Tàn Dư Của Mùa Gió - Diệp Vi

Thảo luận trong 'Truyện Hay' bắt đầu bởi Diepvi2709, 21 Tháng sáu 2020.

  1. Diepvi2709 "I found myself in my stories"

    Bài viết:
    55
    Tác phẩm: Tàn dư của mùa gió

    Tác giả: Diệp Vi

    Thể loại: Truyện ngắn, tâm lí, cảm động

    * * *

    Nội dung: "Tàn dư của mùa gió" là một truyện ngắn được viết ra dành cho những tâm hồn đang bế tắc và chơi vơi giữa dòng đời như những chú chim lạc đàn không tìm được chỗ trú thân, là một lát cắt đơn sơ ngang qua cuộc sống, khắc họa những mảnh đời cô độc lặng lẽ tìm thấy nhau trong một góc nào đó ấm áp giữa những thành phố xa hoa nhưng lạc lõng này. Liệu ta có thể như cô gái nhân vật chính, thức tỉnh lòng trắc ẩn đúng lúc, để tìm thấy được hạnh phúc bé nhỏ của bản thân giữa những chuỗi bi kịch của mình, của người?

    Link góp ý: [Thảo Luận - Góp Ý] - Các Tác Phẩm Của Diệp Vi


    * * *

    [​IMG]

    * * *​

    Tiếng chuông chiều nhà thờ bắt đầu gióng từng hồi, cất lên cái giọng lanh lảnh của nó, từng lớp âm sắc trầm bổng đan xen vào nhau tạo thành một khúc nhịp điệu rộn rã trên bầu trời quang đãng, tưởng chừng có thể mua vui cho lòng người ta nhưng cuối cùng cũng không thể phá đi những mảng buồn bã man mác vô hình trong không gian của một buổi chiều Chủ Nhật đầy gió rít trên những tầng không trung ảm đạm.

    Tiếng chim chóc khe khẽ kêu hót trên những nhánh phượng khẳng khiu vừa bắt đầu mùa trụi lá, sục sạo đám vỏ khô còn sót lại trong những hốc hách trơ ra để tìm kiếm những con ve sầu cuối cùng.

    Lũ trẻ con chơi ú tim giữa cái sân nhà thờ rộng lớn đầy lá rụng, được bao quanh bởi những khóm hoa mười giờ đỏ chót và sặc sỡ một cách gượng gạo, lâu lâu lại hét ỏm tỏi lên rồi cười ngặt nghẽo với nhau khi có một đứa chậm chân không tìm được chỗ trốn, thua cuộc phải chịu phạt. Mấy đứa con gái nhanh nhẹn hơn tìm được chỗ ẩn nấp tốt hơn, thường ít khi bị phát hiện, còn lũ con trai chỉ toàn rình mò ở mấy góc quen thuộc, lại còn cả nghi, chốc chốc lại nghển cổ ra kiểm tra xem đứa bị phạt có mở he hé mắt ra để nhìn lén hoặc đếm ăn gian hay không, thành ra bọn nó toàn bị lộ rồi thay nhau chịu phạt, còn phân bua rất kêu rằng con trai tụi này phải chơi nhường cho mấy đứa con gái.

    Nắng chiều còn vàng và còn rực rỡ, hắt qua những khung cửa sổ im lìm thành những bóng dài đơn điệu, chiếu xuyên qua tầng tầng lớp lớp những tán cây run rẩy trên đầu, hằn lên quần tôi vệt sáng ấm áp không rõ hình thù, chốc chốc lại dao động khẽ rung rinh vì gió lộng.

    Đây là lần thứ hai tôi đến dự lễ tại nhà thờ ven ngoại ô này, ở đây cách xa căn chung cư của tôi tận mười mấy cây số.

    Tôi vẫn chưa dám quay trở lại giáo đường gần nhà tôi, nơi tôi đã gắn bó niềm tin của mình suốt bao năm qua, tôi sợ đến đó và những hồi ức ảo não bi đát ngổn ngang trong đầu sẽ ngăn lòng tôi tập trung vào niềm sùng tín của mình. Tôi sẽ không thể đến dự lễ ở nơi đó chừng nào tôi chưa chắc chắn mình có lại khóc nấc lên trong giờ lễ và gây lo ra chia trí cho những người bên cạnh hay không. Ở ngôi nhà thờ xa lạ này, tôi cảm thấy lòng dạ yên đi phần nào, ít ra tôi cũng đã có thể nghe chú tâm cho kì hết bài giảng của vị Linh mục. Có người bảo tôi đang chạy trốn cuộc đời, tôi cũng chẳng phủ nhận làm gì, vì chính sự thật là như thế.

    Cuộc đời con người ai rồi cũng sẽ có những giai đoạn như vậy. Những kí ức đau thương sẽ làm cho những cảnh vật cũng nhuốm màu đau thương, và bao lâu ta còn canh cánh và sợ hãi những kí ức của chính mình, ta sẽ chẳng dám bén mảng đến những nơi thân quen ấy.

    Ít ra trước đây, tôi đã từng có suy nghĩ như vậy. Còn bây giờ, ngồi trên một băng ghế đá hoa cương lạnh lẽo xa lạ giữa một nơi xa lạ, bắt gặp những ánh mắt của những con người cũng xa lạ nốt, tôi nhận ra rằng mình đã sai, tôi chẳng thể chạy trốn khỏi sự thật đã diễn ra trước mắt, vì nó sáng rõ tựa như ánh mặt trời ban ngày chiếu tỏa trên đầu tôi, tôi chợt hiểu ra rằng dù có ở bất cứ nơi đâu thì chính tâm hồn của tôi mới là thứ khiến tôi đau khổ. Sự trống trải yên lặng chỉ là vỏ bọc mỏng manh của một nỗi cô đơn quặn thắt không nói nên lời.

    Đúng vậy, tôi cô đơn. Ngày anh bỏ tôi ra đi, tôi đã biết mùi vị đắng nghét của sự cô đơn là như thế nào.

    Tôi chưa bao giờ đặt ra nghi vấn với Chúa vì sao lại cất anh ấy khỏi vòng tay tôi và tôi cũng không bao giờ trách cứ Ngài. Vì vậy nỗi đau âm ỉ trong lòng tôi thì tôi sẽ phải tự gánh lấy.

    - Cô ơi, cho cháu trốn nhờ ở đây một lát nha cô?

    Tôi ngẩng lên và bắt gặp ánh mắt biêng biếc của một đứa nhóc chừng 9, 10 tuổi đang nũng nịu nhìn mình. Thằng nhóc mặc áo sơ mi ca rô xanh lam và quần lửng kaki được sơ vin cẩn thận trông rất đáng yêu.

    - Được thôi con trai.

    Tôi đồng ý và cho thằng bé núp sau lưng mình, nhưng chậm mất mấy giây, đứa đang chịu phiên phạt đã nhìn thấy nó và hét toáng lên, tôi biết thằng nhóc kia mới đếm đến chín mà thôi.

    - Mai Huy, núp sau lưng ghế đá có cô áo xanh đang ngồi, thua rồi nha!

    Nó gãi đầu tội nghiệp nhìn tôi, tôi chỉ biết cười thông cảm lại với nó. Nó chạy vụt đi, nhưng chỉ một lát sau, nó quay lại, lần này nó không tìm chỗ trốn, nhưng leo lên ghế đá rồi ngồi bên cạnh tôi, tôi hơi bất ngờ vì nó không sợ người lạ.

    - Con không trốn à? Bị phát hiện thì sao?

    - Con không chơi nữa.

    - Vì sao?

    - Con thua mãi cô à, 3 trận liền rồi, nên con không muốn chơi nữa.

    Thằng bé ngồi mân mê chăm chú cái vỏ ve khô khốc trên tay, nhưng khuôn mặt của nó thì lộ rõ vẻ buồn rầu.

    - Thôi đừng buồn nữa Mai Huy, cô chơi với con nha!

    - Sao cô biết con tên Mai Huy?

    - Cô đoán như vậy, thường những đứa trẻ thông minh và dễ thương sẽ tên là Mai Huy.

    Tôi học chiêu này từ anh, anh là người thích trẻ con, luôn bày nhiều trò với chúng nó, bao giờ thấy anh, lũ trẻ trong cô nhi viện cũng xúm xít lại chung quanh, nghe anh nói chuyện tầm phào. Lắm khi tôi còn ghen tị với chúng, nhưng anh bảo chúng rất đáng thương vì không cha không mẹ, anh thấy đồng cảm với chúng vì chính anh cũng là cô nhi được các nữ tu cưu mang từ tấm bé, mẹ anh đã vứt bỏ anh lại trước cổng giáo đường như những đứa trẻ ở đây cũng bị vứt bỏ theo cùng một cách thức.

    Nhưng thằng bé không cười khì khì như những đứa khác, nó vẫn trầm ngâm suy tư, tôi thoáng nghĩ mình còn lâu mới tập được cái khiếu pha trò như anh.

    - Con tên Mai Huy đúng rồi ạ, nhưng mà con không có thông minh, cũng không có dễ thương, mấy đứa bạn hay bảo con là đồ chậm chạp, còn mẹ con cũng mắng con là đồ đần, đồ đáng ghét.

    Tôi thoáng sững người:

    - Mẹ con ư?

    - Dạ, mẹ con ghét con lắm, mẹ hay la con, còn đánh con nữa, may mà có bà ngoại hay giải cứu con. Mẹ con dữ dằn lắm, không có hiền như cô. Mẹ cũng không bao giờ khen con dễ thương..

