Tản Văn Miền Quê Yêu Dấu - An Nhiên

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Tâm An Nhiên, 20 Tháng bảy 2020.

  1. Tâm An Nhiên

    Bài viết:
    7
    MIỀN QUÊ YÊU DẤU

    Tác giả: An Nhiên

    Link thảo luận - góp ý:
    [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm của tâm an nhiên

    Rời quốc lộ ồn ào rầm rập xe cộ, đi trên con đường đê quen thuộc, con đê cong cong ôm lấy mảnh đất nông trường trù phú, làn gió mang theo hương cỏ cây êm dịu mơn man chào đón. Tôi bỗng thấy tâm hồn thư thái lạ, bao lo toan bộn bề của cuộc sống như tan biến.

    Nông trường Quý Cao quê hương luôn trong trái tim tôi. Bởi từ mảnh đất xinh đẹp này tôi đã được sinh ra và lớn lên. Trải dài theo những năm tháng ấy có biết bao kỷ niệm về tuổi thơ, về gia đình thân yêu còn in dấu trong tim và đi vào trong những giấc mơ tôi êm dịu.

    Ngày nhỏ tôi từng hỏi mẹ, Nông trường mình có từ khi nào hả mẹ? Mẹ bảo, nông trường được thành lập từ lâu rồi con ạ, ban đầu nơi đây là nơi sinh sống và sản xuất của bộ đội, đồng bào từ miền Nam tập kết ra. Năm 1976 bố mẹ về làm công nhân nông trường. Sau này những gia đình miền Nam dần trở về quê hương, còn lại là các gia đình công nhân mới được tuyển ở nhiều huyện thuộc Hải Phòng và một số huyện lân cận thuộc Hải Dương. Tìm hiểu tôi được biết thêm, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, Hải Phòng được đón nhận nhiều cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết. Vào thời điểm đó, Hải Phòng đã dành nhiều địa điểm, đất đai thuận lợi nhất để xây dựng các cơ sở sản xuất, các trường học cho đồng bào và con em cán bộ miền Nam làm việc, học tập và sinh sống. Năm 1958, huyện Tiên Lãng được lựa chọn xây dựng nông trường Quý Cao.. Nông trường tôi cũng vinh dự nhận được sự quan tâm và được đón chủ tịch nước Tôn Đức Thắng về thăm.. Lịch sử quê hương tôi thật đáng tự hào!

