Tam nguyên Yên Đổ là gì? Tại sao gọi Nguyễn Khuyến là Tam nguyên Yên Đổ?

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ThuyTrang, 25 Tháng năm 2022.

  1. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    Nhắc đến những tác giả tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam thế kỉ XIX, không thể không kể đến Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) – tác giả của hơn 800 bài gồm thơ, văn câu đối mà tiêu biểu là thơ. Là một nhà nho tài năng, đỗ đạt cao trên con đường khoa cử, Nguyễn Khuyến được mệnh danh là "Tam nguyên Yên Đổ". Vậy Tam nguyên Yên Đổ là gì? Tại sao gọi Nguyễn Khuyến là Tam nguyên Yên Đổ?

    Tam nguyên Yên Đổ là gì?

    Tại sao gọi Nguyễn Khuyến là Tam nguyên Yên Đổ?

    Tam nguyên Yên Đổ là gì?

    Theo nghĩa Hán Việt: "tam" là ba (tam giác, tam cấp, tam quan...); "nguyên" là đầu tiên, đứng đầu (trạng nguyên, nguyên thủy, nguyên thủ...); còn Yên Đổ là tên địa danh – quê hương Nguyễn Khuyến.

    Như vậy Tam nguyên Yên Đổ là người đứng đầu ba kì thi của đất Yên Đổ, chỉ Nguyễn Khuyến.

    Tại sao gọi Nguyễn Khuyến là Tam nguyên Yên Đổ?

    Nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835 – 1909), sinh ở Ý Yên, Nam Định nhưng sống chủ yếu ở quê cha, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

    Nguyễn Khuyến lúc nhỏ tên là Thắng, năm 1865 mới đổi là Khuyến, biểu thị ý chí nỗ lực (do cấu tạo chữ Hán, trong chữ Khuyến có bộ lực to hơn bộ lực ở chữ Thắng).

    Thực tế cho thấy, Nguyễn Khuyến là người thông minh, cần cù, chăm chỉ, có nghị lực (đúng như tên gọi), nhờ đó đạt được những vinh quang trên con đường học tập, khoa cử.

    Xuất thân trong một gia đình nhà nho có truyền thống khoa bảng nhưng vì nghèo, Nguyễn Khuyến phải đi dạy học kiếm sống và nuôi mẹ.

    Từng không đỗ trong các kì thi Hương năm 1852, 1855, 1861 nhưng Nguyễn Khuyến không nản lòng. Ông vừa đi dạy học, vừa tìm thầy để học và với sự nỗ lực, cố gắng bền bỉ, năm 1864, Nguyễn Khuyến đỗ đầu kì thi Hương. Trong các năm tiếp theo1865, 1868, 1869 ông thi Hội đều không đỗ. Lại một lần nữa, thất bại không làm ông nản lòng mà chỉ càng khiến ông thêm quyết chí. Đến năm 1971, Nguyễn Khuyến đỗ đầu cả hai kì thi Hội và thi Đình, được vua Tự Đức ban cờ, biển và hai chữ Tam nguyên. Sau gần 10 lần đi thi, Nguyễn Khuyến đỗ đầu cả ba kì thi nên được gọi là Tam nguyên Yên Đổ.

    [​IMG]

    Một số thông tin khác về Nguyễn Khuyến:

    Là một nhà nho có tài năng, đỗ đạt cao trên con đường khoa cử nhưng Nguyễn Khuyến chỉ làm quan cho nhà Nguyễn hơn 10 năm rồi cáo quan về ở ẩn, chọn lối sống thanh bạch, dân dã nơi quê nhà. Vì sao nỗ lực hết mình để đỗ đạt, cuối cùng Nguyễn Khuyến lại từ bỏ chốn quan trường?

    Vì sao Nguyễn Khuyến về quê ở ẩn?

    Thực dân Pháp xâm lược, triều đình nhà Nguyễn, đứng đầu là Tự Đức nhu nhược cầu hòa, từng bước thoả hiệp, đầu hàng giặc. Nguyễn Khuyến ra làm quan giữa lúc nước mất nhà tan, giấc mơ phò vua, giúp nước không thực hiện được.

