Tự Truyện Tâm Trạng Của Cô Gái Tuổi 20 - Tiểu Trần

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi trannhung, 17 Tháng bảy 2021.

  1. trannhung

    Bài viết:
    26
    Tâm Trạng Của Cô Gái Tuổi 20

    [​IMG]

    Tác giả: Tiểu Trần

    Link thảo luận - góp ý: [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm sáng tác của Tiểu Trần

    Dạo gần đây cô luôn cảm thấy mệt mỏi. Mệt mỏi vì gia đình, vì bạn bè, vì các mối quan hệ xung quanh cô hay mệt mỏi về chính bản thân cô. Ở cái tuổi hơn mười chín, gần 20 cô bỗng cảm thấy có thật nhiều tâm sự. Cô lạ lẫm với tất cả mọi người, kể cả bản thân mình. Cô nhớ lại khoảng thời gian còn nhỏ của cô, về quá trình cô trưởng thành. Cô không biết cả quãng đường đời 19 năm đó cô có bao nhiêu cái là hạnh phúc, bao nhiêu cái là đau khổ.

    Cô có một gia đình với đầy đủ bốn người. Bố và mẹ cô đều là công nhân với thu nhập bình thường. Trên cô có một anh trai hơn cô 5 tuổi. Gia đình là thứ mà cô trân trọng nhất, không biết là từ lúc nào, đối với cô mà nói gia đình là tất cả, là điều duy nhất cô hướng về va phấn đấu giữ lấy nó. Cuộc sống của cô những năm đầu đời trải qua rất hạnh phúc bởi cô là trẻ con mà trẻ con thì làm gì biết cái gì là đau khổ chứ.

    Năm cô học lớp một, lần đầu thi vì viết sai khoảng cách của chữ "Ch" mà được 8 điểm cô đã buồn rất lâu. Về đến nhà cô trốn vào một góc nhỏ, thu mình lại khóc lớn đến nỗi cả nhà đều lo lắng tưởng rằng cô bị làm sao, khi nói ra lý do cô còn được mẹ động viên, xoa đầu nói không sao. Cô cảm thấy hạnh phúc.

    Rồi thời gian trôi đi cô đã lên lớp 4 cái tuổi mà cô cứng đầu và khó bảo nhất trong suốt quãng đời đi học của mình. Cô không thích học, không làm bài tập và học kì 1 năm lớp 4 đó cô không được học sinh giỏi vì toán chỉ được 6. Cô không dám mang bài kiểm tra về cho mẹ ký còn nói dối là cô chưa phát cho đến khi cô giáo gọi điện về nhà mẹ mới biết. Mẹ không đánh cô, không mắng cô, nói cô chuẩn bị thật nhanh mang bài kiểm tra nộp lại cho cô giáo và tất nhiên bài kiểm tra đó không có chữ ký của phụ huynh. Trên đường về nhà cô sợ lắm, sợ mẹ sẽ đánh chết cô. Nhà cô lúc đó đông người lắm, bởi nhà cô đang xây nhà. Về đến nơi, mẹ đưa cho cô một cái thùng lớn, to hơn cả cô bắt cô cầm đi hót phân chó. Mẹ không đưa gầu hót, mẹ bắt cô hót bằng tay, đầy cái thùng đó thì về. Cô đã nghĩ mẹ đang dọa cô thôi, sự thật là như thế. Nhưng bởi vì ngày hôm đó có quá nhiều người ở đó, còn có cả mẹ của một bạn nam lớp cô nhưng mặc nhiên không ai can ngăn, hay khuyên can gì mẹ cô hết nên cô xấu hổ lắm. Cô thực sự bị mẹ dọa sợ đến mức cả đời này cũng không quên được. Cuối năm lớp bốn cô được học sinh giỏi. Cùng năm đó khi cô lên lớp 5 thì anh cô thi lên cấp 3. Trong tỉnh có một trường công lập rất có tiếng và một trường dân lập gọi là bán công. Anh cô vì mải chơi điện tử mà bỏ học, dẫn đến thi trượt trường công đó, thê thảm hơn là đến trường bán công- cái trường để ai trượt trường công lập thì học ở đó cũng không đủ điểm đỗ. Trường hạ nguyện vọng hai lần cũng vẫn không đủ điểm. Anh cô nói muốn thi lại.