    Nông trường tôi có sông ngòi chằng chịt với những cù lao lớn nhỏ ven sông, ruộng đồng màu mỡ, cây cối tốt tươi nhờ được bồi đắp phù sa từ hệ thống sông Thái Bình. Nơi đây sản xuất nhiều loại nông sản. Song cây trồng lâu năm chủ đạo là cây vải. Từ khi lớn lên, hình ảnh cây vải đã trở lên thân quen, gần gũi với tôi. Ven con đê nhỏ là hàng vải chạy dọc nông trường, hơn 3 cây số, những cây vải đã hơn hai mươi tuổi sừng sững, hiên ngang như đội quân hùng hậu bảo vệ mảnh đất ven sông này. Khắp nông trường đâu đâu cũng có vải, từ bờ đê xuống, vải được trồng thành từng vồng, mỗi vồng dài khoảng nửa cây số. Đều là những cây vải trưởng thành, vì vậy vải đã vươn cao hơn chục mét, những tán lá xum xuê, xanh mướt bao phủ quanh gốc cây, nhìn xa giống như những chiếc dù. Vải được chia ra thành từng ô (để thuận tiện việc quản lý), cả nông trường có 16 ô, mỗi ô rộng khoảng 1 – 2 ha. Cây vải trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của người dân nơi đây. Với lũ trẻ chúng tôi, cây vải là người bạn thân thiết. Mùa hè, chúng tôi thường vui chơi dưới gốc vải râm mát, chúng tôi lấy những bẹ chuối to buộc dây thật chặt ở hai đầu làm võng giữa hai cành vải rắn chắc, ngồi đu đưa thưởng thức những làn gió mát rượi từ bãi sông mênh mông đưa vào. Có khi chúng tôi cắt những tàu lá chuối to lợp trên các cành vải gần gốc tạo thành một cái nhà nhỏ xinh xắn, rồi ngồi tập chung chơi trò chơi đồ hàng. Trẻ con nơi đây cứ 6, 7 tuổi đã biết trèo vải thoăn thoắt, thân cây sần sùi, có nhiều trạc, hay những cành vươn ngang rất dễ trèo, chúng tôi đu từ cành này sang cành khác như những chú khỉ nhanh nhẹn. Chúng tôi thích thú với việc chinh phục độ cao của cây vải, trèo thành thạo, có thể lên đến gần ngọn rồi ngồi vắt vẻo trên những trạc vững chắc tận hưởng cảm giác chiến thắng. Khi rơm rạ đun dần vơi mà mùa gặt còn xa, trẻ con bọn tôi lại hào hứng đi kiếm cái đun, cây vải trở thành nguồn cung cấp dồi dào, mùa thu, mùa rụng lá, những gốc vải lá xếp dày đến vài centimet, lá vải khô giòn dùng để đun bếp thì tuyệt lắm, lửa cháy to và đượm, chỉ một nát ấm nước đã sôi sùng sục. Mỗi chúng tôi đem vài cái bao dứa kèm theo cái rễ, tỏa đi khắp các vồng vải chọn những gốc nhiều lá khô nhất quét gọn thành đống rồi vơ vào bao, tiếng lá vải lao xao hòa cùng tiếng nô đùa thật vui nhộn. Không chỉ kiếm lá khô dưới gốc, chúng tôi còn trèo lên cây bẻ các cành vải khô làm củi, chỉ một lúc là đã được các bó củi gọn gàng đem về. Hàng năm, điều chúng tôi mong chờ nhất là mùa vải đến, cũng là mùa nghỉ hè. Từ tháng 1, tháng 2 chúng tôi đã chăm chú quan sát trên những tán lá vải xanh biếc, đợi chờ những búp nụ nhú lên, ra tết nụ vải đã đâm ra tua tủa báo hiệu một mùa quả trĩu cành, tôi thấy lòng sung sướng lắm. Rồi những chùm hoa trắng xanh nhạt bung ra, vào những ngày xuân ấm áp, dưới ánh nắng lấp lánh những hạt nước nhỏ đọng trên những chùm hoa, đó là mật hoa, xòe những bàn tay nhỏ chúng tôi đập nhè nhẹ vào chùm hoa, những hạt nước lóng lánh đọng trong bàn tay, thế là được thưởng thức những giọt mật vải ngọt lịm, thơm ngon. Rồi những cánh hoa trắng nhỏ xíu rụng xuống, chìa ra những đốm xanh nhỏ li ti trên cành, vải đã kết thành quả nhỏ, quả vải lớn nhanh từng ngày, bằng đầu đũa, rồi bằng ngón tay cái, vỏ sần, xanh màu lá mạ. Khi tiếng ve kêu râm ran, nắng hè về rực rỡ, là những quả vải bắt đầu chuyển sang màu vàng, và rất nhanh, chỉ một tuần sau đã chuyển sang màu đỏ, vậy là đã đến mùa vải chín.. Trên khắp nông trường, màu đỏ rực của vải chín bao trùm khắp các tán cây lấn lướt màu xanh của lá, những chùm vải sai lúc lỉu, quả tròn căng nặng trĩu cành, người đi trên đê phải tránh không để những chùm vải va vào người. Dưới các vồng, những cành vải trĩu quả xòa xuống hai bên rìa mương soi bóng xuống mặt nước trong xanh. Mùi hương vải chín thơm ngào ngạt, nắng vàng rực rỡ càng khiến hương vải chín nồng nàn bay xa trong bầu không khí trong lành. Những ngày thu hoạch vải là những ngày nhộn nhịp nhất của quê tôi. Sáng sớm các cô bác công nhân đã gánh gồng quang thúng đi hái vải. Trẻ con chúng tôi háo hức theo sau. Những đứa lớn thì được trèo cây hái quả với bố mẹ, những đứa bé hơn thì ngồi dưới gốc cây nhặt lá, chúng tôi được ăn vải no nê, ngày nào cũng ăn mà không biết chán. Vải quê tôi có mấy loại, nào vải chua quả to dài, năng suất, vài nhỡ, vải tàu lai quả to tròn, vỏ dày, nặng cân. Nhưng chiếm chủ yếu vẫn là vải thiều. Nói đến vải thiều chắc ai cũng nghĩ đến địa danh nổi tiếng "Vải thiều Thanh Hà", song vải thiều nông trường quê tôi cũng thơm ngon không kém, có lẽ bởi được trồng trên cùng một chất đất (hai vùng chỉ cách nhau con sông Mía đỏ lặng phù sa). Những trái vải tròn, da mỏng màu nâu đỏ. Lớp cùi dày trắng ngà, bọc lấy cái hạt chỉ nhỏ bằng đầu đũa. Bỏ vào miệng nhai, ta sẽ thấy vừa giòn vừa ngọt mát. Hương vị đậm đà, thanh khiết của trái vải thiều thật khó quên!

