Văn chương chính là nốt trầm sâu lắng trong bản nhạc cuộc sóng muôn giai điệu. Từ xưa đến nay vẫn luôn vậy, văn chương luôn sống một cuộc đời cao đẹp gắn liền với con người và kết tinh những giọt ngọc của thời đại. Tất cả những giá trị đó đã thăng hoa cùng với ngòi bút của nhà văn Kim Lân tạo nên truyện ngắn "Vợ nhặt" vô cùng độc đáo. Tác phẩm là bức tranh miêu tả nạn đói năm 1945, vừa là bà ca ca ngợi niềm tin và sức sống của con người ngay trên bờ vực của cái chết thông qua hình tượng nhân vật Tràng. Và bài ca ấy được tác giả gửi gắm thông qua sự thay đổi về tâm trạng của anh trong đoạn trích "Sáng hôm sau.. căn nhà". Kim Lân là cây bút viết truyện ngắn xuất sắc của nền văn học hiện đại Việt Nam. Nhắc đến ông là nhắc đến người con đẻ của đồng ruộng, một lòng đi về với đất với thuần hậu nguyên thủy của con người (Nguyên Hồng). Ông thường gửi gắm ngòi bút cùa mình vào mảnh đất cuộc sống và con người vùng đồng bằng Bắc Bộ khó khăn, vất vả. Và truyện ngắn "Vợ nhặt" chính là trái ngọt to lớn sau vụ thâm canh mà ông thu được từ mảnh đất ấy. Tiền thân của truyện là tiểu thuyết "Xóm ngụ cư" nhưng do chiến tranh dang dở, tác giả bị mất bản thảo. Đến tận năm 1954, hòa bình lập lại Kim Lân đã dựa vào cốt truyện cũ để viết truyện ngắn "Vợ nhặt", in trong tập "Con chó xấu xí" (1962). Vì thế tác phẩm không chỉ là kết quả của quá trình suy ngẫm, gọt giũa cả về nội dung lẫn hình thức mà còn mang âm hưởng lạc quan của thời đại mới. Lấy cảm hứng từ nạn đói năm 1945, cái năm mà thần chết đem cái đói gõ cửa từng nhà, len lỏi vào từng ngõ ngách, tạo nên một khung cảnh thê lương ảm đạm, Kim Lân đã phát hiện ra sự sống và khát khao sống, khát khao tình yêu thương của con người Việt Nam. Anh cu Tràng là nhân vật chính mà tác giả xây dựng, tập trung thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Hình tượng nhân vật ấy hiện lên là một người dân lao động có cảnh ngộ và số phận đáng thương. Anh còn là một sản phẩm không hoàn hảo của tạo hóa: "Hai mắt nhỏ tí, quai hàm bạnh ra, lưng vập vạp như con gấu" đã vậy anh còn hở hơi "hay ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch." Ở anh hội tụ đủ những nguy cơ ế vợ. Thế nhưng, Kim Lân đã đặt anh vào một tình thế éo le ngang trái "Tràng nhặt được vợ" chỉ bằng vài câu bông đùa và mấy bát bánh đúc. Thế là Tràng "nhặt" được vợ giữa nạn đói hoành hành và tình huống ấy đã diễn tả một cách đặt sắc bước ngoặt thay đổi trong cuộc đời anh, thổi vào cuộc sống anh một làn gió mới mang tên hạnh phúc. Đoạn trích "..." Đã thể hiện rõ tâm trạng của Tràng trong buổi sáng đầu tiên anh có vợ. Trong buổi sáng đầu tiên có vợ, người phu chữ đã tập trung miêu tả niềm hạnh phúc của nhân vật Tràng. Không còn là anh cu Tràng với vẻ mặt đăm đăm, mệt mỏi nữa mà sau đêm tân hôn, ta bắt gặp một anh Tràng hoàn toàn khác: "Vui vẻ và sung sướng." Mặt trời lên bằng con sào Tràng mới dậy ", anh như chìm đắm, say sưa vào giấc mộng có vợ. Nhưng một điều bất ngờ là Tràng trở dậy với dáng vẻ khoan