Tấm lòng của Bác Hồ với chiến sỹ Đối với chiến sĩ là những người hy sinh nhiều nhất cho dân tộc, Bác Hồ thường dành cho anh em sự chăm lo, săn sóc ân tình, chu đáo nhất. Mùa đông, thương anh em chiến sĩ rét mướt ở rừng núi hay bưng biền, Bác đem tấm áo lụa của mình được đồng bào tặng, bán đấu giá để lấy tiền mua áo ấm gửi cho các chiến sĩ. Bác thường nói: "Chiến sĩ còn đói khổ, tôi ăn ngon sao được!". "Chiến sĩ còn rách rưới, mình mặc thế này cũng là đầy đủ lắm rồi!". Mùa hè năm ấy (1967), trời Hà Nội rất nóng. Sức khỏe Bác Hồ đã kém, thần kinh tuổi già cũng suy nhược, dễ bị to¸t mồ hôi, ướt đầm, có ngày phải thay mấy lần quần áo, có khi hong tại chỗ, rồi lại thay ngay. Bác không cho dùng máy điều hòa nhiệt độ. Bác bảo: Mùi nó hôi lắm, Bác không chịu được! (Bác không dùng nên nói vậy thôi, chứ máy đã có nút xả thơm). Thấy trời oi bức quá, Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ: – Nắng nóng thế này, các chú bộ đội trực phòng không trên nóc hội trường Ba Đình thì chịu sao được? Các chú ấy có đủ nước uống không? Chú thử lên tìm hiểu xem thế nào, về cho Bác biết. Đồng chí Vũ Kỳ lên, được biết trên đó có một tổ súng máy 14 ly 5. Ụ cát sơ sài, nếu địch bắn vào thì chỉ có hy sinh, rất nguy hiểm. Trời nắng chói, đứng một lúc mà hoa cả mắt. Đồng chí Vũ Kỳ hỏi: – Các đồng chí có nước ngọt uống không? – Nước chè thường còn chưa có, lấy đâu ra nước ngọt! Đồng chí Vũ Kỳ về nói lại với Bác, Bác gọi điện ngay cho đồng chí Văn Tiến Dũng: – Sao các chú không lo đủ nước uống cho các chiến sĩ trực phòng không? Nghe nói ụ súng trên nóc hội trường Ba Đình rất sơ sài, chú phải lo sửa ngay để đảm bảo an toàn cho chiến sĩ trong chiến đấu! Sau đó Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đi lấy sổ tiết kiệm của Bác, xem tiền tiết kiệm của Bác còn bao nhiêu. Tại sao Bác có tiền tiết kiệm? Lương Bác cao nhất nước, nhưng hàng tháng cũng chỉ đủ tiêu. Mọi chi phí cho sinh hoạt của Bác, từ cái chổi lông gà, đều ghi vào lương cả. Tiền tiết kiệm của Bác là do các báo trả nhuận bút cho Bác. Bác viết báo nhiều, có năm hàng trăm bài. Các báo gửi đến bao nhiêu, văn phòng đều gửi vào sổ tiết kiệm của Bác. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác cũng đã có tiền tiết kiệm. Đến dịp tết Nguyên đán, Bác lại đem chia cho cán bộ các cơ quan chung quanh Bác, mua lợn để đón xuân. Đồng chí Vũ Kỳ xem sổ và báo cáo: – Thưa Bác, còn lại tất cả hơn 25.000 đồng (lúc đó là một món tiền rất lớn, tương đương với khoảng 60 lạng vàng). Bác bảo: – Chú chuyển ngay số tiền đó cho Bộ Tổng tham mưu và nói: Đó là quà của Bác tặng để mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ trực phòng không uống, không phải chỉ cho những chiến sĩ ở Ba Đình, mà cho tất cả các chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo ở khắp miền Bắc. Nếu số tiền đó không đủ thì yêu cầu địa phương nào có bộ đội phòng không trực chiến góp sức vào cùng lo! Về sau, Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân báo cáo lại cho Văn phòng Phủ Chủ tịch biết: Số tiền của Bác đủ mua nước uống cho bộ đội phòng không, không quân được một tuần! Ý nghĩa & Bài học: Một câu chuyện cảm động, nhân