    Dưới các vồng vải là những mương nước rộng, mương được đào để lấy đất lập vồng trồng vải, vậy là thêm vào cơ cấu cây trồng ở có sự góp mặt của cây ấu. Có lẽ với nhiều người loại cây này còn xa lạ. Ấu là cây thủy sinh nổi, giống cây súng, cây sen, nhưng thân mềm, nhỏ hơn (nên gọi là dây ấu) thân có nhiều lông, lá nổi có phao ở cuống, hình quả trám, mép trên có răng cưa, giữa có phao. Mặt trên của lá thì nhẵn, màu lục thẫm. Mặt dưới màu hung đỏ, có lông tơ. Cuống lá xốp ruột, phình ra có tác dụng như cái phao để nổi lên trên mặt nước. Hàng năm, sau mùa thu hoạch vải, các mương được dọn sạch rong, rêu để trồng ấu. Mẹ tôi gơ ấu giống rất cẩn thận. Mẹ chọn những củ ấu sọ (ấu già rụng xuống bùn) thật to rồi thả xuống một đoạn mương sạch, khi củ ấu nảy mầm, vươn lên mặt nước xòe những cánh lá mềm mại xanh non sẽ được nhổ lên đem ra trồng ở các mương. Ấu được trồng thành từng khóm, mỗi khóm có 3, 4 dây buộc túm lại dưới gốc rồi trồng sâu xuống bùn. Ấu trồng xuống sẽ đẻ nhánh rất nhanh, đặc biệt là gặp mưa, những tán ấu nhanh chóng xòe kín mặt nước. Khi những làn gió heo may lướt trên những mương ấu xanh mướt là những bông hoa trắng, cánh mỏng rung rinh trổ ra từ những nách lá, rồi những quả ấu (thường gọi là củ ấu) được hình thành. Ấu có 2 loại, ấu gai (trồng nhiều ở tỉnh Thái Bình), nông trường tôi trồng loại ấu trụi, quả to (giống hình chiếc thuyền), trong quả chứa một hạt, trong hạt có nhiều bột trắng. Việc thu hoạch ấu cũng rất thú vị. Mỗi gia đình đều có 2, 3 chiếc thuyền nan để lấy ấu. Với ai chưa quen, ngồi thuyền thật không đơn giản, có thể bị lật. Còn việc lấy ấu cũng vậy, để lấy được ấu già thì phải là những thợ lấy lâu năm như chúng tôi. Tôi chỉ cần thấy vỏ củ ấu nhẵn căng, chuyển màu xám đậm, khi cầm vào cuống ấn nhẹ là củ rời ra, nếu ấu còn non vỏ màu đỏ nhạt, cuống rai phải bấm tay mạnh củ mới rời khỏi cuống. Ấu non ăn sống rất giòn lại ngọt mát nên trở thành món khoái khẩu của trẻ chăn trâu quê tôi, nhưng luộc chín thì nhân nhũn nát, nên thợ buôn không mua ấu non. Họ sẽ loại ấu non bằng cách đổ ngập nước vào thuyền ấu, ấu non sẽ bị nổi lên. Củ ấu già mới lấy đem luộc ăn rất bở và thơm, giống hạt dẻ rừng. Những buổi tối mùa đông, cả nhà tôi ngồi quây quần bên bếp lửa bập bùng, rổ ấu nóng vừa luộc, khói nghi ngút tỏa ra mùi thơm đượm ấm nồng, cắn đôi củ ấu gõ vào răng cốc.. cốc.. (để nhân trong củ rơi ra) thật vui tai. Ngoài vải, ấu cũng là nguồn thu đáng kể hàng năm của mỗi gia đình, tôi còn nhớ mẹ bảo, nhờ vụ ấu mà mẹ có thể trang trải học hành cho 3 chị em.