khoái lạ thường" trong người êm ái, lửng lơ như vừa ở trong giấc mơ đi ra. Từ "êm ái, lửng lơ" kết hợp với bptt so sánh đã tô đậm tâm trạng hân hoan tột độ của anh Tràng khờ khạo ngày nào. Có thể nói tình yêu chính là liều thuốc tinh thần hiệu quả nhất cho những người nông dân nghèo khổ. Sau khi có được tình yêu, Tràng như mang trong mình một niềm vui to lớn mà chính hắn "ngỡ ngàng như không phải" Anh ngờ ngợ về việc mình có vợ, đó cũng là cảm xúc bình thường bởi tình yêu đến với anh một cách quá đột ngột mà chính anh Tràng cũng không định hình được. Bước ra từ giấc mơ này, Tràng lại đi vào giấc mơ khác, anh đi từ ngạc nhiên này đến ngại nhiên khác khi chứng kiến sự thay đổi của cảnh vật xung quanh mình. "Hắn chắp hai tay lững thững bước ra ngoài sân." Không còn là bước đi mệt mỏi luồn qua xóm ngụ cư hay cái dáng vạt áo một bên nữa mà sáng hôm sau, Tràng trở nên oai phong, mang phong thái rất ung dung. Đập vào mắt anh lúc này là không gian vô cùng trong lành thoáng đãng, mang đúng nghĩa của một ngôi nhà "Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung hoành ngay lối đi đã hót sạch". Căn nhà dường như được khoác lên mình một chiếc áo mới, trở nên có sinh khí, có sự sống khiến Tràng không khỏi bất ngờ. Mới hôm qua thôi anh vừa thanh minh vừa gửi gắm trách nhiệm lên thị "nhà cửa không có đàn bà nó thế đấy", hôm nay anh đã được chứng kiến một khung cảnh vô cùng ấm áp, mới mẻ gọn gàng. Những cảnh tượng ấm cúng cứ lần lượt hiện ra trước mắt anh cu Tràng: "Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất". Chỉ là một cảnh tượng thật giản dị, nhưng lại khiến cho Tràng thấy cảm động. Như vậy chỉ bằng vài ba nét bút, hình ảnh, nhà văn Kim Lân đã cho người đọc thấy được tâm trạng vui mừng, sung sướng, ngỡ ngàng, choáng ngợp của nhân vật chính trong sáng ngày hôm sau. Văn học là tiếng nói của tình cảm, là thư kí trung thành của trái tim. Chính vì vậy mà ngòi bút của tác giả đã diễn tả một cách sinh động và chân thật từng cung bậc cảm xúc, suy nghĩ trong nhân vật Tràng. Anh nhìn mẹ nhổ cỏ rồi lại nhìn vợ quét sân, nghe rõ từng tiếng chổi kêu sàn sạt. Không có câu chuyện cổ tích nào ở đây cả mà điều Tràng nhìn thấy và cảm nhận thấy được chính là sự vun vén, chăm sóc của hai người phụ nữ thân yêu. Để từ đó Tràng bắt đầu ý thức được bổn phận và trách nhiệm của mình đối với mái ấm gia đình. Trong giây phút hân hoan ấy, anh đã nghĩ về một tương lai xa xôi, tất cả sự buồn bã, chết chóc của nạn đói đã được đẩy lùi về sau chỉ còn lại vầng dương sáng chói tỏa khắp đất trời, trong lòng nhân vật. Không chỉ trưởng thành trong suy nghĩ mà sự trưởng thành ấy còn đến từ hành động: "Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để góp phần tu sửa căn nhà". Anh ta đã "xăm xăm" chạy đi không hề e dè ngần ngại, anh muốn góp sức mình, hoàn thành trách nhiệm của một người đàn ông trong gia đình là xây dựng nhà cửa. Nhân vật ấy không còn chấp nhận cuộc sống tạm bợ nữa mà chuẩn bị sửa soạn cho một cuộc sống dài lâu, cho những tháng ngày hạnh phúc phía trước. Cái ước muốn "cùng vợ sinh con đẻ cái ở đây. