Tắm rừng - Bí quyết giữ gìn sức khỏe một cách tự nhiên

Thảo luận trong 'Sức Khỏe' bắt đầu bởi Biện Thị Hà Mi, 27 Tháng mười một 2021.

  1. Biện Thị Hà Mi

    Bài viết:
    6
    Đã bao giờ bạn nghe đến thuật ngữ "Tắm rừng"? Đó là một liệu pháp chữa trị thân tâm mà người Nhật đã áp dụng để luôn giữ cho mình một sự tươi trẻ. Theo thời gian hoạt động này đã trở thành một nét đẹp văn hóa của họ và ngày nay tắm rừng được biết đến như một bí quyết bảo vệ sức khỏe tuyệt vời!

    1. Nguồn gốc của tắm rừng

    Trong quyển sách "Shinrin – yoku – Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật", bác sĩ Qing Li, phó giáo sư trường Y Nippon, Tokyo đã định nghĩa "tắm rừng" (trong tiếng Nhật gọi là shinrin - yoku) như sau: "Trong tiếng Nhật," shinrin "có nghĩa là" rừng "còn" yoku "là" tắm ". Vậy" shinrin – yoku "có nghĩa là tắm trong môi trường rừng hay đắm mình vào không gian rừng bằng mọi giác quan". Tồn tại song song cùng nhiều loại hình nghệ thuật khác tại Nhật Bản như Hoa đạo (Kado), Trà đạo (Sado) và Hương đạo (Kodo), tắm rừng được biết đến như một nghệ thuật độc đáo kết nối giữa con người và thế giới tự nhiên và nó cũng được xem như một liệu pháp y học tuyệt vời.

    Vào đầu những năm 1980, dân tình Nhật Bản bắt đầu thực hành shinrin – yoku vì họ tin rằng việc đắm mình trong không gian rừng xanh sẽ đem lại những lợi ích tốt cho sức khỏe. Cho đến năm 1982, ông Tomohide Akiyama, vốn là Bộ trưởng bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản đã tuyên bố rằng nguời Nhật đang cần sự chữa lành từ thiên nhiên hơn bao giờ hết và chính ông cũng là người đã đặt ra thuật ngữ shinrin – yoku. Sau đó, chính phủ Nhật Bản đã phát động một chương trình y tế quốc gia về liệu pháp tắm rừng, từ thời điểm đó, tắm rừng đã chính thức ra đời và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người Nhật.

    [​IMG]

    2. Những lợi ích tuyệt vời mà tắm rừng mang lại

    Khi nhịp sống ngày càng trở nên xô bồ và hối hả, khi guồng quay công việc và áp lực đời sống mưu sinh ngày càng đè nặng lên tâm trí con người thì việc hòa mình vào thiên nhiên là một nhu cầu vô cùng thiết yếu. "Tắm rừng" không chỉ đơn giản là đi bộ một quãng đường dài băng qua những khu rừng xanh thẳm hay một bài tập thể dục buổi sáng chạy bộ trong rừng, mà hơn tất cả, "tắm rừng" là đón nhận và kết nối với thiên nhiên bằng khứu giác, vị giác, thị giác, thính giác và xúc giác. Tất cả những giác quan sẽ được mở ra để cảm nhận và tận hưởng thiên nhiên một cách trọn vẹn từ việc lắng nghe tiếng chim hót du dương trên vòm cây xanh mướt, tiếng suối chảy róc rách qua những thác ghềnh; cảm nhận làn gió mơn man qua da thịt dưới ánh nắng ban mai ấm áp đến việc chiêm ngưỡng những sắc màu đa dạng của hoa lá, cỏ cây và hít thở khí trời trong lành hay hương hoa nồng nàn bay trong gió. Từ đó, thiên nhiên tươi đẹp sẽ mở ra trong những cảm nhận tinh tế của con người.