    - Chắc mẹ con tức giận vì con hư chứ gì?

    - Không có, con không có hư, con chỉ muốn ôm mẹ thôi. Nhưng mẹ toàn đẩy con ra..

    Tôi thoáng chột dạ:

    - Vậy ba con đâu?

    - Con không có ba, mẹ con bảo ba con bỏ đi theo người đàn bà khác từ lâu rồi.

    Nhìn vào đôi mắt long lanh trong veo của thằng bé khi kể những chuyện đáng lẽ ra nó không nên biết đó nghe nhẹ như không, tôi thở dài, làm luật sư bao nhiêu năm, tôi cũng đã chứng kiến và nhúng tay vào không ít những vụ li hôn đổ vỡ cùng với tranh chấp tài sản, con cái, êm ấm có, ồn ào cũng có, đàn ông bước sang trái, đàn bà bước sang phải, chỉ có con cái họ là đang mấp mé tuyệt vọng giữa cái ranh giới nứt vỡ do họ tạo ra. Sau cùng những đứa trẻ vẫn là những người chịu thiệt thòi nhất.

    - Sao cô lại thở dài?

    - Không con, cô đang suy nghĩ thôi.

    Thằng bé bỗng cũng thở dài thườn thượt, bộ dạng ông cụ non của nó khiến tôi buồn cười:

    - Sao con lại thở dài? Con nít không nên thở dài.

    - Con cũng đang suy nghĩ chứ bộ!

    - Chuyện gì vậy, kể cô nghe đi?

    Mắt nó hướng xa xăm về phía những đứa bạn đang nô đùa tung tăng của nó:

    - Thì con đang nghĩ tại sao chơi trò gì mình cũng thua hết, con muốn chơi với mấy bạn lắm! Nhưng mà con thua nhiều như vậy, không ai thèm cho con chơi chung nữa.. Chắc con là đồ đần thật rồi!

    - Không đâu con, con không phải là đồ đần, con chỉ là không biết chơi ăn gian thôi. Thật thà lại thường thua thiệt con à!

    Hồi đó, tôi cũng nói với anh mấy lời này. Nhưng anh không chịu nghe, đến cuối cùng chính bản tính lương thiện đó đã hại anh. Tôi biết anh không bao giờ hối hận vì đã sống như vậy, nhưng tôi thì hối hận vì đã yêu một con người sống quá tốt đẹp như anh, như khi ta đã thấy viên ngọc đẹp nhất trần thì vàng bạc có là gì trong mắt ta nữa.

    Nếu không yêu thì đã không đau khổ, ai cũng nói như vậy nhưng không ai làm được như vậy, bởi đó chính là điều vừa có lý lại vừa vô nghĩa nhất trần đời.

    - Con chưa biết cô tên gì?

    - Cô tên Ngọc.

    - Dạ, cô Ngọc.

    - Vậy con đi lễ với ai?

    - Dạ với bà ngoại. A! Bà con ra rồi kia cô, bà con lúc nào cũng cầu nguyện lâu ơi là lâu!

    Nó vẫy vẫy bà nó, bà nó mãi một lúc mới nhìn thấy, mắt bà có vẻ đã kém. Người đàn bà ấy ít nhất cũng đã ngoài sáu mươi, bận bộ đồ tây giản dị, thân thể gầy gò run run trước gió và gương mặt đầy những nét chạm vẽ khắc khổ của thời gian. Thằng bé sà vào lòng bà nó, tôi đứng dậy:

    - Con chào bà!

    - Chào con, con là con cái nhà ai vùng này mà trông lạ quá nhỉ? - đôi mắt trũng sâu kèm nhèm của bà nheo nheo nhìn tôi.

    - Cô ấy tên Ngọc bà ạ! - Mai Huy nhanh nhảu.

    - Dạ, con ở trong thành phố, con mới ra đây đi lễ thôi được mấy bữa thôi thưa bà.

    - Ừ, hèn gì. Lũ trẻ ngày nay ít thăm viếng nhà thờ nhà nguyện lắm con ạ, được như con là quý lắm đấy! Con cứ gọi ta là bà Hồng. Nó là cháu ngoại ta đấy. Mẹ nó có biết gì sất đâu nên ta phải tự đưa nó đi lễ con ạ!

    - Vâng ạ.

    - À mà thằng Huy nó quấy phá con đúng không? Thằng nhóc này nghịch ngợm không biết người quen người lạ là gì con ạ!

    - Dạ không, thằng bé ngoan lắm bà ơi.

    Huy khúc khích nắm tay tôi:

    - Bà thấy chưa? Cô Ngọc khen con ngoan kìa!

    - Ừ, thì con ngoan! Mai Huy lúc nào cũng ngoan mà. Thôi chào cô đi con, chúng ta về, không là không kịp làm bữa tối mất.

    - Hai bà cháu đi lễ bằng?

    - À bà với nó đi bộ lên đây con ạ, nhà ta từ đây đi về mất nửa tiếng.

    - Thế để con đưa hai bà cháu về, xe con đỗ ngay kia thôi ạ!

    - Có phiền không hở con?

    - Không đâu bà ơi, hôm nay Chủ nhật con rảnh rỗi mà bà!

    Đúng là tôi muốn rước việc vào người thật, vì ở không, tôi sẽ không kiềm chế được mà lại dìm mình vào bể suy nghĩ và kí ức sầu khổ. Cho nên tôi quyết định thay vì ngồi một chỗ mà gặm nhấm nỗi cô đơn đắng chát, tôi sẽ làm điều gì đó để giết bớt khối thời gian dài ngoằng của bản thân, chẳng hạn như giúp đỡ cho hai bà cháu đang ngồi trong xe của tôi đây quá giang một đoạn.

    - Bà ơi, đã quá, cuối cùng con cũng được đi xe ô tô rồi!

    Tiếng reo hò của Mai Huy líu lo không ngớt và tiếng cười sung sướng của nó tràn ngập khắp không gian sắp hóa mục trong chiếc xe tẻ nhạt của tôi.

    - Thế thì con phải làm gì? – Bà Hồng lên tiếng nhẹ nhàng.

    - Con cám ơn cô Ngọc ạ!

    - Ừ, con lễ phép lắm! Thế năm nay con học lớp mấy rồi nào? - tôi hỏi nó.

    - Lớp 5B ạ, con làm lớp phó lao động trong lớp đấy ạ!

    - Mai Huy giỏi quá!

    Bà Hồng vừa xoa đầu Huy vừa đáp lời tôi:

    - Nó sáng dạ lắm, chỉ tiếc là lại hơi chậm so với các bạn, nhưng nó chăm lắm con ạ, cô giáo khen nó rất có tính học hỏi, chỉ tiếc là không ai chỉ dạy kèm cặp thêm cho nó, mà mắt bà lại kém quá..

    - Con tự học cũng được mà bà! Bà không cần lo lắng cho con đâu!

    Tôi khẽ thở dài trong vô thức.

    Nhìn qua gương chiếu hậu, tôi thấy rõ ánh mắt âu yếm của bà Hồng dành cho đứa cháu trai bé nhỏ hiểu chuyện của mình, thoáng trong đó là nét buồn đườm đượm sâu kín. Thằng bé nhìn ra cửa sổ xe, áp mặt vào tấm kính, ngắm nhìn đường phố buổi chiều chuyển động dọc theo con đường không quá đông đúc.

    Bỗng mắt nó sáng lên, kéo tay áo bà nó, nó chỉ về phía lề đường bên tay phải, mặt lộ rõ vẻ háo hức.

    Tôi nhìn sang bên kia đường, cố suy đoán xem thằng bé đang chỉ về cái gì. Mà thật ra tôi cũng chẳng cần phải suy đoán làm gì, nó còn là gì khác để khiến cho một đứa bé hào hứng đến vậy ngoài một cửa hàng bánh ngọt trang hoàng màu sắc sặc sỡ, những chiếc bánh phết kem xanh đỏ tạo thành những hình thù ngộ nghĩnh đáng yêu nằm trên những chiếc tủ kính, như thu hút mời gọi nhất có thể những tâm hồn con trẻ. Tôi liếc nhìn thấy thằng bé tiu nghỉu và ánh mắt đầy tiếc nuối của nó khi bà nó khẽ lắc đầu. Vài giây suy nghĩ trong đầu, tôi quyết định cất lời:

    - Ôi, bỗng nhiên đói quá nhỉ? Hai bà cháu có muốn đi ăn gì với con không? Đằng kia có quán bánh ngon lắm đấy ạ! - Nói xong câu này tôi cũng tự bất ngờ về bản thân mình. Nếu có anh ở đây, anh sẽ ngạc nhiên lắm khi thấy tôi chủ động làm việc tốt.

    - Thật hả cô? – Mai Huy nhanh nhảu đáp lời, nó mở to đôi mắt vốn dĩ đã tròn và đen láy như hạt nhãn.

    Thấy vẻ lưỡng lự trên đôi mắt của bà Hồng, tôi nói tiếp:

    - Thật chứ con, cô đang đói bụng quá mà không có ai đi ăn chung, may sao có hai bà cháu đi ăn với cô.

    - Con cảm ơn cô Ngọc, vui quá xá, được đi ăn bánh kem rồi! - Thằng bé kêu lên như sợ tôi đổi ý.

    Bà Hồng ý nhị nhìn tôi, ánh mắt chứa đầy sự cảm kích không nói nên lời. Tôi mỉm cười với hình ảnh phản chiếu của bà trên gương xe, bà gật đầu cười đáp lại, trong phút chốc tôi đã tưởng đôi mắt của bà thoáng đỏ hoe.