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng" của Tràng có sự tương đồng với ước muốn của Chí Phèo sau đêm tình với Thị Nở. Chí thèm được lương thiện, "hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ ra một con lợn nuôi làm vmốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng". Cả Tràng và Chí sau khi có được hạnh phúc đều được thức tỉnh, đã thay đổi, muốn vượt qua mọi nghịch cảnh để tạo ra một gia đình đúng nghĩa. "Bây giờ hắn mới thấy hắn lên người". Chữ "nên người" nghe mà cảm động biết bao, bây giờ Tràng mới là con người bởi trước đây anh chỉ tồn tại chứ không được sống, thiếu thốn tình cảm của cha, anh vô tình quên đi hạnh phúc bên người mẹ già và lúc này đây anh mới thấy mình là người, là "nên người". Để rồi anh biết trọng trách của một trụ cột gia đình biết chăm lo, suy nghĩ, cho cái tổ ấm, đó là suy nghĩ thật đáng khen. Dù Thị là người theo không anh về làm vợ nhưng anh không hề khinh rẻ người đàn bà ấy mà ngược lại anh luôn biết ơn, trân trọng thị. Quả thật với những chuyển biến tâm lý mà tác giả kì công miêu tả đã khiến cho tác phẩm toát lên vẻ đẹp rực rỡ, mang chiều sâu và sức hút khó cưỡng. "Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó, nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở những cung bậc tình cảm chứ không phải là cái tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy" (Nguyễn Khải). Truyện ngắn "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân là tác phẩm như thế. "Người kĩ sư ngôn ngữ" ấy đã đốt hết mình vì nghệ thuật, đã dựng lại được bức tranh hiện thực đương thời chỉ bằng ngôn từ, hình ảnh không quá chau chuốt, mượt mà nhưng mang lại hiệu quả cao. Văn phong của ông thì giản dị, mộc mạc, gần gũi như chính những người dân quê. Ông đã nhặt nhạnh những tinh hoa của cuộc đời, những trớ trêu mà cuộc sống giấu sau những cái đẹp, gội rửa qua lăng kính của mình hình thành nên truyện ngắn. Đặc biệt ta không thể không nhắc đến nghệ thuật xây dựng nhân vật và tình huống truyện độc đáo cùng tài năng miêu tả tâm lý tinh tế, qua đó nhà văn đã lột tả đầy đủ mọi tâm trạng của Tràng sau khi có được vợ. Từ đó tìm thấy được hạt ngọt trong tâm hồn của anh cu Tràng, đồng thời thể hiện niềm trân trọng, cảm thông với những ước mơ, khao khát hạnh phúc của những con người có số phận bất hạnh trong nạn đói năm Ất Dậu. Đó cũng chính là giá trị nghệ thuật cao cả và giá trị nội dung sâu sắc của tác phẩm. Nhà văn Aimatov đã từng nhận định rằng: "Một tác phẩm chân chính không bao giờ kết thúc ở trang cuối cùng". Bởi lẽ khi trang sách đóng lại, tác phẩm mới thực sự đang sống, sống với những trăn trở và tình cảm của người đọc. Đứng trước sự băng hoại của thời gian, những trang truyện ngắn thấm đẫm nhiệt huyết của Kim Lân sẽ đọng lại mãi trong tâm khảm mỗi độc giả bởi cách nghĩ, cách cảm, cách nhìn đời của tác giả từ đó tạo nên sức sống trường tồn cho tác phẩm.