    Mẹ cô không cho, bà khóc rất nhiều. Đêm hôm ấy, bố cô đã bắt anh viết bản kiểm điểm, một cho anh giữ, một cho bố cô giữ. Cả hai người cùng kí và lập lời hứa rằng sẽ không tái phạm việc chơi điện tử nữa. Trước đó bố cô cũng đã bắt anh nằm lên giường và đánh anh ba roi, nhưng do sức lực của bố cô lớn cộng thêm việc tức giận nên mới roi thứ hai mông anh đã bật máu. Anh nợ bố một roi.

    Lúc này đây, cô liền cảm thấy bên cạnh nỗi buồn bao trùm cả gia đình cô, cô nhận thấy trong cô có chút sảng khoái. Thật giả dối nếu nói cô không vui một chút nào. Hai anh em cô lớn lên bên nhau nhưng anh là con trai còn cô là con gái. Cái tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ngấm vào máu các bậc cha mẹ từ bao đời nay rồi. Cô chịu nhiều thiệt thòi khi đứng cạnh anh. Xảy ra chuyện này cô nghĩ rốt cuộc thì anh cũng có lúc bị bố mẹ ghét bỏ, dù là một chút thôi- cô cũng vui rồi. Cái suy nghĩ vừa xấu xa vừa non nớt ấy cứ bán riết lấy cô cho đến bữa cơm tối một buổi chiều mùa hè nóng nực, mẹ nói với bố rằng phải cho anh đi học thôi, ở nhà cũng chẳng lảm được gì ở cái tuổi 14, 15 này rồi lại hỏng mất. Nhưng anh không đủ điểm vào bán công ai trong nhà cũng hiểu rõ điều đó. Cô dù khó hiểu nhưng cũng im lặng lắng nghe. Cuối cùng cô biết được mẹ và bố có ý muốn lo cho anh vào bán công, sẽ tốn một chút "quà" là 7 triệu đồng. 7 triệu ở cái thời điểm năm 2012 không phải là con số nhỏ nhất là với một gia đình công nhân bình thường như gia đình cô. Trong bữa cơm đó, bố còn nói bố bị thất nghiệp, công ty nơi bố làm phá sản. Bố nói muốn đi vác xi măng ở một tỉnh nào đó với chú bên ngoại, tiền công một ngày khá cao nhưng sẽ rất vất vả, sẽ phải một tháng mới về thăm nhà một lần được. Năm đó bố tuổi không lớn nhưng sức khỏe yếu nên chỉ làm được 3 ngày đã phải trở về bố mang về nhà gần 7 trăm nghìn. Cô lúc này mới phát hiện, bố mẹ thương cô, nhưng lại thương anh cô hơn. Nếu là cô thi trượt thì chắc chắn đã không được tiếp tục đi học mẹ cô cũng đã nói với cô như thế. Mẹ vay tiền của bác gái bên nội 10 triệu, dưới gốc cây vải của một nhà mà bố mẹ cô không biết, giao cho một người cũng không quen 7 triệu, không một chữ kí, không một cam đoan chỉ là một câu nói hết sức khách sáo "sẽ cố gắng lo liệu". Năm đó anh được đi học như các bạn cùng chăng lứa. Cô vẫn cảm thấy hạnh phúc