    Sau khi Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp, năm 1882, quân Pháp mở rộng đánh chiếm bốn tỉnh Bắc Kỳ lần thứ nhất, trong đó có quê hương ông. Năm 1885, Pháp tấn công kinh thành Huế. Kinh thành thất thủ, Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, nhân dân hưởng ứng nổi dậy khắp nơi. Nhưng cuối cùng phong trào Cần Vương cũng bị đàn áp.

    Trong bối cảnh các phong trào yêu nước đều bị dập tắt, vận mệnh dân tộc rơi vào bế tắc, Nguyễn Khuyến bất lực vì không làm được gì để thay đổi thời cuộc nên ông xin cáo quan về ở ẩn.

    Tuy về ở ẩn nhưng ông vẫn nặng tình đời, tình người, vẫn đau đáu vì vận mệnh quốc gia và day dứt suy tư vì chọn con đường ẩn khuất. Bởi thế thơ ông có hàng trăm bài viết lên từ niềm ưu tư thời cuộc đó:

    "Cờ đương dở cuộc không còn nước,

    Bạc chửa thâu canh đã chạy làng."

    "Ơn vua chưa chút báo đền

    Cúi trông hổ đất, ngửa lên thẹn trời."...

    Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Khuyến

    [​IMG]

    Sáng tác của Nguyễn Khuyến gồm cả chữ Hán và chữ Nôm, hiện còn khoảng trên 800 bài gồm thơ, văn câu đối nhưng chủ yếu là thơ. Trong đó, tập "Quế Sơn thi tập" khoảng 200 bài. Đóng góp nổi bật của tác giả đối với văn học dân tộc là ở mảng thơ viết về làng quê, thơ trào phúng và ngôn ngữ thơ Nôm. Nguyễn Khuyến được mênh danh là nhà thơ số một về quê hương, làng cảnh vì ông viết nhiều, viết đúng và viết hay về thiên nhiên, con người và cuộc sống thôn quê.

    Vì vậy, không chỉ được mệnh danh là Tam nguyên Yên Đổ, Nguyễn Khuyến còn được gọi là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Vì sao Nguyễn Khuyến được mệnh danh là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam?

    Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam

    Phần lớn cuộc đời của Nguyễn Khuyến là ở nông thôn. Quê ông là vùng chiêm trũng Yên Đổ, Bình Lục, Hà Nam, mảnh đất quanh năm nghèo đói do mất mùa, lụt lội. Viết về điều này, thơ ông có biết bao vần thơ nghẹn thắt:

    "Năm nay cày cấy vẫn chân thua,

    Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa."

    "Quai mễ Thanh Liêm đã vỡ rồi,

    Làng ta thôi cũng lụt mà thôi"...

    Nguyễn Khuyến viết nhiều về con người, về thiên nhiên, cảnh vật ở nông thôn quê ông. Về thiên nhiên, trước hết phải kể đến những bài thơ tả cảnh, tiêu biểu là ba bài thơ Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm. Về con người, ông viết về người nông dân lam lũ, khổ cực. Ông còn làm thơ tặng bạn bè, tặng anh vợ, tặng ông hàng thịt; làm câu đối viếng người làng, viếng người thợ rèn, mừng đám cưới, mừng nhà mới... đầy ắp tình cảm yêu thương, quý mến của ông dành cho người dân quê.

    Trước Nguyễn Khuyến,trong văn học Việt Nam cũng có những tác phẩm viết về nông thôn, nhưng hình ảnh nông thôn nói chung còn mờ nhạt. Có thể nói, đến Nguyễn Khuyến, lần đầu tiên nông thông Việt Nam mới thực sự đi vào văn học.

    Bức tranh nông thôn trong thơ Nguyễn Khuyến rất đa dạng, phong phú: từ cảnh thiên nhiên đến cảnh sinh hoạt, từ cuộc sống lam lũ nghèo khổ đến cuộc sống thuần hậu, chất phác của người nông dân.