    [​IMG]

    Tác động của tắm rừng đến sức khỏe thể chất

    Trong nhịp sống hối hả ngày nay, con người phải chịu đựng những ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe thể chất mà một cuộc sống bận rộn mang lại. Con người hiện đại luôn chạy theo công việc và làm việc không ngừng nghỉ đến mức "chết vì công viêc". Tại Nhật Bản có một hiện tượng gọi là karoshi, nghĩa là chết vì làm việc quá sức . Không những vậy môi trường làm việc của chúng ta còn tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro của các vấn đề như ô nhiễ khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn.. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong vòng 3 thập kỷ trở lại đây, ô nhiễm tiếng ồn đang trở thành nỗi bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và chất lượng sống của con người, tổ chức này cũng tuyên bố rằng: Sự ảnh hưởng của tiếng ồn đến sức khỏe con người chỉ xếp thứ hai sau khói bụi - trong các loại khí thải thì bụi siêu mịn là thủ phạm gây ra những tác hại nặng nề nhất đến sức khỏe con người. Các vấn đề sức khỏe được đề cập đến bao gồm suy giảm chức năng hệ thần kinh, tim mạch và các chứng rồi loạn.

    Trước những thực trạng trên thì tắm rừng là một giải pháp tuyệt vời khắc phục mọi điều bất cập àm chúng ta đang đối mặt. Bằng chứng từ các thí nghiệm thực địa tại 24 khu rừng trên khắp Nhật Bản "do Yuko Tsunetsugu và cộng sự tiến hành vào năm 2010 đã mang đến nhiều kết quả thú vị. Việc đi dạo dưới tán cây xanh làm giảm áp suất máu của con người, mức corsitol trong máu, tốc độ xung và hoạt động của hệ thống thần kinh giao cảm (liên quan đến sự căng thẳng), trong khi làm tăng hoạt động của hệ thống đối thần kinh giao cảm (liên quan đến sự thư giãn) của họ. Mọi dấu hiệu thần kinh này đi liền với sức khỏe tim mạch tốt hơn, cho thấy một điều rằng đi dạo trong rừng giúp cải thiện chức năng hệ tim mạch.

    Tác động của tắm rừng đến sức khỏe tinh thần

    Stress là một vấn đề phổ biến mà con người trong xã hội hiện đại phải đối mặt. Ngày nay, thuật ngữ stress đã không còn xa lạ, đó là một từ dùng để chỉ sự" Căng thẳng xuất hiện khi cá nhân nhận thấy rằng họ không thể ứng phó/ đáp ứng được với những yêu cầu đối với họ hoặc đe dọa sự tồn tại khỏe mạnh của họ "(R. S. Lazarus, 1966). Cảm giác căng thẳng với những áp lực từ cuộc sống đã trở thành vấn đề chung của cả nhân loại, bất kỳ quốc gia nào cũng đã và đang đối mặt với stress ở những mức độ khác nhau. Tình trạng stress nếu kéo dài sẽ gây ra các hậu quả khôn lường như suy nhược thần kinh, trầm cảm.

    Ngày nay, nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã chứng minh tắm rừng là một phương pháp thư giãn tinh thần hiệu quả. Vẻ đẹp của thiên nhiên dường như có một sức hút vô cùng kỳ lạ. Giữa màu xanh ngút ngàn của những tán cây cao lớn là tiếng chim hót ngân nga, là những tia nắng ấm áp len lỏi qua kẽ lá. Rảo bước trong rừng cho ta cảm giác thật bình yên, sảng khoái khi để chân trần bước đi trên đám rêu xanh, khi chạm tay vào những thân cây sần sùi đã nhiều năm tuổi hay nằm dài trên bãi cỏ xanh tươi và hít ngửi hương thơm nồng nàn thoang thoảng khắp khu rừng.

    Trong quyển sách" Shinrin – yoku nghệ thuật tắm rừng của người Nhật ", bác sĩ Qing Li đã lý giải lý do vì sao cây xanh mang lại những lợi ích tuyệt vời trong việc giải tỏa căng thẳng. Một trong những nhân tố quan trọng phải kể đến là phytoncide. Đây một hóa chất tạo hương thơm có trong thực vật – một loại tinh dầu tự nhiên và là hệ thống phòng thủ của cây và mỗi loài cây sẽ sở hữu một loại phytoncide với mùi hương đặc trưng. Một nghiên cứu của khoa Tâm thần học thuộc đại học Mie (Nhật Bản) đã cho thấy mùi hương cam chanh của phytoncide D – limonene mang lại hiệu quả lớn hơn thuốc chống trầm cảm trong việc cải thiện tinh thần của bệnh nhân mắc chứng rối loạn tâm lý.

