Địa danh Chợ Lớn Theo sự hình thành của cộng đồng người Hoa và sự hoạt động ngày càng lớn mạnh của các thương gia người Hoa trong giai đoạn từ thế kỷ 17 – 19. Khu vực Nam bộ cũng đã xuất hiện nhiều khu đô thị, khu trung tâm vận chuyển hàng hóa và phố chợ sầm uất. Năm 1776, quân Tây Sơn tàn phá khu vực Cù Lao Phố (nay là Biên Hòa), khiến người Hoa sống ở khu vực này phải bỏ chạy đến làng Minh Hương để lánh nạn. Sau này, do nhu cầu sinh sống, người Hoa lập chợ để trao đổi hàng hóa. So với chợ Tân Kiểng đã có từ trước của người Việt thì chợ Sài Gòn (nay là khu vực Bưu Điện Chợ Lớn) còn lớn hơn, nên người dân gọi là Chợ Lớn. Sau đó, tên chợ cũng để chỉ vùng đất mà nó tọa lạc. Chợ Lớn nằm gọn trong khu vực từ đường Tản Đà tới Kim Biên và từ khúc Nguyễn Trãi xuống kênh Tàu Hủ. Theo học giả Vương Hồng Sển, thì "Chợ Lớn như nay ta còn gọi, đối với Hoa kiều là Thầy Ngôồn (Đề Ngạn) hay Xi Cóon (Tây Cống) ; còn sách cũ Pháp viết là Cholon hay Cholen, Cho Leun". Hình 1.3. Chợ Lớn đầu thế kỉ 20 Nguồn: VnExpress Du lịch Khi Pháp chiếm Nam kì, đã lập nên Thành phố Chợ Lớn vào ngày 06/06/1865 theo nghị định của Thống đốc Nam Kỳ Pierre-Paul de La Grandière. Danh từ Chợ Lớn lần đầu tiên được dùng để đặt tên cho một thành phố. Thành phố Chợ Lớn được công nhận là đô thị loại II, tòa thị chánh được đặt tại Dinh Xã Tây (nay thuộc Đại học Y Dược đối diện chợ Xã Tây). Hình 1.4. Bản đồ Chợ Lớn 1874 Nguồn: Website Người Kể Sử Năm 1889, khi Sài Gòn thuộc tỉnh Gia Định thì tỉnh Chợ Lớn được thành lập bao gồm thành phố Chợ Lớn, huyện Bình Chánh và một phần của tỉnh Long An ngày nay (Gò Đen, Đức Hòa). Sự độc lập trong kinh tế làm thành phố Chợ Lớn phát triển mạnh mẽ hơn. Ngày 27/04/1931, Tổng thống Pháp đã ký sắc lệnh hợp nhất thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn thành một gọi lại khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1951, khu Sài Gòn – Chợ Lớn đổi thành Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn và đến năm 1956 thì được đổi thành Đô thành Sài Gòn. Năm 1969, Chợ Lớn trở thành quận của thành phố Sài Gòn và nằm gọn trong khu vực các đường Trần Hoàng Quân (Nguyễn Chí Thanh), Hùng Vương giáp quận 10, 11 ở phía Tây, đại lộ Cộng Hòa (Nguyễn Văn Cừ) giáp quận 2 phía Bắc, Kinh Bến Nghé (Tàu Hủ) giáp quận 8 phía đông và đường Ngô Nhân Tịnh – Dương Công Trừng (Nguyễn Thị Nhỏ) giáp quận 6 phía Nam. Cho đến nay, địa danh Chợ Lớn chỉ dùng để nói về khu vực quận 5, quận 6, quận 10 và một phần quận 11.