    Công nhân quê tôi quanh năm ngày tháng xoay vần hết mùa lúa, mùa vải, mùa ấu, rồi trồng rau màu, thả cá.. Ngoài vồng vườn, ao cá, mỗi công nhân còn được khoán vài sào ruộng, bố mẹ tôi tính hay lam hay làm, tham công tiếc việc, nên ngoài ruộng khoán bố mẹ còn khai hoang thêm hàng mẫu, rồi tận dụng cả vồng vải, mương ấu (sau thu hoạch) để cấy thêm một vụ. Nên đến mùa gặt nhà tôi cót thóc chất cao ba tầng, còn thêm mấy hòm gỗ to. Ruộng vườn nhiều nên trẻ con quê tôi còn nhỏ cũng đã tham giúp bố mẹ sau những buổi học, hay nghỉ hè. Lớp 5, lớp 6 chúng tôi đã theo bố mẹ ra đồng tát nước, nhổ mạ, đi cấy. Vào chính vụ cấy, cả nhà tôi đều có mặt trên đồng, cậu em út mới lớp 4 cũng đòi theo ra tát nước. Bố tôi thì cày bừa, mẹ và hai chị em tôi đắp bờ, vơ cỏ. Bố tôi mồ hôi chảy từng dòng trên trán, xuống cổ, mồ hôi ướt đầm chiếc áo vải phòng hộ, luôn miệng giục con trâu đang kéo chiếc cày "đi.. vào..", nhưng vẫn vừa pha vào những câu truyện vui khiến cả nhà cười rôm rả..

    Những buổi tối mùa hè, các gia đình thường trải chiếu ra chiếc hiên rộng chạy dài trước dãy nhà tập thể hóng mát, chuyện trò vui vẻ. Nhà tôi quây quần bên nhau, mẹ ngồi nhặt sạn ở đỗ để chuẩn bị cho nồi chè ngày mai, cậu em út có "nhiệm vụ" tẩm quất cho bố. Bố thường bảo "hai con gái hát cho bố nghe, thi xem đứa nào hát hay mai bố thưởng cho chiếc kem sữa", chị em tôi hào hứng gân cổ lên hát, bố nghe xong xuýt xoa "hai giọng ca tuyệt vời", mẹ cũng tươi cười tán thành lời nhận xét của bố, có lần bố nói thêm "con Hằng mai kia thành ca sĩ được đấy". Câu động viên của bố như gieo vào lòng tôi ước mơ trở thành ca sĩ một thời. Dù bây giờ tôi không phải là ca sĩ, nhưng tôi vẫn hay hát nghêu ngao và rất thích nghe ca nhạc.

    Tuổi thơ của tôi êm đềm trôi đi bên miền quê tươi đẹp, nơi đã nâng đỡ bước chân tôi qua tháng năm, cho tôi khôn lớn và trưởng thành. Theo năm tháng, quê tôi giờ cũng có nhiều đổi thay, con đường đê nhỏ lầy lội mỗi khi có mưa, giờ đã được trải nhựa rộng rãi, xe cộ phóng bon bon. Bãi cói bên sông nơi lũ trẻ chúng tôi thường thả trâu, bắt cáy, giờ đã phủ xanh những vườn nhãn tốt tươi. Lớp công nhân như bố mẹ tôi giờ cũng đã nghỉ hưu, nhiều người đã trở về quê cũ, song một số người, như bố mẹ tôi, vẫn còn lưu luyến ở lại mảnh đất nông trường, nơi họ đã gắn bó, xây đắp gần nửa cuộc đời, và ước nguyện sống trọn đời với nơi đây. Những mái nhà cấp 4 giờ đã được thay bằng những ngôi nhà khang trang hơn.. Để phù hợp với những bước chuyển mới của nền kinh tế đất nước, nông trường tôi cũng đã chuyển đổi từ nông trường quốc doanh trước đây sang hình thức hiện giờ là công ty TNHH một thành viên..

    Dòng thời gian vẫn mải miết trôi mang theo nhiều thay đổi, nhưng quê hương Nông trường Quý Cao tươi đẹp vẫn mãi trong trái tim tôi, là nơi chị em tôi luôn mong được trở về sum vầy bên gia đình!

    Hết​
     
    Last edited by a moderator: 7 Tháng mười 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...