văn nói trên cho chúng ta thấy được tấm lòng yêu thương vô hạn của Bác Hồ đối với mọi người. Bác luôn quan tâm và chăm lo cho các chiến sĩ từng miếng ăn, cái mặc, đến từng giấc ngủ. Bác đã cảm nhận sự thiếu thốn, vất vả, gian khổ của người chiến sĩ như nỗi đau của chính bản thân mình. Mùa đông, thương anh em chiến sĩ rét mướt ở vùng rừng núi hay bưng biền, Bác không ngần ngại đem tấm áo lụa của mình được đồng bào tặng, bán đấu giá để lấy tiền mua áo ấm cho chiến sĩ. Tình yêu thương của Bác lớn lao, bao dung, nhân hậu và xúc động ở chỗ: Bác cũng đang chịu đựng với cái nóng, cái khát của thời tiết mùa hè khắc nghiệt, nhưng với các chiến sĩ Bác quyết không để họ đói khát. Rất hiếm có một bậc lãnh tụ nào trên thế giới có phong cách cao đẹp như Bác vậy. Điều đáng nói hơn, cao cả hơn là: Không phải Bác dùng tiền bạc của Nhà nước để ủng hộ cho chiến sĩ, mà những đồng tiền ấy là sự chắt chiu dành dụm, là mồ hôi nước mắt và sức lao động chân chính của Bác làm ra. Chính những giọt nước ngọt nghĩa tình của Bác, đã tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội một niềm tin tất thắng. Với mệnh lệnh: "Nhắm thẳng quân thù mà bắn", bộ đội Phòng không – Không quân đã giáng trả cho địch những đòn đích đáng, đập tan cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của kẻ địch, tiếp đến làm nên chiến thắng lẫy lừng 12 ngày đêm "Điện Biên phủ trên không", buộc địch phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Câu chuyện dùng tiền tiết kiệm để ủy lạo chiến sĩ của Bác Hồ đã xảy ra cách đây hơn 50 năm, nhưng vẫn còn giữ nguyên giá trị thực tiễn đến bây giờ. Tôi tin rằng, mỗi một chúng ta, bất kỳ là ai khi đọc câu chuyện này thì ít nhiều cũng một lần bật khóc. Sức sống mãnh liệt và sự rung động đến nghẹt thở của câu chuyện, không những là tính chân thực, cách ứng xử của Bác mà chính là ở chỗ: Đức tính giản dị, mộc mạc, chân chất, suốt đời chỉ biết lo cho nước, cho dân của vị lãnh tụ kính yêu, càng tỏa sáng trong những thời điểm khó khăn ác liệt, những giây phút nghiệt ngã nhất. Điều này đã lý giải vì sao Chủ tịch Hồ chí Minh lại chiếm được tình cảm sâu sắc của nhân dân Việt Nam và cảm hóa đến toàn nhân loại. Đó cũng chính là sự bất tử, sự vĩnh hằng của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Từ câu chuyện tấm lòng Bác Hồ với chiến sĩ, chúng ta nhận thức rằng: Mọi việc làm có ích cho xã hội và mọi người đều phải xuất phát từ đạo đức của bản thân, chỉ có đạo đức tốt mới hành động sẽ tốt và ngược lại. Do vậy muốn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh điều kiện tiên quyết là mọi người phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng. Có như vậy mới đóng góp được trí tuệ sức lực của mình ngày càng nhiều hơn cho công cuộc dựng xây đất nước hiện nay. Đồng thời câu chuyện đã chỉ ra: Phải sống bằng sức lao động của bản thân mình, sống thật tiết kiệm, chống lãng phí xa hoa. Sự tiết kiệm ấy sẽ góp phần làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, sự tiết kiệm ấy là hoàn toàn hữu ích. Đi đôi với thực hành tiết kiệm phải kiên quyết chống tham ô, lãng phí ngay trong bản thân, gia đình, nơi đơn vị đang công tác và trong xã hội.