    Tôi nhớ lại ngày xưa có lần anh đã từng nói với tôi thế này: "Nếu em không thể bỏ qua sự cố chấp của mình để làm những việc tốt một cách bình thường thì hãy xếp những hành vi tốt đẹp ấy vào cùng một loại với sự thực dụng để dễ thực hiện hơn. Nghĩa là khi em làm một điều gì đó tốt đẹp cho người khác và khiến người khác mỉm cười, em hãy lợi dụng niềm vui đó của họ để làm niềm vui cho chính mình, nếu em nhất quyết luôn cho rằng cho đi một thứ thì cũng cần phải được nhận lại thứ tương đương". Lúc đó tôi đã muốn phân bua với anh rằng tôi không ích kỷ và xấu tính đến mức đấy, chỉ là tôi hơi nhỏ nhen và bực mình khi chứng kiến anh làm quá nhiều việc thiện để rồi toàn gặp những kẻ lấy oán báo ân, cho nên từ lâu tôi đã nguội lạnh với những công việc từ thiện, thậm chí tôi còn thầm gọi những việc làm của anh là rảnh rỗi dư hơi. Nhưng bây giờ ngồi trước cậu bé Mai Huy xinh xắn đang vồ vập múc những muỗng bánh bông lan to đùng nhét vào miệng và dùng khuôn miệng nhồm nhoàm đầy ắp đồ ăn đó mà liên tục cảm ơn tôi thì tôi mới biết được cái cảm giác khoan khoái mãn nguyện mà anh đã gọi là lợi dụng niềm vui của người khác để làm niềm vui cho chính mình là như thế nào. Tôi không nghĩ rằng mình thay đổi, tôi vẫn nhỏ nhen như bao lâu nay, cái chết của anh lại càng khiến tôi tin tưởng một điều rằng quá nhân nghĩa chỉ tổ làm hại bản thân mình, chỉ là bây giờ tôi đã biết cách biến sự thực dụng của tôi thành ân huệ đối với người khác, thế thôi.

    Thằng bé ăn cơ man là bánh, tôi phải luôn miệng nhắc nó ăn từ từ kẻo nghẹn. Bà Hồng thì ngồi bên cạnh, hết nhìn nó lại nhìn sang tôi, ái ngại chép miệng mấy cái bánh này chắc là đắt tiền lắm. Tôi chỉ cười bảo:

    - Không đâu bà, có mấy chục nghìn một cái thôi bà ạ, con mới lãnh lương, để con đãi hai người một bữa. Tiền bạc không mua được hạnh phúc, bà đừng để ý.

    - Con thật là tốt quá, hai chúng ta không quen biết gì nhau mà hôm nay con lại đãi bà cháu ta một bữa, bà thật ngại quá!

    - Không sao bà ạ, chỉ là việc cỏn con, bà đừng để bụng làm gì. Tại con mến Mai Huy quá, thằng bé có nét gì rất giống với.. - tôi ngập ngừng, miếng bánh ngọt ngào trong miệng đã không còn mùi vị gì -.. với người quen của con ạ..

    - Ừ, thằng bé trời sinh phúc hậu dễ thương, ai cũng mến nó, chắc trời cao muốn bù lại cho những thiếu thốn của nó.. Nó là cả cuộc sống của bà đấy con ạ!

    Ánh mắt bà bừng lên tia sáng ấm áp đầy hi vọng khi nhìn vào thiên thần nhỏ của bà, tôi ngậm ngùi nghĩ rằng nếu anh không ra đi thì có khi chúng tôi cũng sẽ có một thiên thần nhỏ đáng yêu như thế, nhưng tất cả chỉ còn là những mảnh dĩ vãng đau buồn rơi vãi trong quá khứ sót lại đến ngày hôm nay.

    - Cô ơi, con có thể đem về một cái bánh cho mẹ con được không ạ? - giọng nói trong trẻo của Huy kéo tôi ra khỏi đám tàn tro của kí ức đang chập chờn bùng lên.

    - Ơ kìa Huy, con không được vòi vĩnh.. - bà Hồng nghiêm giọng nhắc nhở.

    - Được chứ con, con cứ ăn nhiều vào, lát nữa cô sẽ mua cho con thêm mấy cái đem về tặng mẹ nhé.

    - Vâng, con cám ơn cô Ngọc ạ!

    Thằng bé cười híp cả mắt, tim tôi mềm nhũn ra.

    - Nhưng con phải ăn hết chỗ bánh này đã chứ Huy, con không được phung phí đấy? - bà ngoại nó lên tiếng, chỉ vào những miếng bánh còn nguyên trên đĩa, bây giờ tôi mới để ý thằng bé chỉ ăn những góc bánh không có kem, phần còn lại nó xếp ngay ngắn lại vào một đĩa khác.

    - Sao vậy con, con không thích ăn kem à?

    - Không phải ạ, tại con không muốn ăn bạn heo với bạn thỏ..

    - Heo thỏ gì hả con?

    Thế là nó đưa bàn tay tròn trịa chỉ vào lớp kem trên góc bánh mà nó không đụng vào, hóa ra người ta tạo hình lớp kem phết lên bánh thành những con vật ngộ nghĩnh, đây là con heo màu hồng có đôi mắt đen tuyền, kia là con thỏ với đôi tai sô cô la rắc hạnh nhân lốm đốm, bảo sao thằng bé không nỡ ăn mất.

    Tôi và bà nó cùng phì cười, rốt cuộc nó vẫn chỉ là một đứa trẻ con không hơn không kém, tôi thoáng nghĩ, tốt nhất thì vẫn cứ nên như vậy.

    Tôi chở hai bà cháu họ rẽ khỏi đường lớn đến tận một con ngõ sâu hun hút, ngoằn ngoèo không thấy đích, khi con hẻm không đủ chen nổi bốn bánh xe hơi nữa thì tôi quyết định xuống xe đi bộ cùng với họ, một phần vì tò mò, một phần vì quan tâm và cũng một phần do trời đã sẩm tối, tôi không yên tâm để một bà lão dắt theo một đứa bé đi trong bóng tối như vậy, mặc dù bà Hồng đã cam đoan khu này rất an toàn.

    Thế là tôi cùng với họ đi vào con hẻm nhỏ, nó không quá nhếch nhác hay bẩn thỉu như tôi tưởng, chỉ là nó quá im lặng và ảo não. Mấy cái đèn đường thì cái tắt, cái mở, cái nửa tắt nửa mở, ánh sáng vàng khè mờ đục của nó chiếu trên con đường vắng lặng chỉ có tiếng bước chân lộp cộp của ba con người khiến tôi ái ngại.

    - Khu này vắng quá bà nhỉ?

    - Ừ, toàn là người già với con nít ở đây không con ạ! Trai tráng thanh niên nó toàn kéo nhau vào thành phố làm ăn hết rồi chứ ở đây có gì đâu!

    Lắng tai thêm một chút, tôi nghe thấy tiếng đài radio rè rè văng vẳng từ ban công của một ngôi nhà nào đó đằng kia, có cả tiếng trẻ con nô đùa đâu đây nữa, nhưng hầu như không kể là gì so với bầu không khí buồn tẻ này, gọi đây là vùng rìa của thành phố hoa lệ, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, liệu có dư thừa?

    ***​

    [​IMG]

    * * *

    Dừng chân trước một căn nhà cửa kéo cũ rích xây theo lối kiến trúc vuông vức thô kệch của những năm 90, mái ngói đỏ và nền tráng men, trước nhà là những chậu cây nhỏ xíu xếp thành hàng trên những tầng cấp bục vỡ, Mai Huy khúc khích khoe với tôi:

    - Con tự trồng hết lũ này đấy cô!

    - Ừ, con giỏi quá!

    Mai Huy tính kéo tôi vào nhà nhưng bà Hồng ái ngại ra hiệu với tôi đợi một lát.

    Tôi để ý thấy trước cánh cửa sắt nặng nề đang mở hờ là một đôi giày cao gót màu đỏ chừng năm phân, bên cạnh là đôi giày da bóng lộn của đàn ông, tôi chưa kịp đoán ra điều gì thì đã có tiếng cãi vã trong nhà, tôi nhận ra giọng bà Hồng, có cả tiếng của một người phụ nữ trẻ tuổi.

    - Mẹ đã về rồi!

    Mai Huy reo lên và định đi vào, nhưng tôi nắm chặt tay nó kéo lại, nó nhìn tôi đầy khó hiểu nhưng tôi cũng đành lắc đầu với nó. Tôi đoán bà Hồng bảo chúng tôi đợi ở ngoài này là có lý do, và ngay lập tức, trong tế nhị, tôi hiểu ra lí do đó là gì. Người đàn ông cao lớn tóc tai rũ rượi, quần áo xộc xệch từ trong nhà phóng thẳng ra đường, còn chưa kịp cài hết nút áo sơ mi đã vội vội vàng vàng xỏ giày rồi đi mất, khuôn mặt đỏ gay tởm lợm.

    - Mày có muốn hú hí với thằng nào hay làm cái trò dơ dáy gì của mày thì cũng đừng có mà dẫn về cái nhà này chứ? Mày nghĩ cái gì vậy hả Lan?

    - Mẹ nhiễu sự thế, đây là nhà con, về đây cũng có sao đâu? Tại nhà nghỉ hôm nay hết phòng thôi. Ai mà biết mẹ đi về giờ này chứ?

