thích về tên gọi Phong Nha mà du khách đã từng được nghe các hướng dẫn viên ở đây giải thích: Phong là gió, Nha là răng – hang động có nhiều gió, có nhiều nhũ đá mọc lên nhọn hoắt như những chiếc răng của người cổ xưa; Phong là đỉnh, Nha là nha môn – đỉnh cao quyền lực; theo Lê Quý Đôn chữ Phong Nha được đặt theo tên của một làng ở cạnh động Phong Nha.

    Ngoài ba cách giải thích mà tác giả Đinh Phú Tư đã kể ra trong bài viết, nhiều lần lên Phong Nha du lịch, chúng tôi cũng còn được nghe có người giải thích Phong Nha còn có nghĩa khác là nhà gió (do đọc chệch của chữ phong gia ), vú gió (do đọc chệch của chữ phong nhũ )..

    Theo tôi, các cách giải thích Phong Nha có nghĩa răng gió là võ đoán và thiếu thuyết phục. Bởi vì ngoài lớp lớp các đỉnh núi đá, nhũ đá ra, thì gió ở đây tuy nhiều, tuy mạnh nhưng không phải là đặc sản của Phong Nha. Còn cách giải thích Phong Nhavú đá cũng thiếu căn cứ. Bởi vì sau khi phát hiện ra các hang động thì người ta mới có sự liên tưởng từ nhũ đá thành vú đá, trong khi đó chắc chắn rằng tên gọi Phong Nha đã có trước khi người ta phát hiện ra hệ thống hang động này. Còn cho rằng Phong Nha mang ý nghĩa là đỉnh cao quyền lực, do liên tưởng trong hang động có nhiều cung điện kỳ ảo, có nhiều thánh đường trang nghiêm của một triều đình xưa buổi thiết triều, đầy uy lực cũng khó có thể chấp nhận. Bởi vì việc liên tưởng các hình thù nhũ đá trong hang động với cung điện, nha môn có lẽ cũng chỉ xuất hiện sau này, khi đã có các loại bóng điện chiếu sáng trong hang động, còn người xưa nếu vào hang chỉ bằng những ngọn đuốc thô sơ, tối om thì không thề có trí tưởng tượng và liên tưởng phong phú như chúng ta ngày nay được?

    Theo cuốn Tự điểm Hán – Việt thông dụng của tác giả Lạc Thiện (NXB Thanh phố Hồ Chí Minh, năm 1997), thì chữ phong có đến 22 nghĩa: Viết theo bộ kỷ (cái ghế tựa), phong có nghĩa là gió, cảnh tượng, phong cảnh; viết theo bộ sơn (ngọn núi), có nghĩa làngọn núi; viết theo bộ phong (dung mạo, thái độ), có nghĩa là phong phú, thịnh vượng, tốt tươi; viết theo bộ trùng (động vật), có nghĩa là đông, nhiều, con ong; viết theo bộ kim (kim loại), có nghĩa là mũi nhọn, binh khí.. Cũng theo tài liệu trên, chữ nha có đến 7 nghĩa: Viết theo bộ nhất (một) nha có nghĩa là răng ; viết theo bộ điểu (chim), nghĩa là con quạ ; viết theo bộ hành (đi), nghĩa là nha môn ; viết theo bộ thảo (cây cỏ), nghĩa là mầm cây và viết theo bộ trùng (côn trùng), nghĩa là con sâu..

    Khi đã hiểu được nghĩa của các chữ "phong" và "nha", chúng tôi rất muốn tìm được bản chữ Hán cuốn Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776) để tra cứu cách viết chữ Phong Nha, nhưng không thể tìm thấy được cuốn sách quý này. Vì vậy, căn cứ vào các nghĩa Hán Việt đã được tra cứu, theo tôi thì chữ Phong trong Phong Nha có nghĩa ngọn núi là thuyết phục hơn cả. Còn Nha – nghĩa là nha môn như ý kiến của tác giả Đinh Phú Tư, nhưng không phải nghĩa là đỉnh cao quyền lực, mà có nghĩa là xếp thành từng dãy như các quan đứng sắp hàng để chờ nhận lệnh của thượng cấp.

    Như vậy, Phong Nha không phải là răng của gió hay là nhiều răng hoặc nhà gió, càng không phải là vú của gió, mà địa danh này đã được đặt ra do gợi ý từ hình tượng lớp lớp những ngọn núi trùng điệp nằm thành từng dãy đều đặn như hình ảnh các quan lại đứng thành hàng theo thứ tự trên sân chầu ở cổng nha môn chờ lệnh của thượng cấp truyền xuống.. Cách giải thích này cũng hoàn toàn phù hợp với những đặc trưng hiện có của Phong Nha – Kẻ Bàng là những dãy núi đá vôi hùng vĩ, trùng điệp được hình thành do những kiến tạo carxtơ phức tạp ở Đông Nam Á cách đây 400 triệu năm về trước..

    Định danh chính xác tên gọi Phong Nha là một việc làm rất cần thiết nhằm giúp chúng ta hiểu đúng đặc trưng, thế mạnh của di sản quý giá này. Trên đây mới chỉ là ý kiến chủ quan của cá nhân tôi trên cơ sở các căn cứ từ góc độ ngôn ngữ học. Rất mong sớm nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận bổ ích khác của độc giả gần xa trong và ngoài tỉnh.

    Trương Văn Hà
     
    AishaphuongPorcus Xu thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...