    Một số hoạt động tắm rừng

    - Thể dục xanh: Đây là một hình thức thể dục bao gồm các hoạt động thể chất được thực hiện trong môi trường tự nhiên và việc làm này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chúng ta vừa có thể vận động cơ thể, vừa có thể tắm nắng mỗi ngày trong một không gian thông thoáng có nhiều cây xanh và tất cả chỉ vỏn vẹn có 30 phút.

    [​IMG]

    - Tạo không gian xanh: Kiến tạo cho không gian sống của mình một mảng thực vật xanh tốt là một cách tối ưu cho việc tắm rừng tại nhà nếu bạn không có nhiều thời gian. Ngày nay thiết kếnội thất xanh rất được ưa chuộng vì những lợi ích tuyệt vời mà nó mang lại.

    [​IMG]

    - Ngồi thiền trong rừng: Ngồi thiền trong rừng giúp ta cảm nhận tinh tế hơn những điều ky diệu mà mẹ thiên nhiên mang lại bằng tất cả các giác quan trong sự lắng đọng của thân tâm.

    [​IMG]

    Kết luận:

    C húng ta cho dù có trở nên hiện đại, tiến bộ đến đâu thì vẫn là một đứa con do mẹ thiên nhiên" sinh thành "và" nuôi dưỡng", vì lẽ đó mà sự gắn kết giữa con người và thế giới tự nhiên luôn mật thiết, sâu sắc và chặt chẽ. Điều này đã được con người nhận thức từ lâu thông qua một khái niệm có tên Biophilia. Khái niệm này cho rằng con người có nhu cầu bẩm sinh kết nối với thế giới tự nhiên. Cho đến năm 1984, khái niệm này trở nên nổi tiếng bởi một nhà sinh học người Mỹ tên E. O. Wilson. Ông tin rằng nhu cầu này được kích hoạt suốt quá trình tiến hóa trong tự nhiên của con người và động cơ cho tình yêu thiên nhiên xuất phát từ việc chúng ta trân trọng những gì giúp bản thân sinh tồn. Thế giới tự nhiên chính là môi trường sống của con người, dù là trong quá khứ hay hiện tại. Chúng ta dù có sống trong một cung điện nguy nga với các thứ vật chất tiện nghi, xa xỉ thì sự tồn tại của tất cả những điều ấy vẫn luôn có sự hiện hữu của thiên nhiên từ không khí, ánh sáng đến âm thanh. Sẽ không có điều gì có thể cắt bỏ mối dây liên kết bền bỉ giữa sự sống của con người và sự tồn tại của thiên nhiên. Một đời sống chỉ thật sự cân bằng và hài hòa, ổn định khi con người đón nhận tự nhiên, đón nhận mạch nguồn của sự sống từ trong chính hơi thở qua làn gió mát hay đắm chìm trong ánh nắng rực rỡ của buổi bình minh. Thiên nhiên ban tặng cho con người những điều kiện căn bản để duy trì sự sống và cũng chính thiên nhiên một lần nữa nuôi dưỡng thân tâm con người trở nên khỏe mạnh hơn và hạnh phúc hơn. Rõ ràng một điều là cơ thể chúng ta được lập trình sẵn để kết nối với thế giới tự nhiên: Chúng ta cần lấy khí O2 (loại dưỡng khí do cây cối sinh ra trong quá trình quang hợp) để duy trì sự sống, chúng ta cần có ánh mặt trời để sưởi ấm, ngay cả đồng hồ sinh học của chúng ta cũng phụ thuộc vào ánh sáng mặt trời và trong chính bộ gen của chúng ta cũng đã có sẵn tình yêu thiên nhiên được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thế giới ngày nay đang có những bước chuyển biến mạnh mẽ, bên cạnh những thành tựu vĩ đại mà con người đạt được thì vẫn tồn tại vô vàn những hiểm nguy đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Hơn bao giờ hết, con người cần sự thanh lọc thân tâm từ những điều bình dị, giản đơn mà tự nhiên mang lại. Đó là giải pháp hiệu quả nhất để có được một đời sống an lành.

    Hi vọng bài viết đã mang lại cho các bạn thêm một kiến thức bổ ích và có thể áp dụng vào đời sống, chúc các bạn luôn vui khỏe!

     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...