    - Mày còn trả treo, lỡ thằng Huy nó thấy được thì sao? Mày còn mặt mũi mà làm mẹ nó không?

    - Nó lấy cơm ở đâu ra để ăn mà dám đòi hỏi nhiều chuyện, kể cả mẹ cũng vậy..

    - Mày, mày dám.. - giọng bà Hồng hổn hển - tao xin mày, mày muốn làm trò gì cũng được nhưng mà làm ơn làm phước khuất mắt thằng Huy giúp tao. Mày muốn nó thấy cái việc vàng dơ bẩn của mày lắm chứ gì?

    - Đó là việc của nó, con không quan tâm, mà sao mẹ nhiều chuyện thế nhỉ, đi khỏi đây là được chứ gì. Gớm, có thế mà cũng ỏm tỏi lên..

    Người phụ nữ trẻ bước qua song cửa lớn, đẩy cánh cửa một tiếng "két..". Lớp trang điểm dày cộm làm cho khuôn mặt giận dữ ngúng nguẩy càng khó coi hơn. Nhưng tôi vẫn chắc mẩm cô ta chỉ tầm ba mươi tuổi trở xuống, đừng để ý, chỉ là bệnh nghề nghiệp của tôi. Bước chân xiêu vẹo xỏ đôi guốc lênh khênh vào chân, cô ta có vẻ đã uống ngà ngà bia rượu. Lớp nước hoa rẻ tiền phảng phất cũng không thể che giấu nổi mùi men nồng nặc trên người cô ta.

    Tôi cảm thấy hơi khó chịu, nhưng Mai Huy thì chạy đến nắm lấy tay cô ta:

    - Mẹ, mẹ đi đâu nữa vậy ạ?

    - Không phải việc của mày, biến ngay..

    - Mẹ lâu rồi mới về nhà, mẹ ở nhà chơi với con một lát đi, con có đem bánh.. - thằng bé tội nghiệp năn nỉ mẹ nó nhưng cô ta quát lên làm thằng bé giật nảy mình.

    - Mệt gớm, ở nhà với mày có được cơm không? Đi vào nhà ngay, đừng lắm mồm nữa, tao đánh cho vài cái bây giờ đấy..

    - Đừng lớn tiếng với con nít.. - tôi cất giọng điềm thản, giữ bình tĩnh là nghề của tôi - Nào Huy, vào nhà đi con, mẹ con chắc là có việc gấp, đừng mè nheo mẹ..

    - Cô là ai, sao lại đi với nó? - Đôi mắt sắc sảo của cô ta liếc nhìn tôi, vẻ xinh đẹp gượng gạo hiện lên trên những đường kẻ mắt kĩ lưỡng. Tôi chợt thoáng nghĩ có lẽ Mai Huy giống cha nhiều hơn.

    Bà Hồng từ trong nhà chạy ra:

    - Đây là người quen của tao, tao mời cô ấy sang nhà chơi, chả liên quan gì đến mày, không phải mày có việc gấp sao, đi nhanh đi..

    Cô ta vừa dứt tay Huy ra khỏi tay mình vừa lèm bèm:

    - Lại còn mời cả khách khứa về cơ đấy, cẩn thận cửa nẻo đấy, không thì hụt bỏ mẹ mất thứ gì..

    - Cái con này.. - Bà Hồng tức giận lên tiếng nhưng cô ta đã xách chiếc túi hàng hiệu thêu hoa cẩm tú bỏ đi mất.

    Tôi đem Mai Huy mặt buồn tiu nghỉu vào nhà, ngôi nhà theo lối bài trí kiểu cổ điển hình không có gì đặc sắc, thứ đáng giá nhất có lẽ là cái ti vi màn hình to bè lỗi thời đằng kia và bộ bàn ghế gỗ chạm long phụng đã sờn màu sơn mà tôi đang ngồi xuống đây. Bà Hồng xởi lởi mời nước tôi:

    - Nhà cửa không có gì để đón tiếp, thật ngại quá con ạ!

    - Không, không có gì bà ạ! – tôi nhìn quanh - Căn nhà này giống với căn ngày xưa bố mẹ con ở quá! Tiếc là năm ngoái bão to, mái ngói hư hỏng hết nên con đã xây lại mái bằng cho ông bà, ông bà cứ than tiếc tiền mãi.

    - Thế nhà con ở đâu?

    - Nhà bố mẹ con ở tận rìa phía nam thành phố bà ạ, vùng đó cũng im ắng như chỗ này vậy, mấy lần con muốn đón hai ông bà lên ở chung mà ông bà không chịu, ông bà bảo ở đất hương đất hỏa vẫn tốt hơn.

    - Ừ, bố mẹ con nghĩ vậy là đúng đấy, người già cứ ở đâu cho nó an nhàn mà sống qua ngày là được rồi. Mong gì cho nhiều, bà đây cũng thế, chỉ cầu cho còn sống được ngày nào hay ngày ấy thôi con ạ.. chỉ tiếc có lẽ không kịp nhìn thấy thằng cháu lớn lên thành người..

    Giọng nói bà bỗng đượm buồn và ánh mắt bà cũng thế, tôi không nghĩ đó chỉ là lời than vãn cửa miệng của người già, hướng về thằng bé đang hí hoáy tô vẽ trên tập sách của nó, bà nói:

    - Huy à, con chơi một lát rồi đi tắm rửa mà ăn cơm nhé con, mà con không được ăn bánh nữa đâu đấy, nhớ để bụng mà ăn cơm, tối làm bài tập xong rồi mới được ăn.

    - Con không ăn bánh nữa đâu, đó là phần của mẹ..

    - Mẹ mày có thèm về đâu mà.. - bà ấy định nói nữa nhưng lại thôi. Tôi hỏi chuyện:

    - Mẹ Mai Huy đi làm xa nhà hả bà?

    - Con thấy đấy, xa cũng có, gần cũng có, cứ có tiền là nó cặp.. Nó mà làm việc gì chứ, toàn mơ mộng cao sang. Không vì thằng con nó, bà cũng chẳng thèm đụng vào mấy đồng tiền nhớp nhơ nó đưa..

    Tôi đã lờ mờ có linh cảm từ nãy rằng mẹ của Mai Huy là người phụ nữ không tốt đẹp gì. Nhưng hóa ra cái gì cũng có nguyên do của nó, tôi cũng không lấy làm lạ vì bà kể cho tôi biết hết sự tình mà không ngần ngại gì, vì dù sao tôi cũng là người dưng nước lã, chả mất gì, với lại người già thường hay muốn tâm sự chuyện cũ với người có thể lắng nghe và có lẽ bà thấy tôi đủ "hợp" để sẵn sàng bày tỏ nỗi lòng.

    Bà Hồng từ từ kể cho tôi nghe, ngày trước, ông bà vốn là cặp vợ chồng vô cùng ngoan đạo, chỉ có mụn con duy nhất là Lan, hồi đấy cô ấy hiền lành đoan trang, nhưng số phận đã đẩy đưa cô vào tròng bẫy sa ngã khi cô vừa đỗ vào trường cấp ba thành phố. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, chẳng hiểu sao vừa lên phố thị, cô ta lại kết phải bạn với đám cậu ấm cô chiêu ăn chơi lêu lổng, đàn đúm say sưa, rốt cuộc rồi cũng bê tha theo. Đỉnh điểm là năm chưa tròn mười tám tuổi, cô ta đã có mang với một thanh niên nhà giàu trong đám ấy, tưởng có thể được gả vào một gia đình sang trọng, ngày ngày ăn sung mặc sướng nhưng cuối cùng lại bị ruồng bỏ cả mẹ lẫn con. Sau gia đình cậu ta chuyển luôn sang Mỹ định cư, mất tăm mất tích. Cô ta đành ôm bụng chửa đã mấy tháng trời về nhà cha mẹ, lúc đầu bị người cha lạnh lùng đuổi ra khỏi nhà, bà Hồng thương con nên đã cầu xin chồng cho con gái ở lại nhà đến khi lâm bồn, những chuyện này đến giờ cô vẫn còn để trong lòng. Không nghề nghiệp, không bằng cấp, nhưng nỗi cay đắng cho số phận và ước mơ đổi đời luôn rực cháy trong lòng cô gái trẻ ấy, nay đã rành đời hơn, Lan để Mai Huy lại cho bố mẹ chăm bẵm rồi cắp gói lên thành phố kiếm sống. Đi rồi cô ít khi trở về nhưng tiền thì vẫn gửi về đều đều, bà Hồng thấy lạ nhưng cô chỉ bảo cô đi bưng bê cà phê, gặp được ông chủ hào phóng.

    Sau này ông bà mới biết con gái đi chài mồi đại gia, nói huỵch toẹt ra là làm gái điếm. Ông già bảo thủ tội nghiệp biết con mình làm cái nghề đó thì tức giận quá đỗi, lên cơn đau tim rồi qua đời bất đắc kì tử. Bà Hồng vì thương cháu trai nên mới gắng gượng đến ngày hôm nay, bà tội nghiệp nó lắm, vì mẹ nó ghét bỏ nó, nào có phải lỗi tại nó khi sinh ra giống cha mình y đúc, chỉ là mẹ nó luôn nhìn thấy hình bóng tên sở khanh đã hại đời mình trên đứa con của hắn, và cũng là của cô, nên cô không thể yêu thương nó được như bao người mẹ khác, cô coi nó như của nợ nặng gánh, như một vết nhơ trong cuộc đời mình, vì thế đã giấu nhẹm nó đi để có thể cặp kè đàn ông thoải mái, bà Hồng cũng chỉ biểt lặng lẽ bù đắp cho cháu trai thay cho mẹ nó. Và tôi biết thật ra bà cũng thương con gái mình nữa, làm cha làm mẹ, có ai không xót xa khổ tâm cho số kiếp lận đận của con mình, chỉ là bà cũng quá lạnh lùng để nói ra.