    Nội dung thơ văn Nguyễn Khuyến

    Nội dung bao trùm trong thơ Nguyễn Khuyến là tấm lòng yêu nước, thương dân thiết tha, sâu nặng. Điều đó được thể hiện qua các khía cạnh sau:

    Nguyễn Khuyến suy tư, day dứt vì cảm thấy bất lực, không giúp gì được cho nước, cho dân;

    Thái độ phản kháng đối với xã hội thực dân nửa phong kiến, hàng loạt các bài thơ châm biếm, đả kích của Nguyễn Khuyến hướng về ý nghĩa phê phán này;

    Yêu thiên nhiên, yêu làng cảnh Việt Nam, Nguyễn Khuyến viết về cảnh vật, cuộc sống và con người nông thôn với tấm lòng chân tình, thiết tha, gắn bó.

    Ngoài ra, Nguyễn Khuyến còn có không ít bài viết về tình cảm bạn bè, tình hàng xóm, tình thân gia đình...

    Nghệ thuật thơ văn Nguyễn Khuyến

    Đóng góp lớn nhất của Nguyễn Khuyến về nghệ thuật chính là phương diện ngôn ngữ. Nói đến nghệ thuật ngôn ngữ thì khó ai qua được tác giả Nguyễn Khuyến: phong phú trong cách nói và mỹ lệ, gợi cảm trong cách miêu tả. Với tinh thần ham học hỏi, ông luôn tìm hiểu và học tập những nhà thơ Nôm đi trước để làm giàu, làm đẹp cho thơ văn của mình.

    Về ngôn ngữ thơ trữ tình, Nguyễn Khuyến biết cách lựa chọn từ ngữ, vần điệu, vừa giúp gợi tả chính xác, chân thực hình tượng thiên nhiên, con người và tâm trạng nhà thơ; vừa tạo nên tính nhạc cho lời thơ. Nhìn chung, ngôn ngừ thơ trữ tình của ông đã vượt lên những hình thức ước lệ cổ điển, trở nên đơn sơ, mộc mạc nhưng vô cùng gợi cảm, tạo những rung động sâu xa trong lòng người đọc.

    Về ngôn ngữ trào phúng, ta bắt gặp ở thơ Nguyễn Khuyến cái điệu thâm trầm, sâu sắc trong ngữ nghĩa. Điều đó được tạo nên bởi cách lựa chọn, sử dụng ngôn ngữ thích hợp của ông, thứ ngôn ngữ nhiều cung bậc, lúc hóm hỉnh, lúc bốp chát, cách nói ẩn dụ, cường điệu, chơi chữ của ông rất điêu luyện tài tình.

    Một số nhận định về tác giả Nguyễn Khuyến

    "Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam." (Xuân Diệu)

    "Nguyễn Khuyến nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam là về thơ Nôm. Mà trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến, nức danh nhất là ba bài thơ mùa thu: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh". (Xuân Diệu)

    "Trong nội dung yêu nước của Nguyễn Khuyến, dĩ nhiên chưa có cái căm giận ngút trời, cái khí thế "sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc" của thơ văn Đồ Chiểu, chưa có tiếng gọi "Anh em ơi xin tuốt gươm ra" của thơ Phan Bội Châu, hay cái phẫn chí đến ứa máu của Nguyễn Cao: "Sống mà chịu trong vòng dê chó – thà chết đi cùng trời đất đi về". Nhưng Nguyễn Khuyến có nỗi đau mất nước, có cái cười giễu mỉa mai khinh ghét thắng Tây cướp nước cùng bọn vua quan phong kiến yếu hèn, bất lực; có niềm thương cảm đối với cuộc đời lầm than tủi cực của người dân sống trong vòng nô lệ; có cả cái khát vọng đổi đời có lợi cho đất nước, cho dân tộc, cả cái tâm thế khăng khăng lánh đục về trong không thèm hợp tác với kẻ thù..." (Nguyễn Đình Chú)

    "Có thể nói với Nguyễn Khuyến lần đầu tiên nông thôn Việt Nam mới thực sự đi vào văn học." (?)

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
     
    Last edited by a moderator: 2 Tháng mười 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...