Đôi khi những lời bạn nói có trọng lượng hơn bạn nghĩ.. Tam sao thất bản là gì? Ngày xưa, công nghệ sao chép còn chưa phát triển, người ta muốn phát đi thông báo, tin tức phải viết thành nhiều bản. Tam saolà sao chép ba lần, ba lần chép lại thì đã làm mất hết cả gốc, ý nói mỗi lần chép lại là mỗi lần sai đi. Có người lại quan điểm: Tam sao thất bản, nghĩa là cứ ba bản sao thì có tới bảy bản chính, chẳng biết tin vào bản nào. Đó là nghĩa đen, còn về nghĩa bóng, ông bà ta muốn dùng câu thành ngữ này ám chỉ về kiểu truyền miệng gây sai lệch một cách vô ý thức, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho người khác. Một số câu có liên quan: Sai một ly đi một dặm. Nói một đằng làm một nẻo. Ông nói gà bà nói vịt. Trăm nghe không bằng một thấy. Bách văn bất như nhất kiến. Tam sao thất bản gây hại như thế nào? Chuyện kể rằng có một con bò cày ruộng trở về, mệt quá nằm lăn ra đất nghỉ, thở phì phò. Chó đi ngang qua, thấy vậy bèn dừng lại hỏi han. Bò thở dài, nói: - Anh bạn à, tôi thực sự mệt quá rồi. Ngày mai tôi không muốn ra đồng nữa, ở nhà nghỉ cho lại sức. Hai con vật nói chuyện thêm một lúc rồi tạm biệt nhau. Trên đường, chó gặp mèo đang nằm vắt vẻo trên bờ tường. Chó nói: - Này anh bạn, tôi vừa mới đi thăm bò. Anh ta than mệt, còn nói muốn nghỉ làm một ngày. Kể ra cũng tội, chủ nhân đúng là đã bắt anh ấy làm việc nhiều quá rồi. Mèo quay người, nói với dê đang ăn cỏ gần đó rằng: - Anh biết tin gì chưa? Bò trách chủ nhân bắt mình làm nhiều việc nên muốn nghỉ một ngày, mai không ra đồng nữa đấy. Một lúc sau, dê gặp gà, liền nói: - Bò không muốn làm việc cho chủ nhân nữa, chị gà mái ạ. Anh ta than là công việc nhiều quá, mệt quá. Hầy, cũng không biết những chủ trang trại khác đối xử với bò của họ có tốt hơn chủ nhân chúng ta không nữa. Gà lại nói với lợn: - Anh bò sắp nghỉ làm ở đây rồi. Anh ta muốn đi tìm chủ nhân khác. Ai bảo chủ nhân đối xử với anh ấy tệ quá, bắt làm bao nhiêu là việc, lại còn dùng roi đánh anh ta nữa. Gà cảm thán vài câu rồi lại tót về chuồng. Một lúc sau, vợ ông chủ đi chuẩn bị cho các con vật ăn tối. Lợn liền lại gần, nói: - Tôi muốn báo cáo lại với bà một chuyện. Dạo gần đây, bò hay có những suy nghĩ nổi loạn, rất cần phải được dạy bảo lại. Anh ta không muốn làm cho chủ nhân nữa, chê công việc ở đây nhiều quá, nặng quá, khiến anh ta mệt mỏi. Bò còn nói muốn bỏ đi, tìm một chủ nhân khác nữa đấy. Nhận được phản ánh của lợn, trong bữa tối, bà chủ lập tức đem chuyện nói lại với chồng: - Mình ơi, bò đang muốn tạo phản. Nó muốn đổi chủ, không làm cho mình nữa. Tội tạo phản không thể tha, mình định xử nó thế nào? - Kẻ phản bội đều đáng tội chết, giết không tha! - Ông chủ nghiến răng, tức giận nói. Vậy là con bò đáng thương suốt ngày chỉ biết làm việc quần quật, cuối cùng lại bị những lời truyền miệng sai sự thật giết chết như vậy đấy. (Theo Quà tặng cuộc sống) Câu chuyện về con bò tội nghiệp để lại cho chúng ta ba bài học quý: Đừng tùy ý than phiền với mọi người xung quanh. Bởi lẽ, những lời than phiền kia sau khi bị nhiều người thêm thắt có thể đem đến tai bay vạ gió cho bạn. Đừng để sự cả tin khiến bạn đưa ra những quyết định sai lầm, tốt nhất vẫn là tai nghe mắt thấy. Đừng bao giờ tường thuật sai lời nói của người khác. Bạn sẽ gây hại cho họ và tậu về cho mình một cục nghiệp tụ đấy! Căng rồi, giờ thả lỏng với chương trình giải trí thôi! Tam sao thất bản cũng là tên một gameshow, có mặt đã lâu mà muốn biết ở đâu thì tra wiki. Tất nhiên cái 'Tam sao thất bản' này là vui và tích cực rồi. Vì ở đó bạn sẽ được thoải mái tinh thần trước những màn tấu hài cực mạnh chứa cả một bầu trời muối! Nói chung trong cuộc đời này, chắc mọi người đều phải trải qua cái tình huống oái ăm trên. Có thể họ là nạn nhân, có thể họ là bản chính, có thể họ là bản 2, 3; có thể kết quả chỉ là mức độ nhẹ, hoặc cũng có khả năng gây nên hệ lụy tồi. Cứ chắc thì nói, thì phát ngôn, còn không thì cứ im cho lành bạn nhé! (và cả mình nữa)