    Trời đã tối hẳn, trăng đã lên cao vằng vặc, gió đêm lành lạnh thổi qua da thịt tê rần, hai bà cháu mời tôi ở lại ăn cơm tối nhưng tôi xin phép ra về.

    Mai Huy trông có vẻ tiêng tiếc khi tôi bước ra cửa nhưng khi tôi hứa sẽ quay trở lại thì nó lại cười híp cả mắt.

    Tôi quay lại xe, rồ máy trở về. Không gian trong căn nhà của Mai Huy với trong chiếc xe này như chia tách ra thành hai thái cực riêng biệt. Vừa mới thấy lòng bình yên nhẽ nhõm, bây giờ tôi lại phải chật vật trong sự nặng nề u ám này. Mới tiếp xúc với hai bà cháu họ trong một buổi chiều, tôi đã cảm thấy có chút chút gắn bó, tôi không hiểu nổi tại sao vừa bước ra khỏi khung cửa nhà họ, tôi đã cảm thấy hụt hẫng như ai đó vừa đưa tôi đến một thế giới nào khác rồi bất chợt ném trả tôi về lại cái vỏ ốc ảo não của tôi, lâu rồi tôi không nói chuyện với ai nhiều như thế.

    Sự ngột ngạt khiến tôi phải hạ kính xe xuống, nhưng nó cũng chẳng có tác dụng gì đối với sự bí bách trong tâm hồn.

    Tôi chợt tham lam muốn được gặp Mai Huy thêm lần nữa, thế giới của nó thật nhỏ bé và đơn giản, và khi ta bước vào thế giới đó, ta cũng chợt trở nên bé nhỏ và giản đơn theo, tôi đã thật sự cảm thấy an nhiên khi ở bên nó, nó làm tôi tạm gác đi những nỗi lòng của mình.

    Hoặc có thể, đôi khi, chú tâm vào nỗi bất hạnh của người khác sẽ làm người ta lãng quên đi dự khốn khổ của bản thân, có thể vậy.

    Và Mai Huy thì đúng là một đứa trẻ bất hạnh, chỉ là nó chưa ý thức được trọn vẹn những nỗi đau khổ mà nó đã và đang trải qua, vì bà nó đã che chở cho nó. Nhưng khốn thay, đứa trẻ tội nghiệp kia sắp sẽ phải chịu đựng tất cả sóng gió khi nó chỉ còn một mình, giống như tôi vậy, tất cả và một mình.

    Đêm hôm đó, tôi không còn gặp ác mộng nữa, cơn mơ khủng khiếp lặp đi lặp lại đã vắt kiệt tâm trí của tôi suốt hai tuần qua. Nó chỉ toàn máu và máu, đỏ lênh láng khắp tầm mắt tôi, tôi hoảng hốt kéo lấy tay anh nhưng anh đã lao ra trước những ánh đèn xe chói rực mà dùng thân thể chắn trước cô bé cột tóc hai bím đang mải mê đuổi theo trái bóng vừa lăn đến trước đầu một chiếc xe hơi đang vụt đến, tiếng trẻ con khóc thét bên tai và khi tôi kịp định thần thì đã thấy anh nằm đó, bất động, trước mũi một chiếc ô tô bốn chỗ, máu chảy ra trên khuôn mặt của anh, lan ra mặt đường nóng ran. Tôi muốn hét lên nhưng miệng tôi cứng đờ và thân thể tôi như đông lại, rồi cứ thế trân trân cho đến khi tôi có thể cử động tay chân, bật dậy trong ướt sũng mồ hôi và nước mắt. Hễ nhắm mắt lại là cảnh tượng thương tâm đó lại chạy ngang qua tiềm thức tôi, bây giờ tôi còn sợ cả chính giấc ngủ của mình.

    Nhưng kì diệu là hôm đó tôi đã ngủ yên đến sáng. Tôi cảm thấy như ai đó vừa cất đi gánh nặng trĩu trên vai mà tôi đã mang trong mệt mỏi suốt những ngày qua.

    Cuối cùng tôi cũng không ngăn nổi mình mà đến tìm hai bà cháu họ một lần nữa. Lúc tôi bước vào nhà, Mai Huy đã vui đến nỗi hét toáng lên. Tôi không lý giải được tại sao tiếng cười của nó lại làm tôi xúc động đến như thế. Chỉ biết rằng hai bà cháu họ đã rất vui khi gặp lại tôi và tôi cũng thế.

    Trong khi cậu bé hí hửng ăn những đồ ăn mà tôi mang đến thì tôi ngồi nói chuyện với bà Hồng. Nhưng cuộc nói chuyện của chúng tôi không kéo dài suôn sẻ vì những cơn ho lụ khụ liên tục của bà. Gương mặt bà xanh xao và tiều tụy đi trông thấy. Tôi thấy rõ màu sắc vàng vọt của bệnh tật trên làn da đã lão hóa nặng nề của bà. Gặng hỏi mãi một hồi, đương nhiên là cộng thêm với nghiệp vụ tâm lý hạng A của mình, tôi mới khiến bà thú thật với mình rằng bà đã sống chung với căn bệnh viêm phổi cấp tính được hai năm nay, do không được phát hiện kịp thời và điều trị thường xuyên nên bệnh càng ngày càng trở nặng, đến nay đã là giai đoạn cuối, vô phương cứu chữa, chỉ còn có thể duy trì bằng thuốc men, cầm cự được ngày nào hay ngày đó.

    - Hay để con đưa bà đi bệnh viện một lần nữa bà nhé? Còn nước còn tát mà bà, bà không thương mình, cũng phải thương cho Mai Huy chứ ạ.. – tôi lo lắng hỏi han.

    - Bà cảm ơn con nhiều lắm nhưng thôi, không cần đâu con ạ, tự ta biết ta chẳng còn sống được bao lâu, đổ tiền vào cái thân già này làm gì cho phí của, biết là tội cho thằng cháu của ta lắm, nhưng mà trời gọi thì phải thưa thôi, biết làm sao hả con..

    Tôi không biết phải nói gì trong hoàn cảnh này nữa.

    - Không biết ta còn có thể gượng nổi qua mùa gió lạnh lẽo này không nữa, tội nghiệp thằng cháu của ta – bà nhìn về phía Mai Huy đang nằm sấp trên sàn nhà, vừa ăn bánh vừa hí hoáy tô vẽ chăm chú - Không biết bà nó mất đi rồi, mẹ nó có động lòng thương hại cho nó, chăm sóc tử tế cho nó không? Mẹ nó sao mà vô tình quá..

    Đuôi mắt nhăn nheo trũng sâu của bà ươn ướt, ruột gan tôi cũng não nề theo. Sao mà cuộc đời này lắm bi ai đến thế!

    Sau đó, tôi bày Mai Huy làm toán một lúc lâu, nó đúng là rất thông minh, lại còn chăm chỉ nữa, tôi mua cho nó một cái đèn học bóng led và một ít đồ dùng học tập, nó thích lắm, cứ mân mê mãi, bà Hồng thì cứ cảm ơn tôi suốt. Tôi ở lại ăn cơm tối với hai người họ xong mới ra về, bao lâu rồi tôi không ăn cơm chung với người khác. Tôi chợt nghĩ đến bố mẹ, cũng đã lâu rồi tôi không về gặp họ, thật ra khúc mắc giữa chúng tôi đã kết thúc từ vụ tai nạn của anh ấy, nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa sẵn sàng để gặp họ. Bố mẹ tôi có lẽ cũng hiểu cho tôi.

    Khi tôi ra về, Mai Huy lẽo đẽo tiễn tôi ra đến ngoài cửa, tôi bảo nó vào nhà đi kẻo phải gió lạnh nhưng nó cứ nài nỉ đi theo kêu tôi ở lại.

    - Cô phải về con ạ! Mai cô còn phải đi làm, cô sẽ quay lại thăm con sớm mà, con yên tâm.

    - Thật ạ, cô nhớ phải tới nhà con chơi nữa nha!

    - Được thôi, cô hứa!

    Nó cười khì khì với tôi, khuôn mặt non trẻ ánh lên vẻ rạng rỡ đáng yêu, đột nhiên nó thơm vào má tôi một cái rồi nói:

    - Cô nhất định phải quay lại chơi với con nha, con sẽ nhớ cô nhiều lắm!

    - Ừ - tôi sực nghĩ ra một điều, liền lôi cây bút trong giỏ xách ra ghi số điện thoại của mình vào một mảnh giấy nhét vào túi áo của Huy rồi nói – Khi nào con nhớ cô cứ ấn số này là gọi được cho cô nha!

    - Dạ, con thương cô nhất trên đời, thua bà ngoại một chút xíu thôi! – Nó nũng nịu nói với tôi, lòng tôi như êm ái đi chín phần.

    - Vậy còn mẹ con thì sao?

    - Con không thương mẹ nữa, mẹ nói sẽ bán con cho người khác.. – nó xịu mặt xuống, giọng nói buồn buồn.

    - Không đâu, mẹ con nói đùa thôi, con đừng có sợ..

    - Dạ, con không sợ đâu!

    - Ừ, con ngoan lắm, thôi tạm biệt con nha, cô về đây.