    Năm cô lên lớp 9, anh thi đại học được 19 điểm, không cao nhưng đủ để đỗ vài trường top giữa. Anh cô muốn học Công nghiệp nhưng mẹ cô lại muốn anh học hàng hải bởi có cậu làm ở ngành đó sẽ có thể lo cho anh con đường lâu dài. Anh không chịu nên hai người xảy ra cãi vã. Anh không nộp hồ sơ nhập học ở bất kì trường đại học nào. Bác gái thấy hai mẹ con căng thẳng nên đã đề nghị mẹ cho anh lên là bác chơi vài hôm cho khuây khỏa. Mẹ cô đồng ý. Vài ngày sau, anh gọi điện về cho mẹ là muốn đi du học Nhật Bản, vừa học vừa làm, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Anh nói anh đã nhập học ở trung tâm rồi bác gái cũng đã đóng trước một nửa tiền học phí tháng đầu cho anh rồi bảo bố mẹ thu xếp trả tiền cho bác gái. Còn số tiền học còn lại anh sẽ vừa học vừa làm thêm ở trên đây để đóng nốt. Mẹ hơi do dự nhưng vẫn đồng ý. Vào một buổi sáng sớm ngày cuối đông cô cùng bố mẹ đưa anh ra sân bay, đi đến nước bạn. Cái lạnh lẽo bên ngoài trời càng làm cho cái giá buốt trong lòng mỗi thành viên thêm sâu hơn. Hôm trước ngày đi, cả nhà bốn người cô nằm ngủ trên cùng một chiếc gường. Rõ ràng là nằm rất sát nhau nhưng lòng ai cũng trống trải, bốn người không hẹn mà cùng rơi nước mắt. Lúc này cô mới phát hiện, dù cô có ghen tỵ vì bố mẹ thiên vị anh bao nhiêu, có không thích anh như thế nào thì sâu trong trong trái tim cô vẫn luôn rất yêu anh, rất yêu gia đình nhỏ này của mình. Đêm ấy anh cũng ôm cô, cái ôm chặt mang theo hơi ấm của tình thương nói với cô phải sống thật tốt, phải ngoan ngoãn, phải nghe lời bố mẹ đừng làm bố mẹ buồn, thay anh chăm sóc bố mẹ giúp anh, anh sẽ về sớm. Cô nhìn anh mắt nhòe đi vì nước mắt, khóc nấc lên không nói được chỉ gật đầu đồng ý. Từ hôm đó, cô thay anh chăm sóc bố mẹ, vừa làm con gái vừa làm con trai. Bố mẹ quan tâm cô nhiều hơn, nhưng từ đó trách nhiệm của cô cũng nặng nề hơn. Cô dần học cách che dấu cảm xúc của mình. Năm đầu tiên anh bên đất người cô thi cấp 3 vẫn là cái trường mà anh thi không đỗ. Cô học ngày học đêm, cô không thông minh nên chỉ có thể lấy cần cù để bù. Cô đã suy nghĩ rất nhiều, đêm nào sau khi học xong, bỏ màn tắt điện khi chắc chắn bố mẹ đã ngủ hết cô ngồi một góc trên giường thu mình khóc cô không gào thét, cô suy nghĩ về những việc xảy ra trong ngày, suy nghĩ về việc nếu mình đỗ sẽ được gì, nếu mình không đỗ sẽ mất gì, sẽ xấu hổ ra sao. Cô lại nghĩ đến liệu bố mẹ có thực sự quan tâm cô khi cô học đến 12 giờ đêm cũng chưa từng để ý. Năm anh cô thi cấp 3 ngày nào mẹ cô cũng lên phòng xem anh cô học như thế nào, quan tâm anh. Dù cô biết một phần cũng là do mẹ không tin tưởng anh nên mới vậy nhưng cô vẫn có chút ghen tỵ, cô khao khát được mẹ để ý tới. Rồi cô ngủ thiếp đi lúc nào không biết sáng hôm sau tỉnh dậy cô lại trở về với trạng thái bình thường nhất, đến trường cô cười nói với bạn bè nhiều nhất không ai biết trong cô có tâm sự gì. Họ nói cô lạc quan, cô không phủ nhận. Về nhà cô vẫn làm việc vẫn học hành như thế chỉ có điều là cô bắt đầu không nói chuyện, bố mẹ hỏi cô cái gì cô nói cái đấy, không hỏi thì cô sẽ không nói. Mỗi bữa cơm đồi với cô như cực hình vậy, cô không ăn được cơm. Cô gầy đi trông thấy, mẹ cô lo lắng, động viên cô nếu không đỗ cũng không sao, mẹ vẫn cho cô đi học mà nhưng cô không tin, cô biết mẹ sẽ không. Cô bị trầm cảm mức độ nhẹ. Cuối năm lớp 9 thay vì đứng nhất khối trong đợt thi thử lên cấp 3 đầu tiên thì đợt thi thử cuối cùng cô không nhìn thấy tên của mình trong danh sách điểm xếp theo thứ tự từ cao đến thấp của trường trong nhiều trang đầu. Cô bị rối loạn kiến thức. Các cô giáo dạy cô bắt đầu ái ngại vì cô. Nhận được kết quả mẹ cô đã mắng cô rất nhiều, cô nhớ rõ đó là một buổi trưa mùa hè, cô về nhà khi mẹ đang luộc rau bắp bữa trưa hôm đó cô ăn cơm chan nước mắt. Thật khó ăn. Mẹ gọi điện cho cô giáo hỏi bây giờ còn có thể rút hồ sơ từ trường Gia Lộc về trường Gia Lộc II không, cô giáo nói tôi sẽ đỗ và năm đó tôi đỗ thật. Cô đỗ vào trường mà anh cô đã bỏ lỡ năm nào một cách đường đường chính chính. Cô sụt 7 cân vào năm đó.

