Tâm Lý Của Mị Sau Khi Làm Dâu Nhà Thống Lí Pá Tra Và Trong Đêm Tình Mùa Xuân - VCAP - Tô Hoài

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Slyaz, 21 Tháng sáu 2021.

  1. Slyaz

    Bài viết:
    16
    Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn tô Hoài đã miêu tả tâm lí của nhân vật Mị sau khi bị bắt về làm dâu nhà thống lí Pá Tra:

    "Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi. Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt".

    Và ở đêm tình mùa xuân:

    "Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sao. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách".

    Anh/chị hãy phân tích hình ảnh Mị trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.

    Bài làm:

    Tô Hoài – nhà văn của người dân miền núi. Những năm tháng lặn lội, thâm nhập vào cuộc sống của con người vùng cao đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn nhà văn. Những bản làng chìm trong sương với những người dân chân chất, thật thà. Những con người sống trong cảnh đời cơ cực đầy những bất công dưới xã hội cũ nhưng lòng vẫn cháy không nguôi khát vọng sống mạnh mẽ tựa như sức sống vững vàng của núi, của rừng. Phẩm chất tốt đẹp đó của con người vùng cao được Tô Hoài phản ánh qua khát vọng sống mãnh liệt của nhân vật Mị - nhân vật chính trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ".

    Mị - một cô gái xinh đẹp, trẻ trung, nhưng lại mang một kiếp sống nghèo của kẻ "thấp cổ bé họng". Cha mẹ cô không thể trả nổi món nợ nhà thống lí thế là món nợ ấy truyền sang Mị. Tên thống Lí tàn bạo ấy bắt cóc Mị về làm "con dâu gạt nợ". Kể từ đó, cuộc sống của cô gái trẻ xinh đẹp này tràn ngập khổ cực, đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Dần dần, sống lâu trong cái khổ, Mị đã chai sạn đi cảm xúc, mất đi ý thức về không gian và thời gian.

    Mị đã khổ nhiều rồi, trong cái địa ngục trần gian ấy, lại càng khổ hợ khi phải chấp nhận làm kiếp trâu, kiếp ngựa. Cả những con người cứng rắn, có lẽ không khỏi động lòng khi đọc đến câu: "Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa".. Khổ mà đến "quen" rồi quả thật ý thức con người đã bị tê liệt, đã mất đi cái "yếu tố xã hội" để được xem là con người. Chuỗi ngày cực nhục đã cướp đi Mị sức sống, tài năng, cướp đi cả tuổi trẻ, những lúc "hồi hộp chờ đợi người yêu". Lúc nào và bao giờ cũng thế, công việc cứ giăng trải ra trước mặt Mị, cứ những công việc quen thuộc làm đi làm lại "Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp.. bao giờ cũng thế, suốt năm đời như thế". Khổ quá, cái khổ cứ chực bóp nát cuộc đời Mị, đã bao lần Mị muốn tự tử nhưng không được vì cha Mị, vì lòng hiếu thảo không cho Mị chấm dứt cuộc đời đầy đau thương này.

    Cuộc sống trong cái địa ngục khủng khiếp đã bào mòn đi trái tim yêu đời của Mị, giờ đây nó trở nên trơ lì, chai sạn. Mị chỉ còn biết vùi đầu vào công việc "lùi lũi như một con rùa nuôi trong xó cửa". Mị đã quên mình là con người!

    Cứ ngỡ rằng cô Mị đã chết, chỉ còn cái xác trống rỗng ngày đêm làm việc cho tới suốt cuộc đời. Nhưng không, vào một đêm tình mùa xuân, khi không khí tết ở Hồng Ngài náo nhiệt, rực rỡ, náo nức. Thoang thoảng ngoài sân là tiếng sáo gọi bạn đầu làng, phải chăng cũng chính là tiếng lòng của Mị. Đấy cũng là lời của tiếng sáo, lời của bài tình ca, lời của các bạn trai, gái đang yêu nhau, tâm tình bên nhau và cũng là tiếng lòng da diết, mãnh liệt từng bị chôn vùi bao năm, kiềm nén trong trái tim, trí tuệ của Mị. Vì thế, nó đã thôi thúc, giục giã Mị hành động: "Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng". Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi: "Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách". Tiếng sáo như là một cơn gió thổi bùng lên đám tro tàn còn xót lại trong tim của Mị. Nó đưa Mị về quá khứ tươi đẹp trước đây, một cô Mị xinh đẹp, tài năng biết bao nhiêu người theo đuổi đứng "nhẵn" cả vách nhà. Mị đang say, nhưng trong cái say Mị tỉnh hơn bao giờ hết. Mị muốn trở lại như trước, Mị muốn như bao nhiêu cô gái khác, họ cũng có chồng, họ được đi chơi. "Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau!". Khao khát được sống, được tự do, được hạnh phúc trỗi lên trong Mị mạnh mẽ, giờ đây Mị như muốn được sống trở lại là chính mình. Tiếng sáo vẫn cứ quanh quẩn trong đầu Mị, nó đã chắp cánh cho sức mạnh của Mị bay lên.

    Có thể nói cuộc nổi loạn lần thứ nhất trong tâm hồn Mị là đoạn văn thử thách thực sự ngòi bút của Tô Hoài. Làm sao con người đã chôn vùi cả tuổi thanh xuân trong gian buồng kín mít chỉ có cái lỗ vuông nhỏ mờ mờ trăng trắng kia suốt từng ấy năm trời, vào đêm ấy lại muốn vùng lên, nảy sinh ý định đi chơi xuân. Quả thật, bức tranh Hồng Ngài năm ấy có sức làm say đắm lòng người, ngất ngây tâm hồn tuổi trẻ. Đặc biệt hơn đó chính là hơi men rượu và tiếng sáo gọi bạn tình chính là những tác nhân khơi gợi sức sống tiềm tàng mạnh mẽ trong Mị. Ta còn có thể thấy bức tranh hiện thực khắc nghiệt bởi chế độ thực dân phong kiến trên vùng núi. Nơi mà tiền quyền, cường quyền, thần quyền cai trị.

    Vợ Chồng A Phủ là bản cáo trạng hùng hồn, đanh thép đối với những thế lực phong kiến, thực dân tàn bạo áp bức bóc lột, đọa đày người dân nghèo miền núi. Đồng thời nó cũng khẳng định khát vọng tự do, hạnh phúc, sức sống mạnh mẽ và bền bỉ của những người lao động. Đặc biệt đề cao sự đồng cảm giai cấp, tình hữu ái của những người lao động nghèo khổ. Chính điều này đem lại sức sống và sự vững vàng trước thời gian của tác phẩm.
     
    Admin thích bài này.
    Last edited by a moderator: 21 Tháng sáu 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...