    Thằng bé vẫy tay chào tạm biệt tôi, bàn tay nhỏ bé tròn trịa vẫy vẫy giữa không trung và nụ cười hồn nhiên của nó làm tâm hồn tôi sung sướng và thoải mái quá đỗi.

    Tôi bắt đầu quay trở lại với công việc ngay sau đó, đồng nghiệp nhìn tôi với ánh mắt ái ngại nhưng tôi không thèm màng đến, và cũng không có thời gian để màng đến, có bao nhiêu vụ đến tay tôi đều nhận cãi. Sếp bảo tôi cứ nghỉ ngơi đến hết tháng nhưng tôi không muốn như vậy, tôi không muốn chạy trốn nữa, tôi phải dần tập làm quen với cuộc sống cô đơn không có anh. Tôi phải trở về là chính mình, chí ít là cái vỏ bọc phải như thế.

    Ngồi trên xe và thong dong lái trở về nhà sau cuộc gặp mặt thân chủ, tôi cảm thấy đầu óc đang rối bời, lại một vụ li hôn rùm beng và rắc rối, quý bà thuê tôi đã có bằng chứng rõ như ban ngày về việc chồng bà léng phéng với cô thư kí trẻ đẹp, nên nhất định đệ đơn ly hôn và đòi đến tám mươi phần trăm tài sản cùng quyền nuôi dưỡng hai đứa con gái, đương nhiên vị đại gia kia không chịu, ông quyết đòi cho được phần hơn tài sản và đứa con gái lớn. Một vụ ly hôn điển hình như bao vụ ly hôn khác của những gia đình lắm tiền nhiều của nhưng tình cảm mục nát trong cái xã hội này. Tôi chỉ để ý đến hai đứa con gái của họ, khi mẹ chúng liên tục sỉ vả ông bố trước mặt chúng, những gương mặt trẻ thơ nhưng đã ngập đầy ảo não và chán chường, tội nghiệp những đứa trẻ, bị lôi vào cuộc tranh chấp cay nghiệt của ba mẹ chúng và bị liệt ngang hàng với nhà cửa, đất đai như những gia tài bị xâu xé. Người lớn làm sai trái để trẻ con phải chịu liên lụy, thật bất công cho chúng.

    Tôi bỗng nhớ đến Mai Huy, thằng bé cũng chính là một nạn nhân tội nghiệp như vậy. Sự ích kỉ, thực dụng và vô tâm của người lớn đã tạo ra nó nhưng không một ai chịu trách nhiệm với thằng bé tội nghiệp, với hậu quả mà mình đã gây ra. Tôi lo lắng thay cho nó, số phận nó rồi đây sẽ ra sao khi bà Hồng, người duy nhất yêu thương nó trên cuộc đời này cũng bỏ nó mà ra đi?

    "Ring.. ring", tiếng chuông điện thoại reo lên kéo tôi ra khỏi những suy nghĩ ngổn ngang, tôi bắt máy, là một dòng số lạ:

    - Alô, có phải cô Ngọc không ạ?

    Tôi giật mình:

    - Là con à, Mai Huy?

    - Dạ! Cô ơi..

    - Con đang ở đâu vậy? Con mượn điện thoại của bà gọi cho cô hả?

    - Cô ơi, bà con, bà con lâu vậy rồi mà vẫn chưa tỉnh..

    Giọng thằng bé run run như sắp khóc, tôi cũng chợt thấy bồn chồn lo lắng theo:

    - Bà con bị sao? Con nói cô nghe con đang ở đâu?

    - Dạ, ở bệnh viện.. bà bị ngất xỉu.. con sợ lắm..

    - Bệnh viện nào hả con?

    - Con.. con không biết.

    - Có người lớn nào đang ở đó không? Con đưa điện thoại cho người đó nói chuyện với cô!

    Tôi phải nói đến lần thứ hai thằng bé mới ngập ngừng di chuyển, nó chuyển máy cho một giọng nữ, hình như là một cô ý tá, tôi chỉ ghi nhớ được tên bệnh viện rồi đạp ga lao đến ngay.

    Hóa ra cơn bệnh của bà Hồng do gặp thời tiết chuyển mùa nên trở nặng đột ngột, vừa đón Mai Huy tan học ra thì ngã quỵ xuống đường, may có những người xung quanh tốt bụng đưa vào bệnh viện. Thằng bé trong lúc hoảng hốt đã lấy điện thoại của bà gọi cho mẹ nhưng mẹ nó không nghe máy, liền nhớ ra mà gọi cho tôi. Tôi chạy đến, nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe ươn ướt của nó, chỉ biết ôm nó vào lòng mà an ủi:

    - Con đừng lo, bà con không sao đâu!

    - Bà bị bệnh nặng lắm hả cô? Con nghe bác sĩ nói rồi..

    Lúc nãy, tôi nói chuyện với bác sĩ, có lẽ nó đã nghe lỏm được. Thật ra tôi cũng không muốn giấu nó chuyện tình trạng của bà nó đã xấu đi rõ rệt, chỉ là tôi vẫn chưa biết phải nói với nó như thế nào. Nhưng rốt cuộc tôi cũng chẳng cần phải nói điều gì, vì chính nó trước giờ vẫn luôn là đứa bé hiểu chuyện.

    - Ừ, nhưng bà con sẽ vượt qua thôi mà, bà sẽ không bỏ rơi con đâu, Mai Huy hãy cầu nguyện cho bà đi con!

    Thằng bé chấp tay cầu nguyện ỉ ê trong lòng tôi, nhìn khuôn mặt đáng thương của nó, tôi cũng không biết tôi có nên cầu nguyện chung với nó hay không, nếu Chúa đã thực sự muốn gọi một người ra đi, cầu xin van nài phỏng còn có ích gì?

    Bà Hồng đã tỉnh dậy nhưng sắc mặt nhợt nhạt và thân thể yếu ớt của bà như thể báo hiệu rằng chủ của nó có thể ra đi bất cứ lúc nào. Đến ngày thứ ba mà tôi vẫn chưa liên lạc được với Lan, vì thế tôi đành phải chuyển vụ li hôn đang dang dở sang cho đồng nghiệp để dành thời gian ở lại bệnh viện chăm sóc hai bà cháu. Mai Huy cứ nằng nặc đòi ở bên bà nó nhưng bà không chịu và nhất quyết bắt nó đến trường. Nhân một lúc thằng bé đã đi học, bà Hồng gượng dậy nói chuyện với tôi, giọng nói vốn khản đục của bà giờ chỉ còn có thể thì thào:

    - Bà thật ước gì con là con gái của bà! Bà cám ơn con nhiều lắm, kiếp này bà chỉ tiếc không trả được ơn nghĩa cho con..

    - Bà đừng nói như vậy, con thật sự thấy thương bà lắm..

    - Ta không ngờ đến cuối đời này ta vẫn có thể gặp được người tốt như con, nếu ta có ra đi..

    - Bà đừng nói gở, bà không thể để Mai Huy lại một mình..

    Bà lên cơn ho khùng khục dữ dội, trông rất khổ sở, càng lúc mặt càng tái xanh.

    - Thân bà bà tự biết con ạ, bà chẳng sống được lâu nữa đâu, nay mai là bà về với Chúa thôi, bà chỉ lo cho thằng cháu của bà, tội nghiệp nó – Bà nói như sắp khóc - bà đi rồi, con.. con có thể thương bà, giúp bà một chuyện được không?

    - Vâng ạ, bà cứ nói đi ạ, con sẽ giúp bà..

    - Con, con hãy thương tình bà mà quan tâm đến Mai Huy cho bà với, bà biết con là người nhân từ, lại có học thức, văn minh, nếu con Lan không chịu nuôi nó hay có đối xử với nó không ra gì, con.. con hãy đem nó vào gửi ở cô nhi viện giúp bà.. các sơ sẽ nuôi nó.. nó ở đó sẽ tốt hơn..

    - Bà ạ..

    - Ở với con mẹ nó, nó sẽ không thành người được, con.. con hãy giúp bà.. được mà phải không con?

    Tôi buồn bã gật đầu với bà, bà thà để cháu mình không có mẹ còn hơn để nó có một người mẹ còn không coi sự tồn tại của nó ra gì. Bà nói đúng, giả sử Lan có chịu nuôi nấng Mai Huy thì liệu ở với người đàn bà như vậy, thằng bé làm sao có thể trở thành người lương thiện. Tấn bi kịch đau lòng này thật khiến người ta thương tâm.

    Đến ngày thứ sáu thì Lan cuối cùng cũng xuất hiện, vẫn dáng vẻ điệu đà và lớp trang điểm công phu ấy, hai mẹ con họ nói chuyện với nhau một lúc lâu rồi cuối cùng cũng kết thúc bằng việc bà Hồng quơ đổ hết đồ đạc trên bàn trong cơn tức giận. Tôi vội chạy vào thì nghe bà Hồng quát lên trong tức tưởi:

    - Con mất dạy, mày coi ba mẹ mày không ra gì thì chớ, bây giờ đến đứa con mày dứt ruột đẻ ra mà mày cũng muốn đem đi bán cho người ta thì mày cũng không bằng loài cầm thú..

    - Đúng rồi, tôi không bằng loài cầm thú, thế thì bà là cái gì đây? Bà nói thử xem bà đã làm cho tôi được cái gì, đời tôi ra nông nổi này cũng do ông bà mà nên..

    - Mày.. mày gây ra điều gì thì phải lãnh điều ấy, bây giờ còn tính đổ cho ai?