    Suốt một năm bên Nhật Bản vừa học vừa làm, anh đã rất cố gắng, cũng gửi về cho mẹ được một khoản tiền nhỏ để mẹ trả bớt nợ đã vay cho anh đi du học. Một viễn cảnh hết sức tươi sáng đang hiện ra trước mắt cô. Cô tin bố mẹ cô cũng nghĩ vậy. Sớm muộn gì thì cũng trả hết nợ, anh học xong có việc làm ổn định, cô vào đại học anh sẽ giúp bố mẹ nuôi cô ăn học. Ai cũng tin tưởng như thế. Anh nói anh ở bên đó rất vất vả vì vừa phải học vừa phải làm, giờ giấc thì không giống Việt Nam, rất bất cập. Bố mẹ nói anh cố gắng, cố khổ mới có sướng, anh gật đầu nhưng cả bố mẹ và cô tuy biết anh khổ nhưng không thực sự hình dung được anh đã khổ như thế nào. Năm đầu tiên bên nước bạn, anh với cô chưa từng gọi điện nói chuyện với nhau.

    Năm cô lên lớp 10, anh du học năm 2, số lần anh gọi gọi về nhà ngày càng ít, số đêm mẹ thức trắng ngày càng nhiều. Vào một ngày nọ chị bên trung tâm tiếng Nhật gọi điện về cho mẹ nói anh đi học không đầy đủ, nếu không khắc phục sẽ bị đuổi học, mẹ cô lo lắm, không khí trong nhà cô trùng xuống. Mẹ gọi điện cho anh, vùa khóc vừa mắng anh, anh xin lỗi, rồi lại gắt gỏng, rồi lại xin lỗi. Những cuộc nói chuyện ngày càng qua loa với kết thúc là sự bức xúc của cả hai bên. Mẹ bắt đầu gắt gỏng, khó tính hơn. Mỗi bữa cơm tối đều trở nên nặng nề hơn, mẹ bắt đầu đổ lỗi cho tất cả mọi người không quan tâm đến anh, không động viên anh, mẹ trách cô không gọi điện nói chuyện với anh nhiều hơn, để anh sa ngã, mẹ nhìn cô như nhìn kẻ thù của mình vậy. Trước mặt mẹ cô không khóc, mẹ nói cô vô tâm nhưng khi tất cả mọi người trở về phòng, cô lại ngồi một góc tối, những giọt nước mắt cứ thế rơi như thể mắt cô là một đám mây đen vậy- rơi mãi không thấy dấu hiệu dừng lại. Cô không dám khóc lớn, sợ mẹ cô nghe thấy, cô sợ khi phải đối mặt với bà. Bố cô nói cô phải cố gắng chịu đựng vì cô là con. Cô gật đầu. Rồi một ngày anh gọi điện cho mẹ, hôm đó anh rất ngoan, mẹ nói gì anh cũng không cãi lại, anh xin lỗi mẹ rất lâu, cô mừng lắm nhưng anh lại nói anh đang nợ người ta rất nhiều tiền-120 triệu. Anh nói là tiền vay để đóng học phí, anh nói do không có việc nên anh không đi làm và không có tiền đóng học. Bấy giờ, gia đình cô mới biết anh không chỉ bỏ học, anh còn bỏ làm. Anh cầu xin mẹ cứu lấy anh, anh hứa sẽ đi học và đi làm lại, anh xin mọi người một cơ hội. Mẹ khóc nhiều lắm, bố cũng rơm rớm nước mắt chỉ có cô là không khóc. Không phải cô vô cảm mà là cô không muốn tốn nước mắt cho một người vô tâm, vô trách nhiệm. Mỗi ngày trải qua với cô đều là ác mộng, cô không muốn về nhà thậm chí còn có ý định tự tử cô sợ nhìn thấy mẹ, cô ghét cái cảm giác mình không làm gì sai nhưng ngày nào cũng như bao cát bị người ta đánh vào để trút giận, bố mẹ giận anh nên trút giận lên cô, xúc phạm cô vậy.. nỗi hận trong lòng cô.. tìm ai để trút đây. Không có ai- cô ngậm ngùi nuốt nó vào trong. Cô dần thích bóng tối hơn, thích yên lặng và ngồi một mình. Và quan trọng, cô bắt đầu yêu tiền hơn bất cứ thứ gì. Cô cảm thấy hận anh vô cùng cô vô cùng ghét anh, cô oán anh tại sao lại mang đến cho cô nhiều bất hạnh đến vậy, cô trách mẹ tại sao sinh anh cô ra rồi lại sinh thêm cô. Thật nực cười. Cô còn trách bản thân sao lại vô dụng thế. Cô muốn được giải thoát cho mình. Nhưng cô không nỡ chết, cô chết rồi bố mẹ cô phải làm sao, cô chết rồi liệu anh cô có chăm sóc tốt cho bố mẹ. Cô không yên tâm tìm cái chết. Cô có quá nhiều nỗi lo, có quá nhiều vướng bận. Cô lưu luyến cái gia đình mục nát từ lâu đã không còn đúng ý nghĩa là mái ấm, là nơi mỗi lần đi xa đều hướng về này.