    - Tất cả là tại ông bà, bà thử nghĩ xem nếu ngày đó ông bà cho tôi phá thai thì giờ đời tôi đã khác rồi, phá thai thì sao chứ, mấy cái lề luật giáo điều của ông bà có đem lại danh vọng tiền bạc cho tôi không, mẹ kiếp, nếu tôi không đẻ ra cái của nợ đó thì tôi đã có thể lấy thằng cha giàu sụ kia rồi hưởng vinh hoa phú quý rồi, giờ thì ai cũng biết tôi chửa hoang có một đứa con trai, ma nào dám lấy tôi nữa?

    - Mày.. mày.. tiền bạc đối với mày quan trọng đến vậy sao?

    Lan như thật sự đang gào lên:

    - Đúng vậy, bà thử nhớ lại xem có bao giờ bà sắm được cho tôi những thứ tôi thích chưa, từ nhỏ đến lớn, tất cả những gì tôi muốn, son phấn, quần áo, xe cộ, tất cả đều phải tự tay tôi làm ra, ông bà chưa bao giờ cho tôi được cái gì hết, bà biết cái cảm giác nhục nhã khi bị bạn bè chê cười vì bận đi bận lại một chiếc áo dài lỗi thời không, bà biết cái cảm giác hổ thẹn khi bạn bè ai cũng có trang sức son phấn điểm xuyến còn mình thì như thứ con gái bần cùng không, bà biết cảm giác tức tưởi khi lũ bạn cặp kè hẹn hò với nhau còn tôi thì phải lủi thủi đi đi về về một mình vì bị cha mẹ cấm đoán không, bà biết khoảng thời gian sống với ông bà tôi như đang ở trong địa ngục không? Bà không biết đúng không? Bà chỉ có biết dán mắt vào cuốn Kinh Thánh của bà mà thôi, bà chỉ có biết Chúa của bà mà thôi, bà muốn sống thanh sạch bần hàn nhưng mà tôi không muốn, tôi muốn giàu sang, sung sướng kia, vậy thì bà cứ sống đạo mạo thánh thiện đi cho hết đời đi, tôi có chết cũng mặc tôi, tôi làm gì cũng mặc tôi..

    - Vậy còn Mai Huy thì sao? Nó có tội tình gì? – Bà già khốn khổ giờ chỉ còn có thể gắng sức mà thều thào trong cổ họng.

    - Nó đáng lẽ ra không nên xuất hiện trên cõi đời này, là tại ông bà đã cố chấp đòi giữ nó cơ mà! Bà thương thằng bé đó như vậy sao, sao ngày xưa bà không thương tôi được một phần như nó? – Giọng cô ta càng ngày càng cay đắng - Bà không cần phải lo đâu, nó là con tôi, tôi sẽ tự liệu cho nó..

    Nói xong cô ta quệt hàng nước mắt chảy dài trên gương mặt méo mó vì tức giận, quay ngoắt bỏ đi. Bà Hồng mệt mỏi vật ra giữa giường bệnh, thở hổn hển. Mẹ con họ cố chấp ý như nhau, vì họ không hiểu nhau. Tôi thở dài, hóa ra giữa mẹ con họ đã có nhiều uẩn khúc đến như vậy. Có lẽ Mai Huy tội nghiệp đã sinh vào nhầm gia đình rồi, giống như mẹ của nó vậy, có gì đau đớn hơn khi cha mẹ ta không hiểu những gì ta cần và không cho những gì ta muốn, đáng buồn cho những ai có gia đình nhưng không thể dựa dẫm.

    Ngày đó tôi cũng đã giận bố mẹ tôi đến như thế, khi họ ngăn cản tôi hẹn hò với anh. Tôi cũng đã bỏ nhà đi và tự định đoạt cuộc đời mình như Lan, nhưng tôi may mắn hơn cô ta vì tôi không chọn sai người. Song rốt cuộc, cả hai chúng tôi cũng chẳng ai hạnh phúc hơn ai.

    Sáng hôm sau, bà Hồng qua đời, trong lặng lẽ và trăn trở. Tôi biết bà đã tiếc nuối rất nhiều điều và cũng lo lắng rất nhiều điều. Nhưng vận mệnh con người có hạn, bà đành phải gác lại những suy tư đó cho những người ở lại mà ra đi. Lan đem thi hài của bà về nhà an táng, tôi hơi bất ngờ khi cô ta cuối cùng cũng tổ chức cho bà một cái đám tang theo đúng lệ Công giáo. Cô ta đang hoàn thành nghĩa vụ cuối cùng của một người con đối với người mẹ sùng đạo của mình, nó sẽ khiến cho người phụ nữ ấy cảm thấy thoải mái hơn, có lẽ vậy.

    Mai Huy không đau buồn quá thương tâm như tôi tưởng, có lẽ nó đã chuẩn bị tâm lý trước cho ngày này, nghe thật khó tin đối với những đứa trẻ mới mười tuổi đầu khác, nhưng riêng với nó thì hoàn toàn có khả năng. Giá mà nó khóc lóc ỉ ôi, tôi sẽ dỗ dành nó. Nhưng nó chỉ ngồi trầm ngâm như thế suốt mấy ngày liền, mắt dán vào chuỗi hạt màu ngọc bích trên tay, quà tặng cuối cùng bà nó đã để lại cho nó, tôi thực sự không biết nó đang nghĩ gì.

    - Mai Huy, con có buồn không?

    - Có một chút ạ..

    - Một chút thôi sao con?

    - Dạ, bà đã bảo là bà sẽ về với Chúa, bà sẽ đến một thế giới tốt đẹp hơn, bà dặn con không nên buồn phiền khóc lóc làm gì..

    - Ừ, bà con nói đúng..

    - Nhưng con vẫn cảm thấy thương bà lắm cô ạ, con không được nhìn thấy bà nữa, con không biết phải làm sao.. - thằng bé cúi gằm mặt xuống đất, giọng nói buồn rầu đáng thương – Nhưng mà con không muốn làm cho bà giận, nên con sẽ không khóc..

    - Bà sẽ không giận con chỉ vì con khóc thương bà đâu, bà luôn biết con là đứa trẻ mạnh mẽ mà..

    - Thật hả cô? - thằng bé ngước đôi mắt ngấn nước lên nhìn tôi.

    - Ừ, nếu thấy buồn con hãy cứ khóc đi, hết nước mắt rồi thì con mới mạnh mẽ được..

    Thế là thằng bé sụt sùi khóc trong vòng tay tôi, tôi xoa đầu cảm thương cho nó, nó đã chịu quá nhiều thương tổn trong tâm hồn bé bỏng, tôi không biết phải làm sao mới giúp được nó đây.

    Xét cho cùng, tôi vẫn chỉ là người dưng nước lã, và mẹ nó thì vẫn còn ở đó, mặt lạnh như tờ, người phụ nữ đó mới là người phải có trách nhiệm với nó, hơn ai hết, rồi nó sẽ phải hiểu tất cả những điều đó.

    Hôm qua anh trai tôi gọi điện báo tin bố tôi trở trời ốm nặng, tôi đành phải từ giã Mai Huy mà về nhà bố mẹ tôi ở bên kia thành phố. Ông không nói với tôi điều gì, và tôi cũng vậy, hai chúng tôi chỉ lẳng lặng đối diện nhau bằng ánh mắt đầy ắp tâm sự, nhưng rốt cuộc cũng chỉ có thể thốt lên những lời nhạt nhẽo, vô cảm. Tự bao giờ mà khoảng cách giữa tôi và bố đã xa xôi đến như vậy, tôi cũng không biết mình có nên buồn vì điều đó không. Tôi ở lại nhà bố mẹ cho đến khi tôi nhận thấy sức khỏe của bố tôi đã ổn định trở lại và ông đã có thể ra đường tập dưỡng sinh như mọi khi. Mẹ tôi thì cứ liên tục giục tôi quay trở lại văn phòng làm việc, bà ấy luôn miệng bảo tôi cứ sống và làm những gì tôi thấy thoải mái, không cần phải bận tâm về ai nữa, miễn là tôi cảm thấy hạnh phúc. Bố tôi thì vẫn trầm mặc như thế nhưng qua ánh mắt, tôi đã thấy rõ sự đồng tình của ông đối với những lời của mẹ tôi. Kí ức về khoảnh khắc chúng tôi cãi vã lớn tiếng khi họ bắt tôi lấy một người đàn ông mà tôi không yêu đến nỗi bố đã từ mặt tôi, và tôi đã cuốn gói ra khỏi nhà ngay vào lúc đó như chưa từng tồn tại trong gia đình này. Hai người họ đã thực sự thay đổi.

    Tôi bỗng thấy nhớ thằng bé Mai Huy da diết, cho dù vẫn chưa tìm ra được lý do gì để gặp con trai của người phụ nữ khác, nhưng vừa về đến thành phố, tôi vẫn cho xe chạy thẳng ra đến ngoại ô.

    Con ngõ nhỏ vẫn im ắng như mọi khi, vào một ngày gió bấc thổi lành lạnh như thế này thì không gian lại càng tê tái, ão não, cho dù có là ban ngày hay ban đêm, như thể nơi đây vốn dĩ chỉ có một gam màu xám xịt như thế. Căn nhà cũ kĩ ấy vốn dĩ đã hiu quạnh bây giờ trông lại càng u ám hơn, tôi ngó nghiêng từ bên ngoài vào, đằng hắng một tiếng:

    - Có ai ở nhà không?

    Có tiếng trẻ con reo lên, như thể hơi ấm vừa bùng lên trong khoảnh khắc lạnh lẽo này.

    - Cô Ngọc!

    Thằng bé nhào vào lòng tôi, tôi ôm nó trong vòng tay, nhìn cho rõ khuôn mặt hồn nhiên của nó, nhưng nó đã gầy rạc đi nhiều rồi, trẻ con ốm đi hay béo lên, chỉ cần liếc mắt là nhìn ra được.

    - Ừ, con có khỏe không? Cô có mua bánh đến cho con nè!

    - Con cám ơn cô! - Thằng bé tíu tít nhận lấy túi bánh kẹo trong tay tôi nhưng ngập ngừng hẳn đi khi tiếng mẹ nó vang lên sau lưng, đầy cáu bẳn.

    - Chào cô! Không biết cô đến đây có việc gì? – Ánh mắt của Lan đầy khó chịu khi nhìn tôi, tôi cố gắng giữ giọng lịch sự nhất có thể.

    - Tôi đến thắp hương cho bà ấy! – Tôi mặc nhiên đi vào nhà, thắp một nén nhang cho bà Hồng, trong lòng dâng lên niềm bồi hồi khó tả - Và thăm Mai Huy nữa, đúng không con?

    Thằng bé cười với tôi nhưng nụ cười không còn tự nhiên nữa trước cái liếc mắt sắc lẹm của mẹ nó.

    - Ừ, rất cảm ơn cô, nhưng có lẽ sau này cô không cần phải đến đây nữa đâu!

    - Ý cô là gì?

    - Tôi sẽ chuyển đi.

    - Kể cả Mai Huy?

    - Đương nhiên.

    - Không phải cô định đem bán thằng bé cho nhà nào đấy chứ? – Tôi cố ý nhấn mạnh lời này và quan sát sắc mặt cô ta. Biểu cảm của Lan thay đổi chút ít trên đôi mắt dặm phấn kĩ càng, nhưng giọng nói vẫn chua chát như cũ.

    - Cô nói thế là có ý gì? Và đó cũng không phải là chuyện của cô, nó không có quan hệ gì với cô hết.

    Cô ta đã nói đúng mấu chốt, tôi chẳng có quyền gì can dự vào chuyện của mẹ con họ.

    - Cô đừng quên thằng bé là con ruột của mình.

    - Tôi tự biết điều đó, không khiến cô phải dạy đời! - giọng cô ta càng lúc càng dữ dằn.

    - Tôi không đến đây để cãi nhau – tôi liếc nhìn thằng bé đang bối rối đứng một góc – tôi muốn nói chuyện với Mai Huy một lát!

    Thằng bé ngước nhìn tôi, tôi mỉm cười với nó, đưa tay kéo nó đi ra ngoài, mẹ nó cũng không có biểu hiện gì từ chối ngoài một cái nhìn đầy đe dọa với thằng bé. Tôi chợt nghĩ, tim gan cô ta đúng là làm bằng sắt đá.

    - Khi nào thì con và mẹ rời đi?

    - Ngày mai ạ.

    - Hả? Sao gấp vậy?

    - Con không biết, có lẽ tại ông già kia..

    - Ông già nào?

    Thằng bé biết mình lỡ lời nhưng vẫn ngập ngừng nói tiếp:

    - Ông ta hay đến nhà tìm mẹ con vào buổi tối.. hôm trước con đã nghe ông ta nói với mẹ về chuyện đi theo ông ta..

    - Con có muốn đi với mẹ con không?

    - Dạ? - thằng bé bất ngờ trước câu hỏi của tôi nhưng rồi nó cúi gằm mặt xuống đất - Dạ có..

    - Vì sao? Không phải con nói không thích ở với mẹ hay sao? Mẹ sẽ đánh con, mắng con, hắt hủi con cơ mà..

    - Không ạ, mẹ hết đánh con rồi ạ! - thằng bé lí nhí trong cổ họng.

    - Thật không?

    - Thật ạ..

    - Nếu con không muốn đi với mẹ, nói cho cô biết, cô sẽ đưa con vào cô nhi viện, ở đó các sơ sẽ chăm sóc con..

    - Không, con không muốn ạ..

    Tôi thở dài, suy cho cùng, có đứa trẻ nào lại muốn phải vào viện mồ côi.

    - Nhưng ở với mẹ con, con sẽ phải chịu khổ..

    - Mẹ nói đó là do con đáng đời..

    - Lỡ mẹ bán con cho người khác thì sao?

    - Cô ơi, nếu đó là số kiếp Chúa đã ban cho con, thì con buộc phải nhận lấy, bà con đã dặn như vậy.

    Tôi thật sự bất lực, tôi không hiểu thằng bé đang nghĩ gì, bao nhiêu hoa ngôn lộng ngữ trong đầu của tôi đã tan biến trước đôi mắt u buồn của nó, một kẻ luật sư như tôi cảm thấy thất bại vô cùng khi không thể thuyết phục được một thằng bé mười tuổi.

    - Cô sẽ rất nhớ con!

    Tôi nắm chặt lấy tay thằng bé, bàn tay nó run run và giọng nói của nó cũng thế.

    - Con cũng sẽ rất nhớ cô! Con.. con có thể gọi điện thoại cho cô không?

    - Được chứ con, bất cứ lúc nào con cần cô giúp đỡ.

    - Vâng ạ.. con cám ơn cô..

    Nó có vẻ vẫn còn chuyện muốn nói nhưng Lan đã quát nó vào nhà, tôi chỉ đành ngậm ngùi tạm biệt thằng bé sau khi đã nhìn ngắm nó thật kĩ. Nó đưa tay vẫy chào tôi, nụ cười vẫn hồn nhiên như thế.

    Tôi không dám ngoái lại lâu vì sợ mình sẽ rơi nước mắt, lái xe vụt đi trên con đường hiu hắt, tôi cảm thấy như vừa đánh mất thêm một thứ quan trọng của đời mình.

    Có lẽ nào đây là lần cuối cùng tôi gặp Mai Huy?

    Có lẽ nào thằng bé và tôi chỉ thoáng qua cuộc đời nhau như một cơn gió, chỉ kịp vội ghé ngang thoáng chốc như vậy?

    Có lẽ nào tôi chỉ có thể tận hưởng sự bình yên trong cõi lòng sau bao nhiêu đau khổ một chút vậy thôi sao?

    Tôi không cam tâm.

    * * *

    Lại một đêm lạnh lẽo điếng người.

    Cơn gió ẩm ướt đặc trưng của thời khắc giao nhau giữa mùa khô và mùa mưa thổi phần phật tà áo choàng của tôi bay trong đêm yên lặng.

    Tiếng những luồng gió thổi rì rào trên những tán cây nghiêng ngả và tiếng từng trận lá đổ xuống xào xạc dưới chân vang lên trong không gian ảm đạm tĩnh mịch.

    Hai bàn tay tôi bắt đầu se se tê tái và những bước chân bắt đầu chệnh choạng nhưng tôi mặc kệ, sóng gió trong lòng ta đã là gì khi ngoài kia bao la là bão tố.

    Ánh sáng vàng khè từ mấy cái bóng đèn đường cổ điển có lẽ chỉ có ở khu nhà cũ kĩ này hắt lên những bức tường cái bóng to lớn bất đắc dĩ của tôi, và soi rõ cho tôi thấy bóng dáng nhỏ nhoi cô độc của thằng bé đang co ro một góc trước cửa nhà, bên cạnh những chậu cây đổ vỡ lăn lóc.

    Gió càng lúc rít càng mạnh, như muốn thổi bay và trút hết những thứ trên bầu trời xuống mặt đất, những chiếc lá mỏng manh rơi lả tả trong gió cuồn cuộn, kết thúc cuộc đời nhạt tuếch của nó bằng một vũ điệu lả lơi đáng ghi nhận trong không trung.

    Tôi đưa tay chạm vào thân thể đang run lên vì lạnh của Mai Huy, choàng chiếc áo lông cừu của tôi sang cho nó, mặc dù tôi cũng đang cứng cả người vì lạnh. Thằng bé đã thiếp đi trong cơn mộng mị đáng thương, những vết lằn roi trên tay và vai nó làm tôi đau đớn. Tôi gọi nó tỉnh dậy, nó dụi mắt hai ba cái rồi sờ vào tay tôi như lo sợ tôi chỉ là một ảo ảnh trong giấc mơ đơn sơ của nó. Rồi nó mỉm cười, nụ cười ấm áp trẻ thơ làm tôi quên đi cả cơn giá lạnh đang len lỏi trong từng thớ da thịt.

    Tôi nhớ đến nụ cười của anh ngày đó cũng đã cho tôi cảm giác ấm áp như thế.

    Tôi đã đánh mất anh, nên tôi sẽ không đánh mất hạnh phúc của mình thêm lần nào nữa.

    Tôi sẽ bằng mọi cách để được nhận nuôi Mai Huy, cho dù phải chi cả gia tài cho những con người độc ác đó. Họ cần tiền, tôi sẽ cho họ tiền, còn tôi, tôi chỉ cần hạnh phúc, hạnh phúc cho tôi và cho cả con trai bé bỏng của tôi.

    - Đi thôi nào con, Mai Huy!

    Và sẽ chẳng còn gì sau cơn bão tố khi ta biết góp nhặt tất cả vào trong tà áo của mình. Và khi ta biết nắm bắt tất cả rồi, ta sẽ chẳng để lỡ hạnh phúc thêm một lần nào.

    ***

    Hết​
     
    Last edited by a moderator: 5 Tháng ba 2021
  2. Đăng ký Binance
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...