    Cuối cùng anh vẫn bỏ học, lại là vì game. Mẹ vẫn thế, ngày nào cũng khóc, người gầy đi, tóc bạc đi nhiều, ba ít nói, hay lủi thủi một mình còn cô thì vẫn bình thường. Tại sao ư? Cô sẽ không khóc vì một kr không đáng, cũng sẽ không gục ngã, bỏi nếu cả cô cũng sụp đổ thì ai sẽ bảo vệ bố mẹ của cô. Mẹ dùng mọi cách để gọi điện cho anh, anh chặn số mẹ. Lần đầu tiên trong cuộc đời, cô không hạnh phúc.

    Năm cô học lớp 11, anh về nước, dùng số tiền còn lại duy nhất của mình để mua vé giá rẻ về nước. Anh gầy đi trong thấy, cô buồn nhưng cũng rất mừng vì nghĩ chuỗi ngày cơm chan nước mắt của mình sắp kết thúc nhưng cô lại sai rồi. Người trở về này không phải anh trai cô, hoàn toàn không phải, anh lười hơn trước, hay gắt gỏng, luôn nghĩ mọi người kỳ thị mình, không thích đi làm, cũng không thích ai nói động đến mình. Ngày nào trong căn nhà nhỏ của cô cũng ngập tiếng cãi vã, quát tháo, cô càng hận anh hơn. Vài năm sau, anh dần thay đổi tích cực hơn, nhưng trong lòng cô anh mãi mãi vẫn không phải anh trai của năm nào, người anh ôm cô năm 18 tuổi đó mãi mãi không trở về.

    Năm cô 19 tuổi cô học đại học, xa gia đình, cuộc sống vất vả bon chen cả ngày đi học, tối đi dạy thêm, có hôm đến 12 giờ mới được đi tắm, sau đó mở laptop lên và làm bài tập. Cả tháng 30 ngày thì 27 ngày cô ăn trứng. Đó là sự thật, cô không cho phép mình bỏ bữa. Có những hôm học cả ngày ở trường trưa cô không về cầm tiền ra quán cơm trước cổng trường suy đi tính lại vẫn là mua một cái bánh mỳ trứng mười nghìn. Cô keo kiệt, keo kiệt cho cả chính bản thân mình. Mỗi lần mẹ gọi điện hỏi cô ăn uống thế nào, mua ít thịt mà ăn cho có chất cô cứ âm ừ cho qua, cô hiểu rõ cô không dủ khả năng chi trả. Mẹ cho cô một khoản vừa tiền nhà vừa tiền ăn, cả điện nước đóng hết các khoản đó còn lại là để tiền ăn, không còn nhiều, lại còn tiền gửi xe, phòng ngừa lúc chuyện ngoài ý muốn phát sinh. Cô thực sự mệt. Cô chợt hiểu ra anh cô năm đó cũng đã vất vả như thế nào, mệt mỏi và thiếu thốn ra sao. Cô dần thông cảm cho anh. Nhưng dạo này cô lại phát hiện người trong nhà không ai là không khó chịu khi nói chuyện với cô, họ nói: Mày im đi, mày là trung tâm gây rắc rối, họ dường như không thích cô, có phải chăng trong cái gia đình mà cô cố níu này, không cần cô. Cô không hạnh phúc..

    Không biết tương lai sẽ như thế nào, bước qua tuổi 20 liệu có hay không cô sẽ thấy tốt hơn. Cô không biết, nhưng cô đang dần không phải là chính mình. Cô.. không có ai yêu thích. Nhiều năm như vậy, không có ai thực sự yêu thích cô, không ai đủ tin tưởng để cô mở lòng, cũng không ai có khả năng hiểu được những vết thương chồng chất trong tâm hồn của một cô gái chớm tuổi đôi mươi.


    Có lẽ, trên đời này, ai rồi cũng phải thay đổi, và có một số người, sẽ mãi mãi không quay trở về. Anh của tuổi 18 đã chết rồi. Cô của năm 20 tuổi cũng chết rồi. Còn bố mẹ cô, có lẽ, cũng đã chết từ lâu rồi.

    Hết.
     
    Chỉnh sửa cuối: 